Thursday, February 14, 2013

Chế độ lý lịch, tình yêu và hôn nhân trong ‘Bên Thắng Cuộc’


Vũ Ánh

Những ai đã từng có cơ hội đọc bản dịch tiếng Anh tác phẩm “Mein Keimf” (My Struggle hay My Battle) từ nguyên tác tiếng Ðức của Adolf Hitler nhà độc tài khét tiếng của Ðức Quốc Xã hồi Ðệ Nhị Thế Chiến hẳn sẽ thấy ở Chương 11 khi nói về “Quốc Gia và Chủng Tộc,” nhà độc tài này đã có những suy nghĩ vừa hoang tưởng, vừa điên loạn về một giống người Ðức da trắng tóc vàng, có bộ não siêu việt, chỉ số IQ lớn hơn bất cứ một giống dân nào khác trên thế giới mà những nhà khoa học Ðức Quốc Xã gọi đó là người da trắng thuần chủng nhất: người Aryan!
Nhưng các dân tộc ở Âu Châu đều hiểu rằng quan điểm mà người ta cho là hoang tưởng của ông ta thực ra bắt nguồn từ lòng thù hận một chủ ngân hàng người Do Thái ở Berlin. Adolf Hitler đã dùng quan điểm chủng tộc này để gọi người Do Thái là một sắc dân “bủn xỉn, keo bẩn, sống ở xã hội nào thì tìm cách lũng đoạn xã hội ấy” và ông ta cho rằng “người Do Thái không đáng sống trên cõi đời này.” Kết quả khi Hitler chiếm gần hết Âu Châu, 6 triệu người Do Thái bị loại ra khỏi thế giới trong những phòng hơi ngạt và lò thiêu và người Ðức bị cấm kết hôn với các chủng tộc khác vì Hitler sợ họ bị lai giống. Sau khi Ðức Quốc Xã tan rã nước Ðức đã mất nhiều công của để sửa chữa lại những trang sử chủng tộc do Hitler tưởng tượng ra, tuy nhiên công việc này ngày nay vẫn chưa hoàn tất được.
Giữa lúc chuyện kỳ thị chủng tộc chỉ còn là một đống tro tàn thì khoảng thập niên 50, một loại kỳ thị khác lại xuất hiện ở Việt Nam: kỳ thị của người cộng sản đối với người Việt không cộng sản. Tác phẩm “Ly Thân” của Trần Mạnh Hảo xuất hiện đã trở thành một trái bom dư luận ngay trong văn đàn được gọi là “văn học cách mạng” tại Việt Nam thời đảng Cộng sản Việt Nam đang “đổi mới tư duy.” Trần Mạnh Hảo đã trình bày trong truyện của ông những bi kịch khi Ðảng buộc đảng viên phải bỏ vợ hay bỏ chồng để lấy người do đảng chọn cho. Những bi kịch ấy là những điều mà đảng viên đảng CSVN và người dân Miền Bắc đều biết, nhưng không ai dám viết ra cho đến khi cuốn “Ly Thân” ra đời. Tiếp theo đó, là câu chuyện đầy nước mắt do Thế Giang viết về cuộc đời của ông Ðặng Ðình Hưng, bố của nhạc sĩ dương cầm Ðặng Thái Sơn. Bà vợ ông cũng là một dương cầm thủ đã bị đảng ngầm áp lực phải ly thân với ông Hưng chỉ vì chồng bà dính dấp vào vụ án Nhân Văn và Giai Phẩm.
