Chương 8Thụy An(1916-1987)Thụy An là khuôn mặt nổi trội, bị kết án nặng nề nhất. Trường hợp của bà giống như một bi kịch Hy Lạp, cho đến nay, chưa mấy ai hiểu được những khúc mắc bên trong.
Thụy An là ai?
Là phụ nữ duy nhất, không viết bài cho NVGP, nhưng tên bà bị nêu lên hàng đầu trong "hàng ngũ phản động", bị quy kết là "gián điệp quốc tế", lãnh án 15 năm tù cùng với Nguyễn Hữu Đang. Những lời thoá mạ nhơ bẩn nhất dành cho bà"Con phù thủy xảo quyệt" cùng những lời lẽ độc địa nhất: "Như vắt ngửi thấy máu, Thụy An như rắn bò tới các câu lạc bộ Hội Nhà Văn phun nọc độc mạt sát chế độ ta bần cùng hoá nhân dân"[1].
Tại sao lại có sự căm thù ghê gớm đối với nhà thơ, nhà văn, nhà báo phụ nữ tiên phong của Việt Nam? Người đầu tiên thực hiện nữ quyền bằng ngòi bút và hành động. Người chủ trương giải phóng phụ nữ không bằng lý thuyết mà bằng việc làm. Người xác định vị trí phụ nữ như một công dân tự do, thấm nhuần tinh thần dân chủ.
Đáng lẽ bà phải có chỗ đứng xứng đáng trên văn đàn, bởi bà chủ trương các tờ Đàn Bà Mới, tại Sài Gòn, từ 1934, và Đàn Bà, tại Hà Nội, 1937. Bà là nhà văn nữ tiên phong với tiểu thuyết Một linh hồn, 1942. Nhưng cho đến nay, chính quyền cộng sản chưa hề trả lại cho bà phần danh dự bị bôi nhọ trong hơn nửa thế kỷ, với những lời nhục mạ tàn nhẫn, một cái án 15 năm phi lý, và cho đến chết bà vẫn chưa hề được phục hồi danh dự.
Để tìm hiểu về Thụy An con người và tác phẩm, chúng tôi đã liên lạc với hai con bà, ông Bùi Thụy Băng, nguyên chủ nhiệm kiêm chủ bút nguyệt san Atlanta Việt Báo, Hoa Kỳ, bà Bùi Thư Linh, Paris, và sử dụng bản tiểu sử Thụy An do Trinh Tiên -bạn thân của Thụy An- viết ngay sau khi Thụy An qua đời năm 1987, nhưng đến 1998, gia đình mới nhận được, đăng trên Atlanta Việt Báo Xuân Ất Dậu, 2005.
Thụy An, còn có bút hiệu Thụy An Hoàng Dân, tên thật là Lưu Thị Yến, sinh năm 1916 tại Hà Nội, là con ông bà Lưu Tiến Ích và Phùng Thị Tôn, quê gốc làng Hoà Xá, quận Vân Đình, tỉnh Hà Đông. Thuở nhỏ học trường Hàng Cót, Hà Nội. Năm 1929, 13 tuổi, Yến đã có thơ đăng trên Nam Phong. 1932, 16 tuổi, được giải thưởng văn chương của Triều đình Huế. Năm 1934, 18 tuổi, Thụy An kết hôn với Bùi Nhung, nhà văn kiêm nhà giáo, bút hiệu Băng Dương, em ruột học giả Bùi Kỷ và bà Trần Trọng Kim, sinh 7 con, một người mất sớm: An Dương (1934), Thụy Băng (1937), Thư Linh (1938), Dương Chi (1939), Ngọc Trinh (1943) và Châu Công (1945). Ông Bùi Nhung hai lần làm giám đốc đài phát thanh Hà Nội từ 1948-49, và 1951-52, rồi giám đốc đài phát thanh Hải Phòng năm 1954[2].Năm 1934, 18 tuổi, Thụy An bắt đầu nghề báo, cùng chồng lập tuần báo Đàn Bà Mới ở Sài Gòn. 1937, bà ra Hà Nội chủ trương tờ Đàn Bà. Trong chiến tranh Việt-Pháp, Thụy An là phóng viên chiến tranh, tham dự nhiều cuộc nhảy dù ra mặt trận để cung cấp tài liệu cho báo chí.1954, bà giữ chức quyền giám đốc Việt Tấn Xã.Thụy An-Băng Dương sống ly thân từ 1949, nhưng không ly dị vì cả hai đều theo đạo công giáo. Bà có quan hệ mật thiết với ông Đỗ Đình Đạo, một nhân vật quan trọng của Quốc Dân Đảng. Đỗ Đình Đạo được coi như người chồng thứ nhì. Thụy An và Đỗ Đình Đạo chia tay năm 1952. Nhưng đến 1954, khi Đỗ Đình Đạo bị đầu độc chết, dư luận buộc tội bà giết chồng, và chính những lời vu cáo này, sẽ được thổi phồng và sử dụng chống bà sau 1954.
Về biệt hiệu Thụy An Hoàng Dân, Bùi Thụy Băng giải thích: Phan Khôi và Thụy An là hai người bạn vong niên từ lâu. Thụy An kém Phan Khôi 29 tuổi. Biệt hiệu Chương Dân của Phan Khôi ngày trước và Hoàng Dân của Thụy An sau này, cùng để tưởng niệm đến một người anh hùng, có tên Chương Hoàng Dân hay Hoàng Chương Dân.
● Tác phẩm
Thụy An là nữ tiểu thuyết gia duy nhất được Vũ Ngọc Phan lựa chọn trong bộ Nhà văn hiện đại, với tác phẩm Một linh hồn, xuất bản 1943. Trong bài phê bình dài dành cho tác phẩm Một linh hồn, Vũ Ngọc Phan nhận định: "Là một nhà thơ, nhưng bà là người đi tiên phong trong địa hạt tiểu thuyết với cuốn Một linh hồn" và ông kết luận "Một linh hồn cũng đáng kể là cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của phụ nữ Việt Nam từ trước đến nay, tác giả đã giàu tưởng tượng, truyện lại xây dựng một cách vững vàng, chắc chắn".
Về cuốn tiểu thuyết thứ nhì, Bốn mớ tóc (1952), Trinh Tiên nhận xét: "Đây là tập truyện gồm nhiều đoản tác: "Một thương", "Bà mẹ", "Cô con", "Mớ tóc"... Tác giả cố ý nêu cuộc sống dân tộc trong buổi giao thời, mọi sinh hoạt đan che nhau giữa mới và cũ. Điển hình như một mái tóc phụ nữ. Cổ thì để dài vấn trần hoặc vấn khăn búi tó; mới thì cắt ngắn hoặc uốn quăn"[3].
