Chương 4Nguyên nhân đưa đến cuộc Cách Mạng Mùa Thu Của Tư Tưởng
Hiện nay, thời điểm chính thức xác định chính sách Đấu Tranh Giai Cấptheo đường lối Trung Quốc là tháng 1/1950, tại Đại Hội III của Đảng Cộng Sản, sau khi Hồ Chí Minh bí mật đi Liên Xô và Trung Quốc về.
Thời điểm quyết định và giải thích chính sách Cải Cách Ruộng Đất là bài diễn văn Hồ Chí Minh đọc tại Hội Nghị Nông Vận Và Dân Vận Toàn Quốc ngày 5/2/1953.
Thời điểm chính thức áp dụng chính sách Cải Cách Ruộng Đất là tại Đại Hội I của đảng Lao Động, họp tại Việt Bắc từ 14 đến 23/11/1953, với bản báo cáo của Trường Chinh.
Đấu Tranh Giai Cấp -phát sinh Cải Cách Ruộng Đất- là nguyên nhân sâu xa đưa đến chia rẽ, hận thù.
Heinz Schütte, trong bài Năm mươi năm sau: Trăm hoa đua đua nở ở Việt Nam 1954-1960, tóm tắt khá rõ tình hình miền Bắc thập niên 1950 như sau:
"Tháng 1/1950, Đại Hội III Đảng Cộng sản, tuyên bố Việt Nam chính thức đi theo đường lối Trung Quốc và đẩy mạnh chủ trương đấu tranh giai cấp trong cả nước. Điều này dẫn tới việc thủ tiêu những người bị cho là những "phần tử phản cách mạng". Sách vở Trung Quốc, đặc biệt những tác phẩm của Mao được dịch ra tiếng Việt -vài tác phẩm do chính Hồ Chí Minh dịch- để truyền bá những phương pháp của Trung Quốc trong việc vận dụng chủ nghiã Mác-Lê-Mao, trong việc tiến hành cách mạng và cải tạo tư tưởng ở Việt Nam. Tại chiến khu Việt Bắc, từ những năm 1951 đã có các khoá Chỉnh huấn tư tưởng dành cho trí thức[1]".
Đấu Tranh Giai Cấp phát sinh Chỉnh Huấn, chuẩn bị cho chiến dịch Giảm Tô, rồi Cải Cách Ruộng Đất[2]... kéo dài từ 1950 đến 1956, đã gây những tội ác làm đảo lộn xã hội Việt Nam. Sự phát động Đấu Tranh Giai Cấp là yếu tố chính trị có tính cách quyết định đối với những người không theo cộng sản. Nhưng sự bất mãn của trí thức bắt đầu từ trước.
Trường hợp Nguyễn Hữu Đang, sự bất mãn có thể đã bắt đầu ngay từ 1930, với bản Luận Cương Chính Trị của Đảng do Trần Phú soạn, nội dung ngụ ý: "Tất cả giai cấp tư sản đều là phản động", nhưng chỉ thực sự thành hình khi Trường Chinh, lý thuyết gia Đảng Cộng sản, hoàn thành bản "Đề Cương Văn Hoá Việt Nam", năm 1943, nội dung thu gọn trong công thức: Đảng lãnh đạo tư tưởng, học thuật và nghệ thuật, mà không một người làm văn hoá chân chính nào có thể chấp nhận được.
Tuy nhiên, bản Đề Cương chỉ lưu hành trong đảng Cộng Sản, và đảng này đến năm 1945, theo Nguyễn Hữu Đang, chỉ có khoảng 5000 người. Vì vậy, đến tháng 12/1946, khi hầu hết trí thức văn nghệ sĩ đi theo tiếng gọi toàn quốc kháng chiến của Việt Minh, phần lớn chưa biết có một chính sách văn hoá như vậy. Tạ Tỵ, Hoàng Cầm, Trần Duy... đều nói lúc đó không biết Cộng Sản là gì và Hồ Chí Minh là ai.
Nhưng ngày 19/7/1948, khi Trường Chinh đọc bài Chủ Nghiã Mác Và Văn Hoá Việt Nam tại Đại Hội Văn Hóa Toàn Quốc II, ở Việt Bắc, xác định đường lối văn nghệ kháng chiến: Văn nghệ thi đua, văn nghệ tuyên truyền, phục vụ công nông binh, văn nghệ phân biệt ta-địch, văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa, thì sự đổ vỡ bắt đầu: Nguyễn Hữu Đang bỏ về Thanh Hoá.
1948 chắc chắn là năm bản lề: kết thúc sự hợp tác chặt chẽ trong kháng chiến giữa hai thành phần dân tộc: cộng sản và không cộng sản. Từ 1949 trở đi, nhiều văn nghệ sĩ bỏ kháng chiến về thành, hoặc vào Khu Bốn với tướng Nguyễn Sơn.
● Nguyễn Sơn và vùng văn nghệ tự do Khu Bốn, từ 1948 đến 1951
Đối với những văn nghệ sĩ sống gần tướng Nguyễn Sơn (1908-1956) ở Khu Bốn, như Phạm Duy thì Nguyễn Sơn là một khuôn mặt huyền thoại[3]. Làm Tư lệnh Quân Khu Bốn[4] Nguyễn Sơn đã để họ tự do sáng tác. Nguyễn Tiến Lãng[5], sau khi ra tù, được phái làm thư ký riêng cho Nguyễn Sơn, mô tả[6] vị tướng này như một người hiếu học, lãng mạn, yêu văn chương, cô đơn và bí mật. Nhưng đối với những người sống ở Việt Bắc, gần Trung Ương như Lê Đạt, thì Nguyễn Sơn chẳng có tài cán gì. Vậy sự thực Nguyễn Sơn là ai?
Đáng tin cậy nhất có lẽ là chân dung do Hoàng Văn Chí, anh rể Nguyễn Sơn viết, ở chương XI, cuốn Từ thực dân đến cộng sản, xin lược trích sau đây:
"Nguyễn Sơn tên thật là Vũ Văn Bác, sinh tại làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh; bên Tầu ông lấy tên là Hồng Thủy. Con một nhà nho tham gia Đông Kinh Nghiã Thục. 1925, đang học trường Sư phạm Hà Nội, vì theo phong trào sinh viên bãi khoá, nên bị truy nã, phải trốn sang Tàu và được vào học trường quân sự Hoàng Phố. Là người Việt Nam duy nhất tham gia Quảng Châu Công Xã, trở thành đảng viên đảng Cộng Sản Trung Hoa. Nổi tiếng về tài lãnh đạo quân sự trong cuộc Vạn Lý Trường Chinh (1934-1936), được bổ làm tùy tướng cho Bành Hoài Đức, chỉ huy trưởng Đệ Bát Lộ Quân. Nguyễn Sơn là một trong bẩy tướng còn sống sót của Quảng Châu Công Xã và một trong 18 tướng sống sót sau cuộc Vạn Lý Trường Chinh. Vì vậy, năm 1949, sau khi Mao Trạch Đông toàn thắng, Nguyễn Sơn được tuyên dương là "Anh Hùng Dân Tộc" của Trung Quốc.
