I. Lược Sử
Nghiên cứu tất cả hệ thống tên họ các dân tộc trên thế giới cho thấy người Việt có lẽ là một dân tộc đầu tiên, cùng với người Trung Hoa và Đại Hàn, có một hệ thống tên họ đơn giản và hợp lý nhất. Người Nhật mãi đến năm 1872 mới được quyền có họ, trước đó chỉ có các ngài đại-danh (samourais) là có đặc quyền đó. Theo lịch sử Trung quốc, việc đặt họ tên bắt đầu từ năm 2852 trước Công nguyên, khi vua Phục Hi ra lệnh bắt dân chúng phải có một "gia tính" hay "tộc tính" để phân biệt các hệ phái gia đình và định phép tắc hôn nhân. Đến thế kỷ thứ V trước Công nguyên ở Trung quốc đã có hai loại "gia tính" được dùng: "tính" là họ gốc, do cha truyền con nối hoặc do vua ban, và dành cho nam giới; "thị"là họ cành, tức tên đặt khi mới sanh dùng cho cả nam lẫn nữ. Giới quý tộc vừa có Tính vừa có Thị, dân giả thì chỉ có tính. Từ đó phát xuất thành ngữ "bá tính" hoặc "bách tính". Con trai đàn ông xưng "thị"để phân biệt sang hèn, phụ nữ xưng "tính" để phân biệt hôn nhân.
Theo các kết quả nghiên cứu khoa học của hơn thập niên gần đây (khảo cổ, genes, di truyền học, v.v.), dân tộc Việt Nam hình thành từ người Việt sinh sống trên phần đất nước hiện nay và từ các dân tộc khác trong khu vực gọi chung là chủng Cổ Mã-Lai (Indonésien) thiên cư đến từ châu Phi và từ các cao nguyên Tây Tạng, Người Cổ Mã Lai thiên cư lên hướng Bắc ở vùng sông Dương-Tử; về phía Tây tới Ấn-Độ, về phía nam tới các đảo của Nam Dương, về phía đông tới Phi-luật-tân. Trong số các chủng Nam-Á (austro-asiatique) này, nhiều thế kỷ sau xuất hiện chủng Bách Việt trong đó có Lạc Việt sinh sống từ vùng Nam sông Dương Tử cho đến miền Bắc Việt-Nam. Nhân số bành trướng, lãnh thổ Bách Việt (chữ dùng của sử Tàu) cũng thiên di xuống đồng bằng sông Hồng, hội nhập văn hóa và đồng hóa người Mường và các sắc dân địa phương. Tuy nhiên văn hóa nông nghiệp nền tảng của Việt tộc vẫn luôn trội bật. Do đó hơn hai ngàn năm trước, tổ tiên ta đã nghĩ lập ra "sổ điền" cốt để nhà vua kiểm kê nhân và dân số hàng năm hoặc theo một thời hạn cố định, mục đích nhằm phân chia ruộng nương thời đó thuộc về nhà vua. Việc phân chia này đòi hỏi một sự hiểu biết tường tận từng nóc gia. Với họ và tên gọi, quan chức triều đình có thể ấn định số người trong mỗi gia đình. Về sau thêm "sổ đinh" hoặc "sổ bộ", ghi họ tên chính thức về hộ tịch từng cá nhân và gia đình . Rồi từ "sổ bộ", mỗi gia đình lập một sổ riêng, ghi chú tất cả những việc cưới hỏi, sinh đẻ và tang ma. Đó là nguồn gốc của gia phả.
Nếu lịch sử là quá khứ và nền tảng của một dân tộc thì gia phả là lịch sử hình thành và phát triển của gia tộc. Gia phả phát xuất từ Trung quốc dưới dạng thức "thế bản" từ thời nhà Chu (111-256 trước Công nguyên) trong khi ở Việt Nam có thể gia phả đã có từ trước, nhưng theo lịch sử biên chép thì gia phả xuất hiện từ năm 1026 vào thời vua Lý Thái Tổ, gia phả đầu tiên được gọi là Hoàng-triều ngọc-điệp. Tục làm gia phả phát triển mạnh ở hai miền Bắc và Trung, trong Nam rất ít gia đình làm gia phả ở đấy còn được gọi là "gia phổ" và biến thái thành "tông chi" tức tờ "tông chi tông đồ" cốt để phân phối gia tài hơn là để phân chia ngành ngọn của gia đình. Theo ông Dã Lan Nguyễn Đức Dụ, lý do là để tránh sự khủng bố của thực dân Pháp (1). Gia phả các họ vua chúa gọi là "thế phả".
Trong gia phả, người đứng đầu ngành trưởng (trưởng họ, trưởng tộc) có bổn phận ghi hết những chi tiết về thân thích và dòng dõi; những người con khác sao lại bản gia phả chính đó. Các gia đình giữ gìn kỹ lưỡng và truyền từ đời cha tới đời con. "Họ" theo nghĩa gốc có liên hệ với nhà và dưới chế độ phong kiến, nối kết con người với đất ruộng: một mái nhà, một gia đlnh, một họ. Họ và tên của một người định vị trí của cá nhân người đó trong xã hội, xác định cá thể trong một toàn thể.
Họ tên của người Việt thông thường gồm có theo thứ tự: họ, chử lót hoặc tên đệm, và tên gọi. Trừ một vài ngoại lệ, người Việt thường gọi nhau bằng tên gọi (prénom, petit nom; first name): bà Nhị, cô Yến, ông Khanh, cụ Mục, cháu Khuê, v.v...
1. Họ (Tính):
Số họ người Việt rất hạn chế, có khoảng 140 họ khác nhau - chúng tôi ghi lại trong danh sách ở cuối bài. Do đó có thành ngữ "trăm họ" (bách tính) thời xưa thường dùng để chỉ dân chúng cả nước. Chúng tôi chỉ ghi nhận các họ thông dụng vì ngoài ra có nhiều họ dân tộc thiểu số dù được sách sử ghi lại nhưng không thấy sử-dụng. Ông Dã Lan Nguyễn Đức Dụ trong cuốn Gia Phả đã dẫn có nói đến ba trăm họ tối đa có thể có nhưng ông đã không lập danh sách (2). Cũng theo ông, người Trung quốc cũng chỉ có ba trăm họ trong khi người Nhật Bản sử-dụng đến một trăm ngàn tên họ khác nhau. Người Pháp gọi "họ" là "nom de famille" và "patronyme", người Anh Mỹ, "family name" và "patronym".
Những họ Việt Nam thường gặp nhất là Nguyễn, Phạm, Phan, Trần, Lê, Vũ/Võ, Trương, Huỳnh/Hoàng,... Nhiều người mang cùng một họ không có nghĩa là có cùng một gốc gác. Thời xưa và nhất là ở nhà quê, người ta phân biệt nhau bằng cách gọi "họ Nguyễn làng Tiên Điền", "họ Nguyễn làng Tây Sơn", "Nguyễn Gia Miêu", v.v. Trong nhiều làng thôn, tất cả mọi người cùng mang một họ. Có người cắt nghĩa là vì vào thời lập quốc, người Việt chỉ có một tổ tiên chung là Lạc Long Quân và Âu Cơ. Đến thời hiện đại, những người Việt này chứng minh mỗi dòng họ một tổ tiên riêng.
Từ khi bị người Tàu đô hộ, người Việt chính thức theo chế độ phụ hệ, do đó con cái phải lấy họ cha. Theo dân luật, con phải lấy họ cha, không có vấn đề tự do lựa chọn. Họ không thể cho người ngoài họ dùng và trên nguyên tắc không thể thay đổi. Có hẳn cả một hiệp ước quốc tế năm 1959 về thay đổi họ. Tuy nhiên trong Nam từ thời Pháp thuộc còn có khuynh hướng dùng cả họ cha và họ mẹ mà đặt cho con, thí dụ con đầu lấy họ cha thì con thứ lấy họ mẹ, anh chị em ruột mà họ khác nhau là vì vậy!
2. Họ kép:
Nhiều gia đình mang họ kép, như Vũ-Đỗ Thìn, Phan-Trần Chúc, Trần-Lê Quang, v.v.. Tuy nhiên cần phân biệt hai loại họ kép:
- Họ + tên đệm: Các họ Đặng Xuân, Đặng Vũ và Ngô Vi, Ngô Thời, xuất phát từ một gia đmh gốc họ Đặng và họ Vũ, nhưng vì muốn phân biệt chi nhánh nên đã thêm tên đệm vào họ. Yếu tố này không phải là họ, nhưng giữ nhiệm vụ tên lót trung gian giữa họ và tên. Nhưng những họ đi kèm với tên đệm "Bá, Thúc" phải được coi như họ đơn, vì những tên lót này chỉ là những chữ lót chung.
- Họ kép hợp bởi hai họ: Đây là những họ kép chính thức. Thường thấy có : Vũ-Đỗ, Nguyễn-Trần, Trần-Lê, Hồ-Đặng, Lê-Phan, Vũ-Phạm, Đặng-Trần,... Vì một lý do nào đó, một người sử-dụng họ kép và truyền lại cho các thế hệ sau. Trước hết là trường hợp người con nuôi, y thêm họ gia đình cha mẹ nuôi vào họ gốc. Họ mới đi trước họ gốc. Đó là hoàn cảnh của nhà thơ Đặng-Trần Côn, tác giả Bích-Câu kỳ-ngộ và Chinh Phụ Ngâm Khúc. Là con nuôi của một gia đình họ Đặng, ông vốn tên là Trần Côn. Con cháu thường vẫn tiếp tục giữ họ kép đó. Nhưng có trường hợp có người con lấy lại họ cũ, như con cháu Vũ-Phạm Hàm, gốc họ Phạm, làm con nuôi người bạn của cha họ Vũ nên mới có họ kép là Vũ-Phạm. Về sau, có người còn giữ họ Vũ-Phạm, nhưng đa số lấy lại họ gốc là Phạm vì ông chỉ truyền họ kép Vũ-Phạm cho một trong chín người con.
