HAI VĂN BẢN HƯỚNG DẪN KHÁM NGHIỆM PHÁP Y THỜI LÊ
VÀ CHẾ ĐỘ KHÁM NGHIỆM PHÁP Y
Trần Thị Kim Anh
Ở thời Lê, việc ban hành Bộ luật Hồng Đức dưới triều vua Thánh Tông cùng hàng loạt các văn bản, sắc, lệnh, điều lệ… của vua chúa các triều đại sau đó mà ngày nay khá nhiều vẫn còn được lưu giữ trong các văn bản nhưHồng Đức thiện chính; Lê triều hội điển; Quốc triều khám tụng điều lệ; một phần trong phần còn lại của bộ Thiên Nam dư hạ; Lê triều quan chế điển lệ, Lê triều sự lệ… đã khiến cho pháp luật của thời kì này trở nên khá hệ thống và hoàn chỉnh. Có thể nói hầu như mọi họat động xã hội đều được đặt dưới sự kiểm soát và điều chỉnh của pháp luật, có lẽ, chính vì vậy thời Lê, như đã được đánh giá là thời kì mà nhà nước phong kiến đạt đến mức độ phát triển cực thịnh.
Trước nhận định: chế độ pháp luật thời Lê khá hệ thống và hoàn chỉnh, chắc không ít người đời nay đặt ra câu hỏi: Vậy với các vụ án hình sự người xưa có hay không thực hiện các thủ tục khám nghiệm pháp y đã hết sức đầy đủ, chưa kể trong quá trình giao lưu tiếp xúc với văn hóa Trung Quốc, người xưa đã học được không ít về lý luận và kinh nghiệm khám nghiệm pháp y của đất nước được coi là có những tài liệu sớm nhất thế giới đề cập đến khám nghiệm hiện trường và kiểm nghiệm pháp y này(1).
Xem xét hệ thống pháp luật thời Lê, có thể thấy chế độ tư pháp thời kì này đã sử dụng bộ máy phân quyền địa phương, tập quyền trung ương, nhấn mạnh việc phúc tra các án kiện, phân cấp xét xử rõ ràng, đề cao hết mức hiệu lực thẩm phán tư pháp phong kiến. Từ đó nhấn mạnh công tác khám nghiệm, xác lập chế độ khám nghiệm pháp y tương ứng, bắt buộc. Do đó ở thời kì này, ngoài các quy định về khám nghiệm pháp y vốn có trong Bộ luật Hồng Đức(2) còn có hàng loạt các lệ định ban bố pháp lệnh liên quan đến việc chỉ đạo khám nghiệm pháp y. Sách Lịch triều hiến chương loại chí, chương Hình luật(3) cho biết:
- Quang Thuận năm thứ 6 (1465) ban hành lệnh: Gặp xác chết bên đường có vết thương thì phải cáo rõ với quan sở tại để làm đủ phép khám nghiệm rồi mới được chôn cất. Làm trái như vậy, luận tội trượng, biếm.
- Vĩnh Thọ năm thứ 3 (1660) định lệ đền mạng về đánh giết người, phải nộp lễ khám nghiệm cho nha môn phủ huyện 15 thước lụa và 1 quan rưỡi. Cho Chánh tổng Xã trưởng 10 thước lụa và 1 quan.
- Niên hiệu Vĩnh Trị thứ nhất (1676), định lệ xét xử kiện tụng: Việc kiện về nhân mạng thì phủ, huyện cứ theo án khám nghiệm của tổng xã mà xét đoán theo luật.
- Niên hiệu Chính Hòa thứ 15 (1694), định các điều lệ về khám kiện: Phạm kiện về nhân mạng thì ngay hôm đó, khổ chủ phải chạy xin bản tổng bản xã và quan phủ huyện về lập biên bản… Khám nghiệm cần lấy dấu vết thực làm bằng.
- Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 15 (1719), Ngự sử đài sức cho nha môn Thừa hiến và phủ huyện: Phàm khi mới nhận được tin báo nên hỏi rành mạch về duyên cớ… Khám vết thương xem do đánh bằng chân tay hay khí giới, gậy gộc. Hết thảy phải ghi cho chính xác để lấy chỗ dựa khi xét xử.
- Niên hiệu Long Đức thứ 3 (1734), định điều lệ xét xử kiện tụng: Phàm kiện về nhân mạng phải có trình xin lập biên bản khám nghiệm mới cho xét xử. Nếu người đã chết hàng năm, không có biên bản khám nghiệm thì không được nhận xét xử.