Truyện ngắn của Thụy An in trên các báo hàng ngày tại Hà Nội. Một vài truyện được in lại như: Giết chó[4]; phần lớn chưa tìm lại được: Chiếc cầu chân chó; "Les vingt cinq meilleures histoires du monde - Hai mươi lăm truyện hay nhất thế giới" do Hội Văn Bút Quốc Tế in khoảng 1954-55; một cuốn sách viết về gia đình, gửi một tờ báo ở San José in năm 1985; truyện Vợ chồng...
Lại Nguyên Ân sưu tầm được một số bài của Thụy An trong thời kỳ NVGP, đã công bố trên Talawas, gồm: tiểu luận phê bình Nhân xem phim "Anh gắng nuôi con" đặt lại vấn đề Tân hiện thực[5]; truyện ngắn Chuyện bố, mẹ, bé và con búp bê[6]; thơ Chiếc lược[7]. Trong thời kỳ NVGP, bà in một tập truyện ngắn, theo bài buộc tội của Vũ Đức Phúc, trong có những truyện như: Trường hợp tòng quân của thiếu úy Lâm, Bích-xu-ra...
● Thơ văn sáng tác trong tù
Trong bài "Thụy An, mẹ chúng tôi" bà viết cuối 1988, sáu tháng trước khi mất, dùng giọng các con để viết về mình, bà có nói đến việc sáng tác trong tù:"Bên cạnh cái án đó là nỗi đau khổ của một người mẹ lìa xa con cái 30 năm trời, chưa hề biết mặt 17 đứa cháu nội, ngoại, cũng chưa được ẵm đứa chắt đầu tiên vừa mới ra đời. (...) Lại cũng cần phải nói ngay, không vì bị 15 năm mất tự do và treo bút vô thời hạn mà Mẹ chúng tôi phải "tìm tự do", tìm "đất sống" cho những thứ mình viết ra hầu hết trong thời gian bị tù [8].
Khởi sự bị giam cầm, Mẹ chúng tôi trong một thời gian ngắn có bị khủng hoảng tinh thần trước tai biến bất ngờ quá ư to lớn đối với một người đàn bà. Song Mẹ chúng tôi đã kịp thời trấn tĩnh lại, nhận tai biến như một cái Nghiệp (...) Mẹ chúng tôi coi tai biến như một cái giá phải trả cho cho sự may mắn được làm người, mà lại làm người Việt Nam có một thứ ngôn ngữ "đẹp nhất trần đời", dễ học nhất thế giới, có sức diễn đạt truyền cảm, thẩm thấu suốt tâm hồn dân tộc đến nỗi:
Một người mẹ không biết một chữ A,
Cũng biết hát những lời thơ hay nhất[9]
(...) Từ ngày anh em chúng tôi biết đọc, Mẹ chúng tôi vẫn tự hẹn sẽ kể cho các con nghe những chuyện cổ tích Việt Nam để khối óc trinh tuyền của con cái được thâm nhập ngay tính nhân hậu, hiền hoà, thơ và mộng, trí và dũng của dân tộc... Thời kỳ mẹ chúng tôi có ý định này, vào thập niên 30-40, chính là thời kỳ văn học Việt Nam đang tiến lên hiện đại hoá cả hình thức lẫn nội dung, một sự tất yếu phải nhiệt liệt đón chào. Chỉ tiếc một điều, trên con đường hiện đại hoá, những vốn cổ dân tộc: Trê Cóc, Lục Súc Tranh Công, Vợ Cóc, Vợ Tranh, Châu Long, Tô Thị, v.v... bị lãng quên...
Thế rồi suốt 20 năm sau, cuốn vào thời cuộc thế giới, của đất nước và nghề báo chí, Mẹ chúng tôi chưa thực hiện được ý định. Phải đợi vào nhà tù Cộng sản, Mẹ chúng tôi mới khởi công làm cái việc tha thiết nhất một đời."[10]
Như vậy, những sáng tác trong tù của bà có thể rất phong phú, ngoài 16 truyện cổ tích Việt Nam viết bằng thơ, bà vừa nhắc đến, nói lên chí khí và tâm sự của mình mà bà coi như tập "Nhật ký trong tù", còn có tiểu thuyết và biên khảo. Thơ của bà cũng trong tình trạng tứ tán thất lạc. Theo Trinh Tiên: "Thụy An sáng tác thơ cũng rất nhiều, phần đăng rải rác trên các báo, phần vẫn còn trong bản thảo. Bài thơ trường thiên tựa đề "Sao lại mùa thu". Rồi như bài "Ân thiên nhất đẳng" tặng Thái Bằng có giọng ca thiên phú độc đáo..." Về các sách chưa xuất bản, Trinh Tiên nhắc đến 2 cuốn tiểu thuyết: Người lãnh tụ, Phiên chợ trời Đanh Xuyên, và 2 cuốn biên khảo: Bùi Thị Xuân và Vợ chàng Trương, có lẽ đó những sách bà đã viết trong tù, không biết bây giờ thất lạc ở đâu.
● Những lời buộc tội
Trong những lời buộc tội, có hai loại: loại vô bằng chứng kiểu "gián điệp quốc tế", "tay sai Mỹ-Diệm"... là những công thức có sẵn, không cần bàn đến. Loại thứ nhì dựa trên một vài sự kiện có thực rồi khuếch trương lên, đã tác hại lên danh dự của Thụy An. Loại này xoay quanh ba dữ kiện:
1- Bà quen nhiều người Pháp.
2- Bà di chuyển thường xuyên trên trục Nam-Bắc.
3- Người ta đồn bà giết ông Đỗ Đình Đạo, một yếu nhân của VNQĐD, để tỏ"lòng trung thành" với cách mạng.
Xuân Dung viết:
"Hồi Hà Nội tạm chiếm, nó bỏ Băng Dương, hiện nay là tay chân "đắc lực" của Mỹ-Diệm, và lấy Đỗ đình Đạo (một tên Quốc dân đảng đã từng chống lại chính quyền dân chủ nhân dân và tàn sát đồng bào ta ở Vĩnh Yên, Phúc Yên hồi Cách mạng tháng Tám). Lúc này tên phản quốc Đạo đang chỉ huy những đội "quân thứ hành chính lưu động" của Pháp chuyên đi càn quét các vùng. Và nó được Đạo nâng đỡ, cất nhắc lên chức quyền Giám đốc Việt Tấn Xã của ngụy quyền. Một tờ báo xuất bản thời ngụy quyền, ra ngày 8/8/1954 có viết: "Thường thường bà Thụy An đi lại trên đường hàng không Hà Nội-Sài Gòn nhiều lần và hành tung bí mật như đời sống riêng của bà..."
