(Trích quyển “ĐỜI, hay chuyện về những người tù của tôi”, bản thảo năm 2000-2001, của Hồ Ngọc Nhuận)
…Lại nhớ hồi đầu năm 1979, khi tôi ra dự hội nghị Trung Ương Mặt Trân Tổ Quốc ở Hà Nội rồi xin đi Lạng Sơn, vô trung tâm thị xã, để chụp mấy tấm hình. Đạn Trung Quốc bắn ào ào, xối xả phía trên đầu mà tôi cứ tỉnh bơ lo bấm máy ảnh: tôi cứ tưởng đạn của phía mình, làm như với đạn phía mình thì không chết! Nếu không có một lính trinh sát của ta bị thương, ngoắc xe tôi lại đưa anh ra ngoài, chắc tôi đã ở lại thị xã lâu hơn. Để rồi biết đâu đã chẳng nằm lại như anh Takano, phóng viên báo Cờ Đỏ của đảng Cộng sản Nhật Bản?
Mấy tấm hình đăng báo, khi tôi về lại Sài Gòn, và bài tôi khóc Takano trên Tin Sáng, làm tôi không nhớ, sau lúc thoát khỏi lửa đạn ở Lạng Sơn, tôi có nghĩ lại mà giựt mình hay không.
Nhưng tôi không thể nào quên cái lần đầu tôi kể chuyện nầy cho đám con tôi. Hơn hai mươi năm qua rồi mà mọi việc như cứ rành rành trước mắt…
Sau hội nghị Mặt Trận Tổ Quốc ở Hà Nội, giữa lúc chiến trận biên giới giữa Trung quốc và Việt Nam đang tiếp diễn ác liệt, tôi nằng nặc xin đi Lạng Sơn, lấy cớ là nhà báo Sài Gòn duy nhất có mặt, không ra chiến trường săn tin e bà con độc giả Sài Gòn chê trách. Phải mất vài ngày chờ đợi, nghe ngóng… Ông Xuân Thủy sau cùng dàn xếp cho đi, cấp một xe bộ đội loại nhỏ hiệu Liên Xô, với đầy đủ lương thực ăn đường và một cán bộ tháp tùng. Khi chuẩn bị lên đường tôi mới biết có hai ông Nguyễn Ngọc Trân, nay là chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc Hội, và Nguyễn Văn Ngọc, nay là phó trưởng ban Tôn giáo Chánh phủ, cùng đi. Tôi nói “cùng đi”, chớ kỳ thật không biết chừng nhờ có hai ông mà tôi mới được đi, vì hai ông là đảng viên, và vì dọc đường tôi thấy ông Trân thỉnh thoảng trình giấy giới thiệu với địa phương mà không biết giấy nói gì.
Xe đi không vội vã vì dọc đường còn phải dừng lại nghỉ đêm và nghe ngóng tin tức. Bà con các dân tộc tiếp đón niềm nở và không có vẻ gì là hoảng sợ. Chánh quyền các địa phương báo qua kế hoạch bố trí bà con sơ tán: tất cả đều được phân bố trong các gia đình và tiếp tục tham gia sản xuất. Ải Chi Lăng núi non hiểm trở, trùng điệp, hùng vĩ – mà tôi mới đặt chân đến lần đầu – như hối thúc tôi dồn bước về phía trước. Càng gần về phía biên giới mới có lác đác người đổ về xuôi. Mà không hối hả. Với trâu và trâu. Không biết bà con nuôi kiểu nào mà từng đàn con nào cũng mập mướt. Một dân quân, súng trường dài thoòng quàng vai, chở một bà cụ sau xe đạp, đổ dốc. Anh nói: đưa mẹ đi gửi rồi trở về đánh tiếp. Ở một huyện lỵ, gần thị xã Lạng Sơn, chợ vẫn nhóm. Thuốc lá Lạng Sơn đi đâu cũng đụng. Tấm ảnh hai con bồ câu rỉa lông nhau trên cành cây vệ đường, đăng trên Tin Sáng, là tôi chụp ở chợ nầy. Ở một cơ quan địa phương , một bà chị người dân tộc im lặng ngồi ở cửa, không biết tự bao giờ và đến bao giờ: chồng chị, một cán bộ tuyên huấn, đi công tác ở một xã trên cao, kẹt đánh nhau cả tuần chưa thấy bóng. Nước trên các chóp rất khó tìm, phải trữ, phải tiếp. Phần lớn các hang núi được biến thành nơi làm việc, trạm xá. Những thứ đó còn đọng lại trong tôi cho tới giờ.
Rồi cũng đến được đỉnh đồi cách vài kilômét nhìn xuống thị xã Lạng Sơn. Một hàng dài xe báo chí nước ngoài đang chờ đó, không biết tự bao giờ. Sau khi đọc giấy giới thiệu, ông tướng chỉ huy mặt trận chấp nhận cho chúng tôi vô thị xã mà phải theo chân một đơn vị bộ binh dẫn đường. Ông nói: “Để các anh đi ẩu, rủi có gì ai chịu trách nhiệm!”. Ông nói cũng có lý, với lại chiến trận chỉ cách vài cây số đường chim bay. Một sĩ quan đứng gần kề tai tôi mách nước: “Các anh theo lính không nổi đâu. Đường núi quanh co không dễ đi, họ còn phải lo bảo vệ các anh nữa, biết chừng nào tới nơi! Các anh có xe sao không phóng thẳng vô? Chỉ sau mấy phút là tới. Nếu chúng không pháo trúng”.
Nhìn quanh, các ngọn đồi đan chen nhau như bát úp. Ta và địch chia nhau làm chủ và đấu pháo qua lại. Pháo địch chiếu cố đặc biệt con đường dưới chân đồi từ chỗ chúng tôi đứng dẫn vào thị xã.
Mạo hiểm cũng có cái hấp dẫn và cũng dễ lây: “cán bộ đường lối” cũng đồng tình phóng xe vô thị xã, không do dự mấy. Chúng tôi nhảy vội lên xe, vọt. Đạn pháo ùm oàng. Địch có nhắm bắn chúng tôi không, tôi không biết. Chỉ vụt thoáng thấy hai bên đường đây đó vài chiếc thiết giáp nằm kềnh, trâu phơi bụng, các bụi tre tang toác… Xe ngừng, nhảy xuống, ngó lại: một xe truyền hình Thuỵ Điển bám sát chúng tôi hồi nào không ai hay. Vài phút sau, một xe trinh sát trờ tới, đổ quân, tủa ra bố trí… Hợp tác xã thêu Lạng Sơn đổ nát. Bấm. Bệnh viện Lạng Sơn tan hoang. Bấm. Ở một ngã tư, vài xác chết chưa kịp nhặt. Không bấm. Một cột mốc bên lề đường, có khắc “Lạng Sơn, km: 0″, với hai ông Trân và Ngọc ngồi đứng kế bên. Bấm. Một con mèo con co rúm trong một đống đổ nát, không biết đường chạy. Bấm luôn. Ngó lại: mấy ông truyền hình Thuỵ Điển đang chĩa máy quay hình tôi! Đạn bay như gió bão ào ào trên đầu. Tưởng là đạn ta, tôi cứ chạy nhảy, lia máy, bấm.
Từ xa, một người ngồi sát chân một tường rào giơ tay ngoắt. Lom khom men tường tôi đến gần. Một anh bộ đội ta vừa bị thương vào đùi. Xe chúng tôi vọt tới, lôi vội anh lên, phóng ra khỏi trận địa. Anh thương binh nói : “Tôi đã rút sẵn chốt lựu đạn, tụi nó tới, tui cho nổ luôn!”. Ra tới đỉnh đồi lúc nãy, bộ chỉ huy quân sự đâu không thấy, xe các phóng viên chiến trường cũng không. Một anh bộ đội giữ chốt cho biết: một đạn pháo địch vừa rơi trúng đây, mấy chiến sĩ bị thương vừa được chuyển về tuyến sau.
Về lại tuyến sau, buổi chiều, chúng tôi được tin ký giả Takano của báo Cờ Đỏ Nhật Bản hy sinh. Anh vào thị xã Lạng Sơn sau chúng tôi khoảng ba tiếng đồng hồ. Và anh cũng đã đến quãng bên này đầu cầu Kỳ Lừa, nơi chúng tôi đã mò gần đến, trước khi quân Trung Quốc giựt sập cầu để rút lui.
Bài học không nên quên
Chuyện đang hào hứng mà đám con tôi lại òa khóc. Bắt đầu từ cô chị cả. Con gái lớn tôi mếu máo qua nước mắt: “Cha không thương tụi con ! Ai bắt cha vô đó”?!
Ai bắt ? Chẳng qua là nghề với nghiệp thôi !”
Ai bắt ? Chẳng qua là nghề với nghiệp thôi !”
Với lại, cũng cần nói thêm: suốt mấy ngàn năm lịch sử quan hệ giữa hai nước, có triều đại nào, có chế độ nào của Trung Quốc mà không xua quân sang đánh nước ta? Đó là điều trẻ con nào cũng biết. Nhưng một Trung Quốc xã hội chủ nghĩa, vừa là đồng chí vừa là anh em, lại cũng không từ cái việc “dạy cho Việt Nam xã hội chủ nghĩa một bài học”, sau khi Việt Nam, cũng chẳng đặng đừng, đã đánh cho một đồng chí anh em khác chạy có cờ, là điều mới mẻ ít ai ngờ. Việc tôi có mặt ở Lạng Sơn trong cuộc chiến ít ai ngờ đó cũng là một cơ hội bất ngờ hi hữu mà không phải ai cũng được gặp. Và tôi không thể bỏ qua.
Cuộc chiến nầy là một bài học lịch sử vô giá đối với tôi. Nhưng không biết rồi đây tôi có nhớ mà học cho thuộc hay không.
Nghĩ về cái sợ đến sau, cái sợ hồi tưởng, và về cái sợ cho người thân của mình, hai cái sợ mà các con tôi hơn một lần đều lãnh đủ, tôi thấy thương các con lắm !
Đang chuyện làm báo, sao tôi nói leo vô chuyện tù và chuyện nhà? Nhưng việc vào tù ra khám, việc vào ra công an hay việc làm báo đối lập của tôi đôi khi tách riêng ra cũng không dễ, và khó mà không “văng miểng” cho gia đình. Biết bao lần vợ con tôi đã phải ngăn tiếng khóc, để đến bây giờ mới bật ra?…
Hồ ngọc Nhuận
No comments:
Post a Comment