Thursday, December 6, 2012

Nước mắt nghệ sĩ sau ánh hào quang


Cả cuộc đời, khi họ đứng trên đỉnh vinh quang, khi họ lung linh dưới ánh đèn sân khấu, khi họ được vây bọc bởi sự ái mộ của công chúng, họ như con ve đốt hết tất cả những gì mình có, sinh lực, tài lực... cho một cuộc rong chơi dài bất tận.
"Vào chùa, xin để lại ngoài cổng những gì danh lợi, sân si..., để nghe Phật dạy...". Dòng chữ nhắc ấy được kẻ đậm ngay phía cổng vào, cạnh lời đức Khổng Tử: "Ta chưa từng thấy ai thích đạo đức bằng thích nhan sắc; nhưng đạo đức thì tồn tại, còn nhan sắc thì nhứt thời...". Hai "vế đối" được viết ở vị trí khá trung tâm khác để nhiều người có thể nhìn thấy: "Tiền tài như phấn thổ/ Đạo đức tợ thiên kim"...
Những điều đó, ám ảnh tôi ba năm về trước, trong lần đầu tiên tìm đường vào chùa Nghệ sỹ, cho đến tận bây giờ.
Ông bầu Xuân nói với tôi, rằng tất cả những điều có thể nói về họ, đấy là sự cảm thông, đấy là sự thương xót, giận đấy mà thương đấy. Cả cuộc đời, khi họ đứng trên đỉnh vinh quang, khi họ lung linh dưới ánh đèn sân khấu, khi họ được vây bọc bởi sự ái mộ của công chúng, họ như con ve đốt hết tất cả những gì mình có, sinh lực, tài lực... cho một cuộc rong chơi dài bất tận.
Tuổi già, cô đơn, bệnh tật là điều ám ảnh của cả thế giới này. Nhưng, với những người "trót" làm nghệ sỹ, thì đó là những kẻ tử thù! Hầu hết những thế hệ nghệ sỹ của Sài Gòn vài thập niên trước, đều đang sống chung với sự cô đơn, già nua, bệnh tật và nghèo đói.
Những người cùng thời với họ như bầu Xuân - kẻ "gian díu" với đời nghệ sỹ - là những người duy nhất của Sài Gòn, có thể hiểu được những thăng trầm, mà nốt nhạc nào khi tấu lên, cũng đắng đót và ám ảnh ba chữ: nghiệp cầm ca.
Những người đang sống và đã chết, những nghệ sỹ mà tên tuổi của họ một thời đã làm nức nở công chúng Sài Gòn, giờ đây, như là hiện thân chân thực nhất cho "lời sấm" về cái nghề rất đỗi bạc bẽo này: xướng ca vô loài của nghiệp cầm ca.
Một bức phù điêu tạc một nghệ sỹ đang chơi đàn Tam thập lục được dựng ở giữa những hàng bia mộ. Dưới bức phù điêu có ghi dòng chữ: Đài kỷ niệm Nghĩa trang nghệ sỹ. Dường như, nó là một chút an ủi những người đã mất, những nghệ sỹ đã mất
Bài 1: Tiền tài như phấn thổ.
Chùa Nghệ sỹ có lẽ là ngôi chùa duy nhất trên đất nước Việt Nam, nơi tập trung những diễn viên, nghệ sỹ, những đàn ca tài tử của Sài Gòn suốt mấy thập kỷ qua. Thế nhưng, đấy không phải là "cõi người" trần tục. Nó là sân khấu cuối cùng, không đèn màu, không cánh gà, không có sự hóa trang, không vai diễn... của những nghệ sỹ đã lùi về "hậu trường" sau khi đã trải qua tất thảy những hỉ nộ ái ố. Nó là bản nguyên của những thân phận, những kiếp người, với sự ứ đọng và dồn nén về thời gian, khi người ta lãnh ngộ được giá trị đích thực và bản ngã của chính mình!
