Friday, February 15, 2013

Bên thắng cuộc Phần I: Miền Nam Chương 2b


Cải tạo
    
Tù và cải tạo
Cho dù ở tù hay cải tạo thì đều là thân phận của những người mất tự do. Nhưng được chuyển từ Đề lao Gia Định hay Chí Hòa ra trại “cải tạo” vẫn là những gì mà những “người tù” thèm khát.
Duyên Anh viết: “Nếu tôi đã phục vụ (trong quân đội) như Thanh Tâm Tuyền, Phan Nhật Nam, Tô Thùy Yên…97, tôi sẽ đóng một khoản tiền ăn mười ngày cho đơn vị tôi trình diện học tập ở trường Gia Long, ở trường Lasan Taberd hay ở cô nhi viện Don Bosco, chẳng hạn. Rồi tôi chờ đợi xe Molotova, xe GMC, xe đò nữa, chở tôi đến trại nào đó ở Long Giao, ở Suối Máu, ở Long Thành. Tôi đi tù với hàng ngàn, hàng vạn bạn bè, tôi không việc gì mà sợ hãi. Ít ra, hai ba năm đầu, bộ đội họ quản lý tôi cũng dễ dãi hơn công an. Tôi đi lại thong thả khắp trại và đêm đêm cửa phòng tôi không bị khóa chặt. Nhưng tôi đã thiếu vinh hạnh làm sĩ quan quân lực Việt Nam
Cộng Hòa, tôi là nhà văn phản động và công an đã đến còng tay tôi, đưa tôi đi một mình”98.
Khi đã vào những nhà tù như số 4 Phan Đăng Lưu, số 3c Tôn Đức Thắng hay Chí Hòa thì mới thấy được đi cải tạo cũng là một ân huệ. Luật sư Nguyễn Ngọc Bích kể: “Sau một năm ở xà lim, tôi được đưa ra phòng giam tập thể, giam chung với sáu mươi chín người khác trong một phòng. Mỗi người được một phần sàn xi măng rộng 60cm dài hai mét và được phát một chiếc chiếu. Trong phòng, có các tướng lĩnh,các bộ trưởng và các viên chức cao cấp của Sài Gòn. Tôi nhận ra trong đó có những người cùng bị bắt đợt tháng 4-1976 với tôi”.
Bên cạnh những người tù không có án như Đoàn Kế Tường, Linh mục Thiện, Luậtsư Vũ Đăng Dung, Dân biểu Võ Long Triều, Nguyễn Ngọc Tân, Như Phong, Lâm Văn Thế, Nguyễn Ngọc Tân, Lê Xuyên… ở các đề lao cũ của Sài Gòn còn có các nhà “tư sản mại bản” mà trong đó có một số người có được “vinh dự” ra tòa như Phạm Quang Khai, Trần Thành, Đào Mậu, Tăng Tài, Nguyễn Công Kha, Bùi Kim Bảng, Nguyễn Văn Trương (Khai Trí), Trương Văn Khôi… và cả những “tên phản động” bị bắt trong vụ Nhà thờ Vinh Sơn như Nguyễn Việt Hưng, Ali Hùng, linh mục NguyễnVăn Nghị, linh mục Nguyễn Văn Chức, thiếu tá Tiếp…
Cuối thập niên 1970, ngay cả người Sài Gòn cũng không mấy khi có gạo trắng, cá tươi, cơm tù không thể nào tránh được cá thịu, gạo hẩm. Nước cũng là nỗi khát khao của các tù nhân. Ở Chí Hòa, tù nhân Đoàn Kế Tường đã từng tổ chức biểu tình “đòi đi tắm”. “Họ bị cai ngục dẫn đến một phòng trống. Bọn trật tự cầy cáo trói tay họ lại và đấm đá hội đồng. Người nào cũng tím bầm mắt, máu khô còn ứa trên mép. Rồi họ bị tống vào biệt giam khu FG. Không chịu nổi biệt giam Chí Hòa, họđành làm Tự kiểm nhận lỗi. Riêng Đoàn Kế Tường kiên trì. Tất cả lắc đầu, thở dài”99.