Cuối 1945, Nguyễn Sơn đang ở Diên An, gặp một ký giả Canada vừa từ Hà Nội qua, báo tin Việt Nam đã tuyên bố độc lập, nhưng Pháp vẫn tấn công, mưu chiếm lại. Nhà báo này nói đã gặp vị chủ tịch chính phủ lâm thời, một ông già biết nói tiếng Anh tên là Hồ Chí Minh. Đoán chắc Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Sơn bèn xin lãnh đạo Trung Quốc cho phép hồi hương chống Pháp. Mao Trạch Đông giữ lại, nhưng Nguyễn Sơn cứ nằng nặc đòi về, nên Mao cũng thuận cho về, làm giấy tờ chứng nhận Nguyễn Sơn và Nguyễn Khánh Toàn là nhân viên phái đoàn Trung Cộng từ Diên An xuống Trùng Khánh để điều đình với chính phủ Trung Hoa dân quốc, rồi nhân dịp đó trốn xuống Hoa Nam, về Việt Nam.
Vì quyết tâm về nước kháng chiến, nên ngay khi về, Nguyễn Sơn đã bị Trung Cộng phê bình là nặng tinh thần quốc gia, nhẹ tinh thần quốc tế. Có lẽ ông Hồ Chí Minh cũng phê bình Nguyễn Sơn như vậy, nên đầu năm 1946, khi Sơn về tới Hà Nội, ông Hồ không thèm tiếp và các lãnh tụ cộng sản khác cũng lạnh nhạt. Nhưng vì Pháp tấn công mỗi ngày một mạnh ở miền Nam và cộng sản Quảng Ngãi bất chấp lệnh, giết bừa bãi, nên ông Hồ phái Sơn vào Khu Năm (miền nam Trung Việt) với nhiệm vụ đình chỉ chém giết và điều khiển công việc chống Pháp. Sau đó Sơn được đổi ra Khu Bốn (miền bắc Trung Việt) làm "Khu phó" phụ trách huấn luyện quân đội. Chẳng bao lâu, khu trưởng là Thiết Hùng bị mất chức vì liên can đến một vụ buôn thuốc phiện lậu, nên Sơn được cử lên thay thế. Nhờ hai mươi năm kinh nghiệm hành quân, nên Nguyễn Sơn được quân đội Khu Bốn rất mến phục. Lại có tâm hồn nghệ sĩ và tận tâm giúp đỡ văn nghệ sĩ, nên Nguyễn Sơn cũng được giới văn nghệ sĩ hết sức hâm mộ.
Năm 1948, ông Hồ phong Võ Nguyên Giáp làm đại tướng và Nguyễn Sơn làm thiếu tướng, khiến Sơn khó chịu vì Sơn chê Giáp "i-tờ" về quân sự. Sự thực thì Giáp chỉ là sinh viên trường Luật, được huấn luyện qua loa về du kích chiến trong một khóa do quân đội Mỹ mở ở Tinh Tây, hồi thế chiến thứ hai.
Tuy nhiên, mối bất hoà lớn giữa Nguyễn Sơn và các lãnh đạo, không phải vì kèn cựa địa vị mà vì Sơn phản đối việc xin viện trợ Trung Quốc, vì Sơn cho rằng hễ nhận viện trợ của Trung Quốc thì sẽ mất hết chủ quyền. Theo Sơn, hồi chiến tranh chống Nhật, Mao không thèm xin viện trợ Nga, cứ để Nga tiếp tế cho Tưởng Giới Thạch. Nên tự lực kháng chiến, đánh Pháp bằng vũ khí thu được của Pháp, tuy gian lao nhưng không bị lệ thuộc bất cứ ngoại bang nào. Sau một cuộc thảo luận to tiếng với ông Hồ, Sơn bực mình, nhắm hướng bắc, đi thẳng sang Trung Quốc[7]. Vì đã được tôn là "Anh Hùng Dân Tộc", nên từ Lạng Sơn đến Bắc Kinh, qua các tỉnh, Sơn đều được tiếp đón trọng thể. Nhưng ông Hồ đã điện sang Bắc Kinh, bá cáo với ông Mao là Sơn vô kỷ luật, và Võ Nguyên Giáp cũng bắt quân đội Việt Minh học tập một tài liệu đặc biệt, tả Sơn là một cán bộ "điển hình xấu".
Vì bị ông Hồ bá cáo trước, nên khi tới Bắc Kinh, Sơn phải đi chỉnh huấn ngay. Sau chỉnh huấn, Sơn tình nguyện đi học Đại Học Quân Sự ở Nam Kinh, do chuyên viên Nga dạy về chiến thuật quân sự hiện đại. Năm 1956, Sơn bị ung thư dạ dầy và khi biết mình sắp chết, xin phép mang vợ con về Việt Nam. Hai ngày sau khi về tới Hà Nội, Sơn chết và Võ Nguyên Giáp phải đi đưa đám. Những người quen biết Nguyễn Sơn đều công nhận ông có tinh thần quốc gia mặc dầu suốt đời tranh đấu trong hàng ngũ cộng sản[8]".
Heinz Schütte, trong bài đã dẫn, cho rằng: Trung Quốc chỉ cho "mượn" Nguyễn Sơn và chính Nguyễn Sơn cũng miễn cưỡng về Việt Nam, việc ông trở lại Trung Quốc đã được thoả thuận ngay từ đầu. Nhưng thông tin của Hoàng Văn Chí có lẽ đúng hơn, vì Hoàng là anh rể Nguyễn Sơn, nên biết rõ những uẩn khúc chỉ trong gia đình mới biết: Nguyễn Sơn xin về Việt Nam vì tin Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc, như hầu hết mọi người Việt[9]. Nguyễn Sơn chống lại việc nhận viện trợ của của Tàu, sự kiện này một số người biết nhưng không dám nói ra. Sau cùng, vì sự hiềm khích với Võ Nguyên Giáp, nên sau khi Nguyễn Sơn bỏ đi, Giáp cho quân đội học tập Sơn là điển hình xấu, để xoá huyền thoại về Nguyễn Sơn,việc này giải thích tại sao những người ở gần trung ương, như Lê Đạt, có định kiến không tốt về Nguyễn Sơn.
Tuy Nguyễn Sơn không ảnh hưởng đến phong trào NVGP nhưng ông cũng tạo cho văn nghệ sĩ một khoảng trời tự do sáng tác, ít nhất từ 1948 đến 1951, trước khi ông trở lại Trung Quốc.
Trong thời gian này, những trí thức và văn nghệ sĩ tên tuổi như Tô Ngọc Vân, Sĩ Ngọc, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu... đã lên tiếng phản đối chính sách lãnh đạo tư tưởng của Trường Chinh. Nhưng bản thân Nguyễn Sơn là một mâu thuẫn: ông chủ trương tự do sáng tác, nhưng ông cũng là người đầu tiên đem phương pháp chỉnh huấn của Mao vào Việt Nam.
● Sự đối lập giữa Trường Chinh và Nguyễn Hữu Đang
Khảo sát bị kịch Nhân Văn, ta thấy rõ sự đối lập giữa hai nhân vật: Nguyễn Hữu Đang và Trường Chinh, cả hai đều được Hồ Chí Minh tin dùng. Trường Chinh là Tổng Bí Thư từ 1941 đến 1956, còn Nguyễn Hữu Đang là ai?
