Friday, February 15, 2013

BÊN THẮNG CUỘC - QUYỂN II - QUYỀN BÍNH Phần IV Tam nhân Chương 19 Đại hội VIII


Đại hội VIII
    
iữa thập niên 1990, đổi mới có khuynh hướng chững lại. Đây là giai đoạn trong Đảng vẫn có những người được coi là “bảo thủ”, có những người được coi là “đổi mới”. Các nỗ lực phát triển kinh tế theo hướng thị trường rất có thể bị các nhà lý luận quy là “chệch hướng”; các nỗ lực dân chủ hoá cũng có thể bị quy là “diễn biến hoà bình”. Trong tình hình đó, thay vì có những tháo gỡ về mặt lý luận để tránh tụt hậu và tiếp tục cải cách, Đại hội VIII, diễn ra đầy kịch tính vào cuối tháng 6-1996, chủ yếu để những nhà lãnh đạo tuổi cao sắp xếp các vị trí cầm quyền trong Đảng.

Khúc dạo đầu

Nhân sự Đại hội VIII được chuẩn bị trong tình huống Tổng bí thư Đỗ Mười đã bước vào tuổi tám mươi, người trẻ nhất trong “tam nhân” - ông Võ Văn Kiệt - cũng sắp bước sang tuổi bảy mươi tư, còn ông Lê Đức Anh vừa tròn bảy mươi sáu.
Trưởng Ban Bảo vệ Trung ương Đảng khoá VII, ông Nguyễn Đình Hương, nói: “Xu thế chung là muốn có sự thay đổi để đưa một thế hệ lãnh đạo hoàn toàn mới lên. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng đất nước ở giai đoạn cực kỳ quan trọng mà thay cùng lúc ba ‘cụ’ chủ trì thì rất mệt”. Để thăm dò mức độ hậu thuẫn cho cả ba tại vị, Tổng bí thư Đỗ Mười bắt đầu bằng việc lấy ý kiến từ các vị “lão thành”(446).
Trong vòng đầu tiên, ý kiến từ cả miền Bắc và miền Nam đều có vẻ như ủng hộ ông Võ Văn Kiệt. Từ Hà Nội, thư ngày 7-8-1995 của ông Trần Văn Hiển viết: “Nếu đồng chí Đỗ Mười xin rút vì đã ở tuổi tám mươi thì nên giữ lại anh Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) thay anh Mười làm Tổng bí thư”. Theo ông Hiển, ông Kiệt năm ấy “tuy đã ở tuổi bảy ba, nhưng vẫn khỏe mạnh và đầu óc còn minh mẫn”. Từ Sài Gòn, cựu phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Vũ Đình Liệu làm hẳn một “tờ trình” đề ngày 7-8-95, cho rằng: “Nên giao chức vụ Tổng bí thư cho đồng chí Võ Văn Kiệt; vì một lý do nào đó - chúng tôi không thể hiểu được - thì anh Đỗ Mười nên và cần làm thêm nửa nhiệm kỳ”.
Không rõ bằng cách nào, nhân vật mới vào Bộ Chính trị chỉ hơn một năm, ông Nguyễn Hà Phan, lại lọt vào mắt của một số cán bộ lão thành. Theo thư của ông Trần Văn Hiển, cho dù ông Đỗ Mười tiếp tục làm Tổng bí thư hay trao lại cho ông Võ Văn Kiệt thì ông Nguyễn Hà Phan cũng cần được đặt vào vị trí của người kế vị. Chức vụ mà ông Hiển đề nghị cho ông Nguyễn Hà Phan là “bí thư trực thứ nhất của Ban Bí thư”.
Ở miền Nam, cả Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Lê Phước Thọ và Cố vấn Nguyễn Văn Linh đều tích cực vận động cho Nguyễn Hà Phan đồng thời có những hoạt động làm giảm uy tín của hai ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải. Theo đặc phái viên Chính phủ, ông Đặng Văn Thượng(447): Cố vấn Nguyễn Văn Linh đã gặp khoảng ba mươi cán bộ, gồm uỷ viên Trung ương Cục miền Nam, uỷ viên Trung ương nghỉ hưu và các uỷ viên thường vụ tỉnh uỷ thuộc các tỉnh miền Tây Nam bộ để phổ biến về chuyện, kỳ đại hội này cả ông Phan Văn Khải và ông Võ Văn Kiệt đều “không còn tham gia chính phủ”.
Ông Phan Văn Khải được nói là sẽ về “công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh thay ông Võ Trần Chí” vì “có vấn đề thuộc quan điểm lập trường giai cấp của gia đình trước đây”; vì “thả lỏng cho con trai lộng hành, dám cả gan xây dựng khách sạn cho đĩ hoạt động ở thủ đô Hà Nội”. Theo thư của ông Thượng, các cán bộ ở địa phương đã rất băn khoăn khi ông cố vấn và ông uỷ viên Bộ Chính trị nói rằng ông Võ Văn Kiệt cũng “kiên quyết kêu nghỉ và đã được một số uỷ viên Bộ Chính trị tán thành. Anh ấy rất tốt chỉ tội là vợ con”. Đây không phải là lần đầu tiên Cố vấn Nguyễn Văn Linh nói về chuyện vợ con của ông Võ Văn Kiệt.
Tại Hội nghị Cán bộ Tổ chức toàn quốc, họp tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 8-1992, Cố vấn Nguyễn Văn Linh công khai phát biểu: “Tham nhũng đâu cần chống ở đâu, cứ chống ngay trong nhà Thủ tướng”. Phát biểu của ông Linh không chỉ râm ran trong nội bộ. Tối 8-11-1992, Đài Chân trời mới, trong một chương trình phát thanh của mình, nói: “Về vấn đề tham ô cửa quyền, ông Võ Văn Kiệt tuyên bố người nào tham ô thì phải bị cách chức. Nhưng khi một nhà báo hỏi ông về tin ông Nguyễn Văn Linh tố cáo ông tham nhũng, ông Kiệt đã không trả lời câu hỏi này(448). Ông Kiệt cũng cho rằng việc diệt trừ tham nhũng cần phải có thời gian. Và ông chấm dứt trả lời câu hỏi của các nhà báo khi mọi người xoay quanh việc ông Linh tố cáo vợ ông Kiệt tham nhũng”.
Chương trình phát thanh đêm 19-10-1992 của Đài BBC nói thêm: “Mục Tin tình báo của tạp chí Kinh tế Viễn Đông số ra tuần này, đề ngày 22-10, nhận xét về địa vị của Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Báo này cho rằng thủ tướng Việt Nam đang bị áp lực ngày càng nặng từ phía Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bài diễn văn nhận chức, ông đã nhắc đến ‘các thử thách mà nội các của ông phải đương đầu’ tới tám lần. Các nhà quan sát nói điều này chứng tỏ đang có thêm những lời chỉ trích về khả năng hoạt động của ông. Trong cuộc họp với các viên chức Thành phố Hồ Chí Minh gần đây, ông Nguyễn Văn Linh công khai phàn nàn rằng hai vợ chồng ông Kiệt đang tham nhũng. Mặt khác, ông Kiệt không được uỷ nhiệm vào Uỷ ban Thường vụ Bộ Chính trị mà chỉ có ông Đỗ Mười, ông Lê Đức Anh và ông Đào Duy Tùng. Như vậy ông Kiệt không được tham dự vào các quyết định quan trọng nhất(449)”.
Tối 21-10-1992, Đài RFI đưa thêm: “Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt đang phải đối phó với áp lực đến từ phe bảo thủ trong Đảng Cộng sản Việt Nam. Theo tạp chí Kinh tế Viễn Đông số ra ngày 22-10 (trên thực tế xuất bản sớm hơn), hiện nay ông Kiệt đang bị yếu thế… Nguyên Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gần đây đã công khai phê bình ông Kiệt và phu nhân là tham nhũng. Ông Linh đã tuyên bố như trên trong buổi họp với các cấp lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh”. Những tin tức trên đây càng lan toả rộng hơn khi nó được “Bản tin A” của Thông tấn xã Việt Nam in lại đưa vào dạng tài liệu “lưu hành nội bộ”. Ông Võ Văn Kiệt đã gửi thư phản đối tới ông Lê Phước Thọ (Sáu Hậu), Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Hơn ba tuần trôi qua, ông Lê Phước Thọ vẫn im lặng. Ông Kiệt biết rõ lý do ông Thọ trì hoãn việc trả lời. Ngày 16-11-1992, ông Kiệt gửi lá thư thứ hai, lần này ngoài Trưởng Ban Tổ chức, ông Kiệt còn chuyển thư đến các nhân vật trong Thường trực Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Thư được viết tay trên mẫu thư của khách sạn Shangri-La, Singapore, với lời lẽ khá gay gắt, phê phán Ban Tổ chức chậm trả lời thư trước của ông. Ông Kiệt viết: “Nếu vấn đề không được làm sáng tỏ thì nguyên tắc kỷ cương trong Đảng đã bị buông lỏng từ trên. Tôi là Uỷ viên Bộ Chính trị, nếu đúng như anh Linh nói trước hội nghị tổ chức toàn quốc thì tôi không những không xứng đáng là một uỷ viên trong Bộ Chính trị nữa mà còn không xứng đáng là một người đảng viên”(450).
Khi tháp tùng chồng trong các chuyến công du, bà Phan Lương Cầm có góp phần làm cho ông Võ Văn Kiệt có được một hình ảnh khác hơn so với các nhà lãnh đạo đến từ các quốc gia cộng sản. Nhưng ở trong chính trị nội bộ, chuyện tháp tùng chồng của bà cũng bị đánh giá và đàm tiếu. Càng ngày bà càng bị coi như một “gót chân Achilles” của ông Kiệt.
Bà Cầm có những hạn chế nhất định trong giao tiếp và trong tính cách nhưng để dẫn đến tình trạng này cũng không hoàn toàn do lỗi của bà. Phần lớn thời gian trong cuộc đời mình, kể cả sau khi kết hôn với bà Trần Kim Anh, ông Võ Văn Kiệt chủ yếu sống với thư ký, cận vệ, cần vụ. Những thư ký có gia đình riêng như ông Phạm Văn Hùng, Nguyễn Văn Huấn, trong giai đoạn sau năm 1975 cũng thường ngủ lại nhà của ông. Thầy trò thường bắt đầu làm việc từ 5 giờ 30 sáng. Lương thưởng, quà cáp đều do các bác sỹ, bảo vệ quản lý.
Những người bạn “tao, mày” với ông Kiệt như ông Bảy Phạm Quang Khai, hiệu trưởng Đại học Cần Thơ và ông Trần Bạch Đằng thì gần như coi nhà ông Kiệt cũng là nhà mình. Khi nào tiện đường là ghé qua, rồi với chai rượu, một ít khô cá sặc, gỏi xoài, họ lại ngồi với nhau nhâm nhi và đàm đạo. Trước đây, ông không bao giờ giữ cái gì là của riêng, kể cả tiền lương. Từ khi ông lấy vợ, đương nhiên bà Cầm trở thành người quản lý, kể cả quà tặng của Thủ tướng. Trong nhóm giúp việc cũng xầm xì và theo ông Phan Minh Tánh: Có lần một uỷ viên Bộ Chính trị đến gặp ông, mang theo tấm hình bà Cầm đang cầm gói quà trong một chuyến công du rồi nói: “Ông xem, nó chỉ đi để lấy quà”.
Theo ông Nguyễn Văn An: “Ông Nguyễn Văn Linh đi đâu cũng nói xấu ông Võ Văn Kiệt. Một lần, tôi dẫn các cán bộ trẻ trong Ban Tổ chức tới thăm, vừa vào nhà, ông Linh đã chỉ trích ông Kiệt ngay, bất kể người nghe là các cháu cán bộ còn ít tuổi”(451). Thư đề ngày 23-8-1995 của ông Đặng Văn Thượng còn nói rõ hơn: “Thật tình tôi rất buồn. Dù sai lầm đến đâu, giữa cuộc họp có cán bộ đảng viên, có cán bộ trí thức mà gọi đồng chí mình là thằng này, thằng nọ. Gọi vợ của đồng chí mình là con mẹ Giang Thanh này, Giang Thanh nọ”.
Theo ông Trần Trọng Tân, trong một lần ông Nguyễn Văn Linh ốm gần như thập tử nhất sinh, ông Tân vào bệnh viện Chợ Rẫy thăm, hôm đó có cả vợ ông, bà Bảy Huệ, ông Linh nói: “Nhiều anh em không hiểu vì sao mình đi đâu cũng nói chuyện Sáu Dân (Võ Văn Kiệt). Trên thực tế mình lo. Nếu tới đây, Sáu Dân trở thành Tổng bí thư thì gay lắm. Sáu Dân thông minh, phiếu cao, rất dễ thành Tổng bí thư. Theo mình, Sáu Dân chỉ là người tổ chức thực hiện chứ không vững vàng khi cầm chịch”.
Không chỉ có ông Nguyễn Văn Linh, theo ông Phan Văn Khải: “Cái gốc của vấn đề là ông Đỗ Mười và các ông khác đều rất sợ ông Kiệt làm Tổng bí thư”. Ông Khải cho rằng: “Nếu ông Kiệt làm Tổng bí thư, Việt Nam sẽ đổi mới nhanh hơn. Tuy không được đào tạo hệ thống nhưng ông Kiệt luôn nhất quán ủng hộ cái mới. Ông chán đến tận cổ mô hình xã hội chủ nghĩa miền Bắc và ông làm tất cả để phá bỏ nó”. Ông Trần Trọng Tân giải thích thêm về sự “không vững vàng” của ông Võ Văn Kiệt: “Sáu Dân phát biểu nhiều cái ẩu, ví dụ như ông đề xuất dẹp quốc doanh, tư nhân hoá nền kinh tế. Có ông Trung ương đọc ‘Thư gửi Bộ Chính trị’ của Sáu Dân nói Sáu Dân nối giáo cho giặc”.

