Sunday, February 17, 2013

Bắc Chợ Gạo xưa và nay


Nam Sơn Trần Văn Chi

Người Gò Công xưa nay vẫn gần gũi Sài Gòn hơn Mỹ Tho, mặc dầu Mỹ Tho gần Gò Công hơn Sài Gòn. Do vậy từ lâu người Gò Công biết nhiều đến địa danh Bắc Cầu Nổi hơn Bắc Chợ Gạo! Gò Công về hành chánh qua nhiều thời kỳ trực thuộc tỉnh Mỹ Tho Tiền Giang cho tới nay.
Sài Gòn xa, chợ Mỹ cũng xa;
Gởi thơ thăm hết nội nhà,
Trước là thăm ba má, sau là thăm em.
(Ca dao Mỹ Tho)

Trên sông Tiền. (Hình: Dân Huỳnh/Người Việt)
Kinh xáng cạp Chợ Gạo

Dài hơn 28km, kinh Chợ Gạo nối liền sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây, là tuyến giao thông thủy quan trọng giữa đồng bằng sông Cửu Long với Sài Gòn.
Con kinh nầy do xáng cạp nhưng người dân quen gọi là Sông Chợ Gạo. Hồi đó kinh Chợ Gạo xuồng ghe qua lại nhiều nhưng đa số đều dùng sào để chống, mỗi chuyến hàng phải mất trên 10 ngày mới tới Sài Gòn.
Sở dĩ có tên gọi Chợ Gạo, vì tại đây có một ngôi chợ trao đổi buôn bán gạo do ông Trần Văn Nguyệt làm chủ. Nay Chợ Gạo là một huyện thuộc tỉnh Tiền Giang. Huyện có diện tích 235 km2 và dân số hơn 178,000 người. Thị trấn Chợ Gạo cách thành phố Mỹ Tho 10 km và cách Gò Công 35 km.
Theo sử liệu, năm Gia Long thứ 8 đã cho dân đào kinh Bảo Ðịnh để nối liền Mỹ Tho với sông Tiền. Khi đào xong, con kinh được đặt tên là Bảo Ðịnh Hà. Sau nầy được chính quyền Pháp nạo vét và mở rộng nối dài thêm bằng xáng cạp và đặt tên kinh nầy là Canal Duperré. Kinh nối liền sông Tiền tại rạch Kỳ Hôn, cách Mỹ Tho 4 km với sông Vàm Cỏ Tây tại rạch Lá và chảy ngang qua địa phận huyện Chợ Gạo Tiền Giang và huyện Châu Thành (Long An), có bề dài tổng cộng 28.5 km.
Ngay từ lúc kinh Chợ Gạo mới đào, đời sống của cư dân đã bắt đầu sung túc, náo nhiệt nhất là từ năm 1902, thương thuyền qua lại tấp nập. Công ty giang vận (Messageries Fluriales) cũng sắm tàu đưa khách chạy trên tuyến kinh nầy. Ðể tránh tai nạn và tránh sự chen lấn, giành giật, nhà cầm quyền đã đặt một đồn kiểm tra và một chiếc đò đưa khách qua sông, gọi là “Bắc Chợ Gạo.”
Tên Bắc Chợ Gạo tồn tại trong ký ức người dân cho tới nay dù không còn chiếc Bắc nữa.
Năm 1912, Pháp thành lập quận Chợ Gạo, cho đến năm 1939 thì Chợ Gạo trở thành một trong 5 quận trọng yếu của tỉnh Mỹ Tho. Sau ngày 30 tháng 4, 1975, huyện Chợ Gạo thuộc tỉnh Tiền Giang.
Bước xuống Bắc Mỹ Tho thấy sóng xô nước nảy,
Bước lên bờ Rạch Miễu thấy nước chảy cây xanh.
Anh biết chắc đây là đất Châu thành,
Sao tìm hoài không thấy trong đám bộ hành có em...
(Ca dao Mỹ Tho)
Ngoài giá trị lưu thông, kinh Chợ Gạo còn đem lại lượng phù sa phong phú cho ruộng đồng, xổ phèn, giúp cho hàng ngàn dân thoát nghèo. Hai bên bờ kinh dần dần mọc lên nhiều ngôi chợ, nhiều nhà máy sản xuất nước mắm, lại còn nuôi sống hàng ngàn thương lái, tiểu thương, trong đó ngày càng xuất hiện nhiều thương nhân thành đạt, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế nước nhà.
Nhiều nhà lưu dân ở cạnh bên bờ kinh bồi sống nhờ, sống theo những chiếc ghe chài chở hàng để bán hàng xén mà gia đình mới khá lên và nuôi được con cái ăn học thành tài. Kinh Chợ Gạo còn mở ra một hệ thống kinh đào cùng với mạng lưới thủy lợi giúp cho nội đồng canh tác được quanh năm.
Nay kinh Chợ Gạo đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, mỗi năm chuyển tải hàng chục triệu tấn gạo, nông sản thực phẩm, cát đá... từ miền Tây lên Sài Gòn và các tỉnh Nam Trung bộ, đồng thời cũng chuyển ngược về miền Tây nhiều mặt hàng chủ lực như phân bón, thức ăn gia súc, vật liệu xây dựng.
Và kinh Chợ Gạo trở nên quá tải, bị ách tắc nhất là ở đoạn cầu Chợ Gạo quá hẹp, sạt lở, có nơi lở sâu vô 15 mét. Chánh quyền Tiền Giang chưa tìm ra giải pháp hữu hiệu khả khi!

Bắc Chợ Gạo

Bắc Chợ Gạo theo tài liệu ra đời năm 1902 nhằm lúc đầu chỉ và một chiếc đò ngang đưa khách qua sông, gọi là “Bắc Chợ Gạo.”
Rồi không biết từ lúc nào Bắc Chợ Gạo được cải tiến, điều khiển qua lại nhờ bằng dây cáp nối hai bờ.
Tất cả xe cộ và người muốn đi từ Mỹ Tho về Chợ Gạo, Gò Công - và ngược lại đều phải bắt buộc phải lên con Bắc này.
Con Bắc được giữ cho không bị trôi bằng hai sợi dây cáp to căng nối hai bờ. Bắc di chuyển qua lại bằng sức kéo tay của các công nhân chuyện nghiệp thay vì đẩy bằng máy.
Những người công nhân dùng một khúc gỗ một đầu được khoét sâu làm cái móc cho vào dây cáp mà kéo. Cái dụng cụ đặc chế nầy gọi là “cái Guốc.”
Công nhân phà đứng thành hàng trên sàng Bắc, móc guốc gỗ vào sợi dây cáp không vội vàng mặc cho bao người ai cũng nóng lòng muốn sang sông.
Chỉ có xe đò chạy suốt Mỹ Tho-Gò Công-Mỹ Tho mới được xuống Bắc sang sông, còn các loại xe chở khách khác như xe “Lam” thì phải đậu lại bên này sông.
Phải nói nhờ thời gian theo học Trung học Nguyễn Ðình Chiểu mà tôi có dịp biết đến chiếc Bắc Chợ Gạo cũng như cái thị trấn bên đường nầy!
Vào khoảng măm 1970, Công Binh VNCH cùng Công Binh Ðại Hàn hoàn tất công trình cầu Chợ Gạo thay thế Bắc Chợ Gạo.
Bấy giờ xe qua cầu Chợ Gạo phải đóng lệ phí là 65 đồng cho tỉnh Ðịnh Tường (Mỹ Tho) và tỉnh Gò Công, hai bên đầu cầu thuộc hai tỉnh khác nhau.

Chợ Gạo thị trấn giữa đường

Chợ Gạo cách Mỹ Tho 10km về phía Ðông, dầu là trọng điểm thông thương với các vùng đồng bằng Quốc lộ 50 và kinh Chợ Gạo, nhưng dưới con mắt nhiều người - kể cả người địa phương - Chợ Gạo chỉ là thị trấn giữa đường!
Lúc tôi học Nguyễn Ðình Chiểu Mỹ Tho bấy giờ Chợ Gạo mới có trường trung học, được thành lập từ năm 1961. Trường lúc đó được xây dựng hai phòng học đầu tiên trên mảnh ruộng do ông chủ điền nào đó tốt bụng hiến tặng. Trường chỉ có môầt lớp Ðệ Thất với khoảng trên 40 học sinh. Ðến năm 1965, trường có sáu phòng học do phụ huynh đóng góp tiếp tục xây dựng thêm. Năm 1972, nhà trường bắt đầu có học sinh thi tú tài I. Năm 1973 có học sinh thi tú tài II.
Từ ngôi trường trung học đến cái Cầu Chợ Gạo Mới được khởi công từ tháng 6, 2011 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành do thiếu vốn. Mặc cho Trung ương yêu cầu Bộ Giao Thông Vận Tải đôn đốc chủ đầu tư sớm hoàn thành dự án đầu tư xây dựng cầu Chợ Gạo, đảm bảo yêu cầu mở rộng khoang thông thuyền trên tuyến kênh Chợ Gạo.
Tổng vốn đầu tư dự án là 200 tỷ đồng, cầu Chợ Gạo mới bắc qua kênh Chợ Gạo có chiều dài 595m, rộng 12m nhưng do thiếu vốn nên đã ngưng thi công từ nhiều tháng qua. Cầu Chợ Gạo mới bị ngưng thi công kéo theo tuyến đường tránh quốc lộ 50 qua thị trấn Chợ Gạo cũng bị dừng.
Trong lúc các đoạn kè, bờ xung yếu tiếp tục sạt, lở và hoạt động giao thông vận tải trên tuyến kênh Chợ Gạo phải tiếp tục.
Bước xuống bắc Mỹ Tho thấy sóng xô nước nảy,
Bước lên bờ Rạch Miễu thấy nước chảy cây xanh.
Anh biết chắc đây là đất Châu thành,
Sao tìm hoài không thấy trong đám bộ hành có em...
(Ca dao Mỹ Tho)
Chuyến đò ngang qua kinh Chợ Gạo nay chỉ là kỷ niệm thân yêu đối với ai sinh ra và lớn lên ở đây. Và chính nhờ con kinh này đã mang hương nhớ quê hương, làm cho chúng ta chờ đợi một ngày về...
Kinh Chợ Gạo với nét đẹp từ ngàn xưa cho tới nay vẫn chỉ là những ký ức về quá khứ cho bất cứ ai từng chờ đợi qua lại con Bắc nầy mỗi ngày.

HÀ NỘI: CẢN TRỞ KHÔNG CHO VÀO VIẾNG ĐÀI LIỆT SĨ


Sáng nay, 17.2.2013, kỷ niệm 34 năm Chiến tranh biên giới 2/1979 chống Trung Cộng xâm lược, một đoàn các vị nhân sĩ trí thức và đồng bào, gồm các vị: Lão tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Uỷ viên TW Đảng, lão thành Cách mạng; TS. Nguyễn Đình Lộc nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Nguyễn Trung cựu Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Nhà thơ Việt Phương nguyên Thư ký của Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Ông Trần Đức Nguyên thanh viên Ban Tư vấn của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, GS. Phạm Duy Hiển, TS Nguyễn Quang A, TS Nguyễn Xuân Diện.... và nhiều thanh niên, trí thức Hà Nội đã mang vòng hoa: ĐỜI ĐỜI NHỚ ƠN CÁC LIỆT SỸ CHỐNG TRUNG QUỐC XÂM LƯỢC, tới viếng Đài Tưởng nhớ Liệt sỹ tại Hà Nội.


Rất đáng buồn là lực lượng bảo vệ Đài Tưởng niệm đã gây cản trở và không cho đoàn bước vào viếng. 



