Tuesday, August 23, 2011

Độc tài


Huy Đức
Đại hội Đảng XI đưa ông Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng Bí thư từ tháng Giêng năm 2011. Nhưng, nhân sự chủ chốt đều đã được quyết định từ ngày 22-12-2010, bởi Hội nghị 14 của Trung ương khóa trước. Cũng như các tân tổng bí thư, ông Trọng chỉ có thể thay đổi cán cân quyền lực khi chuyển dịch được một số vị trí chủ chốt trong Chính phủ và trong các Ban của Đảng.
 Trong gần bảy tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ, ông Trọng vừa là Chủ tịch Quốc hội, vừa là Tổng Bí thư. Quốc hội Khóa XII khi ấy vẫn còn hai kỳ họp và người từng đề nghị thành lập Ủy ban điều tra độc lập vẫn đang là phó chủ nhiệm một ủy ban. Đặc biệt, với cương vị Bí thư Đảng Đoàn, ông Trọng có gần như toàn quyền để cấu trúc một Quốc hội có thể giám sát từng bước đi của Chính phủ. Chỉ cần ông tái đề cử những đại biểu như Nguyễn Minh Thuyết, Lê Văn Cuông… thì thông điệp chính trị mà cử tri và Thủ tướng nhận được từ ông sẽ là mạnh mẽ.
 Rất tiếc, cũng như những nhiệm kỳ trước, chỉ có 33,4% số đại biểu Khóa XII được đưa vào Quốc hội Khóa XIII. Những cán bộ được Đảng cử đi làm đại biểu của dân, sau một nhiệm kỳ nghe tranh luận và tham gia tranh luận công khai, kỹ năng đại biểu vừa mới nhích lên đã bị cho về hưu hoặc chuyển đi làm việc khác. Năng lực lập pháp và giám sát bị thất thoát. Công việc phê chuẩn nhân sự Chính phủ lại phải đặt vào tay của những người lần đầu đặt chân tới nghị trường. Những gì mà trong Trung ương, trong Bộ Chính trị không tiện nói với nhau cũng không có cơ hội được nói ra trong cơ quan dân cử.
 Ngày 11-7-2011, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Bùi Quang Bền được điều ra làm Thứ trưởng Bộ Công an. Ngày 7-8-2011, một cựu Bí thư khác của Kiên Giang, Đại tướng Lê Hồng Anh, được điều sang Thường trực Ban Bí thư. Đành rằng về lý thuyết, trong Đảng không có bè cánh, cục bộ địa phương. Nhưng, nhìn “đội hình” ấy không ít người băn khoăn về vai trò của Tổng Bí thư mà ông Trọng đang nắm giữ.
 Những người quan sát ông Nguyễn Phú Trọng từ khi đang là Tổng biên tập tạp chí Cộng Sản không bất ngờ lắm khi ông bỏ qua những cơ hội này. Nhưng, nhiều người vẫn kỳ vọng vì ông là một trong hai người trong “tứ trụ” có đời sống cá nhân khả kính.
 Chủ tịch Trương Tấn Sang không ít lần từ chối cám dỗ biệt thự Phùng Khắc Khoan để giữ căn phố lầu xây trên nền đất 4x16m ở Thạch Thị Thanh mà ông được cấp từ hồi làm Bí thư huyện ủy. Nhiều nhà lãnh đạo tỉnh rất cảm kích trước cái cách mà ông Nguyễn Phú Trọng tế nhị trả lại quà cáp, phong bì. Hai con của Tổng Bí thư hầu như không có điều tiếng “cậy thế, cậy quyền” còn vợ ông thì được những người gần gũi mô tả như là một phu nhân mẫu mực. Nhưng, Đảng cộng sản, mà ông đứng đầu đang là một đảng cầm quyền. Sự liêm chính là cần thiết, nhưng vai trò của ông không chỉ là để bảo vệ thanh danh của một cá nhân. Việt Nam đang đứng trước nguy cơ đi từ một nền độc tài tập thể sang độc tài cá nhân. Nếu để cho điều đó xảy ra thì sẽ là thảm họa cho cả dân và Đảng.
 Hãy về từng xóm, từng thôn, gặp những người dân phải bán ruộng để tìm đường cho con thoát khỏi sự bế tắc ở nông thôn, kể cả để được vào học ở các trường của Quân đội, Công an…, mới thấy tương lai trong sạch của chính quyền là vô vọng. Công lý đang là một thứ rất xa xỉ với thường dân. Hãy về các tỉnh để coi chủ nhân những căn nhà to đẹp nhất là ai. Chi phí tham nhũng nằm ở trong ký thịt, mớ rau. Chi phí tham nhũng đang lấy hết lợi nhuận của các nhà đầu tư. Nhiều tên tuổi lớn đang phải xoay xở để có được những khoản vay đảo nợ và vay để trả lãi ngân hàng; có không ít đại gia đã thực sự “chết lâm sàng”; tiền bạc vẫn vào túi quan tham, trong khi những người làm ăn chân chính thì chỉ mong giữ vốn.
 “Quyền lực có khuynh hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối” (Lord Acton). Không có nền độc tài nào có thể giúp cho một quốc gia phát triển lâu bền. Phải lựa chọn cho Việt Nam một mô hình mà quyền lực nhà nước được kiểm soát để những kẻ tha hóa khó có thể tồn tại. Việt Nam không thể mời Bill Clinton, hay Tony Blair… về lãnh đạo như mời các huấn luyện viên bóng đá cho đội tuyển quốc gia. Nhưng đừng lấy lý do khác biệt về văn hóa để không tiếp thu những thành quả mà trí tuệ loài người xưa nay đúc kết. Loay hoay cải tiến cái mô hình nhà nước đã thất bại ở nhiều nơi cũng giống như năm 2003, khi thế giới chuẩn bị xuất xưởng Boing 7E7, Airbus 380, Việt Nam vẫn loay hoay chắp vá từ những mảnh máy bay cũ của Liên xô để ráp những chiếc Vam IVam II, bay được 45 phút rồi để 6-7 năm nằm đắp chiếu. Hãy nắm lấy cơ hội sửa đổi Hiến pháp 1992, không chỉ để cứu vãn tình thế của Đảng hiện nay mà còn đem lại chút hy vọng vào tương lai Dân tộc.
 Có rất ít người tin vào khả năng tự thay đổi của chính quyền cộng sản. Nhưng cũng có không ít người sợ hãi cách mạng sau những gì mà họ đã chịu đựng kể từ năm 1945. Những người nổi dậy đã vào đến thủ đô Tripoli nhưng Lybia cũng phải trải qua nhiều tháng trong chiến tranh, hàng ngàn người chịu thương vong và con đường phân chia quyền lực phía trước cũng có thể còn nhiều đau đớn. Sự mỏi mệt của nhân dân cũng có thể coi như là một cơ hội của Chính quyền, nên tìm một lối thoát cho cả hai bằng một tiến trình cải cách. Trước khi Quốc hội thay thế bản Hiến pháp hiện thời và Đảng dân chủ hơn trong cách chọn người. Sự liêm chính của cá nhân Tổng Bí thư phải giúp đánh thức lương tri các đồng chí của ông, phải trở thành sức mạnh chính trị để hạn chế sự lộng quyền trong Đảng.
 Trước khi các nhánh quyền lực nhà nước có thể kiểm soát nhau một cách chính danh. Sự phân công trong Đảng cũng có thể tránh được độc tài cá nhân: Người nắm quyền lực kinh tế thì không được dính dáng tới Quốc phòng, An Ninh; người nắm Quân đội, Công an thì không có trong tay báo chí, Quốc hội và các đoàn thể. Đành rằng, Đảng lãnh đạo theo nguyên tắc tập trung dân chủ, Bộ Chính trị sẽ bàn bạc và quyết định tập thể, nhưng tiền bạc và sự sợ hãi cũng có khả năng chi phối các lá phiếu.
Người dân còn xuống đường để biểu tình phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc là còn kỳ vọng vào Chính quyền Việt Nam. Đừng để sự phẫn uất khiến họ quay lưng. Chính quyền độc tài nào cũng cần sự trung thành của quân đội và an ninh. Nhưng, ngay cả chính quyền độc tài thì cũng cần dân. Đừng quá sợ hãi các “thế lực thù địch” mà sợ luôn cả nhân dân. Ngay cả các vụ án chính trị thì chính trị cũng phải đứng trên an ninh chứ không phải là ngược lại. Đừng nghĩ lấy lại được vài lô đất của nhà thờ là thành công. Điều Chính quyền cần là giáo dân, là sự đoàn kết quốc gia, chứ không phải là vài thầy tu dễ bảo.
 Cơ quan điều tra thì có quyền bắt người, nhưng phải để cho Viện kiểm sát cân nhắc trước khi phê chuẩn và hãy để luật sư làm tròn bổn phận. Ngay cả bị cáo là Cù Huy Hà Vũ thì cũng phải để cho Tòa án độc lập, nếu tòa thấy vô tội thì phải để tòa trả tự do. Tuyên giáo cũng phải cân nhắc chính trị trước các yêu cầu của cơ quan công an. Đừng vì áp lực mà để cho các công cụ truyền thông nhà nước trở nên lố bịch. Chính quyền có hơn 700 tờ báo, có VTV, nhưng người dân cũng có internet. Không giống Bắc Triều Tiên, Việt Nam hiện có hơn 30 triệu người có thể tiếp cận với những tiếng nói đa chiều. Đảng chỉ có thể gặt hái được lợi ích chính trị khi công lý chiến thắng chứ không phải cứ nhất định là cơ quan điều tra chiến thắng.

