Có thể chấp nhận, hoặc không chấp nhận giả thuyết này, nhưng với nhiều người dân An Giang, núi Cấm luôn ẩn chứa trong lòng nhiều huyền bí.
Núi Cấm - ngọn núi kỳ bí nhất trong dãy Thất Sơn
Với độ cao 705m, chu vi 28.600m2, núi Cấm (xã An Hảo-Tịnh Biên), không chỉ được biết đến với tư cách là ngọn núi cao nhất, lớn nhất.. mà còn được tương truyền là ngọn núi ẩn chứa nhiều điều kỳ bí nhất trong dãy Thất Sơn huyền bí của An Giang. Bởi không chỉ kỳ bí về danh xưng mà ngọn núi được mệnh danh là Đà Lạt của ĐBSCL còn là nơi hội tụ của những câu chuyện đầy màu sắc huyền bí của thế giới tâm linh: núi Cấm là chốn linh thiêng, là nơi dành riêng cho các bậc chân tu hoặc thần tiên hội tụ mỗi khi giáng thế...
Về danh xưng núi Cấm, theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp (Hội VHNT An Giang), có giả thuyết cho rằng, tên núi Cấm xuất phát từ lệnh cấm dân lên núi của chúa Nguyễn Phúc Ánh (1762-1820). Theo thuyết này, trước khi lên ngôi vua lấy niên hiệu là Gia Long, trong những ngày trên đường lánh nạn Tây Sơn, chúa Nguyễn Phúc Ánh có lúc đến ngọn núi này trú ẩn và để đảm bảo không bại lộ tông tích, ông đã ban lệnh cấm người dân lui tới nơi đây.
Hình ảnh chiếc ghế đá tự nhiên tại Vồ Thiên Tuế,
tương truyền là ngai của chúa Nguyễn Phúc Ánh ngồi trong những ngày lánh nạn ở núi Cấm.
Ngoài ra, theo tài các tài liệu nghiên cứu tôn giáo, những người theo tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa (đạo Phật giáo nội sinh do hai tu sĩ yêu nước, có tinh thần kháng Pháp là Đoàn Minh Huyên (1807- 1856), thường được gọi là Đức Phật thầy và Ngô Lợi (1830-1890), thường được gọi là Đức Bổn sư, sáng lập. Tôn giáo này cực thịnh ở An Giang, nhất là vùng Thất Sơn) lại lý giải danh xưng núi Cấm theo hướng khác. Theo đó, núi Cấm là chốn hiển linh bậc nhất thế giới. Bởi nơi đây sẽ là nơi được đấng bề trên chọn lựa để mở “Cuộc phán xét cuối cùng”, tức Hội Long Hoa nên đã cấm người trong bổn đạo đến sinh sống vì sợ làm ô uế chốn linh thiêng.
Theo đức tin của những người theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Tứ Ân Hiếu Nghĩa, vào “ngày tận thế”, trên trời sẽ xuất hiện tiếng nổ long trời lở đất, làm núi Cấm xé đôi. Khi đó từ trong lòng núi hiện ra cung vàng, điện ngọc để đấng Minh Vương mở “Cuộc phán xét cuối cùng” để lập lại đời Thượng Ngươn với cuộc sống thái bình, an lành.Theo đó những người sinh thời sống ác, không tích đức, hành thiện, nhất là những người làm ô uế cảnh vật núi Cấm sẽ bị trừng phạt…
Cảnh quang tại khu vực Giếng Tiên, thường xuyên được nhiều người mộ đạo đến cúng bái.
Có thể chấp nhận, hoặc không chấp nhận giả thuyết này, nhưng với nhiều người dân An Giang, núi Cấm luôn ẩn chứa trong lòng nhiều huyền bí. Đại lão lương y Nguyễn Văn Y (tên thường gọi là Ba Lưới), SN 1913, hiện là Trưởng ban quản tự chùa Phật Lớn trên đỉnh núi Cấm, người có trên 70 năm gắn bó với ngọn núi này, được báo chí tôn vinh là “Đạo sĩ cuối cùng ở Thất Sơn” đã khẳng định với tôi rằng, vào thời điểm ông mới lên đây sinh sống, núi Cấm linh thiêng lắm. “Muốn lấy một cục đá, hay chặt một nhánh cây mang xuống chân núi cũng không dễ”, ông Ba Lưới nghiêm mặt nói đầy ẩn ý.