Làng Mai


Con đã từng ấp ủ giấc mơ một ngày nào đó được qua thăm Làng Mai, nhưng khi có tu viện Làng Mai quốc tế ở Thái Lan thì niềm mơ ước đó có phần mờ nhạt bởi lẽ quá xa xôi.
Bất ngờ ước mơ thầm kín kia đã thành hiện thực khi có thư mời cả hai vợ chồng qua Làng để dự lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Làng Mai ở Pháp rồi khánh thành Viện Phật học ứng dụng ở Đức và kỷ niệm 70 năm xuất gia của Sư Ông. Cả hai cùng hân hoan đón nhận tin vui nhưng chỉ một mình con đi vì anh ấy bị té cầu thang. Mặc dù tình thế như vậy nhưng anh luôn luôn động viên phải bỏ hết để đi một chuyến vì đây là cơ hội ngàn năm.
Một mình từ Huế vào Sài Gòn để đi cùng với tăng thân Pháp Vân, lòng nhẹ nhỏm vì cùng đi với nhiều người nhưng không ngờ đến lúc làm thủ tục lên máy bay thì đại đa số hốt hoảng vì họ đòi phải trình thư mời, rất ít người mang theo vì có thư mời mới làm được visa. Riêng con còn quên mang theo giấy mua bảo hiểm. Nhà ai cũng ở xa, con cháu đi đưa tiễn cũng đã chia tay về nhà. Thế là mọi người cuống cuồng, chạy vạy, cuối cùng cũng giải quyết được nhưng đã làm cho tất cả phải căng thẳng, lo lắng trước giờ phút lên máy bay mà đa số là người có tuổi.
Đến phi trường Charles de Gaulle lúc 6g30 sáng nhưng phải ngồi chờ đến 3 tiếng đồng hồ mới lên máy bay về Bordeaux. Khi xuống máy bay, làm thủ tục Hải quan xong, ra nhận hàng thì đã thấy các thầy và các sư cô đi đón. Nhận hành lý chẳng có ai kiểm soát gì cả. Quý thầy và Sư cô rất chu đáo, mang cả thức ăn và trái cây, nước uống để chúng con dùng trước khi lên xe về Làng. Trời nắng chang chang, không ngờ mùa hè ở Pháp lại nóng đến vậy. Ngồi trước Cabin với thầy Pháp Uyển, nắng trưa dọi vào chịu không nổi, nhìn ở cột đường chạy dòng chữ đỏ 13g11, 410C. May mà khi xe chạy qua những đoạn đường hai bên có cây che mới hứng được một chút gió mát.
Xe chạy gần 2 tiếng mới về đến Làng. Mọi người đều say nắng. Anh Nghiệm hết chịu nổi phải ngã lưng nằm trên đống lá tre. Ai cũng mệt lử nhưng cũng phải loay hoay đi tìm hành lý của mình. Bổng nhiên một chiếc xe con xuất hiện. Và, thật bất ngờ, trên xe có Sư Ông, Sư cô Chân Không và các sư cô thị giả. Mọi người vui mừng muốn reo lên, quên hết mệt nhọc, giống như trong truyện cổ tích “Bổng có ông Bụt hiện ra” vậy. Anh Nghiệm nằm thiếp đi chưa đầy năm phút đã lồm cồm ngồi dậy reo mừng. Niềm hạnh phúc tràn đầy bắt đầu từ đây.
Về xóm Trung, được gặp lại các thầy Từ Hải, Từ Phước, Sư cô Như Hiếu, Khải Nghiêm, Hoa Nghiêm, Trực Nghiêm… quá thân quen nên con lại mừng hơn nữa. Chỉ một số anh chị được ở lại xóm Trung còn lại chia thành hai nhóm về hai nhà trọ. Nhóm của con ở Château Tournentine, cách xóm Trung đến 8 cây số. Thế mà mỗi ngày hai bận được quý thầy Pháp Uyển, Chỉnh Long lái xe đưa đón 11 người, đều đều đúng giờ đúng khắc.
Sáng ra đi lúc 5g30, chiều tối về đến nhà có hôm đến 23g khuya, nhất là khi có chia xẻ với thầy Giác Viên. Thầy Giác Viên gầy yếu, thế mà  những lúc chia xẻ thì hết lòng. Có khi thầy cảm hứng nói sa đà, đến nỗi cô Khải Nghiêm phải nhắc thầy: “Dạ thưa thầy đã 10g15 tối rồi”. Thầy  cười và xin thêm mười lăm phút nữa. Lạ thật! Thân hình thầy gió có thể thổi bay thế mà sức làm việc của thầy lại quá dẻo dai. Thầy hay nói dí dỏm nên tuy thức khuya mà không ai thấy buồn ngủ cả.
Phòng con ở 4 người, nhưng chỉ có một toilette nên đêm nào cũng phải thức chờ nhau làm vệ sinh mãi đến 12g khuya mới đi ngủ. Sáng mai vẫn phải dậy từ lúc 4g30 để chuẩn bị cho kịp xe đến đón. Có đêm mơ mơ màng màng, nhìn ra cửa sổ thấy trời sáng, mắt lem nhem xem đồng hồ thấy 4g30 sáng hoảng hốt đánh thức nhau dậy, nhưng sự thực mới 3h30, bên ngoài trời sáng trăng, chứ không phải hừng đông. Mọi người phải đi nằm lại nhưng rồi cũng chẳng ai ngủ lại được. Thiếu ngủ nên phải kiếm thêm giấc ngủ trưa bù lại. Trong khi đó quý thầy, quý ni cô vẫn miệt mài với công việc phục vụ các khóa tu. Vất vả nhất là khi có tổ chức các đại lễ. Họ làm việc nhiệt tình, cống hiến hết mình, ăn uống chừng mực và ngủ ít nhưng lúc nào cũng tươi vui. Ở Làng mở mắt ra đã thấy cười và nhờ năng lượng tập thể nên chẳng thấy ai đau ốm gì cả. Ở nhà mất ngủ 3 đêm là ốm (bệnh) mà không bệnh thì cũng hư hao, đằng này thấy có nhiều người lên cân rõ rệt (má phính). Các anh chị ở Đức qua Làng tu học về họ nói ai cũng mập ra vì được ăn ngon quá. Em gái con cũng đã hỏi: “Ở Làng cho ăn chi mà ai đi về cũng mập lên và khen được ăn ngon lắm”. Xóm Trung nấu ăn rất hợp khẩu vị của người Việt, vả lại ở Làng thức ăn rất nhiều dinh dưỡng vì biết cách lựa chọn thực phẩm và nấu nướng rất khoa học.
Hạnh phúc nhất là hằng ngày được nhìn thấy Sư Ông trong những buổi pháp thoại và cùng đi thiền hành. Ai cũng nhìn nhận ít thấy Sư Ông già, một phần chẳng bao giờ thấy tóc bạc, nếu không chỉ nghe tiếng nói khi Sư Ông giảng pháp thì không ai nghĩ rằng đó là giọng nói của một vị thiền sư còn ba bước nữa là chạm tuổi 90. Giọng Sư Ông còn rất khỏe, không hề bị hụt hơi, nói liên tục trên 2 tiếng đồng hồ bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, chỉ ở xóm Trung là nói tiếng Việt, đó là điều xưa nay hiếm nên sư cô Chân Không nói: “Nếu ai hỏi tôi Sư Ông sống nhờ cái gì, tôi sẽ nói là nhờ pháp thoại”.
Sư Ông thời cơm cũng ít và ngủ cũng ít, làm việc lại nhiều thế mà thần sắc lúc nào cũng thanh thoát, đôi mắt trong sáng và thánh thiện, có một lực hút mạnh mẽ, khiến các Phật tử ngồi quanh Sư Ông đều nhìn Sư Ông bằng ánh mắt trìu mến và thương kính. Bảy mươi năm tu học của Thầy khiến đạo tâm tỏa ra trên từng bước chân, thanh thản, nhẹ nhàng như lướt mây mỗi khi đi thiền hành.
Cốc của Sư Ông ở xóm Thượng đơn sơ, mộc mạc.
Cốc của Sư Ông ở xóm Thượng. Ảnh CT
Lúc qua Đức ở trong tòa nhà 6 tầng, phòng Sư Ông cũng chỉ một chiếc giường sắt đơn độc, khi tiếp khách thì cả Thầy và trò đều ngồi dưới sàn nhà. Ngày làm biếng Sư Ông  tự giặt quần áo, tự  tay phơi xếp và tự nấu ăn. Sư cô Trân Nghiêm nói Sư Ông nấu ăn ngon lắm và Sư Ông thường mời đệ tử cùng dùng bữa.
Thế giới chọn sự phồn hoa còn Sư Ông chọn tận cùng của sự giản dị. Sư Ông nói pháp thoại ở xóm Trung 2 buổi, ngoài ra phải đi lên xóm Thượng, xuống xóm Hạ, xóm Mới… Đường đi đến các xóm đẹp tuyệt vời. Đường tuy dốc lên xuống nhưng nhiều đoạn đi trong bóng mát của những thân cây cao vút, hoặc đi ngang qua những cánh đồng trồng hoa hướng dương vàng rực cả bầu trời, đi qua những cánh đồng nho xanh mướt và thẳng tắp ở thân nho đã cho ra nhiều chùm chi chít quả, tưởng tượng đến ngày nho chín chắc là đẹp và hấp dẫn lắm. Nhiều cánh đồng trồng lúa mì bát ngát, lúc đầu cứ ngỡ là đồng hoang cỏ cháy, nhưng đến gần mới biết lúa mì đến thời kỳ thu hoạch, hạt tròn và cứng màu rơm rạ. Khi thu hoạch xong, người ta cuốn bằng máy những thân lúa này thành cuộn rất đều đặn và lớn như những bánh xe của những chiếc xe khổng lồ đang nằm rải rác trên cánh đồng, họ tích trữ để làm thức ăn cho gia súc trong mùa đông. Hoa Hướng dương trồng khắp nơi, để lấy hạt làm dầu ăn.
Nghiên nón bên Sư cô Chân Không bạt ngàn hoa Hướng dương
Ở vùng ngoại ô Bordeaux ngoài sự trù phú của đất đai, đây còn là nơi sản xuất rượu nho nổi tiếng. Nơi đây không khí trong lành, đường sá sạch đẹp khác với ở quê nhà vì ai cũng có ý thức giữ gìn.
Tuy nhà cửa ở rải rác quanh vùng nhưng họ tỏ ra thân thiện qua nụ cười tươi và những cái vẩy tay chào mỗi khi xe chạy ngang qua đường, chừng ấy chi tiết cũng đủ giới thiệu nền văn hóa của một đất nước. Có lần đi theo thầy Pháp Tịnh đi siêu thị Leclerc mua thực phẩm, đến quầy bánh mì hầu như vét hết bỏ lên xe đẩy, có nhiều người đến sau không có bánh, họ hỏi một câu không mấy vui vẻ: “C’est pour vous, madame?” nhưng khi trả lời: “ Non, c’est pour le village des pruniers” thì họ ồ lên, biểu lộ sự thông cảm và vui vẻ. Chứng tỏ họ có biết và có cảm tình với Làng Mai.
Thiền đường Nước Tỉnh, Cam Lộ, Ngàn Sao… rất lớn, nhưng đầy ắp người mỗi khi có pháp thoại. Người ngoại quốc từ các nơi tới, họ kính cẩn và thành tâm tu học. Họ dắt cả con cái đến, có cháu còn nằm trong xe nôi, hay mới biết đi chập chững. Có cả các cháu bị tật đi đứng không vững, có cháu bị tai nạn gãy tay vẫn được cha mẹ đem đi theo. Họ nói họ rất trông chờ ngày nầy: một năm về Làng họ có cảm tưởng giống như  được về thăm quê nội, quê ngoại vậy. Họ tu học tinh tấn, ngay các cháu nhỏ khi nghe chuông cũng đứng yên và theo dõi hơi thở.
Từ xóm Thượng xuống Sơn Hạ, đường khá xa và không bằng phẳng, thế mà sau khi pháp thoại xong, Sư Ông đi thiền hành xuống Sơn Hạ trong khi đệ tử của Sư Ông nhiều người đã mỏi gối chồn chân. Ở đây có một cái hồ rất đẹp và thơ mộng.
Con nghe nói có Nội viện Phương Khê., nhưng không biết đến khi nào mới có thể đi thăm được. Sư Cô trả lời: “Chừng nào không còn sợi tóc trên đầu”. Con ngộ ra và chỉ biết cười vì tự thấy mình còn quá nặng nghiệp làm sao được đến Nội viện Phương Khê - nơi chỉ dành riêng cho xuất sĩ.
Trong niềm vui vẫn có những giọt nước mắt. Bát Nhã bây giờ không còn nữa và chỉ còn trong hoài niệm, thế mà khi nghe các Sư cô hát bài về Bát Nhã, tự nhiên nước mắt con lại tuôn trào. Con tự trấn an nhưng không cầm lòng được. Hết ướt hai tay áo rồi đến khăn tay! Tưởng một mình con mau nước mắt, không ngờ các bạn cũng thế. Lúc gặp nhau các bạn nói: sáng nay em khóc quá trời, nước mắt đâu mà cứ tuôn ra hoài. Tưởng người Việt mình mau nước mắt, nhưng lúc gióng hồi chuông Bát Nhã chấm dứt khóa tu ở Làng, người Tây Phương cũng khóc.
Lâu đài De Losse xưa kia của CC Như Mai
Những ngày ở Làng có một kỷ niệm khó quên là được thầy Minh Tuấn dẫn đi thăm lăng mộ Vua Hàm Nghi ở làng Thonac, Dordogne. Thấy ngôi mộ gia đình của nhà vua yêu nước quá đơn sơ khiến ai cũng ngậm ngùi.
