Friday, December 7, 2012

Tiếu ngạo giang hồ

Gút thắt nghiệp chướng trong Tiếu Ngạo Giang Hồ

Bài nói chuyện của thầy Hằng Trường, do Xuân Dung ghi lại

Tiếu Ngạo Giang Hồ là một bộ “kiếm hiệp” phóng khoáng, hay và vui nhứt trong những bộ truyện của Kim Dung. Nếu nói là xem bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ học được điều gì, tu hành được cái gì thì chưa thể nói được, nhưng ít ra mình có thể rút ra một triết lý. 
Tất cả các truyện đều bắt nguồn từ một gút thắt, và từ gút thắt đó, mọi chuyện mới xảy ra. Hôm nay thầy xin dùng nhãn quan của nhà Phật, nhìn vào bộ truyện này để thử coi mình học được cái gì, tìm ra gút thắt của nó là cái gì. Bác lấy một sợi dây làm một cái gút, rồi một cái gút nữa, rồi một cái gút nữa. Cái gút đầu mình mở ra dễ lắm. Nếu mình cột hai cái gút vào với nhau, mở ra đã thấy hơi khó. Bây giờ cột chặt 15 gút vào với nhau, thì không mở ra được. Một sợi dây dài bây giờ ngắn lại và thành một cục, rất phiền. Nhìn nút thắt, chúng ta nghĩ ra rằng trong cuộc đời mình cũng tạo ra nhiều nút thắt, và những nút thắt tạo ra cái mà mình gọi là nghiệp chướng. Đức Phật thường nói là nút thắt nghiệp chướng, ý nói mình hãy cẩn thận.
Những câu truyện dài vô tận của Kim Dung, như bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ này, có điểm hay là không kể lại truyện trong một hai ngày như phim xinê. Nhiều phim chỉ kể câu truyện trong năm, bảy ngày thôi, nên mình không thấy được cái nhân quả, không thấy được chuỗi dài những diễn biến đó ở trong một quan hệ nhân quả với nhau. Kim Dung viết một câu truyện diễn ra trong nhiều năm, nhiều tháng và gần như là nhiều đời, khiến mình nhìn thấy nhân quả một cách dễ dàng hơn. Vì vậy, cái đẹp của truyện Kim Dung là khiến mình suy nghĩ nhiều hơn về cuộc đời. Người ta năm năm trước như thế này, nhưng mười năm sau sẽ như thế kia. Khiến mình trầm tư mặc tưởng, hiểu ra rằng té ra cuộc đời có những nhân quả cần phải chú ý. Một điểm hay nữa của Kim Dung là có triết lý nằm bên dưới nhân quả, và có ý nghĩa.

Tóm tắt cốt truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ 
(Trích từ Wikipedia tiếng Việt)

Tịch Tà kiếm pháp
Mọi tranh chấp trong Tiếu Ngạo Giang Hồ đều bắt nguồn từ những huyền thoại về Tịch Tà kiếm pháp của họ Lâm (Lâm Viễn Đồ). Trong quá khứ, Lâm Viễn Đồ là một nhà sư pháp danh là Độ Nguyên thiền sư, là đệ tử của Hồng Diệp thiền sư. Sau đó vô tình nhận được một phần bí kíp Quỳ Hoa bảo điển ở phái Hoa Sơn từ Mẫn Túc và Chu Tử Phong, ông đã hoàn tục, rời chùa Thiếu Lâm, lập gia đình, lập ra Phước Oai tiêu cục.
Ông trở thành một cao thủ kiếm thuật, sử dụng 72 đường kiếm gọi là Tịch Tà kiếm pháp đánh bại nhiều cao thủ (trong đó có đệ nhất kiếm thuật Trương Thanh Tử thuộc phái Thanh Thành) nên bí kíp Tịch Tà kiếm pháp đã khiến nhiều nhân vật giang hồ thèm muốn. Tuy nhiên, Lâm Viễn Đồ hiểu tác hại của Tịch Tà kiếm pháp nên đã không cho con cháu mình luyện tập.
Đến đời cháu của Lâm Viễn Đồ là Lâm Chấn Nam làm chủ Phước Oai tiêu cục, phái Thanh Thành mà lúc đó đứng đầu là Dư Thương Hải đã tàn sát cả Phước Oai tiêu cục (lấy cớ báo thù cho con trai y), bắt cóc hai vợ chồng Lâm Chấn Nam nhằm chiếm đoạt Tịch Tà kiếm phổ. Con trai của Lâm Chấn Nam là Lâm Bình Chi đã lưu lạc giang hồ để báo thù và gia nhập phái Hoa Sơn, một môn phái trong liên minh Ngũ Nhạc kiếm phái (thực ra là dưới vở kịch được dàn dựng của Nhạc Bất Quần, chưởng môn phái Hoa Sơn).

Khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ
Tiếu ngạo giang hồ là tên bản nhạc cầm tiêu hợp tấu do hai người là Lưu Chính Phong phái Hành Sơn (cao thủ thổi tiêu) và Khúc Dương của Nhật Nguyệt thần giáo (cao thủ chơi thất huyền cầm) cùng nhau sáng tác. Hai người kết bạn tri kỷ, Lưu Chính Phong định ở ẩn để cùng Khúc Dương tiêu dao nhưng đã bị phái Tung Sơn ngăn trở, giết chết cả gia đình và đánh cả hai trọng thương. Bản nhạc là sự kết hợp những đối cực bi và hùng, u uẩn mà cao khiết, trầm và bổng, lai láng tình nghệ sĩ mà xuất thần về kỹ thuật như thể trong "nhạc" có "người", trong "người" có "nhạc".
Trước khi chết, cả hai đã cùng nhau chơi lần cuối bản nhạc, sau đó khẩn cầu Lệnh Hồ Xung lưu truyền hậu thế bản nhạc này, rồi cùng nhau chết ở núi Hành Sơn. Cũng đồng thời, ở núi Hành Sơn, vợ chồng Lâm Chấn Nam trước khi chết đã nhờ Lệnh Hồ Xung căn dặn Lâm Bình Chi không luyện tập bí kíp Tịch Tà kiếm pháp mà tổ tiên đã truyền lại.

