Sunday, May 26, 2013

LỄ ĐỘNG THỔ DỰ ÁN TÀN PHÁ LĂNG NGÔ QUYỀN


CẤP BÁO TỪ LÀNG CỔ ĐƯỜNG LÂM:
HỌ NGÔ LÉN LÚT LÀM LỄ ĐỘNG THỔ 
DỰ ÁN TÀN PHÁ LĂNG MỘ VÀ ĐỀN THỜ NGÔ QUYỀN

0h đêm qua, rằm tháng Tư năm Quý Tỵ (24.5.2013), dòng tộc họ Ngô đã lén lút làm lễ ĐỘNG THỔ tu bổ Đền thờ Ngô Quyền tại làng Cam Lâm - xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây - Hà Nội.

Trong quang cảnh Đền Ngô Quyền đèn nến lập lòe, những người hành lễ đã thắp nến bát quái, bày đặt hình nhân thế mạng, ngựa voi mã to như ngựa voi thật càng làm cảnh tượng lễ cúng thêm phần rùng rợn. 

Đáng chú ý là chính quyền các cấp ở địa phương, Ban quản lý làng cổ Đường Lâm, Phòng Văn hóa thị xã Sơn Tây, Cục Di Sản, Bộ Văn hóa đều không cơ quan nào được báo cáo về việc này.

Ai chủ trương lễ Động thổ? Ai phê duyệt cho việc phá đền Ngô Vương và động đến phần mộ của Ngô Vương? 

Theo người dân địa phương, Dự án chỉ giữ lại huyệt mộ Ngô Quyền, ngoài ra phần kiến trúc lăng, kiến trúc đền và xung quanh đều bị san phẳng để xây mới, quy mô hoành tráng.

Chính quyền xã Đường Lâm, chính quyền thị xã Sơn Tây, Ban Quản lý Làng cổ Đường Lâm; Sở Văn hóa Thể thao Du lịch Hà Nội, UBND TP Hà Nội; Cục Di sản Bộ Văn hóa hoàn toàn phải chịu trách nhiệm trước lịch sử về chuyện này! 

Dưới đây là 2 video clip của lễ Động thổ Dự án phá hoại Lăng mộ và Đền thờ Ngô Quyền, do người dân địa phương ghi lại lúc nửa đêm ngày 24.5.2013 (Rằm tháng Tư Quý Tỵ):

 


Dưới đây là bài cảnh báo đã đăng lúc 15h41: Ngày 10.5.2013


CẤP BÁO TỪ LÀNG CỔ ĐƯỜNG LÂM

Tôi cấp báo với các nhà quản lý di sản ở trung ương, những ai quan tâm đến lịch sử và văn hóa của cha ông tổ tiên chúng ta, cùng những ai đã từng đến Đường Lâm cổ ấp quê tôi một việc sau:

Hiện đang có một dự án Tu bổ tôn tạo Di tích Đền và Lăng Ngô Quyền, tại xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Tp Hà Nội.

Dự án này do BQL di tích làng cổ Đường Lâm là chủ đầu tư. Theo đó, kinh phí do Ban liên lạc dòng tộc họ Ngô chuẩn bị - hiện đã có 10 tỷ trong tổng số 35 tỷ VNĐ. 

Theo bản vẽ hiện đặt tại Đền thờ Ngô Quyền, thì Dự án này đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch thỏa thuận tại công văn số 2753/BVHTTDL - DSVH ngày 9/8/2012.

Việc đụng đến một di tích đặc biệt quan trọng là Đền và Lăng Ngô Quyền - trong đó đặc biệt là Lăng mộ là một việc hết sức hệ trọng, không còn nằm trong phạm vi dòng họ Ngô hay BQL Di tích Làng cổ nữa. Trong khi, vấn đề quản lý, tu bổ ở Đường Lâm thời gian qua đã khiến dư luận trong nhân dân và cán bộ rất bức xúc, báo chí rất quan tâm, và những người yêu quý trân trọng di sản của tổ tiên rất đau xót.

Tôi khẩn thiết kêu gọi mọi người hãy tác động mạnh mẽ, nếu cần thì tổ chức một cuộc biểu tình tại Đường Lâm để dừng ngay việc triển khai dự án này!

Để tham khảo, chúng ta hãy xem Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch tu bổ Làng cổ Đường Lâm như thế nào - ở trường hợp Đình Làng Mông Phụ:

Khi bắt đầu cuộc trùng tu, thợ bắt đầu làm việc. Họ leo lên nóc đình, dùng chân đạp ngói xuống. Ngói cổ hàng trăm năm rơi xuống sân đình vỡ tan cả, trong sự ngạc nhiên của các cụ già trong làng.