“Thư gửi Bộ Chính trị”

Khi Hồ Chí Minh còn sống, ông yêu cầu: “Chú Ba, chú Thận, chú Tô phải thống nhất ý kiến với nhau trước khi đưa lên Bác”. Cho dù bản chất mối quan hệ như thế nào thì các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng ở mọi thời kỳ đều ý tứ để nó không bộc lộ. Giữ gìn sự đoàn kết luôn được dùng như một tiêu chí để đánh giá năng lực của người lãnh đạo. Hơn ai hết, Tổng bí thư Đỗ Mười có lợi ích chính trị khi mối quan hệ giữa ba người được coi là “luôn luôn nhất trí với nhau”. Trên thực tế, mối quan hệ Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười là rất khó để dư luận lúc đó coi là “đoàn kết”.
Ngày 4-5-1993, ông Võ Văn Kiệt chuyển tới ông Đỗ Mười một số trích đoạn bức thư của “đồng chí có trách nhiệm, trên 60 tuổi” cho biết: Trong cán bộ cao cấp, “nghỉ hưu có, đương nhiệm có” đang có dư luận “hoài nghi sự đoàn kết của ba đồng chí chủ chốt, hoài nghi đường lối kinh tế, chủ trương chiến lược kinh tế, quốc phòng”. Dư luận cho rằng, “giữa ba ông không thống nhất với nhau về chủ trương đường lối phát triển. Đồng chí Đỗ Mười bản thân là một anh bần nông làm nghề tự do nên không có khả năng lãnh đạo chung”(452).
Trong một bức thư gửi ông Đỗ Mười vào tháng 6-1994, ông Võ Văn Kiệt cũng đề cập đến “tình hình rất phân tán trong lãnh đạo”. Bức thư của ông Kiệt không nói về các mối quan hệ cá nhân mà đi thẳng vào mối quan hệ lãnh đạo giữa Đảng và Nhà nước. Thư của ông Kiệt cho thấy, ở thời điểm ấy, vai trò của Đảng được nhấn mạnh trở lại, các cơ quan Đảng có khuynh hướng can thiệp một cách trực tiếp hơn dưới nhiều hình thức vào hoạt động của chính quyền(452).
Có lẽ vì bức thư gửi Đỗ Mười vào tháng 6-1994 không có hồi âm nên ngày 9-8-1995, ông Võ Văn Kiệt gửi đi bức thư mà về sau được biết đến với tên gọi là “Thư gửi Bộ Chính trị”. Lấy lý do, khi “xây dựng các văn kiện chuẩn bị Đại hội”, Tổng bí thư Đỗ Mười cho rằng “cần tổ chức nghiên cứu và thảo luận sâu hơn” một số vấn đề thuộc về quan điểm, thư Gửi Bộ Chính trị của ông Võ Văn Kiệt nêu bốn nội dung: “1- Đánh giá tình hình, cục diện thế giới ngày nay; 2- Vấn đề chệch hướng hay không chệch hướng; 3- Nâng cao năng lực quản lý nhà nước; 4- Xây đựng Đảng”.
Về tình hình quốc tế, ông Võ Văn Kiệt cho rằng “tính chất đa dạng, đa cực” đang chi phối quan hệ giữa các quốc gia thay vì “mâu thuẫn đối kháng giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa đế quốc” như Đảng từng quan niệm. Đó là lý do mà theo ông Kiệt, một nước đi theo chủ nghĩa xã hội như Việt Nam vẫn có thể trở thành thành viên ASEAN, ký kết hiệp định khung với EU. Thư 1995 của ông Võ Văn Kiệt viết: “Ngày nay, Mỹ và các thế lực phản động khác không thể giương ngọn cờ chống cộng để tranh thủ dư luận và tập họp lực lượng chống lại nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam như trước nữa”.
Trong thư, ông Võ Văn Kiệt cho rằng không nên kỳ vọng vào sự phục hồi của “phong trào cộng sản và công nhân quốc tế”, bởi nó không bao giờ có “giá trị và chất lượng cộng sản” như ngày xưa nữa. Với “bốn nước xã hội chủ nghĩa còn lại”(454), ông Kiệt cũng cho rằng “tính chất quốc gia sẽ lấn át tính chất xã hội chủ nghĩa”, thậm chí quan hệ Việt Nam - Trung Quốc còn “tồn tại nhiều điểm nóng”. Ông Võ Văn Kiệt viết: “Sự chấp nhận đối với chế độ chính trị một đảng của Việt Nam cũng đang tăng lên - mặc dầu lúc nầy lúc khác vấn đề dân chủ và nhân quyền được sử dụng như một phương tiện chính trị đối phó với chúng ta”.
Ông Võ Văn Kiệt cảnh báo sẽ là “thảm hoạ cho đất nước” nếu Đại hội VIII “rụt rè bỏ lỡ cơ hội” xây dựng “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Đồng thời, nếu không đáp ứng được đòi hỏi phát triển của đất nước, “Đảng sẽ đứng trước nguy cơ bị tước quyền lãnh đạo”(454). Phê phán khuynh hướng khẳng định “kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo là một tiêu chí cho định hướng xã hội chủ nghĩa”(456), ông Kiệt viết: “Để giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi bức xúc là phải nâng cao tính hiệu quả của kinh tế quốc doanh, nhằm làm cho nó chiếm một vai trò chủ đạo trong thị trường nước ta chứ không phải là dành cho nó quyền ‘nắm’ thứ nầy thứ khác”.
Theo ông Võ Văn Kiệt, “nguy cơ chệch hướng đang ẩn náu” trong nhiều hiện tượng như tham nhũng, cục bộ, cửa quyền và tính vô chính phủ, và “sẽ sai lầm nếu đem tất cả những phát triển không lành mạnh này đổ cho cơ chế kinh tế thị trường”. Theo ông: “Càng kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa, càng phải hoàn thiện và phát triển thị trường, không thể có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào. Cần sớm xoá bỏ sự phân biệt hoặc sự hình thành các loại hình kinh tế phi dân sự, kinh tế đoàn thể, kinh tế đảng, kinh tế các lực lượng vũ trang”.
Ông Kiệt cũng phê phán hệ thống pháp luật, bộ máy nhà nước và năng lực của cán bộ viên chức không đáp ứng đòi hỏi của nhiệm vụ. Ông đề nghị chuyển “phương thức điều hành đất nước trong thời chiến” với “cơ chế chính uỷ”, cơ chế “bộ máy của đảng đứng trên hoặc làm thay bộ máy chính quyền”. Ông Kiệt đề nghị để cho Quốc hội, hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân các cấp được “làm tròn chức năng quyền hạn” của mình, “các tổ chức cơ sở đảng không làm thay, không quyết định thay” nhà nước. Đồng thời, ông cũng đề nghị “bỏ cách suy nghĩ công thức” về nguyên tắc “dân chủ tập trung” hay còn gọi là “tập trung dân chủ”, cụ thể: “Để huy động trí tuệ của toàn đảng và bảo vệ sự trong sáng trong đảng, cần phải triệt để dân chủ, đồng thời để bảo đảm sức chiến đấu của đảng mọi đảng viên phải tuyệt đối tuân theo điều lệ và phục tùng các nghị quyết của đảng”.
Người chấp bút “Thư gửi Bộ Chính trị”, ông Nguyễn Trung, nói: “Ông Kiệt là người cảm thấy bức bối về sự mất dân chủ trong Đảng. Năm 1995 Việt Nam vừa kết thúc được thời kỳ hậu chiến, đổi mới lại bắt đầu chững lại. Trong khi, theo ông Kiệt, năm 1995 lẽ ra phải bung mạnh ra vì có rất nhiều cơ hội”. Ông Nguyễn Trung nói: “Ông Lê Đức Anh thì quá kín đáo, ông Đỗ Mười thì cản quá trình bình thường hoá với ASEAN thông qua lá phiếu của Đào Duy Tùng. Sau một loạt thành công của Chính phủ, năm 1995, uy tín bên trong, bên ngoài của ông Kiệt đều lên cao, có nguy cơ ông trở thành Tổng bí thư, điều mà cả Trung Quốc, ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, đặc biệt là Nguyễn Văn Linh đều không thích. Trong bối cảnh đó, thư Gửi Bộ Chính trị ra đời. Ông Kiệt viết thư này, đụng đến một vấn đề cốt lõi trong sinh hoạt Đảng, với mong muốn làm cho mối quan hệ thật rõ ràng: dân chủ ra dân chủ, tập trung ra tập trung”.
Ngày 10-10-1995, “Thư gửi Bộ Chính trị” được đưa ra bàn trong Bộ Chính trị. Ông Kiệt bị nhiều thành viên trong Bộ Chính trị chỉ trích kịch liệt. Quan điểm không còn đấu tranh giai cấp, Mỹ không phải là đối tượng của Việt Nam, thế giới đang cần hợp tác, đến lúc cạnh tranh kinh tế chứ không phải coi nhau như kẻ thù,… chỉ được rất ít người ủng hộ(457). Ông Phạm Thế Duyệt, uỷ viên Bộ Chính trị khoá VII (1991-1996), nói: “Không có ai quá đao to búa lớn, khi Bộ Chính trị phân tích, anh Sáu Dân cũng bình tĩnh tiếp thu. Anh là một người hăng hái, suy nghĩ có lúc mạnh dạn. Nhưng dưới góc độ tổ chức, không nên coi cách làm đó là bình thường. Cho dù ý kiến của anh mang tính chiến lược, phù hợp với đổi mới của Đảng. Nhưng cách làm phải có sức thuyết phục”(458).
Ông Nguyễn Hà Phan cho rằng: “Bức thư chệch hướng 100%. Nhưng cả tôi, anh Đỗ Mười, anh Đào Duy Tùng và anh Lê Đức Anh đều thống nhất một hướng là không làm to chuyện và không kỷ luật ông Kiệt mà chỉ phân tích làm sao cho ông Kiệt phải nhận khuyết điểm. Chúng tôi biết người chấp bút là Nguyễn Trung, cái nguy là ông Kiệt cũng bức xúc với đổi mới nên ký vào”(459). Anh Đỗ Mười nói: “Anh Kiệt lập trường tốt thôi nhưng từ khi lấy anh Trung làm trợ lý thì hay có việc này việc nọ”(460). Ông Phạm Thế Duyệt cũng cho rằng: “Anh Sáu Dân đôi khi để bị tác động của các chuyên gia”.