Qua đó có thể thấy, chế độ khám nghiệm pháp y trong hệ thống pháp luật đời Lê đã được xác lập. Chính trên cơ sở đó, nhu cầu cần có những tài liệu mang tính chất như những tài liệu lí luận chỉ đạo cho công tác khám nghiệm pháp y nảy sinh. Có cầu ắt có cung, sách hướng dẫn khám nghiệm pháp y đã xuất hiện và lưu hành hoặc tự phát, hoặc dưới sự chỉ đạo của cơ quan pháp luật nhà nước.
Về những tài liệu này, có thể thời kì đầu người ta chủ yếu dựa trên một số bộ sách nổi tiếng của Trung Quốc như Tẩy oan lục đời Tống hay Vô oan lục đời Minh… do các quan lại Trung Quốc đưa sang trước đó hoặc do người Việt đặt mua tại Trung Quốc. Ở đây xin được nói đôi chút về bộ sách Tẩy oan lục hay còn gọi là Tẩy oan tập lục, bởi đây là bộ sách pháp y nổi tiếng của Trung Quốc, từ rất sớm đã được dịch và lưu truyền bằng nhiều thứ tiếng, có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển của khoa học pháp y phương Tây và các nước phụ cận. Tẩy oan lục được coi là bộ sách đầu tiên trên thế giới trình bày có hệ thống về chế độ kiểm nghiệm pháp y và khoa học pháp y. Sách do Tống Từ, giữ chức Đề hình tỉnh Hồ Nam Trung Quốc (thời Tống) soạn. Sách được chia thành năm quyển. Nội dung gồm 53 mục như Tổng luận, Phúc tra, Tạp thuyết về những nghi vấn khó xử lý, bàn về việc tự treo cổ, tự trẫm mình, tự uống thuốc độc… Trong đó lại phân tích phân loại từng hiện trạng tự thương, những hiện tượng khác nhau trên từng loại thi thể để làm căn cứ đoán định nguyên nhân cái chết cùng các thủ tục, phương pháp cần phải tuân theo khi khám nghiệm… Nhìn chung, mọi vấn đề được trình bày khá rõ ràng tỷ mỉ, hình thành được những nguyên tắc tương đối khoa học cho công tác khám nghiệm hiện trường và kiểm nghiệm pháp y. Hiện nay tại kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ một cuốn sách mang tên Tẩy oan lục, sách này được đánh kí hiệu là VHb 194, dày 225 trang khổ 18 x 12, được sao lại vào đời Nguyễn từ bản khắc in của nhà sách Ngô Giang Kim Đình Liệt Trung Quốc. Nội dung tương tự với sách Tẩy oan tập lục vừa trình bày ở trên.
Sau này qua thực tiễn xét xử, qua thực tế khám nghiệm, do những quy định của pháp luật và yêu cầu của tình hình thực tiễn đương thời, đồng thời dựa trên các tài liệu của Trung Quốc, người ta đã biên soạn ra những tài liệu khám nghiệm pháp y phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam hơn.
Hiện nay về loại sách này, trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm chúng tôi còn tìm được 2 đầu sách, một mang tên Công án tra nghiệm bí pháp và một là Nhân mạng tra nghiệm pháp.
