Friday, December 7, 2012

NGUYỄN KHẮC NHƯỢNG - Bolero Như Một Hoài Niệm




Thoạt tiên chỉ là cuộc chơi lúc trà dư tửu hậu giữa một số anh em doanh nhân và nhà báo trong một bữa tiệc thân mật tại nhà hàng Blue Ginger thuộc Thời Báo Kinh tế Saigon. Bữa tiệc ấy diễn ra cách nay đã ngoài mười năm khi một anh chàng nào đó trong men vui của rượu vớ lấy cây guitar của nhà hàng và hát một ca khúc “não tình” theo tiết tấu bolero rất quen thuộc ở phía Nam khoảng thập niên 60 thế kỷ trước.

Hầu hết thực khách trong bàn tiệc hôm ấy đều thuộc thế hệ 4X hoặc 5X, từng lớn lên ở miền Nam trước đó, đồng loạt kéo gân cổ hát theo chàng ca sĩ nghiệp dư kia với sự hào hứng bất ngờ. Nhạc bolero “não tình” mà đem ra hợp ca thì kết quả ra sao ai cũng rõ, nó biến thành sự vui nhộn dù ca từ thê thiết đến mấy chăng nữa. Bài hợp ca này vừa dứt, tức thì ai đó “lĩnh xướng” một bài bolero khác và dàn đồng ca lại cất giọng hòa theo, kẻ thuộc đầy đủ ca từ, người chỉ nhớ lỏm bỏm, tuy nhiên ai nấy đều gào lên rất nhiệt tình. Những bài hợp ca vui nhộn như thế nối tiếp nhau cho đến một lúc có ai đó đề nghị phải hát thật nghiêm túc vào. Bolero mà hát nghiêm túc tức phải đơn ca, phải nỉ non kể lể, phải diễn cảm mùi mẫn. Để làm được điều đó buộc phải thuộc trọn vẹn ca từ của một ca khúc bolero. Trong số thực khách đêm ấy có vài người đáp ứng được điều kiện này đã khiến phần “biểu diễn” sau đó đậm chất bolero hơn.

Hầu hết các ca khúc bolero mà anh em “biểu diễn” đều rất thịnh hành ở thập niên 60, 70 của các nhạc sĩ Trúc Phương, Mạnh Phát, Châu Kỳ, Tuấn Khanh …Nội dung chủ yếu là những chuyện tình buồn: Cuộc chia tay trên sân ga của đôi tình nhân với đèn vàng và tiếng còi tàu, nỗi xúc động của một chàng trai khi tình cờ bắt gặp lại tấm ảnh của người xưa “tóc ngang vai, lược giắt với hoa cài”…Một số bài bolero với ca từ chải chuốt thấp thoáng chút thi ca, nhưng chiếm phần lớn vẫn là những bài hát với ca từ dung dị, có khi sướt mướt quá đáng trở nên giả tạo một cách ngô nghê. Nhưng chính cái ngô nghê ấy lại là “ưu điểm” của dòng nhạc “não tình” này bởi tính đại chúng của nó.

Thế hệ chúng tôi khi là những chàng trai trẻ vừa mới lớn, vừa mới biết rung động bởi câu thơ “đứng ngẩn trông vời áo tiểu thơ” của Huy Cận thì dòng nhạc bolero đã phổ biến khắp nơi rồi. Thích hay không thì dòng nhạc “não tình” ấy vẫn cứ lọt vào tai và nằm khuất lấp đâu đó trong tiềm thức. Có khi chàng trai ngày cũ đã chuyển sang yêu thích các dòng nhạc “sang cả” của Phạm Duy, Cung Tiến…hoặc những ca khúc đẹp như thơ của Hoàng Quý, Tô Vũ, Đoàn Chuẩn…thời tiền chiến, nhưng vào một cơ hội nào đó, ví như trong bữa tiệc đêm ấy ở nhà hàng Blue Ginger, khi nghe các ca khúc bolero ngày xưa, lòng tự dưng chùng xuống rưng rưng với kỷ niệm. Tâm trạng ấy hệt như khi ta xếp dọn đống sách báo cũ đã nhiều năm vất bỏ, bỗng nhặt ra được tập “Lưu bút ngày xanh” mấy năm đầu tiên ở bậc trung học với những dòng chữ lưu niệm giữa bạn bè đồng lớp trước khi chia tay nghỉ hè. Những dòng lưu niệm ấy phần lớn đầy sáo ngữ nhưng giờ đây đọc lại ta bỗng run lên vì xúc động trước các hình ảnh của quá khứ ùa về. Sự xúc động ấy chẳng phân biệt “sang” hay “sến”…

Sự thành công quá mức của bữa tiệc “bolero” đầu tiên khiến những bữa tiệc về sau giữa anh em phải luôn có phần nhạc bolero tự diễn kèm theo như một điều kiện ắt có và đủ. Dần dà số người tham gia đông hơn, không chỉ là doanh nhân hay nhà báo nữa mà có cả các vị trí thức khoa bảng tốt nghiệp ở phương Tây hẳn hoi, trong đó không ít người mê nhạc hàn lâm thứ thiệt của Bach, Mozart, Beethoven…Những vị này vốn cũng trãi qua một thời bolero ở miền Nam trước khi du học, nay tham gia bữa tiệc “bolero” để được sống lại với những kỷ niệm thời trai trẻ. Các bữa tiệc “bolero” ấy dần dà thu hút không chỉ thế hệ 4X, 5X mà còn có cả thế hệ 7X, 8X nữa. Sự tham gia của thế hệ trẻ chứng tỏ sức sống lạ lùng của dòng nhạc bolero.

Có ai đó gọi sinh hoạt ca hát của nhóm anh em chúng tôi là “Câu lạc bộ Bolero”, hoành tráng hơn nữa là “Hội Bolero”. Chỉ là cách gọi bỡn cợt cho vui. Loại câu lạc bộ bolero này theo tôi nghĩ, chắc phải có hàng vạn trên khắp đất nước.

Vài người thắc mắc: Dòng nhạc bolero vốn thịnh hành ở vỉa hè, đưa nó vào những nơi sang trọng như nhà hàng Blue Ginger có làm mất đi tính đại chúng bình dân của nó? Với ai thì không rõ nhưng với phần lớn anh em trong cái gọi là “Câu lạc bộ Bolero” của chúng tôi khi tụ tập hát bolero cho nhau nghe cốt chỉ để sống lại một thời trai trẻ của mình, cái thời mà chúng tôi cũng là thành viên trong đám bình dân đại chúng kia. Và để “sống lại” với hoài niệm thì điều kiện cần thiết chính là “không khí bolero” chứ không phải “không gian biểu diễn”.

Ở đâu cũng thế, miễn có người đồng điệu là được.

No comments:

Post a Comment