Nhiều thứ bệnh đi theo người tù như tiêu chảy, kiết lị… nhưng thuốc men gần như không có; những năm đó, ngay cả công an, bộ đội và dân chúng cũng đều phải dùng “xuyên tâm liên chữa bá bệnh”100. Nhưng, không có gì làm khổ người tù như ghẻ, lở. Theo Duyên Anh: “Ghẻ đề lao ranh mãnh lắm. Nó cứ nhè ‘của quý’ mà lập chiến khu. Tù nhân này cởi truồng, chổng mông để tù nhân nọ bôi thuốc. Bôi xong, vội vàng lấy quạt lia. Vì thuốc xót vô cùng”101. Trong hoàn cảnh ấy, những người tù ở Đề lao Gia Định, Chí Hòa coi việc được đưa tới các trại cải tạo là giảm nhẹ.
Trước Tết 1977, hai phần ba văn nghệ sĩ và ký giả, trong đó có Nhã Ca, được tập trung tại khu A, Chí Hòa, học tập một tháng rồi được thả về. Những người như Doãn Quốc Sĩ, Lê Xuyên, Nguyễn Mạnh Côn, Đằng Giao, Trần Dạ Từ, Chóe, Duyên Anh… phần lớn vẫn “ở tù”; cá biệt, những người cứng đầu như Đoàn Kế Tường thì bị giữ lại suốt 10 năm ở Chí Hòa. Trong khi đó, một số khác được chuyển từ chế độ tù sang “cải tạo”.
Nhưng đấy là câu chuyện xảy ra trước năm 1978. Khi Chiến tranh Biên giới Tây Nam xảy ra và ở phía Bắc, Trung Quốc bắt đầu đe dọa, các trại cải tạo được chuyển giao từ quân đội sang cho công an. Theo Đại úy Phan Nhật Nam: “Chúng tôi bắt đầu chịu cảnh tội tù khắc nghiệt”.
Ngày 8-5-1975, sau khi trình diện, ngoại trừ Tướng Nguyễn Văn Vỹ bị bệnh nặng, các sỹ quan cấp tướng102 và cấp tá bị giữ lại để học tập đợt một tại Ðại học xá Minh Mạng, Chợ Lớn trước khi đưa về Trung tâm Huấn luyện Quang Trung. Sau đó, các tướng được đưa ra Bắc bằng máy bay trong khi các sỹ quan cấp thấp hơn được đưa ra Bắc bằng tàu thủy và xe lửa. Nơi đến của những người bị coi là “nguy hiểm” này là các trại giam Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Hà Tây, Nam Hà, Thanh Hóa, Nghệ An.
Như những người tù thâm niên khác, Trung tá Phan Lạc Phúc đã trải qua những nhà tù gian khổ nhất: Trại Long Khánh – Suối Máu, Liên trại 2 Sơn La, Trại Yên Hạ (Sơn La), Trại Tân Lập (Vĩnh Phú), Trại Thanh Phong (Thanh Hóa), Trại Tân Kỳ(Nghệ Tĩnh), Trại Ba Sao (Hà Nam Ninh), Trại Xuân Lộc (Đồng Nai). Yếu tố chính để Phan Lạc Phúc chịu cải tạo lâu là vì ông đã từng học thông tin báo chí tại Hoa Kỳ, từng làm chủ bút Nhật báo Tiền Tuyến, báo của Quân lực Việt Nam Cộng hòa.
Sau một năm bị giam ở trại Long Giao và Suối Máu, ngày 10-6-1976, ông Phúc được đưa ra Bắc trong đợt đầu tiên. Ông viết: “Chúng tôi đang ngồi ở sân tập kết trại Suối Máu thì người bạn thân cùng ngành của chúng tôi là Tạ Ty chạy hốt hoảng: ‘Đi chuyến này hở. Ra Bắc đấy. Thế là năm niên đấy. Có nhắn gì về nhà không?’ Tôi và Hùng nhìn nhau cười nói với bạn: ‘Nói hộ với gia đình là tụi tôi đi raBắc ngày hôm nay. Ở lại khỏe nha’. Người bạn họa sĩ tài danh của miền Nam ngậm ngùi tạm biệt ‘Hẹn gặp lại nhau sớm ở Sài Gòn…’ ”103.