Buổi chiều đi viếng thăm lâu đài De Losse của công chúa Như Mai (Nhu May) con gái trưởng của Vua Hàm Nghi. Bà rất yêu kính vua cha nên không lập gia đình để bà có thể luôn luôn giữ cung cách Princesse D’Annam(Bà Công chúa nước Nam) theo sự mong muốn của vua cha. Trong thư viết tay của Công Chúa Như Lý (Nhu Ly) tức Comtesse De La Besse (em Công chúa Như Mai - chủ nhân của lâu đài De la Nauche ở Vigeois) gởi cho nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đề ngày 22 Juin 1999 có nói về công chúa Như Mai như sau: “Chị đã tốt nghiệp thủ khoa viện Nông Học Paris thế hệ 1925” (Elle était sortie major de l’institut agronomique de Paris, promotion 1925). Bà không hề có cái tên Nhữ Mây như nhiều người lầm tưởng. Chưa được về Việt Nam, Công chúa Như Mai thực hiện lời cha dạy phải làm một người phụ nữ Pháp tốt. Sống độc thân, Bà có cơ hội gần gũi với dân nghèo, giúp họ kỹ thuật phát triển Nông Lâm ở địa phương. Nhờ Bà mà nông dân khắp trong vùng trở nên giàu có. Họ biết ơn và rất quý trọng Bà. Nhờ thế mà Bà đã mua được tòa lâu đài De Losse ở đây và có được một khu đất dành riêng làm nghĩa trang cho gia đình vua Hàm Nghi ở Thonac.
Rồi cũng đến ngày kết thúc khóa tu ở Làng, ai cũng ngậm ngùi lưu luyến. Lúc chia tay tất cả đều mong muốn được gặp nhau lại.
Viện Phật học Ứng dụng nhìn từ trên cao, Ảnh Làng Mai
Rời xóm Trung vào một buổi sáng sớm đầy giá lạnh. Chúng con  lên Paris bằng xe Bus. Đường dài hơn năm trăm cây số mà không ai thấy xa. Bỏi vì trong số người cùng đi trên xe có anh Cao Thái - người có làn hơi thiên phú, hát hò không ngớt, làm cho mọi người thích thú, quên hết mệt nhọc. Thời Sinh viên bọn con rất mê giọng hát Cao Thái, đặc biệt giọng Cao Thái với bài Mexico. Được gặp ca sĩ Cao Thái trong dịp sang Làng Mai nầy là một kỷ niệm khó quên.
Xe đến Paris khi trời chưa tắt nắng. Chúng con nghỉ qua đêm ở Thiền đường Hơi Thở Nhẹ để ngày mai đi xe sang Đức. Lúc đến Paris, anh Cao Thái cũng là người hướng dẫn và giới thiệu những đường phố nổi tiếng nơi anh đã từng đi hát rồi đi ngắm Bảo tàng Louvre, Khải Hoàn Môn, Tour Eiffel, mỗi nơi dừng lại chừng 10 phút. Mấy người trẻ còn lanh tay lẹ chân xuống chụp hình, còn người già ngồi yên một chỗ hoặc chỉ chụp hình qua kính cửa xe. Cách đây 10 năm (2002), Paris có một hấp lực mạnh mẽ đối với con, còn giờ này có lẽ do tuổi già, hoặc đã lắng lòng thanh tịnh nên đa phần đều muốn đi qua Đức ngay. Hơn nữa xe lớn rất khó di chuyển trong những phố cổ, có lúc tiến thoái lưỡng nan nên tất cả đều đồng tình thôi không tham quan nữa.
[..] Lúc đi ngang qua thành phố Koln (Cologne) của Đức trời mưa lất phất nhưng lúc đến Viện Phật học Ứng dụng thì trời tạnh ráo còn có chút nắng chiều. Đến nơi ai cũng mừng như vừa về đến nhà. Và mừng nhất khi thấy cơ ngơi rộng lớn bề thế của Viện.
Thầy trụ trì và các sư cô có mặt ở ngay ngoài cửa để chào đón và sắp xếp nơi ăn chốn ở cho mọi người. Viện Phật học Ứng dụng mới hoàn chỉnh được một phần năm (1/5) nên chỗ ở không ổn định được, khi có đoàn kiểm tra phòng ốc thì giường nệm phải thu xếp để trả lại phòng không, tối mới bày biện lại nhưng rất vui.
Đại chúng đến sau tham dự lễ khai mạc Viện Phật học Ứng dụng. Ảnh CT
Ở chung với bác Diệu Hiền nên lúc nào cũng ca hát. Ở đây đêm ngày như hội, ngoài những lúc đi nghe Pháp thoại của Sư ông thì các thầy tập múa võ, các sư cô tập múa hát, trình bày triển lãm nhiều đêm rộn ràng như 30 tết. Tất cả cho ngày khánh thành Viện Phật học Ứng dụng.
Làm sao quên được các Sư cô Hào Nghiêm, Triết Nghiêm, Sắc Nghiêm và nhiều cô nữa nhưng không thể nhớ hết tên, họ luôn luôn tươi tắn, vui vẻ. Các Sư cô người nhỏ con nhưng rất nhanh nhẹn, miệng nói tay làm, thoăn thoắt, luôn luôn nở nụ cười. Có những sư cô âm thầm làm việc trong bếp núc, có đêm thức đến 2g sáng làm bánh bao phục vụ đại chúng, ăn bánh mà nghẹn ngào, xúc động. Qua đây mới thấy sự tu tập của người Phương Tây rất nghiêm mật, họ tu hết lòng. Có một nhóm người Hòa Lan tình nguyện qua đây chỉ để đi làm vệ sinh, ngày nào cũng bắt gặp họ xúc rác đi đổ và chùi nhà vệ sinh nhưng luôn vui vẻ, tươi cười. Ở Làng khi thấy các cháu trai, trưa chiều chùi soong chảo to bự đã thấy phục rồi, bây giờ bắt gặp những người này thật là một bức tranh lao động tuyệt vời. Ấn tượng nhất là hai vợ chồng chị Tố Lan và anh John (người Đức) họ tham dự khóa tu ở Làng tích cực nổi bật nhưng khi qua Đức lại thấy năng nổ làm việc hết mình, giữa trưa nắng vẫn thấy hai ông bà quét dọn, mới 4h30 sáng chị Lan đã đến phòng nói anh John thức em dậy lúc 4g sáng để đi giải quyết vụ nước mã, mỗi sáng họ chỉ lấy 2 thùng, hiện nay còn tồn lại 6 thùng nữa nên em đi thương lượng sợ để lâu bốc mùi. Chị nói với họ thế nào không biết mà họ mang đi hết và biếu tiền họ không lấy. Toàn gương người tốt việc tốt.
Hàng ngàn trái tim bằng vải với nhiều màu sắc tưởng nhớ những người Đức đã bị giết. Ảnh CT.
Có một hình ảnh đáng nhớ là một ông người Đức cụt 2 chân, ngồi xe lăn, thế mà hầu như ngày nào ông cũng có mặt. Không thấy ông nói năng chuyện trò với ai cả, thế mà ở nơi đâu ông cũng có mặt. Ông lặng lẽ lăn xe đi khắp những nơi nào có đông người. Lúc mọi người đi lấy thức ăn trưa thì ông về nhà ăn cơm, mới lấy xong thức ăn đã thấy ông hiện diện, có lẽ ông cũng chọn nơi này làm ngôi nhà thứ hai của mình chăng! Cho nên trong buổi lễ khánh thành Viện Phật học Ứng dụng, ông Thị Trưởng đã cám ơn Sư Ông và xem Sư Ông như một vị Bồ Tát đã cứu độ vùng này. Từ một nơi nghèo nàn, buồn tẻ, u uất bởi lẽ nơi đây theo Tài liệu của Làng Mai cho biết :“Người ta vẫn còn thấy được hình ảnh điêu khắc lưu lại từ thời Đức Quốc Xã. Nơi đây đã từng là một bệnh viện, và những người Đức Quốc Xã đã từng mang đi từ đây và giết hại cả 700 người khuyết tật. Tòa nhà vẫn còn in lại dấu tích nặng nề ấy của lịch sử”. Nhân lễ khánh thành Viên Phật học Ứng dụng[*], thân nhân của những người đã mất đã làm hàng ngàn trái tim bằng vải với nhiều màu sắc gởi đến trong ngày khai mạc Viên Phật học Ứng dụng để tưởng nhớ những người thân.
Thiền sư Nhất Hạnh và ông thị trưởng TP.Waldbroel tại lễ khai mạc Viên Phật học Ứng dụng (23-8-2012)-Ảnh: Làng Mai
Bây giờ nơi đây đã trở nên đông vui, tấp nập đem lại sinh khí cho cả vùng. Một ngày lễ trọng đại như thế nhưng trên hàng ghế không thấy Sư Ông mà chỉ thấy quan khách, thì ra Sư Ông đã ngồi bệt trên thảm cỏ cùng với đại chúng, một sự bình dị đến lạ lùng. Trong buổi lễ nhiều người Đức  đã khóc vì quá xúc động những giọt nước mắt của hạnh phúc lăn dài trên má. Con cũng khóc khi thấy các Sư cô múa (diễn tả bằng điệu bộ) cảnh Bát Nhã chia tay, để đi bốn phương thì có nghe tiếng thầy cô nào đó nói: “Đó cô Tú khóc rồi, khóc chi cô Tú, mình mất một mà được mười khóc chi”. Thật sự là vậy nhưng không sao kiềm chế sự xúc động. Rồi cũng đến giờ phút chia tay, người đi kẻ ở không sao tránh được sự bùi ngùi thương nhớ.
Đại chúng Việt Đức trong buổi lễ khai mạc . Ảnh CT
Rời Viện Phật học Ứng dụng lúc 4g chiều để lên Koln đi tàu hỏa về Paris lúc 10g đêm rồi phải đi tiếp 2 chuyến métro, xong đi xe mới về đến Thiền đường Hơi Thở Nhẹ ở nơi Noisy - le - Grand lúc 12g khuya, Đi chuyến Métro cuối cùng trong đêm nên khá nhiều phức tạp, người đứng kẻ ngồi, xì-ke ma túy cũng có, trộm cắp chực chờ nên cảnh sát phải đi tuần tra để giữ an ninh, ba bốn người lực lưỡng đồng phục đen, súng ống, đạn dược, dắt quanh mình thấy phát khiếp.Thế mà hai Sư cô Doãn Nghiêm, Quãng Nghiêm như hai bông hoa, tươi tắn, vui vẻ. Nhìn hai cô như có sự trấn an cho nỗi lo lắng của những lữ hành có tuổi. Sau chuyến đi vất vả, đêm đó ngủ một giấc ngon lành cho đến sáng.
Ở Thiền đường Hơi Thở Nhẹ cả thảy 3 đêm 2 ngày nhưng đã gây những ấn tượng sâu đậm về sự nồng nhiệt và chu đáo của quý sư cô. Sư trưởng Giác Nghiêm lúc nào cũng nhẹ nhàng và tế nhị. Lúc ở Làng, Sư trưởng đã lái một chiếc xe lớn để chở được nhiều người, đi dọc đường thấy ai có tuổi lại mời lên xe, lúc nào cũng cười tươi dễ mến. Sư Gia Nghiêm thì gần gũi và hay đùa, Sư cô là công chúa Lào nhưng Sư nói không phải chỉ là “canh chua”. Trong đêm cuối ở Thiền đường để ngày mai về lại Việt Nam, bên ánh nến lung linh, con đã hát tặng Sư trưởng Giác Nghiêm bài “La Chanson du retour triomphal” bởi con xem chuyến đi hành hương về Làng như một khúc ca khải hoàn. Trọn vẹn niềm an lạc, hạnh phúc.
Trìu mến trước giờ chia tay Sư cô trưởng Giác Nghiêm
Lúc chia tay, Sư trưởng Giác Nghiêm có hỏi con: “Nhà em ở đâu?” Con trả lời: “Dạ ở Việt Nam”. Sư lại hỏi “Ở đâu trên đất Pháp này?”. Con vẫn trả lời một cách máy móc: “Dạ con không có nhà ở Pháp”. Con vẫn hồn nhiên, không suy nghĩ bởi trong con còn nặng đầu óc tư hữu. Khi Sư trưởng chỉ: “Thiền đường Hơi Thở Nhẹ là nhà của em đấy!” Con đã xúc động và đã đánh thức ngôi nhà tâm linh ở trong con. Ngoài gia đình riêng, con còn có một gia đình tâm linh rãi khắp nơi trên thế giới, một tình huynh đệ bao la, chan chứa để cho con nương tựa. Ôi hạnh phúc biết bao!
Từ ngày con theo Sư Ông, con đã thoát được thân phận người cùng tử, biết trân quý giây phút hiện tại, biết trân quý những báu vật mà trời ban cho mà trước đây có lúc con đã dững dưng, thờ ơ.
Những ngày tháng được hưởng sự an lạc và hạnh phúc chóng qua nhưng con vẫn nuôi dưỡng năng lượng trong từng ngày, từng giờ của những năm tháng tiếp nối.
Những điều con muốn nói còn nhiều nhưng cũng không cho phép con được nói nhiều hơn nữa. Con xin chân thành biết ơn Sư Ông, Sư cô Chân Không, quý thầy, quý Sư cô ở Làng Mai, ở Viện Phật học Ứng dụng ở Đức, ở Thiền đường Hơi Thở Nhẹ đã tận tình giúp đỡ về vật chất, tinh thần để con có được một chuyến đi để lại dấu ấn đời đời. Kính chúc đại gia đình tâm linh dồi dào sức khỏe, để phụng sự Đạo pháp.
Vô cùng thương quý.
Huế, cuối Đông 2012
Võ Thị Cẩm Tú (Pháp tự Chân Thái Lãm)
[*] Viện phật học ứng dụng châu Âu (European Institute of Applied Buddhism)
Địa chỉ: Germany, tiểu bang Nordrhein - Westfalen, thành phố Waldbröl,
Schaumburgweg 3 - 51545.
Cơ sở vật chất của Viện Phật Học là một dinh thự 4 tầng (ba tầng lầu, một tầng trệt, một tầng hầm).
Thiền viện có trên 100 phòng
Diện tích sử dụng 16.000m2
Vườn 5 hecta.
Khai trương ngày 12 tháng 9 năm 2008.
Giám đốc điều hành thiền viện: Thiền sư Thích Chân Pháp Ấn.
Học viện Waldbröl rộng mở cho tất cả mọi người có hoặc không có tôn giáo. Để thực tập thiền, người ta không cần phải là Phật tử.(Theo tài liệu của Làng Mai)