Một lý do khác thông thường hơn. Vua chúa ngày xưa thường cho phép một số quan lại có công với triều đình hoặc đỗ đạt cao được đổi tên và có khi cho phép theo họ của vua (quốc tính), xem đó là một cách tưởng thưởng trọng hậu. Có người bỏ hẳn họ gốc để lấy họ vua như Mạc Cảnh Vinh được chúa Sãi Nguyễn-Phúc Nguyên cho phép đổi thành Nguyễn-Phúc Vinh. Nhưng thường người được đổi họ được phép giữ họ gốc ghép vào họ mới mà thành ra họ kép. Huỳnh Đức, quan triều đại Gia-Long trở thành Nguyễn-Huỳnh Đức. Các con ông là Nguyễn-Huỳnh Thành, Nguyễn-Huỳnh Thừa, v.v.. Tuy nhiên con gái vẫn giữ họ gốc Huỳnh vì con gái không mang quốc tính. Chỉ có văn hóa Tống Nho mới có những phân biệt nam nữ như vậy !
Hiện nay người ta thấy có nhiều họ kép loại mới thường gồm hai họ của vợ chồng dùng đặt cho con cái. Các họ kép mới này không thể trường tồn vì không được mọi người và tục lệ chấp nhận. Hơn nữa, những người con của họ, một khi lập gia đình lại sẽ đổi họ kép đặt cho con, họ kép của người phối ngẫu mới có thể là một họ khác.
3. Nguồn gốc họ ngườí Việt:
3.1. Họ các triều đại:
Đa số người Việt mang một họ trong số 16 dòng họ đã từng cai trị lẫy lừng trong lịch sử. Theo thứ tự niên đại, đó là những họ Thục, Trưng, Triệu, Mai, Khúc, Lý, Phùng, Kiều, Ngô, Đinh, Lê, Trần, Hồ, Mạc, Trịnh và Nguyễn. Hoặc họ là con cháu thật sự của những dòng họ kể trên, hoặc họ sử-dụng như mượn họ hoặc bị bắt buộc mang những họ đó nhưng khác họ thật.
Có gia đình tự ý đổi lấy họ đương triều để chứng tỏ sự trung thành. Có người do nhà vua ban cho như Nguyễn Trãi có lúc đổi tên là Lê Trãi theo họ nhà vua. Nguyễn Chích được vua Lê Thái-Tổ ban thưởng họ Lê thành Lê Chích. Hai anh em Đinh Lễ và Đinh Liệt đổi lấy họ cậu ruột là vua Lê Lợi thành Lê Lễ và Lê Liệt. Lê Thái-Tổ là vị vua đã ban quốc tính cho nhiều công thần nhất trong lịch sử: 221 người! Một số khác bị bắt buộc phải đổi họ của triều đại vừa bị lật đổ để lấy họ đương triều để chứng giám lòng trung thành với triều đại mới. Trong nhiều trường hợp, triều đình bó buộc dân gian bỏ họ gốc để lấy quốc tính để tránh những nhóm phản động có ý lật đổ triều đình hay làm loạn đưa người họ triều triều đại vừa bị lật đổ vào cho có lý do chính trị (ý trời, "thuận thiên"). Năm 1837, vua Minh Mạng nhà Nguyễn đã bắt những người họ Lê đổi họ thành Nguyễn chỉ vì thời đó những kẻ cầm đầu những phong trào phản động mang họ Lê như Lê Duy Lương nỗi dậy năm 1833, rồi Lê Duy Cự, Lê Duy Mật, v.v.
Riêng họ Nguyễn, còn là họ triều đại quân chủ cuối cùng, có thêm một lý do khác khiến họ này trở nên thông dụng nhưng lại khó hiểu dưới mắt người Tây phương. Năm 1232, đời Trần Thái-Tông - tức Trần Cảnh lấy Lý Chiêu-Hoàng, vua cuối cùng nhà Lý (1010-1224) bị ép nhường ngai vàng cho chồng, sau khi đã đoạt ngôi nhà Lý và dàn cảnh để chôn sống tôn thất nhà Lý ở Hoa Lâm (Bắc-Ninh), thái sư Trần Thủ Độ chú của vua chuyên quyền lấy lý do ông nội vua nhà Trần tên Lý, đã bắt tất cả những người họ Lý là họ dòng vua vừa bị hoán vị, lẩn dân gian, phải đổi làm họ Nguyễn; tuy nhiên ý đồ thật sự là khai tử dòng vua Lý để sẽ không còn ai nhớ đến dòng họ Lý nữa. Chỉ có hoàng tử Lý Long-Tường con thứ của vua Lý Anh-Tông năm 1226 trước đó đã bỏ nước ra đi lưu lạc đến tận Cao-ly, là còn giữ được họ gốc cho đến cả ngày nay. Con cháu nhà Mạc từ khi rút về Cao-Bằng, đã đổi ra nhiều họ khác nhau trong số có họ Nguyễn: Mạc Cảnh Vinh vào Nam theo Chúa Nguyễn Hoàng đã đổi tên thành Nguyễn Hữu Vinh. Sử cũng ghi nhận những việc ép đổi họ khác, như năm 1460, vua Lê Thánh-Tông đã buộc tôn thất nhà Trần tiên triều đổi họ thành Trình lấy cớ bà nội vua tức Cung Từ Hoàng Thái hậu tên Phạm Ngọc Trần - trong khi vua Lê Thái Tổ dù đa nghi vẫn chưa đụng đến họ Trần trùng tên vợ vua. Thật ra là từ khi vua Lê Nghi-Dân bị tướng lãnh phản loạn, vua Lê Thánh Tôn đâm ra lo lắng cho hậu vận nhà Lê đến lúc đó đã kéo dài được 32 năm. Mặt khác, đời nhà Trần có lệ bắt những người trong tôn-thất có tội nặng phải đổi ra họ Mai. Sau khi Hồ Quý Ly lật đổ nhà Trần cũng bắt chước lệ đó bắt tất cả con cháu họ Trần đổi sang họ Mai, nhưng vì nhà Hồ không trị vì quá 7 năm nên con cháu nhà Trần đã kịp lấy lại họ gốc.
Ngoài ra, có người cải đổi tên họ vì trốn sưu thuế, trốn lính hoặc bất đắc dĩ phải đổi lấy họ đương triều vì ông cha bị tội hình như "tru di tam tộc" - cũng là lý do tại sao ngày xưa khi đi thí phải khai họ ba đời. Có người đổi họ vì một lý do riêng tư khác. Như Hàn Thuyên vốn họ Nguyễn, được vua Trần Nhân-Tông ban cho họ Hàn vì ông làm bài văn ném xuống sông khiến cá sấu bỏ đi (1284), như chuyện Hàn Dũ bên Trung Hoa trước đó. Và vì Hàn Thuyên hay làm thơ phú bằng quốc âm nên về sau các nhà văn học sử có khi gọi thơ văn chữ Nôm là thơ văn "Hàn luật". Hoặc như Hồ Quý Ly tổ tiên gốc người Chiết Giang (Trung Hoa) sang nước ta định cư, đến tổ tiên đời thứ tư là Hồ Liêm làm con nuôi ông Lê Huấn nên đổi lấy họ Lê. Nhưng khi Hồ Quý Ly dấy nghiệp, ông lấy lại họ Hồ và đặt cả quốc hiệu là Đại-Ngu vì ông nhận là dòng dõi nhà Ngu bên Trung quốc.
Hoặc vì kiêng tên húy của vua chúa, nhiều người phải đổi họ, như ông trạng Hoàng Nghĩa Phú (1511), tổ tiên vì kiêng tên vua Lý mà đổi ra họ Trịnh, rồi lại phải đổi ra họ Trần; đến đời Trần Khắc Minh mới đổi lấy lại họ Hoàng. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ vốn họ Hồ và tương truyền thuộc dòng dõi Hồ Quý Ly, sau lấy họ mẹ là Nguyễn thành Nguyễn Quang Bình. Cùng trường hợp với Nguyễn Quang Bích là cháu đời thứ hai của Ngô Quyền.