Độc Cô cửu kiếm
Lệnh Hồ Xung là nhân vật chính của tiểu thuyết, khi xuống thành Hán Dương, đã cứu Nghi Lâm, ni cô phái Hằng Sơn khỏi tay Điền Bá Quang, được truyền lại khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ, trở về núi Hoa Sơn đã bị sư phụ mình là Nhạc Bất Quần phạt trên núi sám hối. Ở đó, Lệnh Hồ Xung đã có duyên được thái sư thúc tổ của mình là Phong Thanh Dương truyền thụ Độc Cô cửu kiếm, bí kíp kiếm thuật tối thượng. Từ đây, Lệnh Hồ Xung trở thành cao thủ đệ nhất, đánh bại mọi cao thủ bằng kiếm thuật. Lệnh Hồ Xung vô tình bị Đào cốc lục tiên gây trọng thương mất hết nội lực, kiệt sức gần chết, phải lưu lạc giang hồ.

Tranh đoạt Tịch Tà kiếm phổ
Lệnh Hồ Xung bị đồng môn hiểu lầm là chiếm đoạt Tịch Tà kiếm phổ, tư thông với Nhật Nguyệt thần giáo (bị giới chính giáo gọi là Ma giáo) và bị đuổi khỏi phái Hoa Sơn. Trên đường lang thang giang hồ, chàng đã trở nên nổi tiếng nhờ dùng Độc Cô cửu kiếm đánh bại nhiều cao thủ, kết bạn với nhiều kỳ nhân dị sĩ trên giang hồ và đặc biệt là yêu Nhậm Doanh Doanh, con gái của giáo chủ Nhật Nguyệt thần giáo Nhậm Ngã Hành, vô tình bị rơi vào những âm mưu tranh đoạt Tịch tà kiếm phổ của các môn phái.

Vang khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ
Cuối cùng, Lệnh Hồ Xung và Nhậm Doanh Doanh đã trở thành những truyền nhân thực sự của khúc Tiếu Ngạo giang hồ, Doanh Doanh thổi tiêu, Lệnh Hồ Xung sử dụng đàn cầm, cùng nhau hợp tấu. Cả hai đã vượt qua nhiều sóng gió giang hồ, phá những âm mưu đen tối của nhiều nhân vật, đem lại hòa bình cho giang hồ. Đoạn kết, cả hai cùng nhau ngao du sông núi, cùng nhau tấu khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ.
Lệnh Hồ Xung: Là nhân vật chính của tiểu thuyết. Lệnh Hồ Xung vốn là đứa trẻ lang thang không gia đình, được vợ chồng chưởng môn Nhạc Bất Quần - Ninh Trung Tắc đem về nuôi nấng từ nhỏ và trở thành đại đệ tử của chưởng môn Nhạc Bất Quần. Lệnh Hồ Xung bản tính chính trực, ngay thẳng, thông minh tuyệt đỉnh, nhưng lại ham mê uống rượu, có lối sống lãng tử, thích tự do. Lệnh Hồ Xung xả thân cứu tiểu ni cô Nghi Lâm phái Hằng Sơn khỏi bàn tay của Điền Bá Quang, rồi vô tình phạm môn quy và cũng nhờ đó gặp kỳ duyên được thái sư thúc Phong Thanh Dương truyền cho kiếm thuật kì diệu Độc cô cửu kiếm và trở thành một tay kiếm thủ hầu như không có địch thủ.
Chàng lang thang giang hồ, kết bạn với đủ các thành phần từ tà đến chính, truyền bá khúc Tiếu ngạo giang hồ, được các hào sĩ giang hồ kính trọng. Lệnh Hồ Xung bị chính sư phụ của mình là Nhạc Bất Quần đổ oan là ăn cắp Tịch Tà kiếm phổ, bị nhiều người hiểu lầm và bị trọng thương nặng gần chết. Trên đường lang thang giang hồ, chàng kết bạn với Nhậm Doanh Doanh và sau đó yêu nàng, cùng nàng cầm tiêu hợp tấu khúc Tiếu ngạo giang hồ, hóa giải những hiểu lầm, chém giết trong giới giang hồ đầy sóng gió, phá tan những âm mưu đen tối của giang hồ.
Lệnh Hồ Xung ban đầu yêu nàng Nhạc Linh San, nhưng sau khi nàng hờ hững với chàng, chàng đã thất tình không muốn sống, phiêu bạt giang hồ, vô tình kết duyên cùng Thánh cô Ma giáo Nhậm Doanh Doanh, và trở thành truyền nhân đắc ý của 2 bí kíp tối thượng: bí kíp kiếm thuật Độc Cô cửu kiếm và khúc nhạc kỳ diệu Tiếu ngạo giang hồ. Trên quãng đường phiêu bạt giang hồ, Lệnh Hồ Xung đã sử dụng Độc Cô cửu kiếm đánh bại hầu hết các cao thủ kiếm thuật, vô tình luyện thành môn Hấp tinh đại pháp, đồng thời cũng có duyên được truyền thụ bí kíp nội công thượng thừa của phái Thiếu Lâm là Dịch Cân kinh.
Nhạc Bất Quần: Là chưởng môn nhân phái Hoa Sơn, sư phụ của Lệnh Hồ Xung. Nhạc Bất Quần là đại diện tiêu biểu của phái Khí Tông trong Hoa Sơn với môn Tử Hà thần công. Nhạc Bất Quần có ngoại hiệu là Quân Tử Kiếm, nhưng kỳ thực là một kẻ ngụy quân tử, miệng nói điều nhân nghĩa lễ trí tín nhưng trong bụng thì ngấm ngầm tiến hành những âm mưu thủ đoạn để chiếm đoạt Tịch Tà kiếm phổ: dựng màn kịch để lừa Lâm Bình Chi vào phái Hoa Sơn, dùng con gái làm mồi nhử để độc chiếm Tịch Tà kiếm phổ, đổ vạ lên đại đệ tử Lệnh Hồ Xung, ngấm ngầm hạ độc thủ giết hai vị sư thái phái Hằng Sơn, hại chết vợ, ham muốn quyền lực, thủ đoạn tàn nhẫn...
Nhạc Bất Quần dù đoạt được Tịch Tà kiếm phổ, nhưng phải dẫn đao tự cung (tự hoạn mình) để luyện, đánh bại Tả Lãnh Thiền để đoạt chức chưởng môn Ngũ Nhạc phái, nhưng cuối cùng vẫn phải bại trận dưới Độc Cô cửu kiếm của Lệnh Hồ Xung, bị buộc uống Tam thi não thần đan, bị chết dưới tay ni cô Nghi Lâm phái Hằng Sơn. Nhạc Bất Quần là đại diện tiêu biểu của những kẻ tiểu nhân, ngụy quân tử, nhiều tham vọng quyền lực chính trị.

