Thursday, January 31, 2013

“Việt Nam 1945-1995 – Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử”


Blog Ba Sàm
01-02-2013
GS LXKGần đây, có hai sự kiện khiến dư luận sôi nổi: Đó là bộ sách “Bên Thắng Cuộc” với hai tập của nhà báo Huy Đức, tức blogger Osin, và việc kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris 1973. Những tranh cãi quanh vấn đề “quốc-cộng”, ôn lại các sự kiện đã qua sẽ chỉ có ý nghĩa nếu chúng ta rút ra được những bài học và kinh nghiệm cần thiết cho tương lai của đất nước và dân tộc.
Vào năm 2005, đã từng xảy ra một cuộc tranh cãi tương tự, sau khi Giáo sư Lê Xuân Khoa (*) có bài viết về tên gọi cuộc chiến đăng trên trang web của BBC. Bài này bị Biên Tập viên Nguyễn Hòa của báo Nhân Dân phản bác rồi trở thành một cuộc tranh luận kéo dài nhiều tháng trên diễn đàn talawas với sự tham gia của nhiều độc giả ở trong và ngoài nước. Về sau, ông Nguyễn Hoà ngưng bút chiến, khi một cựu chiến binh Quân đội Nhân dân Việt Nam lên tiếng phản bác ông qua bài Gửi Nguyễn Hoà, người đồng đội.
Nhìn chung, gần 40 năm sau khi đất nước thống nhất, những người lãnh đạo Cộng hòa XHCN Việt Nam, hay “Bên Thắng Cuộc” theo cách gọi của nhà báo Huy Đức, vẫn không đếm xỉa gì tới những bài học lịch sử vì tin là “đã đánh thắng Mỹ thì chuyện gì cũng làm được”. Chưa kể do thiếu kiến thức mà lại không chiụ nghe trí thức, chỉ thực thi một số giáo điều, họ trở thành thiển cận trước những xu hướng và tương quan chính trị, kinh tế toàn cầu. Hậu quả là đất nước không hoàn toàn độc lập và toàn vẹn về chủ quyền, nhân dân thì bị tước đoạt các quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Nếu bên trong, tham nhũng đã trở thành quốc nạn hết thuốc chữa thì bên ngoài, sự lệ thuộc vào Trung Quốc càng ngày càng rõ. Trách nhiệm đối với vận mạng của đất nước nay lại trở thành vấn đề khẩn thiết đối với trí thức và người dân Việt Nam.
Qua vài sự kiện vừa dẫn, trước nhu cầu thay đổi cơ chế và chính sách phù hợp với nguyện vọng của nhân dân và lợi ích của đất nước, chúng tôi tin rằng, ôn lại kinh nghiệm trong bốn cuộc chiến tranh trước và sau ngày thống nhất Bắc-Nam là điều cần thiết. Đó cũng là lý do chúng tôi quyết định giới thiệu cuốn sách “Việt Nam 1945-1995: Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử”, tập I, của Giáo sư Lê Xuân Khoa.
Trong “Việt Nam 1945-1995: Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử”, tập I, Giáo sư Lê Xuân Khoa giới thiệu những nghiên cứu và nhận định của ông về bốn cuộc chiến tranh liên tiếp, với những thiệt hại chưa từng có về tài sản và sinh mạng của người Việt. Ngoài ra, ông còn phân tích khá kỹ lưỡng những sai lầm về chính sách và những cơ hội mà hai chủ thể quốc gia và cộng sản cũng như các cường quốc được coi là đồng minh của mỗi bên đã bỏ lỡ. Theo ông: “Có rất nhiều bài học chính trị, quân sự và ngoại giao cần phải được tìm hiểu và rút ra những kinh nghiệm khôn ngoan để cho dân tộc có thể tồn tại và phát triển, tránh khỏi trở thành nạn nhân của những chính sách cai trị sai lầm hoặc lại trở thành công cụ của những thế lực quốc tế trong những hình thức tranh chấp nóng hay lạnh trong tương lai. Ngạn ngữ Đông, Tây đều dạy rằng trong cái rủi có cái may. Cuộc chiến thảm khốc do mâu thuẫn ý thức hệ đã khiến cho hai triệu người phải bỏ nước ra đi nhưng nay đã trở thành một nguồn tài chánh và trí tuệ quan trọng có khả năng phục hồi sinh lực của dân tộc, giúp cho đất nước sớm trở nên giàu, mạnh và có một vị thế xứng đáng trong cộng đồng thế giới”.
