Friday, December 7, 2012

Đynh Trầm Ca với những cung đàn cũ


Mối tình đầu thời đi học là một cái gì đó thiêng liêng đối với một đời người. Đẹp như những cánh hoa phượng trong sân trường. Trong sáng như những trang vở hoc trò. Lãng mạn như trái tim của thời mới lớn. Các thi sĩ viết về mối tình đầu như một ám ảnh đầy thơ mộng. Đynh Trầm Ca cũng vậy: buổi ta vác cây đàn ngang trường cũ / ai như em đứng ngó cuối hành lang / ai như ta ngồi mơ sau cửa lớp / có lẽ nào mình còn đó sao, Th...? (Cây đàn thương nhớ, Đynh Trầm Ca)
Mùa Phượng sắp về. Nhìn những hò hẹn lưu bút tuổi học trò cuối cấp, tôi lại nhớ đến bài thơ của người bạn vong niên cũ Đynh Trầm Ca, thuở anh còn dung dăng dung dẻ ở Sài Gòn gần 20 năm trước. “Cây đàn thương nhớ” là sự kết hợp tinh tế của giai điệu du dương những nốt nhạc, với lời lẽ sâu lắng, ẩn chứa tình người. Trong số chúng ta, hẳn ít một ai chưa từng trải qua lứa tuổi học trò. Dù bây giờ, đi đâu hay làm gì, chúng ta vẫn xem kỷ niệm tuổi học trò là khoảng thời gian đẹp đẽ nhất, vì đó là quãng thời gian mà chúng ta để lại những tình cảm cao quý, tình yêu trong sáng, hồn nhiên, ngây thơ, nhí nhảnh và ngộ nghĩnh của lứa tuổi… chưa bước vào vòng xoáy của cuộc đời. Để rồi bỗng một buổi tối nào đó, khi thinh lặng ngồi nghe thời gian chảy trôi trong tiếng guitar thùng nơi góc quen ngồi, người ta chợt hiểu ra một điều đã cũ, rằng tình yêu, nhiều khi thật giống với những sợi dây trên cây đàn: buổi ta vác cây đàn xa trường cũ / em vẫn còn chạy nhảy dưới hàng soan / nên ta đi mà hồn thì quay lại / níu vai cầu hát gửi khúc chia tan / buổi ta vác cây đàn vào gió cát / hồn không theo nên thân xác liêu xiêu / ném nốt nhạc lên chín tầng mây dạt / nghe quê người mưa rớt hột cô liêu
Đynh Trầm Ca đã ví tình yêu nhiều khi thật giống với những sợi dây trên cây đàn. Cầm sẵn tay một chiếc đàn, để rồi suốt một đời, người ta phải đi tìm cho riêng mình điệu nhạc, với những thăng trầm chẳng giống nhau... Chỉ là, dù ngân lên bởi trăm nghìn biến tấu, những bản nhạc đều bắt đầu từ mặc định của cung âm, bằng những giai điệu thầm nơi trái tim sâu thẳm. Và rồi người ta tự hỏi lại mình rằng: Có bản nhạc nào dành cho duy nhất một tình yêu chăng?...
Khi biết bao nhớ thương được gảy trên cây đàn nhiều khi vỡ òa ra vì gần nhau đến thế... Có một thời, tưởng cung đàn ấy được tạo ra để tạc vết cho một mối tình, tưởng dành riêng cho một Người, tưởng rằng Người đi, và những lời hát cũng theo đó mà trở về một miền xa xôi lắm: ta gục xuống những đường gai đã nhọn / máu từ tim ứa nở cánh phượng đầu / ta muốn hái tặng em ngày tháng cũ / chợt ngậm ngùi: ngày vui đã qua mau! / ngày vui đã phai trên màu tóc cỏ / cỏ còn xanh - đời xanh chẳng quay về / chỉ câu hát giữ em hoài bé nhỏ / nên ta thề: xin làm một kiếp ve!...
Vẫn tưởng thế, trước khi thấy mình an nhiên ngồi nơi này và lại hát... Những cảm xúc khác, khi bài hát không còn riêng cho một Người, mà chỉ còn đủ sức gợi về một chút hương từ ký ức thôi: để hát mãi về em thời đi học / cho trăm năm em vẫn nữ sinh hoài / (nhỡ có tiếc cũng xin em đừng khóc / đời không vui cho ta nhận riêng ai) / buổi ta vác cây đàn về quê cũ / qua dốc cầu gặp hồn nhỏ chơ vơ / hồn đứng với ba mươi năm hoài niệm / bên trường xưa (em có gặp bao giờ?)…