Đức Giám mục Nguyễn Văn Thuận nhớ lại buổi tối ông bị đưa ra khỏi Sài Gòn: “Ngày 1-12-1976, lúc 9 giờ tối, bất thình lình tôi bị gọi cùng với vài tù nhân khác. Chúng tôi bị xích người này với người kia từng hai người một và được đẩy lên mộtxe cam nhông. Cuộc hành trình ngắn đưa chúng tôi tới Tân Cảng. Chúng tôi thấy một con tàu trước mặt, hoàn toàn chìm trong bóng tối để dân chúng khỏi để ý.
Chúng tôi bị đưa lên tàu đi ra miền Bắc… Tôi bị đem xuống hầm tàu, nơi chứa than.
Chỉ có một ngọn đèn dầu nhỏ leo lét cháy. Chúng tôi tất cả là 1.500 người, trong một tình cảnh không thể tả được… Ngày hôm sau, khi một chút ánh sáng mặt trời lọt vào hầm tàu, tôi nhận ra chung quanh tôi những gương mặt buồn sầu và tuyệt vọng của các tù nhân khác. Bầu không khí sầu thảm như đám tang. Một tù nhân đã tìm cách treo cổ tự tử với một sợi dây thép. Những người khác gọi tôi. Tôi đến nói chuyện với anh”104. Trung tá Phan Lạc Phúc cũng được đưa ra Bắc bằng tàu và chuyến đi của ông cũng gian khổ không kém gì chuyến tàu của Đức cha Nguyễn Văn Thuận, nhưng những gì mà họ gặp trong quãng đường chuyển tù chỉ mới là những thử thách ban đầu105.
“Thăm Nuôi”
Thời gian cải tạo càng tăng thêm thì tiền bạc của người nhà tù nhân cũng như ngân sách của “Cách mạng” càng dần cạn kiệt. Từ Tết năm 1976, các suất ăn bắt đầu bị cắt bớt; đến cuối năm 1977, lương thực của tù nhân được thay bằng lúamạch, thường gọi là bo bo. Theo Đại úy Tạ Chí Đại Trường, tới mùa Thu năm 1978, mỗi người chỉ còn 300g gạo một ngày. “Rau muống, rau lang không kịp ra đọt non, rau dại cũng bị vặt khi vừa mới nhú. Củ chuối bị đào hết lên”.
Không phải học viên cải tạo nào cũng biết rằng lúc ấy ở “ngoài xã hội”, cái bao tử của thường dân cũng không no đủ hơn. Chính quản giáo, ban ngày “hắc” thế nhưng đêm xuống cũng tìm gặp những người tù vừa được thăm nuôi để “xin tý mỡ”. Những ngày có đồ thăm nuôi là những ngày trong trại tưng bừng. Những láthư viết từ trại những năm tháng về sau chủ yếu là liệt kê các “nhu yếu” thăm nuôi. Ông Tạ Chí Đại Trường kể: “Cũng có người vẫn giữ được tiền, mỗi lần thăm nuôi lại có khuân có vác, nhưng cũng có người chỉ có thể mang theo mấy ổ bánh mì, lủi thủi với chồng: Không biết lần sau có còn vay được tiền đi thăm anh”. Dần dà, những người tù bắt đầu biết thăm nuôi đang trở thành một gánh nặng cho nhữngngười mẹ, người vợ ở quê cũng đang đói khổ. Để đi đến các trại cải tạo thăm chồng, thăm cha, những người con lính, vợ lính đã phải nếm biết bao tủi nhục.
Từ năm 1978, họa sỹ Chóe bị đưa lên trại Gia Trung, Gia Lai. Hai năm ở trại “tạm giam” của cơ quan An ninh Điều tra, số 4 Phan Đăng Lưu, Chóe chỉ được nhận đồ chứ không được gặp người nhà. Hai năm ấy, do phải nằm trên sàn xi măng,chân ông, vốn phong thấp, đã gần như bị liệt. Đến Gia Trung, được thăm nuôi thì đường sá lại quá xa xôi, cách trở.
