Thứ Năm, 24 Tháng Giêng năm nay là ngày cận kề với 23 Tháng Chạp âm lịch, theo tục lệ ta, là ngày ông Công ông Táo lên chầu trời. Nhiều tranh vẽ dân gian cho thấy phương tiện của ông là một con cá chép, gọi là ngựa cá. Thi sĩ Tản Ðà từng làm bài thơ nhan đề “Tiễn ông Công lên chầu Trời,” có những câu như sau:
Hăm ba tháng chạp tiễn ông Công
Thường tục từ xưa có phải không?
Chẳng biết hoàn cầu đâu cũng thế,
Hay chỉ người Nam tục lệ chung?
Cùng trong đất nước xin theo chúng
Gọi có hương vàng cúng tiễn ông
Ngựa cá ông lên chầu Thượng đế
Trần gian xin nhớ có tôi cùng.
Ông Công hay ông Táo là nói cho gọn, nói dài hơn phải là vợ chồng ông Táo. Nói thế cũng chưa thật rõ, vì ông Táo là ba trụ đất người ta dùng để đặt nồi niêu xoong chảo lên đó để nấu nướng ở trong bếp, tức Vua Bếp, gồm có hai ông một bà. Thế thì từ đâu mà do đâu lại có một thứ “gia sự ba người” như thế?
Theo Việt Nam Tự Ðiển, thì “ngày xưa...” vâng, cái gì cũng tại ngày xưa cả, có “người đàn bà kia, vì không vừa ý chồng, bỏ nhà đi lấy chồng khác. Người chồng cũ một hôm lẩn thẩn, đi tìm gặp vợ để than thở sự này việc khác, không biết để làm gì. Bỗng người chồng hiện tại, vốn là một thợ săn, săn được một con thịt mang về. Chị vợ hốt hoảng, nghĩ mình tình ngay mà lý gian, tốt nhất là giấu ông chồng cũ vào một đống rơm ở xó bếp. Anh thợ săn đang đói, ném ngay con thú vừa săn được vào đống rơm, nổi lửa thiêu con vật, khiến ông chồng cũ bị thiêu chết. Ðau lòng khi thấy người chồng cũ sắp chết cháy, chị vợ lao vào lửa, không biết để cứu chồng cũ hay để chết theo. Mà chết theo thật. Ông chồng mới, trước cảnh vợ mình quằn quại trong lửa, lao vào lửa cứu nàng. Thế là cả ba cùng chết cháy. Trên trời, cũng may mà có trời, Ngọc Hoàng Thượng Ðể thương cảm cho cả ba người, bèn phong cho cả ba là Vua Bếp, tức là ngài chính thức cho họ được sống chung ở bên kia cõi trần. Từ đó, họ cảm ơn Thượng Ðế khoan dung độ lượng, hàng năm cứ vào 23 Tháng Chạp, lại cùng nhau bay lên trời tạ ơn, nhân thể tâu cùng ngài sự việc trong ngôi nhà họ đang sống, tờ giấy tâu bày đó gọi là Sớ, từ đó ta có Sớ Táo Quân.
Trước khi nói về Sớ Táo Quân ra sao, viết như thế nào và phải nói những gì, mời bạn đọc xem qua vài bản sớ táo quân điển hình, đặng rút kinh nghiệm. Nếu ở trong nước, báo Xuân không thể không có Sớ Táo Quân, vì đó là mục “Tường trình hàng năm” qua hình thức hài hước thông dụng nhất của “ông Táo” của mỗi tờ báo. Ra hải ngoại, mục Sớ Táo Quân vẫn còn thông dụng, nhưng chỉ trong mấy năm đầu, rồi càng ngày phong tục càng giảm, tìm được một bài Sớ rất khó, và nếu có, cũng hiếm có Sớ hay. Ðây là đoạn vào đầu của Sớ Táo Quân Lửa Việt, năm Bính Thìn (1976) tờ tạp chí do Viên Linh thực hiện cho Trung tâm Phối hợp Ðịnh cư Việt kiều tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Ðốn (của Nguyễn Ngọc Bích):
Sớ Táo Quân Lưu Vong
Muôn tâu Thượng đế
Thần chức Táo quân
Coi sóc nhân dân
Miền Nam nước Việt.
Gặp năm “mèo chết” (1975)
Loạn đả xà ngầu
Tai họa đâu đâu
Bổ đầu dân chúng.
Thần đâm lúng túng
Chạy khắp mọi nơi
Vắt cẳng lên trời
Tìm đường tẩu thoát.
(Xuân Lửa Việt, 1976)
Lá sớ này có giá trị đặc biệt là tả lại cho Thượng đế rõ tình cảnh di tản của dân Việt ra sao, kẻ leo trực thăng trên nóc tòa Ðại Sứ Mỹ ở Sài Gòn, kẻ “lênh đênh mặt biển,” và những chuyện khác ở trạm tạm cư hay chuyện “Di cư bảo trợ, Ai nợ chi ai, v.v... Một tờ báo Xuân khác, là tờ Nhân Bản của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam ở Paris ra vào năm 1981 (Tân Dậu), cũng may thay có một bài Sớ Táo Quân, ký tên Táo Tổng Hội.
Muôn tâu Thánh thượng
Dập đầu dưới trướng
Thần Táo Nước Nam
Lật đật chẳng kham
Ðạp xe đạp ngựa
Kịp ngày kịp bữa
Lặn lội về chầu
Quí mọp trình tâu
Tung hô vạn tuế!
Bao chuyện sôi bỏng
Như chuyện dân ta
Bỏ cửa bỏ nhà
Liều thân vượt biển
Không ngại nguy biến
Chẳng quản chông gai
Ðau khổ ngập đầu
Còn thêm hải tặc
...
Lá sớ nào cũng dài, bởi một năm mới có một bài, Táo nào cũng đầy chuyện để tâu lên, và để chửi xuống. Về phần kỹ thuật, Sớ Táo Quân thường là thơ, là văn vần, bốn chữ, là thể thơ dễ làm mà không cần văn chương bóng bẩy, vần điệu không bó buộc, lúc thì chọn vần ở chữ thứ hai của câu, lúc thì ở chữ cuối cùng, đọc lên nghe vanh vách, vì nhịp điệu nhanh, vì là văn nói, văn tâu.
Ðể kết thúc bài này, đây là mấy câu người viết bài này nhòm trộm từ Lá Sớ của Táo Quân Người Việt, lõm bõm không rõ đúng sai, nên không bảo đảm sai đúng:
Muôn tâu Dear God
Thần nhột khắp mình
Chỉ dám tâu nhanh
Rằng thần chậm lụt
Sang năm sẽ good
Sẽ lại tâu thêm
Chữ nghĩa kiêng khem
Nói thêm xấu hổ.
Thần xin sang số
Ðể kịp u tơn
Good by Thượng đế.
(Chép lại vội vàng ngày Táo thượng lộ, 23 tháng 1, 2013)
No comments:
Post a Comment