VÕ VĂN TẠO
Trong dàn đồng ca đang rộ lên ở các báo lề đảng, tập trung chỉ trích, chụp mũ luật gia Lê Hiếu Đằng, khi ông đề xuất những đảng viên còn lương tri nên rời bỏ Đảng CSVN để thành lập đảng mới kiểu dân chủ xã hội – làm đối trọng, như nhiều quốc gia dân chủ và tiến bộ trên thế giới, nổi lên giọng lĩnh xướng ghê tai của “hét sĩ” Trần Hữu Phước, nguyên thư ký của cố Trưởng ban Tổ chức trung ương Đảng CSVN Lê Đức Thọ.
Trên báo Sài Gòn giải phóng 27-8-2013, ông Phước cao giọng: “…chủ nghĩa xã hội giàu sinh lực đã được đổi mới và trẻ hóa, vẫn đang đứng vững và tỏa sáng như ngọn hải đăng từ sông Áp Lục xuống tận vùng đất mũi của bán đảo Cà Mau trù phú, từ cánh đồng Chum nổi tiếng của xứ “Triệu voi” nối dài tới hòn đảo tự do của đất nước Cuba, tới châu Mỹ Latinh và vùng biển Caribê mênh mông bát ngát…”.
Thảm hại thay! Những bằng chứng về cái gọi là sức sống tươi trẻ của CNXH được ông Phước trưng ra gồm Triều Tiên, Cu Ba, Lào, Việt Nam và Trung Quốc.
Không mấy người không biết Lào hiện nay nằm trong tốp quốc gia chậm tiến và lạc hậu nhất thế giới. Tuy nhiên, có lẽ do quốc gia này có diện tích nhỏ, dân số ít, lại không có vị trí địa lý quan trọng, Lào chưa bị đặc biệt quan tâm, xếp vào diện méo mó nhất về đời sống chính trị. Vì vậy, đem Lào ra để tô vẽ bức tranh “CNXH giàu sinh lực” thì chỉ cho một màu xám ảm đạm. Không mấy người không biết, hiện nay Lào vẫn là quốc gia của các bộ tộc nghèo đói, lạc hậu, lệ thuộc rất lớn vào viện trợ nước ngoài.
Người không chịu nhận tiền đền bù thu hồi đất ở Trung Quốc bị xe lu cán chết
Cu Ba thì sao? Ngay báo chí lề đảng của Việt Nam cũng đăng tải nhiều thông tin cho thấy, mãi đến 2011, người dân mới được nhà cầm quyền cho phép sử dụng điện thoại di động và internet một cách hạn chế. Thi thoảng quốc gia thiếu đói này lại được Việt Nam – tuy chẳng khá giả gì – tiếp tế dăm nghìn tấn gạo cứu đói. Được cho vài chục dàn vi tính, mừng như Syria được Nga tiếp tế tên lửa S-300! Tham quyền cố vị hơn nửa thế kỷ, đến năm 2011, nhà lãnh đạo Fidel lụ khụ và bệnh hoạn ở tuổi 85 mới chịu nhường ngôi cho… em trai là Raul vừa tròn… 80 cái xuân xanh! Sau hơn nửa thế kỷ giam hãm nhân dân và đất nước Cu Ba trong cơ chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, anh em nhà Castro mới nới lỏng chút ít, cho phép kinh tế tư nhân sử dụng không quá 10 lao động! Khó khăn do bị cấm vận là có, nhưng không thể phủ nhận việc duy trì chủ nghĩa xã hội một cách không thể ngu độn hơn do anh em Castro chủ trương là nguyên nhân cơ bản và chủ yếu biến hòn đảo ngọc tươi đẹp ở vị trí đắc địa, giàu tiềm năng như Cu Ba thành xứ sở xơ xác, tiều tụy và nghẹt thở.