Vợ Chóe, bà Nguyễn Thị Kim Loan, năm ấy phải một mình nuôi bốn đứa con, đồ đạc trong nhà gần như đã bán hết. Cũng như hàng triệu gia đình Sài Gòn, nhà bà cũng được Chính quyền cấp cho “sổ gạo”, nói là gạo nhưng những năm ấy thường chỉ có bo bo hoặc khoai; tiêu chuẩn một ký gạo được Nhà nước bán thay thế bằng 2 ký khoai. Không chỉ những người vợ có chồng bị đưa đi cải tạo, trong “chế độ mới” đàn ông trở thành vai trò thứ yếu vì không có việc làm, cuộc sống chỉ còn có thể trông cậy vào tài xoay xở, mua bán lặt vặt của những người phụ nữ.
Bà Loan lả một phụ nữ công giáo di cư từ Phát Diệm, đã từng làm thư ký trong Bộ Tổng Tham Mưu Việt Nam Cộng hòa, từng sống hết sức phong lưu nhờ nhuận bút những bức tranh biếm của chồng đăng trên các báo Sài Gòn, báo Mỹ. Từ khi chồng “đi Gia Trung”, bà Loan phải mua từng bộ đồ cũ, từng bịch xà bông, chen chúc trên xe đò, giấu giếm đem về An Giang quê chồng, bán, kiếm từng đồng chênh lệch giá.
Kiếm tiền để đi thăm nuôi đã khó, mỗi một chuyến đi từ Sài Gòn lên Gia Lai là cả một “đoạn trường”. Trước hết, phải “chạy” xin cái giấy của Phường, rồi từ 3 giờ chiều đã phải ra bến xe xếp hàng. Chính sách “cải tạo nhân đạo” đã biến những hãng xe đò tư nhân như Phi Long, Phi Hổ một thời khoanh tay mời khách mua vé, mời khách lên xe, trở thành những “chuyến xe bão táp”. Có mặt từ chiều ở bến xe, đợi đến 3 giờ sáng “xe khách quốc doanh” bắt đầu bán vé, chen chúc, la ó, nhưng có khi đến lượt mình thì vé hết vì xe ít, nhà nước ưu tiên bán trước cho cán bộ có “giấy công tác”.
Không đi được là bi kịch vì tiền bạc giành dụm mua cá, mua thịt kho để lâu không được. Nhà nước sợ tù tích trữ thực phẩm trốn trại nên không cho thăm nuôi đồ khô, ngay cả mắm ruốc, muối mè. Lên xe được rồi cũng vô cùng thắc thỏm, những năm ấy nền kinh tế không còn “lệ thuộc nước ngoài”, phụ tùng không có, xe cộ hỏng hóc giữa đường là chuyện thường. May mắn, chạy suốt ngày ra tới Phước Tài thì đêm, không được lên đèo An Khê, ngồi ngủ trên xe cho tới 6 giờ sáng.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Loan: Từ chỗ xe dừng vào tới trại hơn ba cây số. Quản giáo không cho thuê người gánh. Họ nói, “Giờ này mà các chị vẫn không bỏ được cái thói tiểu tư sản à”. Dân Sài Gòn gánh không quen, đau vai, đành cứ phải xách. Xách giỏ thứ nhất lặc lè đi lên chừng trăm thước, quay lại xách giỏ thứ hai. Đi ba cây số mà mất tới hơn hai giờ. Những hôm xe chết máy, lên tới trại đã là nửa đêm thứ hai, trời tối như bưng, lũ đàn bà, con nít cứ nhắm mắt mà đi không nhận ra lối rẽ, bước thẳng vô mấy nấm mồ mới, hét lên. Quản giáo chạy ra mới biết đã lạc vào trại khác, phải ngủ lại đấy, chờ sáng hôm sau tìm đến chỗ giam chồng. Lặn lội xa xôi như vậy nhưng rồi cũng chỉ được nhìn thấy mặt chồng mười lăm phút. Trên một cái bàn cây dài, quản giáo ngồi hai đầu, một bên là “phạm”, một bên là thân nhân, họ chỉ kịp trao đổi với nhau những lời vội vã.
