Một câu hỏi không dễ trả lời. Tại Dự thảo Nghị định về "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tư pháp", đang được đưa ra lấy ý kiến, ở Điều 46 "Hành vi vi phạm quy định về cấm kết hôn, vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng", ghi: 1.Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ.200.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng; b) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng.
Từ ngữ hay gọi cho hành vi nói trên là "ngoại tình".
Thế nào là "hậu quả nghiêm trọng"?
Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp - Bộ Công an - Tòa án nhân dân tối cao - Viện kiểm sát nhân dân tối cao ngày 25-9-2001 đã quy định: “Chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó”...
Thông tư này cũng quy định: Chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp: a) Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng. Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát... b) Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Ngoại tình là gì?
Luật gia Phan Hoàng Linh nhìn nhận sự phong phú trong lý thuyết về cuộc sống chăn gối khiến cho người ta khó mà có được một định nghĩa thật xác đáng về cái gọi là “quan hệ tình dục” ngoài hôn nhân. Chẳng hạn, chỉ “yêu” bên ngoài đối với nhân tình có bị xếp vào những hành vi tình dục sai trái không? Nhiều người sẽ trả lời rằng có bởi họ vẫn cảm thấy cực kỳ đau đớn khi biết được điều này. Ngoài ra, kiểu tình online, chỉ tâm sự, chat sex với nhau qua mạng cũng khá phổ biển trong thời đại internet hiện nay. Đừng tưởng những điều đó không dẫn tới nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Đặc biệt nhiều chuyên gia đã cảnh báo sự nguy hiểm của tình trạng "ngoại tình trong tư tưởng" sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự bền vững của hôn nhân. Một khi hôn nhân bị đe dọa hay đổ vỡ bởi những nguyên nhân như vậy, người ta cũng không thể quy kết cho đối phương tội ngoại tình. Đó cũng là một cái khó khi pháp luật muốn nghiêm khắc hơn với những hành vi đe dọa đến sự bền vững của hôn nhân.
Việc chứng minh có phạm vào "Tội vi phạm chế độ một vợ một chồng" cũng đã chẳng hề dễ dàng. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, tài sản chung, được hàng xóm coi như vợ chồng, đã được gia đình, cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó.
Nhưng tìm chứng cứ để xác minh chuyện này không dễ. Không ít bà vợ mất công sắm máy ảnh, thuê người đi “rình” chồng. Tuy nhiên, chụp ảnh cận cảnh dễ lộ, còn nếu mờ mờ thì... khó chứng minh, chưa kể chỉ chụp được cảnh các đôi này đi ăn uống, hẹn hò với nhau, chứ làm sao ghi hình được cảnh trong nhà nghỉ hay trong các “tổ con chuồn chuồn”? Đã là bồ bịch thì thường lén lút, bí mật, nên hàng xóm láng giềng cũng khó xem họ “như vợ chồng” để làm nhân chứng.
Làm sao để xé biên lai phạt?
Trên báo chí, ngày ngày xuất hiện dày đặc các thông tin đánh ghen được mô tả cực kỳ man rợ của các bà vợ có máu ''Hoạn Thư''. Không ít ông chồng, bà vợ vì quá ghen, mất lý trí... đã lâm vào con đường tù tội. Giới công chức, nhất là với những người có chức sắc thì việc đánh ghen không gây “khói lửa”, họ cay đắng, âm thầm ghen trong “bóng tối” để giữ êm ấm gia đình, đặc biệt là vị thế của chồng..., hậu quả là phải tìm đến bác sĩ tâm thần, hay nhẹ nhàng hơn là xả xì trét trên mấy cái chuyên mục tâm tình.
Theo một án lệ của nước ta trước đây, một người chồng đã bắt quả tang người vợ đang “quan hệ” với một người đàn ông khác. Để giữ bằng chứng phạm gian quả tang, với sự trợ giúp của bạn bè, anh ta đã dùng dây cột người vợ và gã nhân tình lại với nhau trong tình trạng không quần áo che thân. Khi vụ việc được đưa đến tòa án, quan tòa cho rằng việc làm của người chồng là trái luật. Lẽ ra anh ta phải đến trình báo với cơ quan công an để lập biên bản về việc ngoại tình đó thì mới được công nhận là có sự phạm gian quả tang. Kể cả lời khai của các nhân chứng cũng bị giảm bớt giá trị, vì họ đã tham gia vào vụ bắt bớ có tính trước trên. Do đó người vợ và nhân tình của chị ta thoát tội.
Xem ra để xé biên lai phạt về chuyện ngoại tình "chưa gây hậu quả nghiêm trọng" quả là không dễ chút xíu nào!
Một người có đầu óc bình thường chắc chẳng bao giờ nói với bạn đời của mình rằng: "mình ơi, tôi đi ngoại tình nhé", hay la toáng lên cho bà con xóm giềng biết "tôi chán vợ (chồng) của tôi quá, tôi vừa đi ngoại tình về đây", và cũng rất ít kẻ chịu thú nhận với đối phương hành vi vụng trộm của mình. Đây là một trở ngại vô cùng lớn nếu muốn viết biên lai phạt về hành vi ngoại tình.
No comments:
Post a Comment