"Người dẫn đường" của tôi là một chàng trai trẻ người Bắc, vừa mới chập chững làm quen với mưa nắng Sài Gòn đỏng đảnh chưa được một mùa, mới chỉ mường tượng được và "khoanh vùng" khu vực, rằng chùa Nghệ sỹ nằm ở chỗ đó.
Cho nên, ánh mắt ngỡ ngàng không giấu nổi sự kinh ngạc của cậu hiện ra ngoài gương mặt, đấy là một sự tất yếu dễ hiểu. So với tuổi của ngôi chùa, tuổi đời của cậu còn quá trẻ. So với những đoạn trường của những nghệ sỹ đã yên nghỉ tại đây - nghĩa trang nghệ sỹ, và được nhang khói ngay trong chùa Nghệ sỹ, thì những vấp ngã, những buồn tủi, những niềm vui, hạnh phúc mà tuổi đời nhỏ bé của cậu đã từng được trải qua, chắc chắn chỉ là một giọt nước bé nhỏ giữa bể tích hợp những thăng trầm của muôn người tại chốn này.
Vẫn khung cảnh tịch mịch cố hữu của cõi vô vi. Vẫn những bóng cây câm lặng và nhẫn nhịn giữa nắng Sài Gòn chao chát, hay nặng nề thân phận trước những cơn mưa xối xả chợt đến rồi lại chợt đi. Mùi trầm phảng phất trong gió nhẹ. Tất cả dường như đang ngủ yên, hay là một sự nặng nề thiếu bóng hình của sự sống.
Bên cạnh những lời răn của Phật tổ, những điều luật của Phật giới, những điển tích, điển cố được dẫn luận... thường thấy ở những chốn tu hành, "chất nghệ sỹ" của ngôi chùa kỳ lạ và đặc biệt này hiện hữu ngay ở những dòng di huấn, mà đọc lên, có lẽ những người cám cảnh và thấu ngộ nhiều nhất, là những người được mang danh "nghệ sỹ".
Hẳn, những ai đưa ra được những điều đúc kết đầy trải nghiệm ấy, đã phải nuốt bao cay đắng tủi hờn: Tiền tài như phấn thổ; Đạo đức tợ thiên kim... Tưởng như, có một mái đầu đang gục xuống, khuôn mặt se sắt và đắng đót, bàn tay nắm chặt vò nát nắm đất dưới chân, mà thốt lên những lời tự thán đau buồn ấy. Dòng tự than được trang trọng khắc trên một phù điêu ngay lối cổng vào nghĩa trang liệt sỹ, nó đứng cao vượt lên những tán cây, và có thể nhìn thấy một cách rõ ràng nhất.
Năm 1948, các nghệ sỹ tiền phong yêu nước, yêu nghề như Năm Châu, Phùng Há, Ba Vân, Trần Hữu Trang, Duy Lân... cùng nhiều nghệ sỹ khác thành lập Hội nghệ sỹ ái hữu tương tế, trụ sở tại 133 Cô Bắc, Sài Gòn. Năm 1957, nghệ sỹ Phùng Há làm Hội trưởng đã đứng lên vận động Hội trường đua Phú Thọ giúp cho một số tiền để mua đất xây chùa và nghĩa trang cho giới nghệ sỹ, bằng khoán đất số 326, lập ngày 29/10/1958, với diện tích 6.080 m2.
Ông Bầu Xuân, "người muôn năm cũ" vẫn còn sống, không biết là điều hạnh phúc hay bất hạnh đối với ông, vì chính ông là người đã đi hết cùng với họ, những nghệ sỹ, từ những ngày tháng lung linh với cuộc sống xa hoa, và đến cả giai đoạn buồn nhất đối với họ, đó là tuổi già, nghèo nàn và cô đơn, cùng với đó là sự tàn phan nhan sắc cũng như danh tiếng.
Ông Bầu Xuân, "người muôn năm cũ" vẫn còn sống, không biết là điều hạnh phúc hay bất hạnh đối với ông, vì chính ông là người đã đi hết cùng với họ, những nghệ sỹ, từ những ngày tháng lung linh với cuộc sống xa hoa, và đến cả giai đoạn buồn nhất đối với họ, đó là tuổi già, nghèo nàn và cô đơn, cùng với đó là sự tàn phan nhan sắc cũng như danh tiếng.