Năm 1978, nhà sử học Tạ Chí Đại Trường cũng đang học tập ở trại Gia Trung, kể: “Có người xách bịch đồ thăm nuôi về phòng mà băn khoăn không biết ở ngoàilàm sao vợ nuôi nổi mấy đứa con lại còn chạy được tiền đi thăm mình. Nhưng cũngcó người thản nhiên, phần vì đã quen đòi hỏi, phần vì không hình dung hết những gì đang xảy ra, liên tục gửi thư về giục gửi cho thứ này, thứ nọ. Thảm cảnh gia đình xảy ra từ đó”.
Đại úy Đỗ Duy Luật, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 248, Sư 18. Ngày 19-4-1975, đơn vị ông được điều từ Bình Tuy về Long Khánh, tham gia trận Long Khánh gây tổn thất nhiều cho quân Giải phóng. Hai ngày sau khi ra trình diện, ông Luật bị đưa lên Long Giao. Từ tháng thứ hai, ông được viết thư về nhà nhưng chỉ cho khai số hiệu trại là “L2T2” chứ không cho nói rõ địa danh. Vợ ông, cũng như vợ của nhiều người lính khác, phải đi hết trại này sang trại khác, nấp sau những bụi cây cạnh bờ rào dò hỏi với hy vọng mong manh tìm chồng. Những chuyến đi như vậy làm khánh kiệt dần chút gia tài mọn của những người vợ lính.
Từ năm 1978, ông Luật được di lý từ Sơn La về trại Ba Sao, Phủ Lý. Mãi tới cuối năm 1979, vợ ông mới tìm được ra thăm. Đó là lần gặp nhau cuối cùng của hai vợ chồng. Khi trở về bà phát bệnh ung thư rồi chết vào đầu năm 1980. Cũng trong năm ấy, ông được chuyển từ Ba Sao về Hàm Tân, vào trại Z30D. Tháng 6-1981, ông được tha với lý do là vợ chết. Khi ông Luật trở về, căn nhà nhỏ của ông ở số 2 Duy Tân không còn nữa, vợ ông đã phải bán, trang trải chi phí cho những chuyến đi thăm chồng và nuôi ba con nhỏ.
Bán nhà chưa phải là bi kịch lớn nhất. Theo Đại úy Tạ Chí Đại Trường: “Có những người vợ đã phải đi bán thân. Có những người vợ đã phải sử dụng thế mạnh của đàn bà để kinh doanh, buôn bán. Khi người trụ cột kinh tế là đàn bà, con gái và trẻ em, lại phải tìm cách qua mặt công an, luồn lọt công quyền, ứng biến khi sơthất ngay cả trên đường xa… thì không thể nào trách những người phụ nữ ấy. Chuyện một bà tứ tuần có mang với anh tài xế xe hàng, một bà vợ sỹ quan bán chợ trời cặp với anh lính cũ của chồng mình… cũng không có gì bất ngờ khi nó được đưa vào trại”106.
Cũng có những người tù cải tạo thương vợ thật lòng viết thư về nói: “Thôi, đời anh như vậy là hết rồi, em nên đi tìm hạnh phúc mới, coi có người bộ đội nào…”.
Điều đó lại chạm vào tự ái của một số người quản giáo duyệt thư, nhiều anh đã kiêu hùng, mắng: “Nhà nước giam giữ các anh không phải nhằm mục đích chia rẽ giađình, và chúng tôi chiến đấu không phải là để cướp đoạt vợ con của các anh! ”107. Có lẽ, nếu có ai mất vợ thì cũng chỉ vì thời thế. Vợ của nhà thơ Tạ Ký đã đi lấy chồng“Việt Cộng” khi ông còn bị giam ở trại T6, Long Khánh, cùng với nhà sử học Tạ Chí Đại Trường và họa sỹ Trịnh Cung.