Cái oái oăm nhất của lịch sử chính là chiến thắng năm 1975 của Cộng sản miền Bắc mang đến cơ hội tốt cho chủ nghĩa lý lịch lại bùng lên, lan tràn hơn trong một giai đoạn khá dài. Người bạn tù vong niên của tôi ở trại Hàm Tân Z-30C là một bác sĩ quân y mà tôi không tiện nêu tên đã có một cô con gái lớn khi ông phải đi cải tạo sau 30 tháng 4, 1975 vì cấp bậc của ông lúc bấy giờ đã là thiếu tá. Sau đó, con gái ông gặp và yêu một bác sĩ từ Hà Nội chuyển vào làm việc cho một bệnh viện lớn ở Saigon, nơi cô đang công tác. Họ kết hôn và trong chuyến thăm nuôi trước khi ông bị chuyển trại, vợ ông báo có cả con rể đi theo. Nghe đến con rể là ông nhất định không ra thăm gặp. Bạn bè trong tù khuyên ông bề nào thì tình yêu cũng không có biên giới mà con tim bao giờ mà chẳng mù lòa. Vả lại các con ông có đời sống và suy nghĩ riêng của chúng về tình yêu, về hạnh phúc, có nghĩa là “các con ta không phải là ta, nhưng vẫn là con ta.” Mười bốn năm sau khi được thả về, tình cờ gặp lại ông tại một bệnh viện đa khoa ở Chợ Lớn, nơi ông đang phục vụ sau khi được tha vào năm 1982, tôi có gợi lại chuyện cũ thì ông nói, “Ổn thỏa rồi. Các cậu nói đúng, con ta đếch phải là ta. Chúng nó có hai con rồi và tôi cũng yên phận ở đây để hành nghề cũ.” Bạn tù của tôi không đi Mỹ theo diện H.O, ông chọn ở lại vì nghĩ rằng ở đâu thì cũng phục vụ bệnh nhân. Khi chuyển sang các trại khác trong suốt những năm lưu đày, tôi cũng đã biết thêm nhiều bi kịch của chủ nghĩa lý lịch trong tình yêu và hôn nhân, nhưng tôi thấy cuối cùng thì mọi chuyện cũng “ổn thỏa” cả nếu những người trong cuộc kiên quyết bảo vệ tình yêu và hạnh phúc của mình.
Tuy nhiên, khi còn bị tù trong trại lao cải Hàm Tân Z-30C, bi kịch đau lòng nhất lại không phải là tình duyên ngang trái của con cái chúng tôi vì chế độ lý lịch mà là chuyện liên quan đến nghĩa vụ với nước non của chúng khi trưởng thành trong khi chúng tôi vẫn ngồi tù. Ðầu tháng 8 năm 1978, một bạn tù khác của tôi, Ðại úy NTÐ một hôm được gọi ra thăm nuôi đặc biệt. Một giờ đồng hồ sau, anh bước vào phòng giam sau giờ cơm trưa, quăng giỏ quà xuống nằm vật ra khóc như một đứa trẻ. Anh em an ủi thì Ð. đưa ra một tờ giấy cho chúng tôi xem: đó là giấy vinh danh liệt sĩ cấp cho gia đình anh vì cậu con trai cả là Thanh Niên Xung Phong (TNXP) đã hy sinh trên chiến trường Campuchia. Ðại úy Ð. lúc đó đã là bố liệt sĩ tiếp tục cải tạo cho đến 1982 mới được thả về. Một năm sau, anh cùng đứa con trai thứ hai vượt biển, nhưng cho đến trước năm tôi đi định cư tại Hoa Kỳ 1992 gia đình anh vẫn không nhận được tin tức gì về hai bố con anh. Có lẽ họ đã mất tích trên biển Ðông!
Phản ứng của những bạn tù của tôi nhất định không phải sự kỳ thị, bởi họ đều ở trong phe bại trận, hiểu được cái thân phận mong manh và bất trắc của mình trong tình thế vào lúc đó. Chẳng qua đó chỉ là phản giận dữ và cay đắng nhất thời của những người vừa mới đầu hàng tưởng như mọi hy vọng bản thân và gia đình mình đều đã tắt ngấm. Nhưng ngược lại sự kỳ thị của những người vừa thắng trận không phải chỉ là một phản ứng tự nhiên. Nó được đóng khung bởi một chính sách hẳn hòi. Nếu đối với những cựu sĩ quan và cựu công chức cao cấp, chính quyền Cộng sản muốn giam giữ họ bằng án tập trung vô hạn định để qua những năm tháng tù đày với chính sách hà khắc, phản ứng chống đối của họ sẽ nhạt đi và có khi họ còn không bảo toàn được nhân phẩm. Họ được thả ra với một ý thức rõ rệt là mình sống mà như đã chết. Những cựu sĩ quan trẻ hơn, về sớm hơn đều bị đẩy lên vùng kinh tế mới cũng nằm trong ý đồ rất tinh vi của nhà cầm quyền Cộng sản.
