Tuesday, December 18, 2012

Nhớ những cái Tết 'Chợ Trời' sau 1975


Ngồi bên nhau một đám trên vỉa hè Lê Lai, ngay bùng binh chợ Sài Gòn, Phượng buột miệng: “... Sau cách mạng, chúng ta giàu... như nhau.” Từ hơn 34 năm qua, hễ mỗi lần nhớ đến câu nói của Phượng, tôi nhớ in tâm trạng của mình đêm hôm ấy: như có điều gì đang tan trong lòng Phượng. Và trong lòng cả bọn.

Cả bọn chúng tôi, Hảo-vừa học xong Nguyễn Bá Tòng, gương mặt trong sáng như vừa rửa tội ở nhà thờ bước ra; Phượng-sinh viên Văn Khoa năm thứ hai, bố là nhà báo đi tù cải tạo, hai đứa em phải bỏ học và cũng bươn chải chợ trời như chị; Liên-bố là Phó Tỉnh Trưởng Bình Tuy, cùng vợ bị Việt cộng phục kích bắn chết năm 1972 trên đường về Sài Gòn, và vừa xong tú tài đôi thì 75 xộc tới, đành lao ra đường nuôi bầy em bảy đứa; Vũ Vân-sinh viên Luật, bố Thiếu Tá Cảnh Sát đã trình diện “học tập;” Thanh Vân-ba năm Luật dở dang, chồng là Tiểu Ðoàn Trưởng Ðịa Phương Quân nên đang rừng sâu núi thẳm trong một trại “cải tạo” đâu đó ngoài Bắc; Dung-một tiếng hát đang lên và nói trôi chảy tiếng Pháp, nhờ vậy còn được lưu dụng làm việc cho hãng nước ngọt BGI của Tây; Phồn-năm cuối Dược Khoa; Mẫn-năm hai Y Khoa; Châu-cử nhân Luật; Huy-Cao Học Chính Trị Kinh Doanh Ðà Lạt; Liêm-vừa xong bốn năm Văn Khoa; chị Yến, người sinh viên 'đẹp não nùng' với mái tóc dài ngang lưng ngày nào của Quán Văn ở Sài Gòn, chồng trưởng ty Dân Vận Chiêu Hồi đang tù dưới miền Tây; anh Ái-Dược Sĩ; Ngọc Anh-một thời xướng ngôn viên Ðài Truyền Hình Sài Gòn trước biến cố Tháng Tư; anh Hà Tường Cát-nhà giáo, công chức chính phủ, trốn trình diện “học tập;” anh Ngô Mạnh Thu-nhạc sĩ, huynh trưởng Phong Trào Du Ca; anh Trần Ðại Lộc, huynh trưởng thanh niên và là công chức cao cấp của chính phủ, tham dự 'nhóm chợ trời' sau gần ba năm tù; và còn nhiều nữa...

Tựu trung, tất cả đều là dân chợ trời “tay ngang,” vì “gặp thời thế thế thời phải thế.”

Tôi khởi nghiệp chợ trời khá sớm.

Ngày bố tôi mang túi quần áo đi trình diện cải tạo, ông nói như trối với tôi: cậu và ba anh con đi không biết lành hay dữ, con ở nhà cố hết sức kiếm tiền nuôi mợ và các em.

Ngày trước bố tôi đi, tờ mờ sáng ngày hôm sau tôi đã có mặt ở góc đường Lê Lợi và Pasteur, với hành trang là một cái poncho áo mưa quân đội và một ít sách vơ vét từ nhà.

Ðời không đẹp như mơ. Tôi ngồi với ít sách trải trên chiếc poncho từ lúc thành phố còn ngái ngủ, tới khoảng tám giờ sáng thì những “đồng nghiệp thứ thiệt” xuất hiện: “Này bạn, đây là chỗ của tôi từ mấy năm rồi, bạn đi chỗ khác cho tôi nhờ.” Có lẽ, thấy nét chưa hề vướng chút bụi lề đường, ông hàng sách lâu năm an ủi: “Chắc mới ra nghề phải không, thôi chịu khó lê lên đoạn trên đi, chỗ trước rạp Rex, chắc còn chỗ.”

Thế là cả ngày đầu tiên, tôi lết tấm poncho hết chỗ này sang chỗ khác. Cuối cùng, tìm được một góc ngay cạnh một bà bán thuốc lá, cũng là gia đình “Ngụy.” Bà bảo: “Em cứ ngồi đây, bị đuổi thì cả hai chị em cùng bị đuổi.”