Vì bất đồng ý kiến với Trường Chinh, năm 1948, Nguyễn Hữu Đang đã bỏ Đảng. Nhưng sau 1954, ông lại được Đảng gọi về và đến tháng 8/56, ông được cử ra tổ chức lớp học tập dân chủ 18 ngày và trở thành nhà lãnh đạo phong trào NVGP.
NVGP chống lại toàn bộ chính sách văn hoá văn nghệ của đảng Cộng Sản. Vì vậy, chúng ta cần tìm hiểu chính sách văn hoá văn nghệ ấy như thế nào? Nói đến đường lối văn hoá văn nghệ của đảng Cộng Sản là phải nói đến Trường Chinh, lý thuyết gia của Đảng, người soạn thảo những văn bản chính thức theo chỉ thị của Hồ Chí Minh.
● Trường Chinh
Trường Chinh Đặng Xuân Khu (1907-1988), nhà chính trị nhưng cũng là nhà báo, có viết văn, làm thơ dưới bút hiệu Sóng Hồng. Năm 1927, gia nhập Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội - tiền thân của đảng Cộng Sản. 1940, làm chủ bút báo Cờ Giải Phóng, cơ quan của Xứ Ủy Bắc Kỳ. Sau đó làm chủ bút tờSự Thật, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản. Từ tháng 5/1941 đến tháng 9/1956, làm Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Đảng Cộng Sản thành lập tháng 2/1930.
Từ tháng 9/1930 đến tháng 11/1945, lấy tên là Đảng Cộng Sản Đông Dương. Tháng 11/1945 Đảng "tự giải thể", rút vào bí mật. 1951, Đảng công khai trở lại với tên Lao Động và đến năm 1976, mới chính thức lấy tên là đảng Cộng Sản Việt Nam. Đảng này trải qua hai biến cố quan trọng:
Ngày 2/9/1945: Tuyên ngôn độc lập. Hơn hai tháng sau, ngày 11/11/1945, Đảng tuyên bố "tự giải tán", đổi tên thành Hội Nghiên Cứu Chủ Nghiã Mác ở Đông Dương. Chính phủ lâm thời tạm giấu cái gốc quốc tế cộng sản, lấy danh nghĩa Mặt Trận Việt Minh, để tập hợp mọi thành phần dân tộc cả quốc gia lẫn cộng sản trong công cuộc kháng chiến chống Pháp.
Hà Xuân Trường kể lại: "Đảng lúc bấy giờ, sau khi tuyên bố "tự giải tán", để chuyển thành Hội nghiên cứu chủ nghiã Mác ở Đông Dương (ngày 11/11/1945). Anh Trường Chinh lúc bấy giờ là Tổng bí thư Đảng, trưởng tiểu ban tuyên truyền của Trung ương, kiêm chủ bút (tức Tổng biên tập) tờ Sự Thật"(ra số 1, ngày 5/12/1945 ở Hà Nội)[10]".
Nguyễn Hữu Đang cho biết: "Vai trò của Hồ chủ tịch rất quan trọng. Cụ có thành lập Mặt Trận Việt Minh thì mới có Cách Mạng Tháng Tám. Nếu đảng Cộng Sản đứng ra vận động cuộc Cách Mạng Tháng Tám, tôi tin là không được kết quả như là Mặt Trận Việt Minh. Đó là một mặt trận gồm nhiều thành phần, nhiều tầng lớp tham gia cho nên phát triển mạnh, được nhân dân ta hưởng ứng hơn chứ còn nếu đảng Cộng Sản đứng ra thì vẫn bị hạn chế đấy". "Đảng Cộng Sản lúc bấy giờ có 5000 người chứ ăn thua gì đâu[11]".
Trường Chinh, được Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ viết đề cương, chỉ đạo đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng Cộng Sản bằng hai văn bản: "Đề Cương Văn Hoá Việt Nam" (1943) và Chủ Nghiã Mác Và Văn Hoá Việt Nam đọc tại Đại Hội Văn Hóa Toàn Quốc II, ở Việt Bắc, ngày 19/7/1948, văn bản này là nguồn gốc đoạn tuyệt giữa Trường Chinh và Nguyễn Hữu Đang.
Giá trị và ảnh hưởng của hai văn bản này đối với chế độ Cộng Sản, được Hà Xuân Trường so sánh với lập thuyết của Mao: "Chúng ta chỉ cần nghiên cứu Đề cương văn hoá Việt Nam năm 1943, báo cáo Chủ nghiã Mác và văn hoá Việt Nam năm 1948 của đồng chí Trường Chinh, và so sánh những văn kiện đó với phần "Văn hóa dân chủ mới" và "Tọa đàm văn nghệ ở Diên An" của Mao Trạch Đông thì rõ ràng khác nhau lắm, khác từ gốc, khác từ mục tiêu đến phương pháp nhận thức (...) Công tác văn hoá - văn nghệ lúc bấy giờ nằm trong sự chỉ đạo của Tiểu ban tuyên truyền do anh Trường Chinh đứng đầu. Anh Tố Hữu lúc này được Trung Ương giao trực tiếp tổ chức, chỉ đạo công tác văn nghệ"[12]. Vậy Trường Chinh là người chỉ đạo chính sách văn hoá văn nghệ kháng chiến. Tố Hữu, giữ nhiệm vụ tổ chức.
● Đề cương văn hoá Việt Nam
Bản Đề Cương Văn Hoá Việt Nam có 5 phần chính:
1- Cách đặt vấn đề.
2- Phân đoạn văn hoá VN.
3- Nguy cơ văn hoá dưới ách phát-xít Nhật, Pháp.
4- Xác định văn hoá cách mạng VN.
5- Nhiệm vụ của các nhà văn hoá mác-xít VN[13].
Văn bản chính quy này xác định sự lãnh đạo văn hoá của Đảng: "đảng tiên phong phải lãnh đạo văn hoá tiên phong". Và định nghiã văn hoá theo quan niệm của Đảng: "Văn hoá bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật". Tóm lại, Đảng lãnh đạo: tư tưởng, học thuật và nghệ thuật.
Ở phần hai, Trường Chinh chia văn hóa Việt Nam làm ba giai đoạn một cách rất bất kỳ: Trước Quang Trung -tại sao lại Quang Trung?- là "phong kiến, nô lệ, phụ thuộc Tàu". Từ Quang Trung đến Pháp thuộc là "phong kiến, tiểu tư sản"; và từ Pháp thuộc đến 1943, là "phong kiến, tư bản, thuộc địa". Tóm lại, có thể thayvăn hóa bằng bất cứ một danh từ nào khác như: chính trị, kinh tế, giáo dục, pháp luật... cũng được.
Phần ba, Trường Chinh buộc tội: "những thủ đoạn phát-xít trói buộc văn hoá và giết chết văn hoá Việt Nam", để đi đến phần bốn, xác định: cách mạng văn hoá phải do Đảng lãnh đạo, và nền văn hóa được Đảng chọn là văn hoá xã hội chủ nghiã.