Dưới làn đạn Trung Quốc ở Lạng Sơn


(Trích quyển “ĐỜI, hay chuyện về những người tù của tôi”, bản thảo năm 2000-2001, của Hồ Ngọc Nhuận)
…Lại nhớ hồi đầu năm 1979, khi tôi ra dự hội nghị Trung Ương Mặt Trân Tổ Quốc ở Hà Nội rồi xin đi Lạng Sơn, vô trung tâm thị xã, để chụp mấy tấm hình. Đạn Trung Quốc bắn ào ào, xối xả phía trên đầu mà tôi cứ tỉnh bơ lo bấm máy ảnh: tôi cứ tưởng đạn của phía mình, làm như với đạn phía mình thì không chết! Nếu không có một lính trinh sát của ta bị thương, ngoắc xe tôi lại đưa anh ra ngoài, chắc tôi đã ở lại thị xã lâu hơn. Để rồi biết đâu đã chẳng nằm lại như anh Takano, phóng viên báo Cờ Đỏ của đảng Cộng sản Nhật Bản?
Mấy tấm hình đăng báo, khi tôi về lại Sài Gòn, và bài tôi khóc Takano trên Tin Sáng, làm tôi không nhớ, sau lúc thoát khỏi lửa đạn ở Lạng Sơn, tôi có nghĩ lại mà giựt mình hay không.
Nhưng tôi không thể nào quên cái lần đầu tôi kể chuyện nầy cho đám con tôi. Hơn hai mươi năm qua rồi mà mọi việc như cứ rành rành trước mắt…
Sau hội nghị Mặt Trận Tổ Quốc ở Hà Nội, giữa lúc chiến trận biên giới giữa Trung quốc và Việt Nam đang tiếp diễn ác liệt, tôi nằng nặc xin đi Lạng Sơn, lấy cớ là nhà báo Sài Gòn duy nhất có mặt, không ra chiến trường săn tin e bà con độc giả Sài Gòn chê trách. Phải mất vài ngày chờ đợi, nghe ngóng… Ông Xuân Thủy sau cùng dàn xếp cho đi, cấp một xe bộ đội loại nhỏ hiệu Liên Xô, với đầy đủ lương thực ăn đường và một cán bộ tháp tùng. Khi chuẩn bị lên đường tôi mới biết có hai ông Nguyễn Ngọc Trân, nay là chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc Hội, và Nguyễn Văn Ngọc, nay là phó trưởng ban Tôn giáo Chánh phủ, cùng đi. Tôi nói “cùng đi”, chớ kỳ thật không biết chừng nhờ có hai ông mà tôi mới được đi, vì hai ông là đảng viên, và vì dọc đường tôi thấy ông Trân thỉnh thoảng trình giấy giới thiệu với địa phương mà không biết giấy nói gì.
Xe đi không vội vã vì dọc đường còn phải dừng lại nghỉ đêm và nghe ngóng tin tức. Bà con các dân tộc tiếp đón niềm nở và không có vẻ gì là hoảng sợ. Chánh quyền các địa phương báo qua kế hoạch bố trí bà con sơ tán: tất cả đều được phân bố trong các gia đình và tiếp tục tham gia sản xuất. Ải Chi Lăng núi non hiểm trở, trùng điệp, hùng vĩ – mà tôi mới đặt chân đến lần đầu – như hối thúc tôi dồn bước về phía trước. Càng gần về phía biên giới mới có lác đác người đổ về xuôi. Mà không hối hả. Với trâu và trâu. Không biết bà con nuôi kiểu nào mà từng đàn con nào cũng mập mướt. Một dân quân, súng trường dài thoòng quàng vai, chở một bà cụ sau xe đạp, đổ dốc. Anh nói: đưa mẹ đi gửi rồi trở về đánh tiếp. Ở một huyện lỵ, gần thị xã Lạng Sơn, chợ vẫn nhóm. Thuốc lá Lạng Sơn đi đâu cũng đụng. Tấm ảnh hai con bồ câu rỉa lông nhau trên cành cây vệ đường, đăng trên Tin Sáng, là tôi chụp ở chợ nầy. Ở một cơ quan địa phương , một bà chị người dân tộc im lặng ngồi ở cửa, không biết tự bao giờ và đến bao giờ: chồng chị, một cán bộ tuyên huấn, đi công tác ở một xã trên cao, kẹt đánh nhau cả tuần chưa thấy bóng. Nước trên các chóp rất khó tìm, phải trữ, phải tiếp. Phần lớn các hang núi được biến thành nơi làm việc, trạm xá. Những thứ đó còn đọng lại trong tôi cho tới giờ.
Rồi cũng đến được đỉnh đồi cách vài kilômét nhìn xuống thị xã Lạng Sơn. Một hàng dài xe báo chí nước ngoài đang chờ đó, không biết tự bao giờ. Sau khi đọc giấy giới thiệu, ông tướng chỉ huy mặt trận chấp nhận cho chúng tôi vô thị xã mà phải theo chân một đơn vị bộ binh dẫn đường. Ông nói: “Để các anh đi ẩu, rủi có gì ai chịu trách nhiệm!”. Ông nói cũng có lý, với lại chiến trận chỉ cách vài cây số đường chim bay. Một sĩ quan đứng gần kề tai tôi mách nước: “Các anh theo lính không nổi đâu. Đường núi quanh co không dễ đi, họ còn phải lo bảo vệ các anh nữa, biết chừng nào tới nơi! Các anh có xe sao không phóng thẳng vô? Chỉ sau mấy phút là tới. Nếu chúng không pháo trúng”.
Nhìn quanh, các ngọn đồi đan chen nhau như bát úp. Ta và địch chia nhau làm chủ và đấu pháo qua lại. Pháo địch chiếu cố đặc biệt con đường dưới chân đồi từ chỗ chúng tôi đứng dẫn vào thị xã.
Mạo hiểm cũng có cái hấp dẫn và cũng dễ lây: “cán bộ đường lối” cũng đồng tình phóng xe vô thị xã, không do dự mấy. Chúng tôi nhảy vội lên xe, vọt. Đạn pháo ùm oàng. Địch có nhắm bắn chúng tôi không, tôi không biết. Chỉ vụt thoáng thấy hai bên đường đây đó vài chiếc thiết giáp nằm kềnh, trâu phơi bụng, các bụi tre tang toác… Xe ngừng, nhảy xuống, ngó lại: một xe truyền hình Thuỵ Điển bám sát chúng tôi hồi nào không ai hay. Vài phút sau, một xe trinh sát trờ tới, đổ quân, tủa ra bố trí… Hợp tác xã thêu Lạng Sơn đổ nát. Bấm. Bệnh viện Lạng Sơn tan hoang. Bấm. Ở một ngã tư, vài xác chết chưa kịp nhặt. Không bấm. Một cột mốc bên lề đường, có khắc “Lạng Sơn, km: 0″, với hai ông Trân và Ngọc ngồi đứng kế bên. Bấm. Một con mèo con co rúm trong một đống đổ nát, không biết đường chạy. Bấm luôn. Ngó lại: mấy ông truyền hình Thuỵ Điển đang chĩa máy quay hình tôi! Đạn bay như gió bão ào ào trên đầu. Tưởng là đạn ta, tôi cứ chạy nhảy, lia máy, bấm.
Từ xa, một người ngồi sát chân một tường rào giơ tay ngoắt. Lom khom men tường tôi đến gần. Một anh bộ đội ta vừa bị thương vào đùi. Xe chúng tôi vọt tới, lôi vội anh lên, phóng ra khỏi trận địa. Anh thương binh nói : “Tôi đã rút sẵn chốt lựu đạn, tụi nó tới, tui cho nổ luôn!”. Ra tới đỉnh đồi lúc nãy, bộ chỉ huy quân sự đâu không thấy, xe các phóng viên chiến trường cũng không. Một anh bộ đội giữ chốt cho biết: một đạn pháo địch vừa rơi trúng đây, mấy chiến sĩ bị thương vừa được chuyển về tuyến sau.
Về lại tuyến sau, buổi chiều, chúng tôi được tin ký giả Takano của báo Cờ Đỏ Nhật Bản hy sinh. Anh vào thị xã Lạng Sơn sau chúng tôi khoảng ba tiếng đồng hồ. Và anh cũng đã đến quãng bên này đầu cầu Kỳ Lừa, nơi chúng tôi đã mò gần đến, trước khi quân Trung Quốc giựt sập cầu để rút lui.
Bài học không nên quên
Chuyện đang hào hứng mà đám con tôi lại òa khóc. Bắt đầu từ cô chị cả. Con gái lớn tôi mếu máo qua nước mắt: “Cha không thương tụi con ! Ai bắt cha vô đó”?!
Ai bắt ? Chẳng qua là nghề với nghiệp thôi !”
Với lại, cũng cần nói thêm: suốt mấy ngàn năm lịch sử quan hệ giữa hai nước, có triều đại nào, có chế độ nào của Trung Quốc mà không xua quân sang đánh nước ta? Đó là điều trẻ con nào cũng biết. Nhưng một Trung Quốc xã hội chủ nghĩa, vừa là đồng chí vừa là anh em, lại cũng không từ cái việc “dạy cho Việt Nam xã hội chủ nghĩa một bài học”, sau khi Việt Nam, cũng chẳng đặng đừng, đã đánh cho một đồng chí anh em khác chạy có cờ, là điều mới mẻ ít ai ngờ. Việc tôi có mặt ở Lạng Sơn trong cuộc chiến ít ai ngờ đó cũng là một cơ hội bất ngờ hi hữu mà không phải ai cũng được gặp. Và tôi không thể bỏ qua.
Cuộc chiến nầy là một bài học lịch sử vô giá đối với tôi. Nhưng không biết rồi đây tôi có nhớ mà học cho thuộc hay không.
Nghĩ về cái sợ đến sau, cái sợ hồi tưởng, và về cái sợ cho người thân của mình, hai cái sợ mà các con tôi hơn một lần đều lãnh đủ, tôi thấy thương các con lắm !
Đang chuyện làm báo, sao tôi nói leo vô chuyện tù và chuyện nhà? Nhưng việc vào tù ra khám, việc vào ra công an hay việc làm báo đối lập của tôi đôi khi tách riêng ra cũng không dễ, và khó mà không “văng miểng” cho gia đình. Biết bao lần vợ con tôi đã phải ngăn tiếng khóc, để đến bây giờ mới bật ra?…
Hồ ngọc Nhuận

Nhìn lại chiến tranh biên giới 1979


Đúng vào ngày này 34 năm trước (17.2.1979), Trung Quốc bất ngờ tung hơn 60 vạn quân nổ súng xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía bắc, nhưng đã phải rút quân sau hơn một tháng gặp sự kháng cự mãnh liệt của quân và dân ta, chịu nhiều tổn thất nặng nề.