Song song với việc thu thập hài cốt của các nghệ sỹ về nghĩa trang, chùa được tiến hành xây dựng vào năm 1969. Người có công đầu tiên là ông Lê Minh Công, pháp danh Thích Quảng An (Tỳ kheo). Trước, ông Công là người quản lý các đoàn hát.
Ngôi chùa khi mới xây, kích thước nhỏ như một cái am. Kinh phí xây dựng đều lấy từ sự vận động các mạnh thường quân đóng góp. Bầu Xuân khi ấy là trưởng đoàn Dạ Lý Hương đã đóng góp 137 trong tổng số 204 ngàn đồng tiền xây cất. Chùa xây đến năm 1972 thì hoàn tất.
Ngày 22/3/1972 tại trụ sở của Hội nghệ sỹ ái hữu tương tế, Ban quản trị Chùa và nghĩa trang tạm thời đầu tiên được hình thành, gồm toàn các nghệ sỹ, ông bầu hoặc những người không dính dáng gì đến nghệ danh nghệ sỹ, thì cũng có tấm lòng yêu mến nghệ thuật mà đóng góp công đức kinh phí: ông Phan Văn Thới (bầu Thới), ông Nguyễn Phát Hưng (Nam Hưng), ông Lê Quang Anh (Năm Anh), ông Nguyễn Kim Khánh, Trần Văn Chức (nghệ sỹ Duy Chức)...
Ban quản trị đầu tiên xúc tiến việc tổ chức Hát hội và vận động Mạnh Thường Quân gây quỹ xây dựng, phát triển chùa. Ngoài việc thờ phụng, chùa còn giúp đỡ một số cán bộ cách mạng ẩn náu tại chùa hoạt động cách mạng.
Ban quản trị đầu tiên kéo dài đến năm 1978, sau đó chùa được quản lý tốt bởi nghệ sỹ Phùng Há, với sự phụ tá của nghệ sỹ Như Mai và nghệ sỹ Kim Hoàng. Tháng 9/1994, Ban ái hữu Nghệ sỹ Hội sân khấu thành phố cải tổ cơ cấu tổ chức, ra quyết định số 37/HSK - 94 về việc thành lập Hội đồng quản trị Chùa và Nghĩa trang Nghệ sỹ, chia ra làm hai bộ phận hành chính và Phật sự.
Nước chảy, bèo trôi. Lần lượt, những nghệ sỹ Như Mai, Kim Hoàng, Nam Hùng, Trường Xuân, Lê Quang Anh... lần lượt qua đời. Bắt đầu từ đó, bầu Xuân nhận trách nhiệm làm "tổng quản" cho ngôi chùa và nghĩa trang lạ lùng ấy, như một tiền nghiệp.
Mấy chục năm đã qua đi, sự xuất hiện của Chùa và Nghĩa trang nghệ sỹ đã trở thành một chỗ dựa tâm linh và tinh thần cho những người nghệ sỹ từ thế kỷ trước. Chùa, đó là nơi họ gửi đặt niềm tin, và an bình tâm tánh, cất giữ phần hồn. Nghĩa trang, là nơi họ gửi phần xác thịt, khi những ngày cuối đời trong nghèo đói và bệnh tật, trong sự cô đơn, không người nương tựa, họ lại tìm về.
Bầu Xuân tâm sự: không như vài chục năm trước, những năm đầu khi Chùa và Nghĩa trang nghệ sỹ mới thành lập, người ta cứ nghĩ cái diện tích hơn 6 ha ấy là lớn lắm. Họ phải đi tập hợp, thu gom hài cốt của các nghệ sỹ đã mất, với ý định sẽ tập trung quy tập được đầy đủ, và biến nơi đây thành nơi an nghỉ cuối cùng cho những người mà phần lớn cả cuộc đời họ, đều rong ruổi tựa nước chảy bèo trôi.