Còn đầy khoảng trống về Cách mạng tháng Tám

Nhìn lại chặng đường nghiên cứu đã qua cũng như những thành tựu đã đạt được trong việc nghiên cứu Lịch sử cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng còn có nhiều vấn đề lớn đang đặt ra cho giới làm sử.


Thiếu vắng gương mặt nhân dân

Nếu tính từ cuốn sách đầu tiên của Trường Chinh viết năm 1946 đến nay, chúng ta phải thành thật nhận rằng trong những năm qua, những thành tựu đã đạt được trong việc nghiên cứu lịch sử cuộc Cách mạng Tháng Tám là quá khiêm tốn nếu không phải là nhỏ bé so với tầm vóc to lớn của sự kiện.

Và ngay những thành tựu đã đạt được trong việc nghiên cứu lịch sử cuộc Cách mạng Tháng Tám cũng chỉ mới tập trung giải quyết chủ yếu ở góc độ Lịch sử Đảng. Phần lớn các công trình nằm trong khuôn khổ nghiên cứu và công bố của giới lịch sử Đảng thì chủ đề chính là nhằm chứng minh một luận điểm lịch sử rất đặc sắc của cuộc cách mạng này là: “lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhân sỹ, tri thức
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhân sỹ, trí thức trong Quốc hội khóa I 1946

Nói như vậy, chúng ta hoàn toàn không có quan niệm tách lịch sử Đảng khỏi lịch sử dân tộc. Ở đây, chúng ta cũng phải giải quyết một vấn đề có tính cách phương pháp luận của  khoa học lịch sử, đặc biệt là lịch sử Việt Nam trong vòng hơn nửa thế kỷ vừa qua kể từ khi Đảng của giai cấp vô sản Việt Nam ra đời và giữ vai trò độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Những gì mà giới sử học chúng ta, đặc biệt là giới nghiên cứu lịch sử Đảng đã làm được nhằm khẳng định một cách tuyệt đối sự thực lịch sử là chính những người  cộng sản Việt Nam với chính đảng của mình và lãnh tụ Hồ Chí Minh là người lãnh đạo duy nhất đưa cuộc cách mạng Tháng Tám đến thành công. Đó là một kết luận khẳng định nhằm chống lại mọi sự nghi hoặc, thậm chí những quan điểm hết sức sai lầm và phản động của một số người cố tình chứng minh rằng “Cộng sản và Việt Minh, đã cướp công những người quốc gia trong sự kiện lịch sử này”.

Nhưng nếu lịch sử Cách mạng Tháng Tám chỉ dừng lại ở đó thì chắc chắn là chưa đủ và trong chừng mực nào đó nó làm nghèo đi sự nhận thức lịch sử của nhân dân. Hơn bao giờ hết, chính thời kỳ Cách mạng Tháng Tám 1945 là bằng chứng lịch sử về một thành công to lớn mà những người cộng sản Việt Nam, dưới sự lãnh đạo tài giỏi và uy tín tuyệt đối của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã biến Cương lĩnh, mục tiêu chính trị của một đảng kiểu mới, chỉ có khoảng 5.000 đảng viên, vừa chịu đựng những tổn thất lớn lao (sau thất bại khởi nghĩa Nam Kỳ và sự khủng bố thời chiến của đế quốc Pháp-Nhật) thành ý chí và hành động của toàn thể dân tộc.

Mặt trận Việt Minh là một đỉnh cao của thành công đó. Trong cuộc cách mạng này, bên cạnh hình ảnh những chiến sĩ cộng sản, còn biết bao tầng lớp xã hội, tổ chức yêu nước, biết bao khuôn mặt và hành vi cách mạng rất cụ thể đã tạo nên tính chất “nhân dân”, tính chất “quần chúng” của cuộc cách mạng mà chúng ta luôn khẳng định và nhấn mạnh, nhưng lại ít quan tâm nghiên cứu nhất.

Đáng tiếc là những công trình nghiên cứu về cuộc cách mạng này chỉ được trình bày một ách nghèo nàn, ít thuyết phục và theo công thức có sẵn: từ nghị quyết này tới nghị quyết khác…rồi cách mạng tiến tới thành công. Hãy quan tâm hơn nữa việc nghiên cứu cuộc cách mạng ở góc độ xã hội học của sự kiện liên quan tới số phận của mọi tầng lớp, thành viên của xã hội.
Ngày thành lập Hội Truyền bá quốc ngữ năm 1938 tại sân Vận động CSA Hà Nội: Nhà thơ Hằng Phương đang đọc diễn văn kêu gọi phụ nữ Việt Nam học chữ quốc ngữ. Trên hàng ghế gần diễn giả từ trái sang phải là các ông: Phan Thanh, Nguyễn Văn Tố, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên... Ảnh tư liệu
Ngày thành lập Hội Truyền bá quốc ngữ năm 1938 tại sân Vận động CSA Hà Nội: Nhà thơ Hằng Phương đang đọc diễn văn kêu gọi phụ nữ Việt Nam học chữ quốc ngữ. Trên hàng ghế gần diễn giả từ trái sang phải là các ông: Phan Thanh, Nguyễn Văn Tố, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên... Ảnh tư liệu.


Thực tiễn sinh động của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 cho thấy việc nghiên cứu một cách nghiêm túc và khách quan thái độ của mọi tầng lớp xã hội, tổ chức chính trị, kể cả những lực lượng đứng bên ngoài hàng ngũ những người cách mạng thực sự cuộc cách mạng này: Đảng Cộng sản và Mặt trận Việt Minh.
   
Thí dụ: Tổng hội Sinh viên chủ yếu ở phía bắc và Thanh niên Tiền phong ở phía nam là hai tổ chức tập hợp những lực lượng năng động và đông đảo tham gia vào những diễn biến của cuộc cách mạng, đặc biệt ở các đô thị, cho đến nay chưa được nghiên cứu một cách cụ thể, trừ một vài hồi ký rất tản mạn.