3.2. Hoàng-tộc (patriline) nhà Nguyễn:
Phần này bàn về họ gia đình vua nhà Nguyễn (1802-1945) vì các họ thuộc về gia đình này không khỏi gây thắc mắc cho nhiều người, nhất là đối với người nước ngoài, như làm sao họ có thể hiểu cha họ Bửu mà con họ Vĩnh. Dòng chúa Nguyễn đến đời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) mới dùng chữ lót "phúc" ("phước"). Tương truyền vợ Chúa Tiên (Nguyễn Hoàng) nằm mộng thấy thần đưa một mảnh giấy ghi đầy chữ Phúc, nên Chúa dùng phúc làm tên lót để nhiều đời được hưởng - trong khi đó dòng họ Nguyễn ở lại Gia Miêu (Thanh Hóa) thì đổi thành Nguyễn Hựu. Con cháu gia đình họ Nguyễn này, từ đời Minh Mạng (còn đọc là Mệnh,1820-1841) trở đi, đã phân biệt nhau theo dòng và thế hệ bằng nhiều "họ mới" khác nhau. Theo thứ tự, con cháu cùng một đời mang cùng một họ riêng nhưng luôn hiểu ngầm là họ Nguyễn. Cứ mỗi "họ mới" là một đời, bắt nguồn từ bài "đế-hệ thi" của vua Minh Mạng, dùng cho "chánh hệ" (primary royal branch) tức dòng vua Gia Long :
Miên Hồng (Hường) Ưng Bủu Vĩnh
Bảo Quý Định Long Trường
Hiền Năng Khang Kế Thuật
Thế Thoại Quốc Gia Xương
Thí dụ:
Miên Tông (Thiệu Trị), Miên Thẩm Tùng Thiện Vương, Miên Trinh Tuy Lý Vương.
Hồng Nhậm (=Nhiệm,Tự Đức), Hồng Bảo (nổi loạn năm 1848), Hồng Dật (Hiệp Hòa).
Ưng Chân (Dục Đức), Ưng Đăng (Kiến Phúc), Ưng Lịch (Hàm Nghi), Ưng Xuỵ (Đồng Khánh), Ưng Quả, Ưng Kỳ, Ưng Thuyên, Ưng Trình.
Bửu Lân (Thành Thái), Bửu Đảo (Khải Định), Bửu Lộc, Bửu Hội.
Vĩnh San (Duy Tân), Vĩnh Thụy (Bảo Đại), Vĩnh Lộc.
Bảo Long, Bảo Quốc, v.v...
Như sẽ trình bày trong phần tiếp về chữ lót, cách định họ trước này bị ảnh hưởng của người nhà Thanh (Mãn Châu) lúc đó đang cai trị Trung Hoa. Vua Minh Mạng là vị vua nhà Nguyễn chịu nhiều ảnh hưởng của Trung quốc. Theo phong cách của những người trong giới vua chúa và quan lại nhà Thanh, một ông tổ dụng công nghĩ ra đặt sẵn chữ lót cho nhiều thế hệ nối tiếp, có khi cho là do thần truyền mộng. Đó là nguồn gốc của nguyên tắc "hệ thi" có thể dùng cho nhiều đời liên tiếp. Vua Minh Mạng với 20 "họ" là có ý mong dòng dõi trường tồn ít ra năm trăm năm, nhưng nhà Nguyễn sau ngài chỉ làm vua được năm đời mà đã lận đận phế lập, đầy ải cũng nhiều, tang thương cũng lắm!
Tuy nhiên các họ từ bài "đế-hệ thi" nói trên chỉ được dùng cho hậu duệ dòng vua Minh Mạng, vì ngoài "dế-hệ thi" vua còn làm mười bài "phiên-hệ thi" nhắm cho mười ông hoàng anh em của vua. Tưởng cũng cần biết, vua Gia Long có cả thảy 13 hoàng nam và 18 công chúa; vua Minh Mạng tên Nguyễn-Phúc Đảm là hoàng tử thứ tư và trưởng nam là hoàng tử Cảnh đã qua đời lúc trẻ tuổi. Sau khi phổ biến 10 bài "phiên-hệ thi" thì Quang-Oai Công, ông hoàng thứ 10 cũng chết trẻ, còn một số ông hoàng khác cũng tuyệt tự sớm hoặc từ đời thứ hai. Đó là lý do tại sao đến nay trong thực tế chỉ có bốn bài "phiên-hệ thi" được dùng cho hậu duệ bốn ông hoàng kể sau:
- Anh-Duệ Hoàng Thái-tử (Nguyễn-Phúc-Cảnh, hoàng trưởng-tử của vua Gia Long):
Mỹ Duệ Tăng Cường Tráng
Liên Huy Phát Bội Hương
Linh Nghi Hàm Tấn Thuận
Vỹ Vọng Biểu Khôn Quang
Hoàng-tử Cảnh mất khi 22 tuổi, ông có hai con trai: Mỹ Đường bị chú là Minh Mạng kết tội và giáng làm dân đinh, con cháu chỉ được phụ chép vào sau tôn-phả, và người con thứ hai Mỹ Thùy mất sớm. Kỳ-Ngoại Hầu Cường Để và các con ông là Tráng Cử, Tráng Liệt, Tráng Đinh rồi đời sau nữa, Liên Thành, v.v., thuộc nhánh (phòng) này.
- Kiến-An Vương (hoàng tử thứ năm):
Lương Kiến Ninh Hòa Thuật
Du Hành Suất Nghĩa Phương
Dưỡng Dĩ Tương Thức Hảo
Cao Túc Thể Vi Tường
Kiến-An quận-công Lương Viên, công tử Lương Kỳ cũng như ông Hòa Giai và các con là Thuật Hanh, Thuật Hy thuộc phòng này.
- Định-Viễn Quận Vương (hoàng tử thứ sáu):
Tĩnh Hoài Chiêm Viễn Ái
Cảnh Ngưỡng Mậu Thanh Kha
Nghiêm Khắc Do Trung Đạt
Liên Trung Tâp Bát Da
Ông Tĩnh Cơ cũng như Chiêm Nguyên và các con Viễn Ngô, Viễn Cẩm, Viễn Tống hay ông Chiêm Tân và con Viễn Bào đều thuộc nhánh này.
- Từ-Sơn Công (hoàng tử thứ mười ba):
Từ Thể Dương Quỳnh Cẩm
Phu Văn Ái Diệu Dương
Bách Chi Quân Phụ Dực
Vạn Diệp Hiệu Khuông Tương
Từ Đàn, Thể Ngô cũng như giáo sư Dương Kỵ và con là Quỳnh Trân, ông Dương Thanh và con Quỳnh Nam đều là hậu duệ con trai út của vua Gia Long.
Các bài "phiên-hệ thi" và "đế-hệ thi" đồng thời là những bài thơ chữ Hán đúng niêm luật và có ý nghĩa; các từ đều có nghĩa tốt và uyên bác - tài của tác giả là ở đó, không một chữ trùng điệp! Ở mười một bài tứ tuyệt ! Người ta vẫn tương truyền là "ngự chế" do thần mộng! Các bài này năm 1823, được vua Minh Mạng ra lệnh cho khắc lên một cuốn sách kim-loại (kim sách) bằng vàng ròng cho bài "đế-hệ thi" và mười cuốn bằng bạc (ngân sách) cho mười bài "phiên-hệ thi". Các kim và ngân sách này được bảo trì kỹ lưỡng cho đến thời Tự Đức thì phần lớn phải nấu ra kim loại để trả nợ chiến phí bốn triệu đồng cho Pháp và Tây-ban-nha theo hiệp ước Nhâm-tuất (1962). Không ai biết sự thật ra sao vì đến ngày Bảo Đại, vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn, thoái vị năm 1945, các sách kim loại này đã biến mất, chỉ còn lại vài cuốn bằng "đồng sách"(bằng đồng) và "thể sách" (bằng lụa) trong các viện bảo tàng!
Vua Minh Mạng cũng quyết định rằng hậu duệ của Triệu-tổ Tịnh Hoàng-đế Nguyễn Kim mà không phải là hậu duệ ngành vua Gia Long, tức hoàng tộc "tiền hệ", thì chỉ dùng họ "Tôn-thất" (tức Tông-thất do kỵ húy tên Miên Tông của vua Thiệu Trị). Riêng về nữ giới hậu duệ của vua Minh Mạng thì dùng các cách gọi sau đây, thay đổi theo thứ tự thế hệ:
- Công-chúa: chị em vua Minh Mạng
- Công-nữ: con của vua
- Công tôn-nữ: cháu của vua
- Công-tằng tôn-nữ: chắt của vua
- Công-huyền tôn-nữ: chít của vua
- Lai-huyền tôn-nữ: con của chít của vua Minh Mạng.
Người trong hoàng tộc thuộc "đế-hệ thi" thường không để "Nguyễn-Phúc" hay "Tôn-thất" phía trước họ mới như Bảo Long, Bửu Dưỡng, Ưng Quả,... trong khi những người thuộc "phiên-hệ thi" thì lại hay dùng "Tôn-thất" trước họ mới như Tôn-thất Viễn-Bào, Tôn-thất Dương Kỵ,...
Nói chung, các "họ mới" này giúp đoán biết người nào thuộc hoàng tộc nhà Nguyễn và là hậu duệ của ngành Gia Long, Minh Mạng hay Nguyễn Kim. Tuy nhiên, các "họ" này không thật là "họ" theo nguyên nghĩa, do đo chúng tôi sẽ không ghi vào danh sách các họ ở cuối bài. Riêng con cháu dòng nhà Lê cũng có một hệ thống tên lót "Cam, Hồng, Phước" để phân biệt thế hệ, tuy nhiên chúng tôi chưa tìm được tài liệu xác nhận (3).
