Với cách thức điều hành giá xăng ngược chiều với diễn biến của thị trường thế giới như hiện nay cần phải sửa đổi gấp Nghị định 84/CP về kinh doanh xăng dầu
Nghị quyết của Quốc hội về tốc độ tăng giá tiêu dùng năm 2013 khoảng 8%, trong khi Chính phủ quyết tâm đưa chỉ số này tăng thấp hơn năm 2012, dưới 6,81%. Với chủ trương giảm tăng giá tiêu dùng, mặc dù từ đầu năm 2013 đến ngày 26-2, giá xăng dầu trên thị trường thế giới leo thang nhưng giá bán trong nước vẫn được giữ ổn định.
Giá cước vận tải có thể tăng trong thời gian tới, sau đợt giá xăng tăng sốc ngày từ ngày 28-3. Ảnh: TẤN THẠNH
Giá thế giới giảm, trong nước lại tăng
Để kiềm chế mức độ tăng giá tiêu dùng, liên bộ Tài chính - Công Thương đã 4 lần kìm giá bán lẻ xăng dầu trong nước vào các ngày 15-1, 28-1, 8-2, 26-2. Ngoài ra, để ổn định giá bán xăng dầu trong nước, Nhà nước cho sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu để bù đắp. Đặc biệt, ngày 26-2, khi giá thế giới tăng cao, giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thấp hơn giá cơ sở 1.000 - 2.300 đồng/lít, liên bộ Tài chính - Công Thương đã yêu cầu doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu đầu mối tạm ngưng đưa lợi nhuận định mức 300 đồng/lít vào giá cơ sở, đồng thời xả quỹ bình ổn để bù lỗ cho DN ở mức cao như: xăng 2.000 đồng/lít, dầu diesel 800 đồng/lít, dầu hỏa 1.150 đồng/lít, dầu ma dút 650 đồng/kg.
Hiện nay, giá xăng dầu thế giới đã giảm khoảng 5%-7% so với thời gian qua. Từ đó, người tiêu dùng kỳ vọng giá xăng dầu sẽ giảm. Tuy nhiên, kỳ vọng này lại không thành hiện thực. Theo quyết định của liên bộ Tài chính - Công Thương, giá bán xăng dầu đã tăng từ 362 - 1.430 đồng/lít từ 20 giờ ngày 28-3.
Về lý do tăng giá, cơ quan chức năng giải thích là do giá xăng dầu thế giới đã giảm nhưng vẫn ở mức cao, trong khi quỹ bình ổn giá của các DN đã hết, giá xăng dầu trong nước thấp hơn giá các nước có chung đường biên giới dẫn đến nạn buôn lậu. Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân tăng giá là nhằm khôi phục lợi nhuận định mức cho DN xăng dầu và nâng chi phí kinh doanh định mức cao hơn so với quy định trong Nghị định 84/CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, mặc dù tại thời điểm này Nghị định 84 vẫn chưa được sửa đổi. Tuy nhiên, không biết cơ sở nào mà Bộ Tài chính đề ra định mức chi phí kinh doanh đó?
Trong khi đó, theo tính toán, với giá bán lẻ hiện tại, DN đầu mối kinh doanh xăng dầu có lãi ít nhất 420 đồng/lít theo giá cơ sở trung bình 30 ngày.
Ngành vận tải, nhất là các hãng taxi sử dụng rất nhiều nhiên liệu, đang rục rịch tăng giá dịch vụ Ảnh: TẤN THẠNH
Người dân đóng quỹ bình ổn, DN hưởng
Thời gian qua, giá xăng dầu thành phẩm liên tục giảm mạnh. Nhờ vậy, mức lỗ của DN đầu mối giảm từ khoảng hơn 2.000 đồng/lít (thời điểm cuối tháng 2-2012) đến ngày 28-3 còn hơn 1.000 đồng/lít. Tuy nhiên, sau khi cộng các loại thuế, phí và được hưởng mức trích từ quỹ bình ổn giá, các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối đang lãi khoảng 800 - 850 đồng/lít xăng, dầu diesel 0,5S lãi khoảng trên 700 đồng/lít. Lãi cao nhất là dầu hỏa với khoảng hơn 900 đồng/lít. Như vậy, việc duy trì mức trích quỹ bình ổn giá khá cao như trên đã giúp các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối lãi lớn.
Điều cần nói ở đây là quỹ bình ổn giá xăng dầu tại nhiều đơn vị đã bị âm do mức trích cao, kéo dài trong thời gian qua. Như vậy, người mua xăng dầu đang phải trả thêm tiền, trong khi DN xăng dầu đang có lãi nhờ quỹ bình ổn giá. Với mức trích quỹ bình ổn giá như hiện nay, giá xăng bán lẻ sẽ rẻ hơn 300 đồng/lít nhưng người dân vẫn phải trả thêm 300 đồng/lít để tạo quỹ nhằm bù lại khi giá thế giới tăng.
Nhìn lại sự điều hành giá xăng dầu thời gian qua, có thể thấy khi giá thế giới tăng cao, cơ quan chức năng chưa kịp thời, nhạy bén sử dụng linh loạt các công cụ như thuế, quỹ bình ổn giá, lợi nhuận định mức, chiết khấu... Chính sự chậm trễ này đã gây nhiều khó khăn cho DN xăng dầu và người tiêu dùng như đã xảy ra. Trong khi giá thế giới đang giảm nhiều, giá xăng dầu trong nước lại tăng là nghịch lý. Ngược lại với Việt Nam, ngày 27-3, Trung Quốc đã quyết định giảm giá xăng dầu.
Việc tăng giá xăng dầu, cơ quan chức năng cần có sự thông báo công khai, cụ thể, hết sức minh bạch, không thể đưa ra nguyên nhân là để hạn chế buôn lậu. Vậy lực lượng QLTT đang làm gì? Với cách thức điều hành giá xăng dầu lúng túng, không phù hợp với diễn biến của thị trường thế giới như hiện nay, vấn đề đặt ra là cần phải sửa đổi gấp Nghị định 84/CP.
DN ăn hoa hồng hàng chục tỉ đồng/ngày
Hiện nay, DN đầu mối xăng dầu trích chiết khấu cho các đại lý lên tới 700- 800 đồng/lít xăng bán lẻ. Chính vì thế, bán được càng nhiều, DN càng có lãi. Đây chính là lý do khiến các DN đang có cuộc chạy đua ngầm về mức chi hoa hồng cho các đại lý từ 200 đồng/lít tăng lên gấp 4 lần như hiện nay. Chi phí chiết khấu, xét cho cùng, người tiêu dùng phải gánh. Nếu tính lượng xăng dầu được nhập trong năm 2013 là 13 triệu tấn, trong đó 60% là xăng, với lượng bán ra trung bình khoảng trên 2 triệu lít xăng/ngày, các DN đang ung dung thu lợi nhuận hàng chục tỉ đồng mỗi ngày.
|
PGS-TS NGÔ TRÍ LONG
No comments:
Post a Comment