Tuesday, December 18, 2012

Một chuyến tàu chợ

Người ta gọi là tàu chợ thật đúng, không chỉ nó chạy lề dề như đi chợ, dành cho dân đi chợ, mà còn đủ thứ hỉ nộ ái ố như một cái chợ. Xã hội nào thì chợ ấy, cấm có sai.

Nhưng thời du lịch ngày nay, Tây đi chợ cũng nhiều, lại là tuyến Lào Cai - Hà Nội, loè lọet các loại sắc màu và âm thanh, Tây Ta Tầu Tưởng đủ cả.

Hai ông này, người Mỹ, từ bang Wasshington, lên tàu là nhét tai nghe vào tai, thụt ra thụt vào cái tròng kính, lôi sách ra đọc.



Ông kia người Áo, cùng vợ hóng hớt chuyện của bà con, gật gù mà chả hiểu gì:



Ông nọ người Nhật, chả nói chả rằng, cắm đầu duyệt các ảnh đã chụp, may lại có cô nọ chia sẻ, chuyện trò bằng mắt ví lại bằng tay:

Toa ghế ngồi cứng, nóng. Quạt thì có mà chả quay, chỉ trông vào gió từ cửa sổ. Không đúng chiều hay tàu dừng, mùi xú khí lại có dịp bốc lên, từ thoang thoảng tới ngột ngạt:



Trông thì tưởng các toa cùng hạng phải thiết kế giống nhau. Hóa ra khác. Thí dụ về toilet, cái thì ngang, cái thì ngửa, cái bằng sắt, cái bằng gốm, cái có cứu hỏa, cái không:





Ai lôi được hàng hóa bao nhiêu lên thì lôi, tự tìm chỗ mà nhét. Cái toa hàng ngổn ngang chen hết lối đi:



Các bác buôn bán trên tàu xúm lại một chỗ, chửi bới ỏm tỏi, suýt đập máy ảnh khi phát hiện ra bị chụp:

Cả một đội quân đông như quân Nguyên, tranh nhau bán hàng, rao ơi ới loạn xị ngậu, phà những hơi thở của cuộc sống nóng bỏng vào tận mặt, bất chấp khách đang thức hay ngủ:



Họ còn có các bảo kê đàng sau, sẵn sàng dạy cho đối phương cạnh tranh những bài học cần thiết và lườm nguýt những kẻ định mua nhưng lại chưa can đảm dứt khoát:



Nhà tàu, cùng chiến đấu trên chiến trường này, nhưng tỏ ra có văn minh thương nghiệp hơn, dù sao họ cũng là chủ tàu, dù không ra tay chuyên chính với những người bán hàng rong tự do đi tàu không vé:

Một bác người Mông vừa ổn định chỗ:



Xuất hiện một bác người Dao:




Thế là thành bạn đường vui tươi, bi bô nói với nhau bằng tiếng Kinh lọng ngọng, nói một thì phải tự đoán ra hai:



Hai bác người Kinh này đúng chất đồng bằng Bắc Bộ, chia ngọt sẻ bùi:



Còn cái bác này, chả biết là người Mán hay gì gì, vô tư đứng như chim trên cành, hưởng sướng với cảnh tàu xe:



Bác ý nhe hàm răng cải mả, đúng mô đen hiện đại là phải có một cái răng nanh bọc vàng thể hiện đẳng cấp trong làng và niềm vui như thời nước Anh vừa phát minh ra tàu hỏa chạy bằng hơi nước:

Nhà tàu xét vé và vui tươi giao lưu với khách, một nét mới của tàu chợ thời nay. Ngày xưa, các ông này gọi là Xơ Vơ, hay quạo và hơi tý có thể dọa đuổi xuống tàu. Nay khác rồi, đôi khi còn hỏi han bằng tiếng Anh đề huề:



Ông trưởng tàu, giọng khê nồng, thoắt cái từ phong thái bệ vệ chuyển sang chất Nghệ, hỏi han khách như người nhà. Cái còi uy quyền, ông cất luôn vào túi, chỉ đạo người nhà tàu chăm sóc khách khứa:



Bác bảo vệ này cũng hiền khô, không còn dáng dấp khét tiếng của thời “ba lô lộn ngược nhảy tàu bắc-nam”. Bác ý nhận ra người quen.



