Những năm cuối của thập niên 70, tôi ở thời sinh viên đại học, tham gia những hoạt động của hội sinh viên Việt Nam tại đại học Long Beach. Bắt đầu là cuộc thi truyền thống Hoa Hậu Áo Dài, sau đó đã nhiều năm trở thành một dấu ấn, sự kiện lớn trong sinh hoạt văn hóa văn nghệ của cộng đồng người Việt. Khác hơn, vẫn chưa có nhiều sinh hoạt, vài buổi văn nghệ chưa tầm cỡ, được tổ chức tại Los Angeles nhiều hơn là khu vực Santa Ana. Quán ăn cũng rất ít, những quán thuở ban đầu trên con đường Bolsa thì có Hoài Hương là nơi chốn được chú ý. Chợ thì có chợ Quê Hương I và II, nhưng không nằm ngay trong khu vực Bolsa. Báo chí thì lưa thưa, chỉ có tờ Hồn Việt, Trắng Đen ở miền Nam Cali, và tờ Tiền Phong ở vùng Virginia, là những tờ báo quan trọng trong cộng đồng. Quận Cam vẫn chưa đông người Việt, chưa ai nghĩ đến cái tên Little Saigon.
Qua đến thập niên 80, con đường Bolsa bắt đầu thu hút nhiều hơn. Như một linh thiêng nào đó, có lẽ là đất linh, nên tự nhiên mà ngay ban đầu nhiều người đã tìm đến đường Bolsa kinh doanh. Đầu thập niên 80 tuy chưa có thương xá Phước Lộc Thọ, nhưng đã có nhiều cơ sở thương mại người Việt. Khu thương xá góc đường Bolsa và Magnolia, Bolsa và Bushard cùng với khu thương xá Bolsa Mini (tức khu nhà hàng Thành Mỹ ngày nay) là những thương xá tập trung các cơ sở thương mãi người Việt đầu tiên. Nhà hàng Thành Mỹ bắt đầu từ thời gian này. Phía bên con đường Brookhurst cũng thành hình một số cơ sở thương mãi người Việt. Người Việt bắt đầu tập trung những sinh hoạt kinh doanh trên khu vực Bolsa, Brookhurst nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chợ và nhà hàng nằm bên phía thành phố Santa Ana, trên đường First và đường Westminster, gần Fairview.
Tôi vẫn không hiểu lý do nào người Việt bắt đầu kéo nhau về quận Cam sinh sống mỗi ngày đông hơn. Trước kia là khu vực thành phố Santa Ana, rất đông cư dân gốc Việt tỵ nạn tại đây. Dần dà mở rộng hơn về phía tây tức thành phố Westminster. Người Việt thời đó, đa số vẫn chưa đủ sức mua nhà riêng, nhưng thuê nhà, thuê chung cư thì nhiều. Nhiều chung cư có cả trăm gia đình người Việt, như một ngôi làng.
Thương Xá Bolsa Mini là một trong những trung tâm thương mãi đầu tiên của người Việt trên đường Bolsa. Những doanh gia giàu có như Triệu Phát, Quách Nhất Danh,... bắt đầu đầu tư địa ốc trên các khu phố Bolsa. Những cánh đồng rau cải, cây ăn trái và những khu nhà mobile home được mua lại, xây dựng thành những khu thương xá. Rồi thương xá Phước Lộc Thọ được xây dựng vào giữa thập niên 80, được xem là thương xá lớn nhất đẹp nhất lúc đó, bắt đầu cho thấy hình ảnh một khu vực của cộng đồng người Việt tập trung.
Nhưng chủ nhân của khu thương xá Phước Lộc Thọ lại chọn cái tên thương xá là Asian Garden Mall, không chọn tên tiếng Việt nào để tiêu biểu. Nhiều cửa hàng lại có bảng hiệu tiếng Hoa và tiếng Việt, cho dù người mua sắm là người Việt đông hơn người Hoa. Hình ảnh khu phố Bolsa, tuy mở rộng hơn với nhiều thương xá khu phố mới, nhưng chưa có sắc thái tiêu biểu của người Việt.
Giữa thập niên 80, đã có người đề nghị một cái tên rất hay cho khu vực Bolsa. Little Saigon. Nhà báo Du Miên lúc đó là người đầu tiên có ý tưởng chọn cái tên Little Saigon cho con đường Bolsa với hàng chục cơ sở kinh doanh người Việt đã mọc lên. Ông có tinh thần phản bác chuyện biến khu phố này thành một trung tâm thương mãi cho người Á Châu hay cho người Hoa dù là người Việt gốc Hoa. Nhà báo Du Miên muốn đây là một khu vực của riêng cộng đồng Việt Nam. Chính ông là người muốn chọn cái tên Little Saigon cho khu vực Bolsa người Việt kinh doanh.