Sau hội nghị Bộ Chính trị, theo ông Nguyễn Hà Phan: “Vì Bức thư ông Kiệt chỉ gửi cho các uỷ viên Bộ Chính trị chứ không gửi cho các ông cố vấn nên ông Nguyễn Văn Linh có mượn bản của tôi. Tôi cũng muốn tranh thủ ông Linh nên dàn xếp êm, không đưa chuyện ông Kiệt ra Trung ương nên đưa cho ông. Ông Linh lại dùng lá thư có ghi tên tôi sao ra gửi cho các ông cố vấn khác”. Bức thư nhanh chóng được tán phát rộng rãi ở trong và ngoài nước.
Vậy nhưng, ngày 15-11-1995, ông Vũ Đình Liệu vẫn viết thư gửi Bộ Chính trị tha thiết đề nghị để ông Võ Văn Kiệt làm Tổng bí thư “nhằm tiếp tục giữ và phát triển được cái đà của nền kinh tế”. Thư của ông Liệu viết: “Anh Đỗ Mười nên nghỉ vào thời điểm này là phù hợp vì đã ở tuổi tám mươi. Đồng chí Đỗ Mười đã vững vàng cùng với các đồng chí lãnh đạo khác, chẳng những đã khắc phục được những khó khăn mà còn đem lại bao nhiêu thành tựu to lớn cho tổ quốc, cho nhân dân. Đồng chí Đỗ Mười rút ở thời điểm này là phù hợp và rất vinh quang”. Lá thư của ông Vũ Đình Liệu cho thấy các bậc cách mạng lão thành chưa coi những quan điểm trong thư gửi Bộ Chính trị của ông Kiệt là lệch lạc.
Ngày 5-12-1995, ông Hà Sĩ Phu, tác giả của nhiều bài chính luận sắc sảo được truyền đọc ở thời điểm ấy, đang đi xe đạp trên đường phố Hà Nội thì bị hai người đi xe máy chèn ngã. Ông Hà Sĩ Phu kêu to: “Ăn cướp! Ăn cướp!”. Lập tức công an xuất hiện. Thay vì bắt “cướp”, công an đã đưa Hà Sĩ Phu về đồn, khám túi xách, phát hiện bản sao chép thư gửi Bộ Chính trị ngày 9-8-1995 của ông Võ Văn Kiệt. Hà Sĩ Phu khai tài liệu này ông lấy từ ông Nguyễn Kiến Giang; ông Giang khai lấy từ ông Lê Hồng Hà, một cán bộ lão thành, từng là chánh Văn phòng Bộ Công an và trước đó, từng là Giám đốc trường Đào tạo sĩ quan công an 500. Ba người có liên quan đến tài liệu này đã bị bắt ngày 6-12-1996(461).
Vụ án Hà Sĩ Phu ầm ĩ trên các đài báo nước ngoài và được Câu lạc bộ Ba Đình, nơi sinh hoạt chính thức của các cán bộ cao cấp nghỉ hưu, công khai bàn tán. Nhưng ngày 23-12-1995, một thành viên của câu lạc bộ này, ông Trần Lâm, uỷ viên Trung ương Đảng khoá IV và V, trong thư gửi Bộ Chính trị, vẫn đánh giá cao vai trò của thủ tướng và yêu cầu “ba đồng chí chủ chốt hiện nay, dù tuổi đã cao, vẫn cần tiếp tục một nhiệm kỳ nữa”.
Thay vì đặt vấn đề “chệch hướng”, điểm yếu của ông Võ Văn Kiệt mà ông Trần Lâm chỉ ra vẫn là những tai tiếng liên quan đến bà vợ Phan Lương Cầm. Nhưng, theo ông Trần Lâm, miễn là ông Kiệt “không bao che”. Ông Lâm viết: “Trong xã hội phức tạp hiện nay, không phải chỉ một mình đồng chí Võ Văn Kiệt bị dư luận xì xào, mà hầu hết các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất đều bị dư luận bàn tán về người thân, ta cần cảnh giác với dư luận”.
Tuy nhiên, ý kiến của các bậc lão thành chỉ có ảnh hưởng phần nào. Uy tín của cả ba ông trong Trung ương đều giảm sút. Khi lấy phiếu tín nhiệm lãnh đạo chủ chốt, chỉ có Đỗ Mười đạt số phiếu hơn 50%, ông Kiệt có lúc chỉ còn mức tín nhiệm 40%. Cũng trong thời gian đó, theo ông Lê Khả Phiêu: “Ba đồng chí cố vấn Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công viết thư đề nghị những đồng chí đã ở trong độ tuổi bảy mươi nên rút lui. Bàn đi bàn lại mãi cũng không thống nhất được”. Đầu tháng 3-1996, Trung ương họp Hội nghị 11, về sau trong nội bộ gọi là Hội nghị 11a, đưa ra khỏi danh sách tái ứng cử các uỷ viên Bộ Chính trị trên bảy mươi tuổi như Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Đoàn Khuê, Đào Duy Tùng, Nguyễn Đức Bình, Lê Phước Thọ, Vũ Oanh, Bùi Thiện Ngộ.
Ngày 13-3-1996, ông Vũ Đình Liệu gửi thư “Mật khẩn” cho Bộ Chính trị, Tổng bí thư Đỗ Mười và Ban Nhân sự Đại hội VIII, nói rằng việc các uỷ viên tới tuổi nghỉ hết đã làm cho “nhiều đồng chí, chủ yếu là các đồng chí cách mạng lão thành ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh Nam Bộ băn khoăn lo lắng”. Ông Vũ Đình Liệu nói ông ủng hộ phương án cả ba ông - Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt và Lê Đức Anh - rút lui. Nếu “giữ lại một” thì theo ông Liệu “người cần giữ lại phải là đồng chí Võ Văn Kiệt”. Ông Liệu viết: “Đồng chí Đỗ Mười đã bảy mươi chín tuổi. Tôi nay đã bảy mươi tám nên tôi rất hiểu, khi tuổi càng cao sức khỏe càng thấp”.
Hơn một tuần sau, thư gửi Bộ Chính trị của ông Võ Văn Kiệt trở thành đối tượng phê phán trong bài phát biểu của Thượng tướng Lê Khả Phiêu tại đại hội Đảng bộ Học viện Chính trị - Quân sự cao cấp(462). Bài nói của tướng Phiêu không chỉ đích danh Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhưng nội dung của nó “đập lại” khá đanh thép những vẫn đề được đặt ra trong bức thư.
Ba tháng trước ngày khai mạc Đại hội Đảng lần thứ VIII, toàn văn bài phát biểu của tướng Lê Khả Phiêu được công bố trên trang nhất báo Quân Đội Nhân Dân(463). Sau khi ca ngợi “bản lĩnh chính trị” của Đảng bộ Học viện, tướng Phiêu nói đến “diễn biến hoà bình”, bạo loạn, lật đổ và đặc biệt ông nhấn mạnh “âm mưu phi chính trị hoá các lực lượng vũ trang”. Những “âm mưu và thủ đoạn” mà ông Phiêu nói là của các thế lực thù địch ở “trong và ngoài nước”.
Tướng Lê Khả Phiêu nói: “Khi Liên Xô sụp đổ, các thế lực đế quốc chủ nghĩa và các trào lưu cơ hội xét lại đã chuyển phương thức tiến công lấy kinh tế, chính trị làm chính, kết hợp bạo lực và can thiệp vũ trang, hy vọng xoá bỏ những nước xã hội chủ nghĩa trong thời gian ngắn nhất, trong đó có Việt Nam ta. Nhưng thực tiễn đã chứng tỏ rằng, lịch sử đã và đang diễn ra khác với mong ước của họ”. Tướng Lê Khả Phiêu cho rằng: “Các mâu thuẫn cơ bản của thời đại tuy có những biểu hiện mới nhưng vẫn tồn tại một cách khách quan, bất chấp cái mốt tư tưởng thời thượng về điều hoà và hợp tác giai cấp”.
Sau khi phân tích những “mưu mô điên cuồng hòng xoá bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta trong những năm cuối thế kỷ này”, tướng Phiêu nói tiếp: “Không phải không có người muốn giã từ hệ tư tưởng mà thực chất là giã từ hệ tư tưởng Marx - Lenin để rơi vào một hệ tư tưởng khác; muốn phi tư tưởng hoá, coi việc phân chia ra ranh giới giữa hai chế độ tư bản và xã hội chủ nghĩa là một cái gì xơ cứng, giáo điều, gây trở ngại cho việc nước ta hoà nhập vào thế giới và gào lên cùng với thế giới đó”. Tướng Phiêu nhấn mạnh: “Cũng chưa có lúc nào mà các tuyên bố mang tính chất ‘cương lĩnh chính trị’ do các nhóm người ở trong nước và nước ngoài tự xưng là ‘chí sỹ yêu nước’ lại được đưa ồn ào như vậy! Người ta cho rằng, đất nước ta hiện nay chỉ cần ‘độc lập và dân chủ’ chỉ cần ‘độc lập và phát triển’ chứ chẳng cần định hướng phát triển nào, nhất là định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Lê Khả Phiêu coi những đề nghị cải cách cơ chế lãnh đạo là “cuộc tiến công vào tổ chức của Đảng ta. Tướng Phiêu nói: “Có người đang đòi hỏi từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ, cho rằng, tập trung sẽ dẫn đến quan liêu, độc đoán; có người đang phê phán nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phân công phụ trách”.
Trong thư gửi Bộ Chính trị, ông Võ Văn Kiệt đề nghị xoá bỏ các tổ chức kinh tế đoàn thể, kinh tế đảng, kinh tế của các lực lượng vũ trang. Trong phát biểu của mình, tướng Lê Khả Phiêu nâng tầm quan điểm: “Không phải không có ý kiến cho rằng, lực lượng vũ trang chỉ nên làm một công cụ vũ trang thuần tuý chỉ tập trung vào sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, cho rằng, cơ cấu Đảng lãnh đạo lực lượng vũ trang như hiện nay là không thích hợp. Về thực chất, đó là âm mưu ‘phi chính trị hoá’ lực lượng vũ trang nhân dân, làm suy yếu sức mạnh tổng hợp của cách mạng Việt Nam trong cuộc đấu tranh hiện nay”.
Trước Đại hội, tinh thần bài phát biểu của tướng Lê Khả Phiêu được phổ biến khá rộng rãi trong những đợt sinh hoạt chính trị của quân đội. Tên tuổi Võ Văn Kiệt bắt đầu được các sỹ quan chính trị nhắc đến một cách không chính thức khi họ phê phán “chệch hướng” và “khuynh hướng xã hội chủ nghĩa dân chủ” đang hình thành trong Đảng.