(Xin mở dấu ngoặc để trả lời một số phê bình của người đọc trên một vài báo chí hải ngoại và trang Internet trong nước về điểm này. Khi chúng tôi gọi các 'họ mới' bắt nguồn từ bài "đế-hệ thi" của vua Minh Mạng là 'họ', là chúng tôi đã nghĩ đến tình cảnh sống ở hải ngoại, việc ghi họ tên của con cháu nhà Nguyễn có thể gây hiểm lầm ở các văn phòng di trú của các nước ngoài, rồi trên giấy tờ hộ tịch, ấn-phẩm, v.v. và về lâu dài các 'họ mới' như Vĩnh, Bảo, Liên, v.v. sẽ trở thành Họ, nếu 'Nguyễn Phước' chỉ được hiểu ngầm. Khác với trong nước và với người trong Hoàng-tộc, họ 'Nguyễn Phước' đã là chuyện hiểu ngầm hiển nhiên không phải bàn tới. Như vừa xác nhận, chúng tôi sẽ không ghi vào danh sách các họ ở cuối bài, tức là chúng tôi đã không xem các 'họ mới' này là Họ. Vĩnh Để, một giáo sư Triết ở Việt-Nam trước 1975, sau di cư sống ở Canada đã xuất bản luận-án và sách đều ký Nguyen Vinh-De và Vinh-De Nguyen: Le Problème de l'homme chez Jean-Jacques Rousseau (Sillery : Presses de l'Université du Québec,1991); L’être humain, thèmes et conceptions (soạn chung, Saint-Laurent: ERPI, 1999), tên họ ông có khác gì những Nguyễn Vinh Hiển (HKP), Nguyễn Vinh Quang, Nguyễn Vĩnh Phước, v.v. ở xứ người?).
3.3. Họ dân gian:
Trong số "trăm họ" hiện được dùng, có chừng 30 họ là gốc Việt hoàn toàn, lúc đầu vốn là họ bộ tộc. Chúng tôi nói "họ" Việt mà không nói "người" Việt vì đến nay, mấy ai có thể chứng minh là thuần "gen" hay "máu" Việt.
Ngược dòng lịch sử, Việt tộc xuất phát từ chủng Cổ Mã-Lai (Indonésien) và Nam-Á (austro-asiatique), đã một phần thiên cư lên miền Bắc ở đồng bằng phía Nam sông Dương-tử bên Tàu. Bị người Hán xâm chiếm, tổ tiên ta đã phải thiên cư xuống phía Nam và cuối cùng lập quốc ở vùng đồng bằng sống Hồng, Bắc Việt, vào khoảng thế kỷ thứ IV trước Công-nguyên. Từ năm 1069, người Việt tiếp tục Nam-tiến, chiếm toàn thể nước Chiêm-Thành năm 1693 và chiếm đóng phần đồng bằng phía đông Cam-Bốt tức Thủy Chân-Lạp năm 1759 vốn là địa bàn cư trú của người Cổ Mã Lai sau chuyển biến thành chủng Nam Đảo. Cuộc Nam-tiến đã dừng lại khi người Pháp chiếm đóng và thành lập Đông dương thuộc địa. Phần khác, nước ta từng bị nhà Hán và các triều đại Trung quốc sau đó đô hộ cả ngàn năm, một số quân lính sang đất Giao Chỉ rồi ở lại lập gia đình sanh con đẻ cháu. Mặt khác nữa, nước ta đã từng đón nhận nhiều người Hoa đến tị nạn hoặc di trú. Đáng kể nhất là quần thần nhà Minh tới định cư ở Nam Việt ta sau khi bị người Mãn Châu (Thanh) xâm chiếm nước họ.
Đó là lý do lịch sử của một số họ Việt gốc Hoa như Khổng, Lưu, Trương, Mai, Lâm, Lữ, Nhan, Sử, Tăng, Trịnh, Vương, v.v. hoặc gốc Miên như Thạch, Sơn, Danh, Kim, Lâm là năm họ nhà Nguyễn đã ban cho, hoặc gốc Chàm như Chế, Chiêm, v.v. hoặc họ của đồng bào thiểu số (trong nước hiện gọi là "dân tộc") như Linh, Giáp, Ma, Đèo, Kha, Diêu, Vi, Quách, Nông, Chữ, Ngân, Ông, Trà, Lang, Lục, Sầm, v.v.
4. Ý Nghĩa Họ Người Việt:
Tất cả họ Việt Nam đều có một ý nghĩa ngữ-nguyên. Trong số "trăm họ", có những họ xưa tới ba bốn ngàn năm, vào thời đại mà mỗi bộ tộc có một tượng vật riêng, hoặc cây cỏ hoặc cầm thú. Sau đó những tên biểu hiệu tượng vật đó được một số gia tộc dùng làm họ, thí dụ họ Âu. Một số khác biểu tượng nghề nghiệp như họ Đào (thợ gốm), hoặc cách sinh sống của bộ tộc, như họ Trần. Một số biểu tượng nơi bắt gốc bộ tộc hoặc gia đình. Họ lúc đầu là họ bộ tộc, đó là lý do người Anh và Pháp gọi là "patronym(e)" để phân biệt với "nom de famille / family name".
Lúc đầu được ghi chép bằng chữ Hán, sau thêm chữ Nôm rồi "quốc ngữ" hóa, họ người Việt theo dòng lịch sử bị nhiều ảnh hưởng, đã biến đổi hoặc hiểu sai lạc, khiến cho người thời nay khó hiểu được ý nghĩa sơ nguyên của họ. Cùng một phát âm như của ngày hôm nay, chưa chắc một chữ đã gợi lên cùng một ý nghĩa, như các họ Đinh hiện được hiểu là "công dân", "người". Quách nghĩa là vật chắc chắn, có sức đối kháng mà cũng có nghĩa là lớp thành ngoài. Họ Lê vốn nghĩa là "dân chúng" nói chung.
Vì những lý do đã nêu, các họ được ghi chép lại, được hiểu là phải viết như một danh từ chung, nhưng không nên hiểu là có cùng một ý nghĩa như danh từ đó. Cũng như người Pháp có các họ Boucher, Boulanger, ... có thể nguyên gốc dùng để chỉ nghề nghiệp của tổ tiên họ. Các chữ không nhất thiết phải gợi lên hành động, trạng thái hoặc đối tượng của danh từ, nhất là từ khi có chữ quốc ngữ la-tinh, các chữ gợi hình ít hơn và cũng dễ gây hiểu lầm hơn. Tên họ ghi chép trong các từ điển hiện nay nên được xem như không có ý nghĩa chắc chắn, vì thế ta không thể khẳng định họ viết như thế phải nghĩa là thế này hoặc họ đó tương đương với danh từ chung diển tả sự vật hoặc hành động.
II. Yếu Tố Tạo Thành Tên Họ Người Việt
Đặt tên cho con hoặc để gọi một người nào, người Việt vẫn dùng một họ đơn hoặc kép, một chữ lót hoặc tên đệm biểu chỉ tính giống hoặc chữ lót chung và một tên (gọi) đơn hoặc kép. Cách dùng này có từ thời lập quốc, ít ra là từ khi có sách sử và thư tịch. Tuy nhiên ngày xưa và nhất là ở một số tỉnh miền Trung, người đàn ông thường có tên họ đơn giản chỉ gồm hai thành tố mà thôi, tên và họ : Trần Điền, Bùi Kỷ, Nguyễn Du, Võ Hồng, ... Ở trên chúng tôi đã trình bày về lai lịch và các loại họ đơn và kép. Trong phần này chúng tôi nói đến các yếu tố chính gồm tên lót và tên gọi cũng như những loại tên khác người Việt vẫn dùng để cá nhân hoặc độc đáo hoá chính mình.
1. Chữ Lót:
"Chữ lót" hay "tên đệm" trong tiếng Anh thường gọi là "middle name" nhưng đúng ra phải là "pađing/qualifying name". Tiếng Pháp có thể là "nom intermédiaire" hay "mot intercalaire". Chữ lót đã được sử-dụng từ thời lập quốc xa xưa : ngư phủ Chử Cù Vân trong huyền thoại Chử Đồng-tử và công chúa Tiên Dung thời vua Hùng (2 tới 3 ngàn năm trước Công-nguyên), anh bà Triệu Ẩu (248) tên gọi là Triệu Quốc Đạt.
Chữ lót hoặc tên đệm thường được sử-dụng nhất là "văn" và "thị" phân biệt phái nam với phái nữ. "Văn" nghĩa là "người có học", "nhà nho". "Thị" có nghĩa là "đàn bà". Có thuyết lịch sử cho rằng "thị" phát sinh ra gốc họ hàng (thị tộc), có ý ám chỉ nhờ người đàn bà mà tộc họ được tồn tại và kéo dài. Theo một số nhà ngữ học, "văn" và "thị" có nghĩa là "con trai của...", "con gái của..." và là dấu vết ảnh hưởng văn hóa Mã Lai. Cách phân biệt nam nữ tiện lợi và dễ hiểu này không còn được người thời nay yêu chuộng lắm, vì người ta cho là thiếu cá tính. Do đó người Việt nay có khuynh hướng chọn những chữ lót khác, hay, đẹp và được chủ quan xem là thích hợp hơn với từng cá nhân.
Sự thay đổi này có thể có nhiều mục đích: làm rõ nghĩa tên gọi, tạo một âm hưởng dễ nghe, hoặc tạo giây liên lạc họ hàng. Ngoài "văn" và "thị", những tên lót chung thường thấy dùng là: phúc, đình, ngọc, bá, thúc, cao, công, huy, như, tường, anh, đức, sĩ, viết, quang, ...