Những ngày lưu lại núi Cấm, đi và hỏi, chúng tôi mới phần nào hiểu được ẩn nghĩa từ câu nói của ông Ba Lưới. Thật vậy, gần như mỗi vồ đá, hay hang động, điện thờ nơi đây đều gắn với “chuyện xưa, tích cũ”. Điển hình như hang Bác vật Lang, tức vị kỹ sư đầu tiên ở xứ Nam bộ Lưu Văn Lang (1880-1969). Hang đá này không chỉ nổi tiếng khi gắn với tên tuổi nhà bác vật có thông linh đến mức chỉ cần dùng tay vỗ vào thành cầu có thể xác định thời điểm bị sụp đổ…. mà còn bởi nhiều linh ứng khác.
Tương truyền, hang động này ăn thông ra tận biển Hà Tiên. Có người đàn ông cho là chuyện mê tín, không đáng tin nên đã dùng dao đánh dấu vào trái dừa trước khi thả vào hang với thách thức: nếu thật sự hiển linh, thì sau này đi Hà Tiên phải nhìn thấy trái dừa trên biển. Bẵng đi một thời gian, trong một lần có dịp đến Hà Tiên dạo biển, đang ngồi trên bờ thưởng thức hải sản, người đàn ông này bỗng nhìn thấy trái dừa đánh dấu ngày trước đang trôi dạt trên biển Hà Tiên. Nghe nói sau sự kiện đó ông này đã bỏ hẳn thái độ báng bổ thần thánh mà đã chuyển sang ăn trường chay…
Cận cảnh Giếng Tiên, nơi được tương truyền là do vua Gia Long khấn nguyện và được đáng bề trên ban cho.
Sinh thời, ông Hai, (tục danh Lâm Cảo Kía, sinh năm 1910) là phật tử giữ giới luật tại chùa Lá (Vạn Linh) trên đỉnh núi Cấm, (đã tịch từ mấy năm trước và an tang tại núi Cấm) khẳng định là người không tin chuyện bùa phép hay chuyện mê tín dị đoan, nhưng trong một lần hữu duyên được tiếp chuyện với ông, tôi đã được nghe kể nhiều chuyện “sởn da gà” về sự huyền diệu của núi Cấm.
Theo lời ông Hai, lúc mới hình thành, chùa Vạn Linh được cất bằng cây, lợp lá (nên sau này có tên chùa Lá). Tuy rất đơn sơ, nhưng chùa Vạn Linh được nhiều người tu hành nể trọng và người mộ đạo tín ngưỡng bởi câu chuyện có 2 ông hổ quy phục. “Đất hai bên bàn thờ phật luôn bóng mịn vì tối nào hai ông cũng về nằm để nghe kinh kệ và canh giữ không cho hoang thú vào chùa phá phách”, ông Hai nhớ lại.
Theo ông Hai, sự huyền diệu của núi Cấm thời đó còn thể hiện ở chỗ, những thứ “bàng môn, tả đạo” nhất định không thể trụ được trên ngọn núi này. “Chuyện xảy ra khi tôi theo thầy lên núi dựng chùa được một thời gian. Qua tiếng đồn, biết tôi là phật tử có tay nghề thợ mộc với khả năng chạm trổ đẹp nên một nhóm người tu định lên núi Cấm mở “đại bản doanh”cho đạo phái mà theo họ là đứng ở vị trí cao nhất trong các tôn giáo, đã cử người đến mời tôi sang làm cột cờ, trên đỉnh có chạm lộng hình linh vật… Nhưng kỳ lạ thay, mỗi khi hoàn thành, thượng cờ là giông gió nổi lên bẻ gãy cột cờ, hay “vặn” rời linh vật ra khỏi cột cờ quăng đi rất xa... Sự việc lặp đi, lặp lại nhiều lần như thế khiến nhóm đạo sĩ này đã cuốn gói bỏ núi Cấm đi mất dạng”.