Thương xá Phước Lộc Thọ vẫn là trung tâm thu hút nhiều du khách và người Việt đến. Tuy dù không thay đổi cái tên Asian Garden Mall, nhưng nhiều người đã mong muốn có cái tên khác, riêng cho người Việt, mang hình ảnh sắc thái văn hóa Việt. Saigon vẫn là cái tên bất diệt trong lòng hàng trăm ngàn người Việt ở Mỹ, nhất là đa số cư dân người Việt lúc đó là người tỵ nạn chính trị. Cho dù đến Mỹ qua cuộc chạy trốn lưu vong ngày 30 tháng 04 năm 1975, hay cho dù đến Mỹ bằng thuyền vượt biển hay đi bộ vượt biên đến Thái Lan, Mã Lai Á, Nam Dương, Phi Luật Tân, hay Hồng Kông, người dân Việt lúc đó vẫn nghĩ mình là người Việt sang nước Mỹ để tỵ nạn chính trị, và vẫn mơ có một ngày về lại quê hương tự do không cộng sản. Cái tên thủ đô Saigon của miền nam Việt Nam, của Việt Nam Cộng Hòa vẫn không chết.
Những thương gia gốc Việt yêu cộng đồng và những người hoạt động cho cộng đồng, cùng đồng ý nên có cái tên Little Saigon cho khu vực thương mãi người Việt tại thành phố Westminster. Bắt đầu là con đường Bolsa, rồi đến Brookhurst, rồi qua Westminster Blvd, trở về đường Magnolia. Trọn cả khu vực này, sẽ nên là một khu phố riêng cho người Việt hải ngoại. Tất cả đồng ý với cái tên Little Saigon. Không ai chọn tên nào khác hơn. Không ai chọn tên Vietnam Town. Bởi vì Little Saigon sẽ là Saigon ở nước Mỹ. Người dân Việt không muốn Vietnam Town bởi vì vẫn chỉ muốn nhìn nhận miền nam và Saigon, trong khi cái tên Vietnam Town sẽ bao rộng cả miền Bắc và Hà Nội.
Một ủy ban vận động phát triển Little Saigon được thành lập. Bao gồm hầu hết các nhân sĩ và doanh nhân uy tín trong cộng đồng Việt. Kể công cho lịch sử, thì không phải chỉ có các vị này, mà phải kể đến những góp sức, yểm trợ tinh thần từ các báo chí, hội đoàn, và nhiều người khác. Cho dù lá phiếu người Việt lúc đó chưa mạnh lắm, nhưng tinh thần cộng đồng người Việt hội nhập vào dòng chính của người Mỹ đã nẫy mầm. Cũng may mắn là lúc đó các viên chức dân cử và các vị lãnh đạo tiểu bang, địa phương là thuộc đảng Cộng Hòa, vốn đang muốn thu phục cộng đồng người Việt vào đảng họ, nên sẵn sàng đón nhậ thỉnh nguyện của người Việt.
Little Saigon được chính thức công nhận tên cho trung tâm thương mãi người Việt tại thành phố Westminster (và một phần của thành phố Garden Grove) vào tháng 6 năm 1988.
Công lao vận động chính trị với chính quyền tiểu bang California thì phải kể công ông Trần Thái Văn, lúc đó chỉ mới 23 tuổi, còn đang là sinh viên, nhưng đã có vai trò làm phụ tá cho các vị dân biểu liên bang, dân biểu tiểu bang lúc đó. Ông hiểu biết cách vận động chính trị vào chính quyền Mỹ hơn ai hết. Cho nên, nhắc đến công lao vận động có được cái tên Little Saigon hôm nay, thì Trần Thái Văn xứng đáng được nhắc nhở nhiều.
Từ khi có tên Little Saigon, cộng đồng người Việt tại quận Cam phát triển mạnh mẽ hơn về chính trị lẫn kinh tế. Cứ theo thời gian, từ năm 1988 đến nay đã 25 năm, nhìn lại số lượng cơ sở thương mãi người Việt phải gia tăng hơn 1000 phần trăm. Trước tháng 06, 1988, tổng số các cơ sở thương mãi người Việt tại khu vực Bolsa - Brookhurst - Magnolia, cũng chỉ hơn 200 cơ sở mà thôi. Ngày nay, chỉ riêng số lượng nhà hàng, các nơi chốn ăn uống, cũng đã hơn 200 điểm rồi. Con đường Bolsa quẹo sang Brookhurst xuống đến Westminster và kéo về Magnolia, hoàn toàn là một khu phố người Việt. Little Saigon đó. Theo thống kê Census 2010, thì dân số người Việt tại Westminster và Garden Grove đông dân nhất trên toàn nước Mỹ, và có lẽ trên toàn thế giới nếu nói về cấp thành phố. Chính cái tên Little Saigon và những đường phố này đã kéo người Việt tìm về đây để an cư lạc nghiệp. Những tháng năm kinh tế khó khăn, người Việt vẫn mua nhà ở các vùng ngay quanh Little Saigon, và vẫn nhiều cơ sở thương mãi tiếp tục dựng lên.