Một loại chữ lót thứ ba dùng để chỉ thứ tự con cái cùng một gia đình và chỉ dùng cho con trai: "Mạnh" cho con cả, "Trọng" cho thứ nam và "Quý" cho con trai thứ ba trở đi. Mạnh, Trọng, Quý vốn gốc chỉ ba tháng của một mùa theo âm lịch. Cách dùng này đã thành thông thường dù nguyên gốc, "Mạnh" dùng cho con cả dòng thứ trong khi "Bá" mới là con cả dòng trưởng. Tuy nhiên Bá, Trọng, Quý còn có những nghĩa khác tùy tên gọi đi sau chứ không nhất thiết thuộc vào ý nói trên. Thí dụ Bá Tòng, Trọng Kiều (cầu nặng), Quý Châu. "Giáp" và "Nguyên" cũng thuộc loại chữ lót này, dùng để chỉ con trai đầu lòng, thí dụ : Lê Giáp Hải, Vũ Nguyên Khang.
Loại chữ lót thứ tư dùng để phân biệt các ngành cùng một gia đình gốc mà ra. "Bá", "Thúc" thường được dùng trong loại này. "Bá" dùng đặt cho con nhà bác hoặc dòng trưởng, "Thúc" con nhà chú hoặc dòng thứ. Ngoài ra, cũng cùng một mục đích kể trên, một số gia đình dùng những chữ lót khác như "Vi, Thời", "Xuân, Vũ" : Ngô Vi Thụ, Ngô Thời Nhậm và Đặng Xuân Quang, Đặng Vũ Biền.
Một số gia đình khác, thường thuộc giới quan cách, sáng chế chữ lót để phân biệt thế hệ: tất cả con cái một thế hệ sẽ mang cùng một chữ lót. Chế độ đặt tên này rất bành trướng bên Trung-Hoa trong giới quan lại, bắt chước người Mãn Châu tức nhà Thanh lúc bấy giờ. Một ông tổ dụng công đặt chữ lót cho nhiều đời nối tiếp, theo nguyên tắc "hệ thi" chúng tôi đã trình bày ở phần trên, khiến con cháu dù tẩu tán lập nghiệp phương xa cứ nhìn chữ lót là nhận được họ hàng và biết thuộc thế hệ thứ mấy để tiện bề xưng hô. Thường những chữ lót định trước này được ghi trong gia phả để con cháu đời sau biết mà theo, dưới hình thức những câu thơ 4 hoặc 5, 7 chữ. Theo thứ tự, những chữ này trở nên tên đệm. Và đến thế hệ cuối cùng, phải nghĩ ra những tên đệm khác!
Ở Việt Nam có họ Dương Khuê (Hà Đông) đã phỏng theo cách này. Ông đã đặt một bài hệ thi gồm 16 chữ, mỗi thế hệ cứ dựa vào đó mà đặt tên lót: Dương Tự Quán, Dương Tự Đề > Dương Thiệu Tống, Dương Thiệu Tước > Dương Hồng Tuân, Dương Hồng Phong, Dương Vân Hán, v.v.
Về phần phái nữ, ngoài chữ lót thông dụng "thị" còn thấy dùng những tên lót khác như "Nữ" và "Diệu", chữ lót sau thường dùng ở Huế : Lê thị Diệu Trang, ... Ở thời hiện đại, tên phụ nữ thường mất hẳn chữ lót "thị" và nhiều chữ lót khác được dùng như : ngọc, thanh, mỹ, thu, tuyết, v.v. dù các chữ lót này không hẳn chỉ dùng cho phái nữ (điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu). Nữ có thể là Vũ Ngọc Lan, Trương Thu Thủy, Nguyễn Mỹ Dung, ... trong khi Nguyễn Ngọc Sơn, ... rõ là nam giới!
2. Tên Gọi (Danh):
Tên gọi còn được gọi là "tên đẻ", đặt khi mới sinh và "tên bộ", tên ghi ở sổ Bộ. Tên, người Pháp gọi là "prénom" và người Anh, Mỹ gọi là "first name" (hay "personal name") vì đặt trước họ, trong khi người Việt cũng như nhiều dân tộc Á-đông khác, tên được đặt sau họ. Một lý do là truyền thống tôn kính gia tộc họ hàng trên trước cá nhân.
Tên thường được chọn một cách tự do hơn. Một cách tổng quát, người nhà quê và bình dân chỉ lựa một tên (đơn, tức độc văn danh), người giàu hoặc có học hoặc tự cho sang trọng hoặc học làm sang, thì có khuynh hướng đặt tên kép (song-văn thanh). Ý nghĩa tên gọi trong trường hợp sau cùng này nằm trong cả hai hoặc ba yếu tố tạo nên tên gọi. Tên gọi kép thường dễ tìm thấy trong các từ điển, thí dụ : Hào-Kiệt, Tuấn-Kiệt, Anh-Hùng, Anh-Dũng, Bạt-Tụy, Kỷ-Cương, An-Khang, Chi-Lan, Diễm-Kiều, Đoan-Trang, Tinh-Hoa, v.v.. Cùng trường hợp với một số chữ lót như "ngọc, thanh, ...", nhiều tên gọi có thể dùng cho cả nam lẫn nữ vì nói chung, toàn bộ tên họ của một người thường mới cho biết người đó là nam hay nữ : Hiền, Tuyền, Kim, Hoàng, Nhân, Thu, Diễm, v.v.
Trên lý thuyết, mỗi người có một tên gọi khác nhau. Khác, vì tùy theo tín ngưỡng hoặc tư tưởng người ta muốn gán cho tên gọi, hoặc tùy theo tính tình và trí tưởng tưỡng của người đặt tên. Mỗi người có thể đặt tên cho con cháu hoặc đổi tên mình theo ý muốn, cả những tên kỳ dị hay đặc thù không giống ai. Tên đơn giản thường thấy ở giới bình dân hoặc ở thôn quê như: Ổi, Mít, Tèo, Bướm, Tí, Hĩm, Cu, ... Nhà nào sanh con khó nuôi hoặc hay bị bệnh tật sài đẹn thường đặt cho con những tên xấu xí để "quỷ thần" tha cho như Vẹo, Đủi, Đen, ... Có người không dám đặt tên con quá hay sợ bị quở hay chê cười. Thời xưa, các cụ còn phải tham khảo các bậc túc nho hoặc biết-chữ và tỏ ra thận trọng trong việc đặt tên cho con cháu.
Tuy nhiên, theo thói tục, việc đặt tên thường được căn cứ theo truyền thống và tín ngưỡng, nhất là trên nguồn gốc và quyền lực có thể có của tên gọi. Tên gọi còn có thể diễn tả những ước ao hoặc lý tưởng đặt cho đứa trẻ mới chào đời như một thông điệp nhờ đứa trẻ tinh khiết làm người đưa tin hoặc báo tin cho đời. Từ khi hàng triệu người Việt phải bỏ nước ra đi chẳng hạn, nhiều người đặt tên cho con là Nam Quân, Phục Quốc, Hồi Hương,... cũng trong ý nghĩa đó. Nhà nhân chủng học Claude Lévi-Strauss trong La Pensée sauvage (1962) đã đề cao tầm quan trọng của ý nghĩa tiềm ẩn của tên gọi (4).
Ở hải ngoại, người Việt khi đổi quốc tịch có khuynh hướng đổi tên hoặc thêm tên gọi tiếng bản xứ, đã làm mất hẳn hay giảm đi yếu tố duy nhất và độc đáo của tên gọi. Dĩ nhiên có những tên gọi đẹp và đầy ý nghĩa trong tiếng Việt đã trở nên ... khó nghe khi phát âm theo tiếng bản xứ như Côn, Công, Dung, Dũng, Phúc, Quy, ...
Tóm một chữ, tên gọi có quan hệ đến tương lai của đứa trẻ và mọi người nói chung sẽ cùng mang tên gọi suốt đời.
Một cách cụ thể, tên gọi có thể là tên sông hồ, núi non, hoa quả, cây cỏ (Tùng, Bách, Mai, Trúc, Lan, Hòe, Quế,...), màu sắc, chim chóc hoặc cầm thú (Long, Lân, Quy, Phượng, Loan, Yến,...), bốn mùa (Xuân, Hạ, Thu, Đông), tháng, năm (Tí, Sửu, Dần. Mão, Mẹo, Thìn, Tỵ,...), ngọc quý (Pha, Châu, Ngọc, Quỳnh,...), tên thuộc về loại kim (Cương, Chung, Liệu,...), loại đá (Thạch, Bích, Thạc, Nha, Sa, ...), phúc đức, phẩm hạnh hoặc hình dung tốt đẹp (Phúc, Lộc, Khang, Ninh, Thạnh, Vĩnh, Trường, ...). Nhiều người thông hiểu chữ Hán có khuynh hướng lấy từ kinh sách, châm ngôn, điển tích hoặc đặt tên theo bộ chữ Hán. Học giả Phạm Quỳnh, tên Quỳnh thuộc bộ Ngọc, nên đã đặt tên con theo cùng bộ Ngọc : Khuê, Dao, ... Người ta cũng lấy địa danh, chổ ở, nơi sanh quán hay nguyên quán hoặc tên các nhân vật tiểu thuyết. Cũng vì lý do tôn trọng tổ tiên, mọi người đều tránh lấy tên các nhân vật lịch sử cũng như tránh lấy tên ông bà cha mẹ đặt cho con cháu, khác với người Tây phương. Cuốn gia phả là cẩm nang để con cháu tránh đặt trùng tên gọi với ông bà tổ tiên.
