Từ nỗi hoài hương canh cánh, và ước vọng được trở về quê nhà hát cho đồng bào mình nghe; thứ đến, đất nước tuy còn nghèo nhưng vẫn có thể nuôi sống được cuộc đời ca hát chuyên nghiệp hơn ở xứ người; từ đó ca sĩ Hương Lan, nghệ sĩ Hoài Linh, Jimmy Nguyễn đã tìm về trước tiên. Kế đến là lớp đàn anh, đàn chị vang bóng một thời như: Elvis Phương, Đức Huy, rồi Tuấn Ngọc, Lệ Thu, Giao Linh, Từ Công Phụng, Thanh Tuyền… và lớp trẻ như MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Trần Quốc Bảo, Phi Nhung, Linđa Trang Đài, Trường Vũ, Quang Lê… cũng về.
Mới đây nhất là trường hợp Chế Linh, cho dù có những trục trặc thủ tục, nhưng cuối cùng ông cũng được hưởng hạnh phúc, đã đạt được ý muốn một cách mỹ mãn. Tất cả đều được đông đảo khán giả trên mọi miền tổ quốc đón nhận bằng tình cảm chân thành, chẳng khác nào dành cho những người thân, lâu ngày mới gặp lại.
Công tâm mà nói, chỉ còn lại Khánh Ly là tên tuổi lớn ở hải ngoại mà đông đảo người yêu nhạc trong nước chờ đợi được nghe, được thấy bà ta trên sân khấu bằng xương bằng thịt. Được như thế là do hào quang quá khứ còn đọng lại trong lòng công chúng nhiều thế hệ, bằng giọng hát tuyệt vời qua băng đĩa. Giọng hát đó càng được thăng hoa bởi những huyền thoại, gắn liền với tên tuổi người nhạc sĩ tài năng Trịnh Công Sơn.
Thật ra, trong những CD gần đây nhất, tiếng hát Khánh Ly không còn chất ma quái, trăn trở một cách truyền cảm, làm tê tái hàng triệu con tim như trước đây. Không ít người cho rằng: “Sẽ mãi mãi yêu thích tiếng hát Khánh Ly của những ngày xưa, nhưng bây giờ nghe bà ta hát thì chán lắm, chẳng khác nào là một cực hình”! Điều này hết sức bình thương, bởi đó là quy luật đào thải của thời gian! Làm sao có thể trông mong sự ngọt ngào ở một tài năng xấp xỉ tuổi 70, với nửa thế kỷ sống đời ca hát, cho dù đã từng là một siêu sao. Có chăng chỉ là sự hoài niệm mà thôi.
Nhưng đó không phải là điều đáng nói. Bởi lẽ, vì bất cứ lý do gì, mà còn được khán giả ưa thích, thì người nghệ sĩ vẫn còn tiếp tục biểu diễn, nếu cần. Điều đáng nói ở đây, với những gì Khánh Ly đã hành xử, liên quan đến hoạt động nghệ thuật có đủ để cho các nhà tổ chức tin cậy. Ví như, vì một khoản cát-xê nào đó, được Khánh Ly coi như là một cú vét cuối đời, chấp nhận về Việt Nam biểu diễn. Nhưng khi quay lại nước Mỹ, liệu bà ta có tuyên bố hung hăng như đã từng xảy ra hay không? Sự tráo trở của Khánh Ly, có thể chỉ là khuynh hướng của một con người sống theo kiểu “gió chiều nào ngả theo chiều nấy”. Đơn cử, năm 2000 khi về Việt Nam thăm gia đình lần thứ hai. Khi được hỏi cảm tưởng những ngày ở Việt Nam như thế nào, Khánh Ly trả lời: “Vui lắm, thoải mái lắm. Chỉ riêng lĩnh vực ca nhạc thôi, ở Mỹ làm sao mà tổ chức được một live show. Hầu hết đều hát trong phòng trà, nhà hàng ăn, trong sòng bạc. Còn ở Việt Nam, tôi thấy ca sĩ làm live show rất tự do. Hôm đi ăn với mấy người bạn tại nhà hàng Bạch Dương trên đường Lê Quý Đôn, nhiều người nhận ra tôi,yêu cầu tôi hát, và tôi đã hát liền một lúc 3 bài”.
