Tuesday, April 2, 2013

Sự thật vụ TS Alan Phan bị Ủy ban chứng khoán Mỹ phán quyết 'gian lận chứng khoán'


Đó chỉ là một nửa sự thật, vì ý kiến trên mới chỉ xét tới án sơ thẩm tuyên năm 2005 chứ không hiểu vô tình hay cố ý đã ‘quên mất’ án phúc thẩm năm 2007.


Từ chiều ngày Chủ nhật, 31/3, người viết liên tục nhận được nhiều thông tin về ‘vụ gian lận cổ phiếu của Alan Phan’ dựa trên Thông báo tranh chấp số 19133 ngày 15/3/2005 của Ủy ban chứng khoán và hối đoái Mỹ (SEC).
Theo đó, ngày 14/12/2004, Tòa án Quận Trung tâm California (C.D. Cal.) đã ra phán quyết TS. Alan Phan cùng công ty Hartcourt và cộng sự là ông YongZhi Yang đã vi phạm quy định về: (1) đăng ký chứng khoán; và (2) chống gian lận.
Kết quả, tòa tuyên TS. Alan Phan bị phạt 55.000 USD và cấm làm quản lý và tham giá hội đồng quản trị của các công ty đại chúng trong vòng 5 năm.
Nhiều bài viết đưa lên sáng nay khẳng định TS. Alan Phan không bao giờ nhắc đến vụ kiện tụng này trong ‘hồ sơ thành tích’ của mình. Từ đó, có vị chuyên gia giấu tên kết luận TS Alan Phan “thiếu trong sáng”, “có nghi ngờ vụ lợi”, “có đủ ngón nghề để mua rẻ bán đắt”, “qua mặt cả Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ”, “chỉ khuyên cho chết” để sau đó mua lại dự án với giá rẻ như bèo.
Đó chỉ là một nửa sự thật, vì ý kiến trên mới chỉ xét tới án sơ thẩm tuyên năm 2005 chứ không hiểu vô tình hay cố ý đã ‘quên mất’ án phúc thẩm năm 2007. Bên cạnh đó, câu chuyện này cũng không có gì mới lạ.
Thứ nhất, SEC không thể ra một phán quyết kết luận một cá nhân "có tội" hay không, mà đó phải là phán quyết của tòa án.
Xin lưu ý, Thông báo số 19133 không phải một "phán quyết" của SEC, mà chỉ là một thông báo về phán quyết trước đó của Tòa án Quận Trung tâm California, một tòa ở cấp sơ thẩm. Vì thế nói "Ủy ban chứng khoán Hoa Kỳ ra phán quyết ông Alan Phan và công ty Hartcourt phạm tội vi phạm đăng ký và gian lận", là sai về mặt pháp lý.
Thứ hai, không thể coi Alan Phan đang cố tình che dấu những chuyện xấu hổ của mình trong quá khứ.
Ông đã nhiều lần nhắc tới vụ kiện tụng với SEC, ví dụ như trong cuốn "Niêm yết trên sàn Mỹ" viết năm 2008. Trên website Góc nhìn Alan, ông cũng đã một lần kể lại tường tận vụ kiện tụng trong một bài viết với tên gọi “Những kẻ thù không bỏ cuộc”.
Trong bài viết này, Alan còn kể thêm những lần ông bị Cơ quan thương mại Mỹ cáo buộc quảng cáo sai lạc sản phẩm thuốc lá Jazz không gây độc hại vì không có chất nicotin, hay bị cáo buộc thuộc nhóm môi giới đầu cơ thao túng cổ phiếu gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thậm chí là dùng bằng giả.
Cuối cùng, Alan sau đó đã kháng cáo, và thắng kiện SEC. Phán quyết của Tòa án Quận Trung tâm California mà nhiều báo trích dẫn chỉ là phán quyết của tòa sơ thẩm.
Thực vậy, ngày 29/8/2007, thẩm phán Marsha Berzon của Tòa Phúc thẩm liên bang Đơn vị số 9 đã bác bỏ một phần phán quyết của tòa sơ thẩm và xử Alan Phan trắng án đối với tội “gian lận chứng khoán”.
Theo án phúc thẩm, hồ sơ đăng ký phát hành cổ phiếu theo mẫu số S-8 của công ty Hartcourt đúng là có sai sót thật, nhưng các sai sót kể trên không quá quan trọng đối với nhà đầu tư, nên không thể kết tội Hartcourt và Alan Phan “gian lận”.
Tuy thế, Alan Phan cùng Hartcourt vẫn bị phạt vì tội “khai sai hồ sơ” và dù có thắng kiện tại tòa, Alan cũng mất tới 7 năm trời đằng đẵng theo đuổi vụ kiện cùng hơn 2 triệu USD tiền thuê luật sư.
Thiết nghĩ, công chúng và nhà đầu tư nên có sự cẩn trọng khi tiếp nhận các luồng thông tin.

No comments:

Post a Comment