Chúng tôi tin rằng, “Việt Nam 1945-1995: Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử”, tập I của Giáo sư Lê Xuân Khoa sẽ có ích cho những ai mong mỏi bảo vệ chủ quyền và xây dựng một Việt Nam, giàu, mạnh, dân chủ. Chúng tôi đã đề nghị Giáo sư Khoa tái bản cuốn sách này nhưng ông cho hay, bản CD dùng để in sách đã bị thất lạc khi ông dọn nhà từ Washington D.C đến California. Vì lợi ích chung, ông đã cho phép chúng tôi được phổ biến cuốn sách trênblog Ba Sàm. Chúng tôi đã đánh máy lại toàn bộ cuốn sách và kể từ hôm nay, sẽ bắt đầu giới thiệu “Việt Nam 1945-1995: Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử”, tập I, khoảng 600 trang, gồm 10 chương và phụ lục, của Giáo sư Lê Xuân Khoa. Mời độc giả đón đọc.
——-
(*) Vài dòng về tác giả: Trước 1975, Giáo sư Lê Xuân Khoa giảng dạy Triết học Đông phương ở Đại học Văn Khoa và là Phó Viện trưởng Đại học Saigon. Sau 1975, ông là Chủ tịch Trung tâm Tác Vụ Đông Nam Á (Southeast Asia Resource Action Center) và Giáo sư Thỉnh giảng tại trường Cao Học Nghiên cứu Quốc tế (SAIS) và Viện Chính sách Đối ngoại (FPI) thuộc Đại học Johns Hopkins, Washington, DC. Năm 1996, Giáo sư Lê Xuân Khoa về hưu. Hiện cư ngụ tại Irvine, California. Nếu cần trao đổi thêm với tác giả về nội dung liên quan đến cuốn sách “Việt Nam 1945-1995: Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử”, độc giả có thể gửi email về: le.khoa@cox.net.
———
MỤC LỤC
Lời Cám ơn                                                                                                                             xv
Bảng Chữ tắt                                                                                                                        xviii
Lời Mở đầu                                                                                                                             21
Phần I             Những Nguyên Nhân Gốc của Tị Nạn                                                 31
Chương 1        Quốc Gia và Cộng Sản                                                                                   33
Các phong trào chống Pháp giành độc lập và mầm mống xung đột quốc gia-cộng sản. Nguyễn Ái Quốc với Trung Hoa Quốc Dân Đảng, Việt Nam Cách Mệnh Đồng Minh Hội và OSS. Chính phủ Trần Trọng Kim và Cách mạng tháng Tám. Hồ Chí Minh, Bảo Đại và Pháp. Cuộc đối đầu giữa Việt Minh và các đảng phái quốc gia. Hành động bội ước của Lư Hán và Tiêu Văn và sự tan rã của phe quốc gia. Nguyên nhân thất bại của các lãnh tụ quốc gia.
Chương 2        Những Yếu T Bên Ngoài                                                                              75
Những lỗi lầm của Pháp: Charles de Gaulle và đầu óc thực dân ngoan cố của giới lãnh đạo Pháp. Hồ Chí Minh và bản tạm ước 4.9.1946. Chiến tranh và những cơ hội bỏ lỡ. Pháp và giải pháp Bảo Đại: đồng sàng dị mộng. Pháp làm mất chính nghĩa của phe quốc gia. Chính sách mâu thuẫn của Hoa Kỳ.
Chủ thuyết Roosevelt và hai đường lối đối nghịch trong Bộ ngoại giao. Pháp bắt chẹt Mỹ và nghịch lý trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Đông Dương từ Truman đến Eisenhower.