Hội Truyền bá quốc ngữ được thành lập từ năm 1938 do sáng kiến của những người cộng sản cho đến thời điểm cách mạng bùng nổ vẫn là một phong trào xã hội hoạt động công khai và phát triển sâu rộng, đã đóng vai trò to lớn vào thời điểm quyết định của cuộc cách mạng. Nó thực sự là một thành công trong đường lối vận động cách mạng của Đảng, nhưng đến nay việc nghiên cứu nó chỉ dừng lại ở một cuốn sách mang tính chất truyền thống của những thành viên cũ của phong trào biên soạn vào dịp kỷ niệm 50 năm, còn trong lịch sử, kể cả lịch sử Cách mạng Tháng Tám, Hội chỉ được kể đến rất mờ nhạt.

Hội hướng đạo sinh Việt Nam cũng không được nghiên cứu và luôn bị ấn tượng là một tổ chức xã hội gắn liền với chế độ thuộc địa. Nhưng chính những thành viên của tổ chức này lại góp mặt rất đông đảo và đóng góp có hiệu quả vào công cuộc giành chính quyền và xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao…

Ngay cả một số tổ chức quần chúng cách mạng được đánh giá cao trong lịch sử, nhưng hầu như cũng chưa được nghiên cứu đầy đủ như các tổ chức “cứu quốc” trong công nhân, nông dân…trong giai đoạn này.

Nếu cách mạng là biểu hiện tập trung nhất của sự đấu tranh giữa các lực lượng, các giai cấp xã hội, thì trong nghiên cứu Cách mạng Tháng Tám, chúng ta còn quá nhiều khoảng trống đối với việc nghiên cứu các đối tượng của cuộc cách mạng. Cho đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nghiêm túc nào về các tổ chức, các lực lượng phản cách mạng khi đó: Quốc dân Đảng, Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt..v..v hay như tìm hiểu bản chất của Nội các Trần Trọng Kim, các tổ chức xã hội và chính trị đương thời: Tân Việt Nam, Tổng hội Viên Chức, v.v..Và bối cảnh kinh tế, xã hội của Việt Nam và giai đoạn này càng ít được quan tâm, v.v..

Bối cảnh quốc tế mờ nhạt

Cách mạng Tháng Tám 1945 là một bước phát triển trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, nhưng đồng thời nó cũng là một bộ phận của lịch sử thế giới nói chung, của khu vực nói riêng trong bối cảnh của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Những công trình nghiên cứu của chúng ta đã dành sự quan tâm nhất định đối với bối cảnh thế giới, song thường nhấn mạnh đến thắng lợi của lực lượng dân chủ đối với chủ nghĩa phát xít, trong đó nhấn mạnh đến tính chất quyết định những thắng lợi của lực lượng Hồng quân Liên Xô ở mặt trận phía Tây góp phần tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Đức và trực tiếp hơn là chiến thắng của Liên Xô đối với đội quân Quang Đông của Nhật ở Mãn Châu.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nghiên cứu, phân tích sâu sắc hơn cả về hoạt động của Đồng minh ở những khu vực có ý nghĩa chiến lược và tác động của nó vào tình hình Đông Dương và Việt Nam. Một thời gian rất dài, chúng ta hoàn toàn không đề cập tới mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam, mà người đại diện trực tiếp là lãnh tụ Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt  Minh với các lực lượng Đồng minh, mà trực tiếp nhất là Mỹ.
Hồ Chí Minh và người Mỹ:
Hồ Chí Minh và người Mỹ: Chỉ huy Đội Nai, Allison Thomas, đứng giữa. Bên trái là Võ Nguyên Giáp và bên phải là Hồ Chí Minh. Đứng bên phải Hồ Chí Minh là Ren Défourneaux, thành viên duy nhất của đội có những lo lắng thật sự về mối quan hệ chính trị của Việt Minh. Ngồi trước Ren Défourneaux là nhiếp ảnh gia của đội, Alan Squires. Henrry Prunier đứng bên trái Võ Nguyên Giáp, và đứng xa nhất phía trái Võ Nguyên Giáp là Paul Hoagland, người đã cung cấp thuốc cho Hồ Chí Minh khi ông bị ốm.
(Ảnh tư liệu của Nguyễn Học)
Mối quan hệ này gần đây đã được giới sử học Việt Nam và nước ngoài quan tâm đến càng làm cho sự hiểu biết của chúng ta đối với thời kỳ lịch sử đó trở nên phong phú và biện chứng hơn; nó càng làm sáng tỏ tài năng và nghệ thuật chỉ đạo cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như thiện chí hòa bình và hữu nghị của những người cách mạng Việt Nam vào thời gian ấy đã tự xếp mình đứng trong hàng ngũ Đồng minh chống phát xít.

Ý nghĩa thắng lợi to lớn của Cách mạng Tháng Tám còn nổi rõ hơn, nếu chúng ta đặt nó trong hoàn cảnh quốc tế rất phức tạp lúc đó, khi mà trong lòng những thắng lợi của Đồng minh cũng đồng thời chứa đựng những mưu toan thực dân hoặc bành trướng của các thế lực đế quốc và quân phiệt trong nội bộ lực lượng ấy đối với các thuộc địa, đến các yếu tố quốc tế có tác động trực tiếp vào diễn tiến của tình hình Đông Dương lúc ấy.

Đó là các hoạt động quốc tế phản ánh chủ trương của Đồng minh đối với Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ hai, là âm mưu trở lại Đông Dương của lực lượng Pháp Đờ Gôn, của đế quốc Anh, và đặc biệt là âm mưu “Hoa quân nhập Việt” của các thế lực quân phiệt Trung Hoa,v.v..

Dường như những vấn đề quốc tế liên quan đến sự kiện Cách mạng Tháng Tám 1945 chỉ được đề cập trong giới hạn phụ thuộc vào những quan hệ quốc tế hiện tại(?).

Một khía cạnh quan trọng nữa cũng ít được quan tâm tới là việc nghiên cứu cuộc Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam trong bối cảnh và mối tương quan với các nước trong khu vực. Sự đầu hàng của phát xít Nhật cũng như hoạt động của các lực lượng dân tộc vì mục tiêu độc lập của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á tạo nên những tình thế cách mạng rất gần với tình hình ở Việt Nam. Vậy tại sao chỉ có ở Việt Nam mới tạo nên một cao trào cách mạng có tính chất bạo lực do những người cộng sản lãnh đạo thành công, và xây dựng nhà nước công nông đầu tiên và duy nhất ở Đông Nam Á? (…).

Dương Trung Quốc    

(Trích bài "Nghiên cứu Cách mạng tháng Tám từ hiện thực đến nhận thức", sách "Cách mạng  Tháng Tám – một sự kiện vĩ đại của thế kỷ XX" (60 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng  2 tháng 9), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005).

Nén nhang thắp anh Chín


NÉN NHANG THẮP ANH CHÍN

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, nhà báo Phạm Khiết (Phạm Trường Phục), quê quán: xã Hòa Thành, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên; nguyên Phó Ban Chính trị - Công đoàn Báo Người Lao Động, đã từ trần lúc 7 giờ 45 phút ngày 22-8-2011 (nhằm ngày 23 tháng bảy năm Tân Mão), hưởng thọ 60 tuổi.

Linh cữu quàn tại chùa Vĩnh Nghiêm.

Lễ động quan lúc 6 giờ ngày 24-8-2011 (nhằm ngày 25 tháng bảy năm Tân Mão), hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.