Gút thắt nghiệp chướng của Tiếu Ngạo Giang Hồ

Câu hỏi đầu tiên là gút thắt nào tạo ra diễn biến của cuốn sách này? 
Gút thắt có hai thứ. Một là mốc thời gian, thí dụ mình nói, ngày hôm nay tôi bị đụng xe, ngày hôm sau tôi vô nhà thương, ba năm sau thì tôi lấy vợ, bốn năm sau tôi có con... Hai là cái gút là làm cho rối bời lại. Có người nói cái gút thắt là diễn biến. 
Nhưng theo con mắt nhà Phật, thì gút thắt chính là bản thân người đó. Cái tâm tạo ra gút thắt chớ không phải diễn biến thời gian, không phải là cái sự kiện hiện ra trong lịch sử. Như vậy cả câu truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ này, gút thắt nằm ở chỗ nào? Xin thưa rằng gút thắt nằm ở con người của ông Nhạc Bất Quần, ở tâm ông Nhạc Bất Quần; trên vũ trụ quan, sự suy nghĩ của ông Nhạc Bất Quần. Nói tóm gọn lại, gút thắt là ông Nhạc Bất Quần. Chữ Nhạc này có nghĩa là hòn núi, Bất là không, Quần là hợp quần; Bất Quần là không hợp với những người xung quanh, không vị tha. Nhạc Bất Quần là hòn núi đứng lẻ loi một mình, trông không đẹp. 
Thường núi đứng thành dãy trông đẹp hơn. Một hòn núi lẻ loi đẹp cỡ nào trông cũng không hùng vĩ, chỉ cao hơn mặt đất một chút. Người ta thường nói một bức tranh sơn thủy đẹp là vì núi non trùng trùng điệp điệp. Còn một hòn núi lẻ loi cũng giống như con người là một hòn đảo vị ngã. Do đó, từ cái tên này, Kim Dung đã vẽ ra một câu truyện mà gút thắt là sự vị ngã, ích kỷ, chỉ biết có mình mà thôi. Tìm hiểu sâu hơn để biết gút thắt vị ngã này nằm ở đâu. Thưa các bác, vị ngã này ở ba chỗ mà kinh nhà Phật gọi là Thể, Tướng và Dụng. 
Thể, Tướng và Dụng là thuật ngữ nhà Phật dùng thường xuyên, đầu tiên là trong sách luận của ông Mã Minh bồ tát. Ông Mã Minh bồ tát viết bộ Đại Thừa Khởi Kinh Luận đã lý luận rằng mình có thể tìm thấy Phật tánh ở trong Thể, Tướng và Dụng. Thể là bản thể, bản tánh của mình; Tướng là hình tướng, cái mà mình có thể thấy hiện ra bên ngoài, hình tượng bên ngoài; Dụng là khả năng, chuyện làm việc của một con người, của Phật tánh. Thí dụ: Phật tánh khiến mình có tình thương, có hướng thiện, làm những điều lành, những chuyện mình biết theo điều lành để cải thiện... 
Nếu muốn hiểu ông Nhạc Bất Quần thì có thể theo lý luận của ông Mã Minh bồ tát, nhìn vào Thể, Tướng, Dụng. 
1. Thể: ông Nhạc Bất Quần là một người hữu tâm
2. Tướng: ông là một người hữu cầu
3. Dụng: ông là một người hữu chiêu

Thể: Hữu tâm
Ông Nhạc Bất Quần không phải là một người sống cho người khác. Không, ông chỉ sống với một bản tánh đầy tâm cơ, mưu mô, tính toán. Ông thù dai, để bụng, nhưng không hề lộ ra ngoài. Ông là một người thâm hiểm vô cùng nhưng nhìn bề ngoài, không ai thấy. Bởi ông rất đường đường đạo mạo, ăn mặc trang nghiêm, đi đứng mẫu mực. Đó là điều cho mình thấy âm dương lý luận: bản tánh thâm hiểm nhưng bên ngoài trông lại đẹp đẽ. Mình gọi là người hữu tâm, người có mưu trí chớ không phải giản dị, nhẹ nhàng. Đó là phần đầu tiên của bản tánh vị ngã. Người có bản tánh này lúc nào cũng có mưu cơ, cũng nào cũng tính toán cả. Đó là hình ảnh ông Nhạc Bất Quần

Tướng: Hữu cầu
Hữu cầu là chí hướng của ông muốn đoạt cho được võ công trong Quỳ Hoa Bảo Điển, một môn võ công cao nhất. Chí hướng này hoàn toàn cho ông mà thôi. Ông muốn đoạt Quỳ Hoa Bảo Điển để thành minh chủ của võ lâm. Thưa các bác, khi nói tới cái tướng hữu cầu này, đúng là mình nói tới cái gút thắt của cả câu truyện. Nếu lấy cái gút thắt này ra thì toàn câu truyện sẽ sụp đổ, mình sẽ không có Tiếu Ngạo Giang Hồ. Tức là cái nhân của truyện này là lòng muốn phục hưng phái Hoa Sơn của ông Nhạc Bất Quần, muốn trở thành minh chủ võ lâm của ông Nhạc Bất Quần, lòng muốn báo thù. Ngày xưa ông Nhạc Bất Quần thuộc về nhóm Khí Tông của phái Hoa Sơn. Phái Hoa Sơn phân ra làm Kiếm Tông và Khí Tông. Ông thuộc về Khí Tông nhưng bị nhóm Kiếm Tông đánh bại nên ông rất căm thù; và đồng thời ông muốn trở thành một nhân vật đại danh. Ba chuyện: phục hưng, báo thù và thành danh đều vì lòng vị ngã chứ không phải vì mục đích chi khác. Đó là cái nhân của câu chuyện, vì cái nhân này mà có Tiếu Ngạo Giang Hồ.
Kết cục của câu chuyện này là đưa tới sự sụp đổ. Vì sao? Ông hại mạng ông, ông hại vợ con chết, cả tông phái sụp đổ. Cho nên người ta có nói “sức mạnh, quyền lực sẽ khiến mình sụp đổ toàn diện”. Vì vậy, chữ “hữu cầu” là nút thắt của cả truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ.

