Đó là quán cơm xã hội Nụ cười 3 ở số 298A đường Huỳnh Tấn Phát, Q.7, TPHCM (gần khu chế xuất Tân Thuận). Sáng nay (11/5), quán cơm chính thức khai trương phục vụ người lao động nghèo. Quán cơm Nụ cười 3 phục vụ 3 ngày/tuần vào thứ 3-5-7, từ 11h15 đến 12h45.
Nụ cười 3 phục vụ mọi đối tượng nghèo.
|
Tại buổi khai trương quán, Giáo sư Trần Văn Khê đã hết lòng ngợi khen những người thành lập và các Mạnh thường quân, những người đã dùng trái tim nhân ái để tạo ra bữa ăn vừa ngon vừa lành giúp người lao động nghèo.
Để khích lệ quán cơm Nụ cười 3, đồng thời bày tỏ tấm lòng của mình, Giáo sư Trần Văn Khê đã mời bà con lao động nghèo 320 suất cơm nhân dịp khai trương quán. Vị giáo sư không chỉ nổi tiếng về nghiên cứu âm nhạc mà còn nổi tiếng về nghiên cứu ẩm thực cũng dùng cơm với bà con lao động nghèo.
Quán cơm xã hội Nụ cười 3 được hình thành bởi một nhóm thân hữu do nhà báo Trần Trọng Thức đại diện với sự hỗ trợ mặt bằng rộng hơn 1.000m2 của ngân hàng Eximbank. “Bước đầu hoạt động nên chúng tôi chỉ mới sửa chữa khu vực rộng hơn 200m2 làm quán cơm” - nhà báo Trần Trọng Thức cho biết.
Ký giả lâu năm ở đất Sài Gòn, nay đảm đương vai trò chủ nhiệm quán Nụ cười 3, cũng nói thêm rằng sở dĩ chọn mặt bằng nơi đây thành lập quán vì khu vực này có nhiều người lao động nghèo nhập cư, bao gồm công nhân, phụ hồ, bán vé số, mua ve chai, honda ôm… cần được giúp đỡ.
“Khách đến đây dùng cơm chỉ cần mua phiếu 2.000đ là được phục vụ chu đáo. Sở dĩ chúng tôi bán 2.000đ/suất là nhằm đảm bảo tư cách khách hàng của bà con lao động nghèo đến đây dùng cơm, và quán cơm phải đối xử đúng mực nhằm tôn trọng tư cách khách hàng của bà con” - chủ nhiệm quán cơm Nụ cười 3 lý giải.
Bà Mỹ Liên, người từng đảm nhiệm vai trò giám đốc nhà hàng một khu lịch lớn ở TPHCM, nay nghỉ hưu cũng tham gia sáng lập và điều hành quán cơm Nụ cười 3, nói rằng một suất cơm trị giá 14.000đ (không tính tiền công bởi đa số người tham gia trên tinh thần thiện nguyện). Với mỗi suất cơm bán đi, Nụ cười 3 bù lỗ 12.000đ.
“Bữa ăn nào cũng đảm bảo đủ 3 món canh, xào, mặn. Ví như hôm nay là gà kho xả (mỗi suất 3 miếng thịt gà), canh cải chua nấu với tôm khô thịt bằm và củ sắn xào”-cựu giám đốc nhà hàng cho biết chi tiết.
Chưa đến 11h15 thì bà con lao động nghèo đã đến rất đông. Chị Thảo, một phụ nữ cùng mẹ chồng bôn ba từ Bình Định vào TPHCM mưu sinh bằng nghề thu mua phế liệu, nói trong khi chờ đến giờ cơm rằng chị và những người cùng cảnh vô cùng phấn khởi.
“Ăn no 3 buổi trưa trong tuần chỉ tốn 6.000đ thì không thích sao được. Hôm thứ 5 vừa rồi đến đây ăn, người ta đối xử với mình chu đáo, tế nhị lắm. Ăn ở ngoài 15.000đ/dĩa cơm mà người ta còn không vui vẻ với mình bằng ở đây”-chị Thảo cười tươi cho biết.
Anh Thái, một người bị tật ở chân ở Phú Yên vào TPHCM kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo, nói rằng anh được ăn no là tốt lắm rồi: “Chỉ với 2.000đ mà ăn no được là quý rồi, huống chi phần ăn ở đây đầy đủ ngoài sức tưởng tượng. Phải chi họ bán suốt tuần thì hay cho người lao động nghèo như tui quá”.
Nụ cười 3 đã “bán thử” 2 buổi trước khi khai trương chính thức hôm nay. Buổi đầu tiên bán thử thu hút 120 bà con lao động nghèo, buổi thứ 2 con số này tăng lên gấp đôi. Vì vậy buổi khai trương hôm nay dự trù 320 suất phục vụ bà con. Mỗi buổi bán quán cơm Nụ cười 3 phải huy động 20-30 nhân viên là những người thích làm việc thiện nguyện.
Huỳnh Thiện Nhân, một thanh niên đang kinh doanh tại gia đình ở TPHCM, người đã huy động 17 bạn bè và người thân thông qua facebook đến phục vụ quán vào ngày khai trương, nói rằng đã có 15 người cam kết đến phục vụ quán thiện nguyện vào mỗi thứ 7. Sức trẻ và lòng nhiệt thành của những người như Huỳnh Thiện Nhân đã góp một phần vào sự thành công của Nụ cười 3.
Giáo sư Trần Văn Khê dùng cơm tại Nụ cười 3 nhằm động viên, khích lệ các thành viên sáng lập quán.
|
Chị Thảo rất phấn khởi khi biết một địa chỉ thiết thực hỗ trợ người lao động nghèo.
|
Bà con chờ đến giờ cơm rất đông trong ngày khai trương.
|
Anh Thái nói nếu quán phục vụ suốt tuần thì hay quá.
|
Bà con lao động nghèo được phục vụ tận tình với giá 2.000đ/suất cơm.
|
Bữa cơm ngon và lành như Giáo sư Khê nói, khiến người lao động nghèo không chỉ ấm lòng mà còn no bụng.
|
Mô hình quán cơm xã hội Nụ cười đã có 2 quán trước đó do nhà báo Nam Đồng điều hành. Trong đó, Nụ cười 1 tại Q. Tân Phú qua 7 tháng hoạt động đã nâng số suất cơm phục vụ bà con lao động nghèo đến 500 suất/ngày và phục vụ 6 ngày/tuần.
“Lập quán không khó mà duy trì quán mới là chuyện khó. Chúng tôi chỉ hy vọng nhanh chóng vận động thêm nhiều Mạnh thường quân chung tay hỗ trợ để Nụ cười 3 không chỉ duy trì hoạt động dài hơi mà còn sớm gia tăng số suất cơm phục vụ, gia tăng số ngày phục vụ trong tuần, để bà con lao động nghèo có bữa trưa thường nhật, ấm lòng no bụng để lo việc mưu sinh” - nhà báo Trần Trọng Thức chia sẻ.
Mạnh thường quân quan tâm đến đời sống bà con lao động nghèo có thể đến dùng bữa cơm tại Nụ cười 3 để tự nhận xét mô hình quán cơm xã hội này. Nụ cười 3 có dành riêng phòng dùng cơm có tên gọi Hảo tâm nhằm mục đích kêu gọi sự đóng góp của mạnh thường quân khi đến đây. Quý vị Mạnh thường quân cũng có thể liên hệ số điện thoại của Nụ cười 3 (08-6273-4353) để gặp gỡ chủ nhiệm Trần Trọng Thức và các thành viên.
|
Đỗ Bá
No comments:
Post a Comment