Hành tung của con mẹ phù thủy ấy là đi máy bay dự các cuộc nhảy dù và ra khắp các mặt trận để cung cấp tin tức cho nhiều đài và báo địch; còn đời sống riêng là luôn luôn ra vào buồng những thằng Tát-xi-nhi, Cô-nhi... Cuối 1953, nó liên lạc chặt chẽ với tụi tơ-rốt-kít Hồ hữu Tường và cổ động tích cực cho báo Đông Phương với nội dung tuyên truyền thuyết "trung lập chế" (trung lập hay chính là tay sai cho đế quốc?).
Trước hoà bình lập lại ít ngày, đùng một cái, người ta nghe tin Thụy An giết Đỗ đình Đạo; mà lúc đó có tờ báo trong Hà Nội đã nêu lên với một đầu đề lớn "Tiền, tình hay chính trị". Vì gì thì vì, có điều nhất định không vì chế độ dân chủ nhân dân của chúng ta rồi! Đỗ đình Đạo tên trùm GAMO (quân thứ hành chính lưu động) vừa bị giết được hai ngày, có người (hiện đương ở Hà Nội) lại trông thấy Thụy An ngồi chung xe với tên tướng giặc Cô-Nhi, ấy là chưa kể còn có tin nó vào Sài Gòn rồi lại trở ra Hà Nội, 1 tháng trước khi tiếp quản.
Giải phóng thủ đô, nhiều người lạ lùng vì sự có mặt của con này. Riêng cái việc xuống Hải Phòng khi ta chưa tiếp quản, rồi lại về Hà Nội một cách đàng hoàng cũng đủ cho chúng ta suy nghĩ (...) Việc đầu tiên là luôn luôn lấy việc giết Đạo để tỏ lòng "trung thành" với cách mạng"[11].
Cách viết trên đây rất thâm độc: tác giả dựa vào một vài sự kiện có thật như việc Thụy An hay ra vào Nam Bắc, và cái chết bí mật của Đỗ Đình Đạo, được báo chí loan tin, để tạo cho người đọc cái cảm tưởng là mọi việc có thật; nhưng lại chêm vào những chữ: nghe tin, có người trông thấy, ấy là chưa kể... để chứng tỏ mình -người viết- vô can. Không kể những điểm vô lý như: Nếu ông Đạo là trùm GAMO của Pháp thì tại sao Thụy An lại không bị Pháp bắt, vì giết Đỗ Đình Đạo, mà lại đàng hoàng đi xe với tướng Cogny? Việc bà "luôn luôn lấy việc giết Đạo để tỏ lòng trung thành với cách mạng" thật đáng ngờ, vì trong những phát biểu của Thụy An, cho đến lúc chết, chưa bao giờ bà "tỏ lòng trung thành với cách mạng".
Tất cả những lời đồn đại ác ý làm cho bà bị mang tiếng "giết chồng", và nhiều người tin và xác định như là sự thật, ví dụ sau này trong bài "tự thú", Phùng Quán viết "tôi có biết Thụy An trước đây đã giết chồng" và cả Lê Đạt cũng viết "lúc đầu rất ghê tởm Thụy An".
Tiếng oan giết chồng là bi kịch đầu tiên của Thụy An.
Lê Hoài Nguyên, nguyên Đại Tá công an, công tác tại A25, chuyên theo dõi văn nghệ sĩ và văn hoá, cho biết:
"NVGP không hoạt động gián điệp. Cái tội gọi là hoạt động gián điệp ở đây là sự gán ghép suy diễn buộc tội. Nguyễn Hữu Đang không liên quan gì đến những người Pháp còn ở Hà Nội. Còn Thụy An thì được một cơ quan giao nhiệm vụ nắm ý đồ của mấy người Pháp đối với tình hình Hà Nội lúc đó. Sau đó những lời báo cáo của bà trở thành chứng cứ buộc tội bà hoạt động gián điệp. Họ cũng không có tài liệu bí mật để chuyển giao cho cái gọi là cơ quan tình báo Pháp"[12].
● Gia cảnh Thụy An và cái chết của Đỗ Đình Đạo
Trong một điện thư gửi cho chúng tôi, ông Bùi Thụy Băng cho biết hoàn cảnh gia đình: "Là đứa con trai thứ nhì, tôi là người gần mẹ tôi nhất vì từ năm 1943 trở đi mẹ tôi bệnh tật luôn luôn. Mới 6 tuổi tôi đã trông nom mẹ tôi. Anh cả tôi là Bùi An Dương bị bệnh hen suyễn từ khi mới sinh ra nên rất yếu đuối và mẹ tôi đã cho anh An Dương khi chưa đầy một tuổi, làm con nuôi ông bà Trần Trọng Kim (cụ Bùi Kỷ và bà Trần Trọng Kim là anh, chị ruột của ba chúng tôi)"[13].
Trong cuộc nói chuyện điện thoại ngày 17/10/2009 tại Paris, bà Bùi Thư Linh trả lời những câu hỏi của chúng tôi:
- Thụy An và Băng Dương ly thân từ năm 1949. Tại sao?
- Vì cha tôi không trung thành, ông có nhiều bà khác.
- Sau khi ly thân, ai nuôi các con?
- Mẹ nuôi các con, nhờ bà ngoại giúp đỡ và bác (gái) Trần Trọng Kim cho vay tiền, nhưng mẹ vất vả lắm.
- Khi nào thì gia đình vào Nam?
- Năm 1952, đi bằng tàu thủy. Mẹ thường đi về đường Sài Gòn - Hà Nội bằng máy bay, nhưng vé máy bay cả nhà đắt lắm. Mẹ mua vé tàu thủy cho các con, nhờ người cậu dẫn vào Sài Gòn.
- Đến 1954, Bùi Thư Linh (16 tuổi) đi Pháp, tại sao?
- Tôi bị bệnh lao xương, Mẹ gửi tôi đi Pháp chữa bệnh ngày 20/5/1954.
- Gia đình túng thiếu, lấy tiền đâu ra?
- Đi theo diện Pupille de la Nation (Nghiã tử Quốc gia), chính phủ Pháp lo hết[14].
Chúng tôi cũng đã đặt câu hỏi với ông Bùi Thụy Băng qua điện thoại 16/12/2004, và sau đây là những câu trả lời:
- Tại sao Thụy An đem gia đình vào Sàigòn năm 1952?
- Vì ông Đỗ Đình Đạo[15].
