Người Hoa dễ dàng bỏ qua mọi xích mích đối với các mối quan hệ xã hội. Họ biết giữ gìn hòa khí trong giao tiếp, nhất là với đối tác, để công việc làm ăn luôn suôn sẻ
Người Hoa nghèo đi làm công hết mực trung thành với chủ. Nhân công trong hãng xưởng của người Hoa người nào việc nấy, không đố kỵ lẫn nhau. Nhân công chỉ biết chu toàn phận sự của mình. Chủ doanh nghiệp (DN) người Hoa điều hành mọi việc, bảo đảm đời sống nhân công sung túc cùng doanh lợi của mình. Do vậy, hiếm khi xảy ra bất hòa cãi vã trong hãng xưởng của người Hoa. Họa hoằn, khi nội bộ phát sinh mâu thuẫn, chủ DN lập tức dàn xếp êm thấm.
Bị chửi rát mặt, vẫn cười cầu tài
Người Hoa vốn ít làm ăn cò con, vốn mạnh làm ăn lớn. Ngoài chợ, một số người Hoa nghèo bán đồ “la” khản giọng rao hàng: “Ngộ mài phèn phèn nị mại phai phai!” (Tôi bán rẻ rẻ cho quý khách mua mau mau!).
Múa lân - sư - rồng, nét đẹp trong đời sống hòa nhã, là của người Hoa ở Chợ Lớn (TP HCM)
Ngày trước, người Hoa gốc gác đảo Hải Nam độc quyền kinh doanh tiệm nước ở Chợ Lớn (TP HCM). Khách vào tiệm nước ỷ có tiền thường la lối nạt nộ. Nhưng dù hối thúc cỡ nào thì chạy bàn vẫn dạ lia lịa, xăng xái chiều lòng khách. Ngay cả lúc khách phật ý chửi bới cũng chỉ thấy chủ tiệm nước nở nụ cười cầu tài, khúm núm đáp: “Hầy dà hầy da!” (Đúng rồi! Đúng rồi!). Bởi vậy, dù khách khó tính cỡ nào, trước thái độ cầu thị dễ thương của chủ tiệm nước cũng đều dễ nguôi ngoai cơn giận. Chủ tiệm nước không thông qua trường lớp đào tạo marketing nhưng biết trọng thị đúng bài bản nguyên tắc nằm lòng của dân marketing rằng khách hàng luôn luôn có lý.
Ngày nay, người Hoa buôn bán ở các chợ đậm phong cách Tàu như chợ Thiếc, Phùng Hưng, Xã Tây, Hà Tôn Quyền, Nguyễn Thời Trung vẫn luôn hòa nhã với khách hàng. Chủ sạp người Hoa nhác thấy người Việt đi ngang qua liền cất giọng mời chào: “Mua gì anh (chị) Hai?” hoặc nhỏ nhẹ: “Mại mí dẹ?” (Mua gì?). Khách mua hàng kỳ kèo trả giá “rát” cỡ nào, chủ sạp người Hoa đều cười giả lả rồi nhỏ giọng năn nỉ xin lên giá. Nếu khách không mua hàng, bỏ đi cũng chẳng bị chủ sạp xách mé, mắng chửi hoặc đốt “phong long” xả xui. Người Hoa buôn bán ngoài chợ hiếm khi biểu hiện văn hóa đuổi khách như vậy.
Chủ DN người Hoa hùn hạp làm ăn lớn theo quy ước bất thành văn là không cho phụ nữ hay biết để đề phòng chị em can thiệp, lời ra tiếng vào dễ gây hiềm khích, bất hòa với bạn hàng. Chủ DN nào phá vỡ quy ước này đương nhiên bị gạt ra rìa. Do vậy, các công ty cổ phần của người Hoa luôn đoàn kết, ngày càng ăn nên làm ra, tạo sức mạnh bền vững trên thương trường.
Hòa hảo quanh năm
Ngày nay, người Hoa nói tiếng Việt sỏi hơn và vẫn giữ được tính cách hòa nhã trong giao tiếp. Hễ gặp người quen lúc gần đến bữa ăn, họ hay hỏi han chân tình rằng đã ăn cơm chưa. Đôi bên nghe trả lời ăn cơm rồi đều mừng lây cho nhau. Tục thăm hỏi này bắt nguồn từ thời xưa, ở Trung Hoa nghèo đói nên nhiều người Hoa phải tha phương cầu thực. Do vậy, họ sẽ mừng vui ra mặt nếu thấy người quen no đủ, sung túc.