Phần năm, kê khai những nhiệm vụ cần kíp mà các nhà văn hoá mác-xít phải làm ngay:
Đánh tan những quan niệm sai lầm của triết học Âu, Á có ít nhiều ảnh hưởng tai hại ở ta: triết học Khổng, Mạnh, Đê-các-tơ (Descartes), Béc-son (Bergson), Căng (Kant), Nít-sờ (Nietzsche) v.v... Làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng. Chống chủ nghiã cổ điển, chủ nghiã lãng mạn, chủ nghiã tự nhiên, chủ nghiã tượng trưng v.v... Làm cho xu hướng tả thực xã hội chủ nghiã thắng.
Bản Đề Cương Văn Hoá Việt Nam chính là nguyên nhân sâu xa của tình trạng suy đồi của văn hoá văn nghệ Việt Nam: bắt buộc sáng tác và phê bình phải theo con đường duy nhất phục vụ sự lãnh đạo độc tôn của đảng Cộng Sản. Triệt hạ những đường hướng tư tưởng khác. Triệt hạ tài năng cá nhân và tiêu diệt tự do sáng tác.
● Nguyễn Hữu Đang
Nguyễn Hữu Đang (1913-2007) theo cách mạng từ buổi đầu, có óc tổ chức và tài hùng biện, Nguyễn Hữu Đang từng được coi là "cánh tay phải" của Hồ Chí Minh.
Năm 1929, Nguyễn Hữu Đang gia nhập Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội. Hoạt động đắc lực trong Hội Truyền Bá Quốc Ngữ từ 1938.
1937- 39, làm báo cùng Trường Chinh Đặng Xuân Khu và Trần Huy Liệu. 1943: Tham gia đảng Cộng Cản Đông Dương, liên lạc mật thiết với Tổng bí thư Trường Chinh và Thành ủy Hà Nội, nhưng chưa được kết nạp.
1943-46: Cùng Trường Chinh sáng lập và lãnh đạo Hội Văn Hóa Cứu Quốc. Được Hồ Chí Minh giao trách nhiệm tổ chức ngày tuyên ngôn độc lập 2/9/1945. Tham gia Chính phủ lâm thời, làm thứ trưởng Bộ Truyên Truyền, rồi Bộ Thanh Niên, Chủ tịch Uỷ Ban Vận Động Mặt Trận Văn Hoá. Tổ chức Hội Nghị Văn Hoá Toàn Quốc lần thứ nhất tại Hà Nội, "Khai mạc Đại hội văn hoá toàn quốc lần thứ nhất vào chiều 24/11/1946 có Bác Hồ đến nói chuyện[14]".
Nhưng mãi đến năm 1947, Nguyễn Hữu Đang mới được chính thức kết nạp vào Đảng. Và năm sau, 1948, ông rời mọi sinh hoạt của Đảng, lui về Thanh Hoá.
Từ vị trí được xem như "cánh tay phải của cụ Hồ", "trên cả Ủy Ban Kháng Chiến", tại sao năm 1948, Nguyễn Hữu Đang lui về Thanh Hoá?
Hoàng Cầm kể: "Vào khoảng tháng 7 năm 48, có Đại Hội Văn Hóa Toàn Quốc do ông Trường Chinh đề xướng và làm chủ tịch (...) đề ra Văn Nghệ Kháng Chiến (...) Trong hội nghị có mặt anh Nguyễn Hữu Đang. Sau hội nghị đó, không hiểu vì lý do gì thì anh Đang không làm công tác kháng chiến nữa, anh về Thanh Hóa, ở nhà người bạn là anh Trần Thiếu Bảo, giám đốc nhà xuất bản Minh Đức(...) hình như trong Hội Nghị Văn Hóa Toàn Quốc, anh Đang có mâu thuẫn về đường lối văn nghệ, văn hóa với ông Trường Chinh. Do mâu thuẫn không giải quyết được, cho nên anh Đang không làm việc nữa, anh nghỉ. Anh về Thanh Hóa[15]".
Vũ Tường phân tích:
"Trong thời kỳ ban đầu Trường Chinh không thể chi phối được mọi hoạt động của Văn Hoá Cứu Quốc do đa số những người thực hiện là các trí thức có ảnh hưởng tư tưởng Dân Chủ Tư Sản. Do điều kiện kháng chiến, Việt Minh không thể thành lập bộ máy văn hóa riêng để áp đặt đường lối của mình. Mâu thuẫn đã bộc lộ ra giữa Nguyễn Hữu Đang và Trường Chinh ngay từ lúc tổ chức Hội Nghị Văn Hoá Cứu Quốc toàn quốc tháng 10 năm 1946 và có thể nói kết thúc bằng Hội Nghị Văn Hóa toàn quốc lần thứ II xóa bỏ Văn Hoá Cứu Quốc thành lập Hội Văn Nghệ Việt Nam hoàn toàn theo quỹ đạo của đường lối văn nghệ Maois vào thời điểm tháng 7- 1948[16]".
Vũ Tường có lý, bởi sự bất đồng ý kiến giữa Nguyễn Hữu Đang và Trường Chinh lộ rõ trong những bài Nguyễn Hữu Đang viết trên Tiên Phong năm 1945. Cách tổ chức Hội Nghị Văn Hoá Toàn Quốc I của Nguyễn Hữu Đang cũng bất chấp đường lối độc tôn của Đảng Cộng Sản (Xem chương 9, về Nguyễn Hữu Đang).
Tháng 7/1948 tại Việt Bắc có hai hội nghị:
Hội Nghị Văn hoá Toàn Quốc II (15/7/48) do Trường Chinh chủ trì, đọc bàiChủ Nghiã Mác Và Văn Hoá Việt Nam, quyết định bỏ Hội Văn Hoá Cứu Quốc, lập Hội Văn Nghệ, Nguyễn Hữu Đang có tham dự.
Hội Nghị Văn Nghệ Toàn Quốc I, từ 23 đến 25/7/48, chính thức ra mắt Hội Văn Nghệ, Nguyễn Hữu Đang không tham dự. Sự đoạn tuyệt này có nhiều lý do, nhưng lý do chính đến từ nội dung bài Chủ Nghiã Mác Và Văn Hoá Việt Nam của Trường Chinh.
Vậy nội dung bản báo cáo này ra sao?
● Chủ nghiã Mác và văn hoá Việt Nam
Bản báo cáo Chủ Nghiã Mác Và Văn Hoá Việt Nam được nhà xuất bản Sự Thật in thành sách - Chúng tôi không có văn bản này. Phần VII, được in trên báo Văn Nghệ số 6 tháng 11/48, dưới tiêu đề "Mấy vấn đề thắc mắc trong văn học nghệ thuật[17]".
Bài "Mấy vấn đề thắc mắc trong văn học nghệ thuật" đặt trọng tâm trả lời những thắc mắc của người làm văn học nghệ thuật, đồng thời đưa ra những chủ đích:
1- Đồng hoá nghệ thuật với tuyên truyền và xác định: "Tuyên truyền của phe xâm lược, phản động là tuyên truyền phản chân lý. Tuyên truyền của phe cách mạng là tuyên truyền chân thật, phù hợp với chân lý rõ ràng".
2- Khẳng định khuynh hướng sáng tác: Hiện thực xã hội chủ nghĩa.
3- Chỉ ra đường lối "phê bình đúng nguyên tắc", "chú trọng đả kích tư tưởng, văn học, nghệ thuật phản động của địch".