Trại T6 có một nhà xí hai ngăn nằm ngay rìa đường vào rẫy của dân, sát bờ rào dây kẽm gai. Thời gian đầu, thân nhân chưa được chính thức thăm nuôi, các trại viên T6 có sáng kiến dùng nhà xí để nhận tin gia đình và trò chuyện với người thânmà không bị quản giáo phát hiện. Các trại viên thường thay phiên nhau ra ngồi
“trực” ở đó để chờ nhận tin nhắn, nhiều tù nhân đã gặp được người thân, những người cất công đi tìm chồng, tìm con, tìm cha, dù chỉ để nhìn thoáng thấy mặt nhau trong giây lát hay nói thật nhanh một câu báo tin nhà. Họ thường phải lên đấy trước, mượn quần áo làm đồng, cuốc xẻng của những nông dân sống gần trại để ngụy trang và nhờ chính những nông dân này che giấu, men theo hàng rào kẽm gai như những người dân đi làm ruộng tình cờ ngang qua hố xí. Cũng chính nơi đó, những người tù nôn nao ngồi chờ…
Một ngày cận Tết năm 1976, đúng vào phiên “trực hố xí” của họa sỹ Trịnh Cung, ông nhận được tin nhắn: Tạ Ký gặp mẹ lúc 2 giờ trưa nay!”. Trịnh Cung vội báo tin cho Tạ Ký. Khi đó, theo ông Trịnh Cung: “Đó là một tin vui bất ngờ của Tạ Ký vì đãnửa năm chưa được thăm nuôi. Nhưng thông tin mà anh nhận được từ mẹ chỉ là: Vợ con nó lấy thằng Việt cộng rồi. Ở nhà có mẹ lo sắp nhỏ, con yên tâm. Khi đượcphép, mẹ sẽ đi thăm”108. Không riêng Tạ Ký, không ít sỹ quan “Ngụy” từ trại cải tạo, khi đột ngột trở về đã phải đột ngột bước ra khỏi nhà mình, vì “đứa con ngày chiatay còn thơ không còn nhận ra mình, trong khi trong nhà lại treo cái nón cối”109.
Chú thích chương II
96Đã đổi tên theo đề nghị của nhân chứng.
97Những văn nghệ sỹ phục vụ trong Quân đội Việt Nam Cộng hòa đi trình diện học tập từ tháng 6-1975: Thanh Tâm Tuyền, Mai Trung Tĩnh, Dương Hùng Cường, Hà Thượng Nhân, Phan Lạc Phúc, Tô Thùy Yên, Văn Quang, Thảo Trường, Duy Lam, Phan Nhật Nam, Huy Vân, Đặng Trần Huân, Hoàng Ngọc Liên, Diên Nghị, Phan Lạc Giang Đông, Vũ Đức Nghiêm, Vũ Văn Sâm (Thục Vũ), Đỗ Tiến Đức, Minh Kỳ, Thế Uyên, Vũ Thành An, Dương Kiền, Đinh Tiến Luyện, Nhật Bằng; Những người chết trong trại cải tạo: Minh Kỳ, Thục Vũ, Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Tú, Huy Vân; Những người chết sau khi được tha: Vũ Hoàng Chương, Hồ Hữu Tường, Hoàng Vĩnh Lộc, Minh Đăng Khánh, Trần Việt Sơn; Những người được tha rồi bị bắt lại: Hoàng Hải Thủy, Dương Hùng Cường, Doãn Quốc Sĩ, Nguyễn Đình Toàn; Những người mới bị bắt từ
tháng 4-1984: Nguyễn Hoạt, Phạm Thiên Thư (danh sách của nhà văn Duyên Anh).
98Duyên Anh, 1987, trang 47.
99Duyên Anh, 1987, trang 417.
100Một loại dược phẩm chế từ một thứ cây có tên gọi là xuyên tâm liên.
101Duyên Anh, Sđd, trang 245-247.
102Gồm hai mươi bảy tướng ra trình diện và Tướng Lý Tòng Bá bị bắt tại Củ Chi.
103Phan Lạc Phúc, 2000, trang (?).
104Bài giảng nhân tuần tĩnh tâm cho Giáo triều Roma, theo chỉ định của Đức Giáo Hoàng John Paul II, ngày 18-3-2000.