Vụ án Nguyễn Hà Phan

Trong những ngày ấy, ông Nguyễn Hà Phan đang làm trưởng Ban Tổ chức Đại hội Đảng lần thứ VIII, công việc thường được giao cho ứng cử viên của một trong những vị trí chủ chốt. Ông Đỗ Mười vẫn nắm giữ vai trò quan trọng nhất: Trưởng Ban Nhân sự Đại hội.
Nếu thế hệ các nhà lãnh đạo vào Đảng “trước Cách mạng” rời khỏi chức vụ trong Đại hội VIII, Nguyễn Hà Phan chắc chắn trở thành người kế cận có nhiều tiềm năng nhất. Điều này có thể trở thành niềm tự hào của các đảng viên miền Nam nếu như ông Nguyễn Hà Phan không trở thành một trong những ngọn cờ tiên phong chống lại ông Võ Văn Kiệt.
Năm 1991, khi được đưa từ Hậu Giang ra Hà Nội, với cách ăn nói khéo léo và với một bề ngoài toát lên quan điểm lập trường: thường xuyên mặc những bộ đồ ba túi màu xanh xám, chân đi dép sandal, tóc tai bơ phờ “thâu đêm lo việc nước”, ông Nguyễn Hà Phan được đưa vào Ban Bí thư, giữ chức trưởng Ban Kinh tế Trung ương Tại Đại hội VII. Tháng 7-1992 ông Phan được giao thêm chức phó chủ tịch Quốc hội. Như một người tiên phong bảo vệ thành trì xã hội chủ nghĩa, cứng nhắc cả trong các chính sách kinh tế và trong các chủ trương đối ngoại, Nguyễn Hà Phan nhanh chóng làm hài lòng cả ông Đỗ Mười và ông Lê Đức Anh.
Khi còn là một nhà lãnh đạo địa phương, Nguyễn Hà Phan là một người năng động. Trước Đại hội VII (1991), theo ông Phan Văn Khải: “Khi dự thảo Luật Đất đai được đưa xuống Long An lấy ý kiến lãnh đạo các tỉnh miền Tây, Nguyễn Hà Phan khi ấy đang là bí thư Hậu Giang, ủng hộ chính sách đa sở hữu đất đai, công nhận quyền tư hữu về ruộng đất. Nhưng khi ra Hà Nội, vào Ban Bí thư, ông lập tức theo quan điểm của ông Đỗ Mười, chống tư nhân hoá đất đai và trở thành một trong những người lớn tiếng bảo vệ sở hữu toàn dân”.
Đặc biệt, Nguyễn Hà Phan luôn “sát cánh” bên cạnh nhà lý luận Đào Duy Tùng, phê phán thị trường, phê phán chính phủ nuông chiều đầu tư nước ngoài, nuông chiều tư nhân và các thành phần kinh tế, xem nhẹ vai trò quốc doanh. Những cải cách kinh tế theo hướng thị trường của Chính phủ bị coi là có “nguy cơ chệch hướng”. Theo ông Phan Văn Khải: “Trước Hội nghị giữa nhiệm kỳ, Nguyễn Hà Phan đưa ra một bản thống kê mười sáu điểm chệch hướng của Chính phủ”. Tháng 1-1994, trong hội nghị đó, Nguyễn Hà Phan được đưa vào Bộ Chính trị cùng với Lê Khả Phiêu, Nguyễn Mạnh Cầm.
Trong Bộ Chính trị, không chỉ có các tướng lĩnh nhân danh an ninh quốc phòng để ngăn cản một số dự án đầu tư nước ngoài. Điều mà ông Võ Văn Kiệt và nhiều thành viên Chính phủ cảm thấy khó chịu là, người nhiệt tình ủng hộ tướng Lê Đức Anh nhất trong vấn đề này lại là một nhân vật được ông Kiệt cất nhắc từ miền Nam: ông Nguyễn Hà Phan.
Theo Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Trần Xuân Giá: Đầu thập niên 1990, Chính phủ chọn BHP làm đối tác thăm dò dầu ở mỏ Đại Hùng. Khi thông qua Bộ Chính trị, sau khi nghe ông Đậu Ngọc Xuân, Chủ tịch Hội đồng thẩm định các dự án Quốc gia trình bày, Nguyễn Hà Phan đứng dậy nói: “Đồng bào miền Nam chắc chắn không một ai đồng tình chọn Úc làm đối tác khai thác dầu khí vì bọn Úc đã từng đưa quân vào tàn sát đồng bào ta”. Ông Đậu Ngọc Xuân phân tích: “Căn cứ vào công nghệ thì công nghệ Úc là tiên tiến. Trong các nước phương Tây chỉ có Úc chịu đầu tư còn các nước khác sợ cấm vận Mỹ”. Ông Võ Văn Kiệt liền đứng dậy: “Nếu nói như Sáu Phan thì tôi đề nghị Bộ Chính trị nên chọn Lào đầu tư. Mỹ là kẻ thù mới đánh ta; Pháp đô hộ 80 năm; Nhật khiến cho 2 triệu người chết đói; Úc, Hàn theo Mỹ mang quân sang… Không có nước nào có công nghệ tốt lại không có dính líu vào một ‘tội ác’ nào đó”.
Ông Nguyễn Hà Phan thừa nhận: “Tôi còn phản đối nhiều quyết định đầu tư vi phạm an ninh quốc gia khác của Chính phủ. Sân bay Nội Bài, Chính phủ quyết định cho Malaysia đầu tư, họ đã bỏ vô 2 triệu USD nhưng tôi thấy không thể để cho nước ngoài đầu tư ở cửa ngõ Thủ đô như thế tôi phản đối. May mà ông Kiệt có quan hệ tốt với Thủ tướng Mahathia nên họ không phạt. Tôi cũng phản đối việc ông Kiệt cho phép Singapore đầu tư vào khu Ba Đình, xây dựng lại khu Nhà khách Chính phủ, 37 Hùng Vương, và Nhà khách Trung ương, số 8 Chu Văn An”.
Đặc biệt, Nguyễn Hà Phan rất được “ông cố vấn” Nguyễn Văn Linh và Trưởng ban Tổ chức Lê Phước Thọ ủng hộ. Theo ông Nguyễn Đình Hương: “Ông Linh muốn Nguyễn Hà Phan thay ông Kiệt làm thủ tướng”. Theo ông Đặng Văn Thượng, ông Cố vấn Nguyễn Văn Linh trực tiếp phổ biến với các cán bộ chủ chốt ở miền Tây: “Kỳ này, anh Sáu Phan, uỷ viên Bộ Chính trị, sẽ được cử lên thay anh Sáu Dân, vì anh Sáu Phan có lịch sử chính trị suôn sẻ, tận tuỵ vô tư, sẽ giúp cho nhân dân đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh hơn”(464). Ông Đặng Văn Thượng viết tiếp: “Anh Sáu! Tôi đã dám viết và ký tên tức là tôi dám chịu trách nhiệm về những thông tin ấy. Có lẽ vì quá buồn chán tình đời ‘sớm nắng chiều mưa’ - Tôi hiểu trong Đảng còn nhiều người hết sức tốt, nhưng cũng không thiếu những kẻ trở cờ, trở rất nhanh, đổ tội cũng rất khéo. Có anh bây giờ nói ra câu nào cũng có anh Sáu nhưng không phải Sáu Dân, Sáu Khải đâu nghe(465)”.
Việc tạo dư luận cho Nguyễn Hà Phan không chỉ được tiến hành ở Nam Bộ. Hai tuần trước đó, ngày 7-8-1995, từ Hà Nội, ông Trần Văn Hiển, uỷ viên Trung ương Đảng Khoá IV cũng đã viết thư gửi Bộ Chính trị, đề nghị: “Anh Đỗ Mười có thể ở lại thêm một nửa nhiệm kỳ ở chức Tổng bí thư nhưng cũng với điều kiện để anh Sáu Phan làm bí thư trực thứ nhất trong Ban Bí thư nhằm khi anh Đỗ Mười nghỉ thì có người thay thế”. Nhưng điều mà ông Nguyễn Hà Phan “gặt” được sau những vận động chính trị này không phải là chức Tổng bí thư hay thủ tướng mà là phản ứng của những người biết rõ quá khứ của ông.
Theo ông Nguyễn Đình Hương: “Chỉ còn mấy tháng nữa là đại hội, tự nhiên có hàng loạt đơn thư, tố cáo Nguyễn Hà Phan đã từng khai báo nghiêm trọng và khi ra tù nhận làm nội gián cho địch”. Khi đưa Nguyễn Hà Phan vào Bộ Chính trị, không phải ông Đỗ Mười không biết chuyện ông Nguyễn Hà Phan từng khai báo trong tù, nhưng khi ấy, do ủng hộ ông Phan, ông Mười chủ trương “không đào bới quá khứ”. Nhưng rồi, theo ông Nguyễn Đình Hương, những lá thư nêu các dẫn chứng thuyết phục đến nỗi làm cho các ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh sợ, dù cả hai đều thích Sáu Phan.
Ông Nguyễn Đình Hương nói: “Ông Đỗ Mười bắt buộc phải đồng ý cho thẩm tra, ông Lê Đức Anh cũng bắt buộc phải đồng ý. Riêng cố vấn Nguyễn Văn Linh không đồng ý. Ông Mười tính giao cho Bộ trưởng Nội vụ Bùi Thiện Ngộ đi thẩm tra nhưng ông Ngộ từ chối. Ông Mười gọi tôi lên, tôi nói, gần đại hội quá rồi. Ông Mười nói phải làm. Tôi bảo, nếu anh giao cho tôi anh phải giao bằng văn bản. Ông Mười cho văn bản. Anh Bùi Thiện Ngộ tuy chối nhưng trong quá trình làm lại giúp tôi rất nhiều. Ông Kiệt thì nói ngắn: Anh cứ làm. Không có ông Kiệt thì tôi không làm được”.
Ông Nguyễn Đình Hương kể: “Trước khi vào Nam tôi hỏi ông Lê Phước Thọ có biết gì về trường hợp của Nguyễn Hà Phan không. Tuy đã từng là cấp trên của ông Phan từ trong chiến tranh nhưng ông Lê Phước Thọ nói không biết. Tôi bay vào Sài Gòn. Biết tôi ở T78, ông Nguyễn Văn Linh cho gọi tới nhà. Tôi đến, mặt ông hầm hầm: ‘Đồng chí vào lâu chưa? Làm gì?’. Tôi bảo: ‘Chúng tôi vào có hai việc: gặp lại các đồng chí Trung ương Cục xác mình lại câu chuyện ai viết Nghị quyết 15; xác minh các đơn thư tố cáo đồng chí Nguyễn Hà Phan’. Ngay lập tức, ông Linh mắng: ‘Cậu không xứng đáng làm trưởng Ban Bảo vệ Đảng’. Thái độ của ông Linh làm chúng tôi và cả người giúp việc của ông, cùng sững sờ. Tôi đứng dậy nói: ‘Tôi vào đây theo sự phân công của Bộ Chính trị, có ấn kiếm Tổng bí thư giao, nếu anh thấy không xứng đáng thì đề nghị anh có ý kiến với Bộ Chính trị’. Rồi, tôi bỏ ra về”.
Ông Hương kể tiếp: “Cuộc tìm kiếm phức tạp hơn tôi tưởng. Trước khi vào Nam, tôi yêu cầu Bộ trưởng Nội vụ Bùi Thiện Ngộ ra lệnh cho bên tàng thư hỗ trợ. Tuy nhiên, cơ quan này lưu giữ tới hơn hai triệu tàng thư, một số lại bị đốt trong những ngày tranh tối tranh sáng sau 30-4-1975. Tôi nghĩ thật khó mà tìm được. Nhưng, ông Kiệt nói: ‘Tôi sẽ tìm thầy lang giỏi cho anh’. ‘Thầy Lang’ mà ông Kiệt nói là một vị đại tá lớn tuổi, trước ở Quân khu IX. Tôi nhớ khi Nguyễn Hà Phan vừa vào Ban Bí thư, vị đại tá này đã viết thư cho tôi: ‘Chú làm bảo vệ Đảng, chú chú ý, Nguyễn Hà Phan còn định leo cao đấy’. Một người nữa cũng biết khá rõ Sáu Phan là ông Nguyễn Văn Hơn, Bí thư An Giang”.
Ông Nguyễn Hà Phan bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt vào tháng 12-1958, khi đang là tỉnh uỷ viên Sóc Trăng. Ông Phan thừa nhận: “Tôi bị bắt sau khi cả bí thư và phó bí thư Tỉnh uỷ đầu hàng, khai ra. Những gì nó khai rồi, không chối được thì mình cũng khai. Lúc kiểm điểm mình đã nói hết. Lỗi thì có lỗi nhưng thử hỏi có ai bị bắt mà không khai. Năm 1964, sau khi ra tù, Đảng đã kiểm thảo và thử thách tôi ba tháng. Từ đó ở đâu khó khăn nhất là lại cử tôi đi. Khi được giới thiệu vô Trung ương, khoá VI, tôi nói, cứ để tôi ở địa phương. Nhưng, ông Vũ Đình Liệu nói: ‘Mày phải ra’. Năm 1986, chính ông Kiệt rút tôi ra làm phó chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch, đến năm 1988, khi xảy ra biểu tình ở Nông trường Sông Hậu, ông Linh bắt tôi quay về. Có lẽ chuyện của tôi xuất phát ở chỗ hay góp ý, có lần ông Sáu (Kiệt) nghe có vẻ không vui. Sau đó, ông Vũ Đình Liệu vào mượn hồ sơ trong tù của tôi rồi in ra”.
Đây chỉ là cách nói nhằm kịch tính hoá tình huống bị truất phế của ông Phan. Cho dù biết rõ quá khứ nhưng khi thấy Nguyễn Hà Phan “lập công chuộc tội” chính những người như ông Nguyễn Văn Hơn, Vũ Đình Liệu vẫn cất nhắc ông. Nhưng, khi ông Phan phê phán ông Võ Văn Kiệt đi chệch hướng thì họ không ngồi yên nữa. Ông Nguyễn Văn Hơn tuyên bố: “Thằng ấy là cái gì mà đánh Võ Văn Kiệt. Tụi tao sẽ cho nó biết”. Trên thực tế, theo những gì mà Ban Bảo vệ Trung ương Đảng thu thập được, câu chuyện khai báo của ông Nguyễn Hà Phan phức tạp hơn điều ông nói trên đây rất nhiều.
Ông Nguyễn Đình Hương kể: “Chúng tôi phải lục tìm từ hàng triệu tài liệu trong tàng thư. Điều này vô cùng khó khăn vì Sáu Phan sinh ra ở Bến Tre, hoạt động địch vận ở Sóc Trăng và bị bắt ở đây. Tên khai sinh của ông không phải là Nguyễn Hà Phan, còn hồ sơ trong tù lại ghi là Phạm Khoa. Sau năm 1975, ta có thu được hồ sơ nhưng ông Mười Kỷ, bí thư Bến Tre, để thất lạc mất. Trong quá trình bị bắt, ông bị đưa ra bốn, năm nhà tù của chế độ Sài Gòn. Khi ra tù, ông viết một bản tự kiểm, khai đã đấu tranh bất khuất, có nhiều thành tích trong tù. Sau giải phóng, ông tiếp tục báo cáo thái độ trong thời gian ở tù tốt. Khi giới thiệu ứng cử Ban Chấp hành Trung ương khoá VII, ông được 100% phiếu tín nhiệm. Trong hai nội dung tố cáo, không có cơ sở để nói Nguyễn Hà Phan được địch cài lại làm nội gián; tôi chỉ chứng minh được, trong tù, Sáu Phan khai báo nghiêm trọng, những người được ông xây dựng cơ sở trong lòng địch đều bị ông khai ra và sau đó bị địch giết sạch”.
Ông Nguyễn Đình Hương mang hồ sơ tìm được ra Hà Nội. Ông Hương nói: “Tôi chỉ có hai ngày làm báo cáo để trình bày trước Bộ Chính trị. Khi họp nghe báo cáo về vụ Nguyễn Hà Phan, Bộ Chính trị mời cả hai ông cố vấn Phạm Văn Đồng và Nguyễn Văn Linh. Tôi trình bày chi tiết, kể cả những bút tích của Nguyễn Hà Phan. Sau khi nói suốt hai giờ, tôi đề nghị ông Phan có mặt, muốn bảo vệ gì thì bảo vệ. Ông Nguyễn Hà Phan xin lỗi về những điều mình đã làm. Ông Nguyễn Văn Linh im lặng”. Theo ông Lê Khả Phiêu, Bộ Chính trị chỉ đề nghị cách chức Nguyễn Hà Phan chứ không khai trừ. Nhưng, ngay sau hội nghị Bộ Chính trị, hồ sơ về ông Nguyễn Hà Phan đã được lặng lẽ đưa tới tay các uỷ viên Trung ương Đảng.
Ông Nguyễn Thái Nguyên kể: “Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Xuân Trinh gọi tôi lên nói: Sáu Hơn (Nguyễn Văn Hơn) bảo ta có trách nhiệm phát tài liệu cho các uỷ viên Trung ương từ Bình Thuận trở ra, phần Nam Bộ ông ấy lo. Tôi nhận các tập hồ sơ từ tay ông Lê Xuân Trinh, gửi ai, đã được ông Sáu Hơn ghi rõ”. Ngày 17-4-1996, chỉ trong vòng một buổi sáng, Trung ương họp biểu quyết khai trừ Nguyễn Hà Phan ra khỏi Đảng.
Ngay sau phiên họp Trung ương, Nguyễn Hà Phan chỉ có vài ngày để thu xếp hành lý. Ông gần như bị trục xuất khỏi Thủ đô và đưa ngay về Cần Thơ cho dù lúc đó ông vẫn còn là phó chủ tịch Quốc hội. Hành tung của ông Phan ở quê tiếp tục bị các nhà cách mạng lão thành theo dõi và nhiều người tỏ ra không hài lòng khi ông Phan không bị đối xử như tội phạm(466).