Dù nhà nước mất hơn 10 tỷ VNĐ, nhưng đình Mông Phụ bị trùng tu với quá nhiều sai sót, giết chết di sản: lệch hướng đình gần… 1m, các mộng gỗ được đổ keo Con Voi, ngói nửa đen nửa trắng phân đôi mái đình làm hai mảnh, sân đình lát gạch để cho đường gạch đâm thẳng vào gian giữa đình (điều mà dân gian tối kỵ nhất). 

Trong quá trình trùng tu, họ không tham khảo ý kiến các cụ già, cứ mặc sức làm. Đến khi công việc hoàn thành (phải thêm gần 2 tỷ phát sinh) thì mời các cụ ra nhận lấy. Các cụ yêu cầu lợp lại ngói, đổi hết ngói cũ ở đằng sau lên đằng trước để có mái đình đồng màu ngói. Sau đó là bóc hết cả sân gạch mênh mông mà họ đã lát để lát lại cho đúng mạch gạch. 
Do báo chí và dân thôn kiến nghị, đơn vị thi công đã cho lát lại sân đình (ảnh dưới)



Đường làng cổ lát gạch nghiêng. Gạch lát do các cô gái làng khi lấy chồng đều phải nộp cheo bằng hình thức lát một đoạn đường (nếu lấy chồng ngoài làng, phải lát gấp đôi). Nay con đường xưa cũ ấy đã được đổ bê tông dầy.
Ảnh: Tư liệu.
Nguyễn Xuân Diện

TS. Nguyễn Xuân Diện trả lời RFA:
“Những người quan tâm đến di tích, các cổ vật các di sản quốc gia thì đều có một lo ngại chung là cứ Bộ Văn hóa Thề thao du lịch chạm tới đâu là nơi đó sẽ tan nát. Cứ đụng đến di tích nào là sẽ có vấn đề ở chỗ đó vì khi tu bổ di tích thay vì tôn trọng theo đúng nguyên tắc khoa học của bảo tồn bảo tàng thì họ lại trùng tu các di tích ấy theo kiểu dự án, mà dự án thì đã là căn bệnh trầm kha tại Việt Nam. Cứ triển khai các dự án thì trong đó phải có phần trăm cho người thực hiện cũng như người tổ chức. Vì thế cho nên họ không chắt chiu và bảo tồn những gì còn lại của di tích theo kiểu của khoa học.
Họ muốn càng đạp đổ và phá nhiều thì việc họ thi công càng được nhiều và càng thi công được nhiều thì trong đó có phần  trăm càng nhiều. Chính vì thế cho nên hàng loạt các di tích các vụ tu bổ đều bị họ làm lớn lên thay vì chỉ tu bổ nho nhỏ. Thí dụ như việc họ san phẳng hoàn toàn cổng thành nhà Mạc tại thành phố Tuyên Quang, hoặc là đền Và tại thị xã Sơn Tây nếu không bị chống đối mạnh thì cũng đã bị san phẳng đi để mà tu bổ. Thế rồi thành cổ Sơn Tây, cửa Bắc của thành Sơn Tây trước đây định tu bổ nhưng họ san phẳng nó đi để xây lại một cái cổng thành giống như trong ảnh. Nhưng mà đâu có được như trong bức ảnh nữa mà đấy chỉ là cổng thành của thế kỷ 20.” - Nguồn: tại đây.

Thành cổ Sơn Tây: "Những điều trông thấy mà đau đớn lòng ..."


Nếu không có sự can thiệp kịp thời của báo chí, hai tòa cổng đẹp như thế này của Thành cổ Sơn Tây đã bị thả hóa chất giết chết các cây cổ thụ rồi đập ra xây mới vào năm 2006


Trước đó, tòa cổng đẹp nhất của thành cổ Sơn Tây đã bị đập ra để tống bê tông cốt thép vào rồi… để hoang phế, phản cảm như thế này đã hơn 10 năm trời


Tương tự, tòa đình nổi tiếng cả nước với kiến trúc tuyệt kỹ Tây Đằng, sau khi được “ưu tiên đầu tư”, đã mới toanh thế này đây!

Đình Thụy Phiêu, ngôi đình cổ nhất VN; vừa mới được “tôn tạo” bằng cách làm mới đến… 99%. Từ ngôi đình cổ nhất VN đã được giới khoa học tôn vinh, có lẽ, kể từ cuối năm 2008, đình Thụy Phiêu phải đổi là ngôi đình mới nhất Việt Nam” (sau khi tiêu tốn nhiều tỷ “trùng tu tôn tạo”!)
Theo Báo Tuổi Trẻ Online, 27/3/2009, 09:43 (GMT+7)

No comments:

Post a Comment