Friday, December 7, 2012

Con chim chỉ được hót trong đêm

Đứng trước linh cữu nhà văn Hoàng Yến trong đám tang ông, tôi chợt nhớ câu nói của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường mấy năm trước: Nhà văn phải nói lên sự thật...

Nhưng sự thật luôn luôn là “con chó bị đuổi ra khỏi nhà" (Shakespeare), là thứ tối kỵ trong xã hội “bày cừu”, là hàng quốc cấm trong xứ sở “toàn trị”, là nguy hiểm chết người khi đức vua cởi truồng.
Nhà văn Hoàng Yến là một trong rất ít người to gan dám kêu to lên “vua cởi truồng” đó. Còn nhớ những năm đầu Đảng và Chính phủ về tiếp quản Hà Nội, các nhà văn, nhà thơ, các nhà phê bình, các giáo sư…xúm vào khen thơ Tố Hữu, xài ngôn từ như xài bạc giả. Vậy mà nhà văn Hoàng Yến cả gan viết bài chê thơ Tố Hữu…”bé” vì “chất sống chưa thật sâu sắc nên ý thơ nhiều đoạn còn giả tạo và công thức…”
Vào tháng 4 năm 1955 dám viết như vậy ngay trên báo Nhân Dân thì có khác gì Hoàng Yến kêu lên ” vua cởi truồng”.
Khi hạ bút viết bài 'Đọc thơ Việt Bắc của Tố Hữu' đăng ba kỳ liền trên báo Nhân Dân quả thực nhà văn Hoàng Yến đã ký án tử cho chính ông.
Hoàng Yến đúc kết: “Cũng vì vậy những câu thơ miêu tả những chiến công lịch sử ở Điện Biên tuy đôi đoạn thơ có vẻ mạnh, khí thơ có vẻ hùng nhưng người đọc nhất là những đồng chí đã dự mặt trận Điện Biên , thấy chưa thỏa mãn và còn thấy là giả tạo…”
Ối chết, chê thơ Tố Hữu “công thức” thì còn chịu được chứ lại chê “giả tạo” thì đồng chí Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban tuyên huấn trung ương Đảng chịu làm sao nổi.
Quy tội chết cho Hoàng Yến còn là nhẹ. Tuy nhiên để thêm cớ quy tội, phải đợi đến vài tháng sau khi tập thơ “ Tình người soi dặm đường” của Hoàng Yến NXB Hội nhà văn mới là “dấu chấm hết” cho sự nghiệp văn chương hiểu theo nghĩa “chính thống” của nhà văn Hoàng Yến. Tập thơ ra đời, lập tức đám phê bình “cung đình” xúm vào đánh đòn hội chợ về tội…đa cảm (!), thiếu “tính chiến đấu”:
“ Đường đi mặt trận
Nước đồng gợn trăng
Gió tre hoa bóng
Gợi tình chiếu chăn…”
(Đường đi mặt trận)
“Chiều cuối năm chưa xuống
Sương xuống nhiều hơn mưa
Bứt lá bỏ dòng suối
Thả xuân về dưới kia…”
( Bứt lá bỏ dòng suối)
Thế là đủ chứng lý để thành…án được rồi. Nhà văn Hoàng Yến phải đi cải tạo tại Văn Phong ( Phú Thọ) ba năm liền. Sau khi mãn hạn lại bị liệt vào loại cấm bút tức là viết không được in, hoặc nếu có in thì phải ký tên khác, không được ký tên Hoàng Yến
Từ năm 1960 đến mãi 1975, giải phóng miền Nam, kẻ thù “Mỹ-ngụy” đã quá nhiều, thôi thì tha cho “kẻ thù nội bộ”. Thế là từ đó Hoàng Yến mới được phép công bố tác phẩm với tên chính của mình.
Suốt 15 năm cấm bút, Hoàng Yến như con chim chỉ được hót trong bóng tối đã lặng lẽ viết, lặng lẽ cất bản thảo vào ngăn kéo hoặc có được in thì cũng với bút danh khác: Thạch Tiên, Hoàng Lan Châu, Hoàng Đức Anh. Như “chim bị tên sợ cành cây cong”, Hoàng Yến đành rời bỏ những đề tài đương đại, những chuyện thời thế dễ “đụng chạm”, dễ “nhạy cảm” chuyển sang viết chuyên về đề tài…”lịch sử”.
Vậy nhưng “sự thù hằn nghiệt ngã” trong bóng tối “vẫn chưa tha cho Hoàng Yến. Vở kịch “ Hình và bóng” của ông chỉ mới diễn ở Hải Phòng được vài buổi đã có lệnh cấm. Nhưng đòn thù chết người ấy vẫn không đốn ngã được Hoàng Yến, ông vẫn can đảm “tọa thị thẳng thắn” trên đất nước và vẫn viết tiếp nhiều vở diễn giá trị khác trong dó nổi bật là “Thanh gươm cô đô đốc” được mời sang công diễn ở Paris.
Nhà văn Hoàng Yến đã vĩnh biệt thế gian tràn đầy ghẻ lạnh này. Thật không ngờ bạn bè tới chia tay ông với những vòng hoa chật cứng một góc chùa Vĩnh Nghiêm cần hẳn một chiếc xe tải chở đi công viên Vĩnh Hằng mới hết.
Nhà văn bị cấm bút vào loại ngặt nghèo nhất Việt Nam đã rời bỏ thế gian này. Lạ thay nếu ta vào Google đánh cụm từ “nhà văn Hoàng Yến” sẽ không ra một kết quả nào, toàn người mẫu, ca sĩ…
Trong hồ sơ Nhân Văn Giai phẩm của các phê bình gia hải ngoại (đặc biệt bà Thụy Khuê - RFI) cũng tuyệt nhiên không nhắc tới tên Hoàng Yến mà chỉ xoay quanh Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm …
Nhật Tuấn

No comments:

Post a Comment