Người Hoa gặp người quen tay bắt mặt mừng, hỏi han chuyện làm ăn lẫn nhau, đồng thời kiêng kỵ đề cập những chuyện buồn bực. Trong cuộc trò chuyện, đôi bên thường tạo bầu không khí vui vẻ bằng các câu chuyện vui. Đặc biệt, họ thường hỏi người quen đang đi đâu. Nếu thấy bạn trả lời đang đi buôn bán hoặc đi làm công, họ thể hiện niềm vui vì ai cũng có công ăn việc làm. Đặc biệt, người Hoa kính nể người giàu có nhưng vẫn động lòng trắc ẩn trước người nghèo khó hơn mình. Các đại gia được mọi người tôn kính gọi là ông chủ hoặc bà chủ.
Ngày Tết, người Hoa chú trọng giữ gìn hòa khí sinh tài, dù bực bội cỡ nào đều kiềm chế không hề to tiếng vì sợ gặp xui xẻo quanh năm. Người quen biết chúc tụng phát tài lẫn nhau. Người lớn lì xì tiền cho con nít. Ngày thường, họ chạy xe máy lỡ xảy ra va quệt, lập tức đôi bên xí xóa lẫn nhau rồi đường ai nấy đi. Suốt tháng quanh năm, người Hoa giữ gìn hòa khí để cuộc sống yên vui.
Xóm Tàu nào ở Chợ Lớn đều đầm ấm. Họ quan niệm cái miệng hại cái thân nên nhường nhịn lẫn nhau, sống yên vui sung túc. Hàng xóm láng giềng dù quan hệ tốt đến mấy vẫn “đèn nhà ai nấy rạng” hoặc biết mà vẫn kín tiếng. Thời chiến tranh, các cơ sở bí mật của Ban Hoa vận, Đặc khu Sài Gòn Chợ Lớn - Gia Định trong xóm Tàu được bà con người Hoa che chở, bảo mật cho tới ngày giải phóng.
Hiếm khi xảy ra cãi vã, đánh lộn trong xóm Tàu. Có hiềm khích thì những người liên quan nhanh chóng chứng tỏ thiện chí dĩ hòa vi quý, bắt tay làm lành. Một số đại gia đình người Hoa gồm nhiều anh chị em đã lấy vợ, sinh con sống yên vui dưới mái nhà trong xóm Tàu ở Chợ Lớn. “Tài có” (người anh cả) có quyền lớn nhất khiến các em phải răm rắp nghe theo. “Tài có” giữ vai trò phân công, sắp đặt người nào việc nấy, chăm lo làm ăn. Thậm chí, khi người cha qua đời, người mẹ cũng phải phục tùng người con trai trưởng theo kiểu “phu tử tòng tử”. Dù vậy, chẳng mấy khi xảy ra to tiếng trong đại gia đình người Hoa.
Ông Lưu Kiếm Xương, Đội trưởng lân - sư - rồng Nhơn Nghĩa Đường, cho biết ông thường chất đống đạo cụ choán lối ra vào xóm nhưng hàng xóm chẳng thấy phiền hà. Chủ nhà khóa trái cửa đi vắng, nếu khách đến tìm, khi về đều được hàng xóm thông báo. Thậm chí, chủ nhà quên đóng cửa cũng thấy hàng xóm ghé sang nhắc nhở.
Ân nghĩa sâu đậm
Trong giao tiếp, người Hoa tôn kính gọi người có học thức là thầy, kể cả công chức nhà nước. Người Hoa thường không giỏi Việt ngữ nên hay nhờ người rành chữ Việt viết giúp đơn xin cấp giấy tờ hành chính hoặc hướng dẫn thủ tục pháp lý cần thiết. Chẳng may gặp chuyện liên quan đến pháp luật, họ thường nhờ người có thân thế giúp đỡ. Nếu đã thọ ơn ai, họ sẽ ghi lòng tạc dạ và đền ơn rất xứng đáng.
|
HUỲNH TRUNG NGHĨA
No comments:
Post a Comment