Tam nhân tại vị

Từ ngày 3 đến ngày 9-6-1996, Trung ương tái nhóm họp để bàn về nhân sự. Tại hội nghị mà về sau ngôn từ nội bộ gọi là “Trung ương 11b”, Ban Nhân sự đã đưa bốn phương án về “ba đồng chí lãnh đạo chủ chốt” - Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt - ra Trung ương thăm dò. Kết quả, Trung ương đã không bỏ phiếu cho ba ông ở lại nhưng cũng không đủ phiếu để mời ba ông về làm cố vấn.
Phương án “cả ba đồng chí ở lại Bộ Chính trị” chỉ được 35 phiếu đạt 22,01%. Phương án “hai đồng chí ở lại Bộ Chính trị” được 11 phiếu, 6,9%. Phương án “một đồng chí ở lại Bộ Chính trị” được 68 phiếu, 42,76%. Còn phương án “cả ba đồng chí đều không tái cử Bộ Chính trị, làm cố vấn”, được 38 phiếu, 23,89%. Chỉ còn chưa đầy ba tuần là đại hội mà nhân sự chủ chốt vẫn rất mơ hồ. Trong lời bế mạc Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương khoá VII, Tổng bí thư Đỗ Mười nói: “Về danh sách giới thiệu Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII, nếu có vấn đề mới, đến Hội nghị Trung ương 12, Bộ Chính trị sẽ báo cáo xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương”(467).
Hơn hai tuần trước khi Đại hội VIII bắt đầu, vấn đề nhân sự vẫn còn chưa có gì rõ ràng. “Cách mạng lão thành” lại viết thư góp ý. Phương án không để những uỷ viên Trung ương đã đến tuổi sáu mươi lăm tái cử bị một số người phản đối. Thư đề ngày 12-6-1996 của ông Trần Lâm viết: “Đồng chí Đỗ Mười tiếp tục làm Tổng bí thư ở độ tuổi tám mươi, mà gạt bỏ hết những uỷ viên Trung ương ở tuổi sáu lăm thì khoảng cách về tuổi giữa Tổng bí thư và các đồng chí khác trong Bộ Chính trị và Ban Chấp hành TW sẽ là mười sáu tuổi trở lên đến vài ba chục tuổi. Như vậy Tổng bí thư sẽ dễ được coi như cha chú, như lãnh tụ”. Ông Trần Lâm ủng hộ việc “kiếm người thay thế Chủ tịch nước Lê Đức Anh” trong khi phê phán ông Đỗ Mười: “Trong vấn đề chuẩn bị nhân sự này đồng chí (Đỗ Mười) tỏ ra nể nang, chịu sức ép của một số người muốn gạt anh Võ Văn Kiệt vì định kiến hoặc vì chủ nghĩa cá nhân mờ ý chí sáng suốt”.
Ngày 19-6-1996, tại Hội nghị Trung ương 12, khi đọc “Báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 11”, Tổng bí thư Đỗ Mười nói: “Xin đề nghị đồng chí Lê Đức Anh và đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp tục tham gia Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khoá VIII… Xin đề nghị thêm hai đồng chí nữa là đồng chí Đoàn Khuê và đồng chí Nguyễn Đức Bình tái cử Trung ương và Bộ Chính trị khoá VIII”. Tuy bị một số uỷ viên phản ứng(468) nhưng Trung ương vẫn biểu quyết thuận đề nghị này của ông Đỗ Mười(469). Chiều ngày 19-6-1996, Tổng bí thư Đỗ Mười trấn an: “Chúng tôi - Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Lê Đức Anh - đã nhiều tuổi, tư tưởng của chúng tôi là muốn chuẩn bị tốt nhân sự cho khoá VIII, tốt nhất là đến Quốc hội khoá X có thể thay thế nhân sự chủ chốt, nhất là chức Tổng bí thư. Thay thế đồng chí Tổng bí thư là một vấn đề lớn. Chúng ta cần có thời gian chuẩn bị để thay thế các vị trí chủ chốt và nếu tìm được thì sẽ thay thế ngay, lúc đó chúng tôi sẵn sàng lui về tuyến hai”.
Cũng trong buổi chiều 19-6-1996, theo bản Tổng hợp ý kiến thảo luận tổ: “Nhiều ý kiến nhấn mạnh các đồng chí trên chỉ nên ở trong Trung ương và Bộ Chính trị đến hết nhiệm kỳ Quốc hội (tháng 7-1997) rồi rút, phải kiên quyết chuẩn bị người đến lúc đó thay thế. Có ý kiến chức vụ Tổng bí thư cũng nên như vậy. Bộ chính trị nói các đồng chí sẽ rút dần nhưng không rõ có thời hạn không. Ba đồng chí chủ chốt đều cao tuổi mà ở lại cả nhiệm kỳ thì không hay, nhưng có cơ sở gì đảm bảo các đồng chí rút dần hay bầu rồi là ở cả nhiệm kỳ?”(470). Một số ý kiến cho rằng: “Bộ Chính trị nói phương án Trung ương 11 làm lòng dân không yên là không có cơ sở. Chính phương án ba đồng chí ở lại cả dân mới không yên lòng vì thấy lãnh đạo cao tuổi mà không chuẩn bị được người thay”(471).
Đoàn Khuê và Trần Đức Lương cùng được dự kiến làm chủ tịch nước. Tháng 5-1996, Đoàn Khuê thăm Pháp với tư cách là Bộ trưởng quốc phòng, theo ông Nguyễn Văn An: “Gặp Tổng thống Jacques Chirac, ông Đoàn Khuê nói: tôi rất vui mừng tới đây được đón ngài tại Hà Nội. Cố vấn Phạm Văn Đồng nghe hỏi: Đoàn Khuê nói thế với tư cách gì”. Trong một chuyến thăm Nhật, Phó Thủ tướng Trần Đức Lương cũng nói ngụ ý rằng tới đây, Việt Nam sẽ có thay đổi lớn về nhân sự. Nhằm tìm người thay thế mình ở cương vị Tổng bí thư, Đỗ Mười đã đưa ra “bốn phương án” thăm dò, gồm Đào Duy Tùng, Lê Xuân Tùng, Đặng Xuân Kỳ và Lê Khả Phiêu.
Cách làm này bị một số cán bộ lão thành phê phán: “Việc đưa ra hội nghị trung ương vừa qua ba bốn phương án để lấy biểu quyết tín nhiệm Tổng bí thư, thủ tướng và chủ tịch nước, không phải là biểu hiện của phong cách làm việc dân chủ, tập thể, mà nó chỉ là biểu hiện sự không đồng nhất trong Bộ Chính trị và của sự thiếu quyết đoán (sự quyết đoán cần thiết) của Tổng bí thư trong tình huống hết sức phức tạp này”(472). Không phải ai cũng thực sự hiểu được chiến thuật nhân sự của ông Đỗ Mười. Theo ông Nguyễn Văn An: “Ông Đỗ Mười đưa ra bốn người là rất có kỹ thuật để tranh thủ các lực lượng. Dù thật, dù giả, ai thấy Tổng bí thư đưa mình vào danh sách kế vị cũng đều hài lòng. Đấy là nghệ thuật chính trị của anh ấy”.
Trước Đại hội một tháng, ứng cử viên Đào Duy Tùng bắt đầu ở trong tình trạng hôn mê sâu. Còn về ứng cử viên Đặng Xuân Kỳ, ông An nói: “Ông Đỗ Mười không có ý tiến cử mà chỉ là điệu hổ li sơn. Ông Mười muốn đưa Đặng Xuân Kỳ ra khỏi trung tâm lý luận của Đảng. Ở chỗ rộng, ông Mười nói ông giới thiệu nhưng ông Kỳ xin rút, thực ra ông Kỳ không hề xin rút. Ở chỗ hẹp, ông đánh giá Đặng Xuân Kỳ rất nặng nề về quan điểm”. Danh sách bốn chỉ còn lại hai, theo ông Nguyễn Văn An: “Ông Lê Xuân Tùng thì sức khỏe kém chỉ còn lại ông Lê Khả Phiêu”.
Nhiều phương án thì phân tán phiếu. Qua thăm dò, không có ứng cử viên nào hội đủ số phiếu tín nhiệm để thay thế Tổng bí thư Đỗ Mười. Ông Mười, tám mươi tuổi, như ông Trần Lâm viết, cũng không tiện ngồi lại một mình. Kết quả: Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Đoàn Khuê, Nguyễn Đức Bình tiếp tục tại vị; chỉ một số uỷ viên Bộ Chính trị trên bảy mươi tuổi như Lê Phước Thọ, Vũ Oanh, Bùi Thiện Ngộ là nghỉ như đề nghị của ba ông cố vấn.

