Monday, January 28, 2013

Bó Đũa và Tờ Giấy Nhám

Vào một ngày rảnh rỗi, ông bố kêu bốn người con tới uống trà, luận bàn thế sự. Rồi ông lấy ra một bó đũa và một túi tiền. Ông nói với các con “Nếu ai bẻ được bó đũa, cha sẽ thưởng cho gói tiền này”.

Bốn người con hăm hở thay phiên nhau cầm bó đũa lên mà bẻ. Cố gắng tới mặt đỏ tía tai mà không anh nào bẻ gẫy được. Và đành xin chịu thua.

Ông già bèn cởi giây cột những chiếc đũa với nhau, rồi chậm rải bẻ từng chiếc đũa. Các con nhao nhao nói  “Bẻ từng chiếc thì con cũng bẻ được”.

Mìm cười, ông già nhắn nhủ “Đúng vậy, nếu chia lẻ bó đũa ra thì ai cũng bẻ gẫy được, còn như giữ nguyên bó thì làm sao mà bẻ cho được. Đây là bài học mà các con nên nhớ mãi suốt đời. Sống với nhau mà không có sự hợp quần thì không có sức mạnh, không hỗ trợ được cho nhau và đối phương dễ bề lợi dụng, thao túng”.

Câu chuyện trên khiến ta liên tưởng tới tờ giấy nhám, một tờ giấy rất bình thường mà nhiều công dụng. Giấy nhám có thể làm nhẵn thín những mảnh gỗ sần sùi, có thể làm sáng loáng những mảnh kim loại lâu ngày rỉ sét. 

Mà giấy nhám chỉ được làm thành với những hạt cát long lanh, một chút keo và tờ giấy. 

Để trên lòng bàn tay, cát có thể bị một hơi thở thổi bay tứ phía. Chút keo hòa vào nước sẽ chỉ là nước, dễ bốc hơi và không còn dính. Và tờ giấy có thể bị vò nát xé tan từng mảnh. 

Nhưng khi cát trộn lẫn với keo, rồi trải mỏng lên tờ giấy chờ cho khô thì tất cả sẽ thành tờ giấy nhám, vừa dai vừa sắc với nhiều công dụng.

Ở đời, không ai có thể sống lẻ loi. Lẻ loi thì làm sao có cơm mà ăn có áo mà mặc, có nhà để ở. Rồi lại còn biết bao nhiêu nhu cầu khác nữa cho đời sống. 

Mà chung sống tất phải có cạnh tranh, đụng độ, cá lớn nuốt cá bé, mạnh được yếu thua. Yếu mà không đoàn kết với nhau thì sẽ bị thiệt thòi, bóc lột.

Nhìn ra thế giới, bao nhiêu nước lớn ăn hiếp nước bé cách này cách khác. Bằng vũ lực. Bằng bao vây lũng đoạn kinh tế. Bằng lấn biển chiếm đất.

Trong phạm vi bé nhỏ cộng đồng, nhóm thiểu số không ngồi lại với nhau thì chẳng mấy lúc mà nhóm đa số lấn hiếp, dành hết quyền lợi. Nhất là cộng đồng người Việt còn mới mẻ.

Vì thế, mới có những ca dao nhắc nhở:

“Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại, nên hòn núi cao”.

Bác sĩ Nguyễn Ý Đức

No comments:

Post a Comment