Cuối năm 1990, trong chuyến công tác 15 ngày Tây nguyên với Lực lượng TNXP TP, tôi quen biết anh Chín, khi ấy là nhà báo Phạm Khiết. Trưa hôm đó, sau khi rời cổng Ban chỉ huy Lực lượng trên đường Nguyễn Trãi, anh Chín mời mấy phóng viên trẻ nhậu... Kỷ niệm nhớ đến hôm nay là khi biết anh Ba Thung "vờ" khoản cơm trưa với anh em, anh Chín móc bóp và lấy cho tôi một phiếu xăng, nói: cho mày!. Khi ấy anh Chín đi xe 67. Tôi cũng vậy... Những lần nhậu sau đó, anh Chín hay khoe thời TNXP từng là thầy giáo, trong số học trò của anh có cả một sếp TNXP lúc đó là Lê Thanh Hải. Giờ ông Hải là Bí thư Thành ủy TP.

Ly rượu nào ta uống với ta đây/ Huynh và đệ, và em, và trăng muộn/ Ơi những viên bi lăn trên bàn vọng tưởng/ Sao chẳng mòn nghĩa khí lúc ra đi! (Phạm Trường Phục - Cho tình yêu thuở ấy).

Vĩnh biệt Anh!

Thinh lặng như mất đi một người thân thiết....

Kẻ thù!


Kẻ thù!