Thế nhưng, ngày 13/1/2004, tại Mỹ, Khánh Ly đã hô hào lập hội “Ái hữu ca nhạc” và kêu gọi tẩy chay nghệ sĩ trong nước ra hải ngoại biểu diễn. Đã từng hai lần về Việt Nam, phần nào đã tiếp xúc, đã hiểu cuộc sống và sinh hoạt của ca sĩ trong nước, hầu hết là lớp đàn em, đàn cháu của mình. Khánh Ly cũng đã từng phát biểu hết sức tốt đẹp về họ, thì tại sao Khánh Ly lại hành xử như vậy?
Một ca sĩ nỗi tiếng đã nhận định: “Đó chỉ là sự tranh ăn,được núp dưới chiêu bài chính trị”. Tính minh bạch và lòng tự trọng đã bị đồng tiền bào mòn đến mờ mắt, khi Khánh Ly thường xuyên “xù show” vào phút chót để nâng giá cát-xê, đã từng bị báo chí hải ngoại đặt thẳng vấn đề. Sự lật lọng được Khánh Ly đem ra ứng xử với ngay cả nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, người bà ta luôn nhắc đến bằng hai chữ ân tình. Phải có một điều gì đó thật cay đắng, khiến nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng phải phẫn nộ đến độ phút cuối cuộc đời , ông còn để lại lời trối trăn cho gia đình, cấm cửa không cho Khánh Ly đến dự đám tang.
Lòng nhân ái và tình đồng nghiệp có hay không, khi ca sĩ Bằng Kiều mới chân ướt chân ráo theo vợ là ca sĩ Trizzie Phương Trinh sang Hoa Kỳ. Trong một đại nhạc hội có tên “Xin đừng quên tôi”, với tư cách là người dẫn chương trình, đứng trên sân khấu, trước khán giả, Khánh Ly đã dí vào tay Bằng Kiều một lá cờ vàng 3 sọc đỏ, cố tình dồn anh ta vào thế chân tường. Tại sao Khánh Ly lại hành động như thế? Lẽ ra, Khánh Ly nên để cho Bằng Kiều tự do lựa chọn thái độ, theo nhịp đập trái tim của anh ta. Nếu hiểu rõ tính cách của Khánh Ly, thì đó là một cơ hội để bà ta tự đánh bóng tên tuổi mình, hơn là ý thức chính kiến.
Ngay cả đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cái tình mà Khánh Ly thường rêu rao cũng chỉ là để đánh bóng tên tuổi của mình. Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, con người chỉ biết ngợi ca cái đẹp. Còn ai không tốt với mình thì cũng “thôi kệ” một cách bao dung. Một người thân của nhạc sĩ họ Trịnh kể rằng: “Có một luật sư Việt kiều là chỗ thân tình với Trịnh Công Sơn từ Mỹ về thăm, đã hỏi: Ở bên đó, các ca sĩ, nhất là Khánh Ly, kiếm tiền nhờ hát nhạc của anh nhiều đến thế mà có trả tiền tác quyền cho anh hay không? Trịnh Công Sơn chỉ cười, lắc đầu. Ông luật sư nổi máu công lý, đề nghị với Trịnh Công Sơn và người thân ủy quyền cho ông, để khi về Mỹ ông ta buộc các ca sĩ đó phải hành xử đúng với pháp luật. Sau khi vị luật sư ra về, Trịnh Công Sơn đã dặn dò người thân: “Đòi ai thì đòi, nhưng không được đụng đến Khánh Ly”. Cái tình của ông là thế. Về sau, chuyện này đến tai Khánh Ly, lẽ ra phải lấy cái tình mà bồi đáp lại, thì bà ta lại giữ im lặng. Có lẽ “cái tình” làm sao có thể sánh với “cái tiền”.