Sức khỏe Trung ương

Trước Đại hội VIII, ứng cử viên sáng giá cho chức Bộ trưởng Ngoại giao, ông Lê Mai, bị mất đột ngột; ngay sau bầu cử, một tân uỷ viên Bộ Chính trị, ông Nguyễn Đình Tứ, cũng đột tử trước khi nhận chức(473). Cái chết của ông Tứ đã làm thay đổi chút ít phương thức tiến hành đại hội. Cho dù quy trình nhân sự vẫn được làm kỹ trong thời gian trù bị, nhưng từ Đại hội IX, chỉ khi đại hội chính thức khai mạc việc bỏ phiếu mới được tiến hành. Ngoài hai trường hợp chết bất ngờ này, chuyện sức khỏe Trung ương trước và sau Đại hội VIII cũng diễn ra đầy kịch tính.
Chỉ mấy tháng sau Đại hội, tướng Lê Đức Anh bị đột quỵ. Ông bị xuất huyết não khá nặng. Thông tin về bệnh tình của tướng Anh được giữ kín tuyệt đối. Hơn ba tháng sau, khi bắt đầu hồi phục, bằng một ý chí tại vị sắt đá, tướng Lê Đức Anh quyết định vẫn xuất hiện trên truyền hình và đài phát thanh đọc lời chúc mừng năm mới.
Giám đốc Quân y viện 108, Bác sỹ Vũ Bằng Đình, nói: “Chúng tôi phải hộ tống ông từ bệnh viện ra phòng thu. Ống kính chỉ quay nửa người nên dân chúng không biết ông vẫn ngồi trên giường bệnh. Các bác sỹ nấp phía sau sẵn sàng cấp cứu”. Theo Bác sỹ Vũ Bằng Đình, sau khi đọc xong lời chúc năm mới, ông Lê Đức Anh về nhà, từ đây, ông được một ê-kip bác sỹ người Trung Quốc trực tiếp chăm sóc trong giai đoạn hồi phục. Các bác sỹ Việt Nam hoàn toàn không biết phác đồ điều trị mà các bác sỹ Trung Quốc dùng cho tướng Lê Đức Anh.
Người Trung Quốc còn nắm giữ không ít bí mật về sức khỏe của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Giữa thập niên 1990, thỉnh thoảng, bị cánh nhà báo chặn lại khi vừa bước từ toilet ra, Tổng bí thư Đỗ Mười, với quần quên kéo khoá, leo lên chiếc bàn nước nhỏ đặt phía sau Hội trường Ba Đình, ngồi xếp bằng vui vẻ chuyện trò với dân báo chí. Nhiều khi cao hứng, ông nói: “Tôi đã từng bị thần kinh đấy”. Không phải ông nói đùa, theo ông Nguyễn Văn Trân, Bí thư Trung ương Đảng khoá III, người từng hoạt động với ông, có thời gian ông Đỗ Mười bị bệnh thần kinh, gần như không thể làm việc, có lúc lên cơn, ông phải dùng một cây gậy múa cho hạ nhiệt, có lúc người ta thấy ông Đỗ Mười một mình leo lên cây… Năm 1963, ông đã phải đi Trung Quốc chữa bệnh tới mấy năm mới về Việt Nam làm việc(474).
Từ trước Đại hội VIII, khi công việc cơ cấu nhân sự bắt đầu, theo ông Nguyễn Văn An, người có trách nhiệm nắm hồ sơ các nhà lãnh đạo, kể cả các hồ sơ về sức khỏe, trong Bộ Chính trị xuất hiện một số “ông giấu bệnh”. Ông Lê Xuân Tùng, sau khi bị tai biến, một chân gần như bị liệt vẫn khẳng định là đang rất khỏe. Ông Lê Minh Hương giấu bệnh tiểu đường nặng. Ông Đoàn Khuê giấu bị ung thư hạch. Ông Đào Duy Tùng bị ung thư nhưng vẫn bám giữ chức Trưởng Ban Văn kiện của Đại hội cho đến khi bị tế bào ung thư lan lên não.
Tổ trưởng Tổ Biên tập Văn kiện Hà Đăng kể: “Trong nhiều cuộc họp, cả trong một vài cuộc tiếp xúc, thấy anh (Đào Duy Tùng) có những lúc lim dim, chừng như lơ đãng… Sau Hội nghị Trung ương 10, Tổ Biên tập Văn kiện chúng tôi họp lại trên cơ sở tiếp thu những ý kiến của Trung ương, sửa chữa lần cuối bản Dự thảo Báo cáo chính trị. Tôi thay mặt Tổ trình bày nội dung và cách sửa. Anh vẫn lim dim. Và khi tôi trình bày xong, anh đặt một vài câu hỏi, lại chính là những điều tôi vừa nói”(475). Tháng 5-1996, “ứng cử viên Tổng bí thư” Đào Duy Tùng xuống Hải Phòng dự đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố, đang phát biểu thì bị đột quỵ rồi từ đó, như đã nói, ở trong tình trạng hôn mê sâu cho đến khi qua đời(476).
Tuy vẫn giữ nguyên chức vụ, nhưng ở Đại hội VIII, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt đều mất phiếu rất nhiều vì lớn tuổi. Cả ba ông chỉ đắc cử với số phiếu đứng áp chót trong Ban Chấp hành Trung ương. Theo ông Nguyễn Đình Hương: “Cả ba đều thấy xu thế của Đại hội nên đẩy nhanh quy trình chuyển giao”. Tháng 4-1997, khi chuẩn bị nhân sự cho Quốc hội khoá X, Bộ Chính trị quyết định cả ba ông sẽ không tiếp tục ra ứng cử(477). Công tác nhân sự vẫn diễn ra với nhiều kịch tính trong giai đoạn tìm người kế vị này.
Ông Nguyễn Văn An nói: “Ông Đỗ Mười muốn ông Lê Khả Phiêu thay thế mình. Ông Mười muốn có ảnh hưởng với quân đội. Về già ông ấy vẫn muốn tiếng nói của mình có trọng lượng. Nhưng uy tín của ông Lê Khả Phiêu trong quân đội rất thấp”. Ông Lê Khả Phiêu giải thích: “Khi sang chủ trì họp Quân uỷ Trung ương, anh Đỗ Mười mấy lần nhấn mạnh sự ủng hộ tôi. Đối với anh Mười, có ba thành phần cán bộ mà anh nhiệt tình ủng hộ và cất nhắc: một là con cái gia đình cán bộ, hai là xuất thân từ giai cấp công nhân, ba là đã kinh qua chiến đấu. Lúc ấy, trong Quân uỷ, ai cũng biết tôi là người ở lâu nhất trong các chiến trường chống Pháp, chống Mỹ, chống Khmer Đỏ. Mãi tới năm 1991, tôi mới thực sự rời khỏi chiến trường Campuchia”.
Theo ông Lê Khả Phiêu thì việc ông trở thành uỷ viên thường vụ Thường trực Bộ Chính trị diễn ra khá thuận lợi. Ông Phiêu nói: “Khi anh Đào Duy Tùng còn, anh Đỗ Mười đã nói tôi qua cùng trực Bộ Chính trị. Làm thường trực thì anh Lê Đức Anh đồng ý nhưng làm Tổng bí thư thì lúc đầu anh ấy hơi ngại. Trong thâm tâm, anh Lê Đức Anh vẫn muốn làm Tổng bí thư. Có lần anh nói tôi sang làm thủ tướng”. Nhưng mối quan hệ Lê Khả Phiêu - Lê Đức Anh phức tạp hơn những gì ông Lê Khả Phiêu nói này(478).
Theo ông Nguyễn Văn An, ông Đỗ Mười cử ông sang làm việc với quân đội hai lần để đưa ông Phiêu sang Thường trực, cả hai lần đều bị ông Lê Đức Anh và Đoàn Khuê trả lời “không đi được” vì “quân đội đang rất cần đồng chí Lê Khả Phiêu nắm Tổng cục Chính trị”. Ông Nguyễn Văn An nói: “Có vấn đề đằng sau. Ông Lê Đức Anh đang muốn đưa Đoàn Khuê lên giữ chức chủ tịch nước. Nhưng nếu ông Đoàn Khuê đã chủ tịch nước thì làm sao ông Lê Khả Phiêu có thể làm Tổng bí thư. Tôi nói với ông Đỗ Mười, nếu anh thực sự muốn xây dựng anh Lê Khả Phiêu thì nên sớm có quyết định. Ông Mười quyết định và cử tôi sang gặp lần thứ ba. Ông Lê Đức Anh đồng ý để ông Lê Khả Phiêu đi nhưng vẫn giữ ý kiến sẽ đưa Đoàn Khuê lên làm chủ tịch nước. Tôi nghĩ, thời bình mà chính quyền để hai ông tướng nắm thì coi sao được”.
Theo ông Nguyễn Văn Nam, thư ký của ông Đỗ Mười: “Khi Lê Đức Anh giới thiệu Đoàn Khuê, Bộ Chính trị họp mấy ngày. Ông Mười về hỏi chúng tôi: Đoàn Khuê làm chủ tịch được không? Tôi nói: anh định đưa ông tướng thứ hai lên nữa à? Ông Kiệt bằng tuổi Đoàn Khuê, các anh ép ông ấy nghỉ. Người giỏi thì không để, lại để một ông tướng ham chức ham quyền”.
Ông Nguyễn Văn An kể: “Khi chuẩn bị nhân sự chủ chốt, ông Lê Đức Anh vẫn giới thiệu Đoàn Khuê làm chủ tịch nước và Thường vụ không có ai phản đối. Tôi gặp anh Đỗ Mười nói Đoàn Khuê bị ung thư đấy, anh Mười nói: Đoàn Khuê nói với tao, uống tam thất nó tan hết rồi mà. Đoàn Khuê còn vạch bụng cho tao xem. Tôi bảo: thưa anh, theo chuyên môn thì đấy là khối u nó chạy chứ không phải tan đâu ạ”.
Theo Giáo sư Vũ Bằng Đình, viện trưởng Quân y 108 kiêm phó chủ tịch Hội đồng Bảo vệ sức khỏe Trung ương: “Chúng tôi phát hiện Đoàn Khuê bị ung thư hạch rất sớm. Sau khi bí mật hội chẩn trên cơ sở các mẫu xét nghiệm mà không cho biết là của ai, tất cả các chuyên gia trong nước đều khẳng định đấy là ung thư hạch. Tôi đích thân trên dưới mười lần đến năn nỉ ông vào bệnh viện. Biết khi ấy ông Lê Đức Anh đang giới thiệu Đoàn Khuê kế vị, tôi trấn an ông: nếu anh đồng ý để chúng tôi chữa trị kịp thời thì anh không những có thể sống thêm một thời gian dài mà còn có sức khỏe để đảm đương những nhiệm vụ quan trọng hơn. Nhưng ông Đoàn Khuê vẫn phủ nhận kết quả hội chẩn và chỉ thị cho tôi phải báo cáo Hội đồng Bảo vệ sức khỏe Trung ương là ông chỉ bị viêm hạch”.
Trước khi Quốc hội khoá IX nhóm họp để chuẩn bị nhân sự cao cấp, theo Đại tá Vũ Bằng Đình, tướng Lê Khả Phiêu, với tư cách là uỷ viên thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, cùng với Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn An yêu cầu Viện 108 báo cáo sức khỏe của cả hai vị tướng Lê Đức Anh và Đoàn Khuê. Ông Đình nói: “Tôi và bác sỹ Nguyễn Thế Khánh cùng ký vào bệnh án, bí mật báo cáo lên Bộ Chính trị”.
Theo ông Nguyễn Văn An: “Sau khi anh em đưa cho tôi bệnh án của Đoàn Khuê: ung thư gan giai đoạn ba, chỉ có thể kéo dài cuộc sống không quá một năm, họp Thường vụ Bộ Chính trị, tôi đưa vấn đề sức khỏe ra, ông Đoàn Khuê vẫn cãi. Tôi phải công bố bệnh án”. Đoàn Khuê đập bàn tuyên bố: “Tôi là người khỏe mạnh, chúng nó phá. Tôi sẽ cho hai thằng đó nghỉ”. Đại tá Vũ Bằng Đình nhớ lại: “Cả tôi và anh Lê Thi, bí thư Đảng uỷ Viện 108, nhận được quyết định nghỉ ngay lập tức”. Không chỉ “lỡ cơ hội” trở thành nguyên thủ quốc gia, bệnh tình Đoàn Khuê tiến triển xấu từng ngày. Cuộc sống của ông chỉ còn sáu tháng thay vì một năm như dự đoán. Ngày 16-1-1998, tướng Đoàn Khuê chết.