Dụng: Hữu chiêu
Có nghĩa là khả năng của ông Nhạc Bất Quần. Ông tìm được phương pháp Tịch Tà Kiếm Pháp, trong Quỳ Hoa Bảo Điển. Tịch Tà kiếm pháp dựa vào những chiêu thức tuyệt nhanh, càng đánh mau thì càng thắng. Ông không hề vượt ra khỏi chiêu số, ông tôn trọng những chiêu số này. Các bác biết, khi mình có lòng tư lợi vị kỷ, nhiều khi mình đi ngược lại với những giá trị mà mình hằng tin tưởng. 
Trước đây ông Nhạc Bất Quần lớn lên và sống theo môn phái Khí Tông. Khí Tông là khi đánh kiếm mình dùng sức mạnh của chân khí để vận dụng cây kiếm, mình không dùng sự biến hóa vô vàn của lưỡi kiếm. Khi ông học môn Tịch Tà Kiếm Pháp thì ông đi ngược lại. Ông sử dụng chiêu số mau chóng mà không cần nghĩ tới nội lực, có nghĩa là tự mình mâu thuẫn với chính mình. 
Vì sao vậy? Vì mình muốn thỏa mãn dục vọng của mình. Chuyện này xảy ra nhiều lắm. Thí dụ mình thầm nhủ nhất định không ăn mặn, tôi xuất gia, tu hành nên không ăn mặn. Mình nói vậy đó, nhưng một ngày đẹp trời, mình muốn được hưởng mùi vị thơm ngon của cái đùi gà, mình sẽ len lén đi nhà hàng ăn một cái đùi gà, chẳng ai biết cả. Những người như ông Nhạc Bất Quần có sự mâu thuẫn đó. Ông không phải là người đạo đức giả, nhưng vì lòng hữu cầu quá nhiều, quá nặng, quá lớn; nên ông có thể hy sinh giá trị nhân bản của mình. Vì sự hy sinh này mà ông trở thành con người giả dối, người hai mặt. Nhưng đó không phải là bản tánh bẩm sinh của ông. Không, ông sinh ra là con người tu hành đàng hoàng, được làm chưởng môn. Khi là chưởng môn rồi, ông lại tự mâu thuẫn với chính mình bởi lòng mong cầu quá lớn. Ông không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào để đạt được mục tiêu cuối cùng là làm giáo chủ hay minh chủ võ lâm.

Thưa bác, đó là gút thắt của toàn câu truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ. Gút thắt này khác với câu truyện Thiên Long Bát Bộ, tức là câu truyện về ba anh em Đoàn Dự, Tiêu Phong và Hư Trúc. Một ngày đẹp trời nào đó, thầy sẽ nói cho các bác nghe con mắt của Phật giáo nhìn những câu truyện này như thế nào. Đồng thời mình sẽ so sánh bộ này với bộ Anh Hùng Xạ Điêu và Thần Điêu Đại Hiệp, hay là Tuyết Sơn Phi Hồ hay ngay cả Lục Đỉnh Ký, thì các bác sẽ thấy cái gút thắt ở mỗi chỗ một khác nhau. Nhưng cái gút thắt ngay bây giờ trong câu truyện này là lòng vị ngã của Nhạc Bất Quần. Ông ta kiêu ngạo - bất quần mà, không sống chung được với quần chúng, không thể vị tha được, và có lòng mong cầu muốn thành danh, trả thù, phục hưng. 

Chiêm nghiệm cuộc đời
Khi đã hiểu nút thắt rồi, mình hãy ngồi suy nghiệm lại cuộc đời mình, từ lúc 30 tuổi, rồi 35 tuổi, 40 tuổi, 45, 50 hay 60, 70 tuổi. Hãy tự hỏi bây giờ mình làm gì, tên gì, đang đứng ở đâu, sống như thế nào, có nhiệm vụ với người khác như thế nào? Hãy thử đặt những điều này lên bàn và tự hỏi tại sao mình tới được chỗ này. Chỗ này là kết quả của mấy chục năm mình tạo ra. Đời mình bây giờ là do mình đã mở được gút thắt nào đó và do đó mình tới được chốn này, mình cảm thấy hạnh phúc. Nếu không cảm thấy hạnh phúc mà thấy đau khổ thì chắc chắn trong quá khứ mình có nhiều gút thắt lắm. Nhưng nếu ngay bây giờ mình cảm thấy vui sướng hạnh phúc, mình nói “tôi sống trong sung sướng vui vẻ”, thì chắc là mình đã mở nhiều gút thắt rồi. 
Gút thắt có thể chưa đủ chặt để khiến mình đau khổ, gút thắt có thể chặt quá làm cho cổ mình nghẹt thở vô cùng. Ngay chỗ này, chưa cần đi sâu xa thêm nữa, hãy ngồi suy nghĩ về những gút thắt trong quá khứ. Nhưng làm sao tìm được những gút thắt trong quá khứ? Chuyện gì mình gọi là hữu tâm tính toán, mong cầu? Chuyện gì mình gọi là hữu cầu, tức là chí hướng rõ ràng mà mình muốn thành đạt? Đạt được cái gì và chiếm đoạt cái gì? Mình có hữu chiêu hay không? 
Kiếm có chiêu số và mình chỉ để ý vào chiêu số, đó là hữu chiêu. Trong cuộc sống, hữu chiêu là mình có cái nghề của mình, mình sử dụng nghề này như một chiêu số. Mình giữ những chiêu số đó đến nỗi nghĩ rằng giá trị của mình ở trong chiêu số, chớ không phải ở nhân bản. Mà thực ra, giá trị nhân bản phải là cái “là” – là một con người - chớ không phải ở chiêu số. Chiêu số là khả năng, thí dụ mình làm nghề gì thì mình có cái khả năng này nọ, và mình học thêm được thì có thêm địa vị. Mình dựa vào tài năng, khả năng mà thành công thì đương nhiên sẽ khiến người khác khó chịu, mình trở thành hữu chiêu, không thể nhìn qua cái nghề để thấy tất cả mọi người đều bình đẳng như nhau. Khi bắt đầu thấy mình và người như nhau, không bị những chiêu số khiến mình trở nên kiêu ngạo, khó khăn, khó chịu, làm người ta nghẹt thở, thì mình không phải là hữu chiêu. Bác chỉ cần suy nghĩ chừng này thôi là thấy đầu óc mình bắt đầu mở rộng ra để thấy mình có những gút thắt nào.

