Thursday, December 6, 2012

Quán xưa Sài Gòn không còn dấu vết


Bài và hình: Nguyễn Ðạt/Người Việt
SÀI GÒN (NV) - Bằng hữu thân quen ở các nơi xa vẫn thường thăm hỏi chúng tôi về những quán cà phê đặc chất Sài Gòn trước 30 tháng 4, 1975, nay ra sao? Những quán cà phê ấy, có thể kể tên: Hân, Thái Chi, Năm Dưỡng, Năm Ðường, Lão Tử, Thu Hương, Phong, Thăng Long...
Ðấy là những quán cà phê, có quán lớn có quán nhỏ, có quán chỉ là quán cóc; nhưng đều nổi tiếng, hầu như dân ghiền cà phê ở Sài Gòn thuở ấy ai cũng biết.
Những quán cà phê kể trên, hiện nay chỉ còn ba quán hoạt động: Lão Tử, Thái Chi, và Năm Ðường. Tuy nhiên, ngoài quán cóc cà phê Lão Tử kế bên tiệm phở Tàu Bay mà chúng tôi đã nhắc nhớ trong bài viết ở một số báo Người Việt; hai quán cà phê Thái Chi và Năm Ðường vẫn hoạt động nhưng thay đổi hoàn toàn, không còn là quán cũ đặc sắc một thời.
Cà phê Thái Chi ở khúc đầu đường Nguyễn Phi Khanh, phía sau rạp chiếu bóng Casino Ðakao - hiện nay Casino Ðakao không còn là rạp chiếu bóng nữa. Quán cà phê Thái Chi là một căn nhà phố nhỏ bé; bàn ghế thấp trên nền nhà cao, tinh tươm sạch sẽ. Quán không biển hiệu, mọi người gọi tên quán bằng tên bà chủ quán, bà Thái Chi.
Thời gian đầu chúng tôi tới quán cà phê Thái Chi, thường nghe bà chủ quán nhắc nhở khách uống cà phê đừng tựa đầu sát vách tường. Thì ra, bà Thái Chi không chịu được vách tường quán cà phê của bà hoen ố bởi những người khách chải tóc bằng “brillantine.Thời gian sau, không nghe bà chủ quán nhắc nhở khách như vậy nữa: ở vách tường, đã được dán lớp simili như dải ruy-băng chỗ khách thường tựa đầu. Bà pha chế cà phê phía sau một bức vách ngăn, mang ra cho khách. Ai nóng vội, loay hoay với cái phin để làm sao cho cà phê mau nhỏ giọt xuống cái tách, bà can thiệp liền. Khách uống cà phê Thái Chi mặc nhiên phải hiểu rằng, chỉ bắt đầu uống cà phê khi chính bàn tay bà chủ quán đã nhấc cái phin ra khỏi tách. Chúng tôi nhiều lần nghe bà cằn nhằn những người khách, dù lớn tuổi hay nhỏ tuổi hơn bà, khi những người khách ấy “vi phạm luật lệ” uống cà phê tại quán Thái Chi.
Cà phê Thái Chi không lúc nào vắng khách, có lẽ chính vì cái “tinh thần trách nhiệm” của chủ quán trước tách cà phê dành cho khách uống; và cái tinh tươm sạch sẽ của quán. Chúng tôi và nhạc sĩ Anh Việt Thu, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, nhà thơ Phạm Lê Phan (cả ba người đều đã qua đời), sáng nào trước khi tới cơ quan làm việc - Phòng Văn Nghệ thuộc Cục Tâm Lý Chiến - đều ghé uống tách cà phê ở quán bà Thái Chi khó tính.
Những ngày kỷ niệm lễ lạt gì đó, hầu như cả Phòng Văn Nghệ chúng tôi gặp nhau tại quán cà phê Thái Chi; trong đó gồm cả đại úy phó phòng và thiếu tá trưởng phòng, nhà thơ Tô Thùy Yên.