Về cách đặt tên trong một gia đình, có người đặt tên con cái theo vần hoặc lấy cùng một chữ cái, hoặc tất cả tên gọi các con tạo thành một ý hoặc dùng tất cả tên một loại mà đặt cho con: thí dụ tên bốn mùa, tên các phẩm hạnh (Hạnh, Nhân, Trí, Tín,..; Phước, Lộc Thọ,..) tên ngũ hành hay ngũ tinh (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ), ngũ phúc (Phú, Quý, Thọ, Khang, Ninh), tứ duy (Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ), tứ đức (Hiếu, Đễ, Trung, Tín cho con trai; Công, Dung, Ngôn, Hạnh cho con gái), tứ linh (Long, Lân, Quy, Phượng). Trở ngại là khi con sanh ra nhiều hay ít hơn bộ chữ. Và cách đặt tên này chỉ dễ dàng trong xã hội xưa "tam thê bảy thiếp" và sanh con còn là "bổn phận" của phụ nữ như ghi trong luật Hồng Đức và Gia Long cũng như đàn ông tuyệt tự còn là lỗi lớn với ông bà tổ tiên. Đời nay, người phụ nữ bình quyền, ly dị đã thành thói thường, tình gia tộc ngày càng suy yếu thì cách đặt tên này ngày càng khó thực hiện.
Một khuynh hướng đặt tên khác cũng nên ghi nhận dù không thật sự phổ biến, đó là cách đặt một tên gọi cho tất cả con trai hoặc gái, chữ lót sẽ làm phần việc phân biệt mỗi đứa con. Con gái : Hồng Ly, Mai Ly, Trúc Ly; con trai : Anh Khoa, Tuấn Khoa, v.v.
Ngoài tên bộ là tên gọi chính thức trên giấy tờ hộ tịch, người ta có thể có thêm tên tục (hai loại, domestic name và vulgar name), tên cúng cơm, tên thân mật, tên lịch sự, do chính mình hoặc do người ngoài đặt cho mình. Trước khi có tên bộ thường đã có tên tục (domestic name) để gọi trong nhà; nhất là thời xưa chỉ khi đến tuổi đi học, cha mẹ mới làm giấy tờ hộ tịch cho con, lúc đó mới chọn tên đẹp đẽ cho con - đứa trẻ lúc đó sẽ có hai tên gọi, tên tục đã có và tên gọi ở trường (name at school). Các tên tục thường nghe : Cu Tí, Cu Nhớn, Cu Tẹo, Đĩ Lớn, Đĩ Con, Đĩ Út, Tí, Ti, Bé, ... Trong Nam người ta còn gọi con theo thứ tự: Hai, Ba, Tư,.. Tên bộ cũng có thể thay đổi. Cụ Nguyễn Khuyến vốn tên Nguyễn Thắng vì rớt thi Hội năm 1865 đã xin đổi thành Khuyến. Nhà thơ sông Vị Trần Tế Xương từng đổi hai lần nhưng chỉ đổi tên lót, từ Cao thành Tế và cuối cùng là Kế.
3. Các tên khác:
Ngoài tên ra, người Việt có bút hiệu, bí danh khi cần và theo truyền thống Nho giáo và Trung-Hoa, ta còn có tên tự, tên hiệu, tên tước, tên thụy và tên đạo...
Tên tự là tên chữ, thường phải đi đôi với tên gọi (Danh) và theo kinh sách, thường là một câu chữ Nho có ý hay nghĩa lạ, như Tố-Như Nguyễn Du, Sĩ-Tải Trương Vĩnh Ký, Lệ-Thần Trần Trọng Kim, Ưu-Thiên Bùi Kỷ, Sở-Cuồng Lê Dư, Ứng-Hoè Nguyễn Văn Tố, Quán-Chi Đào Trinh Nhất, ...
Khác với tên tự, tên hiệu và bút hiệu không theo nguyên tắc đi với tên gọi mà tự do lựa chọn, tùy sở thích. Tên hiệu (symbolic name) do chính đương sự hoặc cha mẹ đặt cho, thường có ngụ ý hoài bảo, chí khí như Sào-Nam Phan Bội Châu, Ức-Trai Nguyễn Trãi, Bạch-Vân Nguyễn Bỉnh Khiêm, Tiên-Điền Nguyễn Du, Hạo-Nhiên Nghiêm Toản, hoặc nói lên gốc gác, liên hệ như Tản-Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Lương-Đường Phạm Quỳnh, ....
Bút hiệu (nom de plume, penname) là tên hiệu của người cầm bút, tự do đặt và có thể thay đổi nhiều lần hoặc dùng nhiều bút hiệu một lúc. Bút hiệu thường gồm hai chữ hoặc hơn và có thể mang hình thức của tên thật như Hồ Biểu Chánh (Hồ Văn Trung), Hoàng Cầm (Bùi Tằng Việt), Thẩm Thệ Hà (Tạ Thành Kỉnh), Cung Trầm Tưởng (Cung Thúc Cần), Dương Nghiễm Mậu (Phí Ích Nghiễm), Lý Hoàng Phong (Đoàn Tường), Tô Kiều Ngân (Lê Mộng Ngân), Nguyễn Kiên-Trung (Nguyễn Mạnh Côn), Hà Thượng Nhân (Phạm Xuân Ninh), Mai Trung Tĩnh (Nguyễn Thiệu Hùng), Vương Đức Lệ (Lê Đức Vượng), Trần Thy Nhã-Ca (Trần Thị Thu-Vân), Trần Tuệ-Mai (Trần Thị Gia-Minh), Hoàng Hương Trang (Hoàng Thị Diệm Phương), Lê Xuyên (Lê Bình Tăng), Tô Thùy Yên (Đinh Thành Tiên), Chu Vương Miện (Nguyễn Văn Thưởng), Phạm Thiên Thư (Phạm Kim Long), Trần Dạ Từ (Lê Hà Vĩnh), Võ Phiến (Đoàn Thế Nhơn), Trần Hoài Thư (Trần Quý Sách), Vũ Hạnh (Nguyễn Đức Dũng), v.v.. Bút hiệu có thể là tên địa lý như sinh quán, trường hợp của Tô Hoài, Thanh Châu, Sa-Giang Trần Tuấn Kiệt, Kiên Giang Hà Huy Hà, có khi do đảo lộn tên thật như Biển Ngũ Nhy (Nguyễn Bính, thân phụ nhà văn An Khê), Khái Hưng (Trần Khánh Giư), Thế-Lữ (Nguyễn Thứ Lễ), J. Lebai (Lê Bái), có khi có thể chỉ là tên những người thân yêu như Mai Thảo, Thế Uyên, Thanh Tâm Tuyền, thậm chí có khi do tình cờ như Tam Ích trước đã hay ký mật hiệu XXX. Nhiều nhà văn không hề dùng bút hiệu như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Thị Vinh, ... Có nhà ký tên thật nhưng lược tên gọi như Nguyễn Bính (Thuyết), Phạm Duy (Cẩn), hay lược họ như Nguyên Hồng (Nguyễn), Hữu Loan (Nguyễn), Huy Cận (Cù), Xuân Diệu (Ngô), Nhật Tiến (Bùi), Túy Hồng (Nguyễn Thị). Có người lại chỉ nỗi tiếng với tên thật như Hồ Hữu Tường, Võ Hồng, Hồ Minh Dũng, v.v. Ở hải ngoại, một nền văn học mới phát triển với nhiều cây bút mới với những bút hiệu có lẽ chỉ có trong hoàn cảnh sống ở nước người phải theo tục lệ luật pháp xứ người khi viết tên họ, do đó có bút hiệu đồng thời là tên họ : Phùng Nguyễn (Nguyễn Đức Phùng), Quan Dương (Dương Công Quan), v.v.
Riêng "biệt danh" hay "sước hiệu" (surnom, deuxième prénom, sobriquet ; nickname) thường do người khác đặt cho, gán cho và thường có ý trêu chọc hoặc miêu tả ác ý diện mạo hoặc tật xấu của người đó. Nhà văn Nguyễn Tuân có sước hiệu là "Tuân mũi to", Phạm Quỳnh "kính trắng tiên sinh", một cựu tổng thống miền Nam "tổng lì", v.v.
Tên tước hay "tước hiệu" thường được phong cho, chỉ thấy ở giới quý tộc, quan lại: Ôn-Như hầu Nguyễn Gia Thiều, Tùng-Thiện vương Miên Thẩm, v.v. Tưởng cũng cần biết là nhà Nguyễn thường dùng địa danh khi phong tước quận công hay quận vương cho công thần, thân thích.
Bí danh thường được những người làm chính trị, cách mạng và cả công an, quân đội sử dụng để bảo mật. Bí danh khác với tên "cách mạng" như của một số đảng viên cộng sản ở Việt Nam, trong thực tế là một cách đổi tên, muốn dâng hiến cho công tác hay chối bỏ quá khứ, gia đình: Lê Đức Thọ, Mai Chí Thọ, Xuân Thủy, Trường Chinh, v.v.