Tháng 7-1997, Quốc hội khoá X khai mạc, chức chủ tịch nước được trao ông Trần Đức Lương, một người cùng quê Quảng Ngãi với ông Phạm Văn Đồng; chức thủ tướng thuộc về ông Phan Văn Khải. Từ nhiệm kỳ VII, lãnh đạo cấp cao có khuynh hướng được phân đều cho ba vùng: Tổng bí thư miền Bắc, chủ tịch nước người miền Trung, thủ tướng người miền Nam.
“Tam nhân” khi ấy vẫn ở trong Thường vụ Bộ Chính trị, và ông Đỗ Mười thì vẫn còn là Tổng bí thư. Tại cuộc họp Bộ Chính trị vào trung tuần tháng 12-1997, vấn đề đưa Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt ra khỏi Bộ Chính trị mới được đặt ra. Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn An báo cáo kết quả lấy phiếu thăm dò trong cán bộ chủ chốt từ cấp Bộ trưởng trở lên, cho thấy có tới 80% đồng ý để cả ba ông nghỉ. Theo ông Nguyễn Văn Nam, thư ký ông Đỗ Mười: “Họp Bộ Chính trị, ông Lê Đức Anh sợ chết không nhắm được mắt nếu ra khỏi Bộ Chính trị. Ông Anh nói không ứng cử đại biểu Quốc hội đã là một sai lầm rồi giờ ra khỏi Bộ Chính trị là một sai lầm nữa”.
Trước ngày khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ Tư, khoá VIII, cố vấn Võ Chí Công đề nghị ba người nên rút ra khỏi Bộ Chính trị nhưng trong ba ông không ai có một quyết định dứt khoát. Trong tình thế đó, ông Phạm Văn Đồng đã vận động ông Nguyễn Văn Linh và ông Võ Chí Công, cùng đưa ra sáng kiến cả ba từ chức cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Theo ông Lê Khả Phiêu: “Khi có thư của ba đồng chí xin Trung ương cho thôi vai trò cố vấn để giao cho các đồng chí trẻ làm, anh Đỗ Mười gọi tôi sang nói: như vậy là các cụ muốn mở đường để chúng tôi lui về”.
Chức vụ Tổng bí thư lúc này coi như thuộc về ông Lê Khả Phiêu nhưng ông Đỗ Mười vẫn “dân chủ” đưa “bốn phương án” ra lấy phiếu thăm dò. Kết quả, ông Phiêu cao phiếu nhất, ông Nguyễn Văn An, người không có trong bốn phương án nay, đứng thứ hai, người thứ ba là ông Nông Đức Mạnh. Theo ông Nguyễn Văn Nam: “Nhiều người chất vấn ông Đỗ Mười, sao thời bình lại chọn Tổng bí thư là một ông tướng? Ông Mười phân bua: các anh xem, tôi chọn bốn, năm người mà đều hỏng cả, chỉ còn anh Phiêu uy tín nhất”.
Ngày 31-12-1997, trong phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 4, ông Đỗ Mười chính thức bàn giao chức Tổng bí thư cho tướng Lê Khả Phiêu. Ba ông ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương, chấp nhận giữ vai trò cố vấn.
Chú thích
(446) Thư ngày 7-8-1995 của ông Trần Văn Hiển, uỷ viên Trung ương Đảng Khoá IV, gửi Bộ Chính trị viết: “Đồng chí Đỗ Mười có nói với chúng tôi: (nguyên là các uỷ viên Trung ương Đảng đã nghỉ hưu) cần góp ý kiến với Đại hội nhất là vấn đề về nhân sự”.
(447) Thư ngày 23-8-1995 của ông Đặng Văn Thượng, đặc phái viên Chính phủ (ông Thượng nguyên là bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh) gửi Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
(448) Trong tài liệu gửi Ban Tổ chức Trung ương, ông Kiệt ghi chú “câu này là bịa đặt”.
(449) Đài BBC nhầm, Khoá VII (1991-1996) Đảng cộng sản Việt Nam mới có chức danh bí thư chứ chưa thiết lập chức danh uỷ viên thường vụ. Thủ tướng thường không tham gia ban bí thư.
(450) Ngày 24-11-1992, ông Lê Phước Thọ viết thư: “Anh Sáu Dân thân mến. Ban tổ chức Trung ương có nhận được thư của anh nói việc đồng chí cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Văn Linh phát biểu về cá nhân anh tại Hội nghị cán bộ tổ chức toàn quốc đầu tháng 8-1992 ở TP Hồ Chí Minh. Khi nhận được thư của anh, Ban tổ chức có bàn chờ lấy cuốn băng trong thành phố Hồ Chí Minh gởi ra, nắm chắc nội dung rồi sẽ báo cáo với anh để bảo đảm tính chính xác trung thực, vì ngại ghi sổ tay không đầy đủ. Chiều ngày 8-11 tôi mới nhận được cuộn băng thì 6 giờ sáng ngày 9-11-1992 tôi đi công tác ở Miền Trung đến ngày 24-11-1992 mới về, khi về Hà Nội nhận được bức thư thứ hai của anh. Việc trả lời cho anh chậm, tôi nhận khuyết điểm. Tôi đề nghị anh thu xếp thời gian nào thích hợp tôi sẽ trực tiếp báo cáo với anh. Thân kính. Lê Phước Thọ”.
(451) Trước Đại hội VIII ông Nguyễn Văn An là phó Ban Tổ chức Trung ương Đảng.
(452) “Sáu Dân, 4/5/1993, TỐI MẬT. Kính gởi anh Mười”.
(453) Thư tháng 6-1994 của ông Võ Văn Kiệt cho thấy: “Có nhiều công việc điều hành cụ thể, Ban cán sự Đảng của các Bộ (trưởng ban là Bộ trưởng) phải báo cáo trước các ban của Đảng, trước Ban Bí thư và phải quán triệt các ý kiến chỉ đạo của Đảng. Cung đồng chí Bộ trưởng đo phải báo cáo và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ theo hệ thống của hành pháp. Tương tự, có nhiều vấn đề cụ thể, kê cả các việc thuộc lĩnh vực kinh tế, xã hội và thuộc nhân sự, đáng ra là thuộc trách nhiệm của Chính phủ phải xử lý, bên Chính phủ đã bàn đi bàn lại nhiều lần nhưng vẫn phải báo cáo với Ban Bí thư hoặc Thường trực Bộ chính trị - Ban Bí thư”. Ông Võ Văn Kiệt viết: “Chúng ta nói nhiều về nguy cơ diễn biến hoà bình, nhưng nếu để công cuộc đổi mới mất đà, kinh tế - xã hội phát triển chậm, nguy cơ tụt hậu tăng thêm, thì đó chính là cơ sở, là miếng đất rất tốt để nguy cơ diễn biến hoà bình tăng thêm lên”. Ông Kiệt cho rằng: “Chính phủ đủ maah, làm tốt chức trách chỉ đạo, điều hành thì tức là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, bởi vì trong chính phủ, hiện nay các Bộ trưởng đều là Đảng viên, lại có hai uỷ viên Bộ chính trị. Những vấn đề lớn về đường lối, chủ trương đều do Bộ chính trị quyết định… Tôi phát biểu ý kiến này hoàn toàn xuất phát từ ý muốn chân thành, xây dựng cho Chính phủ đủ mạnh. Dù tôi hay đồng chí khác làm cũng cần phải vậy… Xin đề nghị anh em xem xét và nếu cần thì đưa ra Bộ chính trị vấn đề tôi trình bày trong thư này. Kính: Sáu Dân”.
(454) Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên và Cuba.
(455) Ông Võ Văn Kiệt đưa ra năm tiêu chí “định hướng” xã hội chủ nghĩa: “1- Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh; 2- Phát triển gắn liền với giữ gìn độc lập chủ quyền và bản sắc văn hoá của dân tộc; 3- Phát triển gắn liền với phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường; 4- Xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân có hiệu lực; 5- Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn bộ quá trình phát triển đó”.
(456) Trong thư Gửi Bộ chính trị, ông Võ Văn Kiệt viết: “Có đồng chí nói biểu hiện của chệch hướng là quốc doanh không làm chủ được lưu thông phân phối, tư thương hầu như chi phối thương nghiệp. Một biểu hiệu khác của chệch hướng - cũng theo cách nhìn như vậy - là trong giao thông vận tải tỷ lệ xe tư nhân chiếm quá cao,… Cũng những sự việc nói trên, đúng ra phải được đánh giá hoàn toàn ngược lại. Sự thật là đường lối đổi mới đã tạo ra được một cơ chế kinh tế cho phép huy động mọi tiềm năng trong xã hội, nhờ đó đã xử lý có thể nói khá thành công vấn đề lưu thông hàng hoá và giao thông vận tải. Về phương diện nầy chúng ta đã thành công rất xa so với thời kỳ còn cơ chế kinh tế bao cấp. Bây giờ hàng hoá đi và về hầu như mọi miền đất nước, nhân dân trong cả nước đi lại dễ dàng hơn trước nhiều lần”.
(457) Trong Bộ Chính trị, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm là người chia sẻ điều này nhưng ông Cầm vốn là một người thận trọng.
(458) Trả lời phỏng vấn tác giả ngày 10-3-2011.
(459) Trả lời phỏng vấn tác giả ngày 16-12-2011.
(460) Người giúp việc cũng là một yếu điểm để khi cần, được “tam nhân” sử dụng cho các mục tiêu chính trị. Ngày 31-10-1992, trợ lý của ông Đỗ Mười, ông Hà Nghiệp, có một bài phát biểu tại Viện Marx-Lenin. Sau khi cổ vũ cho kinh tế thị trường và phân tích hoàn cảnh Việt Nam đang ở thời kỳ quá độ, ông Hà Nghiệp nói: “Chúng ta nên nói: kiên trì mục tiêu và lý tưởng của chủ nghĩa xã hội chứ không nên nói kiên trì chủ nghĩa xã hội vì cái đó ta chưa biết. Không thể kiên định cái mà ta không biết”. Đặc biệt, ông Hà Nghiệp đề nghị: “Hồ Chí Minh đặt tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam là rất đúng, là không phải suy nghĩ bỗng chốc. Đảng phải trở về với Hồ Chí Minh, trở về với cái gốc của mình. Tên nước cũng nên trở về với tên mà Hồ Chí Minh đặt: Việt Nam dân chủ cộng hoà”. Phát biểu của Hà Nghiệp chỉ cho năm người nghe: Phạm Như Cương, Đặng Xuân Kỳ, Vũ Hữu Ngoạn, Trần Nhâm và Đào Duy Quát, con trai Đào Duy Tùng. Không ngờ có người ghi âm, sau đó phản ánh lại cho Bộ Chính trị. Đào Duy Tùng, Lê Đức Anh phản ứng quyết liệt. Lê Đức Anh đòi: “Đuổi cổ thằng này ra khỏi Đảng”. Ông Đỗ Mười bèn nói: “Các anh nên nhớ, khi trao đổi nội bộ, anh Hà Nghiệp chỉ đặt vấn đề có tính gợi mở. Còn khi làm cho tôi là theo tôi, anh ấy sai là tôi sai. Việc anh Hà Nghiệp đề nghị các anh để tôi xử lý”.