Những chuyện như thế, tôi nghĩ xảy ra nhiều trong những năm sau ngày 30 tháng 4, 1975 về phía bên thua cuộc, nhưng nó đã không được viết ra trên giấy vì nhiều lý do mà lý do chính là không ý thức được rằng đến một ngày nào đó sẽ có những người phải nói ra và những người ấy có khi không ở phe mình mà lại ở phe chiến thắng, điều mà nhiều người Việt Nam ở hải ngoại vẫn cho rằng đã là Việt Cộng thì khi viết về những điều nhạy cảm cũng chỉ là ca ngợi Việt Cộng, là nhận lệnh, là bào chữa cho độc tài hay những sai lầm của chế độ. Từ trước đến nay chúng ta, những người thua cuộc chạy được sang đây vẫn dùng một hình ảnh rất bóng bẩy để mô tả Việt Nam là một nhà tù vĩ đại, nhưng ít chi tiết ở bên trong, hay có thì cũng chỉ là vài tảng mầu đen đúa dành cho số phận của những người bên thua trận. Còn những người bên thắng trận, họ giữ những vai trò gì trong những việc tưởng như có thể thay đổi được con người, làm cho con người sống tốt đẹp hơn cái xã hội mà họ nghĩ là xấu xa, thì kể từ thời “đổi mới tư duy” của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, nó mới được hé mở cho thấy một góc hậu trường chính trị của những người Cộng sản mà thôi.
Kịp cho đến khi Huy Ðức một nhà báo, một blogger xuất thân từ xã hội Cộng sản, từng sống thời niên thiếu, lớn lên và vào đời trong cái xã hội nghèo đói và nhốn nháo quyền lực, chúng ta có thêm những chi tiết trong bức tranh toàn cảnh của một bi kịch mà đất nước Việt Nam đã và đang trải qua. Cách riêng, trong tuần này, tôi viết ra những suy nghĩ của tôi về điều mà tác giả “Bên Thắng Cuộc” gọi là “cánh cửa” Thanh Niên Xung Phong khi ông Võ Văn Kiệt giao cho thành đoàn tổ chức nhắm đoàn ngũ hóa một lực lượng thanh niên để đi khai khẩn đất hoang. Thực ra thì trong bài diễn văn ngày 28 tháng 3, 1976, tại sân vận động Thống Nhất (sân vận động Cộng Hòa thời VNCH) dù ông Võ Văn Kiệt có nói những điều gì tốt đẹp khi phát động phong trào này đi nữa, người ta vẫn có thể nhìn ra một điều: nhà cầm quyền quân quản vẫn thấy mối nguy hiểm tiềm ẩn trong giới thanh niên đô thị thời bấy giờ. Rút kinh nghiệm khi Cộng sản tiếp thu miền Bắc, nhà cầm quyền Cộng sản miền Nam nghĩ ngay đến nguồn gốc của chống đối và họ ngăn chặn bằng cách đoàn ngũ hóa khối thanh niên này gồm đủ thành phần như Huy Ðức mô tả: con em các gia đình “có công với cách mạng,” thành phần lính VNCH (lúc đó thường bị gọi là lính “Ngụy”), có cả thành phần xì ke, ma túy, mãi dâm. (tác giả dùng ngoặc kép trong những từ ngữ như Ngụy, đĩ điếm và đã giải thích lý do tại sao anh sử dụng cách này để tránh ngộ nhận trên Facebook). Khối người này không phải nhỏ mà có đến hơn 60,000 người bị đẩy một cách khéo léo ra khỏi các thành phố để về những vùng rừng núi hay các vùng kinh rạch ở biên giới và giao cho vài trò khẩn hoang.