Về sách Công án tra nghiệm bí pháp hiện tại có 3 văn bản viết tay mang các kí hiệu A1760; A401 và VHv 2715. Bản A1760 dày 108 trang, khổ 29 x 16. Bản A401 dày 82 trang khổ 31 x 22, bản này do EFEO sao lại vào đầu thế kỉ 20. Bản VHv 2715 dày 138 trang khổ 28 x 16, do Đỗ Huy Tằng sao năm 1964, bản này có nội dung trùng khớp với bản của EFEO. Ở cả 3 bản, các trang đầu đều ghi rõ, sách do Tham tụng Phan Duy Phiên, cùng các đệ tử là Dương Hợp, Trần Đôn, Nguyễn Chí biên soạn năm Vĩnh Thịnh 10 (1714). Riêng bản A1760, sau bài tựa có đề thêm một dòng: "Vĩnh Thịnh thập niên, Mạnh xuân cốc nhật, Mai Hiên chủ nhân thủ soạn" (Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 10 (1714), ngày lành tháng Giêng, Mai Hiên chủ nhân soạn). Song đây cũng không phải sách có niên đại Lê Vĩnh Thịnh 10, tức năm 1714, bởi tất cả các chữ Thời (時) trong sách này đều đã được viết kiêng húy theo lệ kiêng húy thời Tự Đức, chứng tỏ văn bản đã được sao lại sớm nhất là dưới thời Tự Đức. Về nội dung, sách có các mục chính như: Khám nghiệm hiện trường các vụ án trộm cắp; Nguyên tắc chung khi khám nghiệm các vụ án nhân mạng; Khám nghiệm thi thể chết đuối; Khám nghiệm thi thể tự ải; Khám nghiệm thi thể chết cháy; Khám nghiệm hoang thai… Các hình vẽ về thủ tục khám nghiệm các vụ đánh nhau gây chết người, hình vẽ về thai nhi từ tháng thứ nhất đến tháng thứ 7. Đặc biệt sách này ngoài phần chữ Hán còn có phần diễn Nôm. Thời xưa, giao thông khó khăn, từ nha môn phủ huyện về các làng xã không thể nhanh chóng được, do đó khi xảy ra các vụ án, những người có trách nhiệm có mặt tại hiện trường đầu tiên thường là các Xã trưởng. Luật lệ thời Lê cũng qui định, khi xảy ra án mạng khổ chủ phải trình báo ngay cho Xã trưởng biết và Xã trưởng có trách nhiệm đến ngay hiện trường để khám xét lập biên bản. Việc khám nghiệm hiện trường là vấn đề đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn, mà trên thực tế, chữ nghĩa của các vị Xã trưởng chẳng được bao lăm, việc tra đọc tìm hiểu trong các văn bản chữ Hán về những vấn đề này là hết sức khó khăn. Do đó đặt ra các bài ca Nôm dễ đọc dễ thuộc đối với các Xã trưởng là cần thiết. Có thể nói đây thực sự là những yêu cầu nảy sinh từ thực tiễn điều tra xét xử của xã hội Việt Nam đương thời. Những bài ca Nôm trình này về cách khám nghiệm khá dễ hiểu, tỷ mỉ, rõ ràng. Chẳng hạn khi khám nghiệm thi thể chết đuối, để phân biệt được nạn nhân tự tử hay bị đánh chết rồi mới ném xuống nước, tác giả viết:
Này đoạn nịch tử(4) kể ra:
Thực hư ắt phải hòa tra cho tường.
Dẫu cho đến nỗi đã trương
Nước trong chẳng có thường thường chảy ra
Khẩu tý thủy huyết chẳng pha(5)
Ấy là đả tử trầm hà mới xong…
Đó là trường hợp nạn nhân đã chết rồi mới ném xuống nước. Còn ở trường hợp tự tử thì:
Phép nghiệm chẳng lọ đôi co
Lấy muốn cùng dấm cùng tro trộn vào
Gối đầu lên khí cao cao
Lấy ba quan quí để vào tễ trung(6)
Nhất giây cửu khiếu lưu thông
Thủy huyết trên dưới ròng ròng chảy ra
Ấy là hẳn thực trầm hà…
Còn với thi thể chết do thắt cổ:
Thực như ải tử(7) nói ra
Cổ sưng tay chắp ngã ba hung(8) này
Tay thời mỗi ngón mỗi ngay
Chân xuông đuột đuột chỉ ngay đón đầu.
Ngón chân cái chỉ nơi đâu.
Đào lên thấy máu ấy hầu thực nay.
Nhược bằng mắt chẳng lồi rày.
Chân tay chẳng chỉ ắt rày là gian.