Giải gút thắt
Làm sao giải gút thắt của đời mình? Bây giờ hãy thử nhìn lại bộ Tiếu Ngạo Giang Hồ để xem họ giải những gút thắt ra sao. Theo con mắt của nhà Phật thì ông Kim Dung đã đem ông Nhạc Bất Quần ra làm gút thắt cho cả câu chuyện. Nếu lấy ông Nhạc Bất Quần ra khỏi Tiếu Ngạo Giang Hồ thì chúng ta sẽ chẳng có gì để đọc cả. Toàn cốt truyện, mọi chương, mọi trang đều chỉ nói về ông Nhạc Bất Quần. 
Bây giờ làm sao giải? Nhân vật chính trong chuyện giải nút thắt này là ai? Là Lệnh Hồ Xung, một nhân vật mà ngày xưa họ không nghĩ là một người bệnh hoạn như ngày nay. Với thời bây giờ, ông Lệnh Hồ Xung được coi là một người mê rượu, uống say sưa, nằm lăn ra, lúc nào cũng phải có rượu, lấy rượu thay nước. Đây không phải là một chuyện hay lắm, nhưng hồi xưa thì người ta không nghĩ như vậy. Họ chỉ nghĩ ông này thích rượu, uống rượu kiểu sang trọng... Đây là một điểm đi ngược lại với sự suy nghĩ của thời đại bây giờ. Kim Dung muốn dùng chuyện ông thích uống rượu để nói lên sự không bị quy củ ràng buộc. Nhưng bây giờ các bác không nên bắt chước ông này. Mê rượu là trật liền, hư liền. Thành ra đọc truyện phải biết bối cảnh của nó. Bắt chước theo ông này cũng phiền bởi vì ngày nào mình cũng sẽ uống rượu thay nước. Không được.

Hình ảnh Lệnh Hồ Xung có ý nghĩa gì? Tại sao nó giải được gút thắt của ông Nhạc Bất Quần? 
1. Thường thường người ta nói âm đẻ ra dương, dương đẻ ra âm. Đồ hình của thái cực bao giờ cũng vẽ một vòng tròn rồi chia làm hai giọt nước. Trong hai giọt nước đó, giọt nước đen có một chấm trắng, và giọt nước trắng có một chấm đen. Trong dương có âm, trong âm có dương. Cha âm thì sanh ra con dương. Cha dương thì sanh ra con âm. Vậy ai là người giải bài toán của ông Nhạc Bất Quần? Chính là người con của ông, ở đây là người con nuôi của ông Nhạc Bất Quần, tức Lệnh Hồ Xung. Nhạc Bất Quần là người vị ngã, giả dối bao nhiêu thì Lệnh Hồ Xung lại là người tự tại, phóng khoáng bấy nhiêu. Tức là người không bị ràng buộc. Đó là mình nhìn qua cách xếp đặt của ông Kim Dung khi viết đoạn này.
2. Muốn giải bài toán này thì điểm giải cũng phải ở trong người và người đó là Lệnh Hồ Xung. Cho nên nếu Nhạc Bất Quần là hòn núi không thể ghép với mọi hòn núi xung quanh, thì trong tên Lệnh Hồ Xung: Lệnh là mệnh lệnh, Hồ là sự hoài nghi, Xung là vọt ra; Lệnh Hồ Xung là ra ngoài sự hoài nghi mơ hồ, tức là rõ ràng. Mơ hồ là sự mê muội của bản ngã thì bây giờ Lệnh Hồ Xung là cái nút mở, mở ra cái gút thắt của Nhạc Bất Quần. Mở ra bằng cách nào? Bằng cách vọt ra khỏi sự mê mờ của vị ngã, tham lam, tham cầu danh lợi. Nhân vật Lệnh Hồ Xung mang hình một người không cần quy củ gì hết, cứ uống rượu, bất chấp lời phê phán là ma giáo, tà giáo, anh muốn làm điều gì là cứ việc thực hành. Nhạc Bất Quần là người vị kỷ, không chơi với ai được. Còn Lệnh Hồ Xung thì bạn bè khắp nơi, ai cũng chơi được cả vì ai cũng thấy rõ ràng hành vi của ông. Ông cũng cho mọi người thấy hành động của mình rất đường đường chính chính, minh bạch, không hề có xấu xa, giấu diếm. Đó là bản tánh của Lệnh Hồ Xung.

Ba chữ cởi gút thắt
Nếu Nhạc Bất Quần có ba chữ hữu tâm, hữu cầu và hữu chiêu, thì Lệnh Hồ Xung cũng có ba chữ để cởi gút thắt. Ba chữ đó là vô tâm, vô cầu và vô chiêu.

1. Vô Tâm
Là tâm không có mưu mô, tính toán, nham hiểm; lúc nào tâm cũng thoáng, phóng khoáng, không bị gò bó vào mọi chuyện; lúc nào cũng nhẹ nhàng, dễ chịu. Do đó khi làm xong việc gì là thôi, không để bụng, không tính toán. Con người Lệnh Hồ Xung là vậy. Không bao giờ nghĩ đến chuyện báo thù, thù vặt hay thù dai. Y là người rất thoải mái, vô tư và dễ chịu. Nếu đem vào chuyện tu hành thì vô tâm là mình cởi bỏ những ý tưởng khó chịu, chật hẹp; bỏ đi những chuyện thù hằn mà nên vun bồi sự tha thứ. Lệnh Hồ Xung là người nhẹ nhàng, phóng khoáng, chánh kiến, đánh xong rồi uống rượu, không nghĩ tới chuyện tìm lỗi lầm. Lệnh Hồ Xung là người vô tâm, không có tâm ác độc nên đi đâu cũng có bạn bè.