Chúng ta không nên vội vã phê phán khối thanh niên ở Saigon vào những tháng sau 30 tháng 4, 1975 là dễ bị lôi kéo hay bị bịt mắt. Ðây không phải là lần đầu tiên, người dân miền Nam chứng kiến và trải qua những kế hoạch đoàn ngũ hóa thanh niên, sinh viên học sinh của các chính quyền VNCH trước 30 tháng 4, 1975. Tất cả, từ công tác thành lập Tổng Ðoàn Thanh Niên Cộng Hòa thời Tổng Thống Ngô Ðình Diệm cho đến việc thành lập Tổng Ðoàn Thanh Niên Trừ Gian thời nội các chiến tranh, việc đoàn ngũ hóa thanh niên các thành phố thành Lực Lượng Nhân Dân Tự Vệ sau cuộc Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 của cộng sản, đều thất bại. Lực lượng đoàn ngũ hóa thanh niên dưới hình thức những Ðoàn 59 người của Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn là có những thành công đáng kể trong công tác bình định và xây dựng. Ðây là lực lượng đoàn ngũ hóa thanh niên được huấn luyện kỹ nhất về tư tưởng qua tín niệm: “Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn, đi dân nhớ, ở dân thương” tại Trung Tâm Huấn Luyện Quốc Gia Vũng Tầu thời Ðại Tá Nguyễn Bé. Quả thật qua những dự án dân sinh và sống sát sườn vối dân chúng nông thôn, những người cán bộ áo đen này đã được dân nhớ khi đi và dân thương khi ở! Chỉ tiếc một điều những nhà lãnh đạo VNCH không được trang bị khả năng nhìn xa và quá tin vào quyền năng của cây súng cho nên đã để cho một lực lượng dầy dạn kinh nghiệm chính trị mai một và dẫn tới hậu quả là họ đã vào tù hết, tù rất nặng sau khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay cộng sản.
Hoàn cảnh của khối thanh niên tại Saigon cũng như tại những đô thị lớn ở miền Nam sau 30 tháng 4, 1975 là một hoàn cảnh rất đặc biệt. Họ là những thanh niên mới lớn, phần lớn là con cháu của những người lính VNCH, những thành phần “cách mạng 30-4,” thành phần du thủ du thực và mãi dâm như Huy Ðức mô tả. Trong đó, tất cũng có một số thuộc thành phần gia đình có công với cách mạng nhưng xã hội mới không đủ công ăn việc làm cho họ. Sau khi khoảng một trăm ngàn sĩ quan quân đội và viên chức chính phủ VNCH bị đẩy lên những xe bít bùng rời Saigon vào ban đêm để đến hàng trăm trại cải tạo ở miền Nam cũng như miền Bắc, khối thanh niên nói trên trở nên rất hoang mang. Họ có cảm tưởng như mình là những cây còn non, bị nhổ khỏi đất không biết người ta sẽ đem trồng ở đâu. Từ tình trạng lêu bêu, không công ăn việc làm, không thể tự nguyện lên sống ở những vùng kinh tế mới, con đường đi đến cổng nhà tù hay bị gạt ra khỏi guồng máy chỉ còn là một con đường ngắn. Giữa lúc như thế, kế hoạch của ông Võ Văn Kiệt giao cho thành đoàn tổ chức lực lượng Thanh Niên Xung Phong trở thành một kế hoạch “cứu tinh” đối với khối thanh niên này. Nhân chứng Trần Ngọc Châu một giáo sư Anh Văn tại Saigon vào thời đó cho biết nhiều thanh niên gia nhập lực lượng TNXP cũng chỉ vì hy vọng rằng họ sẽ tránh được đòn kỳ thị. Ông nói:
“Nhiều người chỉ vì thấy ông bí thư cộng sản gọi họ là em mà đi (TNXP).”
