Monday, March 25, 2013

Chăm sóc sức khỏe “núi đôi”

 Có một bộ ngực đẹp là mơ ước của tất cả chị em. Nhưng để có vòng một đẹp chị em cần chú ý đến sức khỏe bên trong của “núi đôi” trước rồi mới tính đến phương cách làm mãn nhãn bên ngoài.


Bộ ngực cũng như bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể con người cần phải chăm sóc thường xuyên và đúng cách sẽ khỏe, đẹp lên và chống lại một phần sự lão hóa theo thời gian. Muốn có bộ ngực đẹp trước hết phải khỏe.
Khỏe mới đẹp
Nhiều người cho rằng vòng một càng to, căng tròn thì càng đẹp. Nhưng theo các chuyên gia thẩm mỹ, vòng một đẹp phải cân đối hài hòa với vóc dáng và chiều cao của cơ thể. Một người có chiều cao 1,5m thì vòng một cân xứng là 76-80cm, chiều cao 1,6: 83-86cm, chiều cao 1,7m: 91-93cm. Vòng ngực phải hài hòa với vòng hai và vòng ba.
Cụ thể, vòng một ít hơn vòng ba khoảng 2cm, nhiều hơn vòng hai 20-30cm là vừa đẹp. Xét về hình dáng, ngực được xem là đẹp phải săn chắc, không chảy xệ. Còn theo y khoa, vòng một đẹp là phải thật sự khỏe mạnh, không bị mắc bệnh, nhất là bệnh ung thư vú.
Cẩn thận khi dùng thuốc nở ngực
Hiện trên thị trường có nhiều loại thuốc uống, bánh, kem bôi được quảng cáo là làm nở ngực, làm săn chắc ngực. Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Mỹ Linh, hãy cẩn thận và cân nhắc khi dùng những loại sản phẩm này vì tế bào ở vú do nội tiết tố quy định. Nếu những sản phẩm này có chứa chất nội tiết thì khi sử dụng nhiều sẽ gây ra những tế bào bất thường khiến vú có nguy cơ bị ung thư.
(N.NGA)
Theo bác sĩ Nguyễn Vũ Mỹ Linh - Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM, mỗi phụ nữ có một kích thước, hình dáng vòng một khác nhau tùy vào nhiều yếu tố như: sắc tộc, huyết thống, di truyền, cơ địa mỗi người, yếu tố dinh dưỡng... Về mặt giải phẫu học, bầu vú được nâng đỡ chủ yếu bởi dây chằng treo vú và lớp da bao bọc. Hai yếu tố này quyết định hình dạng của vú.
Bác sĩ Mỹ Linh cho biết có nhiều yếu tố khiến bầu vú của chị em phụ nữ không thể đẹp tự nhiên mãi theo thời gian: chảy xệ khi lớn tuổi, có thai hoặc cho con bú, tập thể dục quá mạnh, mặc áo ngực không phù hợp...
Việc tăng hay giảm trọng lượng của cơ thể cũng khiến đôi gò bồng đảo trồi sụt thất thường. Nếu tăng mỗi ký trọng lượng, bầu ngực cũng được “khuyến mãi” thêm 20g, khi trọng lượng giảm thì phần “khuyến mãi” này cũng sẽ không còn.
Tự kiểm tra “núi đôi”
Theo bác sĩ Mỹ Linh, phụ nữ từ lúc dậy thì đến hết cuộc đời phải nên tự mình khám vú hằng tháng bằng cách quan sát, sờ nắn để phát hiện dấu hiệu bất thường của “núi đôi”.
Thời điểm tự khám vú tốt nhất là ngay sau khi vừa sạch kinh, lúc này vú còn mềm mại nhất nên dễ phát hiện những bất thường. Bác sĩ Mỹ Linh cho biết khoảng 80% khối u của vú được chính chủ nhân phát hiện khi mỗi lần tự khám vú.
Bên cạnh việc tự kiểm tra vú hằng tháng thì hằng ngày vú phải được vệ sinh. Da vú mỏng, nhạy cảm nên rất dễ bị dị ứng hoặc khô, vì vậy tránh dùng chất làm khô da, dùng sữa tắm và kem dưỡng da có độ ẩm cho vùng da ngực.
