Monday, September 30, 2013

Bão số 10 đang lồng lộn trên đất nghèo Quảng Bình, Quảng Trị






"Bão đang tới. Tan nát" - PV Lê Đức Dục lạc giọng trong gió rít từ Đông Hà (Quảng Trị). "Gió giật cấp 9-10 dữ dội, xe máy không đi được" - Thái Lộc, Lam Giang báo tin từ Đồng Hới (Quảng Bình) lúc 14g30 chiều 30-9... Những thiệt hại nặng nề đã có: hàng trăm nhà đổ sập, tốc mái, ghe thuyền tan vỡ...






Hàng loạt thông tin dồn dập âu lo từ anh em PV, CTV báo về từ vùng tâm bão số 10.
Tại các vùng ven biển như Cửa Tùng, Vĩnh Thạch (Vĩnh Linh, Quảng Trị) sóng biển dậy sóng quật liên hồi vào bờ cao hơn 3 mét. Toàn huyện Vĩnh Linh đã mất điện từ sáng.
Toàn huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) bị cúp điện, chia cắt. Bà con nghe tin bão qua radio dùng năng lượng pin.Trên quốc lộ 1A đoạn đi qua huyện Lệ Thủy xế chiều 30-9 hầu như không một bóng người. Gió biển rít khủng hoảng. Không gian mịt mù.
Đến 14g30 ngày 30-9, dù bão chưa vào bờ nhưng địa bàn huyện Lệ Thuỷ có gió cấp 9, cấp 10, giật trên cấp 10, nhiều xã trong huyện đã bước đầu bị thiệt hại nặng nề.
Theo ông Phạm Hữu Thảo, phó chủ tịch UBND huyện Lệ Thuỷ, đến thời điểm này, trước mắt xã Ngư Thuỷ Bắc đã có hơn 200 nhà tốc mái. Hơn 300 ngôi nhà khác của xã Ngư Thuỷ Trung và Ngư Thuỳ Nam cũng trong tình cảnh tương tự.
Rất nhiều thôn xã thuộc các xã đồng bằng và vùng gò đồi huyện này liên tục báo thiệt hại về trung tâm huyện. Trường THCS An Thuỷ có hai cây xà cừ lớn ngã đổ đè lên mái làm cho nhà đa chức năng bị hỏng nặng. Tuyến đường 565 nối từ Cam Liên đến đường Hồ Chí Minh bị chia cắt hoàn toàn bởi hàng chục cây lớn đổ ngã chắn ngang đường…
Mực nước sông Kiến Giang dâng lên rất nhanh, đến 14g30 cao gần 2m.
* Từ huyện vùng cao Minh Hóa (Quảng Bình), đến13g ngày 30-9, toàn huyện đã di dời 586 hộ dân đến nơi an toàn, gần 800 nhà dân khác cũng neo buộc nhà cửa kỹ càng, tập kết trâu bò lên chỗ cao, chuẩn bị đầy đủ lương thực, nước uống đủ dùng 10 ngày. Nhiều thuyền máy, đò và ca nô được huy động sẵn sàng đối phó bão.
Lúc 14g30, quốc lộ 1A đoạn từ thị xã Quảng Trị, kéo dài ra Đông Hà, qua Gio Linh, Hồ Xá, Quảng Trạch đến thành phố Đồng Hới chìm trong mù mịt mưa.Từng dãy phố im ỉm không bóng người. Trên quốc lộ những đoàn xe không thể tiếp tục lưu thông đã khựng lại hai bên đường. Những chiếc xe cố gắng chạy thoát khỏi tâm bão bị gió quật chao đảo như người say rượu trên đường.
Nhiều chiếc xe máy bị bỏ lại trên đường trong khi chủ nhân của nó tìm những nơi an toàn để trú ẩn. Đất trời xám xịt, tối sầm. Từng trận gió quật liên hồi dưới mưa dày đặc. Những thân cây to bị bắt đầu gãy đổ, những tàn cây bị gió phạt đứt ngang tung bay khắp các mặt đường. Quốc lộ 1A ngổn ngang cây cối. Trong những cây xăng từng đoàn xe tải trú ẩn, những chiếc xe đậy bạt bị gió cuốn sạch. Những mái tôn của các căn nhà tạm ven đường bắt đầu bay liệng phần phật trong gió. Những biển quảng cáo đổ ngổn ngang trên các đồng ruộng. Nhiều căn nhà ở Cam Thủy, huyện Quảng Trạch bắt đầu đổ sập, nhiều người la khóc trong tiếng gió rít.
Những cành tre, trúc, dừa cúi gập đầu xuống mặt đất vì gió. Tiếng mái tôn xô xác, tiếng gió rít đanh tai bắt đầu nổi dậy. Những cành cây bắt đầu bị tuốt lá chỉ còn trơ cành đứng trơ mình hứng gió. Trước đó, điện lưới đã hoàn toàn bị cắt. Mọi phương tiện liên lạc bắt đầu bị đứt, sóng điện thoại chập chờn sắp tắt.