Sau một thời gian đi vận động người khác, chính ông Châu cũng nhận ra con đường tốt để trụ lại trong chế độ mới là “chọn cánh của TNXP.” Theo Huy Ðức, giữa rừng U Minh, giữa chiến khu Dương Minh Châu... mùa mưa thì nước ngập mênh mang, mùa khô thì phải chia nhau từng giọt nước ngọt, ăn không đủ no, rồi thì đỉa, vắt và đủ thứ bệnh tật, nhưng chỉ có một thứ thuốc lá cây duy nhất để chữa là “xuyên tâm liên,” thế mà họ sống với nhau không câu nệ quá khứ. Tuy nhiên, những nhân chứng như Trần Ngọc Châu hay Nguyễn Nhật Ánh lại phải trải qua những điều lo sợ khác. Những lời lẽ tốt đẹp của ông Kiệt trong lễ xuất phát TNXP năm 1976 dường như khác với thực tế của đêm 26 tháng 3, 1978, tức là đêm thành đoàn tổ chức lễ gia nhập Ðoàn cho thanh niên xung phong, trong đó Trần Ngọc Châu (lý lịch trắng) thì được gia nhập nhưng Nguyễn Nhật Ánh thì bị từ chối. Nhân chứng Trần Ngọc Châu mô tả:
“Ông Võ Văn Kiệt đến, mặc bộ đồ thanh niên xung phong, đầu đội nón tai bèo đứng lên đánh trống. Hình ảnh ông Kiệt sừng sững...”
Nhân chứng Trần Ngọc Châu còn nói rằng vào Ðoàn khi ấy là thiêng thiêng lắm. Nhưng tác giả “Bên Thắng Cuộc” lại nhận định với một cái nhìn khác:
“Vào đoàn là thiêng liêng lắm, nhưng ‘ánh đuốc’ đêm ấy không thể roi sáng đến tất cả mọi người. Cũng như Trần Ngọc Châu, Nguyễn Nhật Ánh đã dùng cuốc chim cuốc đá ong đào kênh cho đến khi tay tóe máu vẫn không được vào đoàn chỉ vì có cha là ‘Ngụy.’ (Ngôn ngữ mà những người bên thắng cuộc dùng để gọi các sĩ quan, viên chức chính phủ VNCH. Viết chữ hoa, dùng đóng, mở ngoặc kép là một cách phủ nhận việc gán ghép này. Thân sinh của Nguyễn Nhật Ánh vốn là trưởng ty Chiêu Hồi tỉnh Quảng Trị). Cánh cửa thanh niên xung phong mà ông Kiệt thiết lập không đủ rộng cho các thanh niên miền Nam bước vào chế độ mới.”
Nhưng theo Huy Ðức, trên đây không phải là hình thức kỳ thị duy nhất chỉ về phương diện gia nhập đoàn, đảng. Những hình thức kỳ thị khác còn được thể hiện trong cả tình yêu và hôn nhân, một kiểu kỳ thị môn đăng hộ đối thời phong kiến. Tác giả “Bên Thắng Cuộc” đưa ra một loạt những nhân chứng điển hình trong hàng ngũ Thanh Niên Xung Phong từng trải qua tình yêu và hôn nhân phải “xin, cho”: Nguyễn Nhật Ánh và Trần Thị Tiếng Thu, Nguyễn Thế Dũng con trai một Ðại tá Việt Cộng Nguyễn Thế Truyện Sư Ðoàn 9 và Lê Bích Thúy con trai Trung tá Quân đội VNCH Lê Văn Ðương đang bị cải tạo, cô Võ Thị Bạch Tuyết giám đốc Nông Trường Ðỗ Hòa và Ðại úy Quân Y/VNCH, Bác Sĩ Thiều Huỳnh Chí sau khi ông đi tù cải tạo về năm 1978. Kết quả cuối cùng họ đều trở thành vợ chồng nhờ vào tinh thần tranh đấu kiên quyết của và “sự can thiệp của ông Sáu Dân (bí danh của ông Kiệt)” theo lời kể của nhân chứng Võ Viết Thanh.
Năm 1978, Việt Nam đưa quân sang Cambodia để tiêu diệt chế độ Pol Pot. Lực lượng thanh niên xung phong được đẩy sang phục vụ chiến trường này, được gọi là chiến trường K. Ngoài nhân chứng Võ Viết Thanh, không phải nhà lãnh đạo nào của lực lượng thanh niên xung phong cũng có “một ngày sống với anh em” để biết sự tàn bạo của quân Pol Pot. Ông Trần Ngọc Châu cho biết thêm:
“Công việc làm đường, tải thương và tiếp tế đạn đôi khi còn nguy hiểm hơn cả những người tác chiến. Trung đội tôi quân số 50 thanh niên xung phong, có đến 30 người chết.”
