Friday, December 7, 2012

Khi Mẹ là cổ tích


Cổ tích thường bắt đầu từ / Ngày xưa có một nàng công chúa.... hay / ngày xưa có một vì vua… / Nhưng cổ tích con bắt đầu từ / Ngày xưa có Mẹ… (Ngày xưa có mẹ, Thanh Nguyên). Và một người bạn tuổi trung niên, vốn xuất thân từ Cô nhi viện trước 1975, ngậm ngùi chia sẻ rằng ngay cả cổ tích anh cũng không có vì anh vốn là đứa trẻ mồ côi từ loạn lạc chiến tranh…
Nhà thơ Thanh Nguyên, kể: Khoảng năm 1980, khi tôi đang học nội trú ở ngoại thành, có một ngày cuối tuần các bạn đều về sum họp với gia đình chỉ còn tôi ở lại, bỗng thấy cô đơn và nhớ mẹ da diết. Đó là lúc “Ngày xưa có mẹ” ra đời, về sau có chỉnh sửa vài chữ. Mẹ mất năm tôi 16 tuổi. Còn nhớ trước đó một năm, mẹ hứa nếu đậu cấp 3 sẽ may cho tôi chiếc áo dài xanh (tôi nôn nao chờ đợi, vì cho rằng mặc chiếc áo dài màu xanh sẽ đánh dấu ngày mình trở thành “người lớn!”). Thế nhưng mẹ tôi không kịp may chiếc áo như đã hứa với con mình. Quả thật, nếu ví tuổi thơ mỗi người như một câu chuyện cổ tích thì những câu chuyện ấy đều có bóng dáng của mẹ. Nói cách khác, mỗi bà mẹ đã làm ra cổ tích cho con mình bằng chiếc đũa thần tình thương vô bờ...
Mất mẹ ở tuổi 16, có lẽ vậy nên ở Thanh Nguyên ký ức về mẹ vừa da diết, vừa có gì đó như nỗi đau khôn nguôi: Chỉ có một lần mẹ không ngăn con khóc / Là khi mẹ không thể nào lau nước mắt cho con / Là khi mẹ không còn / Hoa hồng đỏ từ đây hóa trắng…
          Cùng nỗi đau đó, có khác là ở tuổi ngoài 40, một người bạn của người viết kể về kỷ niệm của “Ngày xưa có mẹ”: Mẹ tôi mất hồi đầu năm. Thấy tôi buồn, thằng bạn học rủ về quê nó ở Châu Đốc chơi cho khuây khoả. Chén thù chén tạc, say tuý luý cả bọn chệnh choạng kéo nhau đi hát karaoke. Thằng bạn cầm micro: “Xin giới thiệu với các anh em Châu Đốc, thằng bạn tôi ở Sài Gòn vừa mất mẹ. Tôi xin hát tặng nó bài… Ngày xưa có mẹ”. Rồi nó say sưa hát, động tác biểu diễn như một ca sĩ chuyên nghiệp. Bỗng nhiên giọng hát run run... Nó khóc nấc lên. Cách đây hai năm, tôi ghé Châu Đốc dự đám tang mẹ nó… Nếu có đi vòng quả đất tròn / Người mong con mỏi mòn chắc không ai ngoài mẹ / Cái vòng tay mở ra từ tấm bé / Cứ rộng dần theo con trẻ lớn lên / Mẹ là người đã cho con cái tên riêng / Trước cả khi con bật nên tiếng “Mẹ”… Đoạn nhạc được Võ Tá Hân phổ thơ đó, có lẽ đủ sức nặng để làm rơi lệ cả những người đàn ông dày dạn sương gió - khi người ấy ngày nọ chợt nhận ra tự dưng mẹ của mình không còn nữa trên đời…
          Ở đây, với nhà thơ Thanh Nguyên, với tôi hay với ai đó mồ côi mẹ, có lẽ bông hồng đỏ hay bông hồng trắng, chỉ là biểu tượng để thi ca nhạc họa làm nguồn cảm hứng. Ký ức về mẹ, dù gần hay xa, mới là điều nhức nhối. Tuổi càng cao, càng dễ quên chuyện trước mắt, nhưng càng nhớ chuyện xa xôi. Tuổi đời, tình đời trải miết rồi, nay nhớ về mẹ, thôi thì với bao điều thiếu sót và ray rứt. Cứ giá mà… giá mà… Nụ cười của người già, dù là nghễnh ngãng, dù là mù loà… nhớ lại, sao mà dễ thương chi lạ, nhớ xoáy tận đáy lòng. Ray rứt và ân hận là thế! Ước gì thời gian lùi lại, sẽ tìm cách ghẹo bà, để có nhiều hơn nụ cười móm mém như thế. Nụ cười của mẹ già là nụ cười mãn nguyện, con cháu chưa quên bà, vẫn ở bên bà. Nhưng mấy ai còn được mẹ già với nụ cười móm mém như vậy ở bên mình?
Mẹ! / Có nghĩa là bắt đầu / Cho sự sống, tình yêu, hạnh phúc / Mẹ! / Có nghĩa là duy nhất / Một bầu trời / Một mặt đất / Một vầng trăng / Mẹ không sống đủ trăm năm / Nhưng đã cho con dư dả nụ cười…
Một lần của gần chục năm trước, thằng bạn tuổi đã trung niên của người viết, lướt net, đọc được bài “Cá bống kho tiêu” nào đó, gọi điện thoại cho tôi từ Mỹ, nói rằng tự nhiên nhớ mẹ, rồi khóc hu hu qua điện thoại: “Cả đời tao làm khổ bà già. Bà già bệnh, tao bận việc, cứ hẹn lần, không về chăm sóc được. Bà già mất, tao về, không kịp nhìn mặt… Tiền bạc bây giờ có ích gì…”. Mẹ nó mất hơn mười năm rồi!
Mẹ! / Có nghĩa là ánh sáng / Một ngọn đèn thắp bằng máu con tim / … / Mẹ! / Có nghĩa là mãi mãi / Là cho – đi – không – đòi – lại – bao – giờ…

No comments:

Post a Comment