Tống văn Công

Trước đây…
Cách đây hơn nửa thế kỷ, sau khi vào Đảng cộng sản, một trong những vấn đề cốt yếu nhất mà tôi thường phải học đi, học lại là xác định rõ kẻ thù dân tộc trong từng thời kỳ.
Thời chống Pháp, chúng tôi biết rõ đồng minh số một của Pháp là Mỹ, nước giúp Pháp hơn 80% chiến phí. Rồi kế tiếp Mỹ là nước nào, nước nào. Đến thời chống Mỹ, dù miền Nam có chính phủ Việt Nam Cộng hòa, được nhiều quốc gia công nhận, nhưng chúng tôi được xác định Mỹ mới là kẻ thù chính và “Mỹ cút” thì “ngụy nhào”. Chúng tôi biết Pháp không phải đồng minh của Mỹ. Pháp là một trong những nước đầu tiên chấp nhận cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miềnNam đặt cơ quan đại diện để liên hệ với thế giới.
Tuyệt đại đa số nhân dân, được phổ biến nhận định về kẻ thù rất kịp thời. Ví dụ, sau khi Nhật đảo chính Pháp, nhân dân được hướng dẫn, từ đây kẻ thù chính là Nhật, kế đó mới là bọn Pháp cam tâm làm tay sai cho Nhật.
Trước khi ký kết Hiệp nghị Geneve, chúng tôi được báo sắp tới đây, kẻ thù sẽ là Mỹ.
Trước cuộc chiến xâm lược biên giới phía Bắc của Trung Quốc năm 1979, Tổng bí thư Lê Duẩn cho toàn Đảng, toàn dân biết rằng, ông không hề bị bất ngờ vì đã nhìn thấy âm mưu xâm lược của Trung Quốc hằng chục năm trước! (Cho đến nay, Trung Quốc không hề thay đổi bản chất, chỉ có chúng ta tự thay đổi cách nhìn của mình đối với họ!).
Xác định rõ kẻ thù dân tộc cho đảng viên, cán bộ và nhân dân biết rõ là điều kiện cơ bản để tạo ra sự thống nhất tư tưởng cao, chuẩn bị tinh thần và lực lượng để đối phó, sẵn sàng chịu đựng, và phát huy sáng tạo về mọi mặt để chống giặc: Đánh chúng cả ba vùng (nông thôn, thành thị, miền núi); đánh chúng bằng ba mũi giáp công (chính trị, quân sự, ngoại giao); đánh chúng bằng mọi phương tiện: súng, hầm chông, ong bò vẻ…
Nhờ hiểu rõ kẻ thù mà nhân dân ta tiến hành hai cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, giành được thắng lợi khiến cho nhiều nhà nghiên cứu quân sự thế giới phải ngạc nhiên.
Bây giờ…
Giờ đây nhân dân ta lại đứng trước một tình hình vô cùng bức bối là phải xác định cho rõ kẻ thù!
Năm 2009, ông Nguyễn Trần Bạt – tác giả của nhiều quyển sách nổi tiếng, khi được hỏi có băn khoăn gì về kinh tế, ông nói: “Điều tôi băn khoăn bây giờ không còn là chuyện kinh tế VN. Điều tôi suy nghĩ bây giờ chính là điều mà đầu thế kỷ 20 Hồ Chí Minh suy nghĩ, tức là chúng ta bắt đầu lại phải suy nghĩ về vấn đề độc lập dân tộc”.
Ba năm sau, ngày 14-7- 2011, hằng ngàn đảng viên, cán bộ lão thành cách mạng, trí thức tiêu biểu và đủ mọi tầng lớp nhân dân trong ngoài nước đã ký vào Bản kiến nghị về bảo vệ và phát triển đất nước trong tình hình hiện nay.
Đề mục thứ nhất của Bản kiến nghị là “I- Độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta đang bị uy hiếp, xâm phạm nghiêm trọng”. Nội dung là: Trung Quốc thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông, tự ý vạch ra “đường lưỡi bò”chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông, liên tục tiến hành những hoạt động bất hợp pháp để khẳng định yêu sách của họ. Trong vùng lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, năm 1974 Trung Quốc tấn công chiếm toàn bộ Hoàng Sa của ta, năm 1988 chiếm 7 đảo và bãi đá thuộc Trường Sa của ta, tự ý cấm đánh bắt cá, xua đuổi bắt giữ, cướp tài sản, đòi tiền chuộc đối với ngư dân ta; gây sức ép buộc hủy bỏ các hợp đồng của ta ký kết với các tập đoàn kinh doanh dầu khí nước ngoài; cho tàu chiến xông vào vùng biển của ta cắt cáp tàu thăm dò… Trung Quốc tìm mọi cách dụ dỗ, thâm nhập, lũng đoạn, uy hiếp, can thiệp, lấn chiếm, từng dùng hành động quân sự. Tất cả đều trong mưu đồ lâu dài khiến cho ViệtNam suy yếu, chịu khuất phục hay lệ thuộc vào Trung Quốc. VIỆT NAM CÀNG NHÂN NHƯỢNG, TRUNG QUỐC CÀNG LẤN TỚI.
Qua nhận định trên đây, bộ mặt kẻ thù đã hiện rất rõ.
Tuy nhiên hiện thực Việt Nam lại diễn ra một cách u u minh minh, người dân luôn luôn được định hướng phải cảnh giác về một “thế lực thù địch” không phải là kẻ láng giềng thâm hiểm mà là những kẻ ở tận bên trời Tây! Lập luận này nghe cũng khá trôi chảy, thuận tai, bởi vì cả hai cuộc chiến tranh giành độc lập mà di hại còn sờ sờ ra đó chẳng phải đều có nguồn gốc từ phương Tây cả hay sao?
Trong khi bao nhiêu gia đình ngư dân đang chết dở vì Trung Quốc bắt, bắn hay đòi tiền chuộc thì Tân Hoa xã đưa tin: “Ngày 15-4-2011, Bộ trưởng Lê Hồng Anh thăm Trung Quốc đã nói với Chu Vĩnh Khang Ủy viên thường vụ Bộ chính trị Trung Quốc: Đảng và Nhà nước Việt Nam coi trọng việc hợp tác giữa cơ quan hành pháp và an ninh hai nước, sẵn sàng cùng với Trung Quốc bảo vệ sự lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa của hai nước”.
Các cơ quan truyền thông Việt nam và Trung Quốc cùng đưa tin: Phó chủ tịch quân ủy Trung ương Trung quốc Quách Bá Hùng thăm Việt Nam, được lãnh đạo Việt Nam tiếp đón long trọng.
Chiều 13-4-2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thượng tướng Quách Bá Hùng, hai bên xác định cùng Cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc.
Một tháng sau, ngày 26-5-2011, Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 2 đang làm nhiệm vụ thăm dò trong vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam, Tân Hoa xã lớn tiếng lên án Việt Nam láo xược xâm phạm vùng biển của Trung Quốc.
Theo Bộ Ngoại giao ta thì Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn của ta và bên họ đã thỏa thuận với nhau sẽ không làm gì gây phức tạp tình hình, cùng định hướng truyền thông hai nước không làm gì ảnh hưởng đến tình hữu nghị…
Nhưng chỉ phía chúng ta tích cực tuân thủ điều đó. Họ không ngừng có những bài viết xúc phạm nhân dân ta. Mới đây, Trung Quốc ngang nhiên tổ chức khảo sát vùng biển từ quần đảo Hoàng Sa đến Trường Sa suốt một tháng rưỡi, từ 13-6 đến 30-7-2011, rồi công bố tin này như một thách thức sự hèn yếu của chúng ta.
Giữa lúc những người Việt Nam yêu nước quá bức xúc liên tục xuống đường biểu tình vào các ngày Chủ nhật phản đối nhà cầm quyền Trung Quốc gây hấn, nhằm hậu thuẫn cho tiếng nói của chính phủ ta trước áp lực của kẻ xâm lược thì Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng long trọng tuyên bố: Ta và Trung Quốc cần hòa bình, hữu nghị hợp tác, đoàn kết để hai dân tộc cùng tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Không phải chỉ những ngư dân miền Trung ngơ ngác mà các đảng viên cộng sản khi nghe, cứ tưởng ông Ủy viên Bộ Chính trị của mình có khiếu khôi hài!
Đúng thời điểm Chủ tịch Quốc hội ta phát đi tín hiệu mới về hòa bình hữu nghị thì phía Trung Quốc cũng đáp lễ: Ngày 19-8-2011, ông Nguyễn Ngọc Hiếu Chủ tịch UBND xã Bảo Ninh (Đông Hới, Quãng Bình) cho biết tàu QB-1825-TS do anh Nguyễn văn Thạnh làm chủ đã bị Trung Quốc bắt tại 17 độ 50 vĩ độ Bắc, 109 độ 20 kinh độ Đông. Chị Nguyễn Thị Hằng vợ anh Thạnh nhận điện từ Trung Quốc, thông qua phiên dịch, cho biết Trung Quốc đòi phải nộp 6250 USD mới thả tàu và người.
Thưa ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tình yêu đơn phương của ông đã không được chú Đại Hán chấp nhận! Liệu quỹ cứu trợ của André Menras Hồ Cương Quyết có đủ khả năng trợ cấp mãi mãi tiền chuộc tàu thuyền cho anh Thạnh và bà con ngư dân?
Câu hỏi này chưa được trả lời thì Thông báo của UBND Hà Nội được đăng tải trên các phương tiện truyền thông cả nước buộc phải chấm dứt biểu tình, vì: Ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đến hình ảnh thủ đô Hà Nội – thành phố vì hòa bình; Tiềm ẩn yếu tố gây mất ổn định chính trị; Tác động tiêu cực đến đường lối đối ngoại của Đảng, nhà nước ta; Đối tượng chống đối trong ngoài nước sẽ lợi dụng chống Đảng, nhà nước. Thông báo này đề ra cho lực lượng làm nhiệm vụ được “áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ trật tự”…
Như vậy là đang lặp lại khả năng tái diễn những hình ảnh lôi, khiêng, đạp vào mặt, quăng những người biểu tình như quăng súc vật. Đó mới thực sự là những hình ảnh chẳng những làm xấu xa hình ảnh Thủ đô –Thành phố vì hòa bình, mà còn bôi nhọ cả nhà nước và chế độ này.
Nếu cho chiếu lại cảnh quay những cuộc biểu tình sẽ thấy cái xấu, cái đẹp là ở đâu rất rõ ràng. Suốt hai tháng qua, đi đầu các cuộc biểu tình đều là các đảng viên cộng sản, trí thức nhân sĩ đáng kính, nào thấy bóng tên phản động Việt Tân nào? Đảng Việt Tân luôn tìm cách khoa trương thanh thế, nhưng chúng chẳng tìm đâu ra cơ hội. Chỉ thấy bà Phương Nga nhà ta yếu bóng vía đã vô tình đề cao bọn chúng: “Đảng Việt Tân đang lợi dụng tình hình căng thẳng để kích động nhân dân ViệtNamcó những hành vi chống nhà nước”.
Nói như vậy là quá coi thường một nhân dân đã được trui rèn trong cuộc đấu tranh lâu dài giải phóng đất nước. Bài học đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở là phải tin dân, hỏi dân, học dân, sao bà Nga và các vị không nhớ? Nhân đây, tôi cũng muốn kể lại ý kiến của số khá đông người nhận định về Đảng Việt Tân. Cứ nhìn cách họ hành xử có thể cảm nhận, hình như đây là một tổ chức của Bắc Kinh lập ra nhằm: 1/ Chia rẽ nhân dân với Đảng, nhà nước Việt Nam; 2/ Nhằm tạo điều kiện để các tổ chức quốc tế có lý do lên án Việt Nam bắt bớ người bất đồng chính kiến, xâm phạm nhân quyền. Bởi vì chưa thấy một Đảng chính trị nào mà số đảng viên bị bắt, bị đem làm vật hi sinh cho danh tiếng của Đảng nhiều như Việt Tân. Ông Phạm Minh Hoàng bị bắt, đang cố chối mình không phải Việt Tân, vợ ông trả lời báo chí cũng cả quyết như thế. Nhưng người đại diện của Việt Tân nhanh chóng tuyên bố đòi nhà nước ViệtNam phải trả tự do ngay cho đảng viên Việt Tân là ông Phạm Minh Hoàng.
Kẻ thù phương Bắc đã và đang lộ rõ chân tướng bành trướng của chúng. Nhân dân thế giới ngày ngày liên tiếp cảnh báo bộ mặt thật của chúng. Mọi hành vi che đậy bộ mặt xấu xa của chúng, dù thực, dù giả đều có hại, vì sẽ làm sứt mẻ niềm tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước. Niềm tin mạnh hơn súng đạn. Đảng, nhà nước ViệtNam phải ghi nhớ điều đó.
Chúng ta muốn hòa bình hữu nghị, chúng ta tránh khiêu khích, nhưng không giả dối nuốt bồ hòn làm ngọt, mà phải dựa vào luật pháp quốc tế, dựa vào bạn bè trong khu vực và thế giới để buộc họ cũng phải cư xử bình đẳng với ta. Đó là những tấm gương hành xử của Nhật, Hàn,Phi,Singapore… Và trên hết là dựa vào nhân dân! Nhân dân biểu tình trong trật tự, hát vang bài ca cách mạng là hình ảnh đẹp nhất, đáng tự hào nhất của một quốc gia và những người lãnh đạo nước nhà.
19-8-2011, ngày Cách mạng Mùa Thu.
T.V.C.
Nguồn: BVN
—–
* Tống Văn Công từng là Tổng biên tập báo Lao động (1989-1994), ông còn có bút danh Chính Văn, Thiện Ý.
* Cùng tác giả:  + Học và không học những gì từ Trung Quốc(Tuần VN, 25/2/2010);  + Sau bài Đổi mới Đảng để tránh nguy cơ sụp đổ! Góp ý với Đại hội XI Đảng Cộng sản Việt Nam trên Viet-Studies, talawas năm 2009, trên Quân đội ND có bài chỉ trích nhắm vào ông:Mưu đồ thâm hiểm phía sau lời “góp ý”. Kế đến là trả lời phỏng vấn của ông trên BBC:Tác giả thư góp ý với Đảng ‘lạc quan’.