2. Vô Cầu 
Là cả đời chỉ nghĩ làm sao sống thoải mái nên cuối cùng, Lệnh Hồ Xung không cầu mà được làm chưởng môn của phái Hằng Sơn, lãnh đạo các ni cô. Sau đó còn lấy con gái của Nhật Nguyệt thần giáo, một ma giáo; nhưng rồi cũng không muốn làm phò mã mà bỏ đi ẩn cư. Như vậy là Lệnh Hồ Xung không tham danh, tham quyền, tham lợi; là một người xuề xòa, không có sự mong cầu. Sự mong cầu là cái gút thắt tạo ra truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ. Ông Nhạc Bất Quần cầu phục hưng môn phái của mình, mong cầu trở thành võ lâm đệ nhất, nên mới xáo động cả vũ trụ. Ngoài ra Lệnh Hồ Xung cũng không mong cầu chuyện vợ chồng mà chính cô Doanh Doanh đi theo anh chàng này, cua anh chàng này.
Từ cái vô cầu này đưa tới triết lý Vô Vi. Vô Vi là không làm gì hết. Vô Vi là thư giãn hoàn toàn, nhẹ nhàng buông xả mọi chuyện, không cầu đạt được mong muốn của bản ngã. Nhưng chí hướng của con người thì phải nhìn cho cao thượng, làm sao để giúp đời, làm sao đem niềm vui tới cho mọi người. 
Khi thầy ở bên Houston, có một em nhỏ đến nói với thầy: “Thưa thầy nhân dịp sinh nhật, con đã làm một điều nguyện. Nguyện của con là sau này được tiếp tục đi học về y khoa để giúp các em bé ở Phi châu.”
Thầy và những người bạn ngồi đó rất cảm động vì thấy em hết sức chuyên chú và có một tấm lòng vĩ đại như vậy. Thầy mới hỏi:
- Sao không chữa các em ở đây, ngay tại Mỹ?
- Dạ không, chỗ bên kia cần hơn, đau khổ hơn.
- Bộ em không sợ mình sẽ đau khổ hay sao? Mình sẽ nghèo khi đi phục vụ Phi Châu nhiều đau khổ.
- Không, mình nghèo, nhưng đi phục vụ là một niềm vui.

Qua chuyện này, các bác thấy tâm vô vi, vô cầu không có nghĩa là mình không có những giấc mộng đẹp trong cuộc đời. Các bác nào lớn tuổi chắc biết rằng chiều hướng của con người rất quan trọng, bởi chiều hướng đó tạo ra sự thành công trong tương lai hay không. Nhiều khi mình thất chí bởi vì chí hướng không thực hiện được, vì chí của mình quá lớn. Nhưng nếu chí hướng đủ xài, nghĩa là từng thời, từng lúc, từng điểm, mình phát triển nuôi dưỡng cái chí từ từ thì sẽ thành công. 
Sự phát triển nuôi dưỡng từ từ đến thành công, không vì mình mà vì người khác, trong kinh điển gọi là Bồ Đề tâm. Bồ Đề tâm là tâm hướng, chí hướng muốn giúp người khác, không phải vì mình; khác với cái thành tựu trong sự truy cầu của bản ngã. Các bác biết, chí hướng của Lệnh Hồ Xung là thoải mái, vô tư, nhẹ nhàng. Ngay tới người vợ cũng không phải do y muốn lấy. Anh chàng này lấy người vợ tên là Doanh Doanh. Chữ Doanh Doanh có nghĩ là tràn đầy. Đầy cái gì? Cô này, ngày xưa khi còn là con gái của một vị ma giáo, chưa biết Lệnh Hồ Xung, cũng là một tay cự phách. Nhưng nhờ quen biết anh chàng này mà bắt đầu thay đổi, bớt giết người, nhẹ nhàng hơn, không mang lòng hận thù và quan trọng nhất là chứa đựng tràn đầy những chuyện tốt. Khi ra khỏi sự mê muội, mơ hồ thì mình sẽ tràn đầy những điều tốt. Đó là lý do tại sao mình theo dõi chuyện Lệnh Hồ Xung. 
Trong âm có dương, dương đẻ ra âm, và âm đẻ ra dương. Ông Nhạc Bất Quần, người cha nuôi, là một người thâm hiểm, đạo đức giả, lại nuôi dưỡng một người cực kỳ nhẹ nhàng phóng khoáng, hoàn toàn trái ngược; tức là trong âm đẻ ra dương. Bây giờ, cô Doanh Doanh cũng dược nuôi dưỡng bởi một người cực ác, gọi là Đông Phương Bất Bại. Chữ Bất Bại có nghĩa là không thua ai cả, nói lên sự cực kỳ kiêu ngạo của bản ngã. Đông phương là mộc, nổi lên sức sống, hy vọng. Đông Phương Bất Bại ý nói lên hướng của mặt trời tỏa ra, nhưng đây không phải ánh mặt trời mà là bản ngã tỏa ra, lớn lên như cái cây, mà bất bại, không thua ai cả. Cũng như có người nào trong vũ trụ nói tôi không bao giờ sai cả. Không ai có thể nói câu này được. Thường là có đúng ở một thời điểm nào đó rồi có sai. Đúng hoài thì thế nào cũng có lúc sai. Mình không nên kiêu ngạo nói mình là bất bại. Ông này tượng trưng cho một điểm âm, và trong điểm âm đó sanh ra một điểm dương, là cô Doanh Doanh. Khi cô này trở thành điểm âm thì phải quay lại diệt điểm âm kia. Đó là lúc cô Doanh Doanh trở lại sát hại ông Đông Phương Bất Bại. Rất tiếc là phải ba người mới hại được ông Đông Phương Bất Bại chớ không phải một mình cô. Một trong ba người đó là Lệnh Hồ Xung.

