Saturday, February 9, 2013

Bài thuốc trị viêm loét dạ dày và viêm xoang mãn tính


Lương y Nguyễn Khánh thuộc thế hệ thầy thuốc đông y lớn tuổi hiếm hoi còn lại ở Thừa Thiên - Huế. Chuyện nghề của ông lão 75 tuổi, ngụ tại thôn Tây Thượng, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang này có những câu chuyện khá “lạ đời”, ví dụ như vì một lần bất đồng quan điểm với cách chẩn trị của một bệnh nhân mà ông “bỏ làm người nhà nước”, về quê bốc thuốc chữa bệnh giúp người. Tiếp xúc với ông lão, người ta thấy ông quả là một “thư viện bài thuốc”.
Tự chế bài thuốc đặc trị viêm loét dạ dày
Nói về bệnh viêm loét dạ dày, ông Khánh cho biết bệnh thường gặp phải ở lứa tuổi trung niên. Nguyên nhân chủ yếu do người bệnh uống nhiều bia rượu, có thói quen ăn thức ăn cay, nóng. Bài thuốc Tiêu dao theo ông có hiệu quả cực kỳ hiệu nghiệm, gồm 9 vị với hàm lượng lần lượt như sau: Đương quy (32g), Bạch thược (24g), Bạch truật (24g), Sài hồ (8g), Phục linh (24g), Chích thảo (4g), Nhũ hương (6g), Trần bì (4g) và Thần khúc nướng cháy (tức phần thuốc ngưng đọng lâu ngày thành tảng trong cối xay thuốc, 4g). Những vị thuốc trên có thể dễ dàng mua được từ tất cả các nhà thuốc đông y.
Sau khi tập hợp đầy đủ các vị thuốc, người dùng chỉ cần đem trộn đều rồi sắc nước uống theo công tức 3 bát nước, lấy 1 bát rồi uống. “Mỗi ngày sắc một thang, chia thành hai lần sau các bữa ăn”, ông Khánh hướng dẫn.
Ông Khánh lưu ý vị thuốc Nhũ hương chỉ nên sử dụng khi xác định dạ dày bệnh nhân bị loét, vì chất này có tác dụng dán liền những vị trí bị loét. Nếu chỉ mới viêm nhiễm mà dùng đến Nhũ hương sẽ gây ra cảm giác đau nhói do dạ dày thắt lại. Trong quá trình uống thuốc, điều cấm kị đối với bệnh nhân là kiêng tránh thức ăn cay, nóng và các chất kích thích.
Để bệnh chóng khỏi, bên cạnh việc uống thuốc đều đặn, người bệnh cần tập luyện chế độ ăn uống hợp lý cả về chất lượng lẫn thời gian ăn nhằm tạo tính ổn định cho quá trình điều tiết men tiêu hoá. Về tác dụng của bài thuốc Tiêu dao, vị lương y khẳng định dù bệnh nặng đến mấy, chỉ cần kiên trì uống thuốc sẽ khỏi trong thời gian ngắn. Cụ thể: “Thông thường chỉ cần uống thuốc từ 7 – 10 ngày, bệnh tình sẽ thuyên giảm ngay. Ngoài tác dụng chữa trị chứng viêm loét dạ dày, bài thuốc còn giúp điều hoà gan huyết”.
Trình bày tính ưu việt của bài thuốc đông y, ông lão cho rằng thuốc cho hiệu quả cao, giá thành lại “mềm” nên có thể áp dụng rộng rãi, bất kể ai đều có thể tự chế thuốc để chữa trị cho mình và người thân. Bài thuốc đã được hướng dẫn cho các bệnh nhân sử dụng từ hàng chục năm nay, bản thân ông không thể nhớ rõ bao nhiêu người đã thoát khỏi sự hành hạ của chứng bệnh vì “nhiều quá, không nhớ nổi”.
Lương y Nguyễn Khánh và tấm la bàn châm cứu tự chế độc đáo
“Bí kíp” loại trừ bệnh viêm xoang mãn tính
Một “tuyệt chiêu” khác của ông Khánh là bài thuốc trị chứng viêm xoang mãn tính. Đây là căn bệnh tưởng chừng đơn giản nhưng rất khó chữa trị dứt điểm, gây cảm giác khó chịu cho người mắc phải. Kinh nghiệm lâu năm trong nghề giúp ông biết về bài thuốc “Thương nhĩ tán” chữa trị bệnh này, gồm bốn vị: Thương nhĩ tử (loại hạt có gai) đã sao cháy gai 40g; Bạc hà diệp phơi khô 3g; Bạch chỉ 20g; và Tân nhi (tức búp đa lông) 12g.a