Monday, August 22, 2011

Thư của Đỗ Trung Quân


Đỗ Trung Quân
 
Nhìn những diễn biến của Hà Nội ngày 21 – 8 vừa qua bỗng dưng nhớ lại bài viết ngớ ngẩn của mình chưa lâu có cái tựa “ Vẫn còn nợ một lời xin lỗi”. Vụ ông Lại Văn Sâm dịch bậy trong một liên hoan phim tổ chức tại Hà Nội khiến dư luận trong và ngoài nước bất bình mắng mỏ um xùm,  Bất bình vì bộ mặt truyền hình quốc gia chẳng ra sao trước khách mời quốc tế mà vẫn ngậm tăm, im như thóc. Cô phóng viên nhà đài Kim Ngân thì phải xin lỗi sau một vụ tai tiếng còn sếp thì không. Sếp hưởng qui chế và phương pháp “ Để lâu cứt trâu hóa bùn”. Miền  Nam gọi là “ cho qua phà”. Chưa hết, còn thêm vụ bôi nhọ đời tư LS CHHV và thông báo cái thông báo bất hợp lệ, không tên không chữ ký ngày 18- 8 – 2011…
Tự thấy mình cầm bút xấp xỉ 30 năm vẫn cứ ngớ ngẩn như thường, cứ đòi cái không thể có là danh dự và tử tế của cái nghề lẽ ra phải rất có liêm sỉ và tử tế. Thêm những gì diễn ra ngày 21- 8 vừa qua nó chứng minh như thế. Ngớ ngẩn thì phải xin lỗi.  Kẻ ngớ ngẩn này xin gửi lời xin lỗi đến ông Sâm và Đài THVN vì đã đòi quí vị những cái không thể có được ở quí vị. Sòng phẳng với nhau rồi nhé.
Trở lại vấn đề của ngày 21 – 8- 2011.
Đối phó với lòng yêu nước nhiệt thành có tờ báo gọi là “ Tụ tập làm trò lố”
Đối phó với tiếng thét khẳng định chủ quyền đất nước của người yêu nước thì những cánh tay mặt của Đảng nhảy tưng tưng trên sân khấu với công suất hết cỡ của những cái loa khủng đang hòa âm cùng những cái loa phường: “ Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho mình …Hãy hỏi mình đã làm gì cho Tổ quốc…”  Đây chính là lúc cả nước nhìn về Hà Nội với tình cảm và cái nhìn khác hẳn những thói bẻ hoa,  dẫm cỏ chẳng tí thanh lịch nào. Nhưng quả thật người Tràng An không chỉ thanh lịch,  nó hào hùng đúng chất vùng đất dựng nên từ khói lửa lịch sử nghìn năm. Họ đang thể hiện đúng câu hát của “ bầy vẹt xanh” đang hát “… Hãy hỏi mình đã làm gì cho Tổ quốc…” Thì đây ! những người yêu nước đang làm điều mọi tổ quốc đều cần khi bị ngoại xâm uy hiếp chứ còn gì nữa . Rõ như hai với hai là bốn còn gì .
Đối phó với họ thì ra chẳng có phương pháp nào xứng tầm bèn chơi hạ sách bất chấp kiểu phường tuồng. Những ca sĩ,  diễn viên còn quá trẻ được dẫn dắt bởi những đàn anh cũng chưa già nhưng cái đầu giáo điều mông muội hóa họ trở thành những cô hề, chú hề đáng thương hơn đáng trách. Chắc chắn những người trẻ tuổi ấy với nền giáo dục này không bao giờ biết được câu thơ của Đỗ Mục “ Thương nữ bất tri vong quốc hận .Cách giang do xướng Hậu Đình Hoa…[ Tạm dịch nghĩa : Những cô gái không biết cái hận mất nước…Bên kia sông vẫn ca hát khúc hậu đình hoa.] Hôm nay nước chưa mất , nước đang có nguy cơ sẽ mất nếu sự khiếp nhược và u mê ngày càng u mê và khiếp nhược. Nhảy cà tưng cứ việc nhảy cà tưng. Hát hò cứ hát hò. [ Thành đoàn Thành phố HCM cũng từng làm một buổi ca hát tưng bừng  “ xuống đường … trên sân khấu  với chủ đề  “hát về biển – đảo”  tháng 7 -20011 vừa qua ] Bọn Đại Hán vẫn chẳng lui lại dù một gang tay trên vùng biển Việt Nam. Ngư dân việt nam vẫn bị bọn đuôi sam trấn lột,  bắt đòi tiền chuộc như thường.
Nhưng nói đi cũng cần nói lại. Hát hò cũng được luôn chả sao hết nếu hát xong thì nhảy xuống sân khấu nhập  vào đoàn biểu tình mà chứng tỏ cái “ mình đã làm gì cho tổ quốc …” .
Thế mới là Thành đoàn , mới là thanh niên Việt Nam chứ nhỉ .
Nhưng tất nhiên điều ấy cũng lại không thể. Cái có thể chỉ là những trò không xứng tầm làm trò cười cho những người Việt trong lẫn ngoài nước đang đau đáu lo âu,  chia sẻ nhìn về đất nước. Đặc biệt là bọn nuôi chí xâm lược yên tâm cười khà khà bên chén Mao đài: “ Chúng nó dễ bảo và dễ thương thật .Chỉ thích ca hát. Vậy cho nó ca hát dài dài cho đến khi muốn hát tiếng Việt phải xin phép ta.”