Trong các tên khác có "tên thụy" tức tên hèm (posthumous name). Khác với "tên cúng cơm" là tên vốn có của một người khi mới sanh hay lúc nhỏ, tên hèm là tên tự chọn khi tuổi già để dùng vào việc cúng giỗ và thờ phượng, ý là người chết sẽ biết tên mà về. Nếu không kịp tự chọn, người nhà tìm đặt cho người vừa chết để con cháu khấn vái, cúng giỗ. Tên thụy còn là tên ghi vào sớ hoặc do nhà vua truy tặng để tưởng nhớ công đức người chết. Tục lệ đặt tên thụy khởi từ đời Tây Chu bên Trung-quốc : đình thần căn cứ vào sự nghiệp hoặc hành vi, đức độ của nhà vua lúc còn sống mà đặt tên thụy cho vua. Lúc đầu thường dùng một trong bốn chữ Văn, Vũ, U và Lệ nhưng về sau chỉ dùng Vũ và Văn là hai chữ để khen. Sau lại đổi thành "miếu hiệu" như vua Gia Long có miếu hiệu Thế-tổ Cao Hoàng-đế, Tự Đức được tặng là Dực-tôn Anh Hoàng-đế, v.v.
Riêng "tên húy" tức tên phải kiêng tránh, thường là tên thành hoàng của làng xã hoặc tên của vua chúa và hoàng gia cũng như miếu hiệu, hoặc tên của quan lớn sở tại. Người dân giả lỡ trùng tên phải đổi hay đọc trại ra hay lệch đi. Phan Huy Chú vốn tên tục là Hiệu vì kiêng húy đã phải đổi thành Chú. Đời vua Minh Mạng thứ 13 (1832) còn đặt ra lệ hễ các quan cùng tỉnh trùng tên thì người kém phẩm trật phải đổi tên. Đó là lý do Cảnh đọc thành Kiểng, Thái thành Thới, Hòa thành Huề, Anh thành Yêng, v.v. Hay tìm tiếng giống nghĩa mà thay vào : Riêu thay Canh, Tập thay Học, v.v. Ngày xưa đi thi mà không biết để tránh tên húy là phạm trường qui, bị hỏng thi đã đành, có khi còn bị tù tội.
Cuối cùng là "tên đạo" : nếu theo đạo Phật là "pháp danh" (Buddhist religious name), là những tên đặt khi quy y; nếu theo Thiên Chúa giáo, có "tên thánh" (nom de baptême, patron-saint's name) khi rửa tội, thí dụ Pétrus Ký tức Trương Vĩnh Ký. Riêng tác giả Đại Nam Quấc Âm Tự Vị ghi tên thánh trước tên gọi, Huình Tịnh Paulus Của. Có ngộ nhận cho rằng tên thánh là lai căng mất gốc. Thật ra tên thánh là tên chỉ dùng trong phạm vi tôn giáo, cũng như pháp-danh của người theo đạo Phật, còn thì người theo đạo Thiên Chúa hay Cơ Đốc vẫn mang tên họ như bất cứ người theo đạo nào khác. Ngộ nhận này đã dần mất sau biến cố 30-4-1975 khi người Việt vì nhu cầu hội nhập ở nước ngoài, đã lấy cả tên gọi của người bản xứ Tomy, Bob, Catherine, Paul, Jos, v.v.
III. Tên Họ Người Việt Ở Xứ Người
Sau khi đã trình bày lịch sử, nguồn gốc và ý nghĩa họ tên người Việt, chúng tôi xin được bàn đến một số vấn đề liên quan đến việc sử-dụng tên họ và khía cạnh chính tả của tên họ Việt Nam dùng ở xứ người nói chung. Phương cách lý tưởng nhất vẫn là phép viết họ tên như ở quê nhà. Người Việt ở Pháp vẫn theo giải pháp này vì người Pháp đã quen với tên họ người mình từ thời thực dân ở Việt Nam, biết phân biệt họ với tên, nhưng cũng vì vậy mà có người lầm họ với tên...
Sau 1975, hàng triệu người Việt đã bỏ nước tới định cư ở nhiều nước khắp thế giới. Vấn đề viết tên họ được đặt ra khi hệ thống hành chánh bắt buộc và sự sử-dụng máy điện toán trở thành phổ thông. Người Việt phải thật sự đương đầu với tên họ của chính mình. Nhu cầu nảy sinh tìm hiểu tên họ, giải thích cho người bản xứ và ngay cả lựa chọn họ tên mình. Đó là chưa kể những trường hợp hy hữu phải kể cả giai thoại mới mong có người hiểu như tên họ con cháu nhà Nguyễn. Sở di trú làm sao hiểu được cha họ Vĩnh mà con ruột lại họ Bảo!
Ở Việt Nam ta vẫn có thói quen lấy tên gọi (prénom, first name) làm mốc để lập danh sách: Nguyễn An-Khang sẽ được liệt kê ở vần Kh, trước Khanh và sau Kha. Cách dùng này có từ đã mấy ngàn năm và được sử dụng trong mọi trường hợp, từ thư tịch, lịch sử cũng như sổ lương bổng, danh sách cử tri hoặc ở học đường.
Một khi ở hải ngoại, dù thế nào đi nữa, ta vẫn phải giữ lấy "họ" (family name, nom de famille) cho minh bạch. Có người cốt tránh hiểu lầm hay cốt dễ phát âm, vì muốn tránh họ một chữ cụt ngủn như "Lê", "Lý", "Đỗ", "Võ / Vũ", đã ghép tên lót vào làm họ mới : Lê Văn, Đỗ Văn biến thành "Levan", "Dovan". Phái nữ thường họ tên dài có khi gồm 4, 5 chữ, thành ra có người ghép tên lót "thị" vào làm họ : Võ Thị thành Vothi. Dễ cho người bản xứ nhưng đồng hương làm sao nhận ra nhau, nhất là người đó lại có tên gọi theo người bản xứ như Mike, André, Katherine, Joseph, v.v.! Nếu căn cước Việt-Nam đã bị vong hóa, văn hóa trước sau cũng sẽ ‘lai căng’ hoặc tệ hơn, mất dấu sau vài thế hệ!
Trong trường hợp "họ kép", ta cứ dùng họ kép như người bản xứ, đàn ông cũng như đàn bà (vì lập gia đình theo dân luật cũ), thí dụ Maurice Marleau-Ponty, Claude Lévi-Strauss, Cecil Day-Lewis, vv. Vậy Phan-Trần Nam và Đặng-Vũ Tuấn-Kiệt nên trở thành Nam Phan-Tran và Tuan-Kiet Dang-Vu. Với cách này, ta còn có thể phân biệt họ kép với họ đơn + tên lót vì tên lót vẫn nên giữ thứ tự của nó dù họ tên có phải đảo ngược theo người bản xứ: Nguyễn Thị Nhị nên trở thành Nhi Thi Nguyen.
Về họ kép, cả hai yếu tố phải viết hoa và nên dùng gạch nối. Theo lệ tổng quát và phép chính tả Việt ngữ, tất cả những yếu tố bổ túc cho nhau về ngữ ý phải viết với gạch nối, cũng như những yếu tố chính trong danh từ riêng (địa lý hoặc họ, tên) phải viết hoa. Trên nguyên tắc, "Văn", "Thị" và tất cả những chữ lót chung như "Đình, Ngọc, Xuân, Huy,..." tương đương với "von, vonder, von und zu" của người Đức, "op de, ten, van den, van der" của người Hà Lan không phải viết hoa và không được gạch nối với họ cũng như tên (nhưng vì nhu cầu thực tế, chúng tôi viết hoa trong bài này). Từ khi có chữ quốc ngữ la tinh, trên các sách báo xuất bản ở Việt Nam, các nhà văn nhà báo có thói quen gạch nối tất cả các yếu tố của họ tên, ngay cả trường hợp chỉ có 2 yếu tố như Nguyễn-Du, Phạm-Duy. Điều này nhiều nhà ngữ học Việt Nam không chấp nhận. Về ngữ ý cũng như theo truyền thống, cách dùng này rất sai lầm.
Đối với "tên kép", ta nên giữ thứ tự của cả hai yếu tố tạo thành vì trong nhiều trường hợp, nếu đảo ngược tên kép đó sẽ mất hết ý nghĩa đối với người Việt và khó mà cắt nghĩa với người bản xứ ý nghĩa tên của mình. Một khuynh hướng dung hòa dùng cả hai tên gọi kép hai thứ tiếng để con cái có thể sử-dụng theo nhu cầu ở xứ người hay sau này về nước: Catherine Hy-Khuê, Joseph An-Khang. Nói chung, ta cứ dùng "tên kép" như người bản xứ : Jean-Paul Sartre, Paule-Andrée T., Jean-Marie B.. Do đó Lê Hào-Kiệt nên viết là Hao-Kiet Lê, Nguyễn Joseph An-Khang thành Joseph An-Khang Nguyen hơn là Kiet Hao Le và Joseph Khang An Nguyen. Vũ Thị Ngọc-Lan, Trần Thị Bích-Ngọc thành Ngoc-Lan Thi Vu và Bich-Ngoc Thi Tran, tránh Bich-Ngoc Tran-thi hay Thi Bich Ngoc Tran và Lan Ngoc Thi Vu, vì Lan-Ngọc và Ngọc-Bích khác nghĩa với Ngọc-Lan và Bích-Ngọc! Cũng vậy, Cung Văn Hòa nên đổi thành Hoa Van Cung thay vì Hoa Cung Van. Riêng đối với tên họ dài như họ hậu duệ nhà Nguyễn, ta có thể viết tắt yếu tố tên đệm.