Ðó là chưa kể đến những trung đội khác. Nhiều nữ thanh niên xung phong bị tử thương, bị thương, bị bắt và bị hãm hiếp trước khi bị giết. Nhân chứng Võ Viết Thanh còn nhấn mạnh thêm một yếu tố khá quan trọng: nếu không có sự kiên quyết của ông Võ Văn Kiệt, các đơn thanh niên xung phong còn không được cấp vũ khí. Họ vẫn sợ giao súng cho TNXP và ông Võ Viết Thanh tỏ ra không hiểu vì sao lại như vậy, nhưng nếu có ai đọc lại lịch sử của những đơn vị tác chiến trên bộ hay trên không của người Mỹ Da Ðen thời Ðệ Nhị Thế Chiến thường được gọi bằng từ ngữ Turkegee (tên của một thành phố da đen ở Alabama) bị giới hạn phục vụ Quốc Gia Hoa Kỳ bởi bị ảnh hưởng những đạo luật phân biệt chủng tộc Jim Crow Laws thì sẽ có thể hiểu được lý do tại sao những chàng thanh niên, thanh nữ Việt miền Nam trang phục quần áo xanh lá cây, nón tai bèo lại “mờ mắt” đến như vậy. Tôi cho rằng không nên vội vã kết luận mà nên tìm hiểu để tạm so sánh tại sao những chàng phi công da đen của Mỹ được gọi là Turkegee Airmen tranh đấu cho bằng được “quyền quyết tử” để bay ra chiến trường chống lại Không Quân Ðức Quốc Xã. Họ đã làm nên lịch sử cho người Mỹ gốc Phi Châu, cho Hiệp Chúng Quốc và đồng thời là một phương pháp chống lại sự kỳ thị vô lý của những đạo luật vô lý trói chân họ trong việc phục vụ đất nước Hoa Kỳ.
Cho nên, theo tôi, có thể có nhiều cách nhìn khác nhau về lượng thanh niên xung phong dưới chế độ Cộng sản và với những quan điểm chính trị khác nhau. Nhưng phải hiểu rằng họ là những thanh niên chưa gắn bó nhiều với cuộc chiến ý thức hệ, có cách nhìn và chọn đường đi của mình sao cho họ không bị gạt ra ngoài xã hội miền Nam Việt Nam như những người thua cuộc. Số phận của chế độ cũ đã an bài trong khi số phận của họ tùy thuộc vào tương lai chế độ chính trị mới ở miền Nam. Vì thế cho nên, năm 1982, khi tờ “Tuyến Ðầu” của lực lượng Thanh Niên Xung Phong bị giải tán, Nguyễn Nhật Ánh, Ðỗ Trung Quân, Trần Ngọc Châu, Nguyễn Ðông Thức trở về. Theo Huy Ðức, bộ đồng phục xanh lá cây đã làm họ thay đổi rất nhiều sau khi thấm mồ hôi và cả máu. Huy Ðức nhấn mạnh về lý do tại sao những thanh niên xung phong lại chịu nhận những điều kiện khắt khe ấy:
“Thanh niên xung phong là tấm giấy thông hành đem lại ít nhiều kiêu hãnh cho những người có nó. Chế độ mới đã coi những tấm giấy ấy như một chứng chỉ hoàn thành cuộc sát hạch vinh quang. Hơn sáu vạn (60,000) giáo sư, bác sĩ, sinh viên thanh niên lẽ ra có thể dành những năm đẹp nhất của cuộc đời mình để cống hiến cho xã hội những gì họ thành thạo nhất. Vậy mà, để được chế độ thừa nhận, họ đã phải xuống biển, lên rừng, bàn tay chai sần đi và kiến thức chuyên môn thì mai một.”
Liệu đây có phải là lời cáo buộc thầm kín nhưng rất thấm thay cho những lời lên án cuồng nộ đối với chế độ hiện nay tại Việt Nam trong những thập niên gần đây và sau này không? (VA)

No comments:

Post a Comment