- Tại sao Thụy An đã vào Sài gòn năm 1952, lại còn trở ra Hà Nội năm 1954, trước ngày tiếp quản?[16]
- Từ 1952, Thụy An đã vào Nam, tại vì ông Đỗ Đình Đạo. Ông Đỗ Đình Đạo là Giám Đốc Quân Thứ Lưu Động của Việt Nam Quốc Dân Đảng từ 1950 đến 1954. Ông Đỗ Đình Đạo còn là bạn thân của ông cụ tôi, trước khi mất, ông vẫn còn liên lạc với ông cụ tôi. Sau trận Điện Biên Phủ, ông Đỗ Đình Đạo có lệnh của VNQĐD, phải ở lại Hà Nội để chống Việt Minh. Nhưng mẹ tôi không biết chuyện đó. Nửa tháng trước khi Việt Minh tiếp thu Hà Nội, tôi (lúc đó 17 tuổi) đưa bà cụ ra phi trường Sài Gòn để đi Hà Nội. Bà cụ tôi ra Hà Nội vì tưởng rằng ông Đỗ Đình Đạo đã đi (Nam) rồi. Bà cụ tôi nghĩ rằng ông ĐĐĐ không còn ở Hà Nội".
- Thụy An ra Hà Nội với mục đích gì?
- Bà cụ tôi ra Bắc, với hai mục đích:
- Về quê mình để thu thập tất cả những gì quý báu nhất trong nhà ông ngoại tôi.
- Thứ nhì, bà cụ tôi muốn đặt cái bản doanh chống lại chính quyền ở Hoà Xá[17].
Nhờ những chi tiết trên đây, cuộc đời Thụy An sáng tỏ hơn: người phụ nữ ấy làm nghề báo nuôi 6 con; là phóng viên chiến tranh, cương vị quyền giám đốc Việt Tấn Xã, bà vào Nam ra Bắc thường xuyên; bà quen biết những người như Sainteny, đại sứ, các tướng Tassigny, Cogny, cũng nhờ họ, bà xin được cho con gái sang Pháp chữa bệnh lao xương. Nhưng cũng chính vì việc con gái sang Pháp với diện Pupille de la Nation mà sau này trong vụ án NVGP, bà lại càng bị quy kết làm "gián điệp" cho Pháp. Về phiá chính quyền cộng sản, xin nhắc lại lời Lê Hoài Nguyên: "Thụy An thì được một cơ quan giao nhiệm vụ nắm ý đồ của mấy người Pháp đối với tình hình Hà Nội lúc đó. Sau đó những lời báo cáo của bà trở thành chứng cứ buộc tội bà hoạt động gián điệp".
Như vậy, khi ra Bắc, Thụy An có chủ đích chính trị: đặt bản doanh chống chính quyền cộng sản ở Hoà Xá, quê hương bà, nơi có những người tin cẩn nhất, và Hoà Xá cũng là một trong những làng có truyền thống chống cộng. Và để đánh lạc hướng, bà nhận cả công tác dò thám Pháp cho chính quyền cộng sản. Với hành động này, Thụy An trở thành nhà văn đầu tiên tổ chức chống lại chính quyền cộng sản, trong lòng chế độ.
Bà không ở trong tổ chức của VNQDĐ, cho nên bà không biết Đỗ Đình Đạo đã có nhiệm vụ ở lại chống Việt Minh. Vậy bà ra Bắc, theo "chỉ thị" của chính mình:
"Tình nhà, tình nước bời bời
Mẹ năn nỉ giữa, nước đòi thiết tha"[18]
Và như lời Bùi Thư Linh: "Mẹ thương các con lắm nhưng mẹ vẫn có cái lý tưởng của mẹ, không bỏ được".
Ở thời điểm 1954, hầu hết mọi người VN đều nghĩ việc chia đôi đất nước sẽ chỉ trong một vài năm. Vì vậy, Thụy An đã nhờ mẹ trông nom các con để ra Bắc hoạt động. Bà không ngờ đến cái chết của Đỗ Đình Đạo; cũng không ngờ Nam Bắc chia đôi 20 năm; và lại càng không ngờ chính mình bị rơi vào 15 năm tù tội.
Về cái chết của Đỗ Đình Đạo, Bùi Thụy Băng cho biết:
"Lúc đó, tôi từ Sài Gòn, ép bố tôi, còn đang là Giám Đốc Đài Phát Thanh Hải Phòng, phải ký sự vụ lệnh cho tôi đáp máy bay ra Hải Phòng rồi lấy xe lửa ra Hà Nội gặp mẹ tôi, vì cái chết của nhà cách mệnh VNQĐD Đỗ Đình Đạo. Nếu bà cụ tôi đầu độc Đỗ Đình Đạo, thì chính quyền Pháp điều tra biết, họ cũng bắt ngay. Khi chuyện xẩy ra, ông Đỗ Đình Đạo ở nhà bà cụ tôi (ở Hà Nội) mà bà cụ tôi cũng không biết. Nhà hai chị em mẹ tôi ở chung. Có thể bà dì tôi đã cho ông Đỗ Đình Đạo trú ngụ mà mẹ tôi không biết[19]. Khi ông Đỗ Đình Đạo bị đầu độc thì mẹ tôi đương ở Hoà Xá với một người bạn là bác Phụng, ở Ngõ Nhà Do (Impasse d'Identité)". Mẹ tôi còn nói: "Bác chết nhưng mà xác bác chết còn thơm hơn người sống".