105Ông Phan Lạc Phúc viết: “Anh em từ trong Nam ra cứ yên trí là “học tập một tháng”, nên quần áo mang đi theo làm gì nhiều cho nặng. Ra đây, đụng cái buốt giá của mùa đông thượng du miền Bắc, thêm mưa phùn ẩm ướt nên cái lạnh càng thêm thấm thía. Ban đêm cái nền xi măng trong nhà tù nó lạnh như nước đá, mặc đủ các thứ áo quần hiện có mà vẫn lạnh, mặc cả áo mưa đi ngủ, có anh chui vào một cái bao tải vừa kiếm được mà vẫn cứ run. Hóa ra cái lạnh ở ngoài vào thì ít mà cái lạnh ở trong ra thì nhiều. Cái lạnh vì đói cơm nhiều hơn cái lạnh vì thiếu áo… Đã lâu lắm rồi, người địa phương ở Sơn La nói vậy, mới có năm quá lạnh như năm nay (1976). Đúng là ‘Giậu đổ bìm leo’, vào cái lúc mà tù cải tạo ra Bắc, lại đụng ngay một trận rét kinh hồn…Mà xưa nay cái lạnh và cái đói có quan hệ ‘hữu cơ’ với nhau. Càng đói thì càng rét-mà càng rét thì càng đói. Anh em đã có người ‘nằm xuống’ vì đói lạnh. Vũ Văn Sâm (viết văn, làm nhạc) chết đêm 16 rạng sáng 17-11- 1976 bên bịnh xá, sau cơn gió mùa đông bắc đầu tiên. Đến đầu tháng giêng 1977 (không rõ là ngày 3 hay ngày 13 tháng
giêng, tôi nhớ không được kỹ lắm) Ngô Qúy Thuyết, Tòa án Quân sự vùng 4 cũng đi luôn, đi rất êm đềm, rất lặng lẽ. Sáng ra không thấy anh ta dậy nữa, lay chân gọi dậy thì người đã lạnh cứng từ lúc nào rồi. Trong tờ khai của đội trưởng đội của anh Ngô Qúy Thuyết, có nói rằng: ‘Anh Ngô Qúy Thuyết được đội cử nuôi heo, anh đói quá nên thường ăn vụng cám heo.
Chắc là bị ngộ độc nên đã chết’… Trước khi đi cải tạo, tháng 6-1975, tôi cân nặng 64 ký. Một năm cải tạo trong Nam, qua trại Long Giao và Suối Máu, tôi còn 56 ký. Ra Bắc đến trại 1, liên trại 2 Sơn La này được hơn một năm, tôi còn 44 ký. Trước đây ở Sài Gòn, sáng nào tôi cũng phải tập thể dục để cho cái bụng bớt mỡ, nhỏ đi. Bây giờ ra Bắc lao động cải tạo, nhờ ơn Cách mạng bụng tôi không những nhỏ đi mà còn xẹp lép. Trước đây ăn uống sợ mỡ, sợ đường thì bây giờ sao mà thèm đường thèm mỡ đến thế. Thèm suốt ngày, suốt đêm, thèm cả vào trong giấc ngủ” (Bạn Bè Gần Xa, trang 60-67, Văn Nghệ California, US, 2000).
106Tạ Chí Đại Trường, 1993, trang (?).
107Sđd, trang (?).
108Trịnh Cung, trả lời phỏng vấn tác giả.
109Tạ Chí Đại Trường, 1993, trang (?).
110Theo tài liệu lưu giữ tại Bảo tàng Việt Nam ở San Jose (California, Mỹ), tổng số quân của Quân lực Việt Nam Cộng hòa năm 1975 là 980.000 người, trong đó, hạ sỹ quan binh sỹ chiếm 890.000 người. Số sỹ quan bị giam giữ trong các trại cải tạo: cấp tướng, 32 người (ở thời điểm 30-4, có 112 tướng tại ngũ; 80 tướng đã rời Việt Nam vào cuối tháng Tư); cấp đại tá,
366 người (trên tổng số 600 người tại ngũ); cấp trung tá, 1.700 người (trên tổng số 2.500 người); cấp thiếu tá, 5.500 người (trên tổng số 6.500 người); cấp úy, 72.000 người trên tổng số 80.000 người. Ngoài ra, theo số liệu đăng ký trên toàn miền Nam còn có khoảng 15.000 hạ sỹ quan an ninh, tình báo và nhân viên thuộc Bộ Nội vụ và Phủ Tổng thống; 1.200 viên chức
và cán bộ “Phượng Hoàng”; 4.553 cán bộ Xây dựng Nông thôn; 19.613 cảnh sát viên; 2.700 cán bộ tâm lý chiến; 315 nghị sỹ, dân biểu; 4.451 đảng viên các đảng đối lập với Chính phủ Sài Gòn; 101 lãnh tụ chính trị và thành phần đối lập; 380 văn sỹ, ký giả (Trần Trung Quân, Việt Nam 20 Năm 1975-1995, Đông Tiến xuất bản).