Không chỉ chuyện bất động sản


Người quan sát
 Làn sóng biểu tình trong mấy tháng qua ở Hà Nội đã khiến nhiều quan chức và đại gia ăn không ngon ngủ không yên. Trước mắt họ là mối nguy cơ về bất ổn chính trị đang dần hiện hữu, là khối tài sản vừa nổi vừa chìm của họ có nguy cơ bị vạ lây với số phận của nền chính trị.
 Những nhóm lợi ích nào?
Từ nhiều năm nay, bất động sản đã trở thành một “trụ cột” kinh tế ở Việt Nam. Nói chính xác, lĩnh vực này chưa hẳn có tác động mang tính quyết định đối với sự tồn vong của nền kinh tế, nhưng lại rất có ý nghĩa đối với sinh mạng của những nhóm lợi ích đặc thù.
Những nhóm lợi ích đó là ai? Đương nhiên thành phần đầu tiên của nó phải là những đại gia bất động sản có tên tuổi ở Hà Nội, những doanh nghiệp đã từng làm mưa làm gió trong cơn sốt đất nền giai đoạn từ giữa năm 2009 đến đầu năm 2011 như HUD (Tập đoàn phát triển nhà và đô thị), Sông Đà, Vincom, Vinaconex, Nam Cường, cùng một số đại gia tư nhân khác.
Còn thành phần thứ hai của nhóm lợi ích? Đây mới chính là vấn đề cốt yếu mà mấy năm nay báo chí trong nước thường đề cập nhưng hầu hết lại né tránh việc chỉ đích danh. Câu trả lời khá đơn giản: thành phần thứ hai là hệ quả của thành phần thứ nhất. Việc một phần trong số đại gia bất động sản ở Hà Nội (cũng là những đại gia có tầm chi phối đối với thị trường địa ốc trên phạm vi toàn quốc) là những công ty, tập đoàn thuộc nhà nước đã phản ánh mối quan hệ hữu cơ giữa nhóm lợi ích này với chính giới quan chức nhà nước liên quan – những nhân vật có chức vụ và có ảnh hưởng trong hệ thống các bộ và cơ quan ngang bộ như Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước…, và cao hơn nữa là những quan chức trong Chính phủ.
Trong nhóm lợi ích bất động sản, cả hai thành phần đều là hệ quả của nhau, dựa vào nhau để cùng làm giàu và thao túng thị trường. Cái béo bở của các dự án đất đai cũng là chất bôi trơn kết dính giữa hai thành phần, dẫn đến sự hình thành một thứ chủ nghĩa thân quen trên phương diện xã hội học và chủ nghĩa tài phiệt trên phương diện thị trường. Từ năm 2000 đến nay, bất kể cái thị trường đó có được “định hướng xã hội chủ nghĩa” hay không, hiện tượng “chạy” dự án vẫn là một trong những đường hướng chiến lược, được phát triển thành một hệ thống nhiều chiến thuật tinh vi mà giới kinh doanh ở Hà Nội đã dành trọn tâm sức.
Cứ sau những cơn địa chấn có tính chu kỳ về nhà đất, sự phân hóa giữa nhóm lợi ích người giàu với nhóm lợi ích người thu nhập trung bình và thu nhập thấp ở Hà Nội lại tăng vọt. Với con số thống kê được công bố chính thức của Tổng cục Thống kê Việt Nam, sự cách biệt giàu nghèo chỉ khoảng 9-10 lần. Nhưng gần như tương ứng với hiện trạng hố đen phân cực trong xã hội Trung Quốc đương thời, hố phân cách giàu nghèo ở Hà Nội hiện đã lên đến 60-70 lần.
Sau cơn sốt bất động sản tại Hà Nội vào năm 2007, người ta bắt đầu nghe nói đến một vài đại gia nhà đất có tài sản lên đến vài trăm triệu USD. Đó cũng là một mốc thời điểm quan trọng, minh chứng cho hoạt động đầu cơ ở Hà Nội đã được đẩy lên tầm rất cao, với việc nhiều đại gia bất động sản có chân đứng trong thị trường chứng khoán niêm yết và tạo ra sự lũng đoạn rất lớn đối với thị trường này. Dòng chảy của nguồn tiền đã tạo ra hiệu ứng “bình thông nhau” giữa thị trường chứng khoán và thị trường bất động sản Hà Nội trong giai đoạn cuối năm 2006 – đầu năm 2007, dẫn đến hệ quả là tài sản của những người giàu có đầu cơ trên cả hai thị trường này đã được nhân lên hàng chục lần sau đợt tăng nóng của chứng khoán và kéo theo đó là bất động sản.
Tuy nhiên vào năm 2007, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn được “định hướng xã hội chủ nghĩa”, rất ít đại gia tự nguyện công bố hay khoe khoang tài sản của mình. Nhưng sau cơn sốt chứng khoán và địa ốc giai đoạn 2009-2011, cụm tính từ giả trang về ý thức hệ không còn được nhắc tới nhiều, báo chí trong nước đã ngồn ngộn bài phỏng vấn, thống kê và xếp hạng các đại gia, với số người có tài sản 300-500 triệu USD không phải chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nổi bật nhất, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng – chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup – đã lên đến gần một tỷ USD.
Giới người giàu và siêu giàu ở Việt Nam đã chính thức hình thành. Và cũng giống như hiện tượng người giàu ở Trung Quốc với 7/10 số tỷ phú đô la thuộc về những nhà đầu tư tài chính và bất động sản mà đã gây ra phản ứng căm thù của người thu nhập thấp ở Trung Quốc, người dân thường đã chuyển từ tâm lý xa cách sang thái độ ghét bỏ và oán giận đối với lớp người giàu đột biến ở Việt Nam.
 Chuẩn bị đào tẩu!
Lớp người giàu đột biến ở Việt Nam lại không chỉ được cấu thành bởi lớp đại gia. Nhiều, rất nhiều, có thống kê dư luận còn cho rằng số quan chức ở Hà Nội có tài sản từ 10 triệu USD trở lên có thể lên đến vài ba ngàn người, còn trên 100 triệu USD thì phải đến hang trăm người.
Một điểm khá trùng hợp là nếu năm 2007 là mốc thời điểm bắt đầu xuất hiện công khai hiện tượng đại gia bất động sản và tài chính ở Hà Nội, thì khoảng thời gian đó cũng là lúc trong nội bộ Đảng bắt đầu nổi lên câu hỏi về những đảng viên cao cấp có thu nhập bất thường. Thực ra, “bất thường” chỉ là từ ngữ hết sức nhẹ nhàng và “tế nhị”, chỉ phản ảnh một phần nhỏ nào đó trong chủ nghĩa thân quen đã được hình thành sau nhiều năm tháng ở Hà Nội. Còn trong thực tế, người dân đã khai triển từ ngữ đó thành một khái niệm đầy đủ hơn nhiều: tầng lớp tư sản đỏ.
Sự trùng hợp về thời điểm trên, cùng với vô số vụ việc báo chí và người dân phản ứng về nạn nhũng nhiễu, tham nhũng của cán bộ chính quyền trong các thủ tục liên quan đến đất đai đã gia cố một cách rõ nét về hình ảnh của giai cấp tư sản đỏ. Đó chính là một nhóm lợi ích rất đặc thù trong xã hội đương thời.
Nguồn cơn dẫn đến quyền lợi của nhóm lợi ích tư sản đỏ chính là món “lại quả” có hệ thống và ngày càng lộ liễu từ giới đại gia bất động sản. Không hiếm những “dịch vụ” mà quan chức nhà nước kiếm được hàng triệu đô la cho mỗi vụ.
Từ những ngành kinh tế – kỹ thuật, nhóm lợi ích tư sản đỏ đã mở rộng sang cả lực lượng vũ trang, đặc biệt là ngành công an. Một hiện tượng rất phổ biến hiện nay là sự phân hóa quá lớn giữa một đa số cán bộ, chiến sĩ bị lệ thuộc vào đồng lương hẹp hòi với số tài sản kếch xù nhiều triệu đô la của một thiểu số sĩ quan cấp tá và tướng.
Nhóm lợi ích tư sản đỏ sẽ còn tồn tại đến bao giờ? E rằng sự tồn tại ấy là một phạm trù lịch sử, bởi nó đã được sinh ra và nuôi dưỡng bởi cơ chế nào thì chỉ đến khi cơ chế ấy mất đi, người dân mới có hy vọng nhìn thấy sự trả giá của những quan chức giàu bất thường và bất chính.
Một số trong nhóm người giàu bất thường và bất chính đó đang tập tành “lòng yêu nước” theo cách của quan chức Trung Quốc. Từ năm 1990 đến nay, khoảng 18.000 quan chức, cán bộ đã chuồn đi định cư ở nước ngoài, mang theo 120 tỷ USD  mà chính quyền Trung Hoa vừa buộc phải công bố.
Còn ở Hà Nội, không hiếm dư luận về chuyện ông này, bà kia đã lén lút gửi tiền bạc ở ngân hàng các nước Thụy Sĩ, Anh, Pháp, Úc, Canada…; đã đưa con cái và cả người nhà đi “du lịch” vô thời hạn ở nước ngoài…, để đến một thời điểm “nhạy cảm” nào đó, bản thân họ cũng sẵn sàng nhảy lên máy bay đi đến vùng viễn xứ.
Những dư luận như trên đã râm ran từ mấy năm nay, và càng trở nên rõ rệt từ đầu tháng 6/2011, vào lúc phong trào biểu tình phản đối Trung Quốc gây hấn bắt đầu khởi sự. Trong câu chuyện ngoài lề, một số quan chức và đại gia đã thầm thì với nhau là đang có một chính sách của Bắc Kinh là người Việt Nam mang dòng máu Hoa được bảo lãnh 20 người Việt khác; còn người thân cận với Trung Quốc được bảo lãnh từ 5-10 người Việt… Hẳn là những lời thầm thì ấy đã toan tính đến một hậu sự: nếu quân Trung Quốc xâm chiếm đất Việt thì ngay lập tức cần phải bán nước cầu vinh.
Nhưng chưa cần đến việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Làn sóng biểu tình trong mấy tháng qua ở Hà Nội đã khiến nhiều quan chức và đại gia ăn không ngon ngủ không yên. Trước mắt họ là mối nguy cơ về bất ổn chính trị đang dần hiện hữu, là khối tài sản vừa nổi vừa chìm của họ có nguy cơ bị vạ lây với số phận của nền chính trị. Có lẽ đã đến lúc phải thu xếp một nơi cư trú khác, khi ở Việt Nam không còn an toàn để làm ăn và chôn giấu của cải phi pháp…
Hiển nhiên nếu muốn, những cơ quan nội chính và tư pháp của chính quyền sẽ không quá khó khăn để kiểm chứng sự thật về những dấu hiệu ban đầu của sự đào tẩu của nhóm lợi ích tư sản đỏ và nhóm lợi ích đại gia – một sự thật mà những cơ quan này đã từng tiếp cận không chỉ một lần.
NQS
p/s : các ảnh trong bài chỉ có tính minh họa.
Tác giả gửi cho Quê choa