“Tôi là một gã lái buôn lòng đục lờ giá cả, bao kẻ qua nhưng không người mua hỏi, một ngày kia tôi ra mục trả cho đời.” Không nhớ mấy câu này tôi đọc ở đâu nhưng sao nó giống cảnh tôi đến thế. Một tuần liền, tôi không bán được cuốn sách nào cả. Chợt một buổi chiều, anh Vũ Dũng, chủ trương một nhà xuất bản ở Sài Gòn trước kia, gặp lại tôi ngồi vỉa hè, anh quan sát hàng sách của tôi, rồi bảo: “Cậu bán toàn loại sách dịch của tác giả ngoại quốc kiểu này thì ai mua, cậu phải đổi mặt hàng đi.”

Bài học đầu khi kiếm sống thật quý, tôi quăng ngay vào thùng những tác giả Nguyễn Hiến Lê, Dzoãn Quốc Sỹ, Tolstoi, Dostoievski, André Gide..., để mua một số sách của anh Vũ Dũng, nào là “Ðời Nàng Trong Tháp Cô Ðơn,” “Trăng Hàng Xóm”... và mua thật nhiều “Cậu Chó.” Thế là chiều về có tí 'tiền còm' đưa mẹ tôi mua gạo cho gia đình.

Ngày qua ngày, dãy hàng sách có thêm họa sĩ Trịnh Cung, nhà thơ Trần Tuấn Kiệt, nhạc trưởng Viết Chung, nhạc sĩ Trần Văn Bùi... Người 'chạy hàng' cho chúng tôi là anh Hà Tường Cát, nhà giáo, công chức chính phủ, trốn trình diện “học tập.”

Ðời nghèo mà vui, đời cực mà vui. Hầu như chiều nào, lúc gần cuốn gói đi về, anh em chúng tôi cũng 'lai rai ba sợi' với nhau. Chỉ có vài xị đế, vài quả cóc, hôm nào sang thì có thêm con mực khô nướng.

Anh Trần Tuấn Kiệt là tếu nhất. Hôm có một bà bụng chửa vượt mặt, giọng 'Bắc 75,' hỏi mua của anh cuốn “Annakarenine” của Leon Tolstoi. Bà ta trả giá từ 200 và bò lên tới 700 thì ngúng nguẩy bỏ đi. Trời sắp tối, bà quay lại, chắc hẳn không tìm đâu có cuốn sách, nên quay lại và đồng ý giá 750 do anh Kiệt nêu từ lúc đầu. Nhà thơ của chúng tôi bèn nổi chứng “ngang như cua,” cầm cuốn sách vất vào thùng phía sau lưng, và quay sang bảo tôi: “Hôm nay tao ‘đíu’ bán được, nhưng vẫn nhậu như thường.”

Những “gian hàng” sách của chúng tôi, nhờ thỉnh thoảng có anh chị Từ Công Phụng chở cháu Quyên bằng Honda ghé chơi, nên mang nét văn nghệ đặc biệt, nhất là mỗi khi nổi hứng hè nhau hát “lạy ông đi qua, lạy bà đi lại/cho tôi xin chút ái tình.”

Một kỷ niệm buồn thật khó quên: Chị Lan bán thuốc lá, một hôm lượm dưới lòng đường mấy hột mít ai đó vứt bỏ, giọng vui hẳn, chị bảo sẽ đem về luộc cho các con ở nhà. Chiều đến, mặt thật buồn, chị vất gói hột mít xuống rãnh cống sát lề đường, nói: “Ðem về, các con không hiểu, tưởng mẹ ăn... quà vặt.”

Nghe câu chị nói, lòng tôi đau như dao cắt.

Bán sách là bước đầu tiên, và từ đó, tôi trôi nổi đủ nghề kiếm sống, từ bán quần áo cũ, lấy rau muống từ ruộng, bỏ sỉ cho các chợ, bán kính mát, đạp xích lô. Nhưng, gắn bó lâu nhất cho tới ngày tôi bị bắt, là bán thuốc Tây ở khu vực chung quanh ga xe lửa Sài Gòn.

Nhớ ghê gớm những khuôn mặt chợ trời thửa ấy! Nhớ những buổi sáng vội vã chào nhau, chia từng đứa đứng từng ngả đường chào mời khách. Nhớ có lần bị công an bắt quả tang với thuốc giấu trong người, Liên, Phượng, Vân, Yến, Mẫn... túc trực trước đồn công an cho tới khi cả bọn có lại được nhau. Nhớ những bữa cơm ăn vội vàng giữa lòng đường dưới cái nắng gay gắt hắt vào mặt. Nhớ có lần Hảo nhắc câu thơ Vũ Hoàng Chương, “Chúng ta mất hết chỉ còn nhau...” Nhớ buổi tối Phượng hớt hải chạy đến khóc: “Chúng nó bắt bé Hoàng em Phượng rồi.” Nhớ nét ngang ngạnh thách thức của Liên khi phải đối đầu với những oan nghiệt của cuộc sống ngoài lề đường.