Tuy vậy cuộc chiến tranh xâm lược này cũng mở màn cho cuộc xung đột vũ trang tại biên giới giữa VN và Trung Quốc (TQ) kéo dài suốt 10 năm sau đó. Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược - Bộ Công an, với độ lùi về thời gian, việc nhìn nhận lại cuộc chiến tranh này là hoàn toàn cần thiết.
Nhìn lại chiến tranh biên giới 1979
Thiếu tướng Lê Văn Cương
Kể từ sau khi VN và TQ bình thường hóa quan hệ (1991), hai bên dường như đều không muốn nhắc lại cuộc chiến này. Từ hơn 30 năm qua, cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc gần như không được nhắc tới. Theo ông tại sao cuộc chiến lại bị rơi vào lãng quên như vậy?
Để trả lời câu hỏi này có lẽ cần cả một hội thảo khoa học. Tôi chỉ xin lưu ý như sau, vào những năm kỷ niệm chẵn 10, 15... hay gần đây nhất là 30 năm sau cuộc chiến tranh chống TQ xâm lược (2009), báo chí, truyền hình của VN gần như không đưa tin gì về sự kiện này. Đây là một sự thiếu sót lớn trên góc độ Nhà nước. Hơn thế nữa, đó là một sự xúc phạm đến linh hồn của những đồng bào, chiến sĩ đã bỏ mình để bảo vệ Tổ quốc trong cuộc chiến tháng 2.1979 và gần mười năm sau đó. Họ nằm dưới mộ có yên không? Gia đình vợ con bạn bè và những người thân thích của họ sẽ nghĩ gì về chuyện này?  Đã có ý kiến cho rằng nhắc đến những chuyện này cũng có nghĩa là kích động chủ nghĩa dân tộc. Tôi có thể khẳng định rằng nói như vậy là ngụy biện.
Trong khi chúng ta im lặng thì những dịp đó chúng tôi đã thống kê hệ thống phát thanh, truyền hình báo chí của TQ tung ra trung bình từ 600-800 tin, bài với những cái tít gần như có nội dung giống nhau về cái mà họ gọi là “cuộc chiến tranh đánh trả tự vệ trước VN”. Có thông tin cho rằng hiện tại có tới trên 90% người dân TQ vẫn quan niệm rằng năm 1979 Quân đội VN đã vượt biên giới sang tấn công TQ và bắt buộc TQ phải tự vệ đánh trả. Từ hàng chục năm nay, hệ thống tuyên truyền của TQ đã nhồi nhét vào đầu người dân TQ rằng cuộc chiến 1979 chỉ là cuộc phản công trước sự xâm lược của VN.
Theo tôi nghĩ, trong tuyên truyền đối nội và đối ngoại, cả ở kênh nhà nước, nhân dân và trên truyền thông, chúng ta phải làm rõ và góp phần làm cho nhân dân thế giới hiểu rõ bản chất của cuộc chiến tranh Việt - Trung 1979. Đồng thời góp phần làm cho hơn 1,3 tỉ người TQ biết được sự thật rằng vào ngày đó hơn 60 vạn quân TQ đã vượt biên giới xâm lược VN. Việc chúng ta im lặng hàng chục năm qua, theo tôi là  không đúng. Việc nói ra cũng không liên quan gì chuyện kích động chủ nghĩa dân tộc. Hãy thử so sánh chuyện đó với việc TQ tung ra hàng nghìn bài báo xuyên tạc lịch sử từ hàng chục năm qua.
Nhìn lại chiến tranh biên giới 1979
Bộ đội Việt Nam đánh trả quân Trung Quốc xâm lược tại Lạng Sơn năm 1979
Với độ lùi về thời gian, theo ông chúng ta có thể rút ra những điều gì từ cuộc chiến tranh này? Những điều đó có ý nghĩa thế nào trong bối cảnh hiện tại ?
Theo tôi, khoảng thời gian 34 năm đã là khá đủ cho chúng ta nhận thức lại những vấn đề xung quanh cuộc chiến 1979. Thế nhưng đến giờ phút này tôi có cảm giác không phải lúc nào chúng ta cũng có được sự nhận thức thống nhất, nhất quán từ trên xuống dưới.
Vấn đề thứ nhất, phải xác định rõ về mặt khoa học, cuộc chiến 1979 là cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Đây là vấn đề phải nhận thức rõ từ cấp cao nhất. Sự nhận thức ấy cũng phải được thống nhất trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Đây là chuyện không được phép mơ hồ.
Không chỉ nhận thức mà Nhà nước có trách nhiệm đưa câu chuyện này vào sách giáo khoa. Thực tế cho thấy phần lớn học sinh tiểu học, trung học và thậm chí đa số trong 1,4 triệu sinh viên hầu như không biết gì về cuộc chiến tranh này. Nếu để tình trạng này kéo dài, trách nhiệm thuộc về Nhà nước. Chắc chắn chúng ta sẽ không tránh được sự phê phán của thế hệ sau này. Hàng vạn người con ưu tú của chúng ta đã bỏ mình để bảo vệ từng tấc đất biên giới phía bắc của Tổ quốc, tại sao không có một dòng nào nhắc đến họ? Bây giờ đã quá muộn. Nhưng không thể để muộn hơn được. Theo quan điểm của tôi, Nhà nước phải yêu cầu đưa phần này vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Chúng ta không thể mơ hồ được, không thể  lờ đi vấn đề lịch sử này được.
Nhìn lại chiến tranh biên giới 1979
Bệnh viện huyện Trùng Khánh, Cao Bằng bị quân Trung Quốc tàn phá tháng 2.1979 - Ảnh: Tư liệu
Tôi đã nhiều lần trao đổi với các học giả nước ngoài và họ đã thắc mắc khá nhiều chuyện tại sao sự kiện chiến tranh chống quân TQ xâm lược năm 1979 lại không được nhắc đến trong các giáo trình lịch sử của VN. Tôi đã phải chống chế với lý do rằng người VN muốn quên đi quá khứ và hướng đến tương lai. Nhiều học giả Hàn Quốc, Nhật Bản đã phản bác tôi vì “Lịch sử là lịch sử. Quá khứ là quá khứ. Tương lai là tương lai”. Họ nói rằng: “Chúng tôi biết người VN rất nhân hậu, muốn hòa hiếu với các dân tộc khác. Nhưng điều này không thể thay thế cho trang sử chống ngoại xâm này được”.
Thứ hai,  trong thế giới hiện đại toàn cầu hóa, các quốc gia đều phụ thuộc lẫn nhau. Không có quốc gia nào hoàn toàn độc lập tuyệt đối. Ngay cả Mỹ nhiều lúc cũng phải nhân nhượng các quốc gia khác. Chúng ta không có quan niệm về độc lập chủ quyền tuyệt đối trong thời đại toàn cầu hóa. Nhưng trong bối cảnh này, phải nhận thức rõ cái gì là trường tồn? Theo tôi có 3 thứ là chủ quyền quốc gia, ý thức dân tộc và lợi ích quốc gia. Ở đây chúng ta phân biệt chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, chủ nghĩa dân tộc nước lớn với lòng yêu nước chân chính, ý thức tự tôn tự hào dân tộc. Hai cái đó khác nhau. Người VN có truyền thống yêu nước, có tinh thần chống ngoại xâm bất khuất, đó là điều cần được phát huy trong 92 triệu người VN trong và ngoài nước.
Chủ quyền quốc gia, ý thức dân tộc và lợi ích quốc gia là những cái “dĩ bất biến”, những cái còn lại là “ứng vạn biến”. Những chuyện “16 chữ”, “bốn tốt” trong quan hệ với TQ là “ứng vạn biến”. Bài học từ cuộc chiến chống xâm lược năm 1979 cho thấy nếu không nhận thức được điều này thì rất nguy hiểm.
Thứ ba, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, tiêu chí để phân biệt người yêu nước hiện nay là anh có bảo vệ lợi ích quốc gia hay không. Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn. Năm nay chúng ta chuẩn bị tổng kết Nghị quyết T.Ư 8 (7.2003) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Tôi thấy có một quan điểm bây giờ vẫn đúng, đó là: "Những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấu tranh". Đồng thời, cũng phải có cách nhìn biện chứng về đối tượng và đối tác: trong mỗi đối tượng vẫn có thể có mặt cần tranh thủ, hợp tác; trong một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta, cần phải đấu tranh.
Nhìn lại chiến tranh biên giới 1979
Tù binh Trung Quốc bị bắt tại Cao Bằng
Nhìn lại từ câu chuyện của 34 năm trước đến những căng thẳng hiện tại trong vấn đề biển Đông, theo ông có thể hy vọng gì ở tương lai trong quan hệ giữa VN và TQ ?
Tạo ra lòng tin, sự hữu nghị chân thật giữa hai nước là con đường tất yếu nhưng đòi hỏi thời gian lâu dài và từ cả hai phía. Đây không phải là điều có thể hy vọng có được trong vài ba năm tới đây. Lịch sử mách bảo chúng ta muốn giữ được hòa bình, ổn định, giữ được độc lập tự chủ thì điều quan trọng nhất là giữ được lòng dân. Trên dưới một lòng, có được sự đoàn kết dân tộc thì chắc chắn không có kẻ xâm lược nào dám dại dột động đến chúng ta cả. Lịch sử VN đã cho thấy những lần mất nước đều bắt đầu từ việc chính quyền mất dân. Năm 179 trước CN An Dương Vương để mất nước là do mất dân. Một ông vua đứng đầu quốc gia mà tin vào kẻ thù thì chuyện mất nước là không thể tránh khỏi. Năm 1406, nhà Hồ mất nước cũng vì đã mất dân. Đến mức độ nhà Minh truy bắt cha con Hồ Quý Ly thì chính những người trong nước đã chỉ điểm cho quân Minh. Năm 1788 Lê Chiêu Thống sang cầu viện Mãn Thanh đưa 20 vạn quân sang giày xéo quê cha đất tổ cũng là ông vua đã mất dân. Đó là bài học muôn đời để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Ng.Phong(thực hiện)

MẬU THÂN 1968 VÀ CUỘC THẢM SÁT TẠI HUẾ


Huế là một trong những thành phố buồn nhất trên trái đất chúng ta, không phải chỉ vì những gì đã xảy ra ở đấy vào tháng 02-1968 mà vốn không thể tưởng tượng. Đó còn là một lời khiển trách thầm lặng đối với tất cả chúng ta, những kẻ thừa hưởng 40 thế kỷ văn minh nhưng trong thế kỷ này, lại đã cho phép những quan điểm tập thể hóa đẩy chúng ta vào những tội lỗi hiện đại xấu xa nhất, từ thờ ơ đến vô nhân đạo. Những gì đã xảy ra ở Huế làm cho mọi ai còn là văn minh trên hành tinh này phải dừng lại suy nghĩ. Nó phải được khắc ghi để khỏi bị quên lãng cùng với những hành xử vô nhân đạo khác giữa loài người với nhau vốn đã rải rác ghi dấu lịch sử nhân loại. Huế là một minh chứng khác về việc con người có thể đẩy mình đến chỗ làm những gì khi nó không đặt giới hạn cho hành động chính trị mà lại vô tình theo đuổi giấc mơ về một xã hội hoàn hảo nào đó.

      Những gì đã xảy đến tại Huế có thể được mô tả cụ thể qua vài con số thống kê. Một lực lượng Cộng sản lên tới 12,000 người đã xâm chiếm thành phố Huế đêm mồng một Tết, ngày 30-01-1968. Họ đã ở lại 26 ngày và sau đó bị quân đội (Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh) đánh bật ra khỏi. Sau cuộc tấn công dịp Tết này, 5,800 thường dân Huế đã bị giết hại hoặc mất tích. Nay người ta biết phần lớn trong họ đã chết. Xác của phần lớn họ từ đó đã được tìm thấy trong những nấm mồ cá nhân và tập thể khắp tỉnh Thừa Thiên vốn bao quanh thủ đô văn hóa của Việt Nam này.

      Đấy là những sự kiện cơ bản, những thống kê quan trọng. Thế giới không tọc mạch biết được gì về Huế thì cũng chỉ như thế, vì đó là những gì đã được báo chí thế giới ghi lại cách khiêm tốn sơ sài. Xem ra nó đã chẳng ảnh hưởng gì lên lương tri hay lương tâm của thế giới cả. Đã không có những phản đối mạnh mẽ, những cuộc biểu tình trước các tòa Đại sứ Bắc Việt khắp năm châu. Trong một cung giọng hết sức cay đắng, người dân ở đây sẽ nói với bạn rằng thế giới không biết chuyện gì đã xảy ra ở Huế, hoặc nếu biết thì cũng chẳng bận tâm.