Biểu tình để đánh động dư luận, từ cấp cao nhất



Anh Nguyễn Chí Đức đang phản ứng lại việc bắt giữ trong cuộc biểu tình sáng Chủ nhật 21-8-2011 tại Hà Nội (Ảnh: NXD)

RFI đã phỏng vấn anh Nguyễn Chí Đức, làm việc tại Trung tâm dịch vụ khách hàng – Viễn thông Hà Nội, một người tham gia thường xuyên vào các cuộc tuần hành phản đối Trung Quốc gây hấn tại Hà Nội. Anh Đức cho biết các quan sát của anh về cuộc trấn áp biểu tình hôm nay và giải thích lý do vì sao anh lại tích cực tham gia vào các cuộc tuần hành Chủ nhật tại Hà Nội :
« Hôm nay, sau khoảng 5 đến 7 phút đầu (của cuộc biểu tình) họ đã cho lực lượng đeo băng đỏ đến áp chế và đưa mọi người lên xe buýt. Họ làm thực sự là rất dứt khoát, nhưng mà vẫn ôn tồn, tức là không nói gì nặng lời với những người biểu tình cả. Còn tôi, bản thân tôi lúc ấy họ cũng định bắt, nhưng tôi tự vệ, tôi co người lại, thế là họ không làm gì được. Một lúc như thế, thì tôi đi về. Tôi đi thẳng lên chỗ công an Mỹ Đình luôn, vì tôi biết thể nào cũng lên đấy mà. Lên đấy, một lúc sau thì rất đông. Đồng bào đi biểu tình và ủng hộ biểu tình rất đông.
Có một sự kiện mà tôi chứng kiến là, lúc anh Lã Việt Dũng ra nói gần như khóc là : khi anh ấy nói về chuyện đảo Gạc Ma, nơi bộ đội của Quân đội Nhân dân Việt Nam bị chết (năm 1988, Trung Quốc tấn công chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa – Việt Nam, khiến 64 binh sĩ Hải quân Việt Nam thiệt mạng), thì những người được hỏi, không biết đảo Gạc Ma là gì. Anh Lã Việt Dũng rất là buồn. Lúc ra, anh nói : đảo Gạc Ma bao nhiêu người anh hùng, bộ đội Việt Nam đã hy sinh ở đấy mà lực lượng công an thành phố, tức là các cán bộ chứ không phải những người lính, không biết được. Trong khi những người dân thường vô danh, như anh Lã Việt Dũng, chị Trịnh Kim Tiến, như tôi và rất nhiều đồng bào khác biết sự kiện đảo Gạc Ma đã bị giặc Tàu bắn xối xả như thế, mà các cán bộ của lực lượng vũ trang không biết thì thực sự rất đau lòng.
Khi anh Lã Việt Dũng ra khỏi đồn anh khóc, không chỉ anh khóc mà chính chúng tôi cũng buồn. Tại vì sao như thế, tại sao dân biết những sự kiện kinh hoàng như bắn giết ngư dân, bắt bớ ngư dân, bắn giết cả lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong khi đó, lực lượng công an thành phố, những người trong lực lượng vũ trang, những người phải sẵn sàng chiến đấu bảo vệ tổ quốc lại không biết sự kiện ấy. Họ thờ ơ hay họ bàng quang ?
Cho nên, tại sao lại có những cuộc biểu tình như thế này ? Để đánh động dư luận đã đành, mà còn đánh động trong hàng ngũ chính quyền, từ cao nhất là Bộ Chính trị, Thủ tướng, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quốc hội, là : các anh phải hiểu rằng, bao nhiêu người xả thân cho chế độ này. Họ xả thân không phải vì lý thuyết cao xa, mà vì họ yêu nước. Họ đã theo đảng cộng sản, giống như rất nhiều anh hùng trong quá khứ, họ đã hy sinh vì Tổ quốc. Mà các anh, bây giờ đang nắm trọng trách, mà không nghĩ đến việc tuyên truyền cho nhân dân, thì có phải đau lòng không ? Mai mốt, giặc Tàu nó nã súng, nó cướp đảo, thì bấy giờ mới ngã ngửa ra. Tục ngữ Việt Nam có câu, « đừng mất bò mới lo làm chuồng ». Đến lúc đó là quá muộn rồi.
Anh Nguyễn Chí Đức (kính đen, trái) đến thăm những người biểu tình bị bắt giữ, tại Mỹ Đình, 21-8-2011
Cho nên, chúng tôi hầu hết là vô danh, bản thân tôi nếu không bị đạp  cũng chỉ là người đi biểu tình bình thường như bao lần thôi, không có ảnh nào về tôi cả (Nguyễn Chí Đức là người bị khiêng và bị công an đạp vào mặt trong cuộc biểu tình 17/7/2011). Nhưng tại sao chúng tôi đi ? Chúng tôi phải đánh động cho dư luận, tại vì cuộc sống bây giờ, thời kinh tế thị trường, cơm áo, gạo tiền, nó băng hoại xã hội vì rất nhiều vấn đề rồi. Nhân dân lo mải kiếm ăn, các thành phần quan chức thì tham nhũng, và gây ra rất nhiều chuyện buồn để dư luận bức xúc. Mà bây giờ họ thờ ơ với vận mệnh của dân tộc, thì những người dân chúng tôi phải lên tiếng, bắt buộc phải lên tiếng. Chứ chúng tôi không muốn tạo ra sự kiện này để nổi đình, nổi đám đâu, hay để cho công an, hoặc các thành phần của chính quyền phải mệt mỏi theo chúng tôi.
Tôi, không những tôi, mà đa số mọi người đều mong rằng : chính quyền và những người có thẩm quyền, ban Tuyên giáo phải tuyên truyền về chuyện giặc Tàu o ép. Vì nếu mất nước là mất chế độ luôn, đừng nói là « Còn Đảng, còn mình ». Công an Nhân dân có câu trên. Nhưng nên nhớ rằng, mất Tổ quốc, thì Đảng cũng mất luôn, mà Đảng mất thì cũng chẳng còn Công an Nhân dân nữa. Cho nên, tôi, những người như chúng tôi, đi biểu tình rất trường kỳ, rất nhẫn nại. Không phải vì chúng tôi muốn sách động, hay muốn làm cái gì to tát, tại vì khả năng của chúng tôi là những người dân thường… Chúng tôi muốn đánh động dư luận trong nước, và kể cả các thành phần cao cấp nhất rằng : phải đứng về phía Nhân dân, đứng về Nhân dân thì mới còn chế độ. »
Nguồn: trích từ Đài Pháp RFI (Theo anhbasam)