Theo lời ông Hai, lần gãy cờ đầu tiên, ông chỉ nghĩ là sự việc bình thường do tác động ngẫu nhiên của thiên nhiên, nhưng những lần liên tiếp sau đó đã khiến ông nghĩ đến chuyện trừng phạt dành cho những “nhà tu ngạo mạn”. Bởi cột cờ được sử dụng nguyên thân cây danh mộc được tuyển lựa từ rừng sâu về, nhưng vừa thượng cờ là dễ dàng gãy ngang như cây mía.
Một góc núi Cấm.
Đi tìm lời nguyền 30 năm về trước
Xuất phát từ quan niệm núi Cấm linh thiêng như vậy nên những người theo tông phái Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa tin rằng, khi con người làm ô uế, hoặc phá vỡ khí thiêng nơi đây sẽ bị đấng bề trên trừng phạt theo chu kỳ mỗi 30 năm tái hiện liên tiếp trong 2 năm. Trừng phạt người gây hại thì dễ hiểu, nhưng vì sao lại trừng phạt theo quy luật 30 năm đáo hạn thì quả là câu chuyện không đơn giản.
Dù rằng trong những lần trao đổi với Đại lão danh y Ba Lưới, chúng tôi đã phần nào nhìn thấy hình ảnh “trừng phạt” bởi con người đã tàn phá núi Cấm vào 60 năm trước.
Theo lời ông Ba Lưới: “liên tiếp trong 2 năm 1952-1953 ( tức cách thời điểm 2 năm sạt lở núi liên tiếp 1982-1983 đúng 30 năm),sau thời gian nhiều người lên núi Cấm kiếm sống với nghề săn bắt, khai thác gỗ… thì bỗng nhiên núi Cấm bị khô hạn dữ dội, cây trồng héo úa, không có hoa lợi… nhiều người phải đào củ thiên tuế mài lấy bột ăn đỡ đói”.
Sự trùng hợp ngẫu nhiên, hay là quy luật? Một câu hỏi hấp dẫn nhưng không dễ trả lời. Vì vậy không quản cái nắng hầm hập của vùng núi đá đang bước vào cao điểm mùa khô, chúng tôi ngược xuôi trong vùng Thất Sơn ngõ hầu tìm gặp cao nhân để giải mã“lời nguyền” này.
Được một đồng nghiệp địa phương “mớm mồi”: “Vào Ba Chúc, huyện Tri Tôn nơi xưa kia Đức Bổn sư Ngô Lợi khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, may ra sẽ có người giúp được”. Bắt xe vào Ba Chúc dưới cái nắng như đổ lửa, rồi gõ cửa nhà nhiều vị Trưởng gánh (người đứng đầu một gánh (tổ chức, đơn vị) trong bổn đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa).
Trái với không khí vui vẻ, hiếu khách lúc đầu, khi vừa nghe chúng tôi đặt vấn đề các vị cao nhân này đều lắc đầu từ chối một cách quyết liệt đến mức tôi không sao lý giải được. Họ không biết, hay họ sợ bị quy chụp tội mê tín, dị đoan? Sau cùng, thấy tôi đường xa đến, không nỡ để ra về “tay không”, một vị tu sĩ đã “mách nước”: “Ở trong sóc Sà Lôn (xã Lương Phi), nơi phát tích của Đức Phật Trùm, còn con cháu đang thờ cúng, vào đó hỏi may ra…”. Tôi lại bắt xe vào sóc Sà Lôn nằm sâu dưới chân núi Sà Lôn. Sau khi viếng mộ Đức Phật Trùm trong khuôn viên chùa Sà Lôn, chúng tôi tìm đến nơi thờ tự do con cháu ông canh giữ khói hương.