Trên đây là đôi nét sơ lược về sách Công án tra nghiệm bí pháp. Xin được nói tiếp sang sách Nhân mạng tra nghiệm pháp. Sách này tại thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm chỉ có một văn bản viết tay mang kí hiệu A2034. Sách dày 56 trang khổ 27 x 16, niên đại ghi trên sách là Vĩnh Hựu 3 (1737). Về nội dung, ở trang đầu, dòng chữ Hán ghi "Hình bộ Lâm quận công Phạm Trạc phụng biên tập" cho biết, sách do Lâm quận công Phạm Trạc ở bộ Hình biên tập theo yêu cầu của triều đình. Có lẽ chính vì vậy so với sách Công án tra nghiệm bí pháp sách này có tính chất qui phạm hơn. Sách gồm 49 mục, trình bày khá chi tiết tỷ mỉ về cách xem xét các loại tử thi, các loại vết thương. Cho biết cách phân biệt các vết thương bị đánh do loại hung khí nào, cách làm bộc lộ các vết thương chùm dưới da, cách khám nghiệm xương khi người chết đã bị thiêu cháy, phân biệt xương của nạn nhân là nam hay nữ, cách khám nghiệm tử thi đã rữa nát. Ngoài ra còn có một số bản vẽ cơ thể người ở các vị trí nằm sấp, nằm ngửa cùng các chú thích về tên gọi của các vị trí trên cơ thể. Xin dẫn ra một số dẫn chứng cụ thể. Chẳng hạn khám nghiệm tử thi chết do bị sát thương, sách viết: "người bị sát thương, mắt miệng đều mở, tóc rối, hai tay giơ lên, trên tay tất có thương tổn, chỗ bị thương da thịt rách nát, xung quanh bậm máu". Bàn về khám nghiệm xương thì "Trên xương có chỗ bị đánh thì lộ rõ ngấn đỏ. Nếu bị đánh gẫy thì hai đầu xương vầng máu, lại có các mảnh xương, giơ lên ánh mặt trời để soi thấy sắc hồng còn hoạt thì rõ ràng lúc còn sống bị đánh". Hoặc nói về cách làm bộc lộ vết thương, sách cho biết: Vết thương trên thi thể không rõ, chỉ có chỗ khả nghi thì trước hết đem nước rửa sạch, sau đó dùng hành đâm nhuyễn đắp lên chỗ nghi ngờ, chờ một lúc rồi bỏ hành đi lấy nước rửa sạch, nếu thấy có vết tím đem lấy nước rỏ lên, thực sự là vết thương thì chỗ đó cứng, nước đọng lại không chảy, còn nếu không phải là vết thương thì chỗ đó mềm, nước tuột đi…"
Tuy nhiên qua nội dung có thể thấy sách được tham khảo và tập hợp từ nhiều tài liệu của Trung Quốc, có châm chước theo tình hình thực tiễn và những qui định của luật pháp đương thời. Nhìn chung ở cả 2 tập sách, ngoài việc giới thiệu phương pháp thẩm vấn, lấy chứng cứ, khám nghiệm hiện trường ra nó còn thông qua các dẫn chứng thực tế để trình bày phương pháp khám nghiệm pháp y. Chẳng hạn ở phương diện kiểm tra thương tích, không những đã đoán định được khá chính xác mức độ tổn thương để có thể định ra những chế tài xử phạt khác nhau mà còn xác định khá chính xác hung khí gây thương tích. Hoặc qua những phân tích về thai nhi, về cơ thể phụ nữ, có thể đoán định được tháng của thai nhi, hay phụ nữ có bị cưỡng bức hay không một cách khá khoa học. Cũng như vậy đối với phương pháp khám nghiệm thi thể, qua phân tích mức độ tổn thương và các biểu hiện trên thi thể, có thể đoán định được nạn nhân chết do nguyên nhân nào, hung khí gì. Đặc biệt đối với những thi thể chết do treo cổ, chết đuối, chết cháy, thông qua phân tích tư thế của tử thi, các biểu hiện trên một số bộ phận của cơ thể, của xương, trên y phục, có thể biết nạn nhân chết do tự tử hay bị giết chết rồi mới bị treo lên hoặc đốt cháy, ném xuống nước. Ngoài ra về thể thức, các biên bản khám nghiệm hiện trường và kiểm nghiệm pháp y đã bắt đầu có cách thức và quy định rõ ràng.
- Tóm lại, qua những gì đã trình bày ở trên, có thể thấy vào thời Lê, chế độ kiểm nghiệm pháp y đã được xác lập và phần nào được quy phạm hóa.
Tuy ngày nay, tất cả những kiến thức này đã trở nên giản đơn và lạc hậu. Song đối với xã hội đương thời đó thực sự là những tiến bộ đáng ghi nhận.
Chú thích:
1. Đó là thiên Phong chẩn thức nằm trong bộ Tần luật khai quật được ở tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
2. Xem Quốc triều hình luật. Chương Đấu tụng, Đoán ngục.
3. Xem Quốc triều hình luật. Chương Đấu tụng, Đoán ngục.
4. Nịch tử: chết đuối.
5. Nước có lẫn máu chảy ra từ mồm miệng.
6. Để hỗn hợp dấm muối tro chừng bằng 3 đồng tiền vào giữa rốn.
7. Ải tử: chết do treo cổ.
8. Ngã ba hung: chỗ xương mỏ ác.
Nguồn: Thông báo Hán Nôm học 2001, tr.16-26
No comments:
Post a Comment