Phát biểu của Hà Nghiệp mang tính nội bộ và không nhiều người tin đó là quan điểm của ông Đỗ Mười. Trong khi thư “Gửi Bộ Chính trị” ký tên Võ Văn Kiệt và ai cũng biết đó là những điều ông trăn trở. Bức thư được đưa ra ở thời điểm tạo ra không ít bất lợi cho ông Kiệt.
Ngày 26-6-1996, ông Nguyễn Trung viết thư gửi ông Kiệt: “Thưa Anh, đã đến lúc tôi gởi thư này xin trình Anh đôi điều. Khi Anh gọi tôi về làm trợ lý cho Anh, một trong hai điều tôi xin Anh là xin được phục vụ Anh đến Đại hội VIII. Điều mong muốn này lúc đó là do ước lượng sức mình, và bây giờ tôi xin được thực hiện lời nói của mình. Đó là lý do thứ nhất. Nhưng bây giờ có thêm lý do thứ hai hệ trọng hơn nhiều lần khiến tôi phải xin Anh điều này, đó là: tôi thấy giúp Anh được thì ít, nhưng gây khó khăn cho Anh thì lớn quá, tôi muốn nói về câu chuyện bức thư 9-8-1995. Hơn nữa trọng trách của Anh bây giờ là đối với đất nước, đối với Đảng ta rất lớn và khó hơn trước nhiều lần… Điều làm tôi vô cùng ân hận không phải là nội dung bức thư, mà là những yếu kém của tôi khi giúp Anh trong công việc cụ thể này, trong đó yếu tố kém lớn nhất là sự hiểu biết của tôi về tình hình và vận mệnh đất nước ta. Làm trợ lý mà sự hiểu biết còn hạn chế của tôi quá ít như vậy thì không thể chấp nhận được, mặc dù đã bạc đầu với cuộc đời rồi! Nhiều lúc tôi bị day dứt ghê gớm vì sự ân hận này, song tôi cắn răng chịu đựng, cũng không xin lỗi Anh một lời, vì biết Anh cũng đang lặng lẽ như vậy- và còn vì chúng ta là đàn ông.
Tôi chân thành cảm ơn mọi sự ưu ái của Anh dành cho tôi, nhất là rất biết ơn sự độ lượng lớn lao của Anh chung quanh câu chuyện bức thư. Được phục vụ đồng chí lãnh đạo như vậy mãi mãi là niềm vui của tôi. Chắc chắn tôi học tập được ở Anh nhiều điều mà Anh khó đoán hết được. Tôi xin Anh cho về hưu. Sau khi tôi về hưu, Anh thấy cần phụ giúp việc gì xin Anh cứ gọi. Xin Anh hiểu cho không phải sự quản ngại nào, cũng không phải ý nghĩ giữa đường trò bỏ thầy, chỉ có bao điều day dứt trong lòng khiến tôi viết thư này. Trong gia đình, xưa nay tôi vẫn thường dạy các con mình điều quan trọng hơn vẫn là mọi việc ở phía trước, và tôi cố gắng làm gương cho các cháu về điều này- không phải chỉ vì ý chí cầu tiến bộ, mà còn vì cách nhận thức những giá trị trong cuộc sống. Cho đến khi gặp Anh, tôi gặp một gương lớn về cách suy nghĩ này. Đấy chính là một trong những điều khiến tôi trong lòng rất mến phục Anh. Với lòng trân trọng này, kính chúc Anh mạnh khỏe. Kính thư/Nguyễn Trung”.
(461) Ngày 22-8-1996, Toà án Nhân dân Thành phố Hà Nội xử: Hà Sĩ Phu, 1 năm tù giam; Lê Hồng Hà, 2 năm tù giam; Nguyễn Kiến Giang, 15 tháng tù treo.
(462 Ông Phiêu lúc đó là Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.
(463 Số ra thứ Hai, ngày 25-3-1996.
(464) Thư ngày 23-8-1995.
(465) Nguyễn Hà Phan, gọi theo thứ bậc của người miền Tây là Sáu Phan - Thư đã dẫn.
(466) Trong một bức thư riêng đề ngày 26-7-1996 gửi ông Võ Văn Kiệt, ông Vũ Đình Liệu viết: “Định lại gặp anh để trao đổi, nhưng sợ anh nhiều công việc quá, hơn nữa tôi cũng muốn hạn chế gặp anh để bớt gây khó khăn cho anh. Nên tôi biên thư này báo cáo với anh một số vấn đề để anh biết và có kế hoạch đối phó… Khi Sáu Phan về Cần Thơ chẳng có kế hoạch bố trí kiểm tra gì cả. Y tự do tiếp xúc lung tung, xuyên tạc nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương. (Đối với người không thân lắm, y nói đây là khuyết điểm nhưng là khuyết điểm cũ. Nhưng có khuyết điểm phải ráng sửa, đối với người thân, muốn lôi kéo thì y nói do y khám phá một vụ tham nhũng lớn bên Chánh phủ nên Chánh phủ lật y, còn vợ con y hoàn toàn nói theo luận điệu của đài VOA hoặc đài BBC). Trong lúc về phía ta không cố giải thích gì ngoài những bản thông báo vắn tắt, nên trong đảng viên, cán bộ có nhiều người hoang mang, có người oán trách Đảng. Ở Hà Nội, anh Chín Đào lại thăm tôi, có cho biết: khi anh Chín Đào và anh Nông Đức Mạnh đang trao đổi về việc xử lý anh Sáu Phan, anh Đỗ Mười gặp hỏi: các ông bàn vụ gì đó? Trả lời: chúng tôi đang trao đổi để giải quyết vấn đề Sáu Phan. Anh Đỗ Mười nói: vụ Sáu Phan thì báo cáo Trung ương không được rõ nên Trung ương quyết định khai trừ khỏi Đảng, thật quá nặng, anh sẽ đưa ra Trung ương khoá 8 để xem xét lại, trước mắt, anh phải giữ nguyên chế độ phó chủ tịch Quốc hội cho anh Sáu Phan. Theo anh Chín Đào cho biết thì các anh không nhất trí để cho anh Sáu Phan giữ nguyên chế độ. Đến nay thì vấn đề nầy (vận động cho anh Sáu Phan và còn giữ cương vị phó chủ tịch Quốc hội) đã rõ. Theo anh Mười Dài và anh Đoàn Công Thỉnh (Ba Đoàn) nguyên phó Ban tổ chức Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh thì anh Sáu Hậu được phân công đi bàn với các đoàn đại biểu Quốc hội của Nam bộ, phiên họp tháng 10 nầy đặt vấn đề vẫn giữ chức phó chủ tịch Quốc hội cho Sáu Phan và tiếp tục đánh anh (Sáu Dân) ở kỳ họp thứ 10 nầy”. Theo ông Nguyễn Đình Hương: “Ông Mạnh không định cách chức phó chủ tịch Quốc hội của ông Nguyễn Hà Phan. Nguyễn Hà Phan sau khi về Cần Thơ, vận động một số cán bộ từng ở tù tính gỡ gạc. Ông Mạnh khi ấy không ở trong Thường vụ Bộ Chính trị, nắm vấn đề không rõ ràng lại bị tác động. Tôi nói với ông Mạnh: Anh không biết đâu, để tôi nói cho anh rõ”. Trước sức ép của những nhà lãnh đạo miền Nam, Quốc hội khoá IX đã biểu quyết bãi miễn Nguyễn Hà Phan vào ngày 24- 10-1996 sau một phiên họp kín.
(467) Lấy từ bản “Trích tài liệu Hội nghị 11-12 Ban chấp hành Trung ương khoá VII về nhân sự chủ chốt”; Văn phòng Võ Văn Kiệt sao ngày 27-11-1997.
(468) Theo ông Lê Khả Phiêu thì sau khi nghe ông Đỗ Mười nói vậy, lập tức, ba Trung ương uỷ viên, trong đó có Hà Đăng, phản đối vì cho rằng làm như thế là không có nguyên tắc nhưng Trung ương vẫn biểu quyết. Kết quả, cả Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Đoàn Khuê và Nguyễn Đức Bình đều ở lại.
(469) Theo kết quả kiểm phiếu ngày 20-6-1996, Lê Đức Anh nhận được 130 phiếu, 84%; Võ Văn Kiệt nhận được 120 phiếu, 78%; Đoàn Khuê 112 phiếu, 72,7%; Nguyễn Đức Bình, 101 phiếu, 65%.
(470) Lấy từ bản “Trích tài liệu Hội nghị 11-12 Ban chấp hành Trung ương khoá VII về nhân sự chủ chốt”; Văn phòng Võ Văn Kiệt sao ngày 27-11-1997.
(471) Lấy từ bản “Trích tài liệu Hội nghị 11-12 Ban chấp hành Trung ương khoá VII về nhân sự chủ chốt”; Văn phòng Võ Văn Kiệt sao ngày 27-11-1997.
(472) Thư đề ngày 12-6-1996 của ông Trần Lâm.
(473) Ngày 27-6-1996, trong phiên trù bị, Đại hội Đảng lần thứ VIII đã bầu gGiáo sư Nguyễn Đình Tứ, một nhà vật lý tên tuổi, vào Trung ương và ngay sau đó, được Trung ương đưa vào Bộ Chính trị. Sẽ không có gì để thường dân xầm xì nếu như ông Nguyễn Đình Tứ không bị tai biến và đột ngột chết vào lúc 20 giờ ngày hôm sau, 28-6-1996, ngày mà về công khai, Đại hội VIII mới bắt đầu khai mạc. Và theo chương trình làm việc được công bố cho người dân thì mãi tới ngày 30-6-1996, đại hội mới bắt đầu bầu cử. Thế nhưng, Cáo phó do Ban Chấp hành Trung ương đưa ra vẫn phải công bố ông Nguyễn Đình Tứ là uỷ viên Bộ Chính trị. Những người trong hệ thống thì không có gì bất ngờ, nhưng thường dân ngay tình thì không hiểu tại sao một người chết vẫn được Đảng bầu vào hàng ngũ mười chín người quyền lực nhất.
(474) Ông Đặng Quốc Bảo xác nhận, ông đã từng đi Trung Quốc chữa bệnh cùng ông Đỗ Mười mấy năm trời. Trong tiểu sử tóm tắt của ông Đỗ Mười, có một khoảng trống từ năm 1961 đến 1967 không nêu chi tiết chức vụ và công việc.
(475) Tuyển tập Đào Duy Tùng II, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia 2008, trang 634.
(476) Đào Duy Tùng mất vào tháng 6-1998.
(477) Tuy chức danh Tổng bí thư không bị ràng buộc bởi hiến pháp, nhưng trong các đời chủ tịch đảng, các Tổng bí thư từ Hồ Chí Minh, Trường Chinh, đến Lê Duẩn đều đồng thời là đại biểu Quốc hội. Các chức danh chủ tịch nước và thủ tướng thì theo hiến pháp phải là đại biểu Quốc hội.
(478) Ông Lê Khả Phiêu được điều vào Quân khu IX, khi tướng Lê Đức Anh đang là tư lệnh Quân khu. Trong chiến tranh ở Campuchia,tướng Lê Đức Anh là tư lệnh lực lượng tình nguyện quân ở chiến trường Campuchia còn ông Phiêu, lúc đầu chỉ là đại tá, phó tư lệnh chính trị Mặt trận 979, cơ quan tiền phương của Quân khu IX. Ông Phiêu từng giữ chức phó chủ nhiệm chính trị Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia với quân hàm thiếu tướng. Năm 1989, khi Việt Nam rút quân, ông Phiêu được thăng trung tướng, giữ chức phó chủ nhiệm Tổng cục chính trị.

No comments:

Post a Comment