Có bản nhạc nào dành cho duy nhất một tình yêu không? Ta lại vác cây đàn đi tứ chiếng / hồn theo ta qua những chốn mịt mùng / mây viễn phố bao chiều thay áo nõn / ta nâng đàn thương nhớ phá lên cung. Đynh Trầm Ca đã kết 4 câu thơ như vậy trong thi phẩm “Cây đàn thương nhớ”. Một cái kết dễ làm người ta liên tưởng đến các bài thơ khác của tác giả đi qua năm tháng cuộc đời: Chiều qua bến đò ngang / tình cờ nghe bài hát cũ / người hành khất mù và cô gái nhỏ / cây guitar lạc phím / cũ mèm / chiếc thau nhôm móp méo / vàng ố / những đồng tiền / Cô bé hát / nỗi đau mênh mông của người tình phụ / chiều bay mưa hiu hắt dòng sông / khách qua đò cuối năm lưa thưa / có người dừng lại / mở bóp / tôi cho tay vào túi / rỗng không… (Bất chợt trên bến đò ngang, Đynh Trầm Ca)
“Nỗi đau mênh mông của người tình phụ” ấy ở đây chính là ca khúc “Ru con tình cũ” được Đynh Trầm Ca viết vào năm 1967: Ba năm qua em trở thành thiếu phụ / Ngồi ru con như ru tình buồn / Xin một đời thôi tiếc thương nhau / Xin một đời ngủ yên dĩ vãng… Bài hát này của Đynh Trầm Ca được ca sĩ Lệ Thu thể hiện năm 1970, và người ta kể rằng Lệ Thu đã bật khóc ngay tại phòng thu khi vừa cất lên lời ai oán cho một cuộc tình bất hạnh thời chinh chiến: Ba năm qua em trở thành thiếu phụ / Ngồi ru con như ru tình buồn…
Mấy mươi năm rồi người con gái qua sông / tôi viết lời ca sao buồn quá vậy / những lời ca cho lòng tôi thủơ ấy / ai biết bây giờ / bố con người hành khất dùng để hát ăn xin / Chiều rây rây những bụi mưa êm / kỷ niệm cũ không hề sống lại / trong tôi chỉ lóe lên câu hỏi / biết bố con người hát rong kiếm đủ sống không? Những dòng thơ kết như lời thảnh thốt trên bến đò ngang hồi nào của người nghệ sĩ tài danh Đynh Trầm Ca, phải chăng như một cung đàn hoài niệm về phận người lưu lạc mưu sinh trên chính quê hương của mình? Trong mỗi chúng ta, tin rằng, vì hoàn cảnh hay vì một lý do nào đó đều đã có những bôn ba rày đây mai đó. Đynh Trầm Ca cũng như chúng ta. Anh chỉ có thể hơn người khác ở chỗ biết ghi lại những cảm xúc, những ghi nhận của mình, trong từng chuyến xê dịch cùng cuộc sống. Những ghi nhận, lưu niệm của anh càng trở nên xuất sắc nhờ anh biết dựa vào thi ca. Có thể nói thơ Đynh Trầm Ca có nhiều nét nổi bậc. Sự phiêu bạt của anh là một trong những nổi bậc đó.
Nay thì Đynh Trầm Ca có lẽ đã dừng bước lãng du khi bè bạn chỉ còn được thấy một Đynh Trầm Ca trong “vai” ông chủ Thạch Trúc Viên ở khối 5, thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam … Sau năm 1975, Đynh Trầm Ca làm ruộng 6 năm ở đất La Qua (Điện Bàn) rồi mới dời gót, bắt đầu quãng đời phiêu bạt như khóm lục bình phương Nam đúng nghĩa qua Sóc Trăng, An Giang, TP.HCM… Mãi đến năm 1998, ông mới dắt díu vợ con trở về mảnh vườn cũ để săn sóc mẹ già. Sum vầy được 2 năm, mẹ ông mất ở tuổi 100, kể cũng an ủi đôi phần với đứa con trôi dạt. Và phải đến khi vợ và con gái rời hẳn Sóc Trăng, khi ông dựng Thạch Trúc Viên, thì ông mới thật sự đã dừng lại; và nói như lời nhà thơ Vũ Hữu Định, thì “giang hồ nào có ai phong ấn / mà cũng từ quan, trở lại quê…” (Chẳng hay)
Đynh Trầm Ca và chị Giang, vợ của anh: Đynh Trầm Ca được sinh ra năm 1941, tại Điện Bàn, Quảng Nam . Mẹ anh thuộc dòng dõi họ Đinh. Anh dùng họ mẹ làm chữ đầu trong bút hiệu, sau khi đổi chữ “i” thành chữ “y”. Anh bắt đầu viết từ năm nào có lẽ chính anh cũng không nhớ chính xác. Nhưng thập niên 60 ở thế kỷ trước, có nhiều người trẻ tại Đà Nẵng, Quảng Nam được báo chí Sài Gòn từ nhật báo đến tạp chí, in thơ, truyện. Trong số này có Đynh Trầm Ca. Ca khúc “Ru con Tình cũ” có lẽ là bước ngoặc lớn trong sinh hoạt chữ nghĩa của anh.
MT

No comments:

Post a Comment