Chả là mấy hôm lườn khươn ở Lào Cai, chui vào quán nào cũng gặp bác này, nào quán ăn sáng mỳ phở, nào quán nhậu đêm đủ các món nướng... Ăn cũng thấy ngon ngon, bi giờ mới yên tâm là mình (tình cờ) chui vào được các quán ngon bổ rẻ ở khu vực ấy. Vì các bác này quanh năm suốt tháng lọ mọ ở đấy, hẳn đã lọc lựa chán chê rồi.

Tàu chạy thì khách lăn ra ngủ, đủ tư thế, từ Cờ Lát Xích tới Mô Đẹc:





Đôi khi ai cũng ngủ, chỉ một cặp mắt không ngủ:



Trẻ con khoái cảnh chạy qua, đu lên xem như những con chim treo mình trên dây điện:



Thi thoảng, một chú ré lên lĩnh xướng cáo vút trên cái nền xập xình đều đặn của con tàu:



Làm cho hàng xóm giật mình trợn mắt ngẩn ngơ:

Toa ăn của tàu phục vụ theo loại Hót Cứt Chần (Hot Kittchen, tức đồ ăn nóng kiểu châu Á, chứ không phải ăn nguội kiểu tây). Vì thế, cả một dàn bếp núc nồi xoong dàn hàng ngang, cùng với những lò than tổ ong khói khìn khịt:



Bác anh nuôi băm chặt các thứ như thời bếp ăn tập thể:



“Giờ ăn đến rồi, giờ ăn đến rồi, dậy đi thôi, dậy đi thôi...” cái bài hát thời trẻ con ấy, trên tàu mới thấy nó rộn ràng làm sao. Nam, phụ, lão, ấu tề tựu, ai ăn kiểu người đó. Các cô trẻ nhí nhảnh thì xơi mỳ cho nó nhẹ:



Các bác có tuổi làm tý "riệu" rồi cơm cho chắc:



Trẻ con thì vẫn xúc bú mớm, trên tàu như không trên tàu:



Cơm no rượu say rồi, làm một điếu:



Vô tư, tàu mà, cửa sổ không khép bao giờ. Và lúc này là thời khắc của các bác nước chè thuốc lào. “Lư...ớc chè đơi, ai lước chè lào”. Lào đây là “nào”, mà cũng là “lào”:



Cái chiêu câu khách là tự bắn một phát, tự sướng một phát:



Thế là mấy bác khách tàu trở thành khách thuốc lào, hua hua cái điếu tít mù, thay nhau bắn chác đì đùng:

Tiếng rít choanh choách kèm theo mùi khói “đậm đà bản sắc dân tộc” khiến các bác Tây đang lim dim phải bật dậy. Mới đầu bác này khịt khịt, rồi nhăn mũi, rồi lấy tay áo bịt mũi.

Chả biết cái nào hơn cái nào, cái khó chịu vì khói thuốc, cái bực mình vì người ta cứ hút thuốc ở nơi công cộng cả trước mặt trẻ con, phụ nữ, nhưng rốt cuộc cái thích thú vì cái sự lạ khiến các bác Tây rút máy ra bắn chác xì xoẹt, mặt mày hả hê:



Bác người Nhật này còn sướng như đang được ra trận, thoắt cái, ghế trên nhảy tót sỗ sàng, bắn phần phật:



Chả cần quan tâm chung quanh, bác này cứ tự nhiên trợn ngược hai hàng con mắt, phê đê tê mê:



Cứ như trong cơn đã chôn điếu xuống phải đào điếu lên.

No comments:

Post a Comment