Wednesday, July 5, 2017

NHÁNH CỎ MỘNG MƠ (2) - DUYÊN ANH


Buổi chiều ngày 30 tháng 4 năm 1975, Chương còm, Dzũng Đakao, Hưng mập, Bồn lừa, ngồi nghỉ chân ở vườn sao, trước dinh Độc Lập, sau nhiều giờ chạy bộ đây đó xem cộng sản vào Sàigòn. Truyền thống của dân Sàigòn là đổ xô ra đường coi đảo chính, chỉnh lý, cách mạng, dù vừa coi vừa tránh đạn nổ. Mọi biến cố, đối với dân Sàigòn, đều chỉ là trò giải trí hồi hộp, thích thú. 
Sáng hôm qua, bốn đứa trẻ đến Tòa Đại sứ Mỹ ngắm cảnh di tản. Trên nóc cái bin-đinh vĩ dại, trực thăng lên xuống tíu tít. Lá cờ sao sọc đã hết bay ngạo nghễ. Nó hết thời bay trong nắng gió miền Nam. Nó bị cuốn gói lại để… go home mà nằm rên rỉ nỗi đau thua trận và niềm ăn năn phản phúc ghi dấu ấn nổì bật trong lịch sử nước Mỹ cọp giấy. Dưới sân phủ Thái Thú Hoa kỳ “chiến sĩ đồng minh” thủy quân lục chiến lẫy lừng, áo giáp tay trần, kè kè MI6 gắn lưỡi lê láng cóng, mắt kên kên như trung úy Calley tàn sát làng Mỹ Lai, miệng hét, chân đạp dân Việt Nam ùa vào cổng tìm đường cút chung với người Mỹ chiến bại. Đến chiều, bốn đứa ra bờ sông “thưỏng thức” màn tướng tá, dân biểu, nghị sĩ, chính khách chạy tháo mạng, xô đẩy nhau, chửi bới nhau. Để lên tàu ra đi… cứu nước ! Bọn nhóc đã cười muốn vỡ bụng.
Dzũng Đakao hỏi Chương còm:
– Này, có một ông tướng tuyên bố vung vít ởTân Sa Châu, mày nhớ chứ ?
Chương còm đáp :
-Nhớ.
– Ông ta hò hét kỹ quá. “Tôi là dân Việt Nam, tôi quen ăn cơm với dưa cà, mắm tôm rồì. Tôi ở lại, tôi không đi đâu cả. Tôi ở lại chiến đấu với dân tộc tôi. Những đứa chạy trốn sang Mỹ, đàn ông thì làm cu ly, đàn bà thì làm đĩ! Người hùng nói bảnh ghê !
– Bảnh miệng. Ông ta chuồn rồi.
– Đi đâu ?
– Sang Mỹ.
– Làm gì ?
– Thì như ông ấy tuyên bố!
– Còn bà ấy ?
– Bà ấy không thể làm khác lời dạy bảo của ông ấy đâu.
Hưng mâp ngứa miệng:
– Bọn tướng phường chèo ấy ra cái mẹ gì ! Xưa đã có anh tướng mê cải lương, đi coi hát về, bị cướp nó dí gáy bằng súng gỗ mà còn thua nữa là !
Bồn lừa cười ha hả.
– Thử cho ông làm tướng coi. Ông sẽ là Nguyễn Tri Phương, là Hoàng Diệu… Tướng bỏ lính chạy trốn trước khi ban lệnh đầu hàng là tướng đào ngũ. Loai tướng đào ngũ, tòa án quân sự nào xử đây ? Ngồi xử lính đào ngũ thì cứ như. . . tướng ! Chạy trốn thì cứ như bố con chó xồm !
Bốn đứa nhóc đua nhau công kích tướng cải lương, tướng hát bội. Chập tối, chúng về Xóm Lách. Ở đây, chúng gặp đoàn xe tăng của ta chạy trên đường Công Lý. Có một chiếc hư xích. Đoàn xe ngừng tất cả. Người lính thiết giáp mở nắp xe, nhảy xuống với cái búa to, cán dài. Binh tỉnh, ngườ lính không biết chạy trốn vung búa sửa xe. Mồ hôi chẩy nhễ nhại, người lính nhe răng cười với bốn ông nhóc. Mười phút sau, đoàn xe tăng lồm cồm bò lên phiá dinh Độc Lập. Lúc này, trực thăng tới tấp bay quanh dinh Thái Thú Mỹ. Bọn nhóc chia tay nhau, hẹn sáng sớm mai gặp lại.