Họ tên phái nữ là một phức tạp khác. Khác với người Tây phương, người đàn bà Việt Nam dù đã lập gia đình vẫn sử-dụng tên họ con gái trên giấy tờ hộ tịch, hành chánh và thư từ, dù ngoài đời họ vẫn thường được gọi theo tên gọi của chồng, nhất là trong giới trí thức và chính trị gia: bà giáo sư Tăng Xuân An, bà đại sứ Trần Văn Chương, v.v. . Người đàn bà Tây phương từ xưa đến gần đây đã không có những "quyền lợi" đó của nữ giới con Rồng cháu Tiên, họ phải đổi lấy họ chồng một khi lập gia đình. Mọi người chỉ biết họ qua họ chồng, dù làm thủ tướng và dù đã ly dị. Khi các bà khám phá gì mới cho nhân loại hay ra luận án tiến sĩ, người ta cũng chỉ biết họ qua tên chồng: bà Marie Curie, mấy ai biết họ bà là Sklodowska và là người Ba-lan!
Mấy thập niên gần đây, dưới áp lực của các phong trào đòi bình quyền của nữ giới, dân luật nhiều quốc gia đã bắt đầu cho các bà đổi lấy họ thời con gái và còn đi xa hơn khi không còn bắt phải có tên cha cho đứa trẻ sơ sinh và đứa bé có thể lấy họ mẹ. Nữ giới Việt Nam đến xứ người đông đảo vào cuối thời thịnh đạt của chế độ tộc trưởng, phải theo luật xứ người mà mất họ gốc, từ nay có thể đổi lấy lại họ thời con gái. Sau hơn hai thập niên, người Việt ở khắp thế giới đã đi vào thống kê và nghiên cứu của xã hội người. Ở Canada mới đây, Sở thống-kê tỉnh bang Québec nghiên cứu về họ tên trẻ sơ sanh ở thành phố Montréal độ hơn hai triệu dân: năm 1996, họ Nguyễn đã là họ dẫn đầu với 96 trẻ, vượt hẳn các họ truyền thống và "pure laine" của dân bản xứ như Tremblay (50), Gagnon (50) hay Roy (60) (trên 22695 trẻ sơ sanh và 14 ngàn họ khác nhau, và với 105 bà mẹ họ Nguyễn, 9 đứa trẻ mang họ khác họ Nguyễn) (5). Họ Nguyễn trở thành nỗi tiếng và bình dân khi nói đến người Việt, một chương trình truyền hình cũng ở Canada có tựa đề là N'guyen.
*
Ở Việt Nam khó mà nói rằng người mình lầm lộn nhau vì tên họ hiểu theo nghĩa rộng. Họ được bổ túc bởi tên gọi và chữ lót chung hoặc tên thế hệ, luôn tạo thành một đơn vị độc đáo. Một lớp học có thể có nhiều học sinh tên Hùng, nhưng khác họ và tên lót. Ngoài ra ta còn có nhiều cách để phân biệt nhau tùy hoàn cảnh, bằng nguồn gốc địa lý, bằng chức tước, địa vị xã hội, bằng lãnh vực chuyên môn hay nghề nghiệp, bằng diện mạo, gốc gác, cha mẹ, họ hàng, v.v. Họ tên thoạt mới xem là chuyện cá nhân, gia đình và dòng họ, nhưng đây còn là một đặc điểm văn hóa xã hội, nhân chủng của người Việt. Mỗi cá nhân có quyền có họ tên thì cũng có quyền được mọi người tôn trọng, đưa đến vấn đề không được ghi sai, gọi sai.
Hoàn cảnh sống mới ở xứ người đặt người Việt trước những lựa chọn khó khăn về văn hóa. Hội nhập hay giữ bản sắc nguồn cội ? Uốn theo tục người hay nên giữ phong hóa dân tộc ? Nên "Pháp hóa" / "Anh hóa" tên Việt như đã từng xảy ra với những người Do thái và Đông Âu ở Pháp hay Bắc Mỹ (6). Thiết tưởng sự sống còn của văn hóa Việt Nam ở ngay những đặc điểm Việt. Một trong những đặc điểm đó là tên họ Việt Nam. Làm sao giữ được tên họ tức gốc nguồn thì ta vẫn là ta. Nếu để mất gốc, mình sẽ hết là mình mà ta cũng chẳng còn là ta - người viết từng bị shock mỗi khi biết được tính danh mới của những người nỗi tiếng hoặc quen thuộc ở trong nước. Dù biết có người muốn quên hoặc chối bỏ quá khứ và cái gì rồi cũng quen, chúng tôi vẫn thấy có cái gì không ổn. Tên họ vừa là vốn liếng văn hóa vừa là ký hiệu làm người. Họ tên là yếu tố văn hóa nền tảng của một dân tộc và là báu vật văn hóa mà tổ tiên đã để lại cho con cháu, nhất là tổ tiên Việt Nam đã luôn ở vào thế chẳng đặng đừng, bị động, luôn bị xâm lăng và thu hút bởi những nền văn hóa vừa mạnh vừa bạo như Hoa Ấn lân bang và Tây phương thực dân. Ngày nay con cháu Việt đang phải chịu nhận văn hóa người và ở ngay trên lãnh thổ của người! Hy vọng một số ý kiến đã trình bày sẽ giúp ích cho người Việt trong việc sử-dụng, cải đổi hay vay mượn tên họ nơi xứ người.
Tham Khảo:
- Dã Lan Nguyễn Đức Dụ. Gia-Phả: Khảo Luận Và Thực Hành. Hà Nội : Văn Hóa, 1992. 402 tr.
- Lê Trung Hoa. Họ Và Tên Người Việt Nam. Hà Nội : Khoa-học xã hội, 1992. 139 tr.
- Nguyễn Vy-Khanh. "Les patronymes vietnamiens" Terre Froide / Đất Lạnh, printemps 1981, p. 23-29; "Tìm hiểu tên họ người Việt" Vietnamologica, no 1, 1995, p. 143-163 (Khoi N. Tran, Claireau Consulting lược dịch "Vietnamese Names"); "Les noms des Vietnamiens" Vietnam Et Culture, 1-1998, p. 35-42.
- Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu. Đất Lề Quê Thói. Sài Gòn, 1970. Sống Mới tái bản, 197?, 540 tr.
- Phan Kế Bính. Việt Nam Phong Tục. Sài Gòn : Phong Trào Văn Hóa, 1970. 370 tr.
Chú thích:
(1) Dã lan NĐD, Sđd, tr. 26.
(2) Dã Lan NĐD, Sđd, tr. 200.
(3) Huard, Pierre & Maurice Durand. Connaissance du Vietnam. Paris: Imprimerie Nationale, 1954, p.93.
(4) "Les noms étaient toujours significatifs de l'appartenance à une classe, actuelle ou virtuelle, qui peut être seulement celle de celui qu'on nomme ou celle de celui qui nomme..." (Paris: Plon, 1962, p. 245).
(5) Duchesne, Louis. "Vers un système matrilinéaire? Le choix du nom de l'enfant au Québec" Communication au Colloque Le Patronyme, histoire-anthropologie-société des 11e Entretiens du Centre Jacques-Cartier, Lyon, 7 au 9 décembre 1998.
(6) Thí dụ ở Pháp đã có những đạo-luật bắt Pháp hóa tên Do-thái (décret 28-7-1808) hay tên họ ngoại nhập (loi 25-10-1972). Họ tên người Ý, Tây-ban-nha, Bồ-đào-nha, Ba-lan và ả-rập cũng từng bị cưỡng bách Pháp hóa.
Danh sách các Họ người Việt-Nam:
A An, Âu B Bạc, Bạch, Bành, Bế, Biện, Bùi C Ca, Cái, Cam, Cao, Cát, Cầm, Cấn, Cù, Chế, Chiêm, Chu (Châu), Chung, Chử, Cung D Danh, Diệp, Diêu, Doãn (Roãn), DU (Dzư), Dương, Đái, Đàm, Đào, Đặng, Đèo, Đinh, Đoàn, Đô, Đồ, Đỗ, Đồng, Đống G Giang, Giáp H Hạ, Hàn, Hoa, Hoàng (Huỳnh), Hồ, Hồng, Hùng, Hứa K Kiên, Kiều, Kiểu, Kim, Kỷ, Kha, Khiêu, Khiếu, Khổng, Khu, Khuất, Khúc, Khương, Khưu L La, Lã (Lữ), Lai, Lại, Lang, Lâm, Lê, Linh, Lộ, Lợi, Lục, Lương, Lưu, Lý M Ma, Mã, Mạc, Mai, Mạnh N Ninh, Nông, Nghiêm, Ngạc, Ngân, Ngô, Ngụy, Nguyễn, Nhan, Nhữ O Ông P Phạm, Phan, Phí, Phó, Phù, Phùng Q Quách, Quan, Quản S Sầm, Sơn, Sử TTạ, Tăng, Tiêu, Tô, Tôn, Tống, Từ, Tường, Thạch, Thái, Thang, Thành, Thẩm, Thân, Thiều, Thục, Trà, Trang, Trần, Triệu, Trịnh, Trình, Trưng, Trương U Ung, Uông, Uyển, Ưng V Vạn, Văn, Vi, Viêm, Vòng, Vũ (Võ), Vương X Xuân.
No comments:
Post a Comment