Có mặt tại vùng biển Hải Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình), PV Tiến Long đang cho biết bão đã ở gần bờ biển, mưa to gió lớn mịt mù. Ngoài trời chỉ thấy một màn mưa xối xả và gió gầm rú.
Lúc 15g, gió giật mạnh mẽ hơn, cây cối đổ ngẩn ngang khắp bốn phía. Sóng biển tràn lên đập vỡ nhiều chiếc thuyền, dù đã được ngư dân kéo lên bãi cát cao. Một số nhà dân đã bị gió thổi tốc mái. Có tiếng người kêu cứu trong mưa. Sóng điện thoại rất yếu, sóng 3G mất hoàn toàn.
Từ Đồng Hới, PV Lam Giang cho hay mưa gió đã bắt đầu dữ dội, cây cối ngã khắp các đường phố, không còn một bóng người trên đường, điện đã cúp hoàn toàn. Mưa to và gió gầm rú nên phải gào lớn thì mới nghe qua điện thoại được. Sóng dâng cao khiến nước sông Nhật Lệ lên nhanh, đã ngập hết các nhà ven sông.
Tại Hà Tĩnh, ông Bùi Lê Bắc, chánh văn phòng Ban phòng chống bão lụt Hà Tĩnh, cho biết đến đầu giờ chiều 30-9, Hà Tĩnh đã có gió bão giật cấp 5, cấp 6, đặc biệt ở Kỳ Anh có gió bão giật cấp 9, 10, mưa lớn.
Trưa 30-9, theo ghi nhận chúng tôi tại huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã có mưa bão. Đi xe từ thị trấn Kỳ Anh xuống cảng Vũng Áng, cây cối hai bên đường bị gió bão quật gãy ngổn ngang, không còn bóng ai trên đường. Một số quán hàng nằm dọc đường bị gió đánh tốc mái, bảng hiệu bị gió cuốn bay hàng chục mét.
Tại cảng Vũng Áng, gió bão thổi mạnh. Sóng biển đánh vào bờ cao từ 6-7m. Toàn bộ dãy quán hàng nằm bên bờ cảng bị gió, sóng đánh sập, tốc mái hoàn toàn.
Qua điện thoại, ông Nguyễn Đình Vinh, chủ tịch xã Kỳ Nam (Kỳ Anh), cho biết hiện nay ở xã này đã xuất hiện gió bão giật cấp 8, 9 quật gãy rất nhiều cây cối, người dân đã được sơ tán an toàn.
* Ở Huế, cửa biển Thuận An (thuộc xã Hải Dương) từ trưa 30-9 gió bão thổi rất mạnh kèm mưa lớn khiến hàng loạt cây ở ven biển gãy đổ, sóng biển cao 3-4m dồn dập quật liên hồi vào bờ.  Tuyến đường 49 qua phá Tam Giang bị nước lũ ngập hơn 0,5m. Công an đã lập chốt chặn đường cấm các phương tiện qua lại tại xã Hương Phong.
Ngay tại thành phố Huế, gió mạnh khiến nhiều cây cổ thị trên đường phố ngã đổ ngổn ngang.
Theo bản tin trung tâm khí tượng thủy văn trung ương lúc 13g ngày 30-9, ven biển các tỉnh Thanh Hóa - Quảng Nam có gió giật cấp 6-7. Ở các tỉnh Hà Tĩnh đến Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam và Nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 9 – 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11 - 13, giật cấp 15 - 16. Biển động dữ dội. Bắc vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 8 - 9. Biển động mạnh.
Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có gió mạnh cấp 6 – 7, riêng khu vực các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị có gió mạnh cấp 8, cấp 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 14 - 15. Ở các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa, mưa to đến rất to. Vùng ven biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Trị đề phòng nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao 3 – 4 mét.
LÊ ĐỨC DỤC - QUỐC NAM - THÁI LỘC - VĂN ĐỊNH - LAM GIANG - TẤN VŨ – ĐĂNG NAM - TIẾN LONG

