Bài thơ “Mẹ” được Đỗ Trung Quân viết lúc mẹ ông vẫn còn sống. Tính nghịch đảo của bài thơ là ở chỗ ông viết “Mẹ” để sám hối, tạ tội trước mẹ cho một ngày ông biết chắc chắn rằng lẽ tạo hóa, rồi mình sẽ mất mẹ! Chính sự sợ hãi bắt đầu cho một ám ảnh. Nhưng khi đã trở thành ám ảnh thì có thể không còn sợ hãi nữa. Ám ảnh gần như một sự thúc giục dốc đổ, khiến người nghệ sĩ quên mình, dấn thân vào cuộc sáng tạo. Tác phẩm ra đời là những âm bản của nỗi ám ảnh ấy.
Vượt trên tất cả của nghệ thuật ngôn từ, những câu thơ chân tình về đấng sinh thành luôn làm người ta cảm động, nhất là đọc lại trong bối cảnh của mùa Vu lan. Thơ viết về mẹ của Đỗ Trung Quân không nhiều, nhưng bài nào cũng khiến người đọc phải bối rối khi nhận ra rằng lời tự trách của tác giả dường chừng đang nói hộ điều mà người ta cũng lắm lúc phải tự vấn: Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ / Sống tự do như một cánh chim bằng / Ta làm thơ cho đời và biết bao nhiêu người con gái / Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?
Thảng thốt của nhà thơ lại cũng là sự giật mình tỉnh ngộ của nhiều đứa con mượn cớ mưu sinh để thỏa chí tang bồng, mà quên mất chốn quê nhà mẹ già đang chờ trông: Có những bàn chân giẫm xuống trái tim ta độc ác / mà ta vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ / ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ / giọt nước mắt già nua không ứa nổi / ta mê mải trên bàn chân rong ruổi / mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng / Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân / mấy kẻ đi qua / mấy người dừng lại? / Sao mẹ già ở cách xa đến vậy / trái tim âu lo đã giục giã đi tìm / ta vẫn vô tình / ta vẫn thản nhiên?...
Đỗ Trung Quân đã thử hình dung “xe tang qua phố” để hy vọng rằng mình sẽ bớt bàng hoàng cho ngày mẹ không còn trên cõi đời này. Hóa ra khi chạm mặt với bàng hoàng lại càng bàng hoàng hơn. Trái tim như một lần nữa bị bóp nghẹn khi hôm nào đó tình cờ dừng chân trên con phố quen thuộc, nhìn cảnh tiển đưa để mường tượng nay mai thôi hình ảnh ấy là của mình: Hôm nay... anh đã bao nhiêu lần dừng lại trên phố quen / ngã nón đứng chào xe tang qua phố / ai mất mẹ? / sao lòng anh hoảng sợ / tiếng khóc kia bao lâu nữa của mình?
Nhà thơ nhìn thấy trong những tháng ngày rơi rớt của mẹ lúc về chiều là bóng hình hạnh phúc của tháng ngày không còn nữa. Và ông quyết liệt chống trả với tiếng vọng khắc khoải nặng nề đến và gõ đều ký ức: Con sẽ không đợi một ngày kia / có người cài cho con lên áo một bạch hồng / mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ / mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng / hoa đẹp đấy - cớ sao lòng hoảng sợ? Người con ở đây phải chăng đang khóc ở tận trong tim, bởi con biết rồi đây con sẽ vắng mẹ. Tương tự như hồi nào, Phạm Thế Mỹ - Nhất Hạnh nương đỡ những đứa con sớm bất hạnh ấy bằng một bông hồng cài áo, “Một bông hồng cho những ai không còn mẹ…”.
Để chịu đựng sự nghiệt ngã tạo hóa ấy, nhà thơ âm thầm xa vắng chuẩn bị. Như trước một cuộc vắng mặt dài ngày của người thân, chúng ta không thể không hoài vọng, tưởng nhớ: Bài thơ này xin thắp một bình minh / trên đời mẹ bao năm rồi tăm tối / bài thơ như nụ bạch hồng / Con cài sẵn cho tháng ngày sẽ tới! / Con cài sẳn cho tháng ngày… đã tới!
No comments:
Post a Comment