Mặc dù không bị bắt, nhưng Thụy An vẫn bị mang tiếng "đầu độc chồng":"Đến anh tôi còn giận, không để hình mẹ tôi trong nhà".[20]
● Tuổi trẻ thơ mộng
Trong bài tiểu sử Thụy An, Trinh Tiên viết:"Hè 1932, cô Yến được cha mẹ cho học tư thêm. Thày giáo là một hàn sĩ người Quảng Bình, dáng dấp mảnh khảnh đầy vẻ cương nghị.(...) Ông thầy giáo trẻ ấy đã bị trò Yến cùng các bạn trêu chọc gọi là "Anh đồ Nghệ". Hơn thế, Yến còn làm thơ nhạo báng dí dỏm:Khéo ghét anh đồ xứ NghệHơn mình mấy tí tuổi đầu?"[21](...). Nhưng chàng trai xứ Quảng này không chỉ là một hàn sĩ hay một nhà mô phạm đơn thuần, mà còn là một người yêu nước thiết tha, một nhà cách mạng chân chính. Cho nên trong những bài giảng đã gieo ảnh hưởng không ít đến lớp học trò (...) Hơn thế nữa, chính người thầy giáo trẻ ấy lại là một chiến sĩ hoạt động trong bóng tối. Chúng ta hãy lắng nghe lời thơ giới thiệu của Thụy An về người anh hùng đó:Hung hãn vọng vào tiếng bểHờn căm rít ngọn gió LàoAnh mang trùng dương giận dữAnh mang hoang dại khô khan.Và như:Mắt anh hừng trí bốn phươngTay run nắm hồn dân tộcTóc xòa vương hận núi sôngMôi bậm tai nghe rên xiếtÁo cơm dọa dưới cùm gông!Thật sự, Thụy An đã hấp thụ tư tưởng cách mạng qua thầy đồ Nghệ:... Rồi anh bắt đầu dẫn dắtDạy em khui lửa bất bìnhOán hận réo sôi lòng đấtCông lý tù đầy uất uấtMiếng cơm nghẹn họng nhân sinh...[22]Thoảng chốc, lớp hè vài tháng trôi qua. Thày trò bịn rịn chia tay. Riêng thiếu nữ Thụy An còn nghe lòng vương chút bâng khuâng, diệu vợi... Nhưng lại là chút bâng khuâng rất nhẹ nhàng lờ lững... nó đã thoảng qua ngay trong lứa tuổi 16 thơ ngây ấy...Và cũng bởi rằng: "làm thinh... anh vẫn thản nhiên..." Còn chăng chút lưu luyến ở tâm hồn Thụy An là niềm cảm phục trang thanh nhiên chí khí, cô đã kết ý thơ thành chuỗi nguyện cầu:Nguyện mình hoá vải hoá bôngThấm lau dòng máu anh hùng thơm thoMáu anh đã rửa quốc thùMáu anh viết trước bài ca khải hoàn.Thơ Thụy An"[23]Bùi Thụy Băng giải thích:"Người thày giáo đề cập ở đây là tướng Võ Nguyên Giáp. Khoảng 1930, ông ngoại tôi đã mướn người thầy giáo sử địa Võ Nguyên Giáp về nhà kèm má tôi học. Năm 1933, má tôi theo thầy vô Nam - Ông Võ Nguyên Giáp muốn đưa bà cụ tôi sang Trung Hoa. Nhưng má tôi lại gặp ba tôi ở Sài Gòn và hai người lấy nhau, sanh ra anh cả tôi là Bùi An Dương, năm 1934. Lúc đó ba má tôi đã xuất bản tuần báo Đàn Bà Mới, nên má tôi trở về Hà Nội cho anh tôi làm con nuôi ông bà Trần Trọng Kim, để vô Nam tiếp tục lo tờ tuần báo. Năm 1937, ba má tôi trở ra Hà Nội sanh ra tôi là Bùi Thụy Băng" [24].Tiểu sử chính thức ghi Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 (hơn Thụy An 5 tuổi). Năm 1931 ông ra Hà Nội học trường Albert Sarraut, sau đó học Luật. Ông kết hôn với bà Nguyễn Thị Quang Thái, năm 1934 (bà Thái chết trong Hỏa Lò Hà Nội năm 1943). Không thấy nói đến việc Võ Nguyên Giáp sang Tầu, nhưng trong cuốn Từ thực dân đến cộng sản, Hoàng Văn Chí viết như sau:
"Mai (Đặng Thai Mai) và Giáp đều là "con nuôi" của Louis Marty, giám đốc phòng chính trị của phủ Toàn Quyền. Marty kiếm việc cho Mai dạy học ở trường Gia Long mà giám đốc là Bailey, một người Pháp, và giao Giáp, hãy còn là sinh viên, cho Mai trông coi. Trong khi những đảng viên Tân Việt khác bị tù đầy hoạc cấm cố thì hai người ung dung sống ở Hà Nội cho đến ngày Giáp được Pháp đưa sang Tầu theo Việt Minh chống Nhật, Giáp có theo học lớp "chiến tranh du kích" do Mỹ mở ở Tỉnh Tây, nhưng không bao giờ lên Diên An. Giáp và Mai coi nhau như "anh em kết nghiã" nhưng sau khi vợ Giáp chết trong tù, Giáp lấy cô Hà, con gái Mai kém Giáp gần 20 tuổi mà trước kia Giáp vẫn bế trong tay hồi còn là "chú cháu"[25].
Tổng hợp thông tin của Trinh Tiên, Bùi Thụy Băng và Hoàng Văn Chí, có thể kết luận: Khoảng 1931-32, khi còn là sinh viên, Võ Nguyên Giáp đã dạy kèm Lưu Thị Yến tại nhà. Đến hè 1932, nếu Trinh Tiên ghi đúng, thì cô Yến và các bạn còn học thêm Võ Nguyên Giáp trong lớp hè. Bài thơ dài Sao lại mùa thu của Thụy An, được Trinh Tiên trích dẫn, nói rõ không khí lớp hè năm đó và sự"quyến luyến" mà trò Yến dành cho người thày, đã gieo rắc vào tâm hồn cô gái 16, lý tưởng "cứu nước". Lưu Thị Yến, lúc đó 16-17 tuổi, cũng đã nổi tiếng vì có thơ đăng trên Nam Phong và đã được "giải thưởng văn học của triều đình".
Sau đó, theo lời Bùi Thụy Băng: "Năm 1933, má tôi theo thầy vô Nam - Ông Võ Nguyên Giáp muốn đưa bà cụ tôi sang Trung Hoa" và Hoàng Văn Chí: "Giáp được Pháp đưa sang Tầu theo Việt Minh chống Nhật, Giáp có theo học lớp "chiến tranh du kích" do Mỹ mở ở Tỉnh Tây", chứng tỏ Võ Nguyên Giáp được Pháp cho sang Tầu năm 1933 theo Việt Minh để chống Nhật, và định rủ Thụy An đi theo. Như vậy, tình cảm giữa hai người, qua thơ của Thụy An, là có thật, và Thụy An đã muốn cùng "thầy" Giáp sang Tàu theo Việt Minh. Chắc Thụy An có kể cho Lê Đạt nghe việc này, vì trả lời phỏng vấn RFI, Lê Đạt nói một câu rất ý nghiã:
"Chị Thụy An còn nói kín hở cho tôi biết rằng chị ấy đã từng tham gia kháng chiến! Việc liên lạc với kháng chiến trong thời ấy thì mình mất mối là chuyện bình thường, mà mất mối thì mình không thể chứng minh được."Điều chắc chắn là qua những câu thơ trong bài Sao lại mùa thu, Thụy An đã nói lên lòng ái quốc của mình bằng những lời thơ bất khuất:Tay run nắm hồn dân tộcTóc xòa vương hận núi sôngMôi bậm tai nghe rên xiếtÁo cơm dọa dưới cùm gông!