“Uống thuốc chừng bảy thang sẽ cho kết quả rõ rệt”, thầy thuốc Khánh tự tin.“Trộn đều thuốc đem sắc lấy nước uống như thông thường, cần chú ý uống lúc nước thuốc còn nóng. Trước khi uống thì ăn một cọng hành tươi”, ông lão hướng dẫn. Sở dĩ phải uống thuốc lúc đang nóng bởi như thế sẽ tận dụng hơi nóng, đẩy tinh dầu trong hành tươi lên mũi. Quá trình này còn được gọi là xông mũi, giúp giải trừ khí độc, thông mũi từ đó dứt cơn viêm xoang.
Điều cần lưu ý đối với bệnh nhân viêm xoang là hạn chế tối đa thức uống lạnh, chú ý giữ ấm cơ thể. Tương tự bài thuốc chữa trị bệnh viêm loét dạ dày, bài thuốc chữa viêm xoang rất dễ bào chế, giúp tiết kiệm chi phí đáng kể.
Quá trình hành nghề, ông Khánh đã áp dụng bài thuốc “thương nhĩ tán” cho hàng trăm trường hợp và đều cho kết quả khả quan. Về nguồn gốc hai bài thuốc trên, vị lương khiêm tốn thừa nhận bản thân ông chẳng sáng tạo hay phát minh nên. Đó đều là những phương thuốc được dân gian sử dụng nhiều, được ghi chép cụ thể trong tài liệu y học cổ truyền dân tộc.
Lương y ở ẩn tốt bụng
Lương y Nguyễn Khánh thuộc thế hệ thầy thuốc đông y lớn tuổi hiếm hoi còn lại ở Thừa Thiên Huế. Cơ duyên đến với nghề y của ông cũng thật đặc biệt. Ông trải lòng hồi 14 - 15 tuổi phải vào Đà Lạt học chữ, thời gian đó thường bị chứng đau đầu “quấy nhiễu” không sao ngủ ngon giấc.
“Tôi tìm sách đông y đọc, tìm hiểu cách trị bệnh cho chính mình. Một hôm tôi tự mình châm cứu theo sách và bất ngờ ngủ thiếp đến chiều tối mới dậy. Từ đó tôi càng tin tưởng và đam mê nghề thuốc đông y hơn”, ông nhớ lại.
Thống nhất đất nước, chàng trai tiếp tục theo nghề, ngoài thời gian lên lớp còn tìm gặp những thầy lang giỏi khắp nơi học hỏi. Đầu những năm 1980, ông vào công tác tại Bệnh viện Y học cổ truyền TP HCM, sau đó chuyển về Bệnh viện Y học cổ truyền một tỉnh miền Trung.
Vị lương y này “lạ đời” đến mức do một lần bất đồng quan điểm trong việc chẩn trị cho một bệnh nhân, ông thẳng thắn xin nghỉ việc, trở về cuộc sống “ẩn dật”. Về quê, ông giúp đỡ những bệnh nhân khó khăn bằng cách bắt mạch khám bệnh miễn phí, hướng dẫn cách bốc thuốc điều trị sao cho hiệu quả nhất.
Dù cuộc sống “ẩn dật”, ông lão vẫn không ngừng nghiên cứu, trau dồi nghề nghiệp bản thân. Ông đưa tấm giấy hình tròn ghi rõ từng loại bệnh và huyệt đạo cần châm cứu khi chữa trị, là tấm la bàn châm cứu, thành quả lớn nhất trong nghề y như lời ông tự bạch: “La bàn tóm tắt cách thức chữa trị bằng phương pháp châm cứu với hầu hết các bệnh. Tấm la bàn chỉ rõ tất cả các kinh mạch trên cơ thể người, chỉ cần xoay đến mục bệnh cần tìm rồi theo đó mà châm là xong. Mất hơn chục năm tôi mới hoàn thiện xong”.
Ông lão luôn sẵn lòng bày vẽ kinh nghiệm, chỉ bảo phương pháp trị bệnh cho tất cả những ai có nhu cầu, cũng là cách để khỏi thất truyền nhiều bài thuốc quý ngày trước “vang danh” mà nay hiếm được ai biết đến.

No comments:

Post a Comment