Hiện nay dư luận trong nước, và giới truyền thông hải ngoại đang xôn xao về nguồn tin Khánh Ly sắp về Việt Nam biểu diễn. Điều này, trùng khớp với lời bộc bạch mới nhất của Khánh Ly trong một bài phỏng vấn của đài BBC: “Về Việt Nam vẫn nằm trong mơ ước của tôi”. Và bà ta buông những lời thăm dò, theo kiểu thả mồi, bắt bóng: “Hiện tôi chưa có ý định di chuyển, hay thực hiện một chương trình nào đó ở xa. Nên tôi cũng chưa nghĩ đến việc liệu việc về Việt Nam có khó khăn với tôi hay không. Nhưng tôi tin chắc là tôi xin phép và về Việt Nam như mọi người khác đã về thăm, chắc không có vấn đề gì”.
Khánh Ly giả vờ ngây ngô trong cách nói, cứ y như bà ta chưa về Việt Nam lần nào cả. Vậy hai lần trước Khánh Ly về thăm quê như mọi người, có ai làm khó dễ gì đâu mà còn chắc với không chắc. Tại sao Khánh Ly không nói thẳng ra lần này tôi muốn về hát tại Việt Nam có khó khăn với tôi hay không? Mà cứ lập lờ, đánh lận con đen. Hơn nữa, ca sĩ Thanh Tuyền còn khẳng định: “Khánh Ly đã 67 tuổi rồi, chị ấy mong được về nước hát trên mảnh đất quê hương của mình. Chị ấy muốn về trước khi quá muộn”. Không thấy Khánh Ly có phản ứng gì với những lời của ca sĩ Thanh Tuyền. Sự im lặng đó, cũng có nghĩa là đồng tình.
Thế nhưng, báo chí hải ngoại lại nói khác: “Trong vòng thời gian qua, có nhiều lời đồn là Khánh Ly sẽ về Việt Nam biểu diễn từ Nam chí Bắc. Nhưng theo báo Viet Weekly cho hay lời đồn đó không đúng, và người nhà Khánh Ly đã khẳng định lại lập trường chống đối nhà nước Việt Nam của Khánh Ly. Cũng theo người nhà Khánh Ly: “Một năm nay, ít nhất có 10 lời mời chính thức từ phía Việt Nam, xuất phát từ các công ty liên doanh, tư nhân về ngành giải trí đã “ướm lời” mời Khánh Ly, tham gia chính thức hoặc bán chính thức vào một số hoạt động ca nhạc, văn nghệ, phim ảnh mang tính cách văn hóa trong nước.Tuy nhiên, chúng tôi từ chối mọi lởi mời rất hấp dẫn này. Vì chúng tôi không thể làm ngược lại những gì Khánh Ly đã từng tuyên bố trước đây”.
Thật ra, Khánh Ly vẫn thường làm ngược lại những gì mà bà ta từng bày tỏ, miễn là việc làm ngược đó đẻ ra lợi nhuận cho bà.
Nhiều nhà tổ chức chương trình, muốn mời Khánh Ly về Việt Nam biểu diễn là có thật. Nhưng ít nhất có khoảng 10 lời mời chính thức thì phải xét lại. Bời lẽ ở trong nước, lấy đâu ra 10 đơn vị tư nhân, hoạt động liên quan đến nghệ thuật có đủ khả năng thực hiện những chương trình lớn như thế? Hơn nữa, tại sao Khánh Ly không lên tiếng, như đã lên tiếng chính thức với đài BBC, hoặc đính chính lời nói của ca sĩ Thanh Tuyền, mà phải dở chiêu “theo lời người nhà”. Phải chăng đó cũng là một kiểu tung hứng để làm giá. Vì theo nguồn tin đáng tin cậy, thì việc về Việt Nam đã được Khánh Ly đồng ý, vấn đề còn lại chỉ là sự kì kèo giá cả mà thôi!
Chưa gì mà đã trống đánh xuôi, kèn thổi ngược một cách ồn ào như thế. Liệu khi mọi thứ đã thành sự thật biết Khánh Ly có còn lật lọng hay không? Đó là điều mà các nhà tổ chức cần nên cân nhắc.
Phạm Giao
No comments:
Post a Comment