Từ khi có tên Little Saigon, thì bắt đầu có những vị dân cử gốc Việt vào các chức vụ tại địa phương. Nghị Viên Tony Lâm là vị dân cử đầu tiên của cộng đồng người Việt tại nước Mỹ, rồi lần lượt đến các nhân vật dân cử ngày hôm nay. Những mùa bầu cử, các chính khách người Mỹ vẫn phải đến Little Saigon. Nhiều vị tổng thống hay ứng cử viên tổng thống Hoa Kỳ cũng đã đến Little Saigon để chiêu mộ những lá phiếu như George W. Bush, John McCain... Hầu hết các Thống Đốc của California đều đã có viếng Little Saigon, nhưng đệ nhất phu nhân Barbara Bush (TT George H.W. Bush) là người đầu tiên từ tòa Bạch Ốc đã viếng thăm Little Saigon năm 1988. Sau đó chính tổng thống George H.W. Bush cũng đã viếng Little Saigon mùa tranh cử.
Little Saigon cũng trở thành nơi chốn của những dấu ấn lịch sử đấu tranh chống cộng, cho tự do dân chủ của người Việt. Cuộc biểu tình chống cộng dài nhất, lớn nhất trong lịch sử cộng đồng người Việt cũng đã xảy ra tại ngay trung tâm Little Saigon. Những xuất phát biểu tình đấu tranh cũng từ trên con đường Bolsa. Những lá cờ vàng ba sọc đỏ vẫn có thể nhìn thấy mỗi ngày phất phới tung bay hiên ngang trên con đường Bolsa, trên những đại lộ của khu vực Little Saigon. Những đoàn khách từ Việt Nam khi đến miền nam California, vẫn phải muốn đến Little Saigon, tham quan chụp hình, cho dù họ lén lút e dè vì nhìn thấy tinh thần chống cộng cao độ của cộng đồng Viêt ở đây. Nhưng cả hai thành phố Westminster và Garden Grove đều có nghị quyết cấm các phái đoàn chính quyền CSVN đến thành phố, có nghĩa rõ ràng hơn là đến khu vực Little Saigon. Quả thật Little Saigon là một nơi chốn riêng của cộng đồng người Việt không cộng sản.
Little Saigon tại quận Cam cũng đã bắt đầu cho những Little Saigon tại các nơi khác. Nhiều thành phố khác ở nước Mỹ, ở Canada, ở nước Úc,... cũng đã lấy tên Little Saigon cho khu vực thương mãi của người Việt, dù chính thức hay không chính thức.
Nếu chú ý hơn, chúng ta sẽ thấy từ ngày có tên Little Saigon, thì những hiện trạng xấu xảy ra trong cộng đồng cũng đã ít hơn. Trước thời điểm hình thành tên Little Saigon, cộng đồng người Việt tại quận Cam đã choáng váng với nhiều tin tức không đẹp xảy ra trong khu vực. Những vụ thanh toán bắn nhau, những băng đảng tội phạm của nhiều thanh thiếu niên gốc Việt, những tai tiếng gian lận bảo hiểm y tế medical, nhiều tội phạm dây chuyền có tổ chức khác... đã làm người Việt buồn bã vì bị ảnh hưởng tai tiếng, nhưng nay đã giảm sút nhiều. Từ khi có sự thành hình của cái tên Little Saigon, cộng đồng có tổ chức hơn, giáo dục và văn hóa cộng đồng phát triển nhiều hơn, người Mỹ tôn trọng cộng đồng Việt nhiều hơn, nên cũng giúp giảm bớt nhiều vấn đề tai tiếng hay tình trạng tội phạm trong cộng đồng. Có lẽ khi nhìn thấy hình ảnh của một cộng đồng đầy hãnh diện qua những sinh hoạt và văn hóa, thì nhiều người sẽ e dè hơn khi làm những điều có thể giảm sút thanh danh chung của cái tên Little Saigon. Trái lại, tuy vẫn chưa thể đoàn kết chung một với nhau, nhưng đa số vẫn cố gắng làm đẹp hình ảnh của cộng đồng qua khu vực Little Saigon này.