3. Vô Chiêu
Nếu Nhạc Bất Quần là hữu chiêu thì Lệnh Hồ Xung có vô chiêu. Tại sao lại vô chiêu? Vì khả năng, bản lãnh võ công của Lệnh Hồ Xung là từ Độc Cô Cửu Kiếm, từ một người có cái tên đặc biệt vô cùng: Độc Cô Cầu Bại, là chỉ mong một lần thua thôi, mà thua không được. Ông tạo ra nhiều loại kiếm, có cây kiếm bằng kim cương, nặng trịch; có cây kiếm rất mỏng, chặt một cái, cắt sắt như cắt bùn; tới những cây kiếm bình thường là kiếm gỗ; rồi cuối cùng không còn cây kiếm nữa mà vẫn giết được người. Ông tuyệt cao như vậy nhưng lại rất khiêm nhường. Lệnh Hồ Xung đã học môn kiếm pháp Độc Cô Cửu Kiếm này. Người truyền môn kiếm pháp này có tên rất hay: Phong Thanh Dương. Phong nghĩa là gió, Thanh là nhẹ nhàng, Dương là khởi lên; khởi lên ngọn gió nhẹ nhàng. Tên này gợi lên một hình ảnh không có giới hạn, gió ở đâu cũng có cả, không ai hạn chế được gió, thành ra gió bay khắp mọi nơi, ở khắp vũ trụ. Đại phong là một trong ngũ đại, lớn vô cùng. 
Lệnh Hồ Xung học được chiêu “vô chiêu”, tức là như làn gió thoảng thì ai có thể lấy kiếm cắt được gió thoảng. Do đó là vô chiêu. Chữ vô chiêu có ý nói khả năng không chấp trước vào phương tiện. Thí dụ bây giờ mình làm một nghề gì đó, mình không coi cái nghề này là một phương tiện; mình không chấp trước vào cái nghề, không nói về nghề của mình. Mình có khả năng , có tài gì đó nhưng không chấp trước vào tài này thì gọi là tới mức bình đẳng, vô chiêu. “Chữ tài liền với chữ tai một vần”, dễ sợ vô cùng, không nên chấp trước vào cái tài. Lệnh Hồ Xung không có chiêu số nên mới thắng chiêu số. Vô chiêu thắng hữu chiêu ý là như vậy. Đây là bài giảng của Kim Dung, cho gút thắt là Nhạc Bất Quần, cho mối gỡ là Lệnh Hồ Xung. Gút thắt là hữu tâm, hữu cầu và hữu chiêu thì mối gỡ là vô tâm, vô cầu và vô chiêu. Bây giờ đưa tới bài học mà mình cần học.

Bài học từ câu truyện
Nếu trong cuộc sống, mình thấy được gút thắt của mình là có tâm cơ nhiều quá, chỉ nghĩ và tính toán cho mình mà thôi, thì đó là hữu tâm. Trong cuộc sống tha hương của chúng ta, mình thấy rất cần sự an toàn. Đạt sự an toàn không phải là dã tâm, không phải là dục cầu. Mình cần phải làm việc để có sự an toàn, điều này là khác. Nhưng nếu mình mong thành đạt một điều gì đó mà sự thành đạt này đè lên người khác, loại bỏ người khác, thì đó gọi là hữu cầu. Chí hướng đó không nên có, cần được sửa đổi lại. Cuối cùng là hữu chiêu, mình không nên ỷ vào khả năng, cái tài của mình, vào năng lực, tài sản, cái sở hữu, cái mình có. Không ỷ lại vào những cái đó mới gọi là vô chiêu. Mình sẽ sống với tình thương khai mở nhiều hơn, sống với niềm vui rộng rãi hơn thì những người khác sẽ đến với mình, sẽ ngồi cạnh vì mình không có một chiêu số nào khiến họ sợ hãi. Thí dụ mình nói tôi quen ông này ông kia, tôi tới nhà ông này ông kia; chiêu số này nhiều người không thích. Khi mình vô chiêu, người ta sẽ tới, sẽ thương mình hơn, nghiệp chướng bớt hơn. Cho nên hữu tâm hữu chiêu hữu cầu thì mình sẽ tạo ra nhiều nghiệp, gút thắt nhiều thì nghiệp chướng nhiều. 

Những nhân vật khác
Có nhân vật nào thích hợp với lý giải “hữu tâm hữu chiêu hữu cầu” của mình ngoài Nhạc Bất Quần? Thưa các bác, tất cả nhân vật mà Kim Dung đặt ra mình có thể bỏ vào hồ sơ “hữu tâm, hữu cầu, hữu chiêu” của mình.

Đông Phương Bất Bại: Đông Phương Bất Bại là một người kiêu ngạo cực kỳ, ông là một người hữu tâm. Nhưng ông đã thành đạt được chức Nhật Nguyệt giáo chủ rồi, nên ông không còn gì để đạt hơn nữa. Hữu cầu hữu chiêu của ông có nhưng không còn quan trọng. Nhưng nổi nhứt là hữu tâm của ông; dã tâm của ông, sự thâm hiểm của ông vẫn còn.

Tả Lãnh Thiền: Người hữu cầu thứ hai là Tả Lãnh Thiền. Tả là bên trái, Lãnh là lạnh, Thiền là môn thiền định. Tả Lãnh Thiền là môn thiền định nghiêng về bên trái, không ở trung đạo mà nghiêng về một bên, bên phải thì không nói gì, đằng này lại nghiêng về bên trái mới chết. Lại còn lạnh, lạnh tức là năng lượng không tỏa ra, dương khí không có mà chỉ tỏa ra âm khí thôi. Đã âm khí lại thiên về bên trái, thiền đó chắc là hư rồi, làm sao mà tu được. Thiền đó bị hư nên người ta không thích. Do đó mình thấy Tả Lãnh Thiền là một người sỗ sàng, chỉ muốn đè người khác, không sợ ai cả. Ông nói thẳng là muốn thống nhất năm phái Hoa Sơn, Hằng Sơn, Tung Sơn, Thái Sơn và Hoành Sơn. Dã tâm của ông rất lớn. Đó là hình ảnh một người hữu cầu thật dễ ghét.

Lâm Bình Chi: Một người hữu cầu khác trong truyện này là anh Lâm Bình Chi, một người trẻ, sau khi cha bị sát hại, nuôi tâm muốn báo thù. Anh sẵn sàng làm đệ tử của Nhạc Bất Quần dù biết ông này không phải là người đoan chính. Anh tương kế tựu kế làm sao học được pháp môn tối thượng để trả thù. Tâm muốn báo thù là tâm hữu cầu. Tâm danh lợi cũng là tâm hữu cầu, nhưng tâm báo thù mạnh hơn. Người này, qua văn pháp của Kim Dung, khi các bác đọc thì không người nào thích Lâm Bình Chi cả. Những người bị ghét là những người vị ngã, từ Nhạc Bất Quần, Đông Phương Bất Bại tới Lâm Bình Chi. Tên Lâm Bình Chi nghe hay vô cùng. Lâm là rừng, Bình là an bình, Chi là một đại biểu từ, thí dụ mình nói Phật tánh là cái chi, cái bàn mình có thể nói cái chi cũng được, cái ghế có thể nói cái chi cũng được. Lâm Bình Chi có nghĩa là mình làm cho tâm mình an bình trở lại. Nhưng lâm là khu rừng, làm sao mà làm cho an bình được. Dục vọng ham muốn của mình nhiều như khu rừng, làm sao mà bình yên lại được. 