Thừa Thiên-Huế: Sóng biển dâng cao hơn 2 m, hàng trăm cây xanh ngã đổ
Tại Hải Dương (TX. Hương Trà), sóng biển dâng cao đang uy hiếp bờ kè đá được giá cố trước đó. Đến khoảng 8 giờ sáng, tại đây gió đã mạnh dần lên cấp 7, cấp 8.
Đến 12 giờ 30, ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch UBND xã Hải Dương, cho biết hiện tại đã có gió mạnh trên cấp 8, giật cấp 9, cấp 10, sóng biển cao hơn 2m.
Triều cường làm nước biển dâng cao và gió mạnh đã làm tốc mái và sập đổ nhiều hàng quán ở Xóm Chợ, xóm Cồn Đâu. Toàn xã Hải Dương đã di dời 134 hộ, 412 khẩu đến nơi an toàn.
Tại thị trấn Lăng Cô (H.Phú Lộc,Thừa Thiên-Huế), bão số 10 đã ảnh hưởng kể từ khoảng 3 giờ sáng nay (30.9), và từ 8 giờ sáng, cơn bão đã mạnh lên và tràn vào thị trấn này.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online, kể từ 10 giờ sáng nay, từng đợt gió mạnh khoảng cấp 8 - 9 đã quần thảo thị trấn Lăng Cô. Trên khắp địa bàn thị trấn, hàng trăm cây xanh, cổ thụ bị ngã đổ.
Thống kê sơ bộ của UBND thị trấn Lăng Cô lúc 11 giờ cùng ngày cho hay, ít nhất 45 căn nhà bị tốc mái, 2 căn nhà bị sập đổ hoàn toàn; Nhà nghỉ Trung ương Đảng, Trường tiểu học thị trấn Lăng Cô và một số khách sạn cũng bị tốc mái.
Ngay trong đêm và sáng 30.9, các lực lượng chức trách thị trấn Lăng Cô đã hỗ trợ di dời 75 hộ dân với gần 200 nhân khẩu ở các vùng xung yếu, ven sườn núi đến nơi trú ẩn an toàn.
Đến 12 giờ cùng ngày, bão số 10 càng tàn phá Lăng Cô mạnh hơn. Tại ven đường QL1A qua thị trấn hàng trăm quán xá bị tốc mái. Một số hộ dân có phần chủ quan nên mãi đến sáng 30.9 mới gia cố chằng chống nhà cửa, quán xá.
Các lực lượng chức trách cũng phải liên tục di chuyển để hỗ trợ cho người dân và tổ chức giải tỏa cây xanh ngã đổ, gây cản trở lưu thông trên QL1A.
Đích thân bí thư Huyện ủy Phú Lộc, ông Hoàng Văn Giải cũng có mặt tại thị trấn Lăng Cô để chỉ đạo các lực lượng ứng phó, chống đỡ bão.
Do gió mạnh kết hợp với mưa lớn nên công tác phòng chống lụt bão ở thị trấn này gặp rất nhiều khó khăn.
Tại xã Lộc Vĩnh, H.Phú Lộc - vùng đất nằm ven biển như Lăng Cô - bão số 10 cũng đã tàn phá vùng đất này. Đến 10 giờ trưa nay, toàn xã phải di dời khẩn cấp 180 hộ dân (khoảng 400 người).
Lãnh đạo xã cho biết, tình trạng xâm thực nặng tiếp tục xảy ra ở khu vực sông Bù Lu (thôn Cảnh Dương, xã Lộc Vĩnh). Cụ thể, sạt lở bờ sông vào sâu trong đất liền khoảng 4m, trên chiều dài 250 m.
Tại TP.Huế, mưa lớn kết hợp với gió mạnh cấp 6 cấp 7 tại TP.Huế đã làm hàng loạt cây xanh đường phố bị gãy đổ, nhiều khu vực đã bị mất điện do cây đổ đã làm đứt đường dây.
Ngay trong sáng 30.9, Công an TP.Huế cũng đã giúp người dân sống ở các vùng nguy hiểm của Phường Kim Long, Phú hậu, Phú Bình… đến nơi an toàn.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online tại xã Quảng Lợi (H. Quảng Điền), địa bàn xung yếu có nhiều tuyến dân cư sống ven đầm phá Tam Giang, UBND xã Quảng Lợi đã vận động di dời hơn 232 hộ với 825 khẩu đến nơi an toàn, trong đó có 28 hộ gồm những người già, trẻ em và phụ nữ đã được di dời đến Trường mầm non Ngư Mỹ Thạnh.
Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa-Thiên Huế, cho biết đến 9 giờ sáng, toàn tỉnh có một số thiệt hại ban đầu với hàng trăm cây xanh bị gãy đổ; nhiều đê điều, hồ nuôi thủy sản của người dân bị hư hại.
Quảng Bình: Gió đã giật rất mạnh kèm mưa lớn
 