Những người trong ban quản trị không lường được, cái tốc độ đô thị hóa nó đã hiện hữu ngay tại nghĩa trang nghệ sỹ này - nơi tưởng như đã tách biệt hẳn với cuộc sống trần thế.
Quỹ đất ngày càng eo hẹp. Mỗi phần mộ nghệ sỹ được khoanh lại trong một ô rất nhỏ. Khi những ô nhỏ ấy cũng không còn, mà số lượt "đặt chỗ" trước cũng không phải ít, ban quản trị quyết định lựa phương án, những phần mộ cũ sẽ được cải táng lần nữa rồi hỏa táng, gửi hũ tro trong tháp hài cốt (cũng được xây cất trong khuôn viên chùa).
Những khoảnh khắc tại Chùa và Nghĩa trang Nghệ sỹ.
"Giới luật" nghĩa trang nghệ sỹ chỉ dành cho nghệ sỹ cũng không còn được bảo nguyên nữa. Một phần nó được dành cho những người "ngoại đạo", họ yêu mến, ái mộ nghệ sỹ, ái mộ nghiệp cầm ca, và một điều không kém phần quan trọng, là họ có những đóng góp về vật chất để Ban quản trị lấy đó làm kinh phí hoạt động!!!
Đối với nghệ sỹ, điều kiện để được vào chùa, phải có 15 năm hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, có những đóng góp và tham gia hoạt động trong Hội ái hữu nghệ sỹ.
Trong những điều luật của Chùa được niêm yết công khai trên tấm bảng, có ghi: thuần túy từ thiện Phật sự, tương tế, ái hữu; giúp đỡ một số nghệ sỹ và đồng bào nghèo khó bất hạnh (cho hòm (áo quan), chi phí chôn cất, cúng giỗ và các chi phí tụng niệm); không thu một lệ phí nào cho việc mai táng, xây mộ, giữ hài cốt, hương khói, bảo quản...; nuôi dưỡng những nghệ sỹ già yếu, neo đơn, bệnh tật (có tâm đạo); sẵn sàng góp phần cứu giúp đồng bào và nghệ sỹ bị thiên tai, bão lụt hỏa hoạn; bốn ngày rằm lớn đều có tổ chức chẩn bần cho nghệ sỹ nghèo và đồng báo nghèo khó.
Nhấp nhô giữa hàng mộ trắng, hay một tán cây mới ở tuổi trưởng thành, nghĩa trang nghệ sỹ có những phù điêu, tượng bán thân: người nghệ sỹ chơi đàn tỳ bà; bức phù điêu một tuyệt sắc giai nhân đang mở rộng vòng tay đón đứa trẻ - niềm hạnh phúc lớn lao... Điều ấy là một đặc trưng riêng, ít nghĩa trang nào có được. Nhiều phần mộ thực sự là những công trình nghệ thuật, nó hàm ý tính cách và tâm hồn nghệ sỹ, của những người nằm dưới đó, thuở còn sống ngang dọc một vùng trời!
"Vào chùa, xin để lại ngoài cổng những gì danh lợi, sân si..., để nghe Phật dạy...". Dòng chữ nhắc ấy được kẻ đậm ngay phía cổng vào, cạnh lời đức Khổng Tử: "Ta chưa từng thấy ai thích đạo đức bằng thích nhan sắc; nhưng đạo đức thì tồn tại, còn nhan sắc thì nhứt thời...".
Có phải, vào đến chốn này, khi những hỉ nộ ái ố đã trải qua, khi những mùi vị cuộc sống đã nếm đủ, khi những sân si, danh lợi, tiền bạc đã như nước chảy mây trôi, những người nghệ sỹ của Sài Gòn những thập niên của thế kỷ trước, mới thấm thía, xót xa để cất lên lời tự thán: Tiền tài như phấn thổ, đạo đức tựa thiên kim...???
Bài 2: "Trò chuyện với người đã chết!"
Di Linh

No comments:

Post a Comment