Nhiều người dân và hội đoàn Nhật đã điện thoại đến văn phòng Hiệp Hội Người Việt tại Nhật bày tỏ sự ủng hộ và đề nghị khi có tổ chức các cuộc biểu tình trước sứ quán Trung Quốc ở Tokyo thì xin thông báo cho họ để đến tham dự...
Ngô Văn.
Hai cuộc biểu tình trước tòa đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội và tòa tổng lãnh sự Trung Quốc tại Sài Gòn vào ngày 5 tháng 6 vừa qua đã được báo, đài Nhật Bản loan tải rộng rãi và lập tức sau khi sự việc xảy ra. Đây là một khác biệt lớn so với sự dửng dưng của truyền thông Nhật đối với cuộc bầu cử Quốc Hội Việt Nam rầm rộ vào tháng 5.
Sự quan tâm của truyền thông Nhật không chỉ vì nước Nhật cũng đang lo ngại về toan tính bá quyền của Bắc Kinh tại biển Đông mà còn vì rất hiếm thấy dưới chế độ CSVN có hai cuộc biểu tình lớn, tự phát, và kéo dài nhiều tiếng đồng hồ như vậy — lớn hơn và lâu hơn nhiều so với các cuộc biểu tình năm 2007. Truyền thông Nhật cũng tỏ ra kinh ngạc về thái độ của truyền thông lề phải Việt Nam đối với biến cố này.
Trong phần bình luận về sự bành trướng của Trung quốc ở biển Đông của đài truyền hình Fuji kênh số 8 vào tối thứ hai (06/06/2011), giới quan sát Nhật Bản đặt câu hỏi tại sao một sự kiện thời sự hết sức nóng bỏng như thế mà báo đài ở Việt Nam chẳng hề lên tin hoặc chỉ phớt lờ. Tệ hơn nữa, Thông tấn xã Việt Nam lại khẳng định rằng đó là thông tin sai sự thật chỉ có một vài chục người tụ tập trái phép đi ngang qua sứ quán và tổng lãnh sự Trung quốc ở Hà Nội và Sài Gòn mà thôi và sau đó đã giải tán ngay theo lời yêu cầu của nhân viên công lực. Nếu khẳng định như vậy thì các hãng thông tấn lớn như AP, AFP, và đặc biệt là Kyodo của Nhật đều bịa tin và hình ảnh hàng trăm, hàng ngàn người dân Việt Nam đi biểu tình hay sao?
Hơn thế nữa, khẳng định không có biểu tình là bác bỏ tinh thần yêu nước và ước nguyện bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ của người Việt Nam trước âm mưu bá quyền của Trung quốc. Vẫn theo giới quan sát Nhật Bản, trong thời gian gần đây nhà nước Việt Nam có nâng cấp những lời lẽ phản đối Bắc Kinh vi phạm lãnh hải mạnh mẽ hơn trước thật, nhưng cũng nhà nước này lại không muốn để cho dân chúng tự do bày tỏ thái độ của mình. Công an Việt Nam được tung ra và xử dụng đủ loại thủ thuật “mạnh tay” để trấn áp lòng yêu nước của dân chúng. Tại sao vậy?
Lý do thứ nhất, Hà Nội rất lo Bắc Kinh sẽ phật lòng và trách họ đã để cho dân chúng phản đối. Dĩ nhiên, trong lúc đó, Bắc Kinh vẫn đang ngầm bật đèn xanh cho báo, đài, và các trang mạng Trung Quốc tha hồ kêu gọi “dạy cho Việt Nam một bài học”. Lý do thứ hai, Hà Nội rất lo những cuộc biểu tình chống Trung quốc có thể biến thành chống đối chế độ CSVN vì chính thái độ nhượng bộ liên tục của Hà Nội đối với Bắc Kinh suốt từ cuối thập niên 80 đến nay đã khiến Trung Quốc ngày càng vững tin vào kế sách bành trướng bá quyền của họ.
Hai phóng viên Nhật có mặt tại cuộc biểu tình tại Hà Nội ngày 5/6/2011 tại Hà Nội...
( Ảnh P.V.Đ )
Nhưng cũng chính vì vậy mà hình ảnh hàng ngàn người biểu tình bất kể không khí trấn áp nặng nề của công an đã khiến công luận Nhật Bản cảm phục tấm lòng yêu nước của dân Việt. Có người còn xem đó như một tấm gương. Một dẫn chứng cụ thể, trong một cuộc nói chuyện trước hơn 3000 ngàn người tại Tokyo, vị giáo sư kiêm nhà hoạt động nổi tiếng, Tono Oka, đã đề cập đến cuộc biểu tình vừa qua tại Hà Nội và Sài Gòn. Ông nói rằng: “Trung Quốc là nước lớn. Việt Nam không thể thắng hẳn, nhưng dân tộc này CHƯA BAO GIỜ khuất phục trước những cuộc lần xâm lấn của Trung Quốc. Họ chẳng sợ khi phải chiến đấu với quân xâm lược Trung Quốc. Lịch sử đã chứng minh điều này. Phải như thế Việt Nam mới giữ được đất nước của họ đến ngày hôm nay trước một anh láng giềng lớn, đầy lòng tham, lúc nào cũng muốn xâm chiếm nước khác. Người dân Nhật cần phải học cái tinh thần này mới mong chống lại Trung quốc trong âm mưu xâm chiếm đảo Senkaku.” Giáo sư Tono Oka còn nói thêm rằng: “Tuy có thừa quyết tâm, nhưng hiện nay người dân Việt đang gặp một trở ngại lớn là chống Trung quốc xâm lược mà còn phải chống đỡ sự đàn áp từ chính quyền của họ. Tôi muốn nói với chính quyền Việt Nam rằng phải xem những cuộc biểu tình đó như là một thông điệp gởi đến cho những người lãnh đạo ở Bắc Kinh biết về tinh thần sẵn sàng bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ của người dân Việt Nam. Ngăn cấm biểu hiện lòng yêu nước của người dân sẽ mở rộng thêm đường cho Bắc Kinh xâm lăng mà thôi.”
Và còn nhiều dẫn chứng khác nữa. Đặc biệt kể từ khi các tin tức về cuộc biểu tình ngày 5 tháng 6 ở Việt Nam được loan tải, nhiều người dân và hội đoàn Nhật đã điện thoại đến văn phòng Hiệp Hội Người Việt tại Nhật bày tỏ sự ủng hộ và đề nghị khi có tổ chức các cuộc biểu tình trước sứ quán Trung Quốc ở Tokyo thì xin thông báo cho họ để đến tham dự. Cũng cần nói thêm, cộng đồng người Việt tại Nhật vẫn thường xuyên tổ chức hay tham dự các buổi mít-tinh, hội thảo với người Nhật để tố cáo Trung quốc về hành động xâm chiếm Hoàng Sa và Trường Sa, khống chế biển Đông.
Tóm tắt lại, công luận Nhật Bản hiện nay rất thuận lợi để Việt Nam có một đồng minh rất nặng ký trong chiến tuyến chung phòng chống bá quyền Trung Quốc.
N.V.
No comments:
Post a Comment