4- Cho rằng "Quần chúng là nhà phê bình nghệ thuật sành hơn ai hết, chính vì quần chúng gồm nhiều tai, mắt, óc khôn và có cảm giác chung đấu lại. Không một nhà phê bình nào sánh được với quần chúng về mặt đó".
5- Chỉ 4 điều cho nhà văn noi theo, để "làm sao cho sáng tác văn nghệ được tốt".
6- Xác định sáng tác thi đua: "Đối tượng sáng tác văn nghệ của ta là nhân dân". "Sáng tác văn nghệ có cả một nguồn cổ vũ mạnh mẽ là phong trào thi đua".
Tóm lại, con đường văn học nghệ thuật của Đảng do Trường Chinh vạch ra năm 1948, gồm những yếu tố: Văn nghệ tuyên truyền. Văn nghệ thi đua. Hiện thực xã hội chủ nghĩa. Đả kích tư tưởng phản động của địch. Sáng tác cho nhân dân. Nhân dân làm chủ phê bình.
Là người làm văn hoá, dĩ nhiên Nguyễn Hữu Đang từ chối con đường văn nghệ này. Và trong kháng chiến, không chỉ có một Nguyễn Hữu Đang chống lại đường lối văn hoá văn nghệ của đảng, còn nhiều tiếng nói khác, Hoàng Trung Thông kể về Nguyễn Mạnh Tường và Trương Tửu:
"Cuộc tranh đấu tư tưởng duy nhất ở Liên Khu Bốn trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp là cuộc đấu tranh với một số quan điểm của Nguyễn Mạnh Tường. Trong một cuộc nói chuyện Nguyễn Mạnh Tường cho rằng văn nghệ ta như một cái chuồng nhốt các văn nghệ sĩ trong đó".
"Đồng chí Nguyễn Chí Thanh - bấy giờ là bí thư Đảng bộ Liên Khu Bốn, đã có ý kiến về những luận điểm tơ-rốt-kít của Trương Tửu trong buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập đảng Cộng Sản Đông Dương. Trong cuộc đấu tranh chính trị năm 1952, Trương Tửu bị đưa ra phê phán gay gắt[18]".
Hà Xuân Trường kể về Tô Ngọc Vân:
"Anh Tô Ngọc Vân tỏ ý không đồng tình về sự phân tích của đồng chí Trường Chinh về chủ nghiã "quy-bít". Nhưng anh Trường Chinh không trực tiếp trả lời, và tờ Sự Thật không lên tiếng, để tránh gây các mặc cảm không cần thiết đối với anh chị em văn nghệ đang đến với Đảng, và tự giác chấp nhận sự lãnh đạo của Đảng. Bài viết của tôi thảo luận với anh Tô Ngọc Vân, ký tên Lê Trọng Lâm, lại đăng trên tạp chí Văn Nghệ".
Thái độ của Trường Chinh đối với những người chống đối rất khôn khéo: ông không ra mặt trả lời, chỉ khuyên cấp dưới "cần phải đấu tranh tư tưởng nhưng đừng nặng lời quá; vì lúc bấy giờ chúng ta đang cần phải đoàn kết để kháng chiến chống Pháp, mặc dầu đoàn kết không có nghiã là thủ tiêu đấu tranh[19]".
Tóm lại, đã có những người làm văn hoá văn nghệ bắt đầu thắc mắc về đường lối văn hoá văn nghệ của đảng Cộng Sản và lên tiếng phản đối ngay từ 1948. Những thắc mắc này càng lớn mạnh sau 1954, kết hợp thành sự phản kháng toàn diện trong phong trào NVGP.
Nguyễn Hữu Đang, bỏ về Thanh Hoá, cộng tác với nhà xuất bản Minh Đức từ 1948. Nhưng tại sao năm 1954, ông trở lại hoạt động? Mọi việc trong chế độ cộng sản không thể tình cờ, ngoài ra Trường Chinh mâu thuẫn với Nguyễn Hữu Đang, chưa chắc đã muốn Đang về. Vậy việc gọi ông trở lại phải do lệnh của Hồ Chí Minh. Hoàng Cầm kể: "Đến khi hòa bình lập lại, năm 1954, tôi cũng chỉ được nghe kể lại chứ không được chứng kiến, là như sau: Ông Trường Chinh có hỏi ông Tố Hữu: Anh Đang anh ấy đã không làm việc gì từ lâu rồi, từ mấy năm nay, thì bây giờ hòa bình thắng lợi rồi, ta phải mời anh ấy ra làm việc chứ. Thế là anh Tố Hữu cũng nghe theo và mời anh Đang ở Thanh Hóa ra[20]".
Nguyễn Huy Tưởng, là người được cử vào Thanh Hoá mời Nguyễn Hữu Đang. Và theo Hoàng Cầm, khi Nguyễn Hữu Đang ra, Tố Hữu đề nghị chức giám đốc Sở Văn Hóa Thông Tin Hà Nội, nhưng Nguyễn Hữu Đang từ chối, ngỏ ý muốn làm báo Văn Nghệ, Tố Hữu đành phải bằng lòng.
● Những thắc mắc
Hoàng Cầm trả lời phỏng vấn RFI: "Anh Đang về báo Văn Nghệ, nhưng anh Đang là người đặc biệt có tài tổ chức: trong kháng chiến anh ấy đã tổ chức Thanh Niên Xung Phong, tổ chức Mặt Trận Bình Dân Học Vụ, sau đó lại là tổ chức Hội Nghị Văn Hóa Toàn Quốc. (...) Vì anh ấy có tài tổ chức cho nên anh ấy tổ chức ngay hai cuộc phê bình trong văn học:
Thứ nhất là cuộc phê bình tác phẩm Vượt Côn Đảo của Phùng Quán (...) Và tổ chức một lớp học tập chính trị, đầu đề tài liệu học tập là "Những tài liệu của Mác, Lê-nin, Staline nói về vấn đề văn nghệ".
Về không khí của lớp học này, Hoàng Cầm kể:
"Buổi sáng học, buổi chiều làm việc cơ quan. Tôi nhớ học 18 ngày. Nhưng từ hôm mở lớp đến độ ngày thứ năm thì có cái mục gọi là liên hệ thực tế. Tất cả các văn nghệ sĩ ở các tỉnh hoặc đi tập kết về Hà Nội, thì họ đều nêu lên những thắc mắc, mà phải nói là những thắc mắc ghê gớm về vấn đề văn nghệ và lãnh đạo văn nghệ. Nó gần như là một cuộc tố khổ: các văn nghệ sĩ đều nói ra những thắc mắc về việc lãnh đạo địa phương, cả lãnh đạo trung ương nữa, đối với văn nghệ (...) Toàn là những thắc mắc mà anh em lôi ra từ thực tế trong kháng chiến và thực tế trong hòa bình lập lại".
Trong băng ghi âm Hoàng Cầm cho biết: Đến năm 1956, chúng tôi, tức là một số văn nghệ sĩ trí thức tự nhận thấy những trái ngược trong xã hội, những lý tưởng mà mình mang đi kháng chiến chống Pháp đều sụp đổ hết. Những nhà trí thức như Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Trương Tửu, Nguyễn Mạnh Tường, cũng đều thấy chán nản, hụt hẫng, thấy bị rơi vào cái bẫy.