Sáng hôm sau, không khí thành phố ngột ngạt. Lệnh giới nghiêm coi bộ ít ai tôn trọng. Rồi lệnh đầu hàng của Dương văn Minh phóng ra y hệt bãi đờm khạc lên lịch sử đấu tranh hai mươi năm. Chương còm đợi bạn. Quá 10 giờ mà chẳng đứa nào đến. Vừa khi ấy một toán lính biệt kích thất thểu đi ngang. Những người lính đầu trần, chân đất, quần xà lỏn, trần xì chiếc áo giáp , súng mang vai chúc mũi xuống chân. Khuôn mặt họ buồn thảm đau đớn. Chương còm cảm giác mũi dao đâm sau lưng nó. Nó đã hiểu ý nghĩa sầu tủi dằng dặc, mênh mang của chiến bại. Một bà mẹ nhận ra con mình trong toán lính thất thểu, nhào tới ôm con:
– Con ơi, hòa bình rồi, hết chiến tranh rồi, con về với mẹ đi !
Người lính cầm tay mẹ, nước mắt ròng ròng:
– Con không thể về được, mẹ ơi !
Bà mẹ khóc ròng :
– Về đi, hòa bình rồi mà , con .
Người lính gỡ tay mẹ mình ra:
– Mẹ về đi, con phải theo các bạn con.
– Đi đâu ?
– Con không rõ. Con phải đi, con không thể về.
Bà mẹ đành đứng ôm mặt sụt sùi. Người linh bước vài bước, quay lại:
– Mẹ cố sống, thế nào con cũng về. Con đi để con về, mẹ ạ !
Rồi anh chạy nhanh bắt kịp đồng đội. Chương còm ứa nước mắt trông theo.. Người lính dũng cảm, trung thành ! Tại sao anh không chạy trốn ở phi trường, ở Tòa Đại Sứ Mỹ, ở bờ sông ? Tổ quốc đã cho anh cái gì ? Dân tộc đã cho anh cái gì ? Ngôi sao nào trên cầu vai anh, trên mũ anh ? Bảo quốc huân chương nào, Bắc đẩu bội tinh nào trước ngực anh ? Chương còm muốn hỏi nhiều, thật nhiều…
Ba thằng bạn đã tới. Và bọn nhóc chạy vút lên đường Hồng Thập Tự, rẽ trái, hướng cầu Thị Nghè. Đạn nổ vang dội ở bên kia cầu. Nấp dưới gốc cây ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm – Hồng Thập Tự, dân chúng xem trận thư hùng giữa xe tăng cộng sản và lính văn nghệ của Cục Tâm Lý Chiến. Những người lính đàn, lính sáo có một số phận hẩm hiu là bị gác cầu Thị Nghè cho các quan chơi bạc trong Cục. Bất ngờ giặc đến. Đại tá Cục trưởng thi sĩ đã đào ngũ từ … 27-4 ! Lính đàn sáo bỗng điếc, không thèm nghe lệnh đầu hàng. Họ chiến đấu. Và họ gục ngã trên cầu Thị Nghè. Và hai xác xe tăng bốc cháy. Người lính đàn sáo, tại sao anh không chạy trốn ở phi trường, ở Tòa Đại sứ Mỹ, ở bờ sông ? Tổ quốc đã cho anh cái gì ? Dân tộc đã cho anh cái gì ?
Bốn ông nhóc đã quên hẳn bọn tướng phường chèo. Quân đội hào hùng của ta không phải là bọn tướng, bọn quân phiệt. Quân đội của ta là lính. Chúng chạy về Sàigòn. Bây giờ, chúng ngồi nghỉ chân trên ghế đá vườn sao, ngắm tượng ông Trương Vĩnh Ký. Trời ảm đạm như thể trời đeo khăn tang. Ba giờ mà chả có tí nắng nào.
– Liệu còn chơi nhau nữa không nhỉ ?