Người dân thôn Tân Hòa, xã Ngư Thủy Bắc (Quảng Bình) sơ tán đến trú tại trường tiểu học
Lúc 12 giờ trưa nay 30.9, tại H.Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, gió đã giật rất mạnh kèm mưa lớn. Trước đó, lúc 11 giờ cùng ngày, gió giật mạnh, theo thông tin từ máy đo tại những hồ nuôi tôm ven biển ở xã Ngư Thủy Trung thì gió đã giật cấp 8, trên cấp 8.
Lúc này, trên đường không một bóng người, hầu hết người dân đều ở trong nhà. Người dân đã sơ tán đến các vị trí an toàn như trường học, nhà kiên cố.
Tại Trường tiểu học xã Ngư Thủy Bắc, giáo viên và người dân thôn Tân Hòa đã trú ngụ nơi đây để tránh mưa bão. Chị Dương Thị Phiên cho biết: “Hầu hết nhà các bà con ở đây đều ở cách mép bờ biển chừng 50-100 m, bình thường thì thôi chứ bão đến nước biển sẽ quét sạch, nên bà con phải sơ tán. Bà con lên đây từ sáng sớm, chủ yếu là người già, phụ nữ và trẻ con; đàn ông, thanh niên khỏe mạnh thì ở lại chằng chống nhà cửa và tàu thuyền. Ăn uống thì được người nhà nấu rồi mang đến”.
Sáng cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Bình đã tổ chức họp khẩn để bàn biện pháp ứng phó với bão. Sau đó, các đoàn lãnh đạo chia nhau về các địa bàn kiểm tra tình hình, chỉ đạo chống bão.