Georges Boudarel, trong Cent fleurs écloses dans la nuit du Vietnam đặt trọng tâm trên hai chữ thắc mắc mà Hoàng Cầm dùng, theo ông đây là một thứ mây mù của ý thức, một kỷ xảo nói mà như không nói, một nghệ thuật không gọi sự vật theo tên của nó.
Hai chữ thắc mắc theo Boudarel, không thể dịch sang tiếng Pháp, là trung tâm của vấn đề:
Trong một nước mà cuộc đấu tranh chống thực dân, giành độc lập, bảo vệ truyền thống dân tộc, được phất lên dưới ngọn cờ của chủ nghiã Mác-Lê-Mao như một nghịch lý, thì thắc mắc là đứa con lai lạ lùng, sinh ra từ cuộc tình vừa nóng bỏng vừa tương phản vừa không thể thú nhận được giữa quốc tế vô sản và lòng ái quốc cực đoan.
Chủ nghiã cộng sản mà người ta du nhập vào đã thủ tiêu nhanh chóng mọi hình thức tự do phát biểu của xã hội dân sự kể cả những người ủng hộ nhiệt thành. Năm 1950, khi chủ nghiã Mao ào ạt tràn vào, với những đợt chỉnh huấn, phát hiện, tố giác, kiểm thảo, tự kiểm thảo... mang lại những hậu quả tai hại.
Nếu năm 1946, hầu hết mọi thành phần dân tộc đều đi theo kháng chiến chống Pháp, thì tới 1950, nhiều trí thức văn nghệ sĩ nổi tiếng trong đó có Phạm Duy, Vũ Hoàng Chương... đã không thể chịu được, họ phải quay "về thành".
Sự phản kháng của họ mang tính chất bi đát, bởi họ phải chọn lựa giữa hai con đường: hoặc tiếp tục chống thực dân Pháp thì phải theo chủ nghiã cộng sản Mao; hoặc chống cộng sản Mao thì phải vào vùng Pháp đóng. Bị xâu xé giữa, một bên là lòng yêu nước thúc đẩy họ phải chấp nhận tất cả để chiếm lại tổ quốc đã mất và một bên là cái vốn văn hoá Tây phương thúc đẩy họ đòi hỏi một thứ tự do không thể có được với đảng Cộng Sản. Người trí thức, những năm tháng ấy, vừa như sống một bản hùng ca, lại vừa chịu một bi kịch gậm nhấm từ bên trong.
Đại đa số thành phần dân tộc, trong đó có người trí thức, tìm cách hoà mình với đời sống mới, từ đó nẩy sinh những thắc mắc: Nền dân chủ cộng hoà, do Hồ Chí Minh tạo dựng, có mang lại độc lập thật sự cho nước Việt không? Những người có thắc mắc trong lòng muốn tin vào lãnh đạo của họ nhưng trong thâm tâm vẫn không thể nào tin được. Chỉ biết là mình có những thắc mắc không thể nói ra. Cái hình thức đối lập bị dồn nén, sự phản kháng bị chôn vùi, chỉ được nói thầm, nói một nửa, đọc giữa hai hàng chữ, đoán ngầm những ngụ ý... trở thành một phần của đời sống Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Và những vấn đề mở ra từ năm 1956, với NVGP, vẫn còn đúng với hôm nay[21].
Những thắc mắc tạm ngủ yên trong chiến tranh, nhưng bùng lên sau 1954, và trong lớp học 18 ngày, Nguyễn Hữu Đang đã bắt mạch được tình thế, mạnh bạo đứng lên, đặt với lãnh đạo những câu hỏi cần thiết.
Đáp lời ông, văn nghệ sĩ trí thức cùng đứng lên xây dựng phong trào NVGP.
Trong tiểu thuyết Une voix dans la nuit - Tiếng vọng trong đêm, viết 37 năm sau, luật sư Nguyễn Mạnh Tường cho rằng Đảng giăng ra một chính sách quỷ quyệt đưa những trí thức dân chủ vào bẫy để bắt trọn ổ.
● Từ xuân 1956 sang thu 1956
Có thể chia NVGP làm hai giai đoạn: Giai đoạn I gắn bó với Giai Phẩm Mùa Xuân và giai đoạn II gồm toàn bộ những tờ báo phát hành từ tháng 8/1956 đến tháng 12/56.
Giai đoạn I: Giai Phẩm Mùa Xuân ra đời cuối tháng 1/1956. Hơn một tuần sau, nhiều sự kiện quan trọng xẩy ra:
9/2/56, Tố Hữu sai người gọi Lê Đạt lên Tuyên Huấn.
16/2/56: Lê Đạt lên trình diện, bị giữ lại kiểm thảo 15 ngày. Hạ tuần tháng 2/56 có hai "đại hội":
- Đại Hội Tuyên Huấn luận tội Giai Phẩm Mùa Xuân. Tố Hữu ra lệnh bắt Trần Dần, Tử Phác. Trần Dần dùng dao cạo cứa cổ, được đưa đến bệnh viện. Ngày 21/2/56 Trần Dần viết thư cho tướng Nguyễn Chí Thanh. Trần Dần, Tử Phác được tha ngày 5/5/56.
- Đại Hội Văn Nghệ, ở 51 Trần Hưng Đạo, khoảng 150 văn nghệ sĩ, chủ yếu đánh Trần Dần.
Chiến dịch đánh Trần Dần trên báo bắt đầu ngày 7/3/1956 với bài viết của Hoài Thanh trên báo Văn Nghệ số 110. Giai phẩm bị dập tắt lần thứ nhất.
Giai đoạn II, khởi sự sau biến cố lớn ở các nước cộng sản và trong đảng Cộng Sản VN:
Ngày 24/2/1956, tại đại hội XX của đảng Cộng sản Liên Xô: Khrouchtchev đọc bản phúc trình mật về tội ác của Staline. Ngày 26/5/1956, Mao Trạch Đông phát động phong trào "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng". Ngày 28/6/1956, Ba Lan nổi dậy. Những biến cố này ảnh hưởng trực tiếp đến chính quyền miền Bắc, luôn hành động rập theo đường lối Liên Xô - Trung Quốc:
Đảng Lao Động mở rộng chính sách học tập tự do dân chủ - Lớp học 18 ngày trong tháng 8/1956. Đảng phát động chính sách Sửa Sai, sau cuộc Cải Cách Ruộng Đất 1953 -1956. Tại Hội Nghị Thứ X của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, từ 25/8/56 đến 24/9/56, Trường Chinh bị "nghiêm khắc kiểm điểm sai lầm"trong công tác Cải Cách Ruộng Đất, phải tự kiểm thảo và xin từ chức. Hoàng Quốc Việt và Lê Văn Lương bị loại khỏi Bộ Chính Trị. Hồ Viết Thắng ra khỏi Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng. Hồ Chí Minh kiêm nhiệm hai chức Chủ tịch Đảng và Tổng bí thư từ 9/1956 đến 9/1960[22].
Võ Nguyên Giáp thay mặt Đảng, đọc bản "thú nhận" bẩy sai lầm, đại ý:
1/ Phủ nhận thành tích của những người chống Pháp.