Và nhớ vô cùng những cái Tết đi qua, ngay tại lề đường ga Sài Gòn. Trưa Ba Mươi, hàng quán chung quanh bắt đầu đóng cửa, người người vội vã về nhà chuẩn bị đón Tết, cả bọn chúng tôi quây quần bên một cái bàn ọp ẹp, trên bày hoa quả hương đèn. Chúng tôi cúng và cầu xin theo cách riêng của mình. Lời nguyện của riêng tôi, cơm áo và niềm tin cho mọi người. Bữa cơm trưa Ba Mươi, chúng tôi... vui như Tết. Quá khứ ráng lãng quên. Tương lai không màng tới. Chỉ có phút giây hiện tại, bên nhau, là có thật!

Cuộc vui bên nhau đậm nét nhất, có lẽ là bữa thịt nguyên một con chó ở nhà “Vinh Con.”

Con chó, là vật thí nghiệm của sinh viên Ðại Học Y Khoa Sài Gòn. Trưởng khu mổ là anh T. Khổ thân anh, cả nước thiếu chất thịt, các giáo sư của trường cũng thế, nên anh phải “phân phối” chó mổ xong theo danh sách “đăng ký.”

Hôm đó, một ngày Tháng Mười Một, 1977, Giáo Sư C., ông anh yêu quý của bọn chợ trời chúng tôi, tới phiên được mua con chó với giá quốc doanh. Anh C. lái chiếc Honda, tôi ngồi phía sau đến khu mổ thực tập động vật của anh T. đón “chàng chó.” Không ngờ, chàng ta chưa chết hẳn, vẫn tru ư ử và máu từng giọt nhỏ ướt cái thùng giấy đựng bên ngoài. May mắn, hai anh em chúng tôi đưa được chàng an toàn về tới căn nhà Cậu Vinh bên Hòa Hưng. Khoảng gần 30 anh em chúng tôi được bữa chó no nê. Hôm đó có cả cặp sắp cưới Nghĩa-Lư, chồng bác sĩ đại úy Biệt Ðộng Quân mới tù về, vợ năm thứ tư Y Khoa. Và hai bác sĩ khác, là K. và T.

Ðã gần 35 năm rồi chứ ít ỏi gì, kể từ mùa Xuân “sẩy đàn tan nghé” 1975, và kể từ những ngày cái Tết đầu tiên, bọn tôi còn cả, không thiếu ai. Bây giờ, nhớ lại từng khuôn mặt, Nghĩa-Lư đã tan vào đại dương muối mặn; K. và T. đang có phòng mạch ở California; anh C. thì mãi tận xứ Canada giá lạnh; Hảo mở tiệm Nails ở San Jose; Phượng làm báo ở Sài Gòn; Liên làm đài phát thanh bên Dalas-Texas; Vũ Vân làm nails ở Quận Cam; Thanh Vân giờ là “đại gia” ở Sài Gòn với sáu cơ sở kinh doanh chuyên xuất hàng ra nước ngoài; Dung chủ quán hàng hoa nhỏ ở Paris; Phồn làm giám đốc ngành dược các tỉnh miền Tây; Mẫn bác sĩ ở Sài Gòn; Châu phiêu hốt giang hồ ở tiểu bang nào không rõ; Huy tiến sĩ sử học ở Paris và là nòng cốt của Thông Luận; Liêm ổn định mọi bề ở San Diego; chị Yến vẫn còn nét ngày xưa và cùng chồng làm chủ sáu tiệm liquor bên Houston; anh Ái giàu sụ, giàu khiếp, vài năm lại ghé Mỹ chơi, thăm bằng hữu cũ; Ngọc Anh mù mịt tăm hơi không biết ở nơi nào; anh Cát cộng đồng Nam California vẫn thường thấy ký giả này của báo Người Việt, trong mọi sinh hoạt.

Hôm rồi, một số bạn bè chợ trời xưa gặp nhau ở nhà anh Cát, Vũ Vân cười bảo: “Trừ anh già nhất, bọn mình xấp xỉ 60 cả rồi, nhưng tất cả vẫn còn nhau.”

Còn chứ Vân! Còn cả những người đã khuất, như Ngô Mạnh Thu, Trần Ðại Lộc, Nghĩa-Lư.

Còn nguyên đó thôi, trong nỗi nhớ thường xuyên của bạn bè!




No comments:

Post a Comment