      Trận chiến

      Trận chiến tại Huế là một phần chiến dịch Đông-Xuân 1967-1968 của Cộng sản. Toàn bộ chiến dịch được chia làm ba giai đoạn:

      Giai đoạn I bắt đầu trong tháng 10, tháng 11, tháng 12 năm 1967 và đòi hỏi những “phương pháp chiến đấu phối hợp”, nghĩa là những trận đánh khá lớn, kiểu cổ điển nhắm vào các căn cứ quan trọng (của QLVNCH) hay những nơi tập trung quân Đồng minh. Các trận đánh ở Lộc Ninh tỉnh Bình Long, ở Dakto tỉnh Kontum và ở Cồn Tiên tỉnh Quảng Trị, cả ba tại các vùng đồi núi Nam Việt gần biên giới Cam Bốt và Ai Lao, đều là những trận đánh điển hình và do đó là yếu tố quan trọng của Giai đoạn I.

      Giai đoạn II diễn ra trong tháng 01, tháng 02, tháng 03 năm 1968, và kéo theo việc dùng “những phương pháp chiến đấu độc lập”, nghĩa là nhiều trận đánh do những đơn vị khá nhỏ thực hiện cùng lúc trên một diện tích lớn và sử dụng những chiến thuật du kích tiên tiến, tinh luyện. Vì rằng Giai đoạn I đã thực hiện chủ yếu với các toán quân chính quy Bắc Việt (lúc ấy khoảng 55.000 đang ở miền Nam), Giai đoạn II thực hiện chủ yếu với các toán Cộng quân miền Nam (tức Lực lượng Vũ trang Giải phóng). Cao điểm của Giai đoạn này là cuộc Tấn công Tết Mậu Thân trong đó 70,000 quân đánh vào 32 trung tâm dân cư lớn nhất của Nam Việt, kể cả thành phố Huế.

      Giai đoạn III, diễn ra trong tháng 04, tháng 05 và tháng 06 năm 1968, đầu tiên là phối hợp những phương pháp chiến đấu độc lập và hiệp đồng, kết thúc là một trận đánh lớn cố định đâu đó. Đây là điều mà các tài liệu bắt được đã thận trọng nhắc đến như “đợt sóng thứ hai”. Có thể đó đã là Khe Sanh, căn cứ Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ nằm ở góc cực Bắc của Nam Việt. Hoặc có thể là Huế. Đã không có đợt sóng thứ hai chủ yếu là vì trong Giai đoạn I và II, các biến cố đã không phát triển như mong đợi. Mặc dù vậy, cuộc chiến đã đạt tới độ đẫm máu nhất trong tám năm hồi ấy, suốt thời gian kể từ trận đánh Huế vào tháng 02 tới cuộc giải vây cho Khe Sanh vào mùa hè.

      Suốt ba tháng ấy, tổn thất của Hoa Kỳ trung bình vào khoảng 500 binh sĩ tử thương hàng tuần; tổn thất của Nam Việt gấp đôi; còn tổn thất của Việt Cộng (cả Bắc lẫn Nam) gần tám lần của Hoa Kỳ. Trong chiến dịch Đông Xuân, Cộng sản bắt đầu với khoảng 195,000 quân chính quy miền Bắc và du kích miền Nam. Suốt 9 tháng, họ mất (vì tử thương hay tàn phế vĩnh viễn) khoảng 85.000 người.

      Chiến dịch Đông Xuân là cố gắng toàn lực của Cộng sản nhằm đánh gãy lưng Quân lực Nam Việt và dồn chính phủ Việt Nam, cùng với các lực lượng Đồng minh, vào trong các khu vực phòng thủ ở thành phố. Nói cho đúng, Trận đánh Huế thuộc Giai đoạn I hơn Giai đoạn II vì nó đã sử dụng “các phương pháp chiến đấu hợp đồng” có lôi kéo quân đội Bắc Việt hơn là các du kích quân miền Nam. Về phía Cộng sản, chủ yếu là hai sư đoàn kỳ cựu của Bắc Việt trong đó có Sư đoàn 324-B, được tăng cường bằng các tiểu đoàn chính quy và một vài đơn vị du kích với khoảng 150 chính ủy và cán bộ dân sự địa phương.

      Tóm lại, trận đánh Huế gồm ba bước phát triển lớn sau đây: Cuộc tấn công khởi đầu của Cộng sản, chủ yếu do hai tiểu đoàn 800 và 802, đã đủ lực và đà để tiến vào Huế. Bình minh ngày đầu tiên, Cộng sản đã kiểm soát toàn thành phố ngoại trừ Bộ Tư lệnh Sư đoàn I Bộ binh và khu vực các cố vấn quân sự Mỹ. Việt và Mỹ đã điều động quân tiếp viện với mệnh lệnh tới hai điểm còn cầm cự đó để củng cố cho họ. Cộng sản liền điều động một tiểu đoàn khác, tiểu đoàn 804, với mệnh lệnh ngăn chận lực lượng tiếp viện. Việc này thất bại, hai điểm cầm cự đã được củng cố và không bao giờ còn bị đe dọa trầm trọng nữa.

      Từ đó, trận đánh mang tính cách một cuộc bao vây. Cộng quân ở trong Thành Nội và rìa tây thành phố. Quân Việt và Mỹ tại ba mặt còn lại, bao gồm phần phía Nam Huế của con sông (Hương), đã quyết tâm đánh bật chúng ra khỏi, với hy vọng ban đầu là dùng hỏa pháo và không kích. Nhưng Thành Nội được xây quá kiên cố và người ta đã sớm thấy rõ rằng nếu Cộng quân được lệnh cầm cự, thì chúng chỉ có thể bị đánh bật bằng chiến tranh thành phố, đánh chiếm từng nhà và từng khối, một hình thức chiến đấu đắt giá và chậm chạp. Lệnh đã được ban ra.

      Qua tuần thứ ba của tháng 02, việc bao vây Thành Nội đã tiến triển tốt đẹp và Quân đội VNCH lẫn Thủy quân Lục chiến Mỹ tiến từng thước qua Thành Nội. Sáng ngày 24 tháng 02, lính Sư đoàn I Bộ Binh giật xuống lá cờ VC đã treo 24 ngày trên vòng thành ngoài và thượng lá cờ mình lên. Trận chiến đã toàn thắng, dù thỉnh thoảng còn tiếp tục đánh nhau bên ngoài thành phố. Khoảng 2.500 cộng quân chết suốt trận đánh và 2.500 tên khác chết khi những thành phần Cộng sản bị truy đuổi bên ngoài Huế. Tử trận của Đồng minh là 357 người

      Những cuộc phát hiện

      Trong cảnh hỗn loạn tiếp theo sau cuộc chiến, mệnh lệnh đầu tiên cho công việc dân sự là cấp cứu, dưới hình thức cung cấp thực phẩm, ngăn ngừa bệnh dịch, săn sóc y tế cấp thời v.v… Tiếp đến là nỗ lực xây dựng lại nhà cửa. Chỉ sau đấy Huế mới bắt đầu lập bảng kê các thương vong của mình. Đã chẳng có một cuộc kiểm kê dân số thực sự ngay sau cuộc tấn công. Đến tháng 03, các viên chức địa phương mới báo cáo rằng 1.900 thường dân đã nhập viện với những vết thương chiến tranh và họ ước lượng rằng khoảng 5.800 người đã không tìm ra tung tích.

      Khám phá đầu tiên về các nạn nhân của Cộng sản là tại sân trường Trung học Gia Hội ngày 26-02: rốt cục 170 thi thể đã được tìm thấy. Trong những tháng kế tiếp, thêm 18 địa điểm chôn người được tìm thấy, lớn nhất là Tăng Quang Tự (67 nạn nhân), Bãi Dâu (77), vùng Chợ Thông (ước lượng khoảng 100), khu vực các lăng tẩm (201), Thiên Hàm (khoảng 200) và Đông Gi (khoảng 100). Tổng cộng gần 1,200 xác đã được tìm thấy trong những ngôi mộ đào vội vã, lấp sơ sài.

      Ít nhất một nửa trong họ đã cho thấy bằng chứng bị giết cách thảm khốc: hai tay bị trói bằng dây sau lưng, giẻ rách nhét đầy miệng, thân thể vặn vẹo không thương tích (cho thấy bị chôn sống). Gần 600 nạn nhân còn lại mang nhiều vết thương nhưng chẳng có cách nào xác định họ đã chết vì bị xử bắn hay vì lạc đạn.

      Nhóm phát hiện lớn thứ hai nằm trong bảy tháng đầu tiên của năm 1969 ở quận Phú Thứ (Độn Cát và Lệ Xá Tây), quận Hương Thủy (Xuân Hòa, Vân Dương) vào cuối tháng 03 và tháng 04. Thêm nhiều địa điểm chôn xác khác cũng đã được tìm thấy tại quận Vinh Lộc trong tháng 05 và quận Nam Hòa trong tháng 07. Lớn nhất trong nhóm này là các phát hiện ở Độn Cát tại ba địa điểm Vinh Lưu, Lê Xá Đông và Xuân Ổ, trong các cồn cát nhấp nhô với cỏ mọc thành búi gần biển Đông. Ngăn cách bởi những thung lũng đầm lầy nước mặn, các độn cát này thật lý tưởng để làm mộ địa. Trên 800 thi thể đã được phát hiện ở đây. 

      Trong cuộc phát hiện ở Độn Cát, kiểu chung là trói các nạn nhân thành từng nhóm 10 hoặc 20 người, xếp hàng họ trước một con mương được dân công lao dịch địa phương đào rồi hạ sát họ bằng súng máy (một trong những kỷ vật trân quý của địa phương là một viên đạn súng máy đã bắn của Nga lấy được từ một ngôi mộ). Thường thì người chết bị chôn thành ba bốn lớp, khiến cho việc nhận diện hết sức khó khăn.

      Tại quận Nam Hòa là phát hiện thứ ba, hay còn gọi là phát hiện Khe Đá Mài, cũng được gọi là Phủ Cam tử bộ (dead march), diễn ra ngày 19-9-1969. Ba hồi chánh viên VC đã kể cho các sĩ quan tình báo của Lữ đoàn 101 Không vận HK rằng họ đã chứng kiến cuộc thảm sát vài trăm người tại Khe Đá Mài, cách phía nam Huế khoảng 10 dặm, vào tháng 02-1968. Vùng này rất hoang vu, không người ở và gần như bất khả xâm nhập. Lữ đoàn đã phái đi một nhóm thám sát, họ báo cáo rằng khe suối chứa rất nhiều xương người. Bằng việc ghép lại các mảnh thông tin, người ta xác định được những gì đã xảy ra tại Khe Đá Mài như sau: Vào ngày mồng 5 Tết tại Phủ Cam, nơi sinh sống của khoảng ba phần tư trong số 40.000 người Công giáo thành phố, một số lớn cư dân đã tìm nơi lẩn trốn trận đánh tại ngôi nhà thờ địa phương, một phương pháp lánh nạn chiến tranh thông thường tại Việt Nam. Nhiều người trong đó thật ra không phải là Công giáo.

      Một chính ủy Cộng sản đã đến nhà thờ và ra lệnh cho khoảng 400 người, một số thì đích danh, một số xem ra vì ngoại diện của họ (trông giàu có hoặc nhìn như thương gia đứng tuổi, ví dụ vậy). Y nói họ sẽ đi đến “vùng giải phóng” trong ba ngày để học tập cải tạo, sau đó ai nấy có thể về nhà.

      Họ đã đi bộ chín cây số về hướng Nam đến một ngôi chùa nơi Cộng sản thiết lập bộ chỉ huy. Tại đó 20 người bị kêu ra khỏi nhóm, tập hợp trước một tòa án quân sự dã chiến, bị xét xử, bị tuyên tội, bị hành quyết và chôn trong sân chùa. Số còn lại bị dẫn qua qua bên kia sông và được giao lại cho một đơn vị Cộng sản trong một sự trao đổi có giấy biên nhận đưa cho viên chính ủy. Có lẽ viên chính ủy định rằng tù nhân của y sẽ được cải tạo rồi trở về, nhưng với chuyện bàn giao, mọi chuyện thoát khỏi sự kiểm soát của y.

      Suốt nhiều ngày kế tiếp, chính xác bao nhiêu không ai biết, những người bị bắt và những kẻ bắt người lang thang vùng nông thôn. Và rồi đến một điểm nào đó, Cộng sản địa phương đã quyết định thủ tiêu các nhân chứng: Các tù nhân bị dẫn qua sáu cây số của một trong những vùng đất gồ ghề lởm chởm nhất miền Trung Việt Nam, đến khe Đá Mài. Tại đấy họ đã bị bắn hoặc bị đập vỡ sọ và xác của họ bị để cho trôi đi theo giòng nước chảy. Nhóm binh lính lo nhiệm vụ chôn cất của lữ đoàn 101 Không vận thấy rằng không thể vào tới khe bằng đường bộ, vì đường không có hoặc không thể đi qua. Tán lá nơi khe là cái mà tại Việt Nam gọi là nhị tầng, nghĩa là hai lớp, lớp một gồm những bụi rậm và cây thấp sát đất, lớp hai gồm những cây lớn với cành lá xoè rộng trên cao. Bên dưới là ánh sánh thường xuyên lờ mờ. Công binh lữ đoàn đã bỏ hai ngày để mở một lỗ xuyên qua hai tầng lá bằng cách cho nổ các quả mìn lúc lắc cuối những sợi dây dài dưới các trực thăng lượn lờ của họ. Việc này đã tạo ra một mặt phẳng cho các trực thăng chở quan tài hạ xuống. Rõ ràng đây là nơi mà xác chết dễ dàng bị che giấu không cần phải chôn cất.

