Thursday, December 6, 2012

Bolero qua bắc Cần Thơ… xưa!


Mùa xuân năm 1995, tôi đi công tác qua Cần Thơ. Bến bắc (phà) Cần Thơ ngày ấy còn nhiều người đàn guitare, hát nhạc boléro xin tiền khách qua bắc. Tôi dừng lại trước một ông già đang chơi bài “Chiều cuối tuần” của Trúc Phương, tặng ông hai ngàn đồng và hỏi: “Sao anh chơi nhạc boléro không vậy?”. Ông cười: “Boléro dễ nghe, phù hợp với lỗ tai của bà con ông à. Ông nghe kỹ đi, boléro của Trúc Phương hay lắm!”. Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, kể.
Cái cảm xúc gặp người hát rong trên bắc Cần Thơ đã khiến nhạc sĩ đồng thời cũng là nhà báo viết ra bài tình ca “Boléro qua bắc Cần Thơ”: Chiều buông trên bến bắc Cần Thơ / Có người hành khất ôm cây guitare / Và chơi boléro… / Dòng sông sông trôi mãi không về / Tiếng guitare buồn mênh mông mênh mông / Cũng đi mãi không về…
Nhạc sĩ tâm sự: Với tôi, bài boléro là tình yêu gửi cho một hình bóng phương Nam xa vời vợi. Với người hát rong, bài boléro này thêm cho họ một chút phương tiện để kiếm sống. Với người qua bắc, bài boléro là cái để nghe, thậm chí để cảm nhận, để hoài niệm về chút xao xuyến đã gặp trong đời…
“Nhạc sến thường là giai điệu boléro, thế anh không ngại bị chê sến à?”. Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển (tên thật: Vũ Hợi), chia sẻ: “Tôi luôn quan niệm một ca khúc đứng được trong lòng người phải có giai điệu đẹp và ca từ giàu tính văn học. Bản chất của âm nhạc, dù là âm nhạc mang phong cách dân ca, bao giờ cũng phải sang trọng, nghĩa là phải đảm bảo tính nghệ thuật. Âm nhạc viết cho người nghèo nghe, viết cho người nghèo sử dụng làm phương tiện kiếm sống cũng phải sang trọng, phải đẹp!”.
Chiều nay, qua bến bắc Cần Thơ / Có người lữ khách / Nghe Boléro mà đau thương mênh mông / Tình yêu con chim sáo sổ lồng / Nước trôi bèo giạt / Xa khơi xa khơi và đi mãi không về
“Bài hát viết xong, tôi giao Bích Phượng hát, thu trong một chương trình của hãng Vafaco. Tôi chép bài hát, in luôn mấy chục văn bản ca khúc, trở lại Cần Thơ đưa tặng những người hát rong xin ăn. Kể từ lúc đó, đi qua cầu bắc nào ở miền Tây Nam Bộ, tôi cũng nghe được Boléro qua bắc Cần Thơ của mình”. Nhạc sĩ khoe.
Mấy mươi năm trước, thuở còn là sinh viên, tôi đã có biết bao chuyến qua phà về thăm quê. Tôi qua lại bến bắc Cần Thơ nhiều lần đến nỗi quen mặt mấy nhân viên soát vé. Có người còn cho tôi qua luôn mà không cần phải mua vé. Có lẽ họ cũng có con cháu là sinh viên nghèo giống như tôi. Tôi đã nghe bao thứ âm thanh hỗn độn trong cái nắng oi bức của mùa hè phương Nam trên những chiếc phà đó. Tiếng máy phà với mã lực lớn, tiếng máy xe khách và mùi hăng của khói, tiếng rao hàng rong, tiếng chửi thề vu vơ của mấy bác tài… Tất cả trộn lẫn trong không khí hầm hập cùng sự nôn nóng đợi phà cập bến…
Tôi đã bao lần bâng khuâng với những chiều mưa dầm đứng bên ban công phà nhìn con nước lớn lục bình trôi rời rạc trên con sông Hậu đỏ nặng phù sa. Tôi nhớ tiếng đàn guitar phím lõm của ông lão mù và tiếng ca trong trẻo nhưng buồn não nuột của em bé hành khất mua vui cho khách vãng lai, kiếm cơm độ nhật qua ngày:Chiều nay, qua bến bắc Cần Thơ / Có người lữ khách / Nghe Boléro mà đau thương mênh mông / Tình yêu con chim sáo sổ lồng / Nước trôi bèo giạt / Xa khơi xa khơi và đi mãi không về…
Hình ảnh người lữ khách nghe điệu bolero ở bến phà Cần Thơ trong câu hát nhạc sĩ họ Vũ giờ đây chỉ còn là một k niệm đẹp trong ký ứcCó người hành khất ôm cây guitare / Và chơi boléro / Dòng sông sông trôi mãi không về / Tiếng guitare buồn mênh mông mênh mông / Cũng đi mãi không về…

No comments:

Post a Comment