– Chơi chứ.
– Mình đếch được chơi, buồn ghê .
– Rồi mình sẽ được chơi.
– Cậu tao chuồn rồi, đang nằm ở nhà, sợ toát xì cấu.
– Anh tao liệng lon, quăng súng lục. Mẹ tao dấu anh trên căn gác xép.
– Tại sao mình thua ?
– Vì chúng ta còn nhóc.
– Bọn nó cắm cờ ở Gia Định rồi.
Hai chiếc xe cam nhông, từ đâu không rõ, chạy tới đậu ngay chỗ bùng binh, sau nhà thờ Đức Bà. Lính trên xe nhẩy hết xuông. Dzũng Đakao vui mừng:
– Lính nhảy dù !
Bốn ông nhóc đứng dậy, tiến sát lề đường Những thiên thần mũ đỏ còn nguyên vẹn là thiên thần. Vị đại úy chỉ huy rất trẻ, mai vàng rực rỡ trên cổ áo. Ông cầm cây gậy nhỏ, say mê nhìn quốc kỳ ủ rũ trên nóc Dinh Đôc Lập. Rồi ông xoay lưng lại, quan sát phiá Phủ Thủ Tướng. Ông hơi cúi đầu giây lát. Đoạn, ông ngó thẳng chiến hữu của mình, dõng dạc nói:
– Lần cuối cùng tôi nhắc nhở anh em: Dương Văn Minh đã đầu hàng. Nhiệm vụ của anh em chấm dứt. Ai muốn về nhà cứ thản nhiên về. Anh em không nợ nần gì Tổ Quốc nữa.
Những người lính nhảy dù đứng nghiêm, đồng loạt trả lời:
– Chúng tôi ở lại chiến đấu với đại úy. Vì danh dự của người lính.
Đại úy dơ tay chào:
– Cám ơn anh em. Chúng ta chuẩn bị nghênh địch.
Dzũng Đakao, Chương còm, Hưng mập, Bồn lừa phóng tới ôm chặt lấy vị đại úy.
– Thưa chú, tên chú là gì ? Chương còm hỏi.
Vị đại úy xoa đầu bốn ông nhóc, giọng cảm động:
– Lính nhảy dù. Mà cháu hỏi tên chú làm chi ?
Chương còm nắm tay vị đại úy:
– Mai này, tên chú sẽ thay tên đại lộ Thống Nhất. Chú tin không ?
Vị đại úy chớp mắt:
– Chú tin, thế hệ các cháu phải làm lại lịch sử, phải xóa bỏ dấu tích ô nhục hôm nay.
Dzũng Đakao nói:
– Chúng cháu đặt tên chú cho con đường này. Chú cho biết tên chú đi.
Vị đại úy vỗ nhẹ vai Dzũng Đakao :
– Tên chú gắn liền với lính nhảy dù. Lính nhảy dù là tên chú. Các cháu nhớ đặt tên đại lộ này là Đại Lộ Mũ Đỏ nhé! Bây giờ chạy thật nhanh về nhà. Sắp nổ súng.
Bồn lừa hỏi:
– Cháu có thể giúp chú việc gì ?
Vi đai úy lắc đầu:
– Các cháu đã giúp chú rồi, đã làm tăng ý nghĩa chiến đấu của chú, đã sưởi ấm lòng chú, chú không còn cô đơn nữa. Nào, chạy lẹ, các cháu yêu dấu. ..
Bốn ông nhóc co cẵng chạy. Nhưng chúng không chạy về nhà, mà núp dưới gốc cây đầu đường Alexandre de Rhodes. Phía bên kia, đường Hàn Thuyên, dân chúng cũng đang lấp ló dưới những gốc cây sao. Nhiều người vào nhà thờ Đức Bà để xem chiến tranh qua kẽ hở của mấy khung cửa bên hông. Nhiều người tụ tập ở sân Bưu Điện. Xe tăng cộng sản, từ xa lộ Biên Hòa, vô Sàigòn hai lối. Lối thứ nhất: Hàng Xanh, qua Gia Định, qua đường Chi Lăng, đường Võ Tánh đến Tổng Tham Mưu, rẽ trái, qua đường Cách Mạng, qua cầu Công Lý. Rồi chạy thị uy khắp phố Sàigòn. Hơn hai giờ trưa, xe tăng vô lối này đã xuất hiện. Lối thứ hai: Thị Nghè, qua cầu Thị Nghè (bị chặn đánh). Mãi gần bốn giờ mới lại qua cầu Thị Nghè, qua Hồng Thập Tự rẽ trái, qua Nguyễn Bỉnh Khiêm, rẽ phải, qua Thống Nhất để vào Dinh Độc Lập.