Sau 30 tháng 4, mấy người cháu của bà Thái Chi tiếp tục mở cửa quán, nhưng không còn là cà phê Thái Chi nữa. Bàn ghế trong quán thay đổi để sắp đặt được nhiều, bày ra cả vỉa hè; quán không còn không khí cũ, nhất là không còn bà Thái Chi nhấc từng cái phin cà phê ra khỏi tách để khách uống. Và không người khách uống cà phê nào còn nhắc, nhớ, đây là quán cà phê Thái Chi khó tính.
Cà phê Năm Ðường ở đầu đường Nguyễn Kim, quận 10, trước và sau 30 tháng 4 đều mở cửa quán rất sớm, khách uống đa số là những người lao động nghèo; cũng không thiếu khách thuộc mọi giới, cư ngụ trong khu vực. Thường khi nào có việc phải thức dậy rất sớm, ra khỏi nhà cứ nhắm tới cà phê Năm Ðường, uống ly cà phê cho tỉnh táo; và đốt điếu thuốc hút, để mơ màng ngắm nhìn thành phố chưa thức giấc.
Ngồi quán cà phê Năm Ðường, dù sau này ghế ngồi bằng nhựa thấp chủn, bày đầy trong và ngoài quán; và dù giá rẻ, chúng tôi không có khái niệm đây là quán cà phê bình dân hay là gì hết. Chỉ thấy đây là một nơi uống cà phê thú vị. Cũng có thể chúng tôi nhớ tới quán cà phê Năm Ðường như một lịch sử dày dạn, lưu giữ bao tâm tình của người dân Sài Gòn. Quán Năm Ðường là nơi từng xảy ra vụ khủng bố của Việt Cộng; chúng nổ lựu đạn để sát hại những cảnh sát dã chiến ở trại Triệu Ðà gần quán cà phê Năm Ðường, sáng sáng tới uống cà phê tại quán.
Có quán Năm Ðường, nơi uống cà phê từ lúc ngày chưa rạng; quán rộng rãi thoáng mát, là một thú vị. Nhưng thú vị ấy không còn nữa; từ hai năm qua, quán cà phê Năm Ðường đã mất tích tại chỗ! Nghĩa là, quán đã thay hình đổi dạng hoàn toàn; trở thành một quán cà phê có máy lạnh, cửa lắp kính trong suốt. Không còn là quán cà phê Năm Ðường nữa, mà là quán Napoli hiện đại, như vô số quán hiện nay tại Sài Gòn.
Chúng tôi không thể thấy thú vị để uống cà phê tại những quán hiện đại của Sài Gòn hôm nay. Thấy đấy không còn là quán cà phê, mà là một nơi thiết kế cho công nghệ cà phê, cho kinh doanh lạnh lùng, cho “khách-hàng-là-thượng-đế”!
Nhắc tới cà phê Năm Ðường, chúng tôi nhớ tới quán cà phê có tên hao hao giống vậy: cà phê Năm Dưỡng, ở một hẻm rộng của đường Nguyễn Thiện Thuật, khu Bàn Cờ, quận 3. Sau 30 tháng 4, mở cửa hoạt động một thời gian, rồi quán cà phê Năm Dưỡng trở thành Phòng Cho Thuê-Thanh Phương.
Chúng tôi từng uống cà phê Năm Dưỡng từ thuở học trò; đi theo các anh Nguyễn Nhật Duật, Lê Ðình Ðiểu, vào quán Năm Dưỡng; các anh vừa uống cà phê vừa ăn lạc rang húng lìu, để nhớ những ngày Hà Nội. Bây giờ Sài Gòn bán lạc rang húng lìu đầy khắp các ngả đường; chúng tôi lại không có lấy một chút cảm xúc nào, ngoài cảm xúc về lạc rang húng lìu của một ông già người Hoa, bán trước quán cà phê Năm Dưỡng thuở nào

No comments:

Post a Comment