Cảnh đổ nát hoang tàng sau trận sạt lở núi vào ngày 5/5/2012.
Sau khi vượt qua trở ngại về khác biệt ngôn ngữ (do phần lớn người cao tuổi ở đây có thói quen sử dụng tiếng Khmer), lòng lại buồn rười rượi… Không bỏ cuộc, chúng tôi lại tìm về xã Thới Sơn (huyện Tịnh Biên) nơi còn đang lưu giữ nhiều di tích về Trại Ruộng, nơi ngày xưa Đức Phật thầy Đoàn Minh Huyên tổ chức khai khẩn đất hoang trồng rẫy, cấy lúa… rồi xuôi ra tận thị xã Châu Đốc, nơi Đức Phật thầy “an nghỉ”, nhưng tất cả đều kết thúc bằng một chữ “không”.
Đang lúc tưởng như rơi vào tuyệt vọng, bất chợt trong đầu tôi lóe lên… Trong trí nhớ xa xưa hiện về hình ảnh về người bạn vong niên có nhiều năm tu theo tông phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa đang sinh sống dưới chân đỉnh Phụng Hoàng Sơn (núi Cô Tô).
Lần theo hàng cây cổ thụ trải dài đến tận chân núi, chúng tôi mới đặt chân lên cửa nhà anh. Đó là nơi địa thế heo hút với thế giới bên ngoài. Sau khi nghe tôi cầu cứu, anh không nhận là thông hiểu, nhưng đồng ý giúp đỡ theo kiểu “biết tới đâu, nói tới đó” với điều kiện không để lộ tung tích. Anh cho biết, đã từng có nghe qua lời nguyền 30 năm,nhưng hồi đó các tiền bối chỉ nói: “Chuyện huyền cơ không giải thích được”.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu cá nhân, anh cho rằng nhiều khả năng lời nguyền 30 năm có liên quan đến quan niệm vòng tuần hoàn 60 năm mà các bậc thâm nho ngày xưa gọi là “lục thập hoa giáp-60 năm”, tức một chu kỳ phối hợp giữa thập can (10 vị thiên can, gồm: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý) với thập nhị chi (12 vị địa chi, gồm: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi).
Còn vì sao lời nguyền lại xảy ra theo quy luật 30 năm, tức phân nửa lục thập hoa giáp, thì theo anh, có khả năng là do đấng bề trên muốn cảnh báo “giữa nhiệm kỳ” với 2 năm liên tiếp để ít nhất một lần trong đời người đều nhận được lời nhắc nhở trừng phạt này để kềm chế sự tác động đến chốn linh thiêng.
Đại danh y Ba Lưới.
Vén bức màn huyền bí
Để khách quan, chúng tôi không bình luận hay lạm bàn đến chuyện đúng-sai, hợp lý hay bất hợp lý xung quanh câu chuyện lung linh huyền bí này. Tuy nhiên, với tất cả nỗ lực, chúng tôi cố gắng liên hệ với nhiều nhà nghiên cứu, tiếp cận với nhiều tài liệu khoa học có liên qua với mong muốn cung cấp đến người đọc thông tin đa chiều về núi Cấm.
Theo TS Bùi Đạt Trâm, nguyên GĐ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn An Giang, người từng được Ban chỉ đạo thực hiện Địa chí An Giang mời tham gia biên soạn phần nội dung “Địa hình An Giang”, thì giả thuyết cho rằng núi Cấm xuất phát từ lệnh chúa Nguyễn Phúc Ánh cấm dân lui tới nơi đây trong những ngày lánh nạn Tây Sơn có khả năng chưa chính xác. Bởi trong sách “Gia Định Thành Thông Chí”, tác phẩm ghi chép sớm nhất về đồi núi ở An Giang, tác giả Trịnh Hoài Đức (1765-1825), một đại thần được trọng dụng dưới thời Gia Long, lại không hề “điểm danh” đến núi Cấm.