Việc tập thể dục đúng cách cũng sẽ làm bộ ngực trở nên săn chắc và đẹp hơn, nhất là các bài tập liên quan đến cơ bắp vùng ngực, trong đó bơi lội là môn thể thao thích hợp nhất để có vòng một đẹp. Khi chọn áo ngực chị em nên dùng các loại áo ngực mềm mại, thấm mồ hôi, nâng đỡ tốt. Bên cạnh đó, khi tắm chị em nên matxa vùng ngực để máu lưu thông tốt hơn giúp vòng một hồng hào, săn chắc.
Đối với phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai và cho con bú cần chú ý chăm sóc vùng ngực cẩn thận hơn vì trong thời kỳ này ngực rất nhạy cảm. Cần vệ sinh sạch sẽ trước và sau khi cho con bú bằng nước ấm, tránh dùng xà bông chà xát mạnh vào bầu ngực.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng rất quan trọng trong việc duy trì sức sống cho vòng một. Các thực phẩm nhiều chất xơ, nhiều nước sẽ góp phần tăng cường sức đề kháng. Thực phẩm giàu protein như: cá, thịt nạc, sữa góp phần vào sự săn chắc của bầu ngực. Thực phẩm chứa vitamin C và E giúp chống oxy hóa ngăn ngừa sự lão hóa của ngực.
Luôn cảnh giác với ung thư vú
Mọi phụ nữ đều có khả năng bị ung thư vú, nhưng một số có nguy cơ mắc cao hơn, như: nữ độ tuổi 45-50, mãn kinh quá trễ (trên 55 tuổi), không có con hoặc có con đầu lòng trên 35 tuổi, không cho con bú; trong gia đình có mẹ hay chị, em, con gái bị ung thư vú (5-10% trường hợp ung thư vú do di truyền); tiếp xúc với hóa chất, tia xạ; đã hay đang bị ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung; chế độ dinh dưỡng nhiều thịt, giàu chất béo, ít rau quả và uống nhiều rượu... Ở những người có nguy cơ thì nên tích cực khám vú định kỳ.
Việc phát hiện ung thư vú sớm rất quan trọng vì có thể giúp chữa khỏi bệnh hoàn toàn. Tuy nhiên ở giai đoạn rất sớm, rất khó nhận ra dấu hiệu nghi ngờ bị ung thư vú do không có biểu hiện, không sờ, nhìn thấy được. Chỉ phát hiện nhờ khám vú, chụp nhũ ảnh kiểm tra.
Bạn nên tìm đến bác sĩ càng sớm càng tốt khi thấy các dấu hiệu sau: chảy dịch ở núm vú (có thể là dịch trong,vàng trong, màu sậm giống máu); núm vú bị co kéo tụt vào trong,bị loét, rỉ dịch; sờ được một mảng lộm cộm trong vú hay cục u ở vú hay nách; da vú bị nhăn, da dày giống da trái cam sành, da vú bị thay đổi hình dạng và màu sắc khác biệt so với vú bên kia, đau vú một hay nhiều nơi...
Khi gặp các trường hợp này, tuyệt đối không tùy tiện đắp bất kỳ loại thuốc, lá cây nào lên vú vì có thể làm nặng thêm tình trạng bệnh. (NGỌC NGA - KIM SƠN)
* Con gái tôi 13 tuổi, vú nhỏ. Tại sao? Mẹ và dì cháu đều vú nhỏ.
BS Mỹ Linh: Ở trẻ gái 13 tuổi không thể nói to hay nhỏ. Thường vú có trước (khoảng 9-10 tuổi), hai năm sau bé mới có kinh và vú phát triển liên tục đến 20-22 tuổi. Với trẻ gái vú nhỏ chỉ tập để tăng cơ ngực.
* Có phải uống sữa đậu nành thường xuyên sẽ giúp giảm nguy cơ ung thư vú?
BS Mỹ Linh: Nguy cơ ung thư vú liên quan đến rất nhiều nguyên nhân: di truyền, sắc tộc, hóa chất độc hại, phụ thuộc nội tiết tố... Theo quan niệm cũ từ 20 năm trước người ta cho rằng đậu nành chống lão hóa do nhờ estrogen tự nhiên. Nhưng khoảng năm năm gần đây, các nhà khoa học xác định không có cơ sở và khuyến cáo chỉ nên uống 50 gam đậu nành, tức khoảng 1/2-1 lít sữa đậu nành/ tuần. (KIM SƠN)

No comments:

Post a Comment