Hãy xem Bắc Tiều Tiên: từng đồng minh thân cận ý thức hệ một thời, nhưng rốt cuộc Hà Nội cũng nhận ra được cái thực tế oái ăm: dây với cái gã điên khùng, ngày càng nghèo cạp đất này chỉ tổ “lõm” cả kinh tế, chính trị lẫn ngoại giao… để dần lảng xa Bình Nhưỡng như tránh hủi. Từng gần gũi, thân cận như môi với răng, từng bảo bọc, hà hơi nuôi dưỡng Bình Nhưỡng thoi thóp hơn sáu thập kỷ, gần đây Bắc Kinh cũng ngán đến tận cổ, thậm chí có lúc phải nổi khùng với con rối nhiều tật lắm chứng này. Nối nhau truyền ngôi từ ông nội già nua đến bố đẻ, rồi cháu nội vắt mũi chưa sạch, gần 7 thập kỷ qua, với tham vọng ngông cuồng tập trung nguồn lực chế vũ khí hạt nhân và phương tiện chiến tranh, coi sinh mạng hơn 25 triệu nhân dân Triều Tiên và nền hòa bình thế giới làm con tin, vương triều họ Kim đem ra mặc cả đổi lấy các khoản ngoại viện lương thực, nhu yếu phẩm cấp thiết.
Nếu như việc đem Lào ra tô vẽ bức tranh “CNXH giàu sức sống” chỉ cho một màu xám ảm đạm thì việc đem cả Cu Ba, Triều Tiên ra tô vẽ, lại chỉ cho một màu đen hắc ám. Có điều, khi vẽ bức tranh này, ông Trần Hữu Phước lại cố tình phớt lờ thực tế phũ phàng: CNXH từng “mênh mông bát ngát” hơn ông mô tả rất nhiều, với Liên Xô, Đông Âu một thời. Liên Xô và Đông Âu không chỉ có diện tích rộng, dân đông, mà còn từng là thành trì của cả khối XHCN, quê hương của Cách mạng Tháng Mười, Chủ nghĩa Mác – Lê Nin và phong trào cộng sản quốc tế. Sau biến cố hơn 2 thập kỷ trước, các đảng cộng sản ở đây chưa có cơ may được cử tri chấp nhận trở lại chấp chính.
Công bằng mà nói, trong 5 quốc gia mà ông Trần Hữu Phước phô trưng nhằm tô vẽ cho cái gọi là “CNXH giàu sinh lực”, có được hai nước đỡ hơn về kinh tế là Trung Quốc và Việt Nam. Thế nhưng, những ai chịu khó tìm hiểu và nghiên cứu một chút, đều có thể phát hiện điều lý thú ở hai quốc gia này. Đó là: càng rời xa lý thuyết cộng sản giáo điều, càng vứt bớt đặc trưng của CNXH (theo đúc kết của các nhà lãnh đạo cộng sản), càng đỡ đói nghèo. Theo đúc kết ấy, một quốc gia chỉ được coi là mang bản chất XHCN khi đảm bảo các đặc trưng cơ bản: do đảng cộng sản (hoặc dưới các tên khác như đảng lao động, đảng nhân dân cách mạng, đảng công nhân thống nhất, đảng thống nhất XHCN… đều lấy chủ nghĩa Mác – Lê Nin làm hệ tư tưởng thống soái) cầm quyền, mọi công cụ và tư liệu sản xuất chủ yếu thuộc sở hữu nhà nước; xóa bỏ giai cấp bóc lột (tư nhân thuê lao động), chỉ tồn tại giai hai cấp công nhân và nông dân; tổ chức và điều hành nền kinh tế theo phương thức chỉ huy, kế hoạch hóa, tập trung và thống nhất; con người làm theo năng lực, hưởng theo lao động; không có sự đối lập, khác biệt giữa thành thị với nông thôn, giữa lao động chân tay với lao động trí óc… Đối chiếu với những đặc trưng trên, hiện nay Trung Quốc và Việt Nam chỉ còn đặc trưng duy nhất: đảng cộng sản độc quyền chấp chính.
