Liên quan đến vụ đập phá tượng Phật, Bồ-tát tại khu du lịch tâm linh núi Bà Rá, (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước) do người có tên Nặc Danh đăng tải trên Youtube, để bạn đọc hiểu đúng bản chất vụ việc, phóng viên Chùa Phúc Lâm online đã gặp gỡ ông Nguyễn Hữu Tư, Phó Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Bình Phước, người bị "tố" đã chỉ đạo đập phá các pho tượng Phật giáo.
Không chỉ trao đổi, ông Nguyễn Hữu Tư (ảnh) còn cung cấp cho phóng viên hàng chục trang văn bản tài liệu của chính quyền tỉnh Bình Phước liên quan đến việc di dời các tượng thuộc tín ngưỡng dân gian và Phật giáo tại núi Bà Rá.
Xây dựng trái phép
Theo ông Nguyễn Hữu Tư, núi Bà Rá đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cấp Bằng công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Ngày 20/10/2004, UBND tỉnh có Quyết định số 2683/QĐ-UB thuận chủ trương giao đất quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái gắn với các công trình tâm linh Phật giáo và khu Miếu Bà trên núi Bà Rá để khai thác tiềm năng du lịch của khu di tích cũng như đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của tâm linh.
Điều 13, Luật Di sản - Văn hóa năm 2001 quy định: "Nghiêm cấm các hành vi sau đây: 1. Chiếm đoạt, làm sai lệch di sản văn hóa; 2. Hủy hoại hoặc gây nguy cơ hủy hoại di sản văn hóa; 3. Đào bới trái phép địa điểm khảo cổ; xây dựng trái phép; lấn chiếm đất đai thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; 4. Mua bán, trao đổi và vận chuyển trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia ra nước ngoài. 5. Lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để thực hiện những hành vi trái pháp luật."
Điều 30, Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo quy định: "Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình thuộc cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo phải thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng."
Và Điều 34, Nghị định 92/2012/NĐ-CP ngày 08/11/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo cũng quy định: "Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình tín ngưỡng,công trình tôn giáo, công trình phụ trợ thuộc cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo phải xin cấp giấy phép xây dựng.
1. Công trình tín ngưỡng là những công trình như: Đình, đền, am, miếu, từ đường, nhà thờ họ và những công trình tương tự khác.
2. Công trình tôn giáo là những công trình như: Trụ sở của tổ chức tôn giáo, chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh đường, thánh thất, niệm phật đường, trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo, tượng đài, bia, tháp và những công trình tương tự của các tổ chức tôn giáo.
3. Công trình phụ trợ là những công trình không sử dụng cho việc thờ tự của cơ sở tín ngưỡng, tổ chức tôn giáo, như: Nhà ở, nhà khách, nhà ăn, nhà bếp, tường rào khuôn viên cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo và các công trình tương tự khác.
4. Việc cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình theo quy định tại Khoản 1, 2 và 3 Điều này và những công trình tín ngưỡng, công trình tôn giáo là di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan."
Kế hoạch di dời các am, miếu, tượng Phật xây dựng trái phép
quanh khu di tích núi Bà Rá của UBND tỉnh Bình Phước
"Như vậy, việc một số hộ dân (không phải các tu sỹ Phật giáo) tự ý xây dựng, thành lập am, miếu, tượng Phật, tượng thần linh và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo tại khu di tích lịch sử cấp quốc gia khi chưa được sự cho phép bằng văn bản của cấp có thẩm quyền là hành vi trái phép, vi phạm Luật Di sản Văn hóa, Pháp lệnh Tín ngưỡng Tôn giáo cũng như Nghị định 92/2012/NĐ-CP", ông Nguyễn Hữu Tư nhận định.
Ngoài ý muốn
Chính vì thế, để bảo vệ, phát huy di tích lịch sử núi Bà Rá, đồng thời xử lý các hành vi xâm phạm khu di tích, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1748/QĐ-UBND ngày 05/09/2012 về việc thành lập Ban Di dời am, miếu, tượng Phật xây dựng trái phép quanh khu vực này. UBND tỉnh phân công tôi làm Trưởng Ban di dời, ông Định Ngọc Nhạn - Phó Chủ tịch UBND thị xã Phước Long làm Phó ban, mời HT. Thích Nhuận Thanh, Trưởng ban Trị sự PG tỉnh làm Phó ban.