111Ngoài bốn vị tướng và đại tá được hưởng ân huệ cải tạo dưới ba năm như: Thiếu tướng Quân y Vũ Ngọc Hoàn; Chuẩn tướng Quân y Phạm Bá Thanh; Ðại tá Nguyễn văn Lộc, Tư lệnh Sư đoàn 106 Biệt Ðộng Quân vừa thành lập cuối tháng 4- 1975; Ðại tá Dương Thanh Sơn, em ruột Tổng thống Dương Văn Minh. Ðại tá Ðàm Trung Mộc, cựu viện trưởng Học viện Cảnh sát Quốc gia, mất tại trại Hà Tây vào ngày 14-11-1982. Có bốn vị bị cải tạo trên mười năm: Cựu Trung tướng Nguyễn Hữu Có; Cựu Ðề đốc Trần Văn Chơn; Cựu Thiếu tướng Nguyễn Chấn Á; Cựu Thiếu tướng Phan Ðình Thứ. Có ba mươi sáu vị bị cải tạo tập trung từ 12 đến 17 năm: Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, bị bắt khi Phan Rang thất thủ; Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, bị bắt cùng Tướng Nghi; Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm; Chuẩn tướng Lê Trung Tường; Chuẩn tướng Huỳnh Văn Lạc; Thiếu tướng Lê Minh Ðảo; Chuẩn tướng Mạch Văn Trường; Thiếu tướng Lý Tòng Bá; Ðại tá Nguyễn Ðình Vinh; Thiếu tướng Ðỗ Kế Giai; Chuẩn tướng Phạm Duy Chất; Ðại tá Nguyễn Thành Trí; Ðại tá Lê Hữu Ðức; Chuẩn tướng Lê Văn Thân; Chuẩn tướng Lê Trung Trực; Ðại tá Nguyễn Xuân Hường; Ðại tá Nguyễn Đức Dung; Chuẩn tướng Trần Quang
Khôi; Ðại tá Trần Ngọc Trúc; Thiếu tưóng Trần Bá Di; Chuần tướng Vũ Văn Giai; Chuẩn tướng Lê Văn Tư; Thiếu tướng Văn Thành Cao; Thiếu tướng Ðoàn Văn Quảng; Trung tá Bùi Thế Dung; Ðại tá Hải quân Nguyễn Văn May; Ðại tá Hải quân Nguyễn Bá Trang; Ðại tá Hải quân Nguyễn Văn Tấn; Thiếu tướng Cảnh sát Bùi Văn Nhu (chết tại trại Nam Hà); Cựu Thiếu tướng, Nghị Sĩ Huỳnh Văn Cao; Chuẩn tướng Hồ Trung Hậu; Ðại tá Nguyễn Khắc Tuân (chết tại trại Nam Hà); Ðại tá Lại Ðức Chuẩn; Ðại tá Phạm Bá Hoa; Ðại tá Ngô Văn Minh; Ðại tá Vũ Ðức Nghiêm.
112Trả lời phỏng vấn tác giả.
113Trong năm 1975, báo Sài Gòn Giải Phỏng không chỉ đặt dưới sự chỉ đạo của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh mà còn đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương Cục. Tác giả những bài xã luận viết trong giai đoạn này là ông Võ Nhân Lý, tổng biên tập báo Sài Gòn Giải Phóng. Ông Lý lúc ấy còn là phó Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, cơ quan do ông Nguyễn
Văn Linh làm trưởng ban. Những bài xã luận, theo ông Tô Hòa, phó Tổng Biên tập Sài Gòn Giải Phóng từ 5-1975, thường được ông Võ Nhân Lý viết sau khi dự giao ban trong Dinh Độc Lập và quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Trung ương Cục.
114Sài Gòn Giải Phóng, 12-6-1975.
115Sài Gòn Giải Phóng, 15-6-1975.

No comments:

Post a Comment