Ở Việt Nam, bắt đầu từ năm 1986, Đảng CSVN chính thức chấp nhận “đổi mới” – mà nhiều người trong giới nghiên cứu chính trị gọi là “cởi trói” hay “biến màu” – một phần đáng kể công cụ, tư liệu sản xuất được chuyển khỏi sở hữu nhà nước, ra đời ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân hoặc cổ phần. Nhiều doanh nghiệp này sử dụng đến hàng nghìn, hàng chục nghìn lao động,phần lớn cho hiệu quả thật sự và làm ăn khá năng động. Tầng lớp tư sản, tiểu chủ tái xuất hiện và ngày càng đông đảo. Do bỏ điều hành kinh tế theo phương thức kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, thừa nhận kinh tế thị trường (tuy vẫn gắn cái “đuôi” định hướng XHCN), mức sống xã hội đỡ rất nhiều so với trước. Nhưng cũng xuất hiện ngày càng đông những kẻ không hề lao động, hoặc năng lực rỗng tuếch, nhưng nhanh chóng sở hữu tài sản kếch sù, sinh hoạt trưởng giả xa hoa, đến giới thượng lưu ở các nước giàu có cũng không thể sánh. Đó là tập hợp bầy quan chức tham nhũng trong bộ máy đảng và nhà nước; giám đốc doanh nghiệp nhà nước; chủ doanh nghiệp tư nhân chuyên đi đêm, câu móc với quan chức nhà nước hư hỏng để chiếm đoạt đất đai và tài nguyên. Khác biệt đời sống giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu vùng xa ngày càng lớn. Có chăng, lao động trí óc ngày càng bị bần cùng hóa, mức thu nhập càng gần với lao động chân tay. Thậm chí trường hợp thu nhập của kỹ sư, cử nhân thua kém osin, phu hồ, xe ôm, chạy bàn… không hiếm.
Cưỡng chế thu hồi đất
Về đảng cầm quyền, khác với Đảng CSVN trước nay luôn tuyên bố trung thành và đề cao chủ nghĩa Mác – Lê Nin (sau khi Liên Xô và Đông Âu rũ bỏ CNXH xơ cứng và nghẹt thở hồi cuối thập niên 1980 – đầu thập niên 1990, Đảng CSVN “chế” thêm cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh” làm “gia vị”, mặc dù sinh thời Hồ Chí Minh khẳng định ông chỉ là nhà hoạt động cách mạng, không phải nhà tư tưởng), ĐCS Trung Quốc cũng tuyên bố đi theo lý tưởng cộng sản, nhưng họ nghiêng về cái gọi là “tư tưởng Mao Trạch Đông” rất sớm và tuyên bố xây dựng CNXH không theo khuôn mẫu Liên Xô, mà mang “đặc sắc Trung Quốc”. Sau cái chết của Mao Trạch Đông năm 1976, với đầu óc thực dụng, không bận tâm bởi lý thuyết cộng sản giáo điều, thực thi phương châm “bất kể mèo trắng hay mèo đen, miễn là bắt được chuột”, Đặng Tiểu Bình lái con thuyền kinh tế Trung Quốc lướt tới. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chính chủ trương xa rời lý thuyết cộng sản giáo điều của họ Đặng mạnh dạn hơn Việt Nam là nguyên nhân thúc đẩy kinh tế Trung Quốc có được mức tăng trưởng nhanh hơn Việt Nam rất nhiều. Tuy nhiên, là quốc gia có dân số 1,4 tỷ người, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về dự trữ ngoại tệ, nhưng bình quân thu nhập đầu người chưa bằng 1/10 Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế – chính trị học lão luyện cho rằng, tương tự người chơi thể thao xài doping, một số quốc gia duy trì nền chính trị độc tài, nhà nước có điều kiện tập trung nắm trong tay mọi nguồn lực và tài nguyên, có thể đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh kinh tế và quân sự ở một giai đoạn nhất định. Nhưng hiện tượng đó là bất bình thường và phản tự nhiên, không căn bản và không thể bền vững (nước Đức phát xít thời Hitle, Liên Xô thời Stalin cũng vậy).
Trên đây là một vài nét chấm phá cơ bản về khía cạnh kinh tế trong bức tranh có tên gọi kêu hơn thùng rỗng: “CNXH giàu sức sống” của ông Trần Hữu Phước. Về khía cạnh đời sống dân chủ chính trị – xã hội, xin được bàn ở một dịp khác.
V.V.T
No comments:
Post a Comment