● Chí khí Thụy An
Bài Tôi về quên mất cả xuân sang, ký ngày 5/11 âm lịch 1951 (3/12/1951), viết tặng vợ chồng Trinh Tiên, là một bài trường ca, nói lên chí khí của Thụy An. Bài thơ dài kể chuyện một đêm xuân ở Sài Gòn, nhớ Hà Nội, nhà thơ bước vào vũ trường, gặp người vũ nữ ngày xưa là em gái bạn. Người vũ nữ kể lại bi kịch của gia đình mình: Mẹ nàng có ba người con, đang sống êm ấm; bỗng đâu, phong ba xẩy đến:
"Năm đi cho tháng theo lần,
Mà trong êm đã ngấm ngầm phong ba.
Gió cuốn lật úp sơn hà,
Màn che trướng rủ bỗng ra dãi dàu,
Gió đưa khăn gói về đâu?
Con đường vô định trước sau còn dài
- Tình nhà, tình nước bời bời
Mẹ năn nỉ giữa, nước đòi thiết tha.
Đã đành nghiã nặng mẹ cha
Nỡ vô tình lúc nước nhà ngửa nghiêng?
Chịu sinh làm gái vô quyên,
Nỡ mang cái tiếng yếu mềm, bó tay?
Ầm tiếng súng Sơn Tây vẳng lại,
Sôi má hồng, quăng thói nữ nhi,
Chị em phận sự hai chia
Em nuôi mẹ, chị ra đi chiến trường.
Lần thứ nhất mở đường ly tán,
Cũng từ đây, hoạn nạn gieo neo:
Nhìn nhau lặn suối, trèo đèo
Mẹ già em nhỏ đến điều gian truân.
Rồi người chị cả hy sinh trên chiến địa:
Tin đâu sét đánh thình lình
Chị yêu thôi đã bỏ mình phương xa,
Nơi chiến địa xác hoa phơi giãi,
Bài điếu văn cú gọi hồn ma
Một đi lià cửa lià nhà
Một đi thế cũng kể là trăm năm.
Người mẹ và hai em còn lại, cuốn trong gió lốc:
Thân vong gia giật dờ cánh gió...
Đoạn thảm thương lần giở thêm trang:
Một đêm đang lúc mơ màng,
Thức ra giặc đã khắp làng bao vây.
Mẹ con chúi bụi cây ẩn nấp
Đạn nổ tung, trời sập đất nhào...
Tỉnh ra tủi nhục làm sao!
Tấm thân thôi đã lọt vào tanh hôi!
Bên mình, mẹ vẫn ngồi mà chết
Đầu văng xa, máu thịt bét be
Xác em nguyên vẹn nằm kề
Tay níu mẹ, sợ đường về lạc chăng?
Chưa kịp khóc thì quân lang sói
Đã lôi em về mãi đồn xa...
Nhục thay là phận đàn bà
Trong cơn binh lửa mà sa tay thù!!
Thôi gập sách! Để cho kết liễu
Đoạn về sau thừa hiểu là đây"
Dứt lời, chỉ khẽ nhíu mày,
Lạnh khô đôi mắt. Bóng ngày vừa tan...
Bài ca hùng tráng, bi thương, nói lên tất cả những khía cạnh con người của Thụy An. Giọng thơ mạnh mẽ, quyết liệt: "Gió cuốn lật úp sơn hà". Hai chữ lật úp thật là vũ bão, tuyệt vời. Rồi sự phân chia tình nước, tình nhà trong suốt cuộc đời bà: vừa nuôi 6 con, một mẹ già, vừa có chí lớn: "Tình nhà, tình nước bời bời / Mẹ năn nỉ giữa, nước đòi thiết tha". Sự lựa chọn của người phụ nữ trước tình thế đất nước: "Nỡ vô tình lúc nước nhà ngửa nghiêng? Nỡ mang cái tiếng yếu mềm, bó tay? Sự căm phẫn của người nữ anh hùng: Sôi má hồng, quăng thói nữ nhi.Cái chết khốc liệt và của người nữ chiến sĩ: Nơi chiến địa xác hoa phơi giãi / Bài điếu văn cú gọi hồn ma. Quang cảnh kinh hoàng chết chóc của người dân mất nước: Bên mình, mẹ vẫn ngồi mà chết / Đầu văng xa, máu thịt bét be / Xác em nguyên vẹn nằm kề / Tay níu mẹ, sợ đường về lạc chăng?
Thơ Thụy An nói lên chí khí bất khuất, nói lên sự quyết liệt khi cần phải quyết liệt, nói lên cái hận mất nước, sự không chịu bó tay của người phụ nữ. Sáng tác của bà từ truyện cổ tích đến truyện ngắn, tiểu luận, và nhất là thơ, đã quét sạch những dòng nhơ bẩn viết về bà, giải thích tại sao Thụy An không chịu lùi bước trước cường quyền và bạo lực.
● Thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm
Trong thời kỳ NVGP, không phải là thành viên, nhưng bà thường xuyên ra vào các hội văn nghệ, và có ảnh hưởng không nhỏ đối với những văn nghệ sĩ trẻ tham gia NVGP. Bà liên lạc, nâng đỡ tinh thần, tích cực giúp đỡ anh em, đặc biệt gia đình Lê Đạt.Lê Đạt viết trong lời "tự thú":"Âm mưu của Đang sau này là biến thành nhà xuất bản Minh Đức thành nhà in đối lập với Hội Nhà Văn và tập họp nhóm Nhân văn quanh nhà Minh Đức. Cũng giai đoạn này nổi bật vai trò Thụy An. Nhà Thụy An, Phan Tại như một câu lạc bộ.Về Hà Nội tôi rất ghê tởm Thụy An. Nhưng sau khi bài thơ "Nhân câu chuyện mấy người tự tử" Thụy An tìm gặp tôi rất niềm nở và mời đến nhà bảo có nhiều sách mới. Một thời gian dài tôi không đến. Nhưng từ sau khi “Cửa hàng Lê Đạt”, tôi bị khai trừ khỏi Đảng, tôi bắt đầu lui tới đó.(...) Thụy An đưa vợ tôi đi may áo, đi mua vải, may áo cho con tôi và đi lấy cả một chiếc giường cũi cho con tôi. Thụy An nghiễm nhiên trở thành thân thuộc với cả gia đình tôi. Mỗi lần tôi gặp Thụy An sau khi nói chuyện về tư sản, tiểu thương bất mãn, chuẩn bị đi Nam, các tin BBC về hiệp thương, lại kể chuyện Tassigny, chuyện các phóng viên chiến tranh, các tiểu thuyết tư sản, và sau hết đả kích vào sự lãnh đạo của Đảng cho là hạn chế sự phát triển của tài năng. Mỗi lần ở nhà Thụy An ra là mỗi lần tôi thấy mình tài giỏi thêm, oán Đảng thêm và chán nản thêm[26]".Thụy An dạy Phùng Quán tiếng Pháp và tiếng Anh. Ảnh hưởng Thụy An đối với các nhà văn trẻ khá mạnh, nhờ kiến thức và tài thuyết phục, bà hướng dẫn họ đến với văn học Tây phương, kịch trường và điện ảnh. Thời kỳ ấy, Thụy An ở chung nhà với Phan Tại. Theo Nguyễn Hữu Đang, bà thuê những phim như Hamlet về chiếu. Bà cùng Phan Tại, dựng kịch Topaze của Marcel Pagnol... Phùng Quán viết trong lời "tự thú":"Còn học Pháp và Anh văn thì tôi học với con mụ Thụy An, và do đó tôi bắt đầu thân với mụ từ đấy. Khi được tin tôi đã ra bộ đội thì hắn tỏ vẻ rất săn sóc đến việc học của tôi. Tháng đầu tôi còn bận viết thì mỗi lần gặp tôi hắn đều thúc giục sao không đi học đi, tôi sẽ dậy cho Quán một tuần bốn tiếng đồng hồ. Tháng thứ hai tôi đến học với hắn, cùng với một người bạn của tôi là sinh viên. Trước khi đến học, tôi có biết Thụy An trước đây đã giết chồng, làm phóng viên chiến tranh cho Pháp, đã đi máy bay lên Điện Biên Phủ. Nhưng đến lúc này thì bản chất cách mạng của tôi đã không còn gì nữa, nên tôi thấy những việc làm của mụ ta là việc thường. Đến học với hắn, tôi tỏ ý phục, và mỗi ngày một cảm tình hơn. Tôi gọi hắn là chị với tất cả nghĩa của nó[27]".