      Lòng khe Đá Mài, dài khoảng một trăm thước Anh tính ngược lên hẻm núi, để lộ nhiều sọ, nhiều bộ xương và nhiều mảnh xương người. Xác chết đã bị để trên đất (đối với những người thờ vật linh giữa họ, điều ấy có nghĩa là hồn họ sẽ lang thang trên trái đất hiu quạnh mãi mãi, vì đó là số phận của kẻ chết không được chôn táng) và 20 tháng trong dòng suối chảy đã rửa sạch trắng những bộ xương.

      Nhà chức trách địa phương sau đó đã phổ biến một danh sách gồm 428 người mà họ nói đã được nhận diện từ những gì còn lại ở lòng khe. Lý do căn bản Cộng sản đưa ra về cách hành xử thái quá của họ chính là tiêu diệt các “phần tử phản cách mạng”. Danh sách 428 nạn nhân được phân ra như sau: 25 phần trăm là quân nhân: hai sĩ quan, còn lại là hạ sĩ quan và binh sĩ; 25 phần trăm là học sinh sinh viên; 50 phần trăm là công chức dân sự, viên chức làng xã, nhân viên phục vụ đủ loại và công nhân bình thường.

      Nhóm phát hiện thứ tư hay Phát hiện Ruộng muối Phú Thứ là vào tháng 11-1969, gần làng đánh cá Lương Viện, khoảng mười dặm về phía Đông của Huế, một nơi hoang vu khác. Quân đội chính quyền từ đầu tháng đã bắt đầu một nỗ lực tập trung nhằm dọn sạch khu vực tàn quân của tổ chức Cộng sản địa phương. Dân làng Lương Viện, khoảng 700 người, từng giữ im lặng trước sự hiện diện của quân đội suốt 20 tháng trời, sau đấy xem ra cảm thấy đủ an toàn khỏi bị CS trả thù nên đã phá vỡ im lặng và dẫn các sĩ quan đến chỗ phát hiện mộ. Dựa trên các mô tả của những dân làng mà trí nhớ không phải luôn luôn rõ ràng, các viên chức địa phương đã ước lượng số thi thể tại Phú Thứ ít nhất phải 300 và có thể tới 1000.

      Câu chuyện không hoàn tất. Nếu sự ước lượng của nhà chức trách Huế gần đúng, thì khoảng 2,000 người vẫn còn mất tích. 

      Tổng kết số người chết và mất tích:

      Sau trận đánh, chính phủ Nam Việt ước lượng số thương vong dân sự do trận đánh Huế là 7,600:


      Lý do căn bản của Cộng sản

      Việc giết người tại Huế cho thấy cuộc thảm sát ở đây đã vượt xa mọi việc tàn ác của CS trước đó tại Nam Việt về số lượng. Điểm khác biệt không chỉ ở mức độ mà còn ở thể loại. Đặc tính của sự khủng bố nhận thấy từ việc nghiên cứu Huế hoàn toàn khác với những hành vi khủng bố của CS ở chỗ khác, dù thường xuyên hoặc tàn bạo. Cuộc khủng bố tại Huế không phải là một hành vi nâng cao tinh thần (Cộng quân) vì đã thọc sâu và nhanh vào hang ổ đối phương để chứng minh chỗ yếu nhược của kẻ thù, sự toàn năng của du kích, tính khác biệt với việc bắn gục thường dân trong những vùng do du kích kiểm soát. Đó cũng chẳng phải là cuộc khủng bố để quảng cáo chính nghĩa, để gây bối rối và cách ly cá nhân về tâm lý, vì phần lớn các cuộc chém giết đều thực hiện trong bí mật. Đó cũng chẳng phải là cuộc khủng bố để triệt tiêu các lực lượng đối nghịch, dù có giết vượt quá sổ đen. Huế đã chẳng theo mô hình khủng bố nhằm khiêu khích phản ứng thái quá của chính phủ Nam Việt vì nó đã chỉ dẫn đến cái gọi là sự trợ giúp của chính phủ thôi. Có nhiều yếu tố khách quan, chân thực, nhưng không yếu tố nào giải thích được kiểu cách giết người rộng khắp và đa dạng mà Cộng sản đã thực hiện.

      Điều được đưa ra đây là giả thuyết cho rằng có lôgic và hệ thống đằng sau những gì xem ra là một cuộc tàn sát ngẫu nhiên và đơn giản. Trước khi đề cập đến nó, chúng ta hãy xem xét ba sự kiện vốn thường xuyên xuất hiện với một du khách đến Huế để khám phá chính xác cái đã xảy ra tại đó và quan trọng hơn nữa, chính xác tại sao nó đã xảy ra. Cả ba sự kiện này lởn vởn trước ý thức thông thường và ở một mức độ nào đó, mâu thuẫn với những gì đã được viết ra. Ngay cả khi dò hỏi đủ mọi nguồn -tỉnh trưởng, cảnh sát trưởng, cố vấn Hoa Kỳ, nhân chứng tận mắt, tù nhân bắt được, cán binh hồi chánh hay một số ít người thoát chết cách kỳ lạ- ba sự hiện ấy vẫn nổi lên đi nổi lên lại.

      Sự kiện thứ nhất, mà có lẽ quan trọng nhất, là bất chấp những dáng vẻ bên ngoài, không cuộc giết người nào của CS là do thịnh nộ, thất vọng hay hoảng loạn khi Cộng sản cuối cùng phải rút lui. Những lối giải thích như thế thường được nghe, nhưng nếu xem xét cẩn thận thì không đứng vững. Ngược lại thì có, vì truy nguyên bất cứ vụ giết người đơn lẻ nào, sẽ khám phá ra rằng hầu hết đều là kết quả của một quyết định có suy nghĩ và biện minh được trong tâm trí Cộng sản. Quả thế, phần lớn những cuộc hành quyết đều từ tính toán, mệnh lệnh của CS.

      Sự kiện thứ hai : trong chừng mực xác định được, gần như như tất cả các vụ hành quyết đều do cán bộ CS địa phương chứ không phải do quân đội Bắc Việt hoặc quân lực Cộng hòa hoặc những tay CS bên ngoài nào khác. Khoảng 12,000 binh lính VNCH đã tham gia trận đánh Huế và đã giết một số thường dân trong tiến trình chiến đấu nhưng đó chỉ là ngẫu nhiên trong nỗ lực quân sự của họ. Đa phần trong số 150 cán bộ dân sự CS hoạt động nội thành đều là người địa phương, nghĩa là từ khu vực tỉnh Thừa Thiên cả. Chính họ đã ra những lệnh tử hình. Mà cho dù họ đã hành động theo các chỉ thị từ bộ chỉ huy cao hơn (theo hệ thống tổ chức CS, ai nấy phải đảm nhận những gì mình đã làm) thì những chỉ thị đó như thế nào, cho đến nay chẳng ai biết rõ được.

      Sự kiện thứ ba: ngoài các cuộc hành quyết điển hình xử tử những “cường hào ác bá” nổi bật, phần lớn các vụ sát hại đều đã được thi hành cách bí mật với nỗ lực lạ thường là giấu các thi thể. Phần lớn những kẻ bên ngoài đều hình dung Huế như một pháp trường công khai với những mồ chôn tập thể dễ thấy mới đào. Các cuộc hành quyết tuyên bố công khai chỉ có trong những ngày đầu và chúng tương đối hiếm hoi. Các địa điểm chôn xác trong thành phố dễ dàng khám phá vì khó mà tạo nên một nghĩa địa không ai để ý trong vùng đông đảo cư dân. Mọi nơi phát hiện khác đều đã được giấu kỹ, tất cả đều nằm tại vùng đất dễ che đậy; có lẽ đây là lý do đầu tiên khiến các địa điểm đã được chọn lựa.

      Một thân xác chôn vùi trong độn cát cũng khó tìm như một vỏ sò ấn sâu xuống bãi biển mà bị sóng xoá dấu vết liền. Khe Đá Mài nằm tại phần xa xôi hẻo lánh nhất của tỉnh Thừa Thiên và hẳn đã làm cho Cộng sản rất tốn công khi đưa các nạn nhân đến đó. Nếu ba cán binh hồi chánh đã chẳng dẫn những người tìm kiếm đến điểm hoang vu vắng vẻ này, thì hẳn các xác chết vẫn mãi không được khám phá cho tới ngày nay. Viếng thăm mọi địa điểm sẽ cảm nhận ấn tượng là CS đã hết sức cố gắng che giấu các hành động của họ. Giả thuyết nêu lên ở đây nối kết và xác định đúng lúc việc CS đánh giá về triển vọng ở lại Huế của họ với loại mệnh lệnh giết người đã ban ra. Từ việc xem xét kỹ các bằng chứng, ta thấy rõ là họ đã không có sự đánh giá bất biến về chính họ và về tương lai của họ tại Huế; đúng hơn, tình hình thay đổi suốt diễn trình trận đánh đã làm đổi thay các triển vọng và ý định của họ.

      Cũng rõ ràng không kém từ các bằng chứng là CS đã chẳng có chủ trương nào về các mệnh lệnh hành quyết; thay vào đó, loại mệnh lệnh giết người ban ra đã thay đổi suốt diễn trình trận đánh. Mối liên hệ giữa cả hai rất rõ và chia ra ba giai đoạn. Thành thử có giả thuyết cho rằng kế hoạch của CS thay đổi suốt trận đánh Huế ra sao thì bản chất các mệnh lệnh giết người ban ra cũng thay đổi thể ấy. Kết luận này dựa trên những lời tuyên bố không úp mở của CS, trên chứng từ của tù nhân và hồi chánh viên, trên tường thuật của các nhân chứng tận mắt, trên những tài liệu bắt được và trên lô-gích nội tại của tình hình CS.

      Suy nghĩ trong Giai đoạn I đã được phát biểu rõ ràng trong một nghị quyết của Cộng đảng ở Nam Việt (Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam) ra cho các cán bộ ngày áp cuộc tấn công: “Phải bảo đảm sao cho các thành thị giải phóng được củng cố thành công. Mau chóng kích hoạt các đơn vị vũ trang và chính trị, thiết lập các cơ quan hành chánh ở mọi cấp, xúc tiến các hoạt động dân sự tự vệ và yểm trợ chiến đấu, thúc đẩy nhân dân thành lập hệ thống phòng không và rộng rãi động viên họ sẵn sàng chống lại địch khi chúng phản công...”

      Đây là quan điểm giới hạn ban đầu và đã được tuân theo trong thời gian ngắn. Những diễn biến sau đó tại Huế đã được tường thuật với những lời lẽ khác. Đài phát thanh Hà Nội ngày 04-02-1968 nói rằng: “Sau một giờ chiến đấu, Lực lượng Vũ trang Cách mạng đã chiếm được dinh thự của tên tỉnh trưởng ngụy (tại Huế), nhà tù và các văn phòng hành chánh ngụy… Lực lượng Vũ trang Cách mạng đã trừng trị những tên viên chức ác ôn nhất của địch và nắm quyền kiểm soát các đường phố… tập trung và trừng trị cả tá bọn ác ôn, đánh sập các cơ quan kiểm soát và áp bức của địch…”

      Suốt thời gian ngắn ở lại Huế, các cán bộ dân sự, được các toán hành quyết tháp tùng, đã tập hợp và giết chết nhiều yếu nhân, việc khử trừ này sẽ làm suy yếu nặng nề bộ máy hành chánh của chính phủ sau khi VC rút lui. Đây là giai đoạn sổ đen, thời gian của tòa án quân sự dã chiến. Các cán bộ với danh sách và địa chỉ trong hồ sơ xuất hiện rồi gọi ra trước tòa án bất hợp pháp “các kẻ thù khác nhau của Cách mạng”.

      Những phiên tòa của họ công khai, thường là trong sân một bộ chỉ huy dã chiến của CS. Mỗi phiên xử kéo dài khoảng 10 phút và chẳng có phán quyết vô tội nào được biết đến cả. Hình phạt, luôn luôn là “tử hình”, được thi hành ngay lập tức. Các xác chết hoặc được chôn gấp rút hoặc trả lại cho gia đình. Bị chọn lãnh kiểu đối xử này là các viên chức dân sự, đặc biệt những người liên quan tới an ninh hay công việc cảnh sát, các sĩ quan quân đội và vài hạ sĩ quan, cộng thêm những lãnh đạo không chính thức nhưng là tự nhiên của cộng đồng, đặc biệt là các nhà giáo và nhà tu.