Chương 3        Chính sách Cải Cách Ruộng Đất                                                                    122
Đường lối của Lenin: từ tư bản lý tưởng đến vô sản chuyên chính. Trường hợp Việt Nam. Các văn kiện pháp lý và các biện pháp áp dụng trước khi đất nước chia đôi: giảm tô giảm tức, qui định thành phần nông thôn, phân chia ruộng đất, vận động quần chúng, tòa án nhân dân. Chỉnh huấn trí thức và chỉnh đốn tổ chức. Luật cải cách ruộng đất 1953. Ảnh hưởng và áp lực của Trung quốc. Thí điểm áp dụng và kết quả. Đợt cải cách triệt để 1955-1956 và hậu quả khủng khiếp của nó. Những biện pháp sửa sai.
Phần II           Chiến Tranh chống Pháp và Tị Nạn 1954                                        159
Chương 4        Hội Nghị Genève và Hai Nước Việt Nam                                                     161
Hội nghị Genève và “cú sốc” chính trị của Mendès France. Những ý đồ của Trung Quốc và Liên Xô và áp lực đối với đồng minh Cộng sản Việt Nam. Phản ứng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Bảy điều kiện của Anh-Mỹ cho những cuộc thương thuyết ở Genève. Cuộc hội kiến Mendès France-Dulles và thành công ngoại giao của thủ tướng Pháp. Sự thất bại của Bidault về giải pháp “hòa bình trong danh dự”. Mendès France công kích cộng sản Pháp. Kết quả hội nghị Genève. Phản ứng của Quốc Gia Việt Nam.
Chương 5        Bài học Chín Năm (1945-1954)                                                                      192
Cái giá của chiến thắng 1954. Những sai lầm chủ yếu của Pháp và Hoa Kỳ và các cơ hội bỏ lỡ. Ảnh hưởng đối với Quốc gia Việt Nam. Nguyên nhân thất bại của các đảng phái chính trị quốc gia và những trí thức yêu nước. Sự lựa chọn bất đắc dĩ của Hồ Chí Minh và món nợ quá lớn đối với Trung Quốc. Những lý do Trung Quốc ủng hộ Việt Minh chống Pháp. Vai trò của các cố vấn quân sự Trung Quốc. Những sai biệt cần phải giải quyết giữa tài liệu của Bắc Kinh và hồi ức của Võ Nguyên Giáp về các chiến thắng Cao Bằng, Tây Bắc và Điện Biên Phủ.
Chương 6        Di tản và Định cư Tị nạn 1954                                                                 235
Những điều khoản trong hiệp định Genève và bản Tuyên cáo chung về thời hạn di cư và quyền chọn lựa nơi cư trú. Định nghĩa của Liên Hiệp Quốc: Tị nạn hay “di tản nội địa”? Những vi phạm hiệp định Genève trong công cuộc di tản. Vấn đề chuyên chở, tiếp cư và định cư. Phủ Tổng ủy Di Cư Tị Nạn. Sự giúp đỡ của Pháp và Hoa Kỳ. Chính sách và công cuộc định cư ở miền Nam. Các giai đoạn và địa điểm định cư. Vấn đề hội nhập của dân tị nạn miền Bắc. Vấn đề tập kết quân đội Việt Minh và số dân di cư từ Nam ra Bắc. Các chương trình cứu trợ và định cư tị nạn của quốc tế.
Phần III          Nội Chiến hay Chiến Tranh ủy Nhiệm?                                           271
Chương 7        Sự Sụp Đổ của Việt Nam Cộng Hòa                                                           273
Việt Nam Cộng Hòa và vấn đề thi hành hiệp định Genève. Chính sách hậu Genève của Hoa Kỳ, Trung Quốc và Liên Xô đối với Việt Nam. Những chuẩn bị chiến tranh của hai miền Nam, Bắc. Mặt trận Giải phóng miền Nam. Thất bại của sách lược chống du kích của Kennedy và lợi thế cửa Hà Nội sau Hội nghị Genève về Lào. Khủng hoảng lãnh đạo ở miền Nam. Thất bại của sách lược “cây gậy và củ cà-rốt” của Johnson. Hòa đàm Paris và những mâu thuẫn giữa Hoa Kỳ và VNCH. Tình trạng nguy kịch của VNCH sau Hiệp định Paris. Những ngày cuối cùng của VNCH.