Gió bắt đầu thổi mạnh

Một cây cổ thụ bị gió quật bật gốc chắn ngang đường vào thị trấn Kiến Giang 

Cây gãy đổ chắn ngang QL1

Càng về trưa, gió quật càng mạnh
Đến 12 giờ, ghi nhận của PV Thanh Niên Online, nước đã tràn trên đường chạy dọc ven biển 3 xã Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Trung, Ngư Thủy Nam và chảy rất xiết, gió ngày càng giật mạnh, nhiều cây đã bị gãy đổ.
Ngay sau sự cố xảy ra, lãnh đạo UBND các xã, lực lượng công an huyện Lệ Thủy đã ra chỉ đạo lực lượng tại chỗ cưa cây giải phóng hiện trường. Từ sáng sớm nay, tại huyện Lệ Thủy đã bị cúp điện, các hoạt động khác đã đóng cửa hoàn toàn.
Quảng Trị: Đã hoàn tất công tác di dời
12 giờ 58: PV Thanh Niên Online có mặt tại hiện trường cho biết, tại thị trấn Cửa Tùng, gió bắt đầu thổi mạnh. Những hàng quán ven đường ngày thường tấp nập nay đã đóng kín cửa, đường sá vắng bóng người. Trước đó, người dân tại thị trấn đã chằng chống nhà cửa đề phòng ảnh hưởng của những cơn gió lớn gây tốc mái, sập nhà. Khu vực gần biển, những hàng dương đổ rạp khiến giao thông tại một số tuyến đường bị chia cắt.
Tại xã Vĩnh Tân, nhiều tấm pa nô, áp phích bị gió đánh tơi tả; hệ thống cáp điện thoại sà xuống đường.
Ông Nguyễn Đình Tế, Chủ tịch UBDN thị trấn Cửa Tùng, cho biết toàn bộ công tác di dời người dân ra khỏi nơi nguy hiểm đã hoàn tất. Hiện nay, UBND thị trấn Cửa Tùng đã cắt cử 15 cán bộ để cập nhật thông tin về cơn bão.
 
Cây đổ ở trên đường Huế đi thị trấn Sịa, H.Quảng Điền - Ảnh: Bùi Ngọc Long
 

Sóng biển đánh vào nhà dân ở vịnh Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế)

Một người dân đi tránh bão qua cầu Lăng Cô 

Lực lượng dân quân giúp đỡ một hộ dân bị sập nhà

Nhiều cây cối bị bật gốc

 Một ngôi nhà ven đường QL1A bị sập vào 7 giờ sáng 30.9

Một chiến sĩ CSGT Công an H.Phú Lộc (Thừa Thiên-Huế) đứng điều tiết giao thông trong mưa bão
 

MG-1848-8459-1380516415.jpg
Gió lớn đã quật đổ nhiều cây xanh ven đầm Lập An.
MG-1833-9119-1380516414.jpg
Các khu vui chơi bị gió bão quật tan.
MG-1869-1450-1380516414.jpg
Khu nhà tạm của thợ sửa ôtô trên Quốc lộ 1A bị gió đánh tung mái.
MG-1830-2359-1380516414.jpg
Nhiều nhà dân bị gió tốc mái tôn, buộc phải di dời tránh bão.
MG-1842-9262-1380516414.jpg
Cột điện ngay trước trụ sở Công an thị trấn Lăng Cô bị đổ nghiêng. Một người đàn ông liều mình trèo lên cột điện cạnh đó dùng kìm tháo dây điện...
MG-1856-3030-1380516415.jpg
Tuy nhiên, trụ điện bê tông đổ xuống đường khiến người này suýt ngã.
MG-1896-1659-1380516415.jpg
Những cây xà cừ lớn cũng bị quật đổ, chắn ngang Quốc lộ 1A.
MG-1846-8953-1380516415.jpg
Toàn thị trấn Lăng Cô đã cúp điện từ hôm qua.
MG-1878-8898-1380516414.jpg
Hơn chục ngôi nhà kiên cố trong khu nghỉ dưỡng ở thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) bị tốc mái... 
MG-1886-5597-1380516416.jpg
... những mảnh vỡ văng khắp nơi.
MG-1912-9229-1380516415.jpg
Người dân ven quốc lộ đang thu dọn hiện trường để tiếp tục đón bão.
MG-1894-6259-1380516415.jpg
Mái tôn được gia cố bằng những bao tải cát để tránh bị gió cuốn.

No comments:

Post a Comment