Những lời Lê Đạt tuyên bố trên RFI, tỏ sự kính trọng và lòng tri ân của ông đối với Thụy An:
"Chị Thụy An chưa bao giờ ở trong Nhân Văn Giai Phẩm cả, đó là dứt khoát. Nhưng chị Thụy An rất thân với anh em trong Nhân Văn Giai Phẩm và đặc biệt là thân với tôi". "Tôi có thể bảo đảm 100% chị ấy không phải là gián điệp. Tại vì thế này: Nếu là gián điệp thì phải có chứng cớ chứ! Chị nhận tiền của ai? Nhận tiền ở đâu? Liên lạc với ai? Cho đến bây giờ tôi vẫn thấy đó là một câu hỏi mà nhà nước chưa trả lời tôi được.
Tôi vẫn khao khát và thiết tha có một dịp nào đó, người ta phục hồi chị Thụy An một cách chính thức. Không có thì riêng tôi, đối với chị Thụy An, tôi vẫn cho là món nợ. (...) Riêng tôi không bao giờ tôi quên công của chị Thụy An đối với tôi cả"[28].
● Bị bắt, Thụy An tự chọc mù một mắt.
Thụy An bị bắt ở đâu? Bùi Thụy Băng, cho biết:"Tôi nghe nói bà cụ tôi bị bắt ở Hoà Xá. Nhưng theo lời ông cụ tôi thì bị bắt ở Phủ Lý. Tại sao lại như vậy? Bởi vì khi thấy lâm nguy, biết mình bị theo dõi, Thụy An thường di chuyển giữa Hà Nam - Phủ Lý, quê chồng và Hoà Xá-Vân Đình, quê mình để trốn tránh [29]".
Về việc bà chọc mù mắt, dư luận chính thức loan rằng bà bị tai nạn ở mắt, khi đi lao động cải tạo. Chúng tôi hỏi nhà thơ Lê Đạt, người rất thân với bà trong hành trình NVGP: Thưa anh, có phải trong Hỏa Lò chị Thụy An tự chọc mù mắt không?
Lê Đạt chỉ lặng lẽ gật đầu, không thêm một lời nào cả.
Bùi Thụy Băng cho biết: "Trong số những bài viết về bà cụ tôi, có bài của Trần Minh, ở Bên Úc, tựa đề "Nhân văn giai phẩm, một tư trào, một tội ác" đăng trong Giai phẩm (Việt Báo) xuân Tân Tỵ 2001, là chính xác nhất. Với những chi tiết mà chính tôi trước đây cũng không biết: Vào Hỏa Lò chưa được 3 tháng thì bà cụ tôi chọc mắt. Lý do là bởi phải ra hỏi cung, đứng trước lá cờ đỏ sao vàng, người ta bắt bà cụ tôi phải cúi xuống, nhưng bà cụ không cúi. Vào nhà giam, không có bút viết, bà cụ tôi lấy cái đinh guốc, viết lên tường lời phản kháng: "Chọc mù mắt để không phải nhìn thấy cái chế độ này nữa". Sau này có một người cũng bị giam tại căn phòng đó, đọc được và ghi lại, một vài nhà văn có chép lại câu này trên sách báo".[30]
Thụy An bị giam tại Hoả Lò Hà Nội từ tháng 3/1957 đến 19/1/1960, bà bị đưa ra tòa cùng với Nguyễn Hữu Đang, Trần Thiếu Bảo, Phan Tại và Lê Nguyên Chí.
Theo Nguyễn Hữu Đang, giam ở Hà Nội, rồi chuyển lên Yên Bái. Thụy An viết: "Vào thời điểm mẹ thụ án từ 1958 đến 1973, suốt 15 năm (chỉ trừ hai năm giam cứu ở Hoả Lò, Hà Nội, mẹ bị thẩm cung gắt gao, một cuộc đấu trí -không có trọng tài- giữa pháp luật do các ông chấp pháp đại diện và mẹ, người bị can)[31]."
● Những năm tháng cuối
Tháng 10/1974 Thụy An được thả về theo diện "Đại xá chính trị phạm trong hiệp định Paris" cùng với Nguyễn Hữu Đang. Bà bị trả về quản thúc tại Hoà Xá. Trên đường giải về làng, khi người ta đẩy xuống xe tù, bà bị ném đá.
Năm 1976, Lưu Duy Trác, em trai, xin cho bà vào Nam đoàn tụ với gia đình, bà sống với mẹ tại Gia Định. Các con bà đã rời nước từ trước, chỉ có Bùi Thụy Băng ở lại đến 28/4/75. Năm 1987, Thụy An theo người bạn gái Trinh Tiên đến chùa Quảng Hương Già Lam xin thọ lễ quy y. Được hoà thượng Thích Trí Thủ ban cho pháp danh Nguyên Quy.