Chương 8        Sai lầm của Hoa Kỳ                                                                                     314
Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Hoa Kỳ và Ngô Đình Diệm. Những sai lầm của “Mỹ hóa chiến tranh”. Kiểm điểm năm nguyên nhân thất bại của Hoa Kỳ theo McNamara: thuyết domino; tin tưởng sai lầm vào miền Nam; Cộng sản là yêu nước; thiếu hiểu biết về lịch sử và văn hóa Việt Nam; sức mạnh giới hạn của vũ khí. Vấn đề trung lập hóa miền Nam. Sáu cơ hội chấm dứt chiến tranh: Mayflower hay Bốn điểm của Hà Nội; Tín hiệu Mai Văn Bộ; Pinta hay mười bốn điểm của Mỹ; Tín hiệu Nguyễn Duy Trinh; Sunflower hay giải pháp Kosygin Wilson; Pennsylvania và vai trò Kissinger-Aubrac.
Chương 9        Sai lầm của Việt Nam Cộng Sản                                                                 361
Đối với Hoa Kỳ: hiểu sai mục đích và lề lối làm việc của Mỹ từ hội nghị Genève 1954. Nạn nhân của Liên Xô và Trung Quốc. Óc đa nghi và thái độ “lên gân”. Nhu đạo quân sự và nhu đạo ngoại giao. Lỡ cơ hội bang giao với Carter. Đối với VNCH: yêu nước hay yêu chủ nghĩa cộng sản? Bù nhìn của Mỹ hay bù nhìn của Trung Quốc? Chính sách học tập cải tạo. Đối với MTGPMN: đặc tính địa phương và quan niệm Nam, Bắc về vấn đề thống nhất. Chính sách “cưỡng bách thống nhất trong hòa bình”. Đối với Trung Quốc: “hậu phương lớn” và đầu óc bá quyền, vấn đề biên giới. Mâu thuẫn 1975-1979. Chính sách đối với người Hoa. Đối với Kam-pu-chia: so sánh quan hệ Việt-Trung và quan hệ Việt-Khmer. Lịch sử quan hệ Việt-Khmer và nguyên do xung đột. Bài học Trương Minh Giảng. Bài học chiến tranh Kam-pu-chia 1979-1989.
Chương 10      Sai lầm của Việt Nam Quốc Gia                                                                 410
Thất bại của quốc gia trước sức mạnh tuyên truyền của cộng sản. Bảo Đại và Mặt Trận Quốc Gia Liên Hiệp: cơ hội bỏ lỡ. Nhược điểm của các lãnh tụ quốc gia chống Pháp. Ngô Đình Diệm: thân thế và thành tích chống Pháp, dẹp Bình Xuyên và truất phế Bảo Đại. Những sai lầm của Ngô Đình Diệm: quan niệm trị quốc phong kiến và sứ mệnh thiêng liêng, độc tài gia đình trị và đàn áp đối lập, cải cách điền địa, khu trù mật và ấp chiến lược. Vụ Phật Giáo và kết thúc bi thảm của Đệ Nhất Cộng Hòa. Khủng hoảng lãnh đạo và bất ổn chính trị sau Ngô Đình Diệm. Đệ nhị Cộng hòa và liên danh “đồng sàng dị mộng” Thiệu- Kỳ. Kiểm điểm thành tích và sai lầm của Nguyễn Văn Thiệu. Sai lầm lớn lao và trách nhiệm chung của các tướng lãnh làm chính trị.
Lời Kết                                                                                                                                      485
Phụ Lục                                                                                                                                    499
A. Tờ chiếu của Vua Bảo Đại sau ngày Nhật đầu hàng Đồng Minh.
B. Tờ chiếu thoái vị của Vua Bảo Đại.
C. Bài diễn văn của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường về Cải cách Ruộng đất.
D. Thư của Tổng thống Lyndon B. Johnson gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh, và Thư trả lời của Hồ Chí Minh cho Johnson.
E. Hiệp định Paris (Chương IV và V): Quyền Tự quyết của Nhân dân miền Nam Việt Nam và vấn đề Thống nhất đất nước.
Tài Liệu Tham Khảo                                                                                                             535
Danh Mục
Copyright © 2004 by Lê Xuân Khoa
Bản đánh máy © blog Ba Sàm 2013

No comments:

Post a Comment