Thật vậy, trong quyển 2 (Sơn xuyên chí), trong phần Trấn Vĩnh Thanh, tuy tác giả có mô tả khá chi tiết đồi núi ở An Giang lúc bấy giờ gồm 19 núi với các thông số địa hình khá đa dạng, như: Đo chu vi núi dùng đơn vị dặm, đo độ cao núi dùng đơn vị trượng…, nhưng tuyệt nhiên không thấy nhắc đến tên núi Cấm. Mãi đến gần nửa thế kỷ sau (1865), sách “Đại Nam Nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn, mới bổ sung núi Cấm khi trình này về núi ở An Giang.
Theo sách này, An Giang có 24 núi, trong đó ngoài 19 núi trùng với số núi đã được Trịnh Hoài Đức miêu tả, còn có thêm 5 núi được bổ sung, trong đó có núi Cấm (Cấm sơn) nhưng cũng chỉ miêu tả rất ngắn gọn và tuyệt nhiên cũng không đề cập, hay nhắc đến sự kiện lệnh cấm của vua Gia Long: “Ở cách huyện Hà Dương 17 dặm về phía Tây nam, đỉnh núi rất cao, ít người đi đến cũng là một trong Thất Sơn”.
Tượng Di lặc tại đỉnh núi Cấm.
Riêng câu chuyện về Hội Long Hoa, do được xây dựng trên cơ sở yếu tố tâm linh nên rất khó để cân phân đúng- sai, một cách thật chính xác như đáp án của bài toán.
Tuy nhiên theo một nhà khoa học có tên tuổi ở An Giang, nếu bóc đi lớp vỏ huyền bí của câu chuyện về tiếng nổ vang trời làm xé đôi núi Cấm, trong đó sẽ hiện ra cung vàng, điện ngọc nơi diễn ra Hộ Long Hoa… thì đó là câu chuyện hoàn toàn có thật và rất có ích cho chúng ta và cho cả hậu nhân ngày sau. Bởi nếu hiểu theo hàm nghĩa cung vàng, điện ngọc là báu vật, thì hoàn toàn chính xác với núi Cấm. Bởi theo ThS Trần Anh Thư, trong mục “Địa chất khoáng sản” (Địa chí An Giang, tập 1) thì trong lòng núi Cấm đang chứa đựng lượng tài nguyên khoáng sản rất đa dạng và quý.
Theo đó núi Cấm có mỏ đá Ốp-lát, chủ yếu là các nhóm đá Granite, Granodiorite… có nhiều màu sắc rất được ưu chuộng trong trang trí cao cấp. Không chỉ vậy, theo ThS Thư, ở sườn Đông nam lại có loại đá Granite biotit hạt nhỏ của phức hệ Định Quán xem kẽ với các đá Granite hạt trung màu hồng của phức hệ Đèo Cả. Còn ở phía Nam tiếp giáp với núi Nam Qui phân bổ chủ yếu là Granodiorite xám xanh dạng đốm da báo, đỏ bóng và độ nguyên khối cao…
Ngoài ra nơi đây còn có nhiều khoáng sản quý khác như: Diatomite dùng trong công nghiệp lọc hoạt tính, đặc biệt là lọc bia, dầu ăn…, và cao lanh (đất có chứa khoáng sét mang tên Kaolinite) dùng làm sứ cách điện cao cấp…
Vì vậy, theo một nhà khoa học có tên tuổi ở An Giang, nếu tiếp cận câu chuyện “núi Cấm bị xé đôi” và người làm ảnh hưởng đến cảnh quang nơi đây sẽ phải đền tội theo hướng tích cực, thì đó là lời cảnh báo có ích theo hướng: Nếu không gìn giữ, bảo vệ tài nguyên núi Cấm nói riêng, tài nguyên thiên nhiên nói chung, thì sẽ gánh lấy hậu quả từ cơn thịnh nộ của thiên nhiên!
Theo Hán Vinh - Xã hội
No comments:
Post a Comment