Nhậm Ngã Hành: Nhậm là chấp nhận, trách nhiệm; Ngã Hành là hành vi, hành động, hành tung của bản ngã, của cái tôi, luôn mặc kệ cho bản ngã muốn làm gì thì làm. Rõ ràng đây là một anh chàng phóng túng, không phải phóng khoáng, một sự tự do quá độ của bản ngã, muốn làm gì thì làm. Nhậm Hành là ông muốn làm gì là làm, muốn giết ai là cứ việc giết, vì là giáo chủ. Do đó cũng có chiêu số, thật sự có chiêu bởi vì ông thực sự tin vào khả năng, tài năng kiếm pháp của mình.
Các bác thấy hữu tâm gồm có Nhạc Bất Quần, Đông Phương Bất Bại và Lâm Bình Chi, những người mà trong lòng mình thấy khó chịu, không chấp nhận được. Rõ ràng là Phật tánh của các bác không chấp nhận những chuyện xấu. Nhưng phủ nhận những chuyện xấu, những nhân vật này cũng không được, bởi vì nó là một phần của âm dương. Cái đẹp và cái xấu đan vào nhau. Mình nên chấp nhận và có thể những cái xấu cũng có trong lòng mình, và mình phải giải bằng cách có vô tâm, vô cầu và vô chiêu.

1. Vô Tâm
Ai là người đại biểu của vô tâm? Có ba người đặc biệt nhất đại biểu cho vô tâm.
- Mạc Đại tiên sinh, là chưởng môn của phái Hoành Sơn. Mạc là đừng, Đại là lớn. Đừng lớn, bản ngã đừng lớn quá. Vì bản ngã lớn quá sẽ không nghĩ tới người khác. Trái lại nếu bản ngã mình nhỏ lại thì mình bắt đầu nghĩ tới người khác. Nghĩ tới người khác tức là bắt đầu tâm thức vị tha. Đây là một việc quan trọng trong sự tu hành.
- Xung Hư: Xung nghĩa là sung mãn, vọt ra, Hư nghĩa là không gian. Vượt ra ngoài không gian là tâm phải to lớn vô cùng. Tâm này vĩ đại ở chỗ không còn bản ngã nữa. Xung Hư này đại diện cho trạng thái vô ngã. 
- Phương Chính đại sư: là chưởng môn của phái Thiếu Lâm. Phương là một sự không thể đo lường được, vô lượng vô biên. Phương Chính là chỗ không thể đo lường được. Chỗ đó gọi là bất nhị.
Mình có ba vị đại biểu cho ba tâm thức vị tha, vô ngã và bất nhị. Ông Mạc Đại tượng trưng cho vị tha. Ông Xung Hư tượng trưng cho vô ngã và ông Phương Chính tượng trưng cho bất nhị. Khi thầy nói đại biểu là ý nói cái tên đó có hàm ý như vậy. Còn thì những người này không làm chuyện gì vị tha, vô ngã hay bất nhị. Không có. Mình sử dụng cái tên để nói lên triết lý. Đây là triết lý vô tâm, là chỗ cao nhất. Do đó mình muốn giải tâm thức vị ngã của mình thì nên bắt đầu tập chữ Mạc Đại, đừng lấy chữ Quá Đại hay là bự quá. Rồi mình nên tập chữ Xung Hư, sau đó là Phương Chính.

2. Vô Cầu
Những người quan trọng nhất:
- Bà Ninh Trung Tắc: là vợ của ông Nhạc Bất Quần. Ninh là yên ổn, Trung là ở giữa, Tắc là thì. Ninh Trung Tắc có nghĩa là ngay đây, tức thì ngay đây mà đạt tới được chỗ an bình. Đây là những người có thiền, bây giờ ngay đây, không cần chờ tới ngày mai. Ninh trung tắc, mình phải đạt tới sự bình an ngay bây giờ.
- Kế đến là ba bà sư cô thuộc Hằng Sơn: Định Nhàn, Định Tịnh và Định Dật. Định Nhàn là định cho tới lúc nào mình nhàn, tới chỗ vô vi, không làm gì cả. Định Tịnh là yên định tới chỗ không còn sôi nổi gì cả. Định Dật là yên định tới mức không còn lăng xăng. Ba cái đó mình không cầu. Không cầu mà mình yên tịnh được, không cầu mà mình nhàn nhã, không cầu mà mình hết lăng xăng. Đó là chìa khóa để mình đừng cho phép truy cầu mà phải ở ngay bây giờ nhận diện được tâm Phật của mình.

3. Vô Chiêu
Phong Thanh Dương đại biểu cho Vô chiêu. Mình phải học đức độ hay học cái tên của ông Phong Thanh Dương. Phong là gió, Thanh là sự thanh tịnh, Dương là khởi lên, vươn lên. Khởi lên bầu trời thanh tịnh, gió thoảng trong lòng mình thì mình sẽ vô chiêu. Đừng khơi dậy cái bản ngã, tài năng. Đừng ỷ vào tài năng mà hãy ỷ vào tánh nhẹ nhàng như gió thoảng làm mình dễ thương.
Do đó mình giải bài toán hữu tâm, hữu cầu và hữu chiêu bằng cách dùng vô tâm, vô cầu và vô chiêu. Đây là phần căn bản, tóm tắt nhất khi mình đọc bộ Tiếu Ngạo giang Hồ, trong khía cạnh nhìn từ quan điểm Phật giáo mà thôi. Đương nhiên, trong này còn nhiều chuyện để nói nữa. xin hẹn các bác vào một lần khác để nói thêm về các nhân vật như Doanh Doanh, Nghi Lâm. Tại sao Nghi Lâm không tác hợp được với Lệnh Hồ Xung. Xin hẹn cùng với các bác trong một dịp khác nói về những đề tài này.

No comments:

Post a Comment