– Xe tăng cộng sản rét rồi.
– Bọn điên ấy không rét dâu.
– Bao giờ chúng đến ?
– Cứ từ từ.
Vị đại uý đứng ngạo nghễ giữa đại lộ Thống Nhất. Khẩu colt của ông trệ xuống bên đùi. Lính của ông đứng sau những thân cây sao với tư thế sẵn sàng khạc đạn.
– Chú ấy oai quá.
– Cứ như shérif đợi bọn cướp.
– Tao hồi hộp thấy mồ.
– Im lặng.
– Thằng nào chạy ra, ngó xuống Sở Thú xem chúng nó vô chưa ?
– Tao.
– Để Bồn lừa đi. Mầy mập chạy đâu nổi, Hưng.
Bồn lừa cắm cổ chạy, ra đường Thống Nhất. Nó chạy vào ngay, hổn hển:
– Rồi, rồi, sắp tới !
Tiếng xe tăng nghiến xích sắt trên đường nhựa nghe rõ dần rồi sôi sục trong tâm hồn bốn ông nhóc. Như chính mình tham dự trận đánh, Dzũng Đakao hét:
– Nó kia kìa !
Chiếc xe tăng dẫn đầu đã đến bùng binh. Nó có vẻ làm bộ làm tịch. Nó có vẻ khinh khi , ngạo mạn. Đằng sau nó, bộ đội nón cối, dép râu, ngụy trang cành lá trông dễ ghét. Chúng ôm súng AK lò mò y hệt chúng diễn trò khỉ. Vị đại úy đâu rồi ? Chiếc xe tăng thứ hai lừ lừ bò ở cửa Bộ Tư Pháp. Một phát súng nổ. Lính nhảy dù xuất hiện. Không thèm nấp, không thèm nằm, linh nhảy dù đứng thẳng, bước tới, chắc tay súng, nhằm xe tăng và kẻ thù nhả đạn xối xả. 
Vị đại úy đó, thần tượng của Dzũng Đakao, Chương còm đó, sát cánh chiến hữu, phóng nhiệt tình và danh dự vào trận chiến cuối cùng. Để trả lời thế giới: Chúng tôi không đầu hàng. Mỹ và bọn tướng phường chèo khiếp nhược đầu hàng, lính Việt Nam không biết đầu hàng.. Chiến trường kết thúc mau lẹ. Vị đại úy và hơn ba mươi người lính nhảy dù gục chết trên đại lộ Thống Nhất. Máu của họ, máu Việt Nam anh dũng, bất khuất đã thấm đỏ đường chiến lịch sử tháng 4 . Lính nhảy dù, tại sao anh không chạy trốn ở phi trường, ở Tòa Đại sứ Mỹ, ở bờ sông ? Tổ quốc đã cho anh cái gì ? Dân tộc đã cho anh cái gì ? Ngôi sao nào trên cầu vai anh, trên mũ anh ? Bảo quốc huân chương nào, Bắc đẩu bội tinh nào trước ngực anh ?
– Thế là xe tăng nó vào Dinh Độc Lập !
Bốn ông nhóc, nước mắt đầm đìa, thằng nọ nhìn thằng kia mếu máo.
Xe tăng nghiến lên xác chết của lính nhảy dù. Chúng nó thù cả xác chết. Bọn bộ đội phân tán, bao quanh khu vườn sao. Dzũng Đakao và Chương còm muốn tới vuốt mắt vị đại úy và những người lính cũng không được. Chương còm thầm thì:
– Vâng, mai này, đại lộ này mang tên Mũ Đỏ và chỗ các chú chết sẽ là Đài Tưởng Niệm Anh Hùng. Cháu hứa, các cháu hứa.
Bốn ông nhