Saturday, February 2, 2013

DIỄN TIẾN TRUYỆN VĂN XUÔI QUỐC NGỮ




DIỄN TIẾN TRUYỆN VĂN XUÔI QUỐC NGỮ


Truyện viết theo lối văn xuôi bằng quốc ngữ trong thời kỳ này diễn tiến theo ba xu hướng song song:

I. Truyện Tàu dịch ra quốc ngữ
II. Truyện ta ảnh hưởng truyện Tàu và tiểu thuyết phương Tây về kỹ thuật diễn tả.
III. Truyện ta ảnh hưởng tiểu thuyết phương Tây cả về nội dung và hình thức.

I. TRUYỆN TÀU

Theo chỗ hiểu biết của chúng tôi hiện nay, Truyện Tàu được dịch ra quốc ngữ sớm hơn cả là Tam Quốc chí khởi đăng từ số 1 "Nông Cổ mín đàm" 1901, chúng tôi không rõ trước đó có chuyện nào được dịch đăng báo hay in thành sách. Bộ truyện được in thành sách sớm hơn cả mà chúng tôi biết có lẽ là: "Đông châu liệt quốc" cuốn 1, Nguyễn Chánh Sắt dịch, cuốn 2 Nguyễn An Khương dịch từ năm 1906. Du long hý phụng, Chánh Đức du Giang Nam, Trần Phong Sắc dịch in năm 1907.

Số người dịch khá đông, gồm những vị như: Trần Phong Sắc, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn An Khương, Nguyễn An Cư, Cosme Nguyễn Văn Tá, Nguyễn Liên Phong, Lê Sum, Lê Duy Thiện, Phạm Minh Kiên, Trần Hữu Quang, Nguyễn Hữu Danh, Huỳnh Trí Phú, Huỳnh Công Giác, Nguyễn Công Kiều, Nguyễn Kim Đính, Trần Công Danh, Phan Thành Kỉnh, Trần Quang Xuân, Phạm Văn Biều, Trương Minh Chánh, Hoàng Minh Tự, Nguyễn Văn Hiến, Phạm Thị Phượng, Trần Thị Sở. Trong số những dịch giả, có mấy vị nổi tiếng và có uy tín hơn cả là: Trần Phong Sắc, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn An Khương, Nguyễn An Cư.
Xin trích một đoạn Đào Văn Hội ca tụng bài dịch của ông Sắc. Một nhà có biệt tài dịch thuật: Trần Phong Sắc.
"Mấy mươi năm về trước, nếu nơi đất Bắc Nguyễn Đỗ Mục nổi danh nhờ dịch thuật mấy bộ diễm tình tiểu thuyết Trung Hoa "Dũ Chi Phu" (chồng tôi) "Dũ Chi Thê" (vợ tôi) "Song Phụng kỳ duyên" v.v... thì dưới trời Nam, tỉnh Tân An không mấy ai là không biết tên tuổi nhà nho Trần Phong Sắc và chắc cả hai mươi tỉnh Nam Kỳ nhiều người được nghe tiếng ông, dịch giả hơn 40 bộ truyện Tàu...
- Câu văn của ông vừa cân đối vừa trôi chảy, vừa bóng bẩy văn hoa, phụ nữ nhi đồng đọc mấy pho truyện của ông đã say mê mà hạng lão thành, nhà trí thức xem cũng thích thú.
... "và đừng nói chi một tỉnh Tân An mà có lẽ cả lục tỉnh Nam Kỳ, nửa thế kỷ trước đây, chưa thấy ai có tài dịch thuật đặc sắc như ông Trần Phong Sắc".
Đào Văn Hợi - Tân An ngày xưa. Phủ Quốc vụ khanh Đặc trách văn hóa xuất bản 1972, trang 56-64


TRUYỆN TÀU VÀ TÂM TƯ NGƯỜI LƯU DÂN

Truyện Tàu chỉ là "thứ truyện huyền hoặc quái đản của mấy bác cuồng nho bịa đặt để làm khoái trá bọn hạ lưu vô học" (Phạm Quỳnh) hoặc chỉ là để giải trí không có giá trị văn chương. Lê Văn Siêu, chuyên về văn học dân tộc, đã ở miền Nam lâu năm và chính 1 nhà thơ gốc miền Nam, Đông Hồ đã phát biểu... Những ý nghĩ trên phản ảnh một thiên kiến khá phổ biến. Chính bản thân chúng tôi trước đây cũng đã nghĩ như vậy. Nhưng thực tế sống mắt thấy tai nghe, rồi từ đó tìm hiểu qua sách báo người kể chuyện, chúng tôi dần dần hiểu khác đi. Ở đây chúng tôi xin kể một vài kinh nghiệm bản thân, câu chuyện nghe được, hoặc tài liệu đã đọc được.

1. Kinh nghiệm bản thân:
Hàng ngày đi xe đạp, tôi hay quên gạc cái chống xe và thường những người cùng đi nhất là thanh thiếu niên nói tiếng Nam nhắc nhở "Bác gạc cái chống xe". Một cảnh mà tôi đã chứng kiến nhiều lần ở ngoài phố xá. Trên đường một khu đông dân, tôi nghe tiếng súng lục, rồi thấy một cảnh sát đang dẫn một người đạp xích lô, gắt mắng, cãi qua cãi lại, lúc thì lột vứt cái mũ của anh đạp xe, rồi vứt cả nệm xe v.v... Thế rồi tự nhiên, tôi thấy những người đạp xe như tôi ngừng lại với những người đi bộ khoảng mấy chục người vây quanh hai người. Tôi cũng dừng lại đứng xa nghe thấy những tiếng nói: Anh không có tác phong quần chúng, anh không thể xử lý như thế được... Lúc đầu, anh cảnh sát còn cãi lại, sau thấy đứng im, mọi sự dịu lại, rồi giải tán, anh xích lô đi thong thả, hỏi ra thì chẳng qua anh xích lô đậu xe chỗ cấm rồi chắc bị rầy la, anh cãi và bị anh cảnh sát bức ép dẫn về bót... tôi thú nhận phản ứng của tôi lúc đó là của một người Bắc; tôi cũng bất bình, nhưng nghĩ rằng không nên dính líu vào phiền lắm, và quả thực tôi không làm gì cả, trong khi những người bên cạnh tôi đã can thiệp... Đọc báo, tôi nhớ đã đọc bài "Nghĩ về sự ham đọc các sách truyện Trung Hoa của người Saigon của Vũ Hạnh (1) trong đó Vũ Hạnh cũng kể những cảnh tương tự.
"Một lần ở trên đường Nguyễn Trãi, tôi được chứng kiến mấy người đàn bà sống bằng nghề gánh nước mướn đã bỏ gánh nước xuống hai bên đường để vác đòn gánh vây bắt hai tên cao bồi là vì chúng húc xe vào một em bé làm em bé cháy phỏng chân rồi toan bỏ chạy. Họ đã bỏ công vây giữ hai gã cao bồi khá lâu để chờ người cha đứa bé đạp xích lô về giải quyết nội vụ. Quang cảnh thật là cảm động và cái hào hiệp như thế không có chút gì gọi là kiểu cách, sang trọng, nhưng thật phong phú biết bao. Khi biết được rằng họ không có họ hàng gì với đứa bé kia, và chỉ là những người gánh nước mướn ở nhiều dãy phố khác nhau ráp lại bất ngờ do cùng một mối bất bình về chuyện giữa đường, người ta lại càng cảm thấy yêu mến họ nhiều hơn nữa. Trong đám những người dự kiến vụ này, có một cụ già đã quay lại bảo với chúng tôi: - Mấy con mẹ này chơi được quá!
Chơi được quá, đó là lời khen hết sức thành thật. Nhưng bỏ công ăn việc làm, vây đánh một tay cao bồi, du đãng là "chơi" đó sao? Mấy tiếng "chơi được" đúng là tiếng nói của người Saigon cái gì coi bộ cũng thật dễ dàng, coi cũng như không, trừ cái lẽ phải chịu những thiệt thòi để mà bảo vệ. Đó cũng là khía cạnh khác của tâm lý người Saigon. Tâm lý trẻ trung, vui vẻ, không ưa kiểu cách và quan trọng hóa những gì chẳng đáng làm ra quan trọng. Những cái gì mới thật là quan trọng? Cho đến cái chết cũng là "chết bỏ", nghe dễ như chơi. Điều nghĩa, điều tín, chữ hiếu, chữ trung, đó là những băn khoăn lớn âm ỉ ở nơi lòng họ".

2. Một vài mẩu chuyện nghe kể lại:
Tôi được nghe vài mẩu chuyện về bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc. Thấy tai nạn xảy ra không ai chịu làm chứng anh bộ đội miền Nam mặc dầu đang đi xe điện cũng nhảy xuống rút chứng minh thư xin làm chứng. Dẹp cao bồi, du đãng Hà Nội, có phần đóng góp của anh bộ đội với cảnh sát không phải bằng súng, nhưng bằng tay chân như chúng thôi mặc dầu sau đó có anh bị chúng trả thù rình đánh gãy tay. Hoặc vụ đánh trung úy người Canada ở Bờ Hồ hất rơi cái mũ của anh trung úy người Bắc mà lại tỏ ra hách dịch không xin lỗi, bị bộ đội tập kết đánh văng xuống Bờ Hồ. Bộ đội gốc Bắc vào chiến đấu ở miền Nam, lúc ra tập kết, được trở lại đơn vị miền Bắc, xin tiếp tục được ở với đơn vị bộ đội Nam...
Đúng như Vũ Hạnh đã nhận xét không thể quên truyện Tàu là một hiện tượng thật lớn, thật đậm ở trong sinh hoạt tinh thần của người Saigon cũng như của người miền Nam. Cái tinh thần Lương Sơn Bạc cũng đã tìm thấy trong lớp Bình Xuyên, trong đám anh chị Cầu Muối ngày nào, cái không khí của vườn đào kết nghĩa vẫn còn gặp lại trong những sinh hoạt, những Trương Dực Đức, những Đơn Hùng Tín, những Triệu Thường Sơn vẫn còn đi lại đâu đây. Tinh thần của các Đông Chu Liệt quốc, Tây Hớn, Thuyết Đường, Tam Quốc vẫn còn bàng bạc ở trong sinh hoạt, ở các ngã đường, trong mọi cung cách đối xử và cái tác phong trọng nghĩa khinh tài, cũng như thái độ coi cái mạng mình là rẻ để mà giữ lấy chữ nhân chữ tín vẫn còn được xem như một tiêu chuẩn đáng trọng của một đạo sống phổ biến. Một thứ văn chương tác động vào xã hội, vào đời sống hàng ngày không phải chỉ của vài cá nhân hay một giới nào trong một lúc nhất thời, mà kể như của cả con người Saigon, con người miền Nam từ thuở xưa, hiển nhiên phải bắt nguồn từ một đòi hỏi lớn lao của tâm hồn người đọc trở thành một món ăn tinh thần cần thiết như cơm áo hàng ngày, và do đó rất đáng được tìm hiểu một cách nghiêm chỉnh và càng phải tìm hiểu nghiêm chỉnh hơn nữa khi nhận ra cái gốc, cốt cách của hát cải lương, ca vọng cổ là truyện Tàu. Thực ra không phải chỉ người miền Nam thích đọc truyện Tàu, nghe hát cải lương ca vọng cổ mà cả người miền Bắc cũng rất thích. Nhưng thích đến độ say mê bỏ cả công ăn việc làm để đọc truyện nghe hát thì chỉ người miền Nam và đặc biệt người miền Nam ba tỉnh miền Tây. Đã hẳn là phải có lý do, chúng tôi xin đưa ra một vài gợi ý để tìm hiểu đào sâu sau...

1. Những lý do cả nước (đặc biệt quần chúng bình dân) thích. Nhiều người như Sơn Nam, Vũ Hạnh, Nguyễn Văn Xuân đã nói, chúng tôi cũng đồng ý nên chỉ nhắc qua.

- Về nội dung: Một căn bản đạo lý, đã được "Đại Nam nhất thống chí" tóm tắt và ghi nhận là đức tính phổ biến ở đa số nhân dân miền Nam: chuộng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài, có tinh thần mã thượng thì không cô độc vì thế nào cũng gặp bạn tri âm, chuyện gì nhỏ nhặt thì bỏ qua, có chuyện bất bình phải giải quyết ngay, không cố nhịn rồi tìm cách đâm lén sau lưng. Giá trị con người không phải ở tiền bạc, huyết thống, mà ở thái độ tích cực thấy việc ngang trái, ức hiếp nguy khốn phải ra tay cứu giúp, dám liều thân có nghĩa lớn, không lợi dụng quyền thế ăn hiếp kẻ yếu (Quan Vân Trường) không giết kẻ ngã ngựa, ăn ở thủy chung, quân tử nhất ngôn, hễ nói là làm liền, không nói xấu kẻ vắng mặt, phóng khoáng, được cử lên làm vua, nhưng chán bỏ đi ăn cướp lấy của người giàu chia cho người nghèo, thích hơn, vì khỏi phải kiêng giữ lễ nghi, được văng tục, chưởi thề v.v...

- Về hình thức: Có tinh thần dân tộc đại chúng.
Truyện Tàu thuộc loại truyện có nhiều tình tiết hấp dẫn, hát cải lương, ca vọng cổ là một sản phẩm thuần túy dân tộc vì văn lấy nói lối làm hình thức diễn tả là chính, hát cải lương chịu ảnh hưởng nhiều của hát bộ, của kịch tây, hát bóng câm, tuồng Tàu nhưng nó không phải là thứ này thứ kia mà chính là một ngành ca kịch của dân tộc, gần gũi với lời nói của quần chúng, đặt những vấn đề của quần chúng nhất là khi nó đảo chính ông vua Hành vân mà thay bằng ông vua vọng cổ, do đó hát cải lương và ca vọng cổ "dần dần cướp hẳn khán giả của bộ môn hát bộ cổ kính, một cách không xót thương và oanh liệt, chận bớt ảnh hưởng của phim chiếu bóng với đào kép lừng danh thế giới, với kỹ thuật cao đẳng tràn ngập các thành thị (2).


Người ở miền Bắc có thể cảm phục những nhân vật anh hùng trong truyện Tàu, hát cải lương và những hành động anh hùng của người miền Nam trong cuộc sống hàng ngày, ít nhiều do tiếp thu cái căn bản đạo nghĩa của truyện Tàu, nhưng biết vậy thôi không thể bắt chước hoặc khó bắt chước và vì sống trong một hoàn cảnh mà sự dè dặt không can thiệp, liều thân rút ra từ một đúc kết kinh nghiệm có thể nói phải trả bằng giá rất đắt cũng được biện minh vì có cơ sở lý do chính đáng của nó.
Những người miền Nam sống trong vùng đất mới, không bị những khuôn nếp lâu đời của những quyền bính chính trị, áp lực xã hội gò bó, trói buộc rất cần những mẫu anh hùng đồng thời có điều kiện thuận lợi để ít nhiều thể hiện những gì mình cảm phục nơi những mẫu người anh hùng.

Hai quan niệm đều có cơ sở:
- Kiến nghĩa bất vi vô dũng giả,
Lâm nguy bất cứu mạc yêng hùng.
- Các nhân tự bản môn tiền tuyết.
Người ta có thể ưa thích quan niệm "ra tay cứu nguy đáng phục hơn quan niệm tuyết nhà ai ấy quét nhưng không vì thế mà chê bai được thái độ dè dặt, ngại nhúng tay vào chuyện kẻ khác. Vấn đề chúng tôi muốn nêu lên là tại sao người miền Nam, đặc biệt ở miền Tây lại say mê hơn cả mọi nơi truyện Tàu, hát cải lương, ca vọng cổ? Chúng tôi xin nêu một giả thuyết giải thích dựa vào khái niệm "vô thức tập thể" của Jung. Theo nhà tâm lý học này, những chuyện xưa cũ nhất của một dân tộc như thần thoại, huyền thuyết, là một cách thể hiện những giấc mơ của dân tộc ấy.

Người Việt Nam không hiểu vì lẽ gì, còn giữ được rất ít những thần thoại, truyền thuyết, nhưng nhiều truyện còn giữ được không phù hợp với nỗi niềm của những người Việt Nam lưu dân. Những truyện gần gũi hơn như: Chinh phụ, Cung oán ngâm khúc, Kiều phản ảnh một lối nhìn bi quan yếm thế, đầy nữ tính cũng không thích hợp, rất ít có những chuyện như Lục Vân Tiên (3). Do đó, chỉ có truyện Tàu phản ảnh đúng hoàn cảnh thân phận lưu dân và những ước mơ của họ... Không nên quên người Tàu ở miền Tây cũng cùng một hoàn cảnh như người Việt (lưu dân) có những giao lưu chặt chẽ về dân tộc (lấy vợ Việt) về văn hóa nên nhiều người Việt Nam không còn nhớ nguồn gốc minh hương của mình. Tác giả bài ca "Dạ cổ hoài lang" Sáu Lầu gốc Triều Châu. Cho nên có thể không coi truyện Tàu như của một nước ngoài xa lạ - Người Việt cũng như người Trung Hoa lưu dân, đều giống nhau về những nguyên nhân rời bỏ quê cha đất tổ: vì lý do chính trị hay kinh tế, ghét một chế độ chính trị, mất tin tưởng vào những người lãnh đạo, một trật tự xã hội áp bức, đầy đọa họ. Họ ra đi đến một vùng đất mới không phải chỉ vì sinh kế mà còn vì ôm ấp hoài bão đi tìm một chính nghĩa, những người lãnh đạo mà tư cách có thể làm họ kính phục, tôn thờ... Truyện Tàu phản ảnh một xã hội phân hóa sa đọa về chính trị và trong cảnh hỗn loạn chiến tranh, có những người từ quần chúng ra đi cứu khổn phò nguy mà không được nhà vua ủy nhiệm hay nhận lịnh của triều đình, trọng nghĩa khinh tài, trở thành những mẫu anh hùng nêu cao chính nghĩa.

Những người lưu dân đến vùng đất mới, tuy phì nhiêu bát ngát, nhưng không phải là tự nhiên ngay từ ban đầu đã làm chơi ăn thiệt. Họ đã phải cần cù nhẫn nại ghê gớm mới khắc phục dần dần được vùng đất mới đồng chua hoang dại cay nghiệt này. Do đó thiên kiến cho rằng người Nam ít lo xa, lười biếng như thể có tính địa phương khác với người Bắc cần cù nhẫn nại là không đúng, vì nếu thế làm sao cha ông người miền Nam trước đây đã có thể khai phá và giữ nổi miền đất này cho đến ngày nay? Cho nên về mọi phương diện (ngôn ngữ, tính tình) khi nói về người Việt Nam ở miền Nam Việt Nam, cái nhìn đúng đắn hơn cả là bao giờ cũng phải thấy người miền Nam giữ được cái gốc, cái cốt yếu của dân tộc, nghĩa là của miền Bắc và phát huy thêm những cá tính riêng do hoàn cảnh thuận lợi hơn hoàn cảnh miền Bắc mà thôi. Chẳng hạn trong trường hợp này, người miền Nam cũng cần cù, gan lỳ như người miền Bắc khi cần thiết (lúc mới khai phá lúc cần giữ đất), nhưng khi đã khai phá xong giữ được đất rồi thì phong lưu, thoải mái, ít cố gắng, cần cù vì không cần thiết (điều kiện canh tác, đánh cá dễ dàng rồi thì thôi (4). Trong khi ở miền Bắc, vì điều kiện làm ăn khắc nghiệt, nên lúc nào cũng phải cần cù, kiên trì và phải lo xa, không thể khác được. Chính lúc được nhàn hạ người lưu dân mới cảm thấy một nỗi nhớ nhung quê hương cũ. Vọng cổ không phải là hoài cổ nhớ một dĩ vãng cụ thể nào vì người lưu dân không biết gì về quê hương cũ của mình, không có gia phả, nhà thờ họ, chỉ nhớ đến tổ tiên ba bốn đời là cùng. Không có một hình ảnh kỷ niệm, cụ thể nào về người, cảnh, vật nơi quê cha đất tổ. Niềm nhớ ở đây chỉ là nhớ cái gốc xa xưa lắng đọng nỗi niềm nhớ nhung chìm sâu dưới đáy lòng người lưu dân. Bài ca vọng cổ cũng không phải là ca cổ hiểu như một điệu nhạc xưa cũ, theo truyền thống khác với tân nhạc, vì ca vọng cổ đúng ra cũng là một điệu nhạc thời nay chỉ khác cái gọi là tân nhạc là cấu trúc làn điệu, không phải về thời điểm xuất hiện trước sau trong thời gian. Nhớ cái gốc quê nhà xa xưa lắng đọng trong tiềm thức và mơ ước về tương lai tìm thấy một chính nghĩa, những anh hùng là hiện thân của chánh nghĩa để mà cảm phục tôn thờ. Có thời người lưu dân tưởng đã tìm thấy chánh nghĩa và những anh quân nơi các chúa Nguyễn, ủng hộ Nguyễn Ánh nhưng sau khi đã thống nhất quan quân nhà Nguyễn cai trị cũng tàn khốc, bóc lột như ai... Một sự kiện mà các người Pháp hồi đó như Chaigneau đã ghi nhận và Trương Vĩnh Ký đã tố cáo trong bài giảng về lịch sử Việt Nam. Rồi người Pháp đến xâm lược, sự thống trị của ngoại bang cho thấy chính nghĩa chưa có, càng rõ rệt dứt khoát và do đó ước mơ cũng càng trở nên tha thiết. Khi một nhân vật có hành động anh hùng xuất hiện (Cậu Hai Miên, Thầy Thông Chánh, Sáu Trọng) thể hiện ít nhiều mẫu người "giữ được khí tiết" bất khuất cương trực, những bài thơ truyện được đặt ra và được truyền miệng khắp nơi, thơ truyện ca tụng tuyên xưng những nhân vật anh hùng và dân chúng say mê nghe đọc bày tỏ niềm cảm phục, phải chăng vì coi những nhân vật kể trên đã như thể hiện được một chút ước mơ của mình đi tìm chánh nghĩa và đấng minh quân?





II. TRUYỆN TA ẢNH HƯỞNG TRUYỆN TÀU VÀ TIỂU THUYẾT TÂY PHƯƠNG
Chúng tôi đã đọc một số tác phẩm của những tác giả sau đây:

- Truyện Thày Lazarô Phiền, Nguyễn Trọng Quản (1887), Chồn cáo tự sự, Michel Tình (1910), Kim thời dị sử, Biến Ngũ Nhi (1917), Mảnh Trăng thu, vàCậu Tám lọ (1929), Bửu Đình.

Lương Hoa truyện, Nguyễn Khánh Phương (1907), Phan Yên ngoại sử, Trương Duy Toàn (1910), Truyện Ông Gioan Ngô Kim Thạch (1916), Nghĩa khí tình si, Trần Phát Văn (1917).

Ai làm được (1912), Chúa Tàu Kim Quy (1922), Cay đắng mùi đời (1922), Ngọn cỏ gió đùa (1926) của Hồ Biểu Chánh, Nghĩa Hiệp kỳ duyên, Nguyễn Chánh Sắt (1919), Giòng máu chung tình, Tân Dân Tử (1926), Hạ Hương phong nguyệt (1915), Tô Huệ Nhi ngoại sử (1920), Oán hồng quầnPhùng Kim Huê ngoại sử (1921), Oan kia theo mãi (1922), Người bán ngọc (1931) của Lê Hoằng Mưu, Châu về hiệp phố (1926), Căn nhà bí mật (1930), Phú Đức.

Qua một số tác phẩm kể trên mà chúng tôi đã đọc, chúng tôi thấy diễn tiến văn truyện bằng quốc ngữ trong thời kỳ này (1860-1930) theo hai xu hướng sinh hoạt song song:

1. Truyện ta chịu ảnh hưởng truyện Tàu và tiểu thuyết Tây phương.
Xu hướng này đúng ra cần phân biệt ra ba hướng:
a. Truyện ta ảnh hưởng lối viết truyện Tàu (văn biền ngẫu, có hậu...).
b. Truyện ta ảnh hưởng ít nhiều truyện Tàu và ảnh hưởng Tây phương (văn còn biền ngẫu ít nhiều, không có hậu, sử dụng một vài kỹ thuật diễn tả Tây Phương).
c. Truyện ta, kỹ thuật Tây phương, nhưng nội dung vận dụng đạo lý dân tộc dựa trên nho học.

2. Truyện ta ảnh hưởng Tây phương (cả nội dung và kỹ thuật).

Ba hướng của xu hướng một, tuy có khác nhau về điểm chịu ảnh hưởng lối viết theo truyện Tàu hay tiểu thuyết Tây phương, nhưng cũng chung hai điểm cốt yếu: nhân vật câu chuyện: Việt Nam và nhất là nội dung, tư tưởng chủ đề: đạo đức truyền thống dân tộc dựa trên nho học. Chúng tôi căn cứ vào điểm sau cùng này để phân biệt với hướng thứ hai: truyện Việt Nam ảnh hưởng theo Tây phương vì trong xu hướng này, nội dung, tư tưởng, chủ đề không còn dựa trên nho học mà trên đạo lý chung hay luân lý của Kitô giáo.


3. Nhìn trên bình diện giao lưu văn hóa, ảnh hưởng nho học đã có từ lâu trước, sau mới đến ảnh hưởng Tây phương. Nhưng trong thực tế, xu hướng một, ảnh hưởng nho học từ lúc chữ quốc ngữ được phổ biến, nghĩa là thời kỳ đầu Pháp thuộc, cho đến năm 1930 về sau nữa, vẫn là xu hướng chủ yếu trội bật không bớt dần đi nhường chỗ cho ảnh hưởng Tây phương. Xu hướng tiêu biểu cho ảnh hưởng Tây phương đáng lẽ chỉ có thể có về sau và dần dần trở thành trội bật thì lại có rất sớm ngay từ thời kỳ đầu và không bao giờ trở thành trội bật. Đó là xu hướng chung. Đối với từng tác giả, có thể có trường hợp diễn tiến lúc đầu ảnh hưởng nặng của nho học, sau ảnh hưởng Tây phương, nhưng cũng chỉ về kỹ thuật xây dựng tác phẩm mà thôi. Ở miền Bắc, rèn tiến theo hướng tự nhiên và có dứt đoạn hay đoạn tuyệt: lúc đầu ảnh hưởng nặng của nho học rồi giảm sút dần đến chỗ chấm dứt hẳn, ảnh hưởng Tây phương lúc đầu nhỏ, sau tăng lên trở thành trội bật. Trái lại ở miền Nam không thấy hiện tượng đoạn tuyệt, đứt đoạn như thế, hai xu hướng diễn tiến song song.


4. Tình hình sinh hoạt văn chương thời kỳ này thật phong phú đa dạng và về một vài thể loại văn, đi trước miền Bắc nhiều năm. Phong phú vì số lượng sách báo xuất bản khá nhiều và được nhiều người đọc, nhiều tác giả nổi tiếng (dĩ nhiên chỉ ở miền Nam). Đa dạng vì gồm nhiều thể loại chẳng hạn các loại tiểu thuyết mà chính các tác giả đã tự gán cho tác phẩm của mình.

5. Một điểm nổi bật, rất đáng lưu ý: tuyệt đại đa số các tác phẩm thuộc xu hướng một, dù chịu ảnh hưởng lối viết truyện Tàu hay tiểu thuyết Tây phương đều vẫn có nội dung phản ảnh Đạo lý truyền thống dân tộc dựa trên Nho học. Các tác giả hầu hết là những người Tây học, vẫn học chữ Nho, trọng Nho học và coi Nho học là ý thức hệ, tư tưởng chủ đề những sáng tác của mình. Đó là một điều không thấy có ở miền Bắc, khi chế độ thi cử cũ đã bị bác bỏ và các trường học theo chương trình Pháp đã được thiết lập đào tạo những người chỉ còn biết Tây học. Họ giã từ chữ Nho, đả kích Nho học. Do đó mới có "Tú Xương". Trái lại trong một tình hình Nho học còn được đề cao mặc dầu chính sách Tây hóa không phải chỉ trong nhà trường mà cả ngoài xã hội được cổ võ phát huy, lại không thấy có một Tú Xương nào than trách về số phận lỗi thời, bạc bẽo của ông đồ Nho.


6. Chỉ có một dòng văn hóa chung cho tất cả mọi giới xã hội không phân biệt văn chương bác học dành riêng cho một giới ở đô thị và văn chương bình dân, về tuồng cải lương cũng vậy.


7. Một thể loại văn trội bật: văn nói và văn viết để nói, để trình diễn. Nói rõ hơn, văn viết không phải để đọc một mình trong lặng lẽ mà để đọc to lên cho nhiều người nghe cùng thưởng thức. Sự phân biệt này rất đáng lưu ý, vì hai thể loại văn có những tiêu chuẩn, mục đích nghệ thuật khác nhau. Do đó có những đòi hỏi về kỹ thuật, hình thức xây dựng, cấu tạo khác nhau. Chẳng hạn đối với thể văn viết để đọc to lên không cần viết đúng chính tả, vì khi đọc lên, người ta vẫn phát âm đúng với giọng địa phương và mọi người đều hiểu đúng cả.
Về xu hướng chịu ảnh hưởng Tây phương cả về nội dung và hình thức, chúng tôi thấy "Truyện Thày Lazarô Phiền" của Nguyễn Trọng Quản là tiêu biểu hơn cả. Truyện này chúng tôi giới thiệu trong một tập biên khảo riêng. Ở đây chỉ xin giới thiệu "Một số truyện tiêu biểu cho mấy xu hướng kể trên, đặc biệt giới thiệu ba truyện của Hồ Biểu Chánh: Chúa tàu Kim Quy, Cay đắng mùi đời, Ngọn cỏ gió đùa". Truyện Việt Nam sử dụng kỹ thuật Tây Phương mà vẫn giữ nội dung: đạo đức truyền thống dựa trên khoa học. Đây là những tác phẩm mà tác giả nói rõ đã phóng tác theo những tiểu thuyết Pháp và chúng tôi đã chọn giới thiệu trong viễn tượng giao lưu văn hóa.



1. Truyện Việt Nam viết theo truyện Tàu

TRUYỆN ÔNG GIOANG NGÔ KIM THẠCH
"Nam Kỳ địa phận" là một tuần san của các giáo phận Nam Kỳ, vừa có tên là "Nam Kỳ địa phận" vừa có phụ đề là "Semaine Religieuse" theo kiểu các bản thông tin của các giáo phận bên Pháp. Tuần san này xuất bản từ năm 1909, nội dung khá phong phú, gồm các bài giải thích thánh kinh ("sấm ký chơn tích"), các bài giải nghĩa giáo lý, truyện các thánh v.v... nhưng số nào cũng có một bài "nhàn đàm" hoặc "truyện giải buồn", "văn chương thi phú", "các bệnh và các bài thuốc" (do một bác sĩ phụ trách), tin thời sự quốc tế và quốc nội, và đặc biệt là có những tràng thiên tiểu thuyết, hoặc sáng tác, hoặc phỏng dịch. Trong 6 cuốn đóng tập của 6 năm từ 1916 đến 1921, có tất cả 4 truyện dài: "Truyện ông Gioang Ngô Kim Thạch" Charles Ngọc Ninh, từ số 403 (1916) đến số 451 (1917), tổng cộng 48 số báo, "Trung và Nịnh" của Jacques Lê Văn Đức phỏng dịch từ Pháp văn, từ số 449 (1917) đến số 511 (1918), cả thảy 62 số báo; "Người bị chết oan" của F.X.T. phỏng dịch từ Pháp văn, từ số 512 (1918) đến số 534 (1919), cả thảy 22 số; "Truyện một nhà có đạo tị nạn trên rùng Sát" của Công Đạo, phỏng dịch một tác phẩm của Eusèbe, một nhà văn la tinh thế kỷ III, từ số 587 (1920) đến 649 (1921), cả thảy 62 số báo.
Truyện Gioang Ngô Kim Thạch là một truyện Tàu đượm tinh thần kitô giáo. Trước khi biết truyện này, chúng tôi chưa hề nghe nói có Truyện Tàu viết theo tinh thần kitô giáo, vì thế chúng tôi cũng khá ngạc nhiên khi khám phá ra truyện này. Truyện cho thấy ở Nam Kỳ, truyện Tàu ảnh hưởng trong quần chúng đến thế nào, nên những người truyền đạo Thiên chúa không thể không chú ý đến và do đó mượn lối viết truyện Tàu đề truyền bá đạo lý kitô giáo, một đạo lý mà theo tác giả, chẳng những không chống đạo lý nho học mà còn phù hợp với đạo lý dựa trên Nho học.
Ngoài ra, truyện còn có nhiều nét giống hệt với hai tác phẩm nổi danh của văn học Việt Nam: Kim Vân Kiều và Lục Vân Tiên, giống cả về nội dung đến hình thức, chỉ khác ở chỗ đây là một áng văn xuôi, không phải vần như hai tác phẩm kia. Dưới đây, chúng tôi so sánh ba tác phẩm này, để xác định giá trị của "Truyện ông Gioang Ngô Kim Thạch", một trong những tiểu thuyết viết theo truyện Tàu có tính tôn giáo đầu tiên này.

1. Về cách mở đầu câu chuyện:
Cả 3 truyện mở đầu như nhau. Cả ba tác giả đều nói nhân đọc một quyển kinh điển tàu nào đó, đã có hứng cảm để viết tác phẩm của mình:
Trước đèn xem truyện Tây Minh
Gẩm cười hai chữ nhân tình éo le
(Lục Vân Tiên)
Cảo thơm lần giở trước đèn
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.
(Kim Vân Kiều)
"Tôi thường nghe bên Nho giáo nói rằng: Họa vô đơn chí (cái họa không xảy đến lẻ một mình). Chữ từ chữ thì nghĩa như vậy, mà hiểu cho rõ câu ấy có ý chỉ làm sao, thì tôi chưa hiểu rõ. Nay nhơn lúc rảnh, giở sách tích truyện đời xưa gặp cái cơ hội nhà ông Gioang này, thì bây giờ tôi mới thấu đặng ý nghĩa sâu cái câu "Họa vô đơn chí" là gì.
(Truyện Ông Gioang Ngô Kim Thạch)
Trong quan niệm cha ông chúng ta, chỉ có "chữ thánh hiền" mới là điều đáng tin đáng trọng, nên tác phẩm các ngài soạn ra cũng phải "dựa" vào chữ thánh hiền. Tóm lại, "nói có sách" là thế.
Rồi cả ba cuốn còn giống nhau ở chỗ nêu "tiêu đề" ngay ở mấy dòng chữ đầu. Tiên đề sẽ là chủ đề cuốn sách. Đọc tiêu đề là phần nào đọc được nội dung của tác phẩm. Chẳng hạn truyện Kiều có tiêu đề là:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Cho nên truyện Kiều là truyện một thiếu nữ có tài có sắc mà chính vì tài sắc mà phải số mệnh thảm thê, suốt đời trôi dạt não nề.
Tiêu đề của Lục Vân Tiên lại khác:
Trước đèn xem truyện Tây Minh
Gẩm cười hai chữ nhân tình éo le.
Cho nên truyện Lục Vân Tiên bàn về "nhân tình thế thái". Và tác giả thấy "hai chữ nhân tình éo le", cũng như nói "nhân tình thế thái bạc như vôi". Bởi vậy Lục Vân Tiên là sách dạy đời.
Hỡi ai lẳng lặng mà nghe,
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau.
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình.
Hai chữ "nhân tình éo le" làm cho thấy nội dung của Lục Vân Tiên phong phú hơn Kim Vân Kiều rất nhiều: trong khi truyện Kiều chỉ một điệu than thân trách phận cô Kiều bị hy sinh làm đồ chơi cho những khách làng chơi hoặc bọn nhiều tiều nhiều của, thì Lục Vân Tiên cho thấy không những một Lục Vân Tiên chí hiếu chí trung, một Kiều Nguyệt Nga trung hậu tiết hạnh, mà còn cho thấy đâu là tình bằng hữu, đâu là kẻ lừa thày phản bạn, đâu là tình nghĩa sui gia thật, đâu là hạng "thấy sang quàng lấy, thấy nghèo bỏ đi". Phải chăng hai cụ đã ý thức điều đó khi sáng tác, cho nên một cụ bảo ta "lẳng lặng mà nghe", còn cụ kia thì nói thơ của cụ không phải là bài học về đạo đức, mà chỉ để "mua vui cũng được một vài trống canh".

Vậy tiêu đề của "Truyện Ông Gioang Ngô Kim Thạch" là gì?
Là 4 chữ "họa vô đơn chí" nằm trong mấy dòng chữ mở đầu câu truyện mà chúng tôi đã sao lại trên đây. Bốn chữ đó dụng trong sách vở của Nho giáo, nhưng nay nhờ "giở lại tích truyện đời xưa" và nhờ "gặp truyện ông Gioang Ngô Kim Thạch" tác giả mới hiểu "sâu", mới hiểu thấu đáo ý nghĩa 4 chữ kia. Hai vì, xin đọc tiếp, "anh hùng hào kiệt đời xưa có chăm lo bốn chữ Trung Cang Nghĩa Khí, thì vẫn có danh vọng lưu hậu thế, hoặc cho đặng thăng lộc tấn quờn. Còn như nhà ông Ngô Kim này thì lại khác, không màng chi danh tiếng phước lộc, cam tâm gánh hết các sự gian nan vì biết trong trời đất có Đấng Chí linh, công bình chánh trực, chầy kíp cái nạn người ngay có ngày phải hết, đặng lãnh thưởng, và chẳng bao lâu chước độc kẻ gian phải tỏ bày mà chịu phạt".
Như vậy, tiêu đề và chú ý của tác giả đã được bày tỏ: cái chí của người quân tử xưa khác với chí của người hết lòng giữ đạo Chúa ở chỗ đó. Người có đạo không chỉ tin mơ hồ "ác giả ác báo", nhưng tin chắc có Đấng Chí linh, thưởng phạt kẻ gian người ngay.

2. Địa danh, niên hiệu v.v... đều là Trung Hoa:

Truyện Kiều khởi sự bằng những vần thơ:
Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh
Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng.
Rõ ràng truyện Kiều xảy ra ở bên Tàu, đời nhà Minh. Rồi các địa danh trong truyện càng rõ hơn nữa: huyện Lâm Thanh, huyện Lâm Chuy, huyện Tích, châu Thương, châu Thai v.v... và các con sông của Trung Hoa: sông Tần, sông Sở, sông Ngô, sông Tiền Đường...
Truyện Lục Vân Tiên cũng xảy ra ở bên Tàu, dưới triều Sở Vương, địa danh thì từ quê của Vân Tiên (quận Đông Thành) cho đến quê của Nguyệt Nga (quận Tây Xuyên), rồi Hà Khê noi cha của Nguyệt Nga làm tri phủ, quận Phan Dương quê của Trịnh Hâm, phủ Dương Xuân quê của Bùi Kiệm v.v... đều là địa danh bên Trung Quốc. Rồi sông Vị, ải Đồng và nhất là sông Hàn Giang nơi Vân Tiên bị Trịnh Hâm xô xuống cho chết và cũng là chỗ sau này Trịnh Hâm bị đắm thuyền mà chết. Tất cả đều ở Trung Quốc.
Cái vẻ "tàu" nơi truyện ông Gioang Ngô Kim Thạch càng rõ hơn, rõ hơn truyện Kiều và truyện Lục Vân Tiên. Câu truyện được bắt đầu kể như sau: "Lối năm 1685, gần rốt đời nhà Minh, buổi vua Thần Tông, ở Triệu Khánh Phủ về tỉnh Quảng Đông có nhà kia hai vợ chồng sanh đặng một trai đặt tên là Joseph Ngô Kim Luông, cha tên là Gioang Ngô Kim Thạch, mẹ là Martha Đặng Ngọc Khanh". Rồi ta luôn luôn nghe nói đến các tỉnh Vân Nam, Quảng Tây, Phúc Kiến và kinh đô Nam Kinh.

3. Về cách thức xây dựng tác phẩm tiểu thuyết:
Về điều này, chúng tôi thấy cả ba tác phẩm đều có những nét giống nhau:
a. Cả ba thuộc tiểu thuyết có chủ đề.
b. Về hình thức, đó là những truyện được kể theo Tam Quốc chí và Đông Châu liệt quốc, nghĩa là được kể thành nhiều hồi.
c. Đó là những tiểu thuyết có nội dung đạo đức học.

a. Trên đây chúng tôi đã nói ba truyện này giống nhau ở chỗ nêu tiêu đề ngay ở những dòng đầu tiên. Và những tiêu đề đó nói lên chủ đề của câu chuyện. Truyện Kiều xoay quanh sự ghét nhau giữa chữ tài và chữ mệnh. Truyện Lục Vân Tiên cho thấy những cảnh éo le của nhân tình thế thái. Còn truyện ông Gioang Ngô Kim Thạch cho thấy trong cảnh họa vô đơn chí, trong bước đường đời đầy gian truân, con người không phải là nạn nhân bất lực của số mệnh, nhưng trên trời có Đấng Chí linh là cha nhân lành, Ngài sẽ cứ giờ đã định mà cứu và thưởng người lành, trừng phạt kẻ dữ.
Mới nghe đọc mấy dòng chữ đầu, người ta đã có thể đoán câu chuyện nói cái gì. Rồi khi đọc xong tác phẩm, ta mới thấy tất cả ý nghĩa sâu sắc và phong phú của câu tiêu đề: nó tóm gọn được toàn thể ý nghĩa của tác phẩm.

b. Đó là loại truyện được kể theo thành nhiều hồi. Và tự nhiên người ta không thể không liên tưởng đến những truyện như Tam Quốc chí và Đông Châu liệt quốc. Thật ra trong ba truyện chúng tôi đang bàn đây, truyện Kiều không có những hồi tách nhau thật sự như Lục Vân Tiên và truyện Gioang Ngô Kim Thạch. Vì truyện Kiều chỉ có một nhân vật chính là cô Kiều, các nhân vật khác đều là vai phụ. Cô Kiều luôn có mặt trên sân khấu.
Truyện ông Gioang Ngô Kim Thạch có vẻ "cổ điển" nhất ở chỗ được chia làm 11 hồi với hai câu thất ngôn ở đầu mỗi hồi.
Truyện Lục Vân Tiên, vì là một trường ca, liền từ đầu đến cuối, không xướng lên hồi I, hồi II v.v..., nhưng rõ ràng truyện này có 6 hồi phân minh. Đầu mỗi hồi có câu chuyển hồi rõ ràng. Hồi I là câu I, hồi II bắt đầu với câu 287 như sau:
Chuyện nàng sau hãy còn lâu
Chuyện chàng xin nói thứ dầu chép ra.
"Nói thứ đầu" là nói hồi đầu. "Chuyện nàng sau hãy còn lâu" vì từ câu 287 đến 930 (643 câu) cụ Đồ Chiểu dành nói về Vân Tiên bị nạn, bị mù và được tiểu đồng hết tình chăm lo. Rồi từ câu 931 là hồi III:
Thứ này đến thứ Vân Tiên
Năm canh ngồi dựa be thuyền thở than.
Hồi III này gồm 334 câu, từ câu 931 đến câu 1265, kể những gian nan của Vân Tiên khi bị nạn đẩy xuống sông, rồi bị sui gia hất hủi.
Đến câu 1265, câu truyện được chuyển sang hồi IV với lời lẽ như sau:
Đoạn này đến thú Nguyệt Nga
Hà Khê phủ ấy theo cha học hành.
Tất cả hồi này nói về những gì xảy ra cho nàng trong khi những đau thương xảy ra cho Vân Tiên vừa được tác giả kể ra ở trên, từ câu 287 đến câu 1264.
Rồi tới câu 1665, một hồi khác, hồi V lại được mở ra để nói về Vân Tiên. Hồi này được mở ra như sau:
Đoạn này tới thứ ra đời
Vân Tiên thuở ấy ở nơi chùa chiền.
Đoạn này kể việc Vân Tiên được một ông tiên chữa khỏi mù. Vân Tiên về thăm cha già, viếng mộ mẹ, qua lạy tạ Kiều công, cha của Nguyệt Nga, rồi thi đậu trạng nguyên, được Sở vương sai đi dẹp giặc và đại thắng.
Kế đó là hồi kết thúc, Hồi VI được mở ra như sau (câu 1803):
Đoạn này tới thứ Nguyệt Nga
Ở đây tính đã hơn ba năm rồi.
Đây là hồi Vân Tiên gặp lại Nguyệt Nga ở một am nhỏ giữa rừng với một lão bà, sau nhiều năm nàng tin rằng chàng đã chết, và chàng yên trí nàng vẫn ở bên Tây Phiên, nơi nàng bị đem cống cho vua Phiên.

c. Nét giống thứ ba giữa ba tác phẩm là cả ba tác phẩm thuộc loại chuyện bàn về luân lý, về đạo đức học, tuy mỗi cuốn chủ trương một thứ đạo lý khác nhau. Truyện Kiều nặng về chữ mệnh, số mệnh và đượm màu Phật giáo. Truyện Lục Vân Tiên phản ảnh trung thực tâm trí người miền Nam, một pha trộn hài hòa giữa Nho giáo, Phật giáo và tiên thánh giáo. Còn luân lý truyện Ông Gioang Ngô Kim Thạch là một kết hợp giữa tam cang ngũ thường của Nho giáo với niềm tin vào Thiên chúa là cha trên trời chí công và chí nhân.

Ba tác phẩm cùng bàn chuyện luân lý, nhưng ba thứ luân lý đó rất khác nhau, không thể không đề cập sơ qua ở đây.

Luân lý của truyện Kiều quá nặng về chữ mệnh, số mệnh. Phải chăng đó là lý do sinh ra cái "khoa" bói Kiều (chứ có ai bói Lục Vân Tiên?). "Cho hay muôn sự tại trời... bắt phong trần phải phong trần, cho thành cao mới được phần thanh cao". Mà ông trời của Kiều vừa có vẻ tai ác, vừa có vẻ hay ghen với bọn má hồng. "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen". May mà ông Trời của ta chỉ ghen với gái đẹp, chứ không mê gái và dâm dật như Zeus, ông Trời của Hy Lạp, vì ông này đã có vợ và mấy con rồi, thế mà còn thông dâm với nữ thần Léto, với nữ thần Maia, với công chúa Sémélé, với công chúa Danaé, với 10 ái nữ của một vị tư tế, với hoàng hậu Leda... Nhiều khi ông phải dùng quỷ thuật, tự hóa thân làm những hạt mưa vàng để lẻn vào nơi nàng Danaé bị cha nàng giấu, rồi hóa thân làm con thiên nga để được gần gũi nàng Leda...

Dầu sao hai chữ "quen thói" trong câu "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen" cũng làm người ta thấy ông Trời của truyện Kiều quá tầm thường. Hơn nữa ông còn đáng ghét ở chỗ vô cớ bắt tội cô Kiều, bắt tội con người ta: "Bắt phong trần phải phong trần".

Yếu tố thứ hai của luân lý truyện Kiều là nghiệp báo: "Đã mang lấy nghiệp vào thân, cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa. Thiện căn ở tại lòng ta". Dầu sao luân lý truyện Kiều cũng vẫn là một luân lý bi quan và thụ động.
Trái lại luân lý của truyện Lục Vân Tiên rất lạc quan và tích cực, vì được xây trên Nho giáo và niềm tin vào tiên thánh. Có phảng phất mùi thiền phật giáo, nhưng không bị ám ảnh về "oan nghiệp", về "túc trái tiền oan" như truyện Kiều. Ông Trời của Lục Vân Tiên là ông trời "Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân". Cho nên không thấy câu nào oán trời, mà chỉ thấy kêu trời, cầu trời. Vân Tiên tới cổng trường thi thì được tin mẹ chết, "Anh em ai nấy đều thương, Trời ơi há nỡ lấp đường công danh?" (câu 557-558). Và "Tiểu đồng thở vắn than dài, Trời sao trời nỡ phụ tài người ngay?" (câu 563-564). Trong hồi kết lại có câu: "Ngay gian sao cũng có trời" (câu 1919) và "Người ngay trời phật động lòng" (câu 2001).
Ông Trời không những tốt lành mà còn nhiều lần ra tay cứu vớt người lành và tiêu diệt kẻ dữ, dưới hình tiên thánh, Quan Âm v.v... kể sơ sơ cũng 7 lần ông trời đã hiện hình tiên thánh để cứu người lành trong truyện Lục Vân Tiên: Thần Rừng cứu tiểu đồng (câu 879), Thần Sông cứu Vân Tiên khỏi chết đuối (câu 946), Du Thần cứu Vân Tiên khỏi hang Thương Tòng (câu 1077), Sóng thần cứu Nguyệt Nga khỏi chết đuối (câu 1518), Quan âm đem Nguyệt Nga từ bãi sông vào một vườn hoa (1523), một ông Tiên chữa Vân Tiên khỏi mù (câu 1667), Sóng Thần làm tên phản bạn Trịnh Hâm chết chìm (câu 1984).

Còn luân lý Truyện Ông Gioang Ngô Kim Thạch thì sao?
Tất nhiên đây là nền luân lý Thiên chúa giáo, nhưng Thiên Chúa giáo Việt Nam, một kết hợp hài hòa giữa bác ái Kitô giáo và nhân ái Khổng giáo, giữa thập giới Thiên chúa giáo và tam cương ngũ thường Nho giáo. Xin trích nguyên văn mấy dòng này cũng đủ rõ: "Ông Gioang Ngô Kim ra sức dạy dỗ con cho nó ghi tạc vào lòng khăng khăng đức tin, cậy, kính mến, và lo cắt nghĩa cho con hiểu biết mấy điều luật tự nhiên: Tánh giáo và Tam cương ngũ thường". Rồi ông nói với con: "Cha mẹ yêu thương con thật, nhất là vì có một con mà thôi, song cha mẹ bằng lòng thấy con chết trước mặt, chẳng thà thấy con sai lỗi điều gì trong đạo Thánh, Tam cang ngũ thường: Chẳng những lành phải trả lành, mà lại đầu dữ cũng phải trả lành thay vậy; mắc giữ sự trung với bạn trung, mà cũng mắc giữ trung với kẻ bất trung nữa, làm người thì phải lo cho tròn trung tín". Khi vui thì cảm tạ Chúa, khi gặp gian nan thì ông Ngô Kim và bà Ngọc Khanh vừa phấn đấu vừa không ngớt cầu xin ơn trên cứu vớt mình, vì tin rằng Chúa là cha nhân lành không khi nào làm ngơ trước những đau khổ của mình, vì mình là con cái Chúa.

*

Sau đây chúng tôi xin có mấy nhận định về Truyện ông Gioang Ngô Kim Thạch:
1. Theo sự hiểu biết hiện nay của chúng tôi, thì Truyện này có thể được coi là một trong những thiên tiểu thuyết có tính tôn giáo đầu tiên, về loại này. Chúng tôi chưa có điều kiện tìm hiểu về tác giả của nó là Charles Ngọc Minh. Đó là một thiếu sót mong sẽ được bù lại sau này.

2. Chúng tôi thấy Truyện Ông Gioang Ngô Kim Thạch là một tác phẩm rất đạt, đạt cả về mục đích, cả về nội dung và hình thức.

a. Về mục đích:
Đây là một tác phẩm thuộc loại biện hộ tôn giáo (apologétique). Tác giả đã khéo lấy truyện nước ngoài để nói truyện mình, nhất là người ta đây lại là bên Tàu, quê hương của Đức Khổng và gốc rễ của văn hóa cổ điển Việt Nam. Cuộc cấm đạo bên Tàu đã làm cho nhiều vị quan tài ba phải lẳng lặng từ quan quy điền, làm cho gia đình ông Gioang Ngô Kim Thạch phải bỏ nhà trốn lên núi, rồi bao năm lạc nhau, chịu biết bao đau thương não nề. Nhưng câu truyện cho thấy chính những người mà vua quan bách hại vì nghi ngờ lòng trung trực, đã là những người "trung quân ái quốc". Đứng trước sự kiện hiển nhiên đó, vua đã tặng phong các người có đạo, và ban sắc khen đạo thánh, "cho phép mọi người giữ đạo và phép đạo mặc ý mình".
Đây là một lời nhắn gửi những kẻ thiển cận như mấy ông vua Minh Mạng, Tự Đức của nhà Nguyễn đã nhắm mắt nghe sự xiểm nịnh của bọn hủ nho chật hẹp. Chính sự hủ lậu của mấy ông đã làm ta mất nước, chứ không tại người có đạo. Đành rằng có những người Thiên chúa giáo cũng như những người Phật giáo đi với giặc, thì cứ bắt mấy người đó mà hành hình, cớ sao lại bắt đạo, bắt bớ tất cả mọi người có đạo? Phải chăng chính sách xử trí đó đã đẩy nhiều người có đạo phải tìm đến nấp bóng người Pháp để được an toàn, và đẩy một số người đi cộng tác với quân xâm lược.

b. Về nội dung và hình thức:
Đây là một tiểu thuyết khá hay, lôi cuốn mạnh, có nhiều đoạn gây xúc động sâu xa.
Về nội dung, câu truyện rất lành mạnh và được xây dựng với nhiều tình tiết éo le, bất ngờ, bố cục khéo léo, giữ cho độc giả tha thiết theo dõi cho đến phút chót, nhiều lúc bị ngỡ ngàng, xúc động. Chẳng hạn đoạn kết thúc như sau:
"Còn Kim Luông và Mai Xuân Trường, từ khi lãnh búa việt đi tảo bắc đến nay, kể đặng sáu tháng. Tới ải Thanh Long, hai nguyên soái bị tướng giặc lập mưu kế không thành mà phải vây khốn, chỉ sót lại một cánh binh hậu tập của Kim Luông. Sớ về kinh thì vua và các quan đồng ưng phong cho Kim Luông lãnh ấn Nhị lộ nguyên soái, phát binh thêm mà giải vây Thanh Long ải. Kim Luông lãnh mạng, nội trong ba tháng thì đã giải vây và tảo trừ hết cả tướng binh quân nghịch. Xong việc Kim Luông sai người đệ thơ về kinh đem tin mừng và xin phép ban sư hồi triều. Thoạt hay tin ấy thì vua quan cùng cả nước ai ai cũng đều hớn hở khen ngợi. Vua cho sứ qua Hớn khẩu mà vời cả nhà Mai lão quan với Ngọc Khanh đến kinh kịp ngày ban sư.
"Phần ông Ngô Kim Thạch từ khi qua khỏi hố gian nan và người bạn kia đã đặng an thuyên bịnh, thì từ đó hai bà con cứ lần hồi băng chừng ra Kim địa. Thỉnh thoảng vậy hơn một tháng nữa mới tới gần chợ thành. Từ đó Ngô Kim Thạch mới nghe về Nhị Lộ Nguyên soái Kim Luông. Ban đầu ông không muốn tin, sau lần hồi hỏi gần xa thì ông phát trông cậy, song le trông cậy cách mơ màng như chuyện chiêm bao mà thôi. Tới kinh, nhằm lúc người ta đang dọn dẹp ăn mừng ban sư, nên cũng dễ bề xin ăn độ nhựt.
"Đây thuật lại một chút vì cớ nào mà Mai tiểu thơ gặp đặng cha chồng. Số là nhà Mai lão quan, hồi lai kinh, thì cũng là lúc Ngô Kim Thạch và bọn này đã tới chợ kinh trước 5, 7 bữa. Buổi chiều nọ, bà nhũ mẫu với Kim Phụng bách bộ, có ý ngoạn cảnh xem hoa, tới ngõ ba thình lình gặp hai người ăn xin, Kim Phụng liền dừng chơn mà trao tay thí cho nhiều ít. Kim Thạch chịu lấy của và cám ơn rằng: "Xin Chúa chớ bỏ quên kẻ đã vì danh Chúa mà làm ơn cho chúng tôi". Mai tiểu thơ thoạt nghe câu ấy thì liền ra sững sờ (lúc ấy ít gặp kẻ biết đạo Chúa Kirixitô và giữ lắm), lại vì nghe nhơn danh Chúa thì thêm cảm tình thương sót hơn nữa, bèn xin bà nhũ mẫu đứng nán lại cho mình hỏi thăm nguồn cơn tự sự. Vậy mới rõ là Gioang Ngô Kim Thạch, cha ruột của Giude Ngô Kim Luông, Nhị lộ ngươn soái. Tiểu thơ rất nên ngỡ ngàng (vì cảm tình thương sót thảm não, chẳng phải là thấy hèn hạ mà hổ ngươi thẹn thuồng đâu). Đâu cũng là may, tình cờ bà Ngọc Khanh và Mai phu nhân đằng kia đi tới. Nhũ mẫu vừa thấy liền chạy lại kêu và mừng quýnh, miệng nói không ra tiếng gì, tay thì kéo áp lại. Má Kim Phụng liền sa nước mắt, bèn quỳ gối xuống trước mặt Kim Thạch, lạy và nói một cách rất thiết tha với Ngọc Khanh rằng: "Thưa mẹ, này là hiền phụ nhạc thân của con đây! Xưa nay đã rất nên thảm thương tất bạt! Ngọc Khanh liền nhào đại vào ôm lấy chồng, mầng rỡ một cách rất thảm thiết. Giây phút việc đồn thổi ra khắp cả và châu thành, nên vua dạy quan nhứt phẩm trong triều đích thân tới ngã ba mà thử xem thật hư công chuyện, và cho vời hết cả mấy bà con vào đền. Vua hỏi han khúc nôi mọi nỗi, mới rõ cả nhà là đạo đức trung lương, lại thêm anh hùng hào kiệt. Khỏi đôi giờ sau, ngươn soái Kim Luông cũng về tới nơi, vào triều phục chỉ. Vua ban thưởng một chén ngự tửu, và mời chung với các quan cùng cả hai thân tộc đôi bên bữa sau ngự yến tại đền vua. Vua đứng làm mai và cho phép làm theo lễ phép hôn nhân có đạo. Cũng thêm một dịp cho vua chúa nhìn biết lòng can đởm trung quân ái quốc, thẳng ngay của kẻ có đạo. Và từ đó vua ra sắc ban khen đạo thánh chúa Kirixitô và cho phép giữ đạo và phép đạo mặc ý mình".

Về lời văn: Truyện Ông Gioang Ngô Kim Thạch có một lối văn bình dị, có thể nói là mộc mạc, đơn sơ và sáng sủa. Nó khác xa thứ văn cầu kỳ, gọt dũa, quý phái và phong nhã của Kim Vân Kiều, thứ văn dùng quá nhiều từ Hán Việt, làm người bình dân khó hiểu được mọi lời lẽ của câu chuyện. Đây là thứ văn bình dị và phần nào mộc mạc, nhưng không vì thế mà kém vẻ một áng văn hay, vì lời văn của tác giả linh hoạt và lôi cuốn, thích hợp cho loại kể truyện. Cái bình dị và mộc mạc kia có giá, vì nó phục vụ cho ý đồ của tác giả; nó làm độc giả tin vào sự thật thà chân chất của người kể truyện và tính khả tín của câu truyện.

Tóm lại, đây là thứ văn rất "xuôi" đơn sơ và sáng sủa, nói lên được một cách khéo léo như một người "khéo kể truyện". Văn này gần với văn của Lục Vân Tiên hơn, về vẻ bình dị và lối dùng "văn nói của người bình dân". Văn của truyện Lục Vân Tiên đáng quý đáng mến đặc biệt ở chỗ đó, nó nói "ngôn ngữ dân gian, tiếng nói của người bình dân". Theo nhận xét của một học giả Pháp nghiên cứu về văn học Việt Nam hồi cuối thế kỷ 19, thì không cố lái đò nào, không bác nông phu nào ở miền Hậu Giang hồi đó lại không thuộc lòng từng chương, hoặc cả truyện Lục Vân Tiên. Tác giả đã dùng một cách tự nhiên những tiếng của người nhà quê; "qua... bậu", "Đó... đây", nhất là tiếng "Tàu" bình dân như "ca ca", "tẩu tẩu". Đọc lên nghe khoái vô cùng vì nó linh hoạt và có sức gợi cảm mạnh mẽ. Thế mà có những vị ưa thứ văn chương phong nhã như cụ Dương Quảng Hàm đã dám đưa tay sửa văn của cụ đồ, đổi "Qua xem tướng, bậu ngây thơ đã đành", thành "Xin chàng qua đó một khi mới đành", làm cho câu thơ thành ngớ ngẩn, không còn khớp với ý trước sau. Rồi cụ Hàm sửa luôn hai câu rất sống động của cụ đồ: "Ca ca sao chẳng chịu đi, Về cho tẩu tẩu dễ khi xách đầy" thành hai câu lãng nhách "Đại kha nhận lấy cho qua, để hầu hiền tẩu sớm trưa xách đầy". Tiện đây cũng xin nói là chúng tôi không tán thành việc sửa chính tả và cách phát âm, như bản Lục Vân Tiên của Ty văn hóa và Thông tin Bến Tre (1982) đã làm, đổi kiểng thành cảnh, nầy thành này, thiệt thành thật v.v... Trước vì nghe nó lạc điệu quá, sau vì nó không ăn vận lắm. Chẳng hạn chữ này (câu 63) không cùng vần với chữ đây câu trước, và chữ thầy câu sau. Cụ đồ viết nầy cơ mà! Phải chăng vì thế đến câu 328 thì Bản Bến Tre để nguyên chữ nầy của cụ, không sửa ra này nữa?? Như thế là theo nguyên tắc nào? Thống nhất ngôn ngữ là điều cần phải làm, nhưng làm khi chúng ta viết lách và phát thanh hàng ngày bây giờ, không nên sửa lời văn của các tác phẩm lịch sử. Bởi vậy khi trích lời văn của truyện Ông Gioang Ngô Kim Thạch, chúng tôi thấy cần để y nguyên những "that" (thác) như câu thơ đầu Hồi IV và "đổi chát" (đổi chác) rồi những chữ như mầng (mừng), nẩy (này) v.v... để kính trọng lời văn của người xưa, đồng thời giữ nguyên được hương vị lịch sử của bản văn.



2. Truyện Việt Nam viết theo truyện Tàu và Tây phương:

"CHĂNG CÀ MUM"
Nguyễn Chánh Sắt

Nhận xét:
"Chăng Cà Mum" được đăng lần đầu trên Nông Cổ mín đàm từ số 151 ngày 26-3-1919 với nhan đề "Nghĩa hiệp kỳ duyên" ta với ghi chú của chính tác giả là "kim thời tiểu thuyết". Truyện được đọc giả đương thời say mê và lấy ngay tên nhân vật chính trong truyện ra mà gọi thành tên tác phẩm. Truyện Chăng Cà Mum tương tự Đoạn Trường Tân thành của Nguyễn Du biến thành "Truyện Kiều" vậy.
Năm 1958, tuần báo Nhân loại (Chủ nhiệm chủ bút: Anh Đào, Thư ký tòa soạn: Ngọc Linh) ra bộ mới tại Saigon, đã đăng lại trọn truyện dưới nhan đề "Chăng Cà Mum", cái tên đầu tiên "Nghĩa hiệp kỳ duyên" chỉ còn được ghi như chú giải phía dưới. "Nhân loại" đăng từ số một ngày 22-8-1958 và đăng hết vào số 8 ngày 15-12-1958: tư liệu chúng tôi hiện có là 8 số Nhân loại này, đối chiếu với bản in trong Nông cổ mín đàm mà chúng tôi đã đọc, chúng tôi không thấy khác nhau.
- Về hình thức, chúng tôi để ý tới hai điểm: Thứ nhứt là mốc dấu thời gian: truyện đăng lần đầu 1919, thời kỳ đầu tiên của tiểu thuyết Việt Nam viết theo kiểu Tây phương. Có lẽ chính vì thế Nguyễn Chánh Sắt mới gọi tác phẩm của mình là "Kim thời tiểu thuyết" để phân biệt với các truyện Việt Nam khác viết theo lối chương hồi của tiểu thuyết Tàu - vào thời kỳ ấy vẫn chiếm số lượng đông đảo.
Nỗ lực mô phỏng tiểu thuyết Tây phương của ông khá thành công. Truyện gồm nhiều chương dài, ngắn khác nhau, mỗi chương có một nhan đề. Thí dụ phần đăng ở Nhân loại số 1, có các chương sau: Lâm Trí Viễn dụng mưu - một chước rất màu - Trịnh Thế Xương mắc kế. Những câu chuyển truyện kiểu Tàu cũng còn, nhưng không đáng kể. Thí dụ như vào đề chương "Trịnh Thế Xương mắc kế" tác giả đã viết như sau: "Đây nói về Trịnh Thế Xương từ ngày mất con đến sau, ngày ngày buồn bực nhớ thương chẳng cùng, sau nhờ có anh em bày biểu mới tìm lên Saigon, mướn một nhựt báo kêu rao, từ ấy đến nay trong lòng dàu dàu, hằng lóng nghe tin tức".
- Về từ, xét về mặt chính tả, tác giả không quan tâm đến lỗi chính tả: nói sao thì viết vậy, nên sai khá nhiều. Có thể nói thêm: Chăng Cà Mum là một câu chuyện kể và Nguyễn Chánh Sắt là một người kể truyện nhiều hơn là một tiểu thuyết gia. Nhưng về từ ngữ thì tác giả còn dùng khá nhiều từ ngữ cổ, nhất là khi tả nữ nhân.

Thí dụ như nhân vật nữ Đào Phi Dáng đã được tác giả tả như sau:
"Lần hồi ngày lụn tháng qua, bóng thiều quang đưa rất lẹ thoắt chút mà Phi Dáng đã 18 tuổi đầu, hình dung yểu điệu cốt cách phương phi, bá mị thiên kiều, ngu trần lạc nhạn. Mà ba mươi cái kiếp hồng nhan bạc mạng là lẽ tự nhiên. Cho nên khi nàng vừa trông "ra mã con gái rồi" thì tính không ưa bế trinh tịch u nhàn dạ lại muốn những việc ong chường bướm cháng. (Ấy cũng tại cha mẹ nàng mất sớm, không ai kìm thức dạy răn, hễ con thất giáo phần nhiều là vậy đó). Lại thêm chơi bời giao thiệp với con nhà bất lương, bị những chị em bạn gái rũ quến rủ ren, nên nàng tom góp bạc tiền cuốn gói bỏ bà dì theo chị em quá giang tàu đò trốn xuống Châu Đốc".

- Về không gian của truyện, tác giả đã chọn vùng Châu Đốc, với núi Sam, với dân Cao Mên sống xen kẽ với dân Việt: vùng biển địa khai hoang của miền Nam. Toàn bộ truyện xảy ra trong không gian này và với cùng từ cũ gọi là "nô địa", cái gì cũng có thể xảy ra và trí tưởng tượng của tác giả có "khoảng trống" để tung hoành. Có "Chăng Cà Mum" không hề "e lệ nép vào dưới hoa" ra mắt "chàng" Trần Trọng Nghĩa mang súng cưỡi ngựa đi săn, mà là như sau:
"Bỗng thấy bên mé rừng có một đứa con gái Cao Man, cỡi trâu chạy như dộng phía sau có hai con beo rất to đuổi theo làm dữ. Trọng Nghĩa liền lấy bì đạn bắn hiệu nạp vô súng, đứng nép bên rừng chờ cho con trâu của nàng ấy chạy khỏi rồi hai con beo vừa tới, vội vàng giương súng ra thảy luôn hai phát bùm... bùm... hai con beo nhào ngửa dãy tê tê, chết tươi đó. Trọng Nghĩa liền mang súng lên vai giục ngựa chạy theo mà kêu nàng lại...".
Bởi thế nếu độc giả thời đó có say mê đọc "Chăng Cà Mum" cũng không có gì đáng ngạc nhiên - nhất là ngoài không gian miền Nam, còn là các con người thật của miền Nam cô Đào Phi Dáng, cô Chăng Cà Mum, là những con người của Việt Nam, không hề là cô Vương Thúy Kiều của "Gia Tỉnh triều Minh", co Kiều Nguyệt Nga của không biết miền Hà Khê nào bên Tàu.

- Khi đăng lại Chăng Cà Mum, tuần báo Nhân loại có giới thiệu tác phẩm này, đánh giá khá chính xác. Chúng tôi xin trích lại:
"Trong rừng tiểu thuyết Việt Nam, trừ loại tiểu thuyết đánh nhau chí tử thì xem đi xem lại, chỉ có truyện Nghĩa hiệp kỳ duyên, tục danh là Chăng Cà Mum của nhà văn quá cố Nguyễn Chánh Sắt là hay số một về cốt truyện thôi.
Tác giả đã gom góp những tài liệu thật, nào tả anh chàng áp phe lưu manh, nào là những chuyện bắt cóc người ở biên giới Miên Việt để xây dựng tài tình một cốt truyện hấp dẫn vô song.
Tiểu thuyết nói trên quí ở chỗ không bịa chuyện phi lý, mà vẫn lôi kéo mãnh liệt người đọc, cuộc sống thật, vượt bực chuyện bịa về khía cạnh quyến rũ, lôi cuốn.
Tiểu thuyết này phổ biến rộng cho đến nỗi dân chúng đặt cho nó một cái tên khác là Chăng Cà Mum và Chăng Cà Mum là một nhân vật biến thành nhân vật điển hình ở miền Nam.
Thế nên, sau ba mươi năm được in lần đầu, trong quyển sách thuốc "Nhị thiên đường" tiểu thuyết này vẫn còn được nhắc nhở đến luôn, và người đọc sẵn lòng quên lối hành văn sáo và rỗng của tác giả để tiếp tục mến nó".
- Nếu nhuận sắc lại cách hành văn (sửa chính tả, chấm dấu lại... thì Chăng Cà Mum sẽ trở thành một truyện tốt cho thanh thiếu niên hiện nay. Còn nếu cứ để nguyên như nguyên tác năm 1919, thì Chăng Cà Mum có thể sẽ là một cốt truyện có thể quay thành phim truyện Việt Nam - không những quyến rũ khán giả nội địa, mà còn có khả năng lôi cuốn độc giả nước ngoài.


"TÔ HUỆ NHI NGOẠI SỬ"
Lê Hoằng Mưu

Nhận xét:
- Văn liệu hiện có là ấn bản in lần thứ nhì (2è édition) publié par Đặng An Thân, Imprimerie de l'Union Saigon, Juin 1920, sách in làm 3 cuốn, mỗi cuốn trung bình 32 trang (việc chia cuốn này là do nhu cầu in ấn thương mại, không liên quan tới nội dung truyện).
- Tại trang 2 cuốn thứ nhứt, có kính lời của tác giả nguyên văn như sau:
"KÍNH LỜI
Cho khán quan rõ, ba thứ truyện:
1. Tô Huệ Nhi
2. Oán hồng quần
3. Oan kia theo mãi
thật hay. Nay tôi in trước Tô Huệ Nhi và Oán hồng quần mỗi thứ hai cuốn (nhứt và nhì) và sẽ tiếp cho trọn bộ giá 0đ25 xu.
Tại nhà in De l'Union và mấy nhà bán sách trong Lục châu đều có bán.
Nếu mua cuốn bài ca Giang Nam phụng cầu và Ân tình thứ nhì mà xem, vì có nhiều bài hay đúng".
Nếu kính lời này giúp cho chúng ta biết số truyện Lê Hoằng Mưu đã viết từ 1920 trở về trước, lại không cho rõ thứ tự sáng tác.
- Khác với "Oán hồng quần" là một truyện với nhân vật và khung cảnh miền Nam, "Tô Huệ Nhi" được đặt trong khung cảnh Trung Hoa trước cách mạng Tân hợi 1911: đây là một truyện Tàu do người Việt viết bằng chữ quốc ngữ cho người Việt đọc.
Đối với chúng ta bây giờ, sự kiện này là lạ lùng nhưng đối với ngày trước đó là truyền thống tiểu thuyết của các nhà văn nho sĩ: không cứ truyện Kiều, Lục Vân Tiên, Nhị độ mai... thậm chí đến cả Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn cũng đều cho xảy ra ở bên Tàu (làm như Việt Nam chưa bao giờ có chiến tranh). Sự kiện này phát xuất từ nhiều lý do, vì "phục Tàu" cũng có, nhưng có lẽ nhiều nhất là tại các tác giả muốn tránh đụng chạm tới vua quan thời phong kiến (thí dụ chỉ vì một bài thơ của con trai mà ông bố Nguyễn Văn Thành bị giết).
Lê Hoằng Mưu sống dưới chế độ thuộc địa Pháp, về phương diện tư tưởng, văn nghệ văn hóa không khắt khe cho lắm, viết gì thì viết miễn là đừng hô hào tập họp vũ trang đánh Pháp là được rồi. Đó là về phía chính quyền. Còn về nội dung chính trị của Tô Huệ Nhi "ngoại sử", chẳng có gì va chạm với Pháp được cả. Vậy chúng tôi giả thiết rằng có lẽ dân lúc đó khoái đọc truyện Tàu, thích bắt chước những nhân vật Tàu, nên Lê Hoằng Mưu cũng viết truyện Tàu để hướng dẫn người đọc về hai điều:
1. Nên duy tân.
2. Tôn trọng tình yêu trai gái, lấy sự thỏa thuận của đôi trẻ là căn bản cho hôn nhân;
Đối với chúng ta bây giờ, việc duy tân, cổ võ nếp sinh hoạt Tây phương trong "Tô Huệ Nhi" không rõ nét và mạnh mẽ. Nhưng đưa tác phẩm trở về với hoàn cảnh 1920 thì lại khác.
Về điểm hai, Tô Huệ Nhi dứt khoát là rõ và cụ thể. Châu Kỳ Xương, Tô Huệ Nhi làm quen nhau trực tiếp, không có mai mối gì cả. Trong thời kỳ tìm hiểu thì gặp gỡ trực tiếp, tay đôi là thường. Cả hai đều kẹt với gia đình sẽ hứa gả cho người khác. Giải pháp tác giả đưa ra gỡ rối cho Châu Kỳ Xương quá dễ: vị hôn thê của anh chết bệnh. Tô Huệ Nhi thì quyết liệt hơn: bỏ trốn để khỏi phải lấy kẻ mình không thương yêu. Riêng sự kiện bỏ trốn này, xét hoàn cảnh luân lý năm 1920 của Việt Nam, chịu ảnh hưởng Nho giáo còn rất mạnh, cũng đủ nhiều bậc cha mẹ cho "Tô Huệ Nhi ngoại sử" là đồi phong bại tục, cấm con cái đọc.
"OÁN HỒNG QUẦN" (PHÙNG KIM HUỆ NGOẠI SỬ)
Của Mộng Huê Lầu
Nhận xét:
- Văn kiện hiện có là ấn bản in tại Saigon năm 1920-1921 do Đặng An Thảo phụ trách xuất bản: Publié par Đặng An Thảo Saigon, Imprimerie de l'Union. Ngoài bìa, tên truyện chỉ đề là "Oán hồng quần ngoại sử", vào trang trong mới đề đủ tên truyện là "Oán hồng quần, Phùng Kim Huê ngoại sử".
"Oán hồng quần" được in làm từng tập, gọi là cuốn, mỗi cuốn trung bình 32 trang truyện, thêm vài trang quảng cáo, số trang dành cho quảng cáo không nhất định, có cuốn không có. Việc in thành từng tập này không tùy thuộc nội dung truyện, mà do nhu cầu xuất bản (có lẽ nhà xuất bản muốn giữ cùng một giá đề 0đ25 xu một cuốn). Bìa trình bày cổ kính, giấy bìa xấu và mỏng. Cầm tập truyện lên, mở xem thoáng qua, cũng có thể ghi nhận "Oán hồng quần" thuộc loại, ít nhất cũng là đúng cho kỳ xuất bản này, văn nghệ đại chúng, để phổ biến rộng trong nhân dân. Nhận xét này có thể xác nhận bằng danh mục những sách đã in của nhà xuất bản: truyện, bài ca, vè, phú... Chúng tôi xin ghi lại danh mục này (ở bìa cuốn mỗi cuốn), chỉ bỏ mục giá tiền.
"En vente à l'Imprimerie de l'Union (5), 157 rue Catinat, Saigon: 1. Ân tình đôi, 2 và 3. Bài ca ân tình ler và 2è, 4 và 5. Bài ca Giang Nam phụng cầu ler và 2è. 6. Bài ca nhị thập tú hiếu, 7. Bài ca Sáu Trọng, 8. Bùi Kiệm mắc kế Nguyệt Nga, 9. Nữ hạnh (đàn bà đáng xem), 10. Phú di Tây, 11. Phú nàng dâu mẹ gia, 12. Vè anh hà tiện, 13. Vè chỏi lễ hòa bình, 14. Vè cô ba cô sáu đua xe máy, 15. Vè dâu hư, 16. Vè dâu dữ bị trời hành, 17. Vè dâu chí hiếu, 18. Vè gái giang hồ, 19. Vè giãi oan vợ chệc vợ chà, 20. Vè heo điên cắn cô thợ may, 21. Vè mẹ chồng kiện oan nàng dâu, 22. Vè trời trồng, 23. Vịnh đòn bà dòi nay, 24. Âm mưu khỏi loạn, 25. Truyện Oán hồng quần (hay lắm), 26. Truyện Tô Huệ Nhi 1 và 3 (trọn bộ).

- "Oán hồng quần" được xuất bản năm 1920, trước Tổ tâm của Hoàng Ngọc Phách 5 năm, nên về câu văn cũng còn chịu nhiều ảnh hưởng của Nho học, nghĩa là còn biền ngẫu. Nhưng sự biền ngẫu này không nhiều cho lắm, và không có trong những đoạn tả hành động.
Ảnh hưởng Nho học rõ nét nhất trong cách dùng từ. Dù là từ tả người hay tả cảnh. Thí dụ như lúc giới thiệu mở đầu nhan sắc Phùng Kim Huê: "Thiệt là đẹp như tiên nữ giáng hạ trần, xinh tợ Hàng Nga ly cung nguyệt. Nga mi, phụng nhãn, ngọc cốt, thủy thần, dành cho vạn chưởng phong lưu, đáng mặt thiêng kiều bá mị". Khi con Sáu, người cai quản bày gái điếm nơi Kim Huê mới bị lừa tới, nói về nghề làm điếm, đã văn hoa như sau: "Xét lại, nghề nào nhẹ cho bằng nghề treo giá ngọc, ăn no rồi đánh bóng, mượn lấy màu phấn son làm sóng giỡ thuyền". Triệu Bất Lượng sau khi đã cứu thoát Kim Huê khỏi ổ điếm, mang về nhà mình thì "chàng" có xưng "ta" cũng được đi, nhưng để Kim Huê xưng là "thiếp" thì không ổn: "Chàng đã chẳng nệ vét hương dưới đất, ra tay vớt thiếp trầm luân, nay chàng lại mở lượng hải hà, tưởng đến thun (6) già một cụm".

Nhưng cũng cần ghi nhận ngay là không phải lúc nào "Oán hồng quần" cũng có giọng văn như vậy. Ngay về đối thoại, đa số là những câu thường nhật của dân Saigon 1920 với tất cả cái thô nhám, cụ thể và linh động của chúng. Tác giả đã có ưu điểm là để cho mụ tú bà Tám Giẹp, mụ cai quản gái điếm Sáu Mươi Hai, bọn ma cô... nói bằng thứ ngôn ngữ của họ - có thể truyện mới quyến rũ người đọc.
- Mặc dù Nho giáo, cái học cũ đã có ảnh hưởng đến từ và câu văn của "Oán hồng quần" như vậy, nhưng truyện lại có phong dáng hiện đại về nội dung và bố cục. Cốt chuyện đặt trong phong cảnh thành phố Saigon hồi đầu thế kỷ 20 và diễn tiến của truyện theo cách thể tiểu thuyết Tây phương. Có thể nói "Oán hồng quần" là một tác phẩm sản phẩm của giao lưu văn hóa Đông Tây: nền văn hóa dựa vào Nho giáo cũ còn tác động khá mạnh nhưng văn hóa Pháp cũng đã chiếm phẫn ưu thắng.
- Điểm đặc biệt phải ghi nhận là tác giả bộc lộ ý hướng muốn viết "Oán hồng quần" như một truyện Thúy Kiều tân thời, hiện đại bằng văn xuôi. Không phải là mô phỏng, mà là một sự mượn ý chính, nhân vật điển hình rồi hiện đại hóa theo 1920. Vì tác giả không viết lời nhập đề hay tựa gì cả, nên chúng ta không được rõ ý định thực sự của tác giả ra sao. Có thật sự tác giả định qua nhân vật Kim Huê và tổ chức thanh lâu của Tám Giẹp để gián tiếp phê phán chế độ thuộc địa Pháp hồi đó là chẳng khác gì "năm Gia Tỉnh triều Minh" chăng?
- "Oán hồng quần" khỏi nói cũng biết là hấp dẫn lôi cuốn độc giả thời đó. Riêng cuộc phiêu lưu của trinh nữ Phùng Kim Huê vào cõi thanh lâu Chợ Lớn là đủ ly kỳ rồi. Nhưng được một điểm tác giả không tả chân, không đi vào chi tiết cụ thể nên "Oán hồng quần" không có tính cách khiêu dâm. Nhưng, như nhiều tác giả miền Nam chịu ảnh hưởng Nho giáo trước đây, tác giả Lê Hoàng Mưu của "Oan hồng quần" cũng thái quá trong vấn đề đòi hỏi giữ trinh tiết của phụ nữ. Thái quá đến mức độ bất chấp mọi thực tế khách quan, làm hại nhân vật cũng như một số đoạn văn.
Chúng ta có thể hiểu thái độ của Thúy Kiều khi bị lọt vào thanh lâu lần một vì dù sao Kiều cũng đã có người yêu thật sự là Kim Trọng, nghĩa là có đối tượng làm động cơ thúc đẩy. Còn Kim Huê đã yêu ai đâu?
Riêng về nhân vật Kim Huê, sự hư cấu của tác giả cũng có điểm trục trặc khó hiểu. Kim Huê là cô gái có học khá và là học tại trường Tây học do chính quyền thuộc địa Pháp đã mở. Sự kiện cụ thể chứng tỏ là khi địa phương mở "Nữ học đường" (dứt khoát không phải là trường dạy Nho giáo cũ), Kim Huê đã được mời làm nữ giáo viên. Kim Huê đã có danh thiếp mà chính tác giả đã "vẽ lại" nguyên văn trong "Oán hồng quần" như sau:

Mademoiselle P.K.Huê
Institutrice à l'Ecole des filles
Cochinchine Française Bến Tre
Vậy mà khi cô giáo Huê, cô "Institutrice" Huê, trốn nhà ra đi, lại giã từ cha bằng một bài thơ Đường luật như sau:
Nghĩ nỗi mình thêm ngán nỗi nhà
Đau lòng đòi đoạn giọt châu sa,
Đắng cay đành chịu bề con vịt,
Chua chạc chi khan tiếng mẹ già,
Chút phận bèo mây cam phận trẻ,
Ngàn trùng tơ tóc đội ơn cha,
Sáng soi nguyền có gương trời tỏ
Sùi sụt tường dộng lén bước ra.
Lúc này Kim Huê mới 17 tuổi. Năm năm sau, khi chồng chết, Kim Huê đã làm một bài văn tế với đoạn mở đầu như sau:
HỠI ÔI!
Đất lở non thề! Sóng xao bể ái!
Cửa âm dương mau rước khách đi về,
Đò tạo hóa vội đưa người qua lại.
Những tưởng trăm năm đá tạc,
Chữ xướng tùy cho trọn nghĩa keo sơn.
Nào hay một phút sao dời,
Con hội hiệp đã lìa duyên kim cải.
Kể ra đoạn thảm khôn cùng,
Nhắc lại tình thương khó giải...


"OAN KIA THEO MÃI"
của Lê Hoằng Mưu

Nhận xét:

- Văn liệu hiện có về cuốn này là ấn bản in tháng 8-1922 của Imprimerie Jh Nguyễn Văn Việt Saigon. Cách trình bày bìa, lối cắt tác phẩm ra từng cuốn nhỏ 32 trang... tương tự như hai tác phẩm trước (Oán hồng quần và Tô Huệ Nhi ngoại sử). Căn cứ vào nội dung truyện, "Oan kia theo mãi" có chiều dài như "Oán hồng quần" và cũng tương tự trường hợp "Oán hồng quần", chúng tôi hiện nay chỉ mới tìm thấy phần đầu, gồm 3 cuốn nhất, nhì, ba.
Căn cứ vào bìa, ngoài tên chính là "Oan kia theo mãi", còn có thêm tên phụ ghi dưới là "Ba mươi hai đêm Hồ Cảnh Tiên tự thuật". Tên đặt thì như vậy, nhưng dưới ghi rõ là Roman, publié par Lê Hoằng Mưu, Sous les auspices de Lục tỉnh tân văn.

- Khi phân tích và giới thiệu "Oán hồng quần", chúng tôi đã nhấn mạnh tới điểm: Lê Hoằng Mưu viết văn phân nửa chịu ảnh hưởng lối viết truyện lối cổ của Việt Nam, Trung Hoa, phân nửa chịu ảnh hưởng của Tây phương. Nói về tỉ lệ thì như vậy nhưng giao lưu Đông Tây chưa nhuần nhuyễn, chưa trộn lẫn. Có thể nói ở nhiều đoạn của "Oán hồng quần", Đông với Tây coi như dầu với nước, khá phân minh. Tiêu biểu nhất là ở phần đầu, các ngôn ngữ là của văn học cổ, nhưng sang phần sau khi mật thám can thiệp điều tra, tòa án thụ lý, phân xử lại là của Pháp (nhiều chỗ như là dịch từ Pháp ngữ sang).

- Có thể nói đối với các tác giả khác, thí dụ với Hồ Biểu Chánh, việc phân tích, đánh giá ảnh hưởng cũ, mới, Đông Tây đòi hỏi ở người làm một khả năng chuyên môn cao. Nhưng với "Oán hồng quần" thì việc này lại khá dễ dàng. Sang tới "Oan kia theo mãi" viết sau "Oán hồng quần" ít nhất là 2 tới 3 năm, thì hiện tượng dầu - nước phân minh đã giảm mạnh: Lê Hoằng Mưu đã ngả hẳn về lối viết tiểu thuyết của Tây phương, từ ý đến diễn tiến tạo dựng nhân vật. Các nhân vật của "Oán hồng quần" có thể làm nhiều việc phi thường, Phùng Kim Huê có thể bò chui rúc trong cống Chợ Lớn vài tiếng mà không thấy tác giả tả nàng sau đó đẹp gái ra sao, tắm táp tẩy uế thế nào... Sang tới "Oan kia theo mãi", tiếp thu hơn nửa kỹ thuật viết của Tây phương, nhân vật chính Hồ Cảnh Tiên nghe tin bố mẹ cùng chết vì dịch tả, leo tường trốn trường mà ra, cực kỳ bối rối, vậy mà vẫn thấy đói: "Lê Quí hữu ôi, bụng đói xếp ve cả đôi ba ngày, bắt đặng mùi thơm ngát, tự nhiên biết thèm, sức ước ăn hết nổi hết trỏ. Bởi vậy, khi bước vào vừa ngồi xuống ghế, tôi liền kêu quán bảo chiên một đĩa ô-mo-lêt, hai miếng cà-to-lêt, múc một dĩa ra-gu, dọn để một bàn, bánh rượu có đủ".

- Về phương diện nhân vật: Phùng Kim Huê (Oán hồng quần) Tô Huệ Nhi (Tô Huệ Nhi ngoại sử) còn đều là những nhân vật được tạo dựng theo mẫu anh hùng liệt nữ cổ điển, cùng kích tấc và khuôn mẫu với Kiều Nguyệt Nga. Sang đến "Oan kia theo mãi", nhân vật chính Hồ Cảnh Tiên chỉ còn là một tiểu công chức thời Pháp thuộc với cuộc đời không có gì là ghê gớm: đi học, đi làm, lấy vợ đẻ con, mê cờ bạc rồi mê gái... Nếu không có tính ghen bóng gió ghen liều đến độ giết vợ thì... không thành truyện tiểu thuyết. Vợ Hồ Cảnh Tiên là vợ hiền nhưng cư xử thường thôi - như rất nhiều bà vợ khác trong cùng hoàn cảnh. Còn "kiều nữ" Ba Tư (tên là Ba Tư, chứ không phải người nước Ba Tư) thì cũng có cư xử tai quái điếm đàng, nhưng cũng không phải là quá đáng. Xây dựng nhân vật như thế cho "Oan kia theo mãi", Lê Hoằng Mưu đã ngả dứt khoát về phía Tây phương.

- Về khung cảnh cũng vật: Tả cảnh Phùng Kim Huê rời Bến Tre lên Chợ Lớn, tác giả còn có miêu tả như "ngàn dậm quan san". Còn khung cảnh của "Oan kia theo mãi" đã được ghi lại tương đối hiện thực. Cảnh nào cụ thể ra cảnh đó chứ không còn thứ khung cảnh ước lệ nữa.

- Khả năng miêu tả phân tích tâm lý của Lê Hoằng Mưu khá cao. Có thể nói "Oan kia theo mãi" là tiểu thuyết tâm lý đầu tiên (1922) viết bằng văn xuôi theo kiểu Tây phương của Việt Nam.

- Ghi nhận thêm: lối đặt câu của Lê Hoằng Mưu đã gọn, ngắn như thế hệ 1930-1940.


"NGƯỜI BÁN NGỌC"
của Lê Hoằng Mưu

- Văn liệu hiện có là ấn bản do nhà in Dục Lưu Phương, 158 Rue d'Espagne Saigon xuất bản năm 1931.

Bìa trước có ghi từ trên xuống dưới "Ái tình tiểu thuyết "Người bán ngọc", tác giả: Lê Hoằng Mưu - Tranh minh họa với lời chú giải "Người bán ngọc bày mưu mua ngọc, Kẻ vô tình mắc kế say tình" - Tên và địa chỉ nhà xuất bản - Góc trên bên phải để giá tiền 0$50. Tranh minh họa nét vẽ non nớt không nghệ thuật, vẽ khuê phòng của Hồ phu nhơn trang trí kiểu Tàu phù hợp với nơi xảy ra truyện là Tô châu, nhưng hai phụ nữ trong tranh lại ăn mặc như phụ nữ miền Nam đầu thế kỷ 20 và kiểu tóc hoàn toàn phụ nữ miền Nam.

Bìa sau, nhà xuất bản Dục Lưu Phương liệt kê tên 14 sách đã xuất bản cùng giá tiền mỗi cuốn - tác phẩm hơi dài cắt ra thành nhiều cuốn có số trang khoảng 80. Ngắn nhất, in thành một cuốn duy nhất là "Vì nước hoa rơi" của Phạm Minh Kiên dài nhất là "Trường tình bí mật" của Dương Minh Đạt 12 cuốn. Trong danh mục này có liệt kê 2 tác phẩm nữa của Lê Hoằng Mưu: "Đêm rốt người tội tử hình" và "Đầu tóc muộn".
"Người bán ngọc" dài khoảng 370 trang, gồm 6 hồi. Tuy chia làm chương hồi như truyện Tàu nhưng từ bố cục tới kỹ thuật viết lại theo Tây phương. Khi giới thiệu "Oán hồng quần", chúng tôi thấy tính cách của nửa Tàu nửa Tây của Lê Hoằng Mưu. Nhưng với "Người bán ngọc", phần ảnh hưởng Tây phương đã chiếm ưu thắng. Ngay về cách dùng từ đã thấy bớt dùng sáo ngữ cổ và câu đã rõ ràng.

Tác giả định loại cho "Người bán ngọc" là ái tình tiểu thuyết rất đúng, vì đây chỉ là một truyện tình, tình tiết ly kỳ. Nhưng điểm trội bật của "Người bán ngọc" là ái tình được diễn tả ở đây thiên về tình dục. Bộ tam da cổ điển trong truyện là người tình Tô Thường Hậu, người chồng Hồ Quốc Thanh, người vợ Hồ phu nhân khi yêu nhau đã yêu vừa bằng trái tim vừa bằng cái giống của mình. Dĩ nhiên hậu sinh hiện đại không có dị nghị về một quan điểm như vậy, nhưng vào thời Lê Hoằng Mưu thì hẳn là quá mới mẻ, táo bạo. Đồng thời với tác giả và sau đó cả 10 đến 15 năm, ái tình do một Hoàng Ngọc Phách, hay sau đó với cả Nhất Linh diễn tả vẫn còn lãng mạn, nghĩa là phiến diện lắm. Tố Tâm Loan đều chỉ là những hình nét thủy mạc và khi yêu mới chỉ có phần hồn chưa có phần xác. Phải vượt qua mốc đầu 1939-1940, với Vũ Trọng Phụng, chúng ta mới thấy tình yêu được diễn tả theo quan điểm của Lê Hoằng Mưu trong "Người bán ngọc". Tácgiả đã giành rất nhiều trang để tả cảnh Tô Thường Hậu giả gái để được ngủ chung với Hồ phu nhân rồi lân la dần tới chỗ giao hợp - mức độ tả chân kể như bằng đoạn Vũ Trọng Phụng tả Nghị Hách hiếp Thị Mịch trong "Giông tố". Nhưng "Giông tố" không phải là dâm thu và "Người bán ngọc" của Lê Hoằng Mưu cũng vậy.

Xét chung những đoạn tả chân nhất về tình yêu nam nữ của cả hai nhà văn Việt Nam này, nếu đem so với các nhà văn quốc tế, giải Nobel văn chương, như Camus, Cholokhov... thì cũng chỉ là đại khái, và không thấm vào đâu nếu so với một nhà văn quốc tế khác, cũng giải Nobel, là J.P.Sartre. Vậy điều đáng kể là Lê Hoằng Mưu đã viết như thế từ trước 1930.

Về mức độ và kỹ thuật diễn tả thì "Người bán ngọc" dứt khoát là của Lê Hoàng Mưu rồi. Nhưng về gọi ý, việc Tô Thường Hậu giả gái làm cho chúng tôi nhớ đến một truyện trong "Liêu Trai chí dị" của nhà văn Trung Hoa Bồ Tùng Linh. Theo truyện này thì có cả một môn phái giả gái để trà trộm vào các khuê phòng làm truyện dâm bôn, và tên giả gái trong truyện Liêu Trai đã bị ông chồng phát hiện chỉ vì giả gái thành công quá làm ông chồng mò vô định gỏ gạc... cô bạn quí của vợ mình! Truyện của Bồ Tùng Linh chỉ có vậy; còn với "Người bán ngọc", việc giả gái chỉ là một mưu kế ở chặng đầu một mối tình thắm thiết và sôi nổi mà Tô Thường Hậu giành cho Hồ phu nhơn. Về sau, chứng kiến cảnh Tô Thường Hậu chịu bao nhiêu cực hình mà không chịu khai sự thực chỉ vì muốn bảo toàn danh giá (bề ngoài) của Hồ phu nhơn, ít ai có thể nghi ngờ tình yêu nhân thực của nhân vật này.

Dù Lê Hoằng Mưu chỉ định viết một truyện tình, nhưng "Người bán ngọc" vẫn phản ảnh xã hội Trung Hoa sau cách mạng 1911. Tôn Văn và Quốc dân đảng chỉ mới thành công trong việc lật đổ triều đại Mãn Thanh và thống nhất Trung Quốc. Sự thống nhất này chỉ tương đối thôi vì người kế nghiệp Tôn Văn là Tưởng Giới Thạch không dẹp nổi tàn dư phong kiến còn quá mạnh. Trên danh nghĩa thì chế độ sứ quân không còn. Nhưng trên thực tế họ Tưởng chỉ đạt tới một sự thỏa hiệp. Các sứ quân nhận các chức quan của chánh phủ Dân quốc nhưng vẫn còn khá tự trị trong vùng lãnh địa cũ. Bởi thế mới có nhân vật ông chồng Hồ Quốc Thanh còn trẻ măng đã làm Đề đốc Mã binh. Nhưng Trung Hoa đã có những nỗ lực duy tân trước Việt Nam, nên đã đào tạo được một thành phần trí thức mới mà Phủ doãn Trương Tử Minh là tiêu biểu. Thí dụ khi nói về vụ giết tì nữ Đào Anh, Trang Tử Minh đã nói thẳng với Hồ Quốc Thanh: "Tuy vậy cũng là một mạng người. Nếu lấy phẩm mà nói, thì nó cũng một người trong vũ trụ. Phép công há lấy chỗ sang hèn giàu nghèo mà bỏ quan cho đặng".
Trang Tử Minh cũng thẳng thắn tố cáo sự đạo đức giả, danh dự bề ngoài của tàn dư phong kiến: Có vợ ngoại tình mà không dám ngay thẳng trừng trị vì sợ dư luận biết. Bởi thế Trang Tử Minh phê bình Hồ Quốc Thanh như sau:
"Còn nữa, Đô đốc há quên mình là danh thượng tướng, quyền thế một tay hay sao? Mạng phụ dầu, trong cơn Đô Đốc vắng mặt, không giữ trọn tiết trinh, gây tình trăng gió, Đô đốc về hay ra, tra hỏi phân minh, tội tình tỏ rõ rồi, Đô đốc có quyền tha giết trong tay, lựa phải toan kế độc, lập mưu sâu, gạt mạng phụ canh khuya xuống hầm, rồi theo mà hại. Như vậy đó Đô Đốc mới nghĩ cho phận Đô Đốc làm chồng xứng đáng vô chỗ nào? Đã chẳng thương nhược chất liễu bồ, lại chẳng tưởng duyên kim phận cải. Ấy là chồng bất chính đó.
Cho đến Tô Thường Hậu là một đứa tiểu nhân, nó không tội tình gì (7), Đô Đốc muốn giết, đòi vào mà giết cũng đặng, huống chi nó đã phạm thượng, lấy dinh cấm làm hảo cừu, giả gái vào dâm mạng phụ, thì tội đã đáng rụng đầu rồi, cớ sao Đô Đốc lại không bắt nó vào, hài tội lôi nó ra mà giết phứt nó đi, Đô Đốc lại mượn cái thây của Hồ phu nhơn để làm cớ vu oan giá họa. Đường ấy, Đô Đốc làm quan bất công đó".

Tuy nhân vật chánh là người bán ngọc, nhưng người đọc có lẽ thương cảm nhiều Hồ phu nhơn, một phụ nữ tội nghiệp. Ai ở hoàn cảnh nàng chắc cũng sa ngã như nàng. Người đọc thương Hồ phu nhơn như thương vợ Hồ Cảnh Tiên trong "Oan kia theo mãi".
Trong những nhà văn miền Nam trước năm 1930, theo nhận xét của chúng tôi hiện nay, có hai nhà văn có tài miêu tả tâm lý con người: Hồ Biểu Chánh và Lê Hoằng Mưu. Nhưng Hồ Biểu Chánh còn hay để chủ đề luân lý bẻ lệch tâm lý nhân vật, còn Lê Hoằng Mưu, ít nhất là trong "Người bán ngọc", đã "tôn trọng" các nhân vật của mình. Những đoạn tả tâm trạng Tô Thường Hậu nhờ giả gái mà được nằm chung giường với Hồ phu nhơn, hoặc tả tâm trạng ông chồng ghen Hồ Quốc Thanh, vừa muốn giết vừa tiếc vợ đẹp... là những đoạn hay. Các nhân vật phụ như Lão bà nghèo khổ ham giàu, anh thơ lại tận trung với chủ Hồ Lăng cũng đều được mô tả tự nhiên, khéo léo.
Trong tiểu thuyết của Lê Hoằng Mưu, còn thấy một nét khá rõ nét là xu hướng tả chuyện đường xa xứ lạ (exotisme). Ở "Oan kia theo mãi" tác giả đưa người đọc qua đất Lào với thác Khôn nổi tiếng, tả cuộc sống của một công chức nhỏ giữa đám Việt Kiều.
Ở "Người bán ngọc" tác giả đưa người đọc sang tận Tô Châu, nơi nổi tiếng có nhiều giai nhân sắc nước hương trời.




3. Truyện Việt Nam viết theo Tây phương

TRUYỆN TRINH THÁM

Có lẽ đây là loại truyện Tây phương được du nhập sớm hơn cả, nhưng không phải đợi đến khi tiếp xúc với văn học phương Tây, người đọc ở Nam Kỳ mới biết loại truyện này. Ngay từ đầu thế kỷ, trong những năm đầu Nông cổ mín đàm, Nguyễn Chánh Sắt đã giới thiệu nhiều truyện điều tra án mạng, tội phạm đủ loại trong các sách báo Trung Quốc, như Long Đồ Công án. Dĩ nhiên Nguyễn Chánh Sắt cũng nhạy bén với các hình thức dịch nhiều truyện, phim Mỹ đăng trong Nông Cổ mín đàm hoặc in thành sách. Chúng tôi trích giới thiệu hai lời nói đầu của ông: Một phỏng dịch một truyện Mỹ và một phóng tác sau khi xem một phim Mỹ.


Trinh thám tiểu thuyết:

Lời nói đầu. Nguyễn Chánh Sắt. Nông cổ mín đàm. 1-11-1917.
"Từ xưa đến nay trong việc tra thẩm án tù chẳng có án nào khó hơn là án mưu sát, dẫu cho những án không lai không lịch không cớ không bằng đi nữa thì cũng dễ thẩm tra hơn những án mưu sát. Vì những đứa mưu sát ấy trước khi nó giết người nào, thì nó đủ đồ mưu thuyết kế sắp đặt đâu đó cho kín nhẹm mười phần, có ít nữa cũng là một năm hoặc năm bảy tháng rồi nó mới dám ra tay, cho nên hễ chừng nào nó ra tay rồi nó dễ chi mà tìm cho ra mới được.
Bởi vậy nội bên cõi Á Đông ta đây tự cổ chí kim chỉ nghe có một ông Bao Long Đồ là người Trung Quốc thẩm án như thần mà thôi, chí như nay là đời văn minh thế giới bên Âu châu với Mỹ châu lại sinh ra nhiều tay trinh thám rất tài, dầu cho những án mưu sát khó dễ thế nào, mấy ông ấy cũng lần mò mà tìm cho ra mối. Như mới đây tại Mỹ quốc có một cái án mạng lạ lùng, tôi dịch ra đây cho chư khán quan xem thử cho biết cái tài trinh thám của người Mỹ trong đầu 20 thế kỷ này rồi khán quan hãy sánh thử mà coi, thiệt chẳng khác chi tài Bao Chuẩn. Vậy từ đây mỗi kỳ tôi mỗi đăng tiếp luôn hoài cho đến chư khán quan xem cho tiêu khiển, tưởng cũng chẳng phải là điều vô ích.


Trinh thám tiểu thuyết"Thằng ăn trộm mặc áo đen" Nông Cổ mín đàm (23-7-1920)
Phàm làm thi là một việc khó, nhưng mà làm thi không chữ lại càng khó hơn; Còn dịch sách cũng là một việc khó, mà dịch sách không chữ lại càng khó hơn nữa. Thi không chữ ấy là tranh lụa. Còn sách không chữ ấy là hát bóng. Vả lại hát bóng là chỗ để cho người ta mở mang trí hóa, lại cũng là một chỗ để làm cho người ta giải muộn, vì trong ấy có chớp ảnh mà trang ra nhiều phường thiệt nghiệp, như là nghề làm sắt, nghề làm giấy, nghề làm đường, nghề làm rượu nho, nghề lấy dầu lửa, nghề trồng cây, cùng là nghề đánh cá, và các nghề cần dùng trong buổi cạnh tranh này. Huống chi những sao xuyến phong cảnh bên Âu bên Mỹ cùng khắp hết trong ngũ đại châu, ta bà thế giới, tưởng khi trong một đời ta cũng khó mà trông mong lịch thiệp cho cùng cho tột được, nhưng hễ ta thường vào mấy rạp hát bóng rồi, thì sẽ thấy được sao xuyến phong cảnh cùng là thấy mọi nhơn vật khắp cả toàn cầu, nào có khác chi như thần lịch kỳ cảnh, nó làm cho ta hoang tâm duyệt mục là dường nào.
Bởi thế cho nên chẳng chi thích cho tôi hơn cho bằng xem hát bóng; có xem hát bóng tôi mới được thấy nhiều chuyện ly kỳ huyền biến của phường đạo tặc, cùng nhiều việc cơ trí nhiệm màu, và khí đởm hào hùng của nhà trinh thám bên Âu bên Mỹ, đáng ghê, đáng sợ, đáng kính, đáng khen.
Nhưng xem rồi mà hiểu lấy biết lấy một mình thì thiết chẳng ích chi, nên nay tôi phải liều công mà dịch thuật một truyện trinh thám này ở bên Mỹ quốc Huê Kỳ, gọi là "Thằng ăn trộm mặc áo đen" để cho lục châu chư quân tử nhãn quan hổ dượt.


1. CHỒN CÁO TỰ SỰ
của Michel Tình

Tư liệu chúng tôi hiện có là ấn bản do Phát Toán Libraire Imprimerie, 55-57-59 Rue d'Ormay Saigon xuất bản Octobre 1910. Dưới hàng chữ lớn đề tên truyện CHỒN CÁO TỰ SỰ có thêm hàng chữ "La petite biographie de Michel Tinh par lui même" (8). Một điều thường thấy các tác giả ghi thời đó ở phần giữa bìa là một hàng chữ nhỏ: "Nếu quyển nào của tôi phát ra mà không có ký tên tôi, thì không gọi là sách thiệt của tôi". Phía dưới quả thật có chữ ký của tác giả (không quá kỹ như Michel Tình, các tác giả khác của Nam Kỳ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đều có những lời "căn dặn" khá kỹ về tác quyền, bản quyền. Có thể lý giải là trước đây, thời văn học còn ghi bằng Hán, Nôm... vấn đề tác quyền bản quyền chưa hề có. Một tác phẩm được sáng tác xong, là kể như thuộc tài sản quần chúng, tập thể. Có thể đoán chắc rằng trong khi những nhà văn bên phương Tây cùng thời với Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu đã có tác quyền thành nền nếp luật lệ, thì hai cụ ở Việt Nam không hề được lãnh một quan tác quyền nào, và khi tác phẩm bị sửa đổi lung tung, hai cụ chắc cũng không biết kiện ai và kiện ở đâu. Bởi thế khi viết truyện theo kiểu Tây phương, phải chăng các tác giả tiền phong mới phải cẩn thận du nhập cả vấn đề tác quyền vào Việt Nam?).
Lật bìa vào trang trong, có lời kính cáo của tác giả (có 4 dòng) dưới đề Saigon, le 18 Septembre 1910. Với con số 1910, chúng ta có thể tạm xếp cho đến khi tìm ra tư liệu nào cùng loại, cũ hơn CHỒN CÁO TỰ SỰ vào tác phẩm sớm hơn cả của loại hồi ký viết theo kiểu Tây phương với lối văn nói sao viết vậy, kể các sự kiện và tâm tình các nhân vật rất "con người".
Tác phẩm dài 37 trang, chia làm 15 đoạn. Cuối đoạn chót có đề Fin du premier volume (4). Trong 10 đoạn đầu, nội dung kể lại thời thơ ấu vất vả và khổ sở của mình, tác giả làm chúng ta nhớ tới "Những ngày thơ ấu" của Nguyên Hồng xuất bản khoảng 30 năm sau ở miền Bắc. Bút pháp, kỹ thuật viết... xét chung rất có tính hiện thực quen thuộc với chúng ta hiện nay. Có thể nói Michel Tình là nhà văn tả chân hiện thực vào những năm đầu thế kỷ 20. Đọc CHỒN CÁO TỰ SỰ, chúng ta được biết rất rõ sinh hoạt của nông dân ven biển của Nam kỳ cuối thế kỷ 19 về nhiều phương diện, nhất là việc học hành thì biết đến chi tiết. Do cách viết, CHỒN CÁO TỰ SỰ là một "Gia huấn ca" lấy cuộc đời gian truân của người cha để dạy con. Hoặc như một thứ gia phả, vì tác giả kể rõ tên cha mẹ họ hàng nội ngoại, nghề nghiệp, chỗ ở của họ, ngày tháng xảy ra các việc.

Qua những trang ký ghi những sự việc thật, người thật, người đọc ngày nay có thể hiểu đôi chút những tục lệ ở thôn quê miền Nam như đám tang, đám cưới, tục chồng đánh vợ v.v...
Tác giả theo tây học và thiên chúa giáo, nhưng cho thấy vẫn chịu ảnh hưởng nặng lễ nghĩa tư tưởng nho học, tin vào triết lý ở đời có lúc thạnh lúc suy, làm điều lành được hưởng điều lành, làm điều thất đức phải chịu hậu quả những tai họa sẽ xảy đến, nên phải biết nhẫn nhục, chịu đựng hy vọng khi gặp khó khăn thử thách. Tác giả đặc biệt đề cao lòng biết ơn, nhất là biết ơn những ông thầy là người dạy điều nhân nghĩa và lấy bản thân mình mà nêu gương đạo lý.
Mục đích viết tập ký này là "có ý nhắc tích để lại cho con cái tôi nó được biết điều tân khổ của cha mẹ nó đã chịu mà cũng bền lòng gắn chí lo học hành cho đến nay, làm việc kiếm tiền được mà nuôi lại nó cho ăn đi học". Còn đối với người đọc thì tác giả đã bày tỏ những lời khiêm tốn ở trang đầu: "Kính cáo. Vốn tôi là một học trò hèn khó hồi lúc thiếu niên, nên việc học hành còn thưa thớt. Nếu tôi có chép ra điều chi sai lỗi, xin chư vị khán quan hãy lấy lòng rộng dung và chớ bắt bẻ tôi là đứa đã dung tài trong việc học."


2. KIM THỜI DỊ SỬ
của Biến Ngủ Nhy

Tư liệu chúng tôi hiện có là cuốn thứ nhứt của KIM THỜI DỊ SỬ do Imprimerie Moderne L. Héloury S. Montégout xuất bản Aouât 1921 Saigon, giá đề 0đ50. Cũng như nhiều sách cùng thời xuất bản tại Nam Kỳ, ngoài bìa chữ Việt Nam kẻ chữ Pháp: Nhan đề truyện và tác giả được ghi "Kim-Thời dị-sử par Biến Ngủ Nhy", giữa bìa có hàng chữ Tous droits réservés (9). Nhưng trước khi vào truyện ở trang 4, nhan đề tác giả được loan báo lại như sau: KIM THỜI DỊ SỬ của Biến Ngủ Nhi đặt. Chữ Nhy - chữ Nhi và hai gạch nối ở tên truyện lại biến mất. Sự kiện này biểu lộ hoặc sự cẩu thả của nhà xuất bản, hoặc sự không quan tâm lắm đến chính tả của tác giả.

Chính truyện KIM THỜI DỊ SỬ chỉ chiếm 77 trang, trong tổng số trang của cuốn sách: quảng cáo chiếm 24 trang còn lại. Riêng sự kiện này chứng tỏ tính quần chúng và sự phổ biến rộng rãi của cuốn sách - đúng như lời người viết bài Tiểu tự cho sách: "Rõ ràng là một bổn truyện rất thích hợp thời nghi vậy".


Sách chỉ có một bài giới thiệu, nhan đề Tiểu tự, chiếm đúng một trang (trang sau là quảng cáo của Banque Industrielle de Chine, Trung Pháp thiệt nghiệp ngân hàng - Đại Pháp - Nặc danh công ty tu bổn 150 triệu quan, rồi mới tới trang đầu của truyện), do Nguyễn Kim Đính, Tổng lý "Công luận báo", Hội đồng thành phố Saigon, viết Saigon ngày 6 Aouât 1920. Theo lời ông Đính thì:

"Truyện KIM THỜI DỊ SỬ vốn của ông Biến Ngủ Nhy, đã ấn hành trong báo Công luận từ tháng Octobre 1917 mà nay lại còn đăng tiếp theo nữa. Những người có đọc thì đã công nhận cái tài văn trộm như Ba Lâu thì trên đời có một, còn trí mưu của sấp hạ thủ thì dưới thế không hai... "Nay ông Biến Ngủ Nhy in truyện KIM THỜI DỊ SỬ ra nguyên bổn đây vốn chẳng phải mua danh chắc lợi chi, ấy là chiều theo ý muốn phần nhiều chư vị khán quan của tệ báo gửi thơ đến mà tỏ rằng, coi trọng nhựt trình từ khúc từ đoạn như vậy lấy làm ức lòng nên tôi mới dốc sức và chung cùng với ngài mà in ra đây đặng giúp vui cho chư độc giả trong cơn rỗi rảnh".

"Giúp vui cho chư độc giả trong cơn rỗi rảnh", chứ không phải là làm văn học nghệ thuật với mục đích cao xa nghiêm túc, hướng dẫn, duy tân hay cải tạo nhân sinh gì cả. Đây là thứ feuilleton, thứ truyện giải trí cho độc giả là trước hết, nội dung và tác động tính sau. Nếu ta không chê "Les trois mousquetaires (10) của A. Dumas thoạt kỳ thủy cũng là Feuilleton để gần đây còn dịch sang Việt ngữ, thì cũng không nên có thiên kiến với KIM THỜI DỊ SỬ đăng từng kỳ trên báo.

Tuy vậy, vẫn trong Tiểu tự, ông Đính phê phán: "Tuy truyện này là truyện đạo tặc mà không hại cho phong hóa" vì nhân vật chính Ba Lâu cùng đồng đảng chỉ lấy của nhà giàu và chia xẻ cho kẻ khốn cùng. Sau cùng lại còn biết cải tà qui chánh. ("Nhà giàu" đây không phải dân thường mà là tư bản Pháp, là Chà - thứ tư bản đáng ghét nhất vì chỉ chuyên xuất tiền cho vay lãi nặng). Bởi thế ông Đính kết luận bài Tiểu tự của mình bằng đoạn sau:

"Thiết tưởng ai coi truyện này rồi thì tất nhiên nghĩ rằng: nếu nửa gian giảo mà dựng sự nghiệp được bền bỉ cùng là những người cầm của ấy mà bảo toàn tánh mạng được thì trên đời này những người hiền lương chỉ hợp gió tây mà thôi, rồi ắt lòng sẽ dặn lòng cứ đường ngay nẻo thẳng mà đi vậy".

Lật bìa KIM THỜI DỊ SỬ ra, độc giả (chữ thời đó gọi là khán quan) chờ đợi trang đầu của truyện, hoặc cùng lắm là bài giới thiệu, thì gặp các bài quảng cáo liên tiếp 6 trang như sau:
- trang 1, 2 quảng cáo dầu Nhị Thiên Đường.
- trang 3 quảng cáo "Sách báo nên đọc", về vệ sinh sinh dục
- trang 4 quảng cáo hiệu sửa máy và tủ sắt, hiệu bán rượu cô nhắc (cognac).
- trang 5 và 6 quảng cáo hiệu "Pharmacie Shang hai" của Triệu Cương.
(0 cuối sách cũng có các trang quảng cáo đa số là các dược phòng Trung Hoa, các tiệm nữ trang, tiệm may, khách sạn).

Chúng ta cần lưu ý tính chất đặc biệt của lối phổ cập văn chương đương thời, nếu lấy nhãn quan xã hội học - văn học nhìn xuyên qua các trang quảng cáo trong cùng một ấn phẩm sẽ hiểu rõ thêm hoàn cảnh, xuất xứ của sáng tác, của tác phẩm.

Đứng về nguồn vốn cũng như tên người chủ trương các cơ sở có quảng cáo trên, ta thấy nổi bật sự kiện: tư bản Pháp và tư bản Tàu đã nắm giữ vai chủ chốt của kinh tế Nam kỳ. Họ đã liên kết với nhau chặt chẽ, trên cao thì như Banque Industrielle de Chine với Tổng lý L. Lasseione, vừa vừa thì như Société Anonyme Modern Garage nói trên, Giám đốc là Lim Hong Beng và Giám đốc kỹ thuật là Louis Jud, thấp như rượu Cognac Ch. Jobit Co thì cũng do Lim Hong Beng Co làm đại lý.

Người Việt, dân Nam Kỳ lục tỉnh, hầu như chỉ hiện diện rất khiêm tốn trong nền thương mại cũng như kỹ nghệ nhẹ mới xuất hiện ở xứ này. Vậy đa số ở nông thôn thì lo làm nông dân chân lấm tay bùn, ở thành phố thì làm công nhân. Những nguồn lợi tức lớn lao, do thành phẩm sức lao động của họ tạo ra thì họ được phân phối rất ít.

Bị bóc lột trước mắt và cụ thể như thế, dân Việt Nam chưa có lối thoát nào khác, ngoài ước mơ. Ước mơ lớn là cách mạng thì chưa rõ nét và phổ biến, vậy chỉ còn ước mơ nhỏ, tạo dựng dễ dàng từ các truyện võ hiệp Tàu, đó là kẻ "thế thiên hành đạo". Trong hoàn cảnh của Nam Kỳ 1917-1921 với đèn khí, xe hơi... nơi thành phố đã được xây dựng lại theo kiểu Pháp; thì chỉ có thể là Ba Lâu, tên đạo tặc hài hiệp, một thứ Robin des Bois, theo từ của chính tác giả Biến Ngh"Nhy thì là "Ba Lâu ròng nghề đạo tặc (ăn trộm nhứt hạng)".
Kẻ thế thiên hành đạo đặt trong khuôn khổ Saigon - Nam Vang này, chỉ có thể xuất quỉ nhập thần để lấy trộm của tư bản Pháp, và cao hơn, âm mưu có tổ chức cướp tiền của Chà. Một lối thoát thật nghèo nàn, và bi thảm nữa, nhưng không phải không đáp ứng được, dù một phần, cái thường được gọi là "khát vọng của thời đại".

Lấy của của tư bản Pháp, dễ hiểu thôi. Còn "Chà", sao lại là đối tượng thù ghét!
"Chà" đây là anh "Bảy Chà da đen", nghĩa là dân Ấn Độ - dùng lộn với Trà và chỉ dân hải đảo Java của Nam Dương. Dân Ấn Độ từ các nhượng địa Pháp ở Ấn Độ, dễ dàng xin giấy tờ theo Pháp tới làm ăn ở Việt Nam - nhất là ở Nam kỳ. Họ dĩ nhiên làm nghề "Tây đen bán vải", nhưng quan trọng hơn và bị ghét hơn, họ bám vào thực dân Pháp để làm nghề cho vay lãi nặng. Dân "xet ti" nổi tiếng thời Pháp thuộc chính là họ.
Cho vay lời cắt cổ bị ghét đã đành. Ở Nam Kỳ họ còn hay tranh thầu thu thuế hoa chi ở các chợ - họ nổi tiếng về tài đòi nợ nhỏ rất là kiên nhẫn. Thầu thuế hoa chi là đụng độ với tiểu thương Việt Nam, đụng độ "chính diện". Bởi thế bị quần chúng căm thù trực diện: vậy Ba Lâu phải ra tay lấy bớt... và do đó truyện KIM THỜI DỊ SỬ không quyến rũ quần chúng sao được?


NGUYỄN TUYẾT HOA
Ngoài bìa ghi: Tiểu thuyết NGUYỄN TUYẾT HOA.
Học sanh nữ học đường. Tác giả: Trường Hoàn.
Có hình vẽ một thiếu nữ khoác manteau - một tay cầm sách, một tay tì trên kiếm đeo vai, với câu minh họa:
Điểm tô Nam Việt sơn hà,
Anh hùng rõ mặt gái ta lúc này.
Nhà in Đức Lưu Phương, sách in thành 5 cuốn, 168 trang đề giá 0đ40, 1930.
Chúng tôi xin trích nguyên văn lời tựa và lời lược cốt truyện của tác giả:

Lời tựa:
Thiết nghĩ: Đương đời nay, tiểu thuyết là món sở thích của người, dường như đồ bánh trái ngon miệng vậy. Thế thì quan hệ cho thâm tâm của người đời là dường nào. Độc giả thì như thế, thì tác giả phải thế nào? Phải bày dọn những đồ ăn bánh trái có bổ chất cho người: hay là các món béo lớn cay gắt cho chúng. Miễn cho thích khẩu mà chẳng kể tới sự vệ sanh.
Vả chăng người đời, phần nhiều đã có bịnh rồi, mà còn thèm ăn những đồ hậu vị như thế: thế, phải thành ra bịnh huyết hư, nhiệt tích đó chăng?
Tiểu thuyết này, như cơm sốt cá tươi, cốt để hiếu nghĩa là vi tiên, sanh nhai làm cập vụ. Bịa đặt đề tên là "Nguyễn Tuyết Hoa tiểu truyện". Là nàng Nguyễn Tuyết Hoa lấy triết học, nhơn luận, hiếu nghĩa, mới hay hết sức chịu khó làm nên nghiệp nhà, nhờ khoa học kỹ nghệ sanh nhai. Theo chỗ sở học mà làm nghề thêu dệt. Giải quyết vấn đề kinh tế, kiên tâm chấn chỉnh thương trường, lấy chỗ sở học nữ công trong Nữ học đường ra mà khoản trương công nghệ. Học mà hay làm ấy có phải là học thuật tinh thần đó chăng?
Lại Tuyết Hoa có lập nên Nữ Anh hội cho con gái cùng là đờn bà trái duyên, góa chồng, xúm xít nhau có công việc làm ăn nuôi mình, có thể thao vui chơi thêm sức thêm dạy võ nghệ cho có chí khí, đặng hay tự cường tự bảo mà tập hạnh thủ tiết. Ấy là đều tư ích cho nữ lưu phận đó chăng?
Tưởng lấy NGUYỄN TUYẾT HOA này, mà tỉ với Mạnh Lệ Quân xưa kia, Lệ Quân thì đặc lộ làm quan lớn, TUYẾT HOA thì hưu chí làm giàu to. Hai nàng đều là thiên tử dị thường, tài ba lỗi lạc, mới hay tới địa vị đó vậy. Song mỗi người riêng mỗi sự nghiệp khác nhau, ấy là tại chỗ sở ngộ cùng là thời thế sử nhiệm vậy.
Tiểu thuyết này: gia đình hiếu nghĩa, cần kiệm mưu sanh, là đều ước mong cho bọn nữ lưu, nơi chỗ từ tâm lập chí; chẳng phải là, chỉ xem cho giải buồn mà thôi. Ấy vậy ai chẳng có gia đình, ai không nên cần kiệm mà lo lập thân nơi trong trời đất, đã lở sanh cái phận liễu bồ? Thế là: Đã sanh cái phận trong trời đất. Phải có công gì với núi sông.
Tiết trong xuân, viết nói thơ lầu biệt dả.
Trung Hoàn Cẩn
NGUYỄN TUYẾT HOA TIỂU TRUYỆN
Đây lược biên sự tích và sở hành của Nguyễn Tuyết Hoa cho độc giả tiện làm hiểu mau.
Gái, vẫn là người sanh trưởng tại hạt Mỹ Tho. Con nhà nho gia; nhỏ có học nho, 12 tuổi vào học Nữ học đường, 17 tuổi thi ra tốt nghiệp. Về nhà mẹ mất cha còn. Sẵn học biết nghề, làm nghề thêu dệt lo ăn. Siêng năng việc làm, kiệm dụng phần mình, để nuôi cha già cho bảo mãng. Chỗ tu sắc và tài trí, phi thường xuất chúng như vầy:
1. Đã tu sắc tốt đẹp khác thường, lại thêm ham thể thao, võ nghệ, càng mạnh sức càng thêm tuyệt sắc. Không phải mượn màu son phấn mà tạo ra nhan sắc. Ấy là thiên nhiên nhan sắc, vệ sanh tinh thần vậy.
2. Đã thiên tu thông minh, lại có tri hóa: học đâu có ích dụng đó. Học nho thì tập tánh, học nghề thì lấy nghề làm ăn. Ấy là học thuật tinh thần vậy.
3. Vay bạc qua Nhựt Bổn mắc máy dệt, làm vớ... Phải giả trai, tiện bề vô xưởng máy, học máy về làm; khỏi mượn thợ Nhựt tốn tiền. Ấy là tri dỏm.
4. Gái tuổi nhỏ hay sáng nghiệp lớn, làm giàu to. Tới hay tính cho chồng, thôi làm quan, vậy hà làm ăn nuôi mẹ, cho anh cũng thôi làm việc, về nhà nuôi cha. Ấy là tài đức hoàn toàn, xưa nay ít có.
5. Qua Nhựt Bổn, về bắt chước: cần kiệm mưu sanh. Công ty đề xướng. Tự xuất gia tư, đi Lục châu kêu hùn lập hội. Biết trạch cử hiền tài, cho quê hương tính dụng. Xướng lập "Kinh tế thương công đoàn" hô hào quốc dân hiệp cổ. Ấy là công ích trong xã hội nhơn quần.
6. Lập Nữ Anh hội, gái vô học làm nghề: dệt, thêu v.v... Có dạy văn cùng võ, có Xũ Nữ hội là Hội gái chẳng lấy chồng) gái có chỗ tu thân lập hạnh, có công việc làm ăn, tự bảo lấy mình, và có lập "Khổn Phạm tu thục" ngoài chương trình, dạy đức, ngôn công và dung.
7. Lập ra hai phái: Khuyến thiện và trừng ác. Phái khuyến thiện, lấy phong tục Nhựt Bổn, đi diễn thuyết Lục châu, về thói cần kiệm mưu sanh, công ty hiệp cổ. Phái trừng ác, dùng võ Nhựt đi trị cướp đãng, và răn kẻ bất lương, gian trá, làm cho xã hội than phiền.
8. Chọn gái cho du học, về lập xưởng, chế máy kia, làm máy nọ lợi dụng cho đời.
9. Luận Khổng giáo và Phật giáo, biện tín ngưỡng cùng mê tín. Linh tánh và linh hồn, cùng là nam, nữ bình quyền v.v...
10. Rủ người nghèo ra công, mình ra của, chung cuộc sanh nhai, thật tình giúp chúng. Lời thì chia, lỗ mình chịu. Cũng coi người là có cổ phần công ty không phải đãi theo bè bạn cu li. Ấy là: kĩ dục dệt, nhi đạt nhon. Mình đã nên muốn người nên như mình vậy.


Nhận xét:
Chúng tôi thấy mấy nét nổi bật sau đây:

1. Đề cao nho học, được coi như khuôn mẫu, nền tảng đạo lý của mọi hoạt động. Chỗ nào cũng thấy các nhơn vật dân chúng lời Thánh hiền để biện minh cho những lời nói việc làm của mình. Phật giáo cũng được nói đến nhưng không được chấp nhận vì tiêu cực, không hướng tới nhập thế, hành động. Chẳng hạn "Đạo Phật nhằm mục đích xóa vọng niệm vọng tưởng, đạt tới chơn niệm chơn tưởng, nhưng nếu cứ ở không, người không thì hay sinh lòng vọng tưởng, nên dầu sống ngàn năm ở chùa tu cũng không hay đắc đạo vậy". Còn chị em đây lúc nào cũng bận rộn sưu ích chung có còn thời gian đâu mà vọng niệm tưởng quàng (trang 167-168).
Chủ trương theo nho học, giữ tất cả những tập tục lễ nghi như sách Quan hôn tang tế đã ghi dẫn... nhưng không nệ hình thức. Tuyết Hoa đã lập gia đình, chưa muốn có con, sợ bận bịu chuyện con mọn, đề nghị Tế Tâm thay mình phục vụ chồng, xin phép mẹ Tố Tâm. Tất cả những liên hệ: Tuyết Hoa, Tấn Thạt, chồng, Tố Tâm, cô gái trong Hội, mẹ Tố Tâm đều vì thấy mục đích tốt, chính đáng mà chấp nhận giải pháp do Tuyết Hoa đề nghị.

2. Đề cao óc kinh doanh, làm ăn lớn, tìm vốn lập hội, mở công ty công kỹ nghệ, thương mại dựa vào khoa học kỹ thuật. Lề lối tổ chức tây phương (gửi tiền tiết kiệm, ngân hàng). Nhấn mạnh vào hướng sản xuất, khai thác tài nguyên trong xứ, phát triển kỹ nghệ, xuất cảng. Không ngại sử dụng những phương tiện giao thông liên lạc hiện đại nhất (cơ giới hóa xe đi trên bộ, thuyền đi dưới nước, mua máy bay...).
Do đó có óc sáng tạo, giàu sáng kiến qua những dự định mà thời đó đã nghĩ ra, mà bây giờ mới thực hiện được: Lập nhà máy điện Trị An hoặc lập máy vào người để bay.
Cụ thể là thiết lập một thứ tư bản, nhưng không phải tư bản tư nhân hay nhà nước mà là tư nhân tập thể vì mục đích chỉ là làm cho nước giàu mạnh mà thôi; còn chính bản thân những người làm ra của cải lại không thụ hưởng. Họ sống tập thể trong một cộng đồng hầu như một cộng đồng tu sĩ, ở ngoài đời.

3. Để thực hiện lề lối làm ăn kinh doanh lớn dựa trên cơ sở nho học này, tác giả dành vai trò đáng lẽ của Nam giới, cho Nữ giới. Tuyết Hoa và Nữ Anh hội do cô lập ra tiêu biểu cho cái chí Nam nhi được quan niệm và thể hiện thế nào trong thời đại tiếp xúc với văn minh Tây phương, đề ra yêu cầu phát triển kỹ nghệ hiện đại hóa xứ sở theo khoa học kỹ thuật có điều đáng lưu ý là trong những cô gái này có "chí nam nhi tác phong võ thuật" nhưng vẫn giữ được nữ tính trong nếp sống cách đối xử vì võ thuật chỉ để tự vệ trừng ác và nuôi chí lớn chỉ để phục vụ đất nước một cách thông minh sáng tạo, không xuất hiện như những chiến sĩ, anh hùng, vẫn chỉ là những người bình thường khác biệt người thường đôi chút mà thôi.

4. Lý tưởng, mẫu người kết hợp đạo lý truyền thống dựa trên nho học với óc kinh doanh, thực dụng, làm ăn lớn theo khoa học kỹ thuật Tây phương được thể hiện qua tinh thần phong cách của các nhân vật, qua lề lối tổ chức cách làm ăn... mô phỏng theo Nhựt Bổn. Tuyết Hoa đã đi Nhựt, không phải chỉ để mua máy móc mà chủ yếu là tiếp thu một tinh thần, một quan niệm nhân sinh về phát triển kinh tế... vẫn giữ được những đòi hỏi căn bản của đạo lý truyền thống. Khi về, đi đâu cô cũng trình bày, thuyết giảng về lề lối làm ăn, tinh thần, nếp sống của người Nhựt mà người Việt Nam cần học hỏi, noi gương, chỉ có một điều khác là không hiểu tại sao tác giả thay vì để cho một nhân vật thuộc nam giới đóng vai trò trên lại dành cho một người đàn bà... phải giả trai mà sang Nhựt.

5. Lối viết giống truyện Tàu, mở đầu giới thiệu gia thế của hai nhân vật chính và cũng chia thành những hồi... Nhưng về mặt kỹ thuật và nghệ thuật xây dựng truyện thì phải nhận tác giả hình như không có dụng tâm, chú ý đến người đọc có cảm tưởng nghe tác giả trình bày những chương trình đường lối hành động, hơn là mô tả một cảnh đời, nếp sống với những tình tự phức tạp phong phú. Cuộc đời Tuyết Hoa ngoài những dự định làm ăn và những hoạt động kinh doanh, không còn có gì đáng kể để nói nữa...

Tóm lại, đặt vào bối cảnh lịch sử thời đó (qũûng 1924 - 1930) cuốn truyện xuất bản như một bản hiệu triệu canh tân cải cách theo tiếng gọi của phong trào Đông Du, Duy Tân, đặc biệt hướng về Nhựt, rập khuôn theo Nhựt, từ cung cách làm ăn để xử thế, nhằm đưa nước nhà đến chỗ văn minh, tiến bộ cho kịp người.
Cuốn truyện có tác dụng làm thức tỉnh tinh thần nam nữ bình quyền, tinh thần kinh doanh công thương nghiệp, đặc biệt làm nổi bật tinh thần dám nghĩ dám làm (think big do big) như người Mỹ thường nói; không chỉ biết bo bo giữ của, chôn của, nhưng biết đào vàng lên nuôi heo (cho tiền đẻ ra tiền - Hủ vàng chôn không bằng lồn con heo nái).
Điều đáng chú ý là tác giả lại gán cho người đàn bà, vốn bị coi là có tính tình rụt rè, thường chỉ quanh quẩn ở xó nhà, cái tinh thần năng động, óc phiêu lưu dám nghĩ dám làm; nhưng vì quá đề cao nhân vật Tuyết Hoa, tự cho nàng làm những việc phi thường, quá đáng như cưới vợ cho chồng, lập hội xử nữ, nên câu chuyện có tính cách không tưởng, làm giảm sút sức thuyết phục.

*

MẢNH TRĂNG THU
Bản chúng tôi hiện có là bản in lần thứ nhứt "ghi lại theo bìa sách". Tác giả B.D. MẢNH TRĂNG THU: ái tình tiểu thuyết. Phụ nữ Tân văn xuất bản. In tại nhà in Xưa Nay 6-64 Boulevard Bonard Saigon 1931 in lần thứ nhứt 5 ngàn bộ. Trọn bộ hai cuốn một đồng rưỡi 300 trang. Trước khi in thành sách, đã được in đăng trong báo Phụ nữ tân văn những năm 1929 - 1930. Năm 1953 nhà xuất bản Nam Cương Saigon tái bản có in ít lời của con gái tác giả kèm theo "Chân dung tác giả Bửu Đình", chúng tôi trích lại "để thay lời tựa" như một tài liệu bổ túc tiểu sử tác giả ở một phần sau:

Nhà xuất bản Nam Cương Saigon 1953
Để thay lời tựa
Một hôm nhà xuất bản Nam Cương phái đại diện đến nhà chúng tôi tại Tân Phước (Gò Công) để bàn cùng chúng tôi về việc tái bản cuốn MẢNH TRĂNG THU do cha tôi, ông Bưu Đình sáng tác. Người đại diện ấy chỉ gặp mẹ tôi, sau cuộc gặp gỡ đó, ông lại tìm tôi ở Saigon, vì mẹ tôi để tôi trọn quyền quyết định và đã cho ông biết, hiện nay, vì hoàn cảnh tôi phải đến Đô Thành để tìm sinh kế và học hỏi.
Sự nghiệp của cha tôi để lại chỉ có một tinh thần cách mạng, một dòng máu nóng - đứa con khốn khổ là tôi - với mấy thiên tiểu thuyết "Mảnh trăng thu, Cậu Tám Lọ, Giọt lệ tri âm".
Tôi bằng lòng để cho nhà xuất bản Nam Cương tái bản quyển MẢNH TRĂNG THU.
Thế là vô cớ, Nhà xuất bản Nam Cương lại khêu gợi trong tâm hồn tôi một mối u hoài, một sự nhớ nhung. Tinh thần quật khởi của cha tôi đã kích thích nỗi lòng tôi vậy.
Khi cha tôi cưới mẹ tôi - Cha tôi còn là một thơ ký Bưu điện Saigon. Sau đó, ra bỉnh bút cho báo Tân Thế kỷ.
Những sách vở mà cha tôi luôn luôn mê thích ôn đọc lúc mảng việc, theo lời của một bạn thân cha tôi nói lại với mẹ tôi là những sách vở của Voltaire, Jean Jacques Rousseau, Montesquieu hay là Lương Khải Siêu v.v...
Vốn là người hoàng phái, sanh trưởng ở nhà nho những sách vở được nhuần ở tâm hồn tráng kiện của con người tân học kia một tinh thần dân chủ.
Tự vạch sẵn con đường phải đi, cha tôi quên mình là người hoàng phái, lại đứng dậy hô hào cho phong trào dân chủ.
Và cũng vì thế mà cha tôi bị lưu đày trước ở Lao Bảo và sau đây ở Côn Đảo.
Hai thiên tiểu thuyết MẢNH TRĂNG THU và CẬU TÁM LỌ là hai tác phẩm viết tại Côn Đảo trong khi rảnh rang công việc lao tù.
Nhơn khi hai thiên tiểu thuyết nói trên được tái bản, tôi có những giòng huyết lệ này để thay lời tựa.
Tôn nữ Thị Diệu Tiên
Saigon ngày 31 tháng 7 dương lịch 1953


Ghi chú:
Đọc NGUYỄN TUYẾT HOA rồi đọc MẢNH TRĂNG THU thật như đi từ một thế giới này sang một thế giới kia khác hẳn. Nhân vật chính của hai truyện đều là một thiếu nữ, nhưng tiêu biểu cho hai tâm tình mẫu người trái ngược, có lẽ chỉ giống nhau ở một điểm: "trọng đạo nghĩa". NGUYỄN TUYẾT HOA hầu như không nghĩ đến mình hầu như cũng không có vấn đề gì riêng tư, chỉ nghĩ đến người khác, suốt ngày và cả cuộc đời chỉ bận tâm lo cho người khác (giới phụ nữ, sự giàu có phát triển của đất nước) vấn đề gì đặt ra cũng giải quyết gọn, đơn giản, luôn luôn trông về đàng trước, lạc quan. Trái lại Kiều Tiên trong MẢNH TRĂNG THU tương tự nàng Kiều của Nguyễn Du về tính đa cảm đa sầu, gặp toàn những cảnh oan trái, nhưng khác Kiều ở chỗ không phải chỉ biết chịu đựng một cách thụ động hoặc đi tự tử vì có ý chí quyết báo thù và phục hồi mối tình bị gián đoạn. Tuy nhiên toàn bộ câu chuyện chỉ xoay quanh một vụ án, một mối tình, chỉ liên quan đến cuộc đời tình cảm của một người. Không có vấn đề thuộc xã hội được nêu lên... Lối viết truyện MẢNH TRĂNG THU cũng khác hẳn lối viết NGUYỄN TUYẾT HOA. Không còn ảnh hưởng gì truyện Tàu như phân hồi, đoạn, giới thiệu gia thế, các nhân vật chính ngay từ đầu. Truyện viết theo lối Tây phương rất xuôi, viết đúng chính tả, chẳng khác gì những truyện hay nhứt của Tự Lực Văn đoàn sau này.

Tác giả, gốc hoàng phái, nhưng đã thoát ly hoàng tộc, chống Pháp, vào Nam sinh sống, viết văn viết báo, tuy nhiên tác giả chưa bỏ được tâm tình người Huế, người Bắc coi Huế là miền Bắc theo lối nói của người miền Nam thời đó. Kiều Tiên tiêu biểu cho tâm lý người miền Bắc thường kín đáo, thâm trầm, không bộc lộ thẳng ngay tức khắc những cảm nghĩ, phản ứng của mình hoặc gặp gì khó nói, tế nhị không nói phứt cho rồi "như người miền Nam, năm mười năm sau mới có thái độ; phản ứng chậm như vậy nên chính đối tượng không thể hiện ra mình là đối tượng của một thái độ đối xử mà tính tình khoa gọi là: "nhị tính" (caractère secondaire).

Có một điều đáng lưu ý là câu truyện được viết từ Côn đảo, nhưng lại không nói gì về chính trị, dù là ám chỉ, trừ một đoạn tả cảnh nhà tù ở khám lớn và một đoạn nhắc đến những người làm cách mạng thiên tả. Tác giả để cho một nhân vật trí thức du học về, không hề làm chính trị, bị tố cáo làm cách mạng, liên lạc với một đảng cách mạng bên Tàu, bị bắt bỏ tù đưa ra tòa và được trắng án. Những lời buộc tội và những lời biện hộ của luật sư của chính đương sự trong phiên xử được kể lại có thể coi như một cách giới thiệu khéo léo công khai những hoạt động cách mạng mà không bị nghi ngờ vì ở đây chỉ là một trường hợp vu khống vì động cơ thù ghét cá nhân.

Trong những đoạn hay của MẢNH TRĂNG THU có lớp Thành Trai vô khám lớn và Tám Lọ cố tìm mọi cách vi phạm luật pháp để được vào khám lớn liên lạc với Thành Trai. Tám Lọ đương đầu với cặp rằng Ba Lựu rất sống động. Nếu tác giả không sống ở tù khám lớn và Côn Đảo, có lẽ khó viết được như vậy.
Kỹ thuật viết của Bửu Đình có lẽ cũng đã chịu ảnh hưởng tiểu thuyết Pháp, Anh như SANS FAMILLE của H. Mazot (Kiều Tiên lưu lạc nhiều nơi như cậu bé Rémi), cách trả thù thâm sâu ghê gớm của Nguyệt Thanh không thể không làm cho người đọc nghĩ đến Dantes trong Le Comite de Monter-Christo của A. Dumas. Lối điều tra vụ án đêm tân hôn tại nhà bà Phán Trần của Thành Trai làm người đọc nhớ đến những truyện trinh thám của Sherlock Homes của Conen Doyle.

Tuy tiểu thuyết có hậu, người tốt kẻ xấu đều có số phận tương xứng với hành động của mình, riêng kẻ xấu thực ra không bị trừng trị một cách tàn nhẫn. Hào Sung thủ phạm gây ra tội ác chỉ bị buộc phải rời bỏ xứ ra đi để con gái là Kiều Nga khỏi xấu hổ, tủi nhục vì cha. Do đó truyện mang tính chất nhân đạo, khoan dung, không phải là trả thù theo luật "Răng đền răng" như thấy trong Le Comte de Monte Christo.


HỒ BIỂU CHÁNH và A. DUMAS, H. MALOT, VICTOR HUGO TRONG VIỄN TƯỢNG GIAO LƯU VĂN HÓA.
Trong tập ký ức đánh máy (11) nhan đề "Đời của tôi về văn nghệ", Hồ Biểu Chánh đã viết: "Tôi biên dưới đây mấy bộ tiểu thuyết của tôi viết ra bởi cảm tác phẩm nào của Pháp":

- Chúa tàu Kim Quy Le comte de Monte Cristo (Dumas)
- Cay đắng mùi đời Sans famille (H. Malot)
- Chút phận lênh đênh En famille
- Thầy thông ngôn Les amours d'Estève (Theurist)
- Ngọn cỏ gió đùa Les misérables (V. Hugo)
- Kẻ làm người chịu Les deux gosses (Decourselle)
- Vì nghĩa vì tình Fanfanet claudinet
- Cha con nghĩa nặng Le calvaire
- Ở theo thời Topase (Maecel Pagnol)
- Ông cử l'Aristo
- Đóa hoa tàn Le Rosaire
- Người thất chí Crime et châtiment

Toàn bộ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh gồm 64 cuốn, có 12 cuốn cảm tác theo tiểu thuyết phương Tây (11 cuốn của tác giả Pháp, một cuốn của Dostoiewki). Chính Hồ Biểu Chánh đã nói ra việc cảm đề và cách ông phóng tác trong tập ký nói lời trên "Đọc tiểu thuyết hay tuồng hát Pháp văn hễ tôi cảm thì tôi lấy chỗ tôi cảm đó mà làm đề, rồi phỏng theo ít nhiều hoặc tách riêng ra mà sáng tác một tác phẩm hoàn toàn Việt Nam. Tuy tôi nói phỏng theo song kỳ thiệt tôi lấy đại ý mà thôi, mà có khi tôi lật ngược tới đại ý, làm cho cốt truyện trái hẳn tâm lý khác xa với truyện Pháp". Có những nhà văn, nhà thơ khác vay mượn, mô phỏng tác phẩm nước ngoài (Trung Quốc, Pháp...) không phải chỉ về nội dung, tư tưởng mà cả hình ảnh, lời văn, nhưng không chịu thú nhận vì lương thiện trí thức, một điều rất thường xảy ra ngay giữa các nhà văn, nhà thơ lớn.
Nhìn những tác phẩm mô phỏng lẫn nhau trong viễn tượng giao lưu văn hóa có thể phân biệt ba hình thức mô phỏng.

1. Dịch: cố gắng tôn trọng nguyên tác về nội dung và hình thức diễn tả, đồng thời làm sao thích nghi nguyên tác với lối diễn tả của dân tộc, đặc biệt trong những kiểu nói đã được đúc kết, rút gọn thành tục ngữ, thành ngữ.

2. Phỏng dịch: Tôn trọng nội dung câu chuyện (cốt chuyện, ý chuyện) tên, tâm lý nhân vật, nhưng có thể thêm bớt về chi tiết hoặc thay đổi lối diễn tả, kiểu nói cho phù hợp với văn hóa của mình. Ở đây có thể nêu trường hợp Truyện Kiều.
- Truyện Kiều phải chăng là một phỏng dịch? Ông Tôn Quang Phiệt trong bản thảo "Trách nhiệm và giá trị Nguyễn Du và truyện Kim Vân Kiều" (bản đánh máy Hanoi quãng 1962, 115 trang) đã chứng minh Truyện Kiều là một phỏng dịch bản chữ Hán, không phải Nguyễn Du đã sáng tác ra Truyện Kiều và ông rút ra những kết luận đánh giá lại con người Nguyễn Du, Truyện Kiều...

3. Phóng tác: Chỉ giữ cốt truyện hay một phần cốt truyện, còn câu chuyện, hoàn cảnh, tâm lý, tư tưởng, hành động của các nhân vật, lời văn, đều do tác giả sáng tác ra... Nhân đọc, nghe câu chuyện của người, nghĩ đến câu chuyện của mình. Hai câu chuyện khác nhau, với những tâm lý, tư tưởng nhân vật khác nhau. Chỉ giống nhau ở một điều: cái ý truyện hoặc cái cốt truyện... Như vậy, có giao lưu qua lại, mà mỗi bên đều vẫn giữ được bản sắc riêng của mình. Phóng tác đạt tới chỗ tài tình khéo léo nếu người đọc không thể nhận ra việc cảm tác vì tất cả câu chuyện, tâm lý, tư tưởng nhân vật đều có vẻ thuần túy dân tộc.
Ngay cả sau khi đã đọc tác phẩm nước ngoài được cảm tác, trở lại đọc tác phẩm cũng vẫn chỉ bị ám ảnh, thu hút, xúc động vì chính tác phẩm cảm tác mà thôi... Đó là trường hợp Hồ Biểu Chánh phóng tác và đọc Hồ Biểu Chánh (12).
Chúng tôi chọn ba cuốn phóng tác vào thời kỳ đầu viết văn của Hồ Biểu Chánh, thành công nổi tiếng hơn cả "Chúa tàu Kim Quy" (1922), cảm tác Le Comte de Monte Cristo của A. Dumas, "Cay đắng mùi đời" (1923) cảm tác Sans famille của H. Malot và "Ngọn cỏ gió đùa" (1926) cảm tác Les Misérables của Victor Hugo để thực hiện một công trình nghiên cứu đối chiếu trong viễn tượng giao lưu văn hóa Pháp và Việt Nam.


ĐỐI CHIẾU HAI TRUYỆN "LES COMTE DE MONTE DRISTO CỦA A. DUMAS và "CHÚA TÀU KIM QUY" của HỒ BIỂU CHÁNH

1. Mượn cốt truyện:
Chúng tôi thấy Hồ Biểu Chánh chỉ mượn Dumas cốt truyện gồm một vài nhân vật chính, một số sự việc tiêu biểu, lược bỏ nhiều nhân vật phụ, đơn giản hóa câu chuyện kết cấu phức tạp ly kỳ của Dumas và nhất là gán cho những nhân vật sự việc được giữ lại tính cách, hoàn toàn Việt Nam. Cốt truyện là một người thường làm ăn lương thiện bị vu oan đưa ra tòa bị kết án tù lâu năm. Ở ngoài gia đình người thân lần lượt chết hoặc đi lấy chồng khác. Trong thời gian ở tù gặp vị cứu tinh, một bạn tù không hy vọng ra khỏi tù dạy dỗ kiến thức trối lại một kho tàng của cải chôn dấu ở một đảo có địa đồ chỉ dẫn. Người tù vượt ngục tìm được kho tàng và dùng tiền bạc đó để đền ơn những người giúp đỡ mình, gia đình mình trong cơn hoạn nạn và báo oán bằng nhiều cách như đưa ra tòa hoặc đích thân trừng trị những kẻ làm hại mình.

2. Cách phóng tác dựng lại câu chuyện:
- Nhân vật chính, nạn nhân. Trong truyện của Dumas đó là một thủy thủ được chủ tàu yêu quý có triển vọng được chọn làm thuyền trưởng bị vu khống vì lý do chính trị, động cơ vu khống "ghen tị về nghề nghiệp và tình yêu". Đang muốn tranh chức thuyền trưởng của Dantès. Fernand muốn tranh Mercedes người yêu của Dantès. Quan tòa kết án rất nặng không phải vì tham nhũng hối lộ mà vì quyền lợi gia đình, viễn tượng thăng tiến chính trị của cá nhân. Hậu quả cha chết vì nghèo, người yêu lấy tình địch và đồng nghiệp giành được chức vụ thuyền trưởng.
Trong CHÚA TÀU KIM QUY nhân vật chính là một nông dân thật thà nghèo khổ bị vu cáo về lý do tôn giáo để trả thù một vụ bị đánh trọng thương vì hãm hiếp em gái nạn nhân. Quan tòa kết tội nặng vì ăn hối lộ, hậu quả bố mẹ, em gái đều chết vì nghèo, người yêu ở vậy chờ đợi.

- Gặp vị cứu tinh.
Dumas: Một linh mục là một nhà bác học dạy Dantès những kiến thức về sinh ngữ khoa học giải thích cho Dantès tại sao bị vu oan xử nặng nhận diện các kẻ thù, biến đổi con người ngây thơ thẳng thắn bi quan thành con người quyết tâm gan dạ thâm trầm sâu sắc trong ý chí báo thù. Trối lại địa đồ chỉ dẫn kho vàng.
Hồ Biểu Chánh: một người lái buôn gốc Tàu chỉ dạy tiếng Quảng Đông cho qua ngày và trối lại địa đồ chỉ dấu vàng bạc. Thủ Nghĩa không nhận diện được những người hại mình và chỉ mới nghi ngờ Trần Tấn Thân mà thôi.

- Cách thoát ngục:
Dumas: một thủ đoạn ly kỳ vị cứu tinh giúp nạn nhân được giải thoát bằng chính cái chết của mình. Dantès tráo xác của vị linh mục để được đưa ra khỏi nhà tù và bị ném xuống biển nhờ bơi lội giỏi mà thoát.
Hồ Biểu Chánh: Cái rủi đưa đến cái may trại giam cháy, Thủ Nghĩa trốn thoát.

- Chuẩn bị hành động đền ơn báo oán:
Dumas: một chuẩn bị dàn cảnh phức tạp nhưng rất chu đáo. Mọi việc đều được tính toán sắp xếp từng chi tiết kỹ lưỡng ăn khớp với nhau để khi xảy ra đúng như ý muốn và luôn luôn giữ được tư thế chủ động. Điều tra nắm vững tình hình ân nhân kẻ thù, thu dụng những phụ tá gia nhân tin cậy bằng tiền bạc và ân nghĩa: Haydée, Bertuccio, Luigi, Vampa, Aly, tạo những quan hệ quen biết thân tình dựa trên cảm phục hoặc ân nghĩa đặc biệt trong đám trẻ con gái của các kẻ thù và bạn bè của chúng. Ngụy trang: Dantès giả làm bá tước đồng thời cùng một lúc, một hoàn cảnh có thể giả làm một hai nhân vật khác; linh mục Busini, Huân tước Wilmore, hoặc thuê người đóng những nhân vật ngụy trang hai cha con Đại tá Galvalcanti.

Hồ Biểu Chánh: Việc chuẩn bị thật đơn giản, chỉ dùng tiền ân nghĩa thu dụng một vài người phụ tá: Trần Hùng, Thu Thủy, Cam, Quýt và tất cả đều đóng vai giả làm người Quảng Đông. Không có chuẩn bị dàn cảnh bằng cách tạo những quan hệ quen biết như Dantès đã làm và dùng những người này làm nhân vật, thực hiện ý đồ vạch mặt tố cáo kết án những kẻ thù. Truyện của Dumas hấp dẫn ly kỳ vì cái khâu này mà chúng tôi sẽ nói tại sao Hồ Biểu Chánh không thể bắt chước Dumas được.

- Đền ơn:
Dumas: Trả ơn chủ tàu đã lo cho Dantès gia đình lúc bị hoạn nạn, Dantès đợi lúc chủ tàu ở vào tình thế tuyệt vọng sắp tự sát thì bị phá sản để bảo vệ danh dự gia đình mới cứu nguy nhưng không ra mặt làm cho con cái Morel thắc mắc hoài đến cuối truyện mới biết ai là ân nhân cứu sống cha rồi sau cứu sống con trai đại úy Maximilien bằng cách cứu sống người yêu của anh, bị cha mẹ ép gả cho người khác rồi lại bị mẹ kế đầu độc. Dantès chỉ ra mặt nhận là ân nhân khi Maximillien định tự sát vì tuyệt vọng.
Hồ Biểu Chánh: Trả ơn Kỉnh Chi, em rể đã phải bán cửa nhà để lo cho gia đình vợ, cho vợ Thủ Nghĩa cũng dấu mặt để Trần Mừng Cam Quýt đi thăm dò và nhờ Thu Thủy giả dạng người buôn vặt làm quen đề nghị ở nhờ kết hôn với Kỉnh Chi xây nhà mới cho Kỉnh Chi, rồi mới ra mặt. Điều đáng lưu ý ở đây là cách xử sự tế nhị của Thủ Nghĩa về mặt giải quyết khó khăn vật chất và cách dùng ân nghĩa để tạo hôn nhân. Thu Thủy lấy Kỉnh Chi để tỏ lòng biết ơn Thủ Nghĩa và Thủ Nghĩa tạo hôn nhân cho Kỉnh Chi để tỏ lòng biết ơn Kỉnh Chi. Mối tình vị ân nghĩa này do Thủ Nghĩa chủ động tạo ra không giống mối tình Maximilien Valentine do hai người tạo ra và Dantès chỉ biết bảo vệ.

- Báo oán:
Dumas: Có ba kẻ thù chính hiện nay đều giàu có thuộc hàng quý tộc, chủ nhà băng hoặc quyền thế làm chưởng lý và quen biết nhau. Không phải cứ để tự nhiên trời phạt họ, nhưng trời dùng bàn tay của Dantès thực hiện sự trừng phạt bằng cách Dantès chủ động tạo ra sắp xếp các sự việc thủ đoạn đưa họ vào bẫy, khai thác những mâu thuẫn tiềm ẩn giữa họ khiêu khích họ bắt họ phải phản ứng và sử dụng chính con cái hay bạn bè của con cái họ, vạch mặt tố cáo và kết án họ, còn chính mình vẫn đứng trong bóng tối giật dây chỉ xuất hiện vào lúc kết thúc như giáng một đòn cuối cùng vào kẻ thù trước khi chết hay sống dở chết dở (hóa điên dại).
Kẻ thù nhẹ hơn cả Danglard chỉ xúi bẩy kẻ khác làm tội ác để tranh chức chủ tàu. Dantès làm cho mất danh dự và sạt nghiệp. Dùng tiền mua ngựa quý của bà Danglard rồi lại trả tăng thêm kim cương để làm quen và gây cảm phục cho tiền người đánh điện báo đưa tin thất thiệt làm cho Danglard sạt nghiệp. Lúc định quỵt tiền bỏ trốn bố trí tên cướp lột hết số tiền mang đi nhưng tha chết cho Danglard. Fernand người vu cáo và người đoạt người yêu là kẻ thù nặng tội hơn cả. Dantès tạo ra vụ cướp bắt cóc con trai Fernand và giải thoát để Alberd chịu ân nghĩa và đưa Dantès vào giới quí tộc Paris giới thiệu với cha mẹ như ân nhân của gia đình. Tạo dịp cho Haydée nhận diện Fernand trong một buổi diễn kịch. Xúi Banglard biên thư sang Hy Lạp hỏi về thời kỳ Farnand ở bên đó vì mục đích làm ăn thôi. Châm ngòi nổ bằng cách cho đăng bài báo nói về đại tá Fernand ở Hy Lạp, sắp xếp vụ đi chơi ngoài bãi biển Normandie để khỏi bị nghi ngờ trong lúc vụ xì căng đan nổ ra đưa đến cuộc điều tra ở Nghị viện. Bố trí Haydée làm nhân chứng trong cuộc điều trần. Tạo mâu thuẫn đố kỵ giữa gia đình Danglard và Morcerf, tạo mâu thuẫn giữa mẹ con và bố Dantès, tiết lộ cho Mercèdes người yêu cũ biết Fernand chính là người đã viết đơn tố cáo khi Mercèdes đến xin đừng giết Alberd trong cuộc đấu súng. Mercèdes tiết lộ cho Alberd biết sự thực đưa đến việc Alberd xin lỗi Dantès hủy cuộc đấu súng và hai mẹ con từ bỏ Fernand. Fernand mất hết danh giá, mất vợ con tuyệt vọng tự tử sau khi giết người trả thù mình là Dantès.

Villeford chưởng lý, người vì quyền lợi gia đình vì mục đích tiến thân đã kết án tù chung thân Dantès. Tác giả đã chuẩn bị dàn cảnh vụ trả thù Villeford phức tạp hơn cả "Thuê căn nhà khu Autemil, nơi kẻ thù đại diện cho công lý đã phạm hai tội ngoại tình và giết hài nhi. Dùng lại quản gia của chủ cũ, căn nhà kể trên là người đã chứng kiến những tội ác của Chưởng lý cũng có mối thù đối với Chưởng lý đã muốn giết Chưởng lý mà chưa thành công và sau cùng nắm giữ nhân chứng chủ chốt đứa con hoang của Chưởng lý và Danglard phu nhân. Ngụy tạo hai nhân vật cha con đại tá Cavalcenti để sử dụng Benedetto. Thủ đoạn mở đầu việc trả thù là tổ chức bữa tiệc ở căn nhà Auteutil để bắt những kẻ thù bắt đầu lo sợ tìm cách đối phó và vẫn vô hiệu, và để Bertucio quản gia nhận diện Villeford, Danglard phu nhân, Beedetto...

Tiếp theo, tấn công thẳng vào gia đình Villefort "nhân vụ hứa hôn của Valentine, tìm cách trình bày những vụ đầu độc, mẹ, vợ cả, quản gia Noirtier, Valentine... để Villefort buộc vợ phải tự xử " hoặc tự tử hoặc bị đưa ra tòa xét xử. Sau cùng tấn công vào chính Villefort "bố trí một vụ án trộm tại nhà để Caderrousse bị giết và Benedetto bị bắt, sau đó sai quản gia đến nhà giam cho hắn biết sẽ được cứu bằng cách chỉ cho hắn rõ bố hắn là ai.
Trước tòa, cha xử con nhưng rồi chính con, phạm nhân lại tố cáo cha là phạm nhân và mình chỉ là nạn nhân. Villeford mất hết danh tiếng, mất cả vợ con và trở thành điên dại khi nhận diện được người chủ động gây ra tai họa cho biết mình là ai.

Hồ Biểu Chánh: Khi ở tù ra, Thủ Nghĩa chỉ chắc có người hại mình, nghi ngờ một người nhưng chưa rõ là ai hại mình. Chỉ sau khi cho Trần Mùng đi điều tra, gặp hai tên Cam Quýt mới nhận diện được hai kẻ thù: Trần Tấn Thân và quan huyện Thủ Nghĩa không dự tính mưu mô gì phức tạp rắc rối, vì chỉ nghĩ đến một cách trả thù duy nhất: nhờ tòa án xử và trừng trị, và vì không thể đưa vụ mình bị vu oan ra xử vì mình là kẻ vượt ngục nên cũng giống như Dantès, phải mượn một vụ vu oan lường gạt người khác. Thủ Nghĩa xúi Trần Mùng làm đơn kiện Trần Tấn Thân vì tội lường gạt cưỡng đoạt 140 nén bạc và vu oan cho hai tên Cam Quýt. Thủ Nghĩa chỉ chuẩn bị một việc: lễ tết các quan đến làm quen, gây cảm tình hay tặng tiền cứu đói để có uy tín, được dư luận kính nể. Trước tòa, Trần Tấn Thân bị kết án vì không thể phủ nhận những nhân chứng: Cam Quýt, đội Sum. Nhưng ngoài vụ lường gạt Trần Mùng ra, Tấn Thân không bị truy tố về vụ vu oan Thủ Nghĩa, nên cũng không biết chính Thủ Nghĩa đã sắp xếp đưa ra vụ Trần Mừng kiện.
Quan huyện là kẻ đồng lõa, nhưng Thủ Nghĩa động lòng trắc ẩn không muốn trả thù nên chỉ yêu cầu làm phúc bẩm hủy vụ án vu oan xưa kia, thì sẽ được Thủ Nghĩa xin cho khoan hồng. Sau khi triều đình hủy án cũ, Thủ Nghĩa xuất hiện công khai với con người thực của mình trước dư luận. Đó là điểm xử sự khác với Dantès: không trả thù quan huyện đưa toàn bộ sự việc ra ánh sáng, trong khi mọi việc Dantès toan tính thực hiện vẫn ở trong bóng tối, chỉ có những kẻ thù trước khi chết hoặc bị mất trí được biết mà thôi.
Những khác biệt về cách xử sự của Dantès và Thủ Nghĩa, hai nhân vật chính xuất phát từ những khắc nghiệt về chủ đề tư tưởng và tâm lý:

1. Chủ đề tư tưởng:
Dantès lúc ở trong tù sau khi gặp linh mục Faria đã biến đổi thành con người hận thù, quyết tâm tiêu diệt những kẻ thù mà anh đã nhận diện được. Đó là tư tưởng phục thù theo tinh thần "răng đền răng, mắt đền mắt" của Cựu Ước hay theo truyền thống "Vendetta" của người đảo Corse. Một phục thù không khoan nhượng, không chút thương hại như thể do ý trời ủy nhiệm sai khiến. Sau khi ra khỏi tù và biết được ba kẻ thù chính hiện nay đều giàu sang có quyền hành chức tước, Dantès quyết làm cho họ sạt nghiệp, mất hết danh giá chức tước, gia đình tan nát và cuối cùng phải chết hoặc trở thành điên dại. Không hề thấy Dantès có lúc nào tỏ ra lưỡng lự, động lòng trắc ẩn hoặc nghĩ tới tha thứ theo tinh thần bác ái, Kitô giáo. Trừ một lần tha chết cho Alberd theo lời xin của Mercèdes, tình nhân cũ, nhưng bằng cách dọa sẽ để cho Alberd bắn chết, vả lại Alberd không phải kẻ thù, chỉ là con của kẻ thù, một thanh niên có chí khí thẳng thắn, nên Dantès không muốn giết, nhất là cuộc đấu súng lại do Alberd đề nghị bắt buộc chàng mà thôi. Trái lại Thủ Nghĩa lúc ở trong tù tình cảm trội bật không phải là ý chí báo thù mà là nỗi buồn lo lắng cho số phận cha mẹ em gái. Có lúc nghĩ đến Trần Tấn Thân nghi cho hắn hại mình, muốn báo thù, nhưng tình cảm hiếu đế vẫn lấn áp ý chí báo thù. Người Tàu đồng cảnh ngộ khi nghe chuyện của Thủ Nghĩa không giác ngộ anh, giáo hóa anh như linh mục Farta đã làm đối với Dantès, chỉ chia xẻ nỗi buồn của anh mà thôi. Cho nên nhà tù và hận thù không biến đổi bản chất của Nghĩa vốn là một người nhân hậu trọng nhân nghĩa, lúc nào cũng nặng lòng trắc ẩn trước những đau khổ của người khác, nhất là của những người thân yêu máu mủ. Và cũng dễ động lòng trắc ẩn trước những sa cơ thất thế của kẻ thù biết ăn năn như Thủ Nghĩa đã nói với quan huyện "Ý định muốn trả thù làm cho cả hai Trần Tấn Thân và quan huyện bị lưu đày như mình mới vừa lòng. Chẳng dè nay tôi thấy ông sợ sệt quá trong lúc tôi bất nhân. Thôi bây giờ tôi biết ông ăn năn rồi tôi cũng không muốn hại ông làm gì". Lúc ra khỏi tù mối hận tâm chính của Thủ Nghĩa là đi tìm cha mẹ anh rể em gái, tỏ ra buồn sầu khóc lóc vì bây giờ dù có tiền của đấy cũng không làm sao cho cha mẹ anh em hưởng được. Phần thứ hai cuốn truyện nhan đề ĐỀN ƠN BÁO OÁN. Người đọc có cảm tưởng tác giả chú trọng nhiều vào đền ơn hơn báo oán, khác với cảm tưởng đọc truyện của Dumas. Dĩ nhiên Thủ Nghĩa cũng báo oán nhưng không triệt để quyết liệt và chỉ có mức độ. Thủ Nghĩa chỉ trừng trị một mình Trần Tấn Thân bằng một cái án nhẹ vì Tấn Thân không bị giết mà chỉ chết bệnh trong tù thôi và tha thứ cho quan huyện vì đã tỏ ra hối cải. Hồ Biểu Chánh có cái nhìn rộng lượng đối với các quan được mô tả trong truyện. Chỉ có mình quan huyện nhận hối lộ còn các ông khác đều thanh liêm chính trực. Tóm lại tư tưởng chủ đề trội bật của Hồ Biểu Chánh là nhơn nghĩa đối với kẻ thù hơn là phục thù. Còn đối với người thân thì là ân nghĩa và tình nghĩa. Thủ Nghĩa đề nghị Thu Thủy lấy Kỉnh Chi để tỏ lòng biết ơn Kỉnh Chi. Thu Thủy vui lòng nhận ngay không cần biết mặt Kỉnh Chi để tỏ lòng biết ơn Thủ Nghĩa. Và do đó ân nghĩa quy định hôn nhân đưa đến tình yêu. Hồ Biểu Chánh cũng giới thiệu một cô Tu Chuyên ở vậy 11 năm chờ đợi người chồng chưa cưới không như Mercèdes tưởng Dantès đã chết kết hôn ngay với người bạn của người yêu. Thủ tiết coi nghĩa trọng hơn tình nhưng phải chăng cái tình do cái nghĩa mới đích thực và bền vững? Người Âu Châu có lẽ khó hiểu và khó chấp nhận những lối xử sự của Thủ Nghĩa, Thu Thủy, Tu Chuyên.

b. Tâm lý:
Chúng tôi đề nghị mượn một phân biệt của tính tình khoa để xác định tâm lý của hai nhân vật chính của Dumas và Hồ Biểu Chánh. Dantès tiêu biểu cho hạng người nhị đẳng tính còn Thủ Nghĩa sơ đẳng tính (13). Dantès buồn vui xúc động, căm thù rất mãnh liệt nhưng lại kiềm chế được không bao giờ để cho những tình cảm đó bộc lộ bằng cử chỉ nét mặt lời nói trước kẻ thù và ngay trước cả người quen thân. Do đó không ai hay biết gì về những toan tính sắp xếp của chàng. Những toan tính sắp xếp này chính là cách biểu lộ tình cảm đền ơn báo oán nhưng không phải trực tiếp trực diện ngay tức khắc mà là về sau có khi rất lâu về sau một cách gián tiếp qua trung gian những sự việc người khác mà người ngoài hoặc chính đối tượng không thể ngờ được. Chỉ người có tính gọi là phản ứng chậm không tức khắc mới có thể bình tĩnh thâm trầm chủ động bố trí gài bẫy đưa người khác vào tròng không thể tránh khỏi vì có cân nhắc kỹ lưỡng chính xác. Chính tâm lý này cho người đọc hiểu được tại sao Dantès có thể chủ động tạo ra những sự việc không có hoặc sử dụng sắp xếp những sự việc sẵn có để phục vụ những mục tiêu đề ra. Nói cách khác tâm lý nhị đẳng tính quy định kỹ thuật dàn cảnh và giật dây trong bóng tối của Dantès.


Trái lại Thủ Nghĩa là người tình cảm bộc trực có gì trong lòng phải để lộ ra bên ngoài, không thể giữ kín và phải bộc lộ ngay tức khắc. Hơn nữa Thủ Nghĩa còn là một người nhân hậu rộng lượng giàu lòng trắc ẩn nên không thể lạnh lùng bình tĩnh mà tính toán những gì sâu sắc lâu dài. Trừ lần nghe Cam Quýt kể ra cảnh bố mẹ em gái em rể lúc mình bị bắt "Tuy lòng giận buồn song ngoài mặt vẫn làm vui như thường". Còn tất cả các lần sau đó Thủ Nghĩa đều không thể giấu nổi những lo âu buồn phiền, nhất là trước mặt người thân như Thu Thủy. "Nào là đêm nằm thao thức không ngủ thở dài, ban ngày thiểu não, ăn chẳng ngon, đôi lúc còn khóc nữa làm cho Thu Thủy buồn lây năn nỉ đòi chia sẻ. Một người không thể che giấu tình cảm ý nghĩ của mình thì không thể mưu mô gì được, hay không phải là con người thủ đoạn theo nghĩa tốt hay xấu. Vì thế Thủ Nghĩa không thể chủ động tính toán dàn cảnh tạo ra những sự việc tình huống phức tạp để gài bẫy đưa người khác vào tròng. Thủ Nghĩa chỉ có thể bằng lòng với cái tối thiểu cần thiết: nhờ tòa án xét xử và thụ động ngồi chờ các sự việc có sẵn diễn ra theo một trật tự hợp lý của sự việc chứ không phải theo ý mình muốn. Thủ Nghĩa chỉ làm một việc "Mua đồ lễ biếu các quan và tin vào sự thanh liêm của các quan xử kiện. Vì thái độ thụ động của Thủ Nghĩa, không chủ động dàn cảnh, đứng trong bóng tối giật dây, nên người đọc có thể đoán trước diễn tiến các sự việc sắp xảy ra. Trái lại đọc Dumas, người đọc luôn luôn hồi hộp bị đặt trước những cái bất ngờ xảy ra nghẹt thở trước những cảnh gây hấn không thể đoán trước đó, và vì vậy câu chuyện kể thật hấp dẫn lý thú.
Đọc Hồ Biểu Chánh không thấy bị ám ảnh lôi cuốn vì tò mò thắc mắc, không biết sự việc được sắp xếp như thế nào sẽ xảy ra cái gì, mà chỉ bị xúc động bởi những tình cảm nhân nghĩa nhân hậu của các nhân vật chính mà thôi (14).




ĐỐI CHIẾU TRUYỆN "VÔ GIA ĐÌNH" của H. MALOT và "CAY ĐẮNG MÙI ĐỜI" của HỒ BIỂU CHÁNH

Truyện VÔ GIA ĐÌNH
Có thể coi VÔ GIA ĐÌNH là một truyện cổ tích thích nghi với khung cảnh xã hội hiện đại thời kỳ đầu kỹ nghệ công nghiệp (có đường xe lửa, tàu chạy bằng hơi nước, phu thợ hầm mỏ...). Gọi là "cổ tích" vì cấu trúc cuốn truyện tương tự cấu trúc của một truyện cổ tích trên thế giới, lúc đầu sum họp vì một lý do nào đó - phân ly - chịu các thử thách - sau cùng đoàn tụ. Phân ly là chính, dài hơn cả của câu chuyện kể. Trên đường phiêu lưu, gặp nhiều thử thách, khó khăn nhưng rồi cũng vượt qua được tất cả nhờ có nhiều người tốt (cứu tinh) giúp đỡ hơn người xấu làm hại. Người tốt: mẹ nuôi Barberin, thầy Vitalis, chủ gánh hát tí hon, luật sư, quan tòa, Mattia người bạn, gia đình ông bà Arquin và các con, Bob và gia đình, mẹ ruột và anh ruột Miligan, Arthur. Người xấu: chồng bà Barberin, ông chú James Miligan, vợ chồng Driscoll.
Truyện cổ tích nào cũng thường có hậu: phân ly rồi đoàn tụ những nạn nhân, kẻ lành được sung sướng, những phạm nhân, người xấu bị phạt.
Rémi được xum họp với mẹ, em ruột; ngoài ra các thanh thiếu niên đã quen biết nhau quí mến nhau trên con đường phân ly thử thách cũng kết hợp thành hôn với nhau (Rémi - Liss; Arthur - Cristina. Và sau cùng mẹ nuôi đến ở chung với mẹ ruột: Barberin sang Anh ở với bà Miligan. Trái lại những kẻ gây tội ác bị trừng trị: ông chú James Miligan bị phá sản; gia đình Driscoll gặp tai biến: bà Driscoll chết vì phỏng nặng, hai đứa con trai bị kết án tù chung thân như cha chúng.
Câu chuyện viết chủ yếu cho thiếu niên đọc như chính tác giả đã bày tỏ trong lời nói đầu tặng con gái "Luôn nghĩ đến con, con gái của tôi (Lucie) khi tôi viết cuốn sách này. Luice có thấy thế không? Cô sẽ lấy làm thích thú mà đọc không?". Cuốn truyện được Hàn lâm viện Pháp khen thưởng, được chính thức lưu hành trong các trường học, thường được xuất bản trong tủ sách "tuổi trẻ" (15) và được coi như một thứ tiểu thuyết giáo dục nhi đồng, thiếu niên. Do đó, thật dễ hiểu khi thấy nó có những đặc điểm sau đây:


- Các nhân vật chính là thanh thiếu niên: Rémi, Mattia, Bob, bạn của Mattia, Bengamin Alexos, Lise, Etiennette, các con của Acquin, người làm vườn đã cứu sống, chăm sóc Rémi... Arthur anh ruột Rémi, và mấy con thú dễ thương trong gánh xiếc tí hon của ông già Vitalis...

- Tính cách phiêu lưu, Rémi và Mattia đi hầu như khắp nơi trên đất Pháp và một phần trên đất Anh, Thụy Sĩ. Câu chuyện gồm nhiều mô tả phong cảnh như thể trình bày một bài học linh động và địa lý khá hấp dẫn.

- Tính cách nhẹ nhàng - lạc quan - hy vọng tích cực... Dĩ nhiên có những thử thách nhưng rồi cũng vượt qua được tất cả. Không có trường hợp nào là bi thảm, không có hoàn cảnh nào là tuyệt vọng; không có những suy nghĩ, đối thoại lý luận về ý nghĩa cuộc đời, về thế thái nhân tình... Những hành động xấu tội ác chỉ được nhắc đến như một âm mưu hoặc được mô tả phớt qua, trái lại nhấn mạnh vào những hành động thiện chí, tương thân, hy sinh tận tụy hết lòng vì người khác, vì bạn... Chủ đề nổi bật được nói đến nhiều hơn cả có lẽ là tình liên đới nhân loại, tình bạn của tuổi trẻ... được diễn tả bằng những cử chỉ hành động, không phải bằng lời nói... Cuối cùng không thấy ngụ ý hay trình bày trực tiếp một vấn đề tư tưởng triết học nào...
Tác giả viết theo lối tự thuật. Rémi, nhân vật chính kể lại cuộc đời mình: "Tôi là một đứa trẻ lạc loài từ thuở sơ sinh, được một người chồng mua về cho vợ nuôi. Nhưng mãi đến năm lên 8, tôi vẫn tưởng bà ấy là mẹ ruột tôi, vì lần nào tôi khóc bà ấy cũng đến ôm tôi vào lòng dỗ dành sao cho tôi nín" (bản lược dịch của Vũ Thành Nhơn).


CAY ĐẮNG MÙI ĐỜI

Hồ Biểu Chánh chỉ lấy cốt truyện của H. Malot: giữ một số nét chính và đôi khi cả chi tiết của những nét chính được giữ lại, bỏ một số nét chính khác, thêm bớt một số nhân vật, đặt câu chuyện vào khung cảnh hoàn toàn Việt Nam với những chủ đề tư tưởng và ý tưởng, mục đích lối viết khác hẳn.

Cốt chuyện và nhân vật được giữ lại:
Một trẻ sơ sinh bị chính những người thân thuộc đánh cắp, bỏ rơi vì muốn chiếm đoạt gia tài của cha mẹ nó sau này, được một đôi vợ chồng đem về nuôi, rồi người chồng bán lại cho một ông thầy hát dạo, tình cờ gặp được mẹ và anh ruột mà không biết trên đường phiêu lưu. Sau một thời gian tìm kiếm nhau, mẹ con mới được đoàn tụ...

Nhiều nét chính được giữ cả chi tiết như đoạn hai đứa trẻ về thăm mẹ nuôi, có ý kiến dùng tiền kiếm được nhờ hát đờn dạo, mua con bò (Malot), con heo (HBC) để làm quà tặng mẹ nuôi, đền bù con bò, con heo, ông chồng bà mẹ nuôi đã bán, lúc dắt về con vật xổng tay, chạy mất, bị bắt giam vì bị tình nghi ăn cắp, sau được tha và được cấp giấy biên nhận hẳn hoi v.v...
Nhưng có nhiều đoạn chính Hồ Biểu Chánh bỏ qua luôn như đang trên đường về quê thăm mẹ nuôi, Remi tạm trú ở khu mỏ than, quen biết gia đình Acquin và các bạn: Bengamin Alexis, Lise, Etiennette... Malot đã để nhiều trang mô tả cảnh mỏ than bị lụt nước, Remi và những thợ mỏ khác bị kẹt nhiều ngày trong hầm, sống chiến đấu hy vọng thế nào và bản thân Remi, Mattis và gia đình Gaspard ở trên mặt đất lo lắng, trông đợi làm sao...

Những nhân vật được giữ lại:
Barberin: Ba Thời
Chồng Barberin Trần Văn Hữu
Rémi Thằng Được
Vitalis Thầy Đằng
Mme Miligan Bà Hội đồng Phan Thanh Nhàn
Arthur Phan Thanh Phong
Ông chú James Miligan Phan Đức Lợi
Mattia Thằng Bỉ
Driscoll Gia đình ở Khánh Hội

Bỏ: Gaspard, gia đình Acquin và các con: Benjamin, Alexis, Lise, Etionnette, Bov và gia đình, Espinasses, ông thầy âm nhạc nổi tiếng làm nghề cạo râu... Carofodi, cha của Mattia, bầy thú vật?

Đặt câu chuyện vào khung cảnh Việt Nam:
Đọc CAY ĐẮNG MÙI ĐỜI, chúng tôi thấy ngụ ý của tác giả và phong cách của tác phẩm khác hẳn ngụ ý của E. Malot và truyện VÔ GIA ĐÌNH của ông. Điểm khác biệt này đã được Đặng Thúc Liêng, nhà văn đương thời ghi nhận trong truyện "Cay đắng mùi đời bình nghị" được in trang đầu như lời giới thiệu của truyện. Ông Hồ Biểu Chánh bởi có cùng trải việc đời, nên mới làm ra cuốn tiểu thuyết CAY ĐẮNG MÙI ĐỜI cho nên đọc CAY ĐẮNG MÙI ĐỜI đã khiến cho người xót nước mắt đau lòng... Cái văn chương CAY ĐẮNG MÙI ĐỜI làm chi lại thêm mùi cay đắng muôn phần; tạo hóa có như vậy chăng? Cuốn truyện không phải chỉ mô tả, phản ánh những cảnh đời tục lụy cay đắng làm rơi nước mắt mà còn đưa ra những suy nghĩ, lý luận làm cơ sở cho những lựa chọn thái độ sống... Do đó cuốn truyện không chỉ dành cho thanh thiếu niên mà cả cho người lớn đọc để suy nghĩ từ những suy nghĩ của tác giả... và không thể không suy nghĩ, rồi cũng phải tự quyết định lấy một thái độ cho chính mình.
Chúng tôi cho rằng chính vì có ý hướng viết như trên, nên Hồ Biểu Chánh không thể bắt chước H. Malot dùng lối tự thuật để kể chuyện về một đứa trẻ, một thanh thiếu niên dù có trải qua nhiều kinh nghiệm đời cay đắng, chưa thể có những suy nghĩ sâu sắc, thâm trầm. Do đó chính tác giả phải kể chuyện theo lối thứ ba, mượn những cảnh cay đắng của tuổi trẻ mà tả những cảnh cay đắng khác của người lớn, đề cao một vài lý tưởng về tình nghĩa, đạo lý, nêu lên một đề tài mang tính chất triết lý xã hội... và cuối cùng bày tỏ rõ thái độ của mình với tư cách người viết chuyện... Dĩ nhiên, những cảnh đời, những lý tưởng về tình nghĩa, đạo lý ở đây thuộc xã hội Việt Nam, đạo lý truyền thống Việt Nam, nhưng đề tài triết lý xã hội tác giả đặt ra ở đoạn chót kết thúc câu chuyện tuy xuất phát từ trường hợp "Thằng Được" nhưng mang một tầm vóc phổ biến liên quan đến con người sống với con người trong xã hội nói chung, không riêng gì người một đất nước, dân tộc nào.

1. Mô tả những cảnh đời:
Đây là những cảnh đời phản ảnh những phong tục chế độ bất công phi nhân trong quan hệ nam nữ, như chế độ trọng nam khinh nữ (nam tôn nữ ti) chồng được phép lấy nhiều vợ (trai năm thê bảy thiếp) còn người vợ thì vẫn phải thủ tiết cùng chồng, chế độ vợ cả, vợ lẽ. Trong SANS FAMILLE giữa mẹ nuôi Barberin và ông chồng, không thấy có vấn đề gì về quan hệ vợ chồng, nhưng Ba Thời lại khác: bị tên Hữu bỏ nhà ra đi, rồi lấy vợ khác. "Chị nghe chồng bạc bẽo thì phiền não vô cùng, vào ra quạnh quẽ hết muốn làm ăn sớm tối thở than khó cầm giọt lụy... nhưng mà chị ta vẫn còn thương hoài, chẳng hề tính lấy chồng khác... tối nằm hằng đợi trông, thầm vái van cho chồng nghĩ bụng trở về, đặng cho cá nước sum vầy, dầu cực khổ cũng cam tâm mà chờ vận". Tên Hữu ở với vợ bé hơn chín năm, lúc trở về thấy Ba Thời nuôi thằng Được, lại ghen tương:
- Mấy năm nay mình đi làm ăn khá không?
- Sao lại không khá.
- Khá sao không về, bỏ tôi ở nhà cực khổ hết sức vậy?
- Về làm giống gì?
- Như mình đi tính không về, thà hồi đó dắt tôi đi theo, chớ sao lại bỏ tôi đi lưu dong ở nhà vậy?
- Mày ở nhà sướng bằng chết, còn ức nỗi gì?
- Mình đừng có nói vậy. Sướng giống gì. Tôi biết hết. Mình mắc dắt cho vợ bé bên Cần Đước đi với mình, nên không chịu dắt tôi đi chớ gì?
- Ừ tao dắt vợ bé đi đó, mày làm sao tao?
- Nói chuyện mà nghe vậy chớ ai làm sao mình được.
- Tao đi, mày ở nhà có được một đứa con, còn ức hiếp nỗi gì nữa mà nói.
Mình tưởng thằng nhỏ đó là con của tôi đẻ ra hay sao? Trời ơi, hèn chi hôm nay tôi nghe mình về trong Cầu Móng mà mình không chịu ra kiếm mà thăm tôi. Mình đừng có nghĩ như vậy mà tội nghiệp cho cái thân tôi. Vậy chớ hổm nay mình ở trong nhà chứ không có nói chuyện tôi xí được thằng nhỏ đó rồi tôi xin với ông Cò dặng tôi nuôi, lại cho mình nghe hay sao? Mình bỏ tôi mình đi hơn 9 năm nay, tuy mình bạc bẽo chớ chẳng hề khi nào tôi dám phụ cái lòng mình bao giờ. Nay mình về nếu mình nghĩ quấy như vậy thì là uổng công tôi chờ đợi bấy lâu nay lắm".
Ngoài ra tên Hữu không làm gì cả, ăn rồi ngủ, ngủ đã đời rồi đi dạo xóm; nhà có con gà con vịt nào cũng bắt vợ làm thịt uống rượu; sau cùng bán con heo quắn và thằng Được lấy tiền xài. "Ba Thời rán năn nỉ, nói chuyện phải quấy nhưng tên Hữu chẳng những không nghe, còn kiếm chuyện nói xái lại mình thì buồn trong lòng nên đứng dậy bỏ ra đi sau bếp ngồi mà khóc, chớ không dám nói chi nữa".

Hồ Biểu Chánh cũng tạo ra nhân vật Tô Thị Sanh, vợ lẽ của ông Hội đồng, nhưng lại không mô tả cảnh vợ cả vợ lẽ như vẫn thường thấy; trái lại ở đây chính vợ bé lại làm điều quấy, phạm tội ác. Điều đáng lưu ý trong các truyện của Hồ Biểu Chánh là ông không dùng những nhân vật điển hình: đàn ông nhất thiết khinh đàn bà, người giàu nhất thiết là xấu... nên những nhân vật của ông luôn luôn sống động và độc đáo. Ở đây chính vợ cả ông Hội đồng vì thấy vợ chồng ở với nhau không có con, và người chồng có sắc buồn khi nói chuyện tương lai, nên bà đi cưới cho ông vợ bé coi như con đẻ. Nhưng Thị Sảnh từ khi có con lại tự kiêu, xỉ vả vợ cả, và sau cùng thực hiện mục đích đánh cắp con bà cả để cho con mình hưởng gia tài của ông Hội đồng.
Tô Thị Sảnh ở đây cũng như vợ thầy Bằng không phải là người đàn bà như Ba Thời. Trái lại thầy Đằng cũng không phải là người đàn ông, người chồng như tên Hữu.

2. Đề cao một lý tưởng đạo lý:
Trong hầu hết các truyện của Hồ Biểu Chánh đều có nhân vật khí tiết tiêu biểu cho lý tưởng trọng nghĩa khinh tài, thấy điều bất bình thì ra tay can thiệp bất kể hậu quả ra sao cho mình sau này. Thầy Đằng là người không ham chức vị, tiền bạc, thà đi làm nghề đờn dạo còn hơn phải cầu cạnh để bảo vệ địa vị, chức tước... Đi đường, thấy người bị hành hung ức hiếp không ngần ngại can thiệp và do đó bị bắt giam, truy tố ra tòa, không những thầy muốn giữ cho mình là người khí tiết mà còn muốn dạy dỗ những đứa trẻ thầy nuôi (con Liên, thằng Được) biết làm người có khí tiết, nên thầy nhất định không thuận cho thằng Được theo bà Hội đồng, mặc dầu nhờ đó mà nó sẽ được giàu sang sung sướng, nhưng không chắc nó sẽ thành người biết trọng nghĩa khinh tài. Những lời thằng Được vái lạy và thề nguyền trước mộ thầy Đằng cho thấy thầy Đằng đã đạt ý nguyện và những tình cảm gắn bó Thầy Đằng với thằng Được, con Liên cũng cho người đọc hiểu thế nào là cái đạo sư phụ trong quyền thống luân lý phương Đông. Ông thầy không phải chỉ dạy chữ, kiến thức chuyên môn mà chủ yếu dạy làm người biết trọng điều nhân nghĩa. Trọng điều nhân nghĩa - ở sao cho có nhân, là tự mình không làm điều thất đức đối với mình, cũng không oán ghét trả thù, mà tha thứ, độ lượng, nghĩa là vẫn làm điều thiện và cho rằng làm như thế là để phúc cho con. Cõ lẽ nền tảng luân lý truyền thống dân tộc của người Việt Nam không phải là mong được hưởng hay sợ bị phạt cái gì ở đời sau (lên Thiên đàng, xuống hỏa ngục) mà chỉ là để phúc cho con cái. Còn người làm điều thất đức, có bị trừng trị hay không, là để tùy trời định. Quan niệm trên được biểu lộ qua thái độ đối xử với Đức Lợi và Thị Sảnh của bà Hội đồng tha thứ bỏ qua, không kiện hay tỏ hành động trả thù tội ác đánh cắp định "thủ tiêu" con trai bà.

3. Nêu lên một đề tài đạo đức, xã hội:
Trong SANS FAMILLE cái nghèo được mô tả như một nếp sống của một số nhân vật: mẹ nuôi Barberin, ông già Vitalis, Rémi, gia đình Acquin, người làm vườn v.v... nhưng không bao giờ được nói đến, được nêu lên như một quan niệm, để giải thích những quyết định lựa chọn, hay như một đề tài để tranh luận... như thấy trong CAY ĐẮNG MÙI ĐỜI. Có thể nói giàu nghèo, một quan niệm về giàu nghèo là tư tưởng chủ đề nổi bật của cuốn truyện, luôn luôn được tác giả nhắc tới đặc biệt qua nhân vật thầy Đằng và đôi bạn thằng Được, thằng Bỉ.
Chúng tôi thấy có hai ý chính trong quan niệm về giàu nghèo và thái độ đối với giàu nghèo được Hồ Biểu Chánh gắn cho các nhân vật của ông như sau:

1. Không ham giàu, nhất là cái giàu nhờ cầu cạnh hay phải gạt bỏ khí tiết mà có, và do đó đành chịu bị khinh bỉ... Thà sống nghèo khổ mà giữ được khí tiết, nhân cách, phẩm giá con người, vì khí tiết, nhân cách là vô giá, không có tiền bạc nào có thể mua sắm được... và nếu nghèo mà giữ được khí tiết, thì không những không lâm vào hổ thẹn, tủi nhục, mà trái lại lấy làm hãnh diện...

2. Giàu có không hẳn là điều xấu, nhưng để đưa đến làm điều xấu, sinh ra điều xấu (đã giàu muốn giàu thêm). Dù không làm điều xấu. Giàu có cũng thường không làm cho người giàu nhạy cảm, nhìn thấy những đau khổ, lầm than của người khác, do đó không biết thông cảm, liên đới, chia sẻ thương yêu người khác. Nói tóm lại, giàu có làm cho dễ quên những giá trị đạo đức, giá trị nhân loại, hoặc không đưa đến, tạo ra những giá trị đạo đức, nhân loại như nghèo khổ.
Thầy Đằng trả lời em gái khuyên nên bỏ qua những lỗi lầm của vợ thầy đã vì ham giàu địa vị mà bỏ thầy và chắp nối lại: "Cái nghèo của qua đây gia tài của họ dầu bán cho hết cũng không mua nổi đâu, em đừng tưởng qua thấy họ giàu, còn qua nghèo mà hổ thẹn".

Thầy khuyên thằng Được, con Liên: "Phải biết giữ gìn danh dự cho toàn vẹn, thà làm người nghèo mà phẩm giá được cao, chớ đừng làm người giàu sang mà chịu khinh bỉ, thầy Đằng giải thích cho bà Hội đồng hiểu tại sao thầy không thuận để cho thằng Được đi theo bà: Bà có thể cho nó ăn mặc sung sướng, sau này xây nhà, chia ruộng cho nó giàu có... nhưng bà không thể dạy cho nó biết đạo làm người và vì thế nó giàu mà không biết cái cực của người nghèo thì cái giàu của nó chỉ làm hại người nghèo, có ích chi cho thiên hạ...".
Thằng Bỉ là bạn thân của thằng Được. Trên đường về thăm mẹ nuôi hay tìm kiếm cha mẹ đẻ thằng Được mà hai đứa đều chắc là giàu có. Thằng Bỉ luôn luôn cảnh giác thằng Được về khả năng tiêu cực của giàu có (dễ quên hay dễ phủ nhận những giá trị đạo đức, nhân loại) qua những cãi lý, tranh luận rất thẳng thắn giữa hai đứa.
Hai đứa mải cãi nhau về có nên đi xe hơi cho nhanh, cho khỏe, vì có tiền, thì xe hơi đã chạy qua mất rồi. Thằng Được mặt ngó theo bụng còn tiếc nên lầm bầm nói rằng:
- Mày bậy quá! Xe chạy tuốt rồi còn gì.
- Nó chạy đi đâu thì chạy chớ. Mày biết tại sao mà tao không chịu đi xe hơi hay không?
- Không?
- Tại xe hơi là đồ của nhà giàu dùng, nên tao nhứt định không thèm ngồi trên đó.
- Sao mà mày ghét nhà giàu dữ vậy?
- Tại họ đã không biết thương người mà họ còn muốn hại con nhà nghèo như mình vậy chớ sao.
Chỗ khác, lúc hai đứa được đưa sang nhà, thằng Được hỏi thằng Bỉ:
- Sao mày buồn dữ vậy mày?
- Vui sao được mà mày biểu vui.
- Sao vậy?
- Tao làm anh em với mày, tao tưởng mày mồ côi và nghèo hèn như tao chớ tao có dè ngày nay mày được giàu có đâu.
- Thằng khéo nói kỳ hôn. Nếu tao được giàu thì mày cũng sung sướng với tao, chớ phải tao giàu rồi tao bỏ mày hay sao mà mày buồn?
- Tạo sợ miệng mày nói như vậy mà bụng mày không được như vậy chớ.
- Tại sao mày sợ?
- Tao thấy một chút này thì tao biết bụng mày rồi. Mấy tháng nay mày với tao đi lưu linh kiếm ăn, mày thường nhắc nhở con Liên luôn, mày nói mày thương nó như em ruột mày, mày tính sẽ về thăm mẹ mày rồi thì mày đi kiếm cho được nó. Hôm nay mày nghe nói cha mẹ mày là người giàu có lớn đương tìm kiếm mày thì mày mừng, mày quên con Liên, không nghe mày tính đi thăm nó nữa. Rất đỗi con Liên mày thương nó lắm mà chưa giàu mày đã quên nó rồi, huống chi là tao mà mày kể số gì.
- Mày nói tức quá! Tao có quên con Liên bao giờ? Để tao đi tìm được cha mẹ tao rồi tao sẽ kiếm mà rước nó về tao nuôi chứ. Tao có quên anh em thì trời đừng để mạng tao nữa...
Lúc hai đứa đã gặp lại bà Hội đồng sắp chính thức nhận lại thằng Được làm con, thằng Được vui sướng. Nhưng hễ thằng Được vui thì thằng Bỉ lại buồn, thằng Được thấy vậy nổi giận theo rầy hoài.
- Tao với mày kết làm anh em với nhau, hễ tao vui thì mày phải vui với tao chớ sao mày lại làm mặt quỉ thần hoài vậy?
- Mày vui chừng nào tao càng buồn chừng ấy.
- Sao vậy?
- Nếu mày giàu có thì tao có được làm anh em với mày nữa đâu?
- Mày nói bậy hoài, tao giàu thì cũng như mày giàu, chớ sao lại không làm anh em với nhau nữa?
- Hễ mày giàu thì mày chơi với con nhà giàu. Đồ trôi sông lạc chợ không mẹ không cha như tao vầy mầy đương thèm ngó tới da.
- Bỉ, mày đừng nói xấu tao như vậy chớ. Ví dầu ngày sau mà tao có được giàu sang đi nữa, có lẽ nào mà tao quên sự cực khổ của tụi mình mấy năm nay cho được mầy. Tao thường có nói với mầy rằng thuở nay trong lòng tao thường có mấy người mà thôi: Thứ nhứt là má nuôi tao, thứ nhì là thầy tao, thứ ba là con Liên, còn thứ tư là mày. Thiệt tao cũng thương cha thương mẹ tao nữa, ngặt bây giờ tao chưa biết cha mẹ tao là ai. Nếu tao được giàu thì tao lập thế đi tìm cha mẹ tao, mà trước hết tao rước mấy người tao thương đi về nhà tao nuôi hết thảy, chớ phải tao như họ, giàu rồi quên bạn nghèo, sang rồi quên hồi hèn đâu mà mày nói vậy?

Nhưng những lời nói chân thành của thằng Được không thuyết phục hẳn thằng Bỉ nên khi thằng Được trở lại làm thằng Nhã giàu có hạnh phúc mặc dầu đã năn nỉ hết sức thằng Bỉ vẫn không chịu ở với nó, vẫn cứ "ôm đờn rảo khắp các tỉnh thành". Thái độ của thằng Bỉ bày tỏ thái độ hoài nghi, bi quan của tác giả mà ông đã nói thẳng noặc ra trong lời kết luận, không phải mượn nhân vật nói mà chính người viết truyện nói: "Thằng Nhã bây giờ biết thương người nghèo là vì nó đã là thằng Được hết 15 năm trời, còn biết bao thằng Nhã khác không có làm thằng Được chưa nếm đủ mùi cay, đắng trong đời, nên vẫn ai nghèo mặc ai, mình giàu mình hưởng! Do đó nếu thằng Nhã là con của bà Hội đồng mà không có làm thằng Được thì ngày nay chắc gì nó biết thương con nhà nghèo?".
Vấn đề Hồ Biểu Chánh nêu lên: chỉ nghèo khó và nói rộng ra chỉ kinh nghiệm cay đắng mùi đời sự cực khổ đau thương mà nghèo khổ là một khía cạnh mới làm cho dễ động lòng thương người nghèo là tạo ra những giá trị nhân loại, đạo đức... Còn giàu có, hay không có cực khổ đau thương thì không. Chúng tôi nghĩ rằng nói như thế chỉ đúng một phần vì trong thực tế, có người nghèo, đau khổ chẳng những không động lòng thương người khác, mà còn oán ghét thù hận người khác và ngược lại có người giàu vẫn động lòng thương người khác. Cho nên điều kiện, yếu tố chính làm cho con người khép kín hay mở rộng cõi lòng không phải là có hay không có của cải vật chất mà là có hay không tinh thần khó nghèo. Người giàu mà không ham, vẫn dễ nhạy cảm trước đau thương của người khác, trái lại người nghèo mà ham, tham, thì có thể chẳng động lòng thương người khác. Do đó cái khó là làm sao có được tinh thần khó nghèo. Người giàu có tinh thần khó nghèo thật khó, nhưng người nghèo mà có được tinh thần khó nghèo thì còn khó hơn nữa, nhất là khi sự khó nghèo ở mức độ cùng cực không đủ những điều kiện tối thiểu để được sống như con người. Bị đẩy vào tình cảnh cùng cực đó, đặc biệt đối với lớp tuổi thơ ấu đáng lẽ chỉ được quyền ăn chơi vô tư, lại phải sớm tối lo cơm áo không xong, sự nghèo khổ không những không tạo ra giá trị nhân loại đạo đức mà còn tăng thêm căm thù oán hận tất cả xã hội... Trường hợp thằng Bỉ, thằng Được, có ý thức, biết cảnh giác thật hiếm. Số đông những đứa trẻ khác trong cùng hoàn cảnh của chúng thường không tránh khỏi trở thành bụi đời, lưu manh du đãng... thù ghét xã hội...
Cách đặt vấn đề của tác giả nếu làm cho người đọc hiểu rằng đứa trẻ phải trải qua hoàn cảnh sống bụi đời, để nếm mùi cay đắng trong đời, mới biết thương người, trở nên người thì thật là nguy hiểm vì thực tế những đứa trẻ đó tất cả không thể đều là siêu nhân, anh hùng, không thể sống trong hoàn cảnh bụi đời mà không trở thành bụi đời, do đó vấn đề xã hội, đạo lý, ngược lại chính là làm sao cho các đứa trẻ không phải làm thằng Được suốt 15 năm mà vẫn biết động lòng thương người và không hận thù xã hội.



LES MISERABLES của VICTOR HUGO và NGỌN CỎ GIÓ ĐÙA của HỒ BIỂU CHÁNH (16)


Năm 1985, kỷ niệm năm V. Hugo qua đời, đồng thời cũng là năm sinh của Hồ Biểu Chánh (1-10-1885), chúng tôi liên hệ hai nhà văn lớn vì Hồ Biểu Chánh có phỏng dịch bài thơ L'AMOUR (17) và phóng tác một trong những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng hơn cả NGỌN CỎ GIÓ ĐÙA (18) do cảm đề bộ truyện LES MISERABLES của Victor Hugo.
Trong lần đọc thứ nhứt, chúng tôi thử tìm xác định có những ảnh hưởng trực tiếp văn hóa Pháp, Tây phương nào không trong tác phẩm của Hồ Biểu Chánh và chúng tôi thấy ngoài cái cốt truyện, lấy lại của Victor Hugo, tất cả câu chuyện khung cảnh lịch sử, tâm lý tư tưởng nhân vật trong NGỌN CỎ GIÓ ĐÙA, đều thuần túy Việt Nam. Một số nhân vật chính của Victor Hugo được giữ lại, dĩ nhiên với những tên Việt Nam nhưng được lưu ý, đề cao, nhấn mạnh một cách khác, một số nhân vật chính khác bị bỏ quên hay được thêm vào? Việc đề cao, nhấn mạnh hay bỏ quên, thêm vào đều có lý do nằm trong chủ đích của Hồ Biểu Chánh dụng một câu chuyện theo những chủ đề tư tưởng thuộc văn hóa Việt Nam...
Trong lần đọc thứ hai, chúng tôi thử tìm xác định có những ảnh hưởng gián tiếp văn hóa Pháp, Tây phương nào không về tư tưởng, hình thức diễn tả, và chúng tôi thấy có, đặc biệt rõ rệt về cách bố cục, kỹ thuật, lối xây dựng tác phẩm tiểu thuyết...

Đọc lần thứ nhứt:
Hồ Biểu Chánh giữ lại cốt truyện LES MISERABLES một người nghèo vô học tính tình tốt, muốn làm ăn lương thiện giúp gia đình, nhưng hoàn cảnh xã hội đã đẩy anh bước vào đường cùng, phải đi ăn cắp vặt, bị bắt, giam tù, nhiều lần vượt ngục không thành, án tù tăng đến 20 năm. Sau khi mãn án trở về thành hận thù xã hội, nhưng được giác ngộ nhờ tiếp xúc với bậc chân tu tôn giáo hiện thân của bác ái, làm cho anh biến hận thù thành tình thương vị tha, chỉ còn biết làm ơn ích cho xã hội. Nhờ dịp may và chịu khó làm ăn, trở nên giàu có, dùng tiền của kiếm được làm phúc, cứu tế xã hội. Nhưng một người ăn cắp vặt sắp bị đem xử lại bị tình nghi là tên tù vượt ngục nổi tiếng xưa kia. Nếu tòa xử xác định đúng là tên tù vượt ngục, thì án sẽ nặng. Sau khi suy nghĩ đắn đo, anh ta ra thú nhận mình mới là tên tù vượt ngục để cứu người ăn cắp vặt kia. Do đó anh lại bị tù, nhưng bày mưu trốn thoát được và coi như đã chết. Sau đó lén lút về tìm chuộc và nuôi đứa con gái của một người đàn bà đau khổ thực hiện lời hứa với chị trước khi chị chết... vừa ẩn mình vừa bảo vệ nuôi đứa bé cho đến khi nó lớn, bằng lòng gả chồng cho nó, và như thế là hy sinh cả tình thương yêu quí nó là lẽ sống sau cùng của mình để cho chúng được hạnh phúc, rồi ra đi vĩnh viễn trong lặng lẽ, cô đơn và trong niềm thương nhớ của chúng.
Cốt truyện được Hồ Biểu Chánh đem đặt vào một khung cảnh xã hội, lịch sử khác, với những nhân vật hành động theo những tinh thần, tư tưởng ý thức hệ khác.
- Khung cảnh xã hội trong LES MISERABLES:
Đời sống đô thị thời kỳ đầu tư bản công nghiệp. Tệ đoan xã hội trầm trọng là tình cảnh vô sản của những người nghèo mới trong xã hội công nghiệp. Không phải chỉ người lớn là nạn nhân của chế độ xã hội mà cả trẻ con, loại trẻ không cha không mẹ, lang thang vỉa hè, sống bụi đời trên các đường phố. Tiêu biểu cho loại trẻ này là nhân vật Gavroche trong chuyện. Valjean trở thành giàu có, lấy tên là ông Madeleine nhờ phát minh sáng chế công nghiệp, làm chủ xí nghiệp...

- Khung cảnh trong NGỌN CỎ GIÓ ĐÙA:
Đời sống nông thôn trong chế độ nông nghiệp xã hội Việt Nam cũ, trước thời Pháp thuộc (19). Lê Văn Đó là một nông dân nghèo, làm ruộng, sau trở thành giàu có vì chịu khó khai hoang, làm ruộng, lấy tên là Trần Chánh Tâm.
- Khung cảnh lịch sử trong LES MISERABLES:
Thế kỷ 19, thời cách mạng dân chủ dân quyền rất nhiều xáo trộn, tranh chấp chính trị, đặc biệt giữa phái Cộng hòa và phe bảo thủ, bảo hoàng... Cao điểm của thời kỳ này là sợi dây liên kết cuộc đời các nhân vật chính trong truyện.
- Khung cảnh lịch sử trong NGỌN CỎ GIÓ ĐÙA:
Đầu thế kỷ 19, thời Gia Long - Minh Mạng, những mâu thuẫn nội bộ trong tầng lớp quan lại về lý tưởng trung quân: trung quân theo nghĩa hình thức: trung với Vua, vì vua là Vua, và chỉ trung với Vua khi vua biết trọng nghĩa của bày tôi. Cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi tiêu biểu cho lý tưởng trung quân hiểu theo nghĩa thứ hai. Cuộc nổi dậy này cũng là sợi dây liên kết cuộc đời của các nhân vật chính trong truyện. Victor Hugo ủng hộ, đề cao cuộc nổi dậy của dân chúng Paris, Hồ Biểu Chánh cũng bênh vực đề cao cái gọi là giặc Lê Văn Khôi.
Tư tưởng chủ đề của Victor Hugo:

1. Thiên chúa giáo, đặc biệt đức bác ái Kitô giáo được thể hiện một cách hầu như trọn vẹn qua hình ảnh tác phong cuộc đời của Giám mục Myriel nhất là trong cách đối xử với Valjean đến xin trọ, được tiếp đón ân cần, còn ăn cắp đồ, bị bắt lại được xác minh là tặng chớ không phải ăn cắp, hoàn toàn trái ngược với cách đối xử với Valjean của những người xung quanh.

2. Đề cao cách mạng dân chủ, dân quyền: chống chế độ quân chủ, bảo hoàng. Victor Hugo đã trình bày sự đối lập giữa hai ý thức hệ trên qua những tranh luận và mâu thuẫn ngay trong nội bộ trong một gia đình giữa ông ngoại, Gillemormand, một đại trưởng giả, người của chế độ cũ theo phái bảo hoàng, và người cháu Marius, trung thành với lý tưởng Cộng hòa của Cha Đại tá Pontmery...

3. Chống bất công xã hội: một người tốt nhưng hoàn cảnh, thể chế xã hội xấu làm cho anh ta trở thành phạm nhân, tội nhân tuy thực ra anh ta chỉ là nạn nhân của xã hội xấu đó. Jean Valjean, nhân vật chính của truyện tiêu biểu cho tình cảnh kể trên.

4. Chống sa đọa của người đàn bà: Người đàn bà, ngoài cảnh phải chịu những bất công áp bức ngoài xã hội như người đàn ông, còn phải chịu áp bức về phái tính của mình với tư cách người đàn bà (làm điếm để nuôi con bị khinh bỉ vì là người điếm). Fantine, nhân vật thể hiện thân phận người đàn bà bị áp bức về cả hai phương diện kể trên.

5. Chống tình cảnh thất học, bị bỏ rơi của người tuổi trẻ: Gavroche, nhân vật nổi tiếng, được ưa thích hơn cả trong truyện, đến nỗi trở thành một danh từ chung, là hiện thân đứa trẻ bụi đời của thành phố Paris, có cha có mẹ nhưng bị bỏ rơi không được học hành lang thang sống tụ tập trên các vỉa hè.
6. Chống tính cách phi nhân của chủ nghĩa duy pháp lý: (juridisme) Tôn trọng bảo vệ triệt để pháp luật vì pháp luật không phải vì con người, cho con người, Javert tiêu biểu cho thái độ duy pháp lý kể trên.

Tư tưởng chủ đề của Hồ Biểu Chánh:

1. Phật giáo: Lý tưởng từ bi hỉ xả và thuyết tham sân si được thể hiện qua thái độ cư xử của Hòa thượng Chánh Tâm đối với Lê Văn Đó, và qua những lời hòa thượng dậy dỗ hai Sadi Thiện Thanh, Giác Thế.

2. Đề cao những lý tưởng của người tráng sĩ: bảo vệ khí tiết, trọng nghĩa khinh tài, trung quân theo nghĩa vua trọng nghĩa của tôi, không ngần ngại nổi dậy chống lại vua khi vua làm mất nghĩa của bầy tôi. Vương Thế Hùng là hình ảnh của người tráng sĩ trong truyện : thấy người gặp hoạn nạn, bị cướp, hãm hiếp ra tay can thiệp giải thoát mà không nhận đền ơn, tặng tiền, thấy Lê Văn Khôi nổi dậy vì đại nghĩa thì quyết tâm tham gia đành chịu bất nghĩa với bố mẹ và vợ con (bỏ gia đình đi chiến đấu).

3. Chống nghèo khổ, bất công, chống tư tưởng do Trời, vì nếu có Trời thì không thể có bất công, nghèo, áp bức. "Hai chữ công bình do người ta bày đặt ra mà gạt bọn người nghèo hèn như chúng ta đây chớ không có nghĩa lý chi hết". "Còn cháu kêu Trời làm chi, nếu Trời Đất mà ở công bình thì đâu có chuyện như vậy". Lê Văn Đó, nhân vật chính của truyện là nạn nhân của một hoàn cảnh phân chia giàu nghèo và thuộc tầng lớp người nghèo khổ cùng cực.

4. Đề cao tiết hạnh: bảo vệ, giữ gìn tiết hạnh là điều quan hệ nhất đối với người đàn bà Á Đông, Việt Nam chịu ảnh hưởng nho giáo "không vì chữ Bần mà bán danh tiết". Ngoài ra người phụ nữ cũng giữ chung tình, thủ tiết, mặc dầu người chồng đã phụ bạc phản bội. Ánh Nguyệt tiêu biểu cho người đàn bà tiết hạnh chung tình, thủ tiết...

5. Đề cao hiếu thảo: Đạo làm con đối với cha mẹ, hiếu thảo vì công ơn cha mẹ, Thế Phụng, con Thế Hùng, tiêu biểu cho lòng hiếu thảo ở chỗ nguyện suốt đời nối chí cha và sống như cha.

6. Chống thể chế pháp lý khắt khe, phi nhân của nhà Nguyễn đặc biệt về mặt hình sự.

Trong NGỌN CỎ GIÓ ĐÙA không có chủ đề về thiếu nhi, tuy nhiên chủ đề này thường được nói đến trong các tác phẩm khác của Hồ Biểu Chánh như CAY ĐẮNG MÙI ĐỜI.
Các nhân vật chính: Hồ Biểu Chánh giữ lại những nhân vật của LES MISERABLES:
Giám mục Myriel Hòa thượng Chánh Tâm
J. Valjean - Madelaine (Bí danh) Lê Văn Đó - Trần Chánh Tâm - Thiên Hộ
Fantine Ánh Nguyệt
Cosette Thu Vân
Gillenormand (ông ngoại) Đàm Tự Chấn
Colonel De Pontmercy Vương Thế Hùng
Marius (con) Vương Thế Phụng
Thénardier Đỗ Cẩm
Javert Phạm Văn Kỳ
Gavroche
thêm Từ Hải Yến (chồng Ánh Nguyệt)

Việc bỏ, thêm và nhấn mạnh hay không nhấn mạnh vào những nhân vật chính được giữ lại cũng dễ hiểu khi tác giả thay đổi các chủ đề tư tưởng và nhằm những chủ đích khác. Victor Hugo nhấn mạnh vào nhân vật Myriel để cả trăm trang giới thiệu cuộc đời vị giám mục và ngay phần đầu câu truyện trước khi nói đến nhân vật chính J. Valjean, cho thấy đấy là một vị thánh, hầu như là hoàn hảo, khá đặc biệt trong khi Hồ Biểu Chánh chỉ để vài trang tả tóm tắt thái độ của Hòa thượng Chánh Tâm, một người cũng đức hạnh nhưng có thể thấy ở nhiều vị Hòa thượng khác.

Về nhân vật chính Lê Văn Đó, nói chung Hồ Biểu Chánh thể hiện khá đầy đủ những hành động của Jean Valjean, chỉ thay đổi cách thể hiện hoặc những chi tiết mà thôi, chẳng hạn: ăn cắp ở nhà Giám mục bộ chân nến, ăn cắp ở nhà Hòa thượng bộ chén trà, làm giàu nhờ sáng chế kỹ nghệ, được bầu làm thị trưởng - làm giàu nhờ khai thác rừng hoang, canh tác - được triều đình phong tước. Bị bắt, bằng cách trốn thoát mất tích: cứu một người thủy thủ, cứu một ghe chìm...
Jean Valjean đi đến khu công sự chiến đấu không phải để tham gia cuộc khởi nghĩa vì những xác tín chính trị, lý tưởng dân chủ, cộng hòa như Marius, cũng như Lê Văn Đó không tham gia cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi vì anh là nông dân, không thấy liên hệ đến lý tưởng trung quân như người có học, có xác tín về những ý thức hệ của Nho giáo... Lúc Lê Văn Khôi khởi nghĩa, anh bị buộc phải cung cấp thóc gạo cho triều đình, còn lúc tàn dư của Lê Văn Khôi nổi lên lại, chỉ vì tình cờ mà cộng tác với quân nổi dậy (đưa Thu Vân đi tìm Thế Phụng, bị binh triều đình bắt đi dẹp loạn, bị quân nổi dậy bắt, đưa ra trình diện gặp Thế Phụng, theo quân nổi dậy).

Cả hai đều đương đầu với những thử thách lựa chọn khó khăn nhứt vì đây là một cuộc chiến đấu với chính mình: có nên ra thú nhận mình là tên tù chung thân, vượt ngục hay không, và có nên giữ Cosette, Thu Vân ở lại với mình để thụ hưởng một mối tình thật chính đáng hay phải hy sinh cho người khác? Nhưng Victor Hugo đã tạo ra một tình huống phức tạp trong đó Marius nghi ngờ nhiều điều về cuộc đời và con người của Jean Valjean. Cho nên những nghi ngờ đó khi được giải tỏa một cách bất ngờ, đã gây xúc động mạnh ở nhân vật Marius và cả ở nơi người đọc, vì thế đọc Victor Hugo, thấy ông nhấn mạnh hơn vào những mâu thuẫn dằng co của Jean Valjean và do đó cũng thấy sâu sắc, thấm thía hơn sự thử thách cuối cùng của nhân vật chính.

Fantine - Cosette - Ánh Nguyệt - Thu Vân: Victor Hugo mô tả cuộc đời cực khổ, nhục nhã của Fantine, cho thấy nàng là người mẹ thương con, sẵn sàng nhổ răng bán để lấy tiền trả cho Thénardier và không ngần ngại làm điếm để nuôi con, bắt nhân tình bừa bãi để trêu tức thiên hạ, cuối cùng uất hận mà chết trước thái độ nhẫn tâm của Havert... Fantine thuộc nhóm 4 cô gái bắt bồ với 4 cậu sinh viên. Sau khi học xong, 4 cậu trở về quê, để lại một thư từ giả dí dỏm... Chẳng may Fantine có mang nhưng anh chàng Tolemies không hề biết đứa con sau này của chàng, Cosette. Tác giả không nói gì về Tolemies... Victor Hugo nhấn mạnh nhiều hơn về việc mô tả Cosette quãng đời thơ ấu ở nhà vợ chồng Thénardier, bị hành hạ khổ cực như thế nào và nhất là quãng đời thiếu nữ ở với Jean Valjean sau khi đã được chuộc khỏi tay vợ chồng Thénardier, trải qua nhiều cuộc phiêu lưu, ẩn náu tạo nên một mối tình sâu đậm gắn bó 2 người, mối tình không thể phân biệt rõ rệt được ông cháu hay cha con, hay vợ chồng mà có lẽ là tất cả. Do đó khi Valjean phải hy sinh để Cosette kết hôn với Marius, nỗi niềm đau khổ thật lớn lao và sự hy sinh cũng vô cùng cao cả.
Trái lại, Hồ Biểu Chánh ít nói về Thu Vân, quãng đời ở với vợ chồng Đỗ Cẩm, và quãng đời ở với Lê Văn Đó. Kể như không có những phiêu lưu ẩn trốn ly kỳ và cuộc sống ở Chùa để Thu Vân học hành, tác giả không để Thu Vân gần gũi Lê Văn Đó như Cosette ở với Valjean... Nhưng Hồ Biểu Chánh nhấn mạnh, chú ý nhiều hơn vào Ánh Nguyệt nhằm đề cao đức tiết hạnh người đàn bà. Hồ Biểu Chánh tạo thêm cảnh Ánh Nguyệt phải ở đợ nhà vợ chồng Đỗ Cẩm để trả nợ cho cha chết, quyết không vì chữ Bần mà nhân dan díu với quan huyện gạ gẫm và hứa sẽ trả nợ thay cho nàng, rồi lúc ở nhà Sáu Thời để lo chuộc Thu Vân, nhận đi đánh đờn thuê cho bọn Cao Trịnh Tường, bọn này định làm ẩu, nàng cũng cự tuyệt mắng đập lại chúng, bị chúng đánh đập và thưa kiện... Việc lấy Từ Hải Yến trong lúc ở nhà Đỗ Cẩm là vì ân nghĩa. Sau đó khi biết Hải Yến phụ bạc vẫn chung tình và giữ tiết phụ... cho đến khi thấy Từ Hải Yến (tri huyện) và Phạm Văn Kỳ đến bắt Lê Văn Đó, thì nàng mới tuyệt vọng và uất ức trước thái độ nhẫn tâm của Từ Hải Yến mà chết, không phải vì Phạm Văn Kỳ. Để làm nổi bật thân phận của Ánh Nguyệt, Hồ Biểu Chánh tạo ra và nhấn mạnh vào nhân vật đóng vai chồng Ánh Nguyệt là Từ Hải Yến. Tác giả tả khá nhiều đoạn về tên này từ lúc là thư sinh, quyến rũ Ánh Nguyệt, rồi bỏ Ánh Nguyệt, lấy vợ khác giàu có, làm quan, nhẫn tâm từ vợ và cả con khi Lê Văn Đó đem Thu Vân về Định Tường tìm cách cho Thu Vân gặp lại cha, là Hải Yến đang làm Bố chánh ở đó.
Gillenormand ông ngoại - Đại tá Pontmercy - Marius
Đàm Từ Chấn - Vương Thế Hùng - Vương Thế Phụng

Trong LES MISERABLES, cuộc tranh luận về ý thức hệ chánh trị và sự xung khắc về chính kiến xảy ra giữa ông (Gillenormand) và cháu Marius. Đại tá Pontmercy chỉ được nhắc đến tên và để lại cho con một chí hướng... ủng hộ lý tưởng cộng hòa dân chủ. Victor Hugo chú ý nhiều hơn đến Marius, mô tả diễn tiến trí thức đưa Marius đến chỗ tiếp tục chí hướng của cha và tham gia cách mạng, trở thành một người lãnh đạo tích cực trong cuộc nổi dậy ở Paris. Nhưng tác giả còn tả kỹ hơn quãng đời Marius liên hệ với Cosette: một sự làm quen, một mối tình nhiều trắc trở... và do đó với Madeleine (Valjean) nhiều thắc mắc nghi ngờ về người cha nuôi của Cosette...

Nhưng khi biết được sự thật thì sự ân hận và lòng cảm phục lại lên đến tột độ...
Trái lại, Hồ Biểu Chánh ít nói về Thế Phụng. Tuy Thế Phụng cũng nối chí cha tham gia cuộc nổi dậy của đám tàn quân Lê Văn Khôi, nhưng điều người đọc chú ý hơn cả nơi con người Thế Phụng là thái độ hiếu thảo của chàng: khi biết được cha còn sống, thì đặt việc đi tìm cha lên trên hết, sẵn sàng bỏ học, thi cử. Sau khi cha chết, bỏ học, thi cử về ẩn dật nơi căn nhà cha đã ẩn dật đi câu tôm cá.

Nhưng Hồ Biểu Chánh nói nhiều về Thế Hùng. Những tranh luận về ý thức hệ chính trị xảy ra ở đây là giữa ông ngoại và con rể, thay vì giữa ông cháu như trong LES MISERABLES. Thế Hùng cũng là một lãnh tụ chủ chốt trong cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi. Sau cùng, khi bị thua và thất trận, đành cam phận một cuộc đời ẩn dật, để trung thành với chí hướng đã chọn, dù phải trả một cái giá rất đắt là không được sống gần con chỉ được trông thấy nó trước khi chết, vì đó là điều kiện để ông ngoại đặt để nhận nuôi dưỡng cháu... Tác giả nói nhiều về Thế Hùng để đề cao con người và khí tiết, trọng nghĩa khinh tài một chủ đề nổi bật trong hầu hết các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh.

Vợ chồng Thénardier - vợ chồ Đỗ Cẩm:
Đây là những nhân vật tiêu biểu cho hạng người lưu manh, độc ác, tàn bạo mà xã hội nào, thời nào cũng có, không phải do cùng cực hay bất công xã hội mà ra... Trong cả hai tác phẩm của Victor Hugo và Hồ Biểu Chánh đều thấy mô tả nhiều cảnh sống lưu manh, độc ác nhưng phải nhận vợ chồng Thénardier thâm hiểm và tàn bạo nhẫn tâm hơn vợ chồng Đỗ Cẩm.

Javert - Phạm Kỳ:
Những hành động chính của Javert đều thấy Phạm Kỳ diễn lại, nhưng Victor Hugo mô tả kỹ hơn Javert, làm cho Javert trở thành một nhân vật tiêu biểu về thái độ tôn sùng pháp luật vì pháp luật, coi pháp luật là tuyệt đối và trên hết. Javert áp dụng thái độ trên, khắt khe cho cả chính mình. Nhưng niềm tin chân thành đó bị lung lạc và sụp đổ trước những cử chỉ lạ lùng của Valjean, làm cho Javert nhận ra có pháp lý của Trời trên pháp lý của trần gian, có cái gì khác (như tình người) còn cao quý hơn pháp lý... và cuối cùng Javert đã tự tử để khỏi phải nhìn nhận sự thật trên. Phạm Kỳ đơn giản hơn nhiều: chỉ tôn trọng pháp luật và tin người giàu bao giờ cũng nói đúng pháp luật, không có thắc mắc, khủng hoảng niềm tin như Javert, vì thế nhân vật Phạm Kỳ là một nhân vật lu mờ, có thể bị bỏ qua trong tác phẩm.

Gavroche:
Một nhân vật tiêu biểu trong LES MISERABLES. Trong NGỌN CỎ GIÓ ĐÙA không có nhân vật tương tự vì một lẽ dễ hiểu: khung cảnh xã hội lịch sử NGỌN CỎ GIÓ ĐÙA còn trong thời kỳ nông nghiệp thôn dã nên chưa thể có những tệ đoan xã hội của thời kỳ công nghiệp thành thị...

Đọc lần thứ hai:
Chúng tôi không tìm thấy những ảnh hưởng về tư tưởng trực tiếp hay gián tiếp của văn hóa Tây phương trong NGỌN CỎ GIÓ ĐÙA vì các nhân vật của truyện sống ở thời kỳ chưa có giao lưu văn hóa với Tây phương (trừ giới Thiên chúa giáo). Một vài hành động ra ngoài khuôn khổ phong tục lễ giáo cổ truyền như việc Ánh Nguyệt kết hôn với Từ Hải Yến không có ý kiến ưng thuận của cha mẹ, chẳng qua là vì trường hợp bất khả kháng, không phải vì lý do hôn nhân theo kiểu Tây phương. Tuy nhiên trong nhiều truyện sau, nhân vật sống vào thời kỳ Pháp thuộc, rõ ràng có ảnh hưởng của tự do cá nhân theo kiểu Tây phương.
Nhưng tác giả có chịu ảnh hưởng văn hóa Tây phương được thể hiện qua cách bố cục xây dựng cuốn truyện. Hồ Biểu Chánh nhận một nền giáo dục hoàn toàn Tây phương (học trường Pháp, đỗ Thành Chung) dĩ nhiên đã đọc tiểu thuyết Pháp và theo tập ký ức "Đời của tôi về văn nghệ", ông cho biết vào hồi 1910, đã đọc ba cuốn truyện viết bằng văn xuôi đầu tiên ở Nam Kỳ ảnh hưởng đến việc định hướng sáng tác của ông: "Hoàng Tố Oanh hàm oan" của Trần Chánh Chiếu, "Phan Yên ngoại sử" của Trương Duy Toản và nhất là "Truyện Thầy Lazarô Phiền" của Nguyễn Trọng Quản, hoàn toàn theo lối bố cục Tây phương ở chỗ: đưa những sự việc hàng ngày của người dân thường vào tiểu thuyết, dùng lối văn xuôi, ngôn ngữ hàng ngày, kể cả những thổ ngữ, từ địa phương, không phải lối văn biền ngẫu, chải chuốt khách sáo, không thực. Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh nói chung và NGỌN CỎ GIÓ ĐÙA nói riêng đều thể hiện tinh thần phong cách viết tiểu thuyết theo quan niệm Tây phương và đó là một điều mới lạ đối với truyền thuyết văn học Việt Nam.

Về bố cục, có thể nói Hồ Biểu Chánh còn chặt chẽ, gọn, mạch lạc hơn Victor Hugo. LES MISERABLES là một "công trường" (chantier) dang dở mất hàng chục năm mới viết xong, gồm nhiều chuyện nói lang bang đủ thứ, xa chủ đề, chuyện một nhân vật đã có thể coi là một cuốn truyện rồi chẳng hạn tác giả đã để cả một quyển gồm nhiều chương dài trăm trang mô tả riêng Giám mục Myriel... Trái lại Hồ Biểu Chánh không bàn tán ngoài lề kiểu Victor Hugo (nói về đường ống cống trong đoạn Valjean cõng Marius, Victor Hugo bàn đủ chuyện về ống cống Paris) chỉ kể các sự việc liên hệ đúng lúc, đúng chỗ, không thừa thiếu. Ba chuyện của ba nhân vật chính: Truyện Lê Văn Đó, Chánh Tâm, truyện Ánh Nguyệt - Thu Vân, truyện Thế Hùng - Thế Phụng - được sắp xếp tổng hợp theo một trật tự chặt chẽ, hợp lý, chứng tỏ tác giả đã dụng tâm rất nhiều về kết cấu như chính tác giả đã thú nhận: mất 5 năm để dựng bố cục, và chỉ viết trong hai tháng thì xong.

- Một đặc điểm khác về bố cục theo lối Tây phương là tác giả chỉ mô tả, kể chuyện, không bộc lộ cái tôi của mình một cách lộ liễu trực tiếp hoặc dùng lối văn nghị luận, giảng thuyết. Về điểm này, có lẽ Hồ Biểu Chánh thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên hơn Victor Hugo. Đôi lúc Victor Hugo cho xen vào việc mô tả lời bàn, phê phán của người kể chuyện (tác giả những dòng này nghĩ rằng:) Hồ Biểu Chánh cũng nói tới đạo đức nhưng không cho người đọc cảm tưởng là tác giả luận giảng vì những lý tưởng đạo đức được diễn tả bằng những lời đối đáp giữa các nhân vật...

Về thứ tự, thời gian các sự việc xảy ra: Hồ Biểu Chánh tôn trọng trật tự liên tiếp đúng như trong thực tế: cái gì xảy ra trước, nói trước. Ngữ pháp Việt Nam cũng tôn trọng trật tự liên tiếp này (Tôi đi Tỉnh về nhà, khác với trật tự ngữ pháp của tiếng Pháp: Je reviens de la ville).

Trái lại, Victor Hugo sắp xếp sự việc theo trật tự cái gì muốn nhấn mạnh, đề cao quan trọng nói trước. Mở đầu câu chuyện, Victor Hugo tả cuộc đời Giám mục Myriel rồi mới nói tới J. Valjean và kể ngay lúc được thả, được Giam mục đón tiếp, cho ăn, cho ngủ và chỉ lúc ngủ, tác giả mới ngược dòng thời gian kể lai lịch gốc gác Valjean từ bé... Hồ Biểu Chánh bắt đầu kể gốc gác, lai lịch quê quán của Lê Văn Đó, rồi mới nói những chuyện kể xảy ra: ăn cắp, bị tù, được thả, gặp Hòa thượng, giới thiệu cuộc đời Hòa thượng...

Một đặc điểm khác quan trọng, Hồ Biểu Chánh tiếp thu văn hóa Tây phương về quan niệm viết tiểu thuyết hiện đại là: không dụng những nhân vật điển hình. Trong hầu hết các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh, chúng tôi không hề thấy ông dụng một mẫu người cố định nào: ông Hội đồng, ông Đốc phủ, ông Điền chủ không nhất thiết là người xấu, còn người nghèo nhất thiết là người tốt... Vì trong thực tế không thể có những khuôn cố định theo quy ước như vậy, vì thế các nhân vật của Hồ Biểu Chánh đều rất sống động và hấp dẫn, gây xúc động vì tạo ra những bất ngờ lý thú, không như người đọc quen dự đoán khi đọc các truyện cổ điển, ảnh hưởng Trung Quốc.


Sứ mệnh nhà văn:

Nhiều nhà phê bình coi cuốn LES MISERABLES là một tiểu thuyết xã hội, một thiên anh hùng ca về đại chúng, cho đại chúng. Ngược lại có nhà phê bình khác lại cho rằng nếu hiểu tiểu thuyết xã hội là mô tả tầng lớp lao động, tiểu nông của thời kỳ đó thì cuốn LES MISERABLES không phải là tiểu thuyết xã hội vì Victor Hugo đã bỏ qua không nói đến hai tầng lớp trên mà chỉ mô tả những lầm than xã hội (tiểu thuyết qua những nhân vật Thénardier, Glaqueson Montparnasse) mà xã hội nào cũng có (20).

Người ta cũng có thể nói NGỌN CỎ GIÓ ĐÙA là một tiểu thuyết xã hội hiểu theo nghĩa mô tả những cảnh cùng cực của những hạng người nghèo khổ hay bị áp bức về xã hội, phàm tính... và hiểu rộng như vậy, cả hai tác phẩm (nguyên tác và phóng tác) đều là những tác phẩm lớn, có giá trị riêng biệt...
Nhưng nếu đi xa hơn để tìm hiểu lý do làm cho người đọc hôm nay vẫn xúc động, chúng tôi nghĩ rằng cả hai nhà văn đều đạt tới chỗ diễn tả một cái gì vượt khỏi những khía cạnh chính trị xã hội phải tính.
Đó là cuộc chiến đấu với chính mình, một cuộc chiến đấu khó khăn, cam go nhất vì không phải chỉ để lướt thắng cái xấu, cái tiêu cực nơi mình, mà chính là để vượt qua từ bỏ, không bám víu vào ngay cả những cái tốt, đẹp, rất chính đáng, hy sinh dành cho người khác. Con người đạt tới chỗ quên mình hoàn toàn, quên cả những cái mình tha thiết yêu quí nhất (tình cảm, tình yêu...) vì người khác, không còn có cái gì nữa, chỉ còn là bản thể sâu - nhiệm của con người (21).
Trong LES MISERABLES cuộc chiến đấu trên đã diễn ra thật quyết liệt, căng thẳng vì các nhân vật bày tỏ những thắc mắc, nghi ngờ hoặc bộc lộ những bí mật về con người, cuộc đời của mình. Trái lại trong NGỌN CỎ GIÓ ĐÙA cuộc chiến đấu được diễn ra một cách thầm lặng, bên trong, vì không ai nêu lên thắc mắc và cũng không có những tiết lộ bí mật đau thương về con người, cuộc đời của mình.
Tuy mô tả cuộc chiến đấu với chính mình một cách khác nhau, cả hai nhà văn đều thực hiện được điều mà chúng tôi gọi là "Sứ mệnh của nhà văn": làm cho người đọc, ở những hoàn cảnh khác nhau thuộc những dân tộc, văn hóa khác nhau cảm thấy xúc động mãnh liệt trước những gì là nhân loại, tình người quảng đại và cao quí nhất, đáp lại những thách thức của thân phận ở đời và sau cùng của cái chết.
-----------------------Chú thích
(1). Tạp chí Văn giai phẩm. Số đặc biệt và "hiện tượng sách dịch Saigon 1973", trang 29.
(2). Nguyễn Văn Xuân "Khi người lưu dân trở lại" trang 97. Riêng về điểm gọi là hoang đường nhảm nhí trong truyện Tàu, chúng tôi thấy đó không phải là nét chính lôi cuốn người đọc, hơn nữa cách nhìn như vậy cũng chỉ là chủ quan, dựa vào cái lý hiện nay của mình mà coi những gì vượt khỏi lý là phi lý hoang đường. Nhưng cái "kỳ quặc" của ngành điện tử ngày nay có khác gì cái hoang đường trong truyện Tàu. Nếu không có cái giả tưởng hoang đường làm sao có tiến bộ, nghĩa là thực hiện cái lý được mở rộng? Vì thế cố chấp trong khuôn khổ cái lý của một thời kỳ phải chăng là một "thái độ bảo thủ"?
(3). Một người Pháp tìm hiểu văn chương Việt Nam hồi đầu Pháp chiếm Nam Kỳ đã đưa ra một lập luận khác lạ về Lục Vân Tiên và Kim Vân Kiều. Theo người Pháp này, gán cho Nguyễn Đình Chiểu là tác giả Lục Vân Tiên không đúng vì Nguyễn Đình Chiểu chỉ ghi lại bằng chữ nôm một tác phẩm vô danh đã có từ lâu đời (thời thượng cổ) ở Bắc Kỳ và mới được du nhập vào Nam Kỳ sau này mà thôi. Lục Vân Tiên là tác phẩm mà những nhà thơ hát dạo ở thời kỳ đầu như Orphée vào thời kỳ nguyên thủy bên Hy Lạp, đó là tác phẩm truyền miệng chưa được ghi bằng chữ viết, vì thế đã có nhiều bản... Nó có tính chất một anh hùng ca vì bao gồm hai yếu tố cấu tạo của thể loại này. Một yếu tố đáp lại những đòi hỏi vật chất của con người, một thỏa mãn những khát vọng của tinh thần. Trái lại Kim Vân Kiều không phải là anh hùng ca vì thiếu hai phần cấu tạo trên và thua xa Lục Vân Tiên ngay cả trên bình diện văn chương: Lục Vân Tiên có thể so sánh với Iliade, còn Kim Vân Kiều, một thứ tiểu thuyết diễm tình với cuốn Justine của Marquis de Sade xuất bản vào năm 1788 kể như cùng thời với cuốn Kiều. Một ngẫu nhiên!
Người Pháp này không cho biết đã căn cứ vào đâu mà đưa ra những nhận định, so sánh, đánh giá kể trên. Nhưng bây giờ thiết tưởng có thể coi như một gợi ý lý thú, Nhận xét của người Pháp cho thấy Lục Vân Tiên không phải của riêng miền Nam mà là của cả nước, vì xuất xứ từ miền Bắc, chỉ làm cho tác phẩm tăng thêm kích thước và giá trị... Thật rất khó xác định về phương diện nghiên cứu lịch sử xuất xứ nguồn gốc tác phẩm, nhưng có thể mượn lối nghiên cứu đối chiếu, dựa vào phân tích cấu trúc các thể loại văn học, ở đây thể loại anh hùng ca để tìm hiểu xem Lục Vân Tiên có phải là một anh hùng ca hay không? Villard - Etudes sur la littérature annamite BSEI No 8 Saigon 1880 - page 286.
(4). Con cháu của dân vùng Cái Sắn (Rạch Giá) bây giờ phong lưu nhưng cách đây ba mươi năm thì cha ông họ đã phải vất vả, bền bỉ kiên trì.
(5) Có bán tại nhà in Union.
(6) Thun: chắc tác giả muốn nói chữ "thung", chỉ người cha.
(7) Trang Tử Minh muốn nói không có tội ăn cắp nữ trang như Hồ Quốc Thanh đã vu cáo.
(8). Tiểu thuyết của Michel Tình tự viết.
(9) Giữ mọi bản quyền.
(10) Ba chàng ngự lâm pháo thủ
(11) Nguyên Khuê đã được ông Hồ Văn Kỳ Trân, con ông HBC cho đọc. Trích lại của Nguyên Khuê trong "Chân dung Hồ Biểu Chánh" Lửa Thiêng 1974.
(12) Hồ Hữu Tường nói về cảm nghĩ đọc Hồ Biểu Chánh: "Lúc ở Việt Nam đọc "Ngọc cỏ gió đùa", "Chúa tàu Kim Quy"... tin rằng Hồ Biểu Chánh đã dựng nên những chuyện hoàn toàn Việt Nam. Khi sang Pháp học, đọc Victor Hugo, A. Dumas... thấy Hồ Biểu Chánh cảm đề, phóng tác, nhưng rồi vẫn trở về lại thích đọc Hồ Biểu Chánh hơn". "Nhưng mà đọc những nguyên tác kia, tôi không thú vị bằng đọc Hồ Biểu Chánh. Bởi vì chính là những tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh mới giúp cho tôi nhập mộng mà trở về quê nhà sống gần gũi với những đám trẻ bụng chang bang, con heo kêu ọt ẹt bên cạnh sân nước".
"Nhập mộng và tỉnh mộng" trong VĂN, số tưởng niệm Hồ Biểu Chánh số 80 ngày 15 Avril 1967 Saigon, trang 32.
(13) Tính tình khoa phân biệt người sơ đẳng tính và người nhị đẳng tính "một đàng cảm xúc phản ứng tức thời, một đàng phản ứng chậm lâu dài về sau. Xem tủ sách tính tình khoa do Bené la Senne chủ trương. P.U.F. ở Việt Nam có vài người thử áp dụng vào việc tìm hiểu tâm lý các nhà văn chẳng hạn xem Nguyễn Đình Giang: "Thử tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều theo phương pháp mới". Đại học số 8 Huế 1959. Bác sĩ Hồ Văn Minh; Tính tình học, tác giả xuất bản Saigon 1973 (Tính tình Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Tản Đà, Thế Lữ, Huy Cận, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân v.v...).
(14) Trong nhiều truyện sau của Hồ Biểu Chánh, hay có câu viết "nói phứt cho rồi" biểu lộ cá tính nhân vật người miền Nam của tác giả và cá tính bộc trực này không thể cho phép cấu tạo những kỹ thuật bố cục ly kỳ phức tạp (intrigues).
(15) Bibliothèque de la jeunesse. Nhà xuất bản Hachette.
(16) Bản này đã được đọc trong hội nghị khoa học, kỷ niệm 100 năm ngày mất của Victor Hugo do trường Đại học Sư phạm phối hợp với Viện Trao đổi Văn hóa Pháp tổ chức ngày 23-5-1985 tại Thành phố Hồ Chí Minh.
(17) Bài phỏng dịch "Ái tình" đăng trong Nam Kỳ tuần báo số 70 ngày 10-2-1944, ký bút hiệu Thế Tiên.
(18) Tác giả viết xong năm 1926, bản in lần thứ 9 - Mỹ Phương Sàigon 1974, 484 trang.
(19) Nhiều tác phẩm sau này của HBC lấy khung cảnh xã hội thời Pháp thuộc, cũng nói đến lớp người nghèo khổ ở thành thị (người lao động, và trẻ con bụi đời sống trên vỉa hè đường phố, bán báo như trong "Lạc đường" viết 1937).
(20) Ý kiến của Marcel Aymé trong "Les éceivains célèbres" tome III, Ed. d'Art Lucien Mazenod Paris 1953, trang 49.
(21) Chúng tôi đề nghị bạn đọc hiểu nội dung từ "Vượt" ở đây theo nghĩa khai niêm "Aufhebung" của Hagel: vượt mà vẫn giữ lại cái bị vượt, từ "vượt" trong tiếng Việt và từ "dépassement" trong tiếng Pháp không diễn đạt được ý của từ tiếng Đức. Hiểu như vậy, khi nói: vượt những đấu tranh chánh trị, xã hội... không phải là xóa bỏ mà vẫn là giữ lại cái tích cực, cái chính đáng của những đấu tranh đó, chỉ đưa lên bình diện cao hơn, phong phú hơn mà thôi. Chúng ta làm một giao lưu văn hóa về phê bình văn học. Ở đây chúng tôi cũng dùng cặp khái niệm khác: être et avoir (hiện thế và sở hữu) của nhà triết học Gavriel Marcel để diễn tả cái ý về con người thật sự chỉ là người khi vượt những cái mình có.
 
© Copyright Nguyễn Văn Trung 1980, 2005

No comments:

Post a Comment