Bùi Thụy Băng tìm mọi cách vận động cho mẹ sang Mỹ đoàn tụ gia đình, qua các toà Đại Sứ VN và văn phòng ông Trần Sĩ Lương, đại diện chính phủ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, đều vô hiệu. Trong thư phúc đáp của ông Lương, có câu:"Trường hợp mẹ của ông chưa được giải quyết. Tôi mong ông cứ yên tâm chờ đợi".
Đầu năm 1987, Thụy An đã yếu lắm, Bùi Thụy Băng chụp lá thư của ông Trần Sĩ Lương gửi về cho mẹ. Bà trả lời con: Mẹ không muốn con liên lạc với các Toà Đại Sứ như thế, và bà thêm: Con đừng chửi mẹ!. Kèm theo là bức thư dài, bà trả lời ông Trần Sĩ Lương, mở đầu bằng những hàng:
"Tôi rất xúc động được đọc thư ông viết cho Bùi Thụy Băng, con trai tôi, về việc T.A mẹ hắn, muốn nhờ cậy ông.
Ông đã trả lời không một hứa hẹn dứt khoát (tôi hiểu rõ tất phải như thế, càng tất phải như thế, khi là chuyện văn chương), nhưng dầu sao cũng đã là một lời đáp lại tiếng kêu gọi, kêu oan... của tôi... muốn thêm hình dung từ nào cũng đều có nghiã cả.
Cám ơm, cám ơn. Tôi đón nhận với tâm trạng một tù nhân bị kẹp lâu ngày, một mình giữa bốn bức tường hẹp, thèm được nghe tiếng người. Chợt có tiếng lịch kịch ở phòng bên cạnh (có lẽ chỉ là một con chuột chạy)."
Và bà kết luận lá thư bằng những hàng sau đây:
"Ở Tô Thị, tâm trạng của người mẹ cõng con trên lưng đi giữa rừng khuya, hãi hùng đến nỗi ngất xỉu, nhưng sực nhớ chồng trên đỉnh núi:
Nhớ con thơ đang gối trên lưng
Biển xanh đang ngóng đang trông
Giơ tay vung ngọn đuốc hồng cháy to.
Tôi cũng vậy, tôi còn cha mẹ già, đàn con nhỏ trên vai, tôi không được chết, phải cố mà sống, đợi cái ngày Tô Thị:
Mặc gió rụng tóc xanh từng sợi
Tung ra xa bay với mây trời
Mặc cho nắng dãi mưa phơi
Mặc cho muối đã mặn mòi lòng sương
Mặc bao cuộc hưng tàn phế đổi
Vẫn đăm đăm một đợi, một chờ
Mẹ con hoá đá trơ trơ
Mẹ là tin tưởng, con là tương lai.
Đó là tâm trạng Tô Thị hoá đá, mà cũng là tâm trạng của tôi suốt 15 năm cho đến mãi mãi. Ông cứ đọc tất cả 16 bản của tôi, đều gặp những câu như thế, nó gần như một tập Nhật Ký Trong Tù... "
Thụy An mất ngày 10/6/1989 tại nhà riêng ở đường Lê Văn Sỹ, Sài Gòn.
[1] Bàng Sĩ Nguyên, BNVGPTTADL, trang 120.
[2] Trong thời gian 180 ngày trước khi vỹ tuyến 17 khép lại.
[3] Trích Tiểu sử Thụy An, Trinh Tiên, Atlanta Việt Báo Xuân Ất Dậu, 2005.
[4] In lần đầu trên Tạp chí Phổ Thông của hội cựu sinh viên trường Luật Hà Nội, số 19-20 tháng 6-7/1953. In lại trên Khởi Hành, Hoa Kỳ, số 77, tháng 3/2003.
[5] Văn Nghệ, số 142, 11/10/1956.
[6] Trăm Hoa, 25/11/56.
[7] Trăm Hoa, 2/12/56.
[8] Ý bà muốn nói phải ra hải ngoại "tìm tự do" để in sách.
[9] Trích thơ Thụy An trong Trường Ca Tiếng Mẹ.
[10] Trích bài Thụy An, mẹ chúng tôi, Thụy An viết cuối năm 1988, trước khi mất, Atlanta Việt Báo, 15/12/2004.
[11] Xuân Dung, Con phù thủy xảo quyệt: Thụy An, báo Thủ Đô 23/4/58, BNVGPTTADL, trang 42-43.
[12] Vụ Nhân Văn- Giai Phẩm từ góc nhìn một trào lưu tư tưởng dân chủ, một cuộc cách mạng văn học không thành, mạng nguyentrongtao từ 6/8/2010.
[13] Trích điện thư Bùi Thụy Băng ngày 15/12/2004.
[14] Bùi Thư Linh, trả lời qua điện thoại ngày 17/10/2009.
[15] Trong một cuộc nói chuyện khác, ông Băng giải thích: 1952 Thụy An chia tay với Đỗ Đình Đạo, vì muốn tránh ông Đạo, bà đem các con vào sống tại Sài Gòn.
[16] Hội nghị Genève ký ngày 20/7/1954. Việt Minh tiếp quản Hà Nội ngày 10/10/1954, và tiếp quản Hải Phòng ngày 13/5/1955.
[17] Tất cả những thông tin trên đây do ông Bùi Thụy Băng cho biết qua điện thoại ngày 16/12/2004.
[18] Thơ Thụy An.
[19] Trong một buổi nói chuyện khác, Bùi Thụy Băng cho biết Đỗ Đình Đạo có quan hệ tình cảm với em gái Thụy An, nhưng lúc đó bà không biết.
[20] Điện thoại ngày 16/12/2004.
[21] Trích bài trưòng ca "Sao lại mùa thu" của Thụy An.
[22] Trường ca Sao lại mùa thu.
[23] Trích tiểu sử Thụy An của Trinh Tiên.
[24] Bùi Thụy Băng, điện thư ngày 15/9/2004.
[25] Hoàng Văn Chí, Từ thực dân đến cộng sản, Chân Trời Mới, 1962, chú thích trang 83.
[26] Những lời thú nhận bước đầu của Lê Đạt, Văn Nghệ số 12, tháng 5/1958, Số đặc biệt thứ hai chống NVGP.
[27] Phùng Quán, Những lời thú nhận bước đầu, Văn Nghệ số 12, tháng 5/1958.
[28] Lê Đạt trả lời phỏng vấn RFI.
[29] Điện thoại ngày16/12/2004.
[30] Điện thoại ngày16/12/2004.
[31] Trích bài Thụy An, mẹ chúng tôi, lời bà viết thay cho các con, Atlanta Việt Báo, 15/12/2004.
|
© 1984-2012 Thụy Khuê |
No comments:
Post a Comment