      Với ngoại lệ là tấn công tàn độc giới trí thức ở Huế, kiểu thức của Giai đoạn I đúng là thủ tục hành động tiêu chuẩn của Cộng sản tại Việt Nam. Đó là những gì đã được tiến hành cách có hệ thống trong các làng mạc suốt 10 năm. Sổ đen thường trực, được bộ chỉ huy đảng trong vùng hay liên vùng chuẩn bị, đã tồn tại lâu dài để đem sử dụng khắp cả miền Nam, mỗi khi có cơ hội thuận tiện.

      Tuy nhiên, không phải mọi kẻ có tên trong những danh sách được dùng tại Huế đã bị thủ tiêu. Có rất nhiều người hiển nhiên bị ghi danh, ở lại trong thành phố suốt trận đánh, nhưng đã thoát nạn. Suốt thời gian 24 ngày, các cán bộ Cộng sản bận rộn săn lùng những con người có trong sổ đen của họ, nhưng sau một ít ngày, nỗ lực của họ đã chuyển qua một hướng mới.

      Huế: Giai đoạn II

      Trong những ngày đầu, cuộc tấn công Tết đã tiến triển rất thuận lợi cho CS tại Huế (mặc dù không như vậy ở miền Nam, nơi mà các lãnh đạo đảng đã nhận nhiều đánh giá khá ảm đạm từ những cán bộ ở giữa cuộc tấn công vùng đồng bằng sông Cửu Long), đến nỗi trong một lúc phấn khởi, họ đã tưởng mình có thể giữ được thành phố. Có lẽ ý kiến cho rằng CS vào Huế để ở lại đã không được các cấp cao hơn chia sẻ, nhưng nó đã lan rộng tại Huế và ở cấp độ tỉnh Thừa Thiên. Một bức điện bắt được của Cộng sản, xem ra viết ngày 02-02, cổ vũ các cán bộ tại Huế hãy chiếm giữ cho nhanh mà rằng: “Một thời kỳ mới, một giai đoạn cách mạng thực sự đã bắt đầu (nhờ các chiến thắng của chúng ta ở Huế) và chúng ta chỉ cần tấn công nhanh (ở Huế) là đạt được mục tiêu và chiến thắng hoàn toàn”.

      Tờ báo đảng chính thức ở Hà Nội, Nhân Dân, cũng nhắc lại cùng chủ đề: “Như một tia sét, cuộc tổng tấn công đã giáng xuống đầu bọn Mỹ ngụy… Bộ máy Mỹ ngụy đã bị trừng phạt đích đáng… Các cơ quan hành chánh ngụy… đã thình lình sụp đổ. Chính phủ Thiệu-Kỳ không thể thoát cảnh sụp đổ toàn diện. Quân đội ngụy đã trở nên hết sức yếu hèn và sẽ không thể tránh khỏi bị hoàn toàn tiêu diệt”.

      Đương nhiên, một số lời lẽ dông dài này chỉ nhằm cổ vũ những ai tin theo, và vì đó luôn là trường hợp khi đọc những gì CS đưa ra, nên rất khó phân biệt đâu là niềm tin, đâu là ước muốn. Nhưng lời chứng từ các tù binh và hồi chánh viên, cũng như những bức điện bắt được, cho thấy rằng cán binh cũng như cán bộ đều tin trong ít ngày rằng họ ở lâu dài tại Huế, và họ đã hành động phù hợp với niềm tin ấy.

      Trong số các hành vi của họ có việc mở rộng lệnh giết người và phát động cái trên thực tế là một thời kỳ tái xây dựng xã hội kiểu CS. Các mệnh lệnh, xem ra từ đảng ủy cấp tỉnh ban bố, là tập trung cái mà một tù nhân gọi là “những tiêu cực xã hội”, nghĩa là những cá nhân hay thành viên các nhóm có thể gây nguy cơ hay bất lợi cho trật tự xã hội mới. Đây là điều không liên quan đến riêng ai, chẳng phải là sổ đen các tên tuổi nhưng là sổ đen các tước vị trong xã hội cũ, không nhắm đến những con người nhưng nhắm đến các “đơn vị xã hội”.

      Như đã thấy trước đây tại Bắc Việt và tại Trung Cộng, người Cộng sản đã cố phá vỡ trật tự xã hội địa phương bằng cách thủ tiêu những thủ lãnh và những khuôn mặt then chốt trong các tổ chức tôn giáo (sư sãi Phật Giáo, linh mục Công Giáo), các chính đảng (bốn thành viên của Ủy ban Trung tâm Việt Nam), các phong trào xã hội như các tổ chức phụ nữ và các nhóm trẻ, kể cả việc hoàn toàn không thể giải thích nổi, là hành quyết những thủ lãnh sinh viên thân cộng thuộc các gia đình thượng lưu hay trung lưu.

      Phù hợp với điều này, trong vài trường hợp là giết cả gia đình. Trong một trường hợp có đầy đủ tài liệu suốt thời kỳ này, một toán có lệnh ám sát đã xông vào nhà một lãnh đạo cộng đồng lỗi lạc và bắn ông, vợ ông, con trai và con dâu, con gái còn nhỏ của ông, cặp gia nhân nam nữ và đứa con của họ! Con mèo của gia đình bị bóp cổ, con chó bị đánh đến chết, những con cá vàng cũng bị hất ra khỏi chậu, quẳng xuống nền nhà. Khi những tên CS bỏ đi, trong nhà chẳng còn gì sống sót. Một “đơn vị xã hội” đã bị tiêu diệt!!!

      Giai đoạn II cũng chứng kiến một nỗ lực tập trung nhằm thủ tiêu giới trí thức, mà có lẽ ở Huế nhiều hơn bất cứ nơi nào khác tại Việt Nam. Những trí thức Huế sống sót đã giải thích điều này là do một mối căm thù lâu đời của Cộng sản đối với giới trí thức của Huế, vốn chống Cộng theo kiểu cách xúc phạm nhất: từ chối coi trọng chủ nghĩa Cộng sản. Giới trí thức Huế đã luôn khinh bỉ ý thức hệ CS, gạt nó sang một bên như kẻ đến muộn trong lịch sử các tư tưởng và chẳng phải là cái gì có ý nghĩa. Vốn là một pháo đài của chủ nghĩa truyền thống, với những nhà trí thức đắm mình trong kiến thức Khổng giáo đan xen với Phật giáo, Huế đã không thèm để ý đến những công lao của chủ nghĩa Cộng sản, dẫu trong các thập niên biến động 1920-1930. Huế bất biết nó. Chẳng hạn các nhà trí thức tại viện Đại học, trong một giáo trình trọn năm về các tư tưởng chính trị, đã chỉ thí cho chủ thuyết Mác-Lênin nửa giờ, phác thảo nó như một loạt những khẩu hiệu chính trị man rợ và nông cạn, chẳng có chiều sâu và thực tế được thời gian trắc nghiệm như tri thức Khổng giáo, cũng chẳng có sự huy hoàng và tính nhân bản cao vời như tư tưởng Phật giáo.

      Vì lẽ người Cộng sản, đặc biệt người Cộng sản gốc Huế, xem trọng giáo điều của mình, y có thể trở thành quỷ quái khi bị một nhà nho coi như một kẻ ngu dốt về triết học, hay bị một Phật tử coi như một tên duy vật tầm thường. Hoặc tệ hơn bị coi thường là bị bất biết qua năm tháng. Thành ra với sự chính trực của một tín đồ chân thành, y đã tìm cách đánh trả để loại bỏ thái độ dửng dưng đầy thách thức này. Những người trí thức nay nói rằng cuộc săn lùng hàng ngũ của họ đã dạy cho họ một bài học khắc nghiệt, đó là phải coi trọng chủ nghĩa Cộng sản, không phải như một tư tưởng, nhưng ít nhất như một sức mạnh được sổ lồng trong thế giới của họ.

      Những cuộc tàn sát trong Giai đoạn II có lẽ đã giải thích việc 2,000 người bị mất tích. Nhưng điều tồi tệ nhất vẫn chưa chấm dứt.

      Huế: Giai đoạn III

      Một điều không thể tránh được, và như giới lãnh đạo tại Hà Nội hẳn đã phải thừa nhận khi xét đến những lực lượng điều động chống lại nó, là trận đánh tại Huế đã xoay chiều bất lợi cho CS. Một bản tin radio bắt được của Quân đội Nhân dân truyền đi từ Thành Nội ngày 22 tháng 2, đã xin phép rút quân. Bản trả lời: từ chối cho phép, phải tấn công ngày 23. Trận tấn công này là trận cuối cùng nhưng vô hiệu quả. Ngày 24, Thành Nội được lấy lại. 

      Ít nhất một tuần trước đó, CS đã thấy việc trục xuất này là không thể tránh khỏi. Đây là lúc Giai đoạn III bắt đầu: giai đoạn xóa dấu vết. Có lẽ toàn thể cán bộ dân sự nằm vùng tại Huế đã lộ mặt suốt Giai đoạn II. Những ai dù đã không bị nghi ngờ cũng đứng lên công bố căn tính của họ. Điển hình là trường hợp một cư dân Huế đã mô tả sự ngạc nhiên của anh khi biết rằng người hàng xóm của mình là lãnh đạo một phường (đứng từ hàng thứ 10 đến 15 giới dân sự CS trong thành phố). Anh nói trong nỗi kinh ngạc: “Tôi biết ông ta đã 18 năm nay mà không bao giờ nghĩ rằng ông ta lại quan tâm đến chính trị như vậy.” Một cán bộ như thế có thể không hoạt động ngầm lại được trừ phi chẳng có ai xung quanh nhớ đến ông.

      Vì thế, Giai đoạn III là thủ tiêu các nhân chứng. Có lẽ số cuộc giết chóc lên cao nhất là ở giai đoạn này và cũng vì lý do đó. Những người từng bị bắt đi nhồi sọ chính trị có lẽ đã được dự tính sẽ thả về. Nhưng họ là dân địa phương như những kẻ đã bắt họ, quen biết tên tuổi và mặt mũi nhau. Nên khi kết cục đến gần, họ đã trở thành không phải một gánh nặng cho bằng một mối nguy đích thực. Chắc hẳn đó là trường hợp của nhóm người bị bắt đi từ nhà thờ Phủ Cam. Hay trường hợp của 15 học sinh trung học mà thi thể đã được tìm thấy ở ruộng muối Phú Thứ.

      Việc phạm trù hóa trong một giả thuyết như thế, dĩ nhiên, chỉ có tính cách tổng quát và may lắm thì có tính cách minh họa. Các sự việc không gọn gàng rõ rệt trong đời thực. Ví dụ suốt toàn bộ thời gian, cuộc săn lùng theo sổ đen” đã được tiến hành. Do đó, đã có những cuộc tàn sát trả thù của người Cộng sản nhân danh đảng, nhân danh cái gọi là “công lý của cách mạng”. Nhưng chắc hẳn cũng đã có những vụ tư thù, tư oán do các cá nhân đảng viên thực hiện.

      Quan điểm chính thức của Cộng Sản về việc tàn sát ở Huế được chứa đựng trong một cuốn sách được viết và phổ biến tại Hà Nội: “Tích cực phối hợp nỗ lực với Lực lượng Vũ trang Giải phóng và với nhân dân, những đơn vị tự vệ và vũ trang của thành phố (Huế) đã bắt giữ và kêu gọi đầu hàng những viên chức còn lại của Ngụy quyền và những sĩ quan binh sĩ của Ngụy quân còn lẩn lút. Các tên ngoan cố ác ôn đều đã bị trừng trị.”

      Tại Hòa đàm Paris sau này, Cộng Sản đã cho rằng những cuộc thảm sát ở Huế không do bàn tay của Cộng Sản nhưng do “những đảng phái chính trị đối kháng địa phương”. Dù vậy, tưởng cũng nên lưu ý: ngày 26-04-1968, khi chỉ trích nỗ lực tìm xác tại Huế, đài Phát thanh Giải phóng Hà Nội đã nói rằng các nạn nhân chỉ là “những tên tay sai côn đồ đã có nợ máu với nhân dân yêu nước ở Huế và họ đã bị các lực lượng vũ trang miền Nam cùng nhân dân tiêu diệt trong mùa Xuân”. Giọng điệu tuyên truyền này đã sớm bị bỏ qua để thay thế bởi một luận điệu khác: đó thực là những vụ thanh toán tranh chấp giữa các nhóm chính trị địa phương.

      Trích từ Viet Cong Strategy of Terror

      (Chiến lược khủng bố của Việt Cộng, tr. 23-29).

          Bản dịch của Linh mục Phan Văn Lợi