2/ Coi phú nông như địa chủ.
3/ Đả kích tràn lan, không phân biệt những người có công với cách mạng.
4/ Dùng những biện pháp trấn áp, đánh địch, tràn lan phổ biến.
5/ Làm sai phạm chính sách tự do tôn giáo.
6/ Không coi trọng phong tục tập quán địa phương (các vùng thiểu số).
7/ Không dùng giáo dục mà truy bức (tra tấn) để chính đốn[23].
Từ cuối tháng 8 đến cuối tháng 11 năm 1956: không những Giai Phẩm Mùa Xuân được in lại mà còn ra tiếp 4 số nữa, tổng cộng là 5 số Giai Phẩm và 5 số Nhân Văn. Ngoài ra, còn có 1 số Đất Mới của sinh viên và 11 số Trăm Hoa của Nguyễn Bính, ra từ tháng 10/56 đến tháng 1/57; thêm báo Nói Thật của Hoàng Công Khanh và Tập San Phê Bình, xuất hiện tới cuối năm 1957. Cuối tháng 11/56, trên các báo Nhân Văn và Giai Phẩm, nhà xuất bản Minh Đức còn quảng cáo mời độc giả tìm đọc Tự Do Diễn Đàn và Sáng Tạo (chuyên về điện ảnh kịch trường). Rút cục Tự Do Diễn Đàn in xong bị cấm. Nhưng Văn, báo chính thức của Hội Nhà Văn, sang năm 57 vẫn còn in bài của những người trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, đến số 36, ra ngày 10/1/58, Văn mới bị đình bản vì đăng bài Ông Năm Chuột của Phan Khôi.
Cuộc Cách Mạng Mùa Thu Của Tư Tưởng đã xẩy ra.
Nhân Văn Giai Phẩm được phát triển trở lại cùng thời với vụ Sửa Sai Cải Cách Ruộng Đất và bị dập tắt bốn tháng sau, dưới thời Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Đảng kiêm Tổng bí thư. Vậy ai là người trách nhiệm chính?
● Ai trách nhiệm vụ Nhân văn giai phẩm?
Trả lời câu hỏi chủ tịch Hồ Chí Minh có trách nhiệm như thế nào về vụ NVGP, Nguyễn Hữu Đang tuyên bố: "Cái việc mà người ta cứ nói là việc nọ việc kia là người dưới làm chứ cụ Hồ không biết, cụ Hồ không thực tiễn làm, đó là một cách nói không đúng sự thật. Người ta thấy việc gì mà có dư luận kêu ca, thắc mắc thì không muốn để cái kêu ca thắc mắc đó hướng vào vị lãnh tụ mà người ta suy tôn tuyệt đối. Có thể nói là người ta thần thánh hóa cụ Hồ. Vì cái lý do nó là như thế. Thực chất thì cụ Hồ không phải là người bị vô hiệu hóa trong bộ máy lãnh đạo của đảng và của dân tộc. Cụ Hồ lúc nào cũng là người có đầy đủ quyền hành, lúc nào cụ cũng sáng suốt, linh lợi, lúc nào cụ cũng có uy tín với dân và cũng có quyền đối với các đồng chí trong đảng, đối với những người lãnh đạo khác. Chắc bà cũng biết rằng những vị lãnh đạo khác của đảng, đối với cụ Hồ là học trò chứ không phải như ở các đảng Cộng Sản khác đâu. Cho nên uy tín của cụ Hồ, quyền hành của cụ Hồ bao giờ cũng rất vững, cụ Hồ biết hết cả, và việc đó cụ Hồ cũng đồng tình làm.
Có thể nói tóm một câu là cho đến mấy năm sau cùng, vì cụ yếu cụ ít chăm nom công việc, cụ khoán cho Bộ Chính Trị, cụ ít can thiệp trực tiếp, chứ còn trước đó thì bất cứ việc gì cũng là trong phạm vi chỉ đạo của cụ cả. Hay cũng ở cụ, dở cũng ở cụ. Cụ phải gánh trách nhiệm, điều đó rõ ràng.
Có khi nào một lãnh tụ tối cao đối với dân tộc, lãnh tụ tối cao của Đảng mà lại không có trách nhiệm về việc nọ, việc kia. Điều đó không đúng. Chế độ gọi là "báo cáo thỉnh thị" rất chặt chẽ trong nội bộ đảng Cộng Sản và trong bộ máy chuyên chính của nhà nước cũng thế, nghiêm ngặt lắm[24]".
Nhận định trên đây của Nguyễn Hữu Đang phù hợp với một số nhận định khác của những người trong Đảng về vai trò của Hồ Chí Minh trong đời sống văn hóa văn nghệ. Hà Xuân Trường viết về vai trò của Đảng trong "Mặt trận văn hoá văn nghệ" và địa vị chỉ đạo của Hồ Chí Minh như sau:
"Sự đầu tư công sức và tâm huyết của Đảng vào mặt trận này [tức "Mặt trận văn hoá văn nghệ"] là đáng kể: từ Bác, đến các anh Trường Chinh, Tố Hữu. Cần nhắc thêm vai trò của Bác và các ý kiến của Bác căn dặn giới báo chí và văn hoá - văn nghệ ngay từ buổi đầu này. Bác thường gửi bài cho báo Đảng, trên Sự Thật lúc ấy, cũng như trên tờ Nhân Dân sau này[25] dưới các bút danh ta đã quen thuộc: C.B[26], X.Y.Z[27], A.G (chúng tôi thường gọi Anh Già)... Điều đặc biệt là Bác viết rất ngắn và mỗi lần gửi bài cho báo, Bác thường viết luôn một loạt có đánh số thứ tự. Bác dặn anh em chúng tôi là đánh số như thế để cho bạn đọc và cả Bác dễ nhớ, bao giờ gần hết bài thì Bác chỉ cần xem trên báo là Bác biết để Bác kịp viết tiếp, "các chú không cần phải nhắc[28]".
Và ông xác định vai trò của từng người trong giai cấp lãnh đạo:"Công tác văn hoá - văn nghệ lúc bấy giờ nằm trong sự chỉ đạo của Tiểu ban tuyên truyền do anh Trường Chinh đứng đầu. Anh Tố Hữu lúc này được Trung Ương giao trực tiếp tổ chức, chỉ đạo công tác văn nghệ. Tôi là người của Tiểu ban tuyên truyền, làm tờ Sự Thật, do vậy mà có trách nhiệm liên lạc giữa Trung ương và bộ phận văn hoá - văn nghệ, giữa anh Trường Chinh và anh Tố Hữu. Trách nhiệm chính là làm sao giúp Trung ương nắm tình hình văn nghệ, và từ góc độ báo Đảng, mà góp phần gợi giúp cho người văn nghệ mạnh dạn đi vào quần chúng, dần dần nắm hiểu đời sống, tham gia công tác cách mạng, và khắc phục từng bước các ảnh hưởng của cách nhìn và thói quen cảm xúc tiểu tư sản (...) Anh (Trường Chinh) còn cho biết thêm là bản báo cáo (Chủ Nghiã Mác Và Văn Hoá Việt Nam)tuy là do anh trực tiếp soạn thảo, nhưng đã được ban thường vụ Trung ương thông qua và Bác đã xem và góp ý kiến[29]".