Tôi đến nước Mỹ hơn 38 năm. 35 năm sống ngay tại quận Cam. Tôi đã nhìn thấy Little Saigon từ những ngày đường phố còn vắng lạ, chỉ là đồng ruộng dâu chỉ lưa thưa vài quán xá, cửa hàng người Việt. Tôi đã nhìn thấy Little Saigon khi khu phố chưa được mang tên, và người mình vẫn còn cảm giác lạc lõng ở nước Mỹ này. Tôi đã nhìn thấy Little Saigon khi cộng đồng còn phôi thai, một tháng có chừng một sinh hoạt văn hóa văn nghệ nào đó đa số là do sinh viên tổ chức, và tất cả mọi người cùng nhau kéo đến xem. Tôi đã tham gia nhiều sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, chính trị, xã hội cùng với cộng đồng từ thuở còn rất giới hạn đó. Tôi cũng đã tham gia làm việc vào nhiều cộng đồng bạn khác như Đại Hàn, Trung Hoa, Phi Luật Tân, Ấn Độ... Tôi đã nhìn thấy, để so sánh họ và cộng đồng mình. Nhưng điều có lẽ tôi phải luôn hãnh diện tự hào, mà chính nhiều người Mỹ cũng đã nhìn nhận, đó là chưa cộng đồng nào phát triển nhanh và mạnh mau chóng như cộng đồng người Việt. Người Trung Hoa mất cả trăm năm để có tên China Town tại San Francisco và New York, Los Angeles, người Nhật mất hơn 40 năm để có tên Little Tokyo tại Los Angeles, người Thái cũng mất hơn hơn 40 năm để có tên Thai Town, người Đại Hàn cũng vài chục năm từ khi cộng đồng bắt đầu ở Mỹ để có tên Korean Town tại Los Angeles. Nhưng người Việt chỉ có sau 13 năm đã có được cái tên Little Saigon chính thức trên bản đồ nước Mỹ, có bảng tên trên những xa lộ chính đông xe nhất của miền nam California.
Xuân về trên Little Saigon. Hình: Vũ Đình Trọng/Sống Magazine
Bây giờ Little Saigon đã trở thành cái tên thương yêu, rất đỗi thân thương trong lòng người Việt ở nơi đây. Nhất là những người đã đến đây từ thập niên 70, 80. Họ đã mất Saigon, và họ tìm lại được quê hương ở Little Saigon này. Những người Việt phương xa, từ các tiểu bang, về đến Cali phải ghé qua khu phố Little Saigon. Nhiều khi họ không muốn quay về chốn ở nữa, mà lắm người đã cuối cùng thu xếp về định cư ở quận Cam này, để được mỗi ngày mỗi tuần xuống phố Little Saigon. Người Việt ở đây hàng chục năm như tôi, vẫn không thể không đến Little Saigon mỗi cuối tuần hay mỗi ngày. Cho dù xuống phố Bolsa, đi qua con đường Brookhurst hay Magnoliua, dòng xe cộ như mắc cửi. Khó đi, chậm chạp, kẹt vô cùng những ngày cuối tuần. Nhưng xuống phố Bolsa, cứ như mình đi về quận Nhất của Saigon. Vui, vui quá, ăn uống cũng chỉ có những chổ ở nơi này là ngon nhất xứ mà thôi. Nhiều người mỗi năm bay về Việt Nam, về lại thành phố Saigon ngày xưa, nhưng có khi vẫn thấy nhớ con phố Bolsa, hay có ai hỏi mình ở đâu thì trả lời, tôi sống gần Little Saigon lắm.
25 năm, chúng ta nên cám ơn nước Mỹ đã cho chúng ta cái tên Little Saigon. Chúng ta cám ơn chính phủ tiểu bang California, chính phủ thành phố Westminster và Garden Grove, cho dù biết rằng họ ưu đãi mình cũng là vì quyền lợi chính trị của họ, nhưng cám ơn họ vì cái tên Little Saigon đã có nơi đây giữa quận Cam này. Chúng ta cám ơn những người của cộng đồng đã mang trái tim và khối óc để đấu tranh cho có được tên Little Saigon nơi này. Khi nào chúng ta đến một tiểu bang khác nơi xa, cho dù nơi chốn đó có đông người Việt, nhưng chúng ta sẽ thấy mình may mắn vì đang sống ở một nơi có chốn tên gọi là Little Saigon.
Hãy vinh danh Little Saigon chúng ta ngày hôm nay, và xây dựng một cuộc sống cộng đồng sẽ làm hào quang hơn cho cái tên Little Saigon. Quê hương chúng ta bây giờ, chính là nơi đây, chính là chốn này đó.
Phải bởi Little Saigon này, mà ngày hôm nay chúng ta vẫn còn là người Việt khi mang quốc tịch Mỹ, khi sống ở nước Mỹ. Vì thế tại sao Little Saigon quan trọng và thân thương cho chúng ta.
Little Saigon, quê hương vẫn đang có ở chốn này.
Hồ Văn Xuân Nhi
No comments:
Post a Comment