Ông Tư cho biết ngày 29/9/2012, thực hiện chủ trương cũng như kế hoạch di dời các am, miếu, tượng Phật xây dựng trái phép quanh khu di tích lịch sử núi Bà Rá, (phường Sơn Giang, thị xã Phước Long) của UBND tỉnh Bình Phước, ông đã chỉ huy 3 đội di dời, thực hiện đưa tổng cộng 24 pho tượng.
Trong đó 5 tượng, gồm: 1 tượng Bà, 2 tượng Phật và 2 tượng Hộ pháp về an vị tại Điện thờ Phật mẫu trên đỉnh núi Bà Rá; 19 tượng gồm: 1 tượng Địa Tạng, 1 tượng Phật nghìn tay, 8 tượng la hán, 3 tượng Phật và 6 tượng nhỏ khác về trụ sở Ban trị sự Phật giáo tỉnh tọa lạc tại chùa Thanh Long, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú.
Trọng lượng mỗi tượng bình quân khoảng 40 đến 50 kg, chiều cao khoảng 1 m. Những tượng được đưa về chùaThanh Long, Ban Trị sự tổ chức lễ an vị thờ cúng và giao các chùa mới thành lập rước về để thờ cúng.
"Việc một hai tượng phật bị hỏng trong lúc di dời là ngoài ý muốn chủ quan của chúng tôi"
- ông Nguyễn Hữu Tư khẳng định.
"Trong quá trình di dời, thật sự chúng tôi không có chủ ý muốn làm hỏng tượng. Chúng tôi luôn xác định quan điểm tôn trọng niềm tin tôn giáo. Điều này thể hiện rất rõ trong các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh là di dời, chứ không phải là đập, phá. Nên khi thực hiện, chúng tôi có mời cả Thượng tọa Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh hội cùng Huynh trưởng, đoàn sinh Gia đình Phật tử cùng tham gia" ông Tư chia sẻ.
"Chúng tôi cũng đã cố gắng di dời các pho tượng lớn xuống dưới núi một cách an toàn dù đường đi rất trơn trượt. Nhưng vì các bức tượng ở trong hang đá (còn gọi là hang cọp) ở núi Bà Rá bị người dân lập am miếu gắn chặt bằng xi măng nên trong quá trình đục bệ/đế tượng để di dời đã khiến một vài tượng bị hư hỏng. Đây là vấn đề bất đắc dĩ, ngoài ý muốn của chúng tôi. Tôi đã báo cáo Thường vụ Tỉnh ủy và bị khiển trách." - ông Tư giải bày.
Về việc đốt kinh sách Phật giáo, ông Tư cho biết tại hang cọp, ban di dời phát hiện một số bàn, ghế, nệm, bài tây có khả năng là nơi cầu cơ, bói toán, hoạt động mê tín nên mới cho đốt bỏ.
"Ở đây không hề có kinh sách Phật giáo, vì thế một số cá nhân cho rằng tôi chỉ đạo đốt bỏ kinh sách là không có căn cứ" - ông Tư khẳng định.
Riêng đối với tượng Phật Quan Âm trên hồ nước, ông Tư cho biết do là tượng lớn, được xây dựng kiên cố, không thể tháo dỡ bằng thủ công để di dời, nên Ban Di dời quyết định để lại chứ không đập phá. Khi đoàn ra về thì bức tượng vẫn còn nguyên vẹn. Việc bức tượng bị bể và được một số người quay phim đưa lên mạng là nhằm mục đích̉ vu cáo sẽ được cơ quan chức năng làm rõ.
Nhìn lại sự việc đã xảy ra, ông Phó Giám đốc Sở Nội vụ kiêm Trưởng ban Tôn giáo tỉnh Bình Phước cho rằng việc một hai tượng phật bị hư hỏng trong lúc di dời là ngoài ý muốn chủ quan của ông và là sơ suất trong quá trình xử lý vụ việć. Núi Bà Rá là khu di tích lịch sử cấp quốc gia cần phải được bảo vệ, giữ gìn. Cho nên một số người dân tự ý lên đây lập am, miếu, tượng Phật là hành vi trái pháp luật. Do đó, UBND tỉnh quyết định di dời là hoàn toàn đúng với quy định hiện hành.
Công Tâm
No comments:
Post a Comment