Hoàng Trung Thông cũng cho biết: "Sau này tôi mới biết cuốn truyện về chiến sĩ thi đua đầu tiên là do Bác Hồ viết để làm mẫu cho những người khác viết theo[30]".
Tháng giêng năm 1956, Giai Phẩm Mùa Xuân ra đời, thể hiện tự do sáng tác, bị dập tắt ngay. Vậy có thể hiểu là Trường Chinh đã giao cho Tố Hữu, người có tư thù với Hoàng Cầm, Trần Dần và Lê Đạt trong việc phê bình tập thơ Việt Bắc, xử lý vụ Giai Phẩm Mùa Xuân, theo chỉ thị của Hồ Chí Minh.
Trong tháng 8 và 9 năm 1956, có hai sự kiện trùng hợp đáng kể: Đảng phát động Sửa Sai trong đại hội X và phong trào NVGP phát triển trở lại.
Vậy quyết định cho phép Hội Văn Nghệ tổ chức lớp học tập dân chủ 18 ngày, theo đường lối Liên Xô, trong tháng 8/1956, đến từ ai, nếu không là Hồ Chí Minh?
Lớp học này do Nguyễn Hữu Đang phụ trách. Chọn Nguyễn Hữu Đang cũng là do Hồ Chí Minh bởi Trường Chinh và Nguyễn Hữu Đang là kình địch về mặt chính trị văn hoá.
Vai trò của Nguyễn Hữu Đang sẽ nổi bật trong lớp học này và bài tham luận ông đọc ngày 26/8/56 tổng kết lớp học sẽ là cái mốc quan trọng đẩy mạnh tiến trình đòi hỏi tự do dân chủ, việc thành lập báo Nhân Văn và tục bản Giai Phẩm, tạo nên cuộc Cách Mạng Mùa Thu của Tư Tưởng.
Tháng 10/56 Hungary nổi dậy. Tháng 11/56 xe tăng Xô Viết tiến vào Budapest.
Ngày 9/12/1956, Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bãi bỏ quyền tự do báo chí. Đóng cửa báo Nhân Văn. Nhân Văn và Giai Phẩm bị dập tắt, lần thứ nhì, tháng12/56.
Tháng 2/57 trong Đại Hội Văn Nghệ Toàn Quốc II, họp từ 20 đến 28/2 tại Hà Nội, Trường Chinh kêu gọi đấu tranh "đập nát âm mưu phản động" của nhóm NVGP.
Năm 1957, Hồ Chí Minh đi thăm Liên Xô và Mông Cổ, ghé Bắc Kinh để học tập chính sách của Mao Trạch Đông đánh phái hữu[31]. Huy Cận và Hà Xuân Trường cũng được cử đi học tập chính sách của Trung Quốc. Khi họ trở về, tháng 2/58 việc thanh trừng NVGP được tổ chức quy mô và toàn diện trong hai lớp đấu tranh Thái Hà.
[1] Trích bản dịch từ tiếng Đức của Talawas.
[2] Vấn đề Cải Cách Ruộng Đất sẽ được trình bầy trong chương 24.
[3] Phạm Duy, Hồi ký II, Thời cách mạng kháng chiến, Phạm Duy Cường, California, 1989.
[4] Quân Khu Bốn: từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên.
[5] Con rể Phạm Quỳnh, bị bắt cùng với Phạm Quỳnh năm 1945.
[6] Nguyễn Tiến Lãng, Les chemins de la révolte - Những nẻo đường nổi dậy, Amiot-Dumont, Paris, 1953; Ý Việt, Paris, 1989.
[7] Theo Heinz Schutte, Nguyễn Sơn trở lại Trung Quốc năm 1951.
[8] Lược trích Hoàng Văn Chí, Từ thực dân đến cộng sản, Chân trời mới, Paris 1962, trang 173-177.
[9] Sự thực Hồ Chí Minh không phải là người viết những văn bản ký tên Nguyễn Ái Quốc, xin xem phần "Phân tích văn bản Nguyễn Ái Quốc", ở chương 18, 19.
[10] Hà Xuân Trường, Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học, tập II, trg 31.
[11] Nguyễn Hữu Đang, trả lời phỏng vấn RFI.
[12] Hà Xuân Trường, bđd, trang 46 và 41.
[13] Tiên Phong số 1, 10/11/45, Sưu tập trọn bộ Tiên Phong 1945-1946 của Lại Nguyên Ân, Hội Nhà Văn, 1996.
[14] Hà Xuân Trường, bđd, trang 40.
[15] Hoàng Cầm trả lời phỏng vấn RFI.
[16] Lê Hoài Nguyên, bđd, trích Vũ Tường, Ngày nay cách mạng Đông Dương phải hiện nguyên hình: Bước ngoặt dẫn đến cuộc đấu tranh giai cấp và nội chiến Việt Nam vào năm 1948. Journal of Southeast Asian Studies, 40, 3/10/ 2009), 519- 542. Bản dịch tiếng Việt của Talawas số Mùa Thu chuyên đề Bao nhiêu chủ nghĩa dân tộc là đủ?
[17] In lại trong cuốn Cách Mạng kháng chiến và đời sống văn học, tập II, đổi tên thành "Mấy vấn đề cụ thể trong văn học và nghệ thuật".
[18] Trích bài Trên địa bàn văn nghệ khu Bốn và Việt Bắc, Hoàng Trung Thông kể, Tôn Phương Lan ghi, in trong Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học, tập I, Tác Phẩm Mới, 1985, trg 181-187.
[19] Hà Xuân Trường, bđd, trang 42-43.
[20] Hoàng Cầm trả lời phỏng vấn RFI.
[21] Tóm lược phân tích của Boudarel trong Cent fleurs écloses dans la nuit du Vietnam từ trang 9 đến 20.
[22] Sau đó là thời kỳ Lê Duẩn làm Tổng bí thư, từ 9/1960 đến 7/1986, thời kỳ này xẩy ra vụ Xét Lại Chống Đảng.
[23] Toàn văn in trên Nhân Dân số 970, ngày 31/10/1956, in lại trong Từ thực dân đến cộng sản của Hoàng Văn Chí, Chân Trời Mới, Paris 1962, trang 281-282. Sách có bản điện tử trên Talawas.
[24] Nguyễn Hữu Đang, trả lời phỏng vấn RFI, ngày 3/9/1995.
[25] Sau Sự Thật là Nhân Dân, số 1, ra ngày 11/3/1951.
[26] Theo Bùi Tín, CB là viết tắt hai chữ Của Bác.
[27] X.Y.Z chỉ thành phần Cố Nông, trong Cải Cách Ruộng Đất.
[28] Hà Xuân Trường, Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học, tập II, Tác Phẩm Mới, 1987, trang 44-45.
[29] Hà Xuân Trường, bđd, trang 41- 42.
[30] Hoàng Trung Thông, Cách mạng kháng chiến và đời sống văn học, tập I, Tác Phẩm Mới, 1985, trang 191.
[31] Lê Hoài Nguyên, bđd.
|
© 1984-2012 Thụy Khuê |
No comments:
Post a Comment