Wednesday, August 21, 2013

Mùa báo hiếu và làm phúc


Mỗi độ thu sang, vào tháng Bảy âm lịch, lại đến mùa Vu Lan. Lễ Vu Lan và lễ cúng Cô hồn đều cúng vào ngày Rằm tháng Bảy nhưng hoàn toàn khác nhau. Một lễ là để báo hiếu, và một lễ là để làm phúc.
Báo hiếu
"Tiết Vu Lan bâng khuâng nhớ cha, ơn dưỡng dục
Mùa Báo Hiếu bùi ngùi thương mẹ, đức cù lao."
Theo kinh Vu Lan, ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẫu thân ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Mẹ ông vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở. Thấy vậy, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.
Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: “Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó.”
Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.
Gương hiếu hạnh của đức Mục Kiền Liên.
Làm phúc
Lễ Vu Lan và lễ cúng Cô hồn hoàn toàn khác nhau. Việc cúng Cô hồn có liên quan đến câu chuyện giữa ông A Nan Ðà, thường gọi tắt là A Nan, với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu).
Một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau, A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa, mặt cháy đen như nó.
A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: “Ngày mai ông phải thí cho bọn ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, và soạn lễ cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ, còn tôi sẽ được sinh về cõi trên”.
A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Đức Phật bèn cho bài chú gọi là “Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ Ðà La Ni”. A Nan đem tụng trong lễ cúng và được thêm phúc thọ…
Tục cúng Cô hồn bắt nguồn từ sự tích này nên ngày nay người ta vẫn nói cúng Cô hồn là Phóng diệm khẩu, với nghĩa gốc là “thả quỷ miệng lửa”. Về sau, lại được hiểu rộng thành các nghĩa khác như: Tha tội cho tất cả những người chết (xá tội vong nhân) hoặc Cúng thí cho những vong hồn vật vờ (cô hồn).
Ý nghĩa nhân văn
Dù khác nhau, cả hai lễ trong ngày Rằm tháng Bảy đều chứa đựng ý nghĩa nhân văn cao cả: Báo hiếu và làm phúc.
Người đi lễ chùa vào ngày Vu Lan sẽ được cài lên áo một hoa hồng. Hoa hồng của ngày Vu Lan là hoa hồng cho tất cả mọi người vì ai cũng có Mẹ. Nhưng không phải đoá hồng nào cũng đỏ thắm. Chỉ có những người còn Mẹ mới cài hoa hồng đỏ. Hoa cho người mất Mẹ sẽ có màu trắng hoặc màu vàng nhạt. Hoa hồng ngày Vu Lan là hoa hồng của bình đẳng giới, được cài lên áo cả nam, nữ, trẻ em, chứ không dành riêng cho phụ nữ như các lễ hội khác.
Mùa báo hiếu Vu Lan trở thành bất tử và là ngày hội của tình thương,
của báo ân, đầy đủ hạnh lành của chư Phật và đạo đức sống muôn đời của loài người.
Trong một số nước Á Đông, lễ Vu Lan thường được tổ chức vào ngày 15 tháng Bảy (âm lịch). Ở Nhật Bản ngày lễ này được tổ chức vào ngày 15 tháng Bảy, hay là ngày 15 tháng 8 (Âm lịch). Trong ngày này, người ta viết ước nguyện rồi treo vào cây trúc với mong ước điều ước đó sẽ trở thành hiện thực.
Tại Việt Nam, việc cúng Rằm tháng Bảy bao giờ cũng phải cúng ở chùa (thờ Phật) trước, rồi mới đến cúng tại gia. Cúng tại gia thường được làm vào ban ngày, gồm hai mâm: cúng tổ tiên tại bàn thờ tổ tiên và cúng chúng sinh ở sân trước nhà hoặc trên vỉa hè, nếu đường rộng.
Tục đốt vàng mã là một hủ tục lai tạp có nguồn gốc từ Trung Quốc, không có trong nghi thức của đạo Phật, nhất là trong mùa báo ân, báo hiếu. Cho rằng việc đốt những vật dụng như trên dương trần xuống thì người ở dưới cõi Âm cũng sẽ có một cuộc sống hiện đại. Vì vậy, trên mâm cúng tổ tiên, nhiều gia đình đặt một mâm cỗ mặn, tiền vàng và cả những vật dụng làm bằng giấy giống như đồ thật: quần áo, giày dép, tivi, tủ lạnh, máy giặt, ngựa, xe gắn máy, xe hơi,... Sau này người ta còn làm nhà cao tầng, điện thoại smart phone, và cả người giúp việc bằng giấy xuống cho người cõi Âm.
Phẩm vật dành để cúng Cô hồn cũng chỉ là tượng trưng, để nghĩ về những u hồn. Có thể là một vài viên kẹo bột, lóng mía, củ khoai, cháo trắng hay gạo và muối. Khi cúng xong, người ta hay gọi những đứa trẻ xung quanh nhảy vào tranh nhau vật cúng.
Phận làm con, có báo hiếu cả đời cũng không đền đáp được công ơn dưỡng dục sinh thành. Còn đối với các bậc cha mẹ, không gì hạnh phúc cho bằng có được những đứa con hiếu thảo và biết thương người. Để báo hiếu cha mẹ ngoài tấm lòng hiếu thảo còn có cả việc làm phước đức. Rằm tháng Bảy, chính là thời điểm thích hợp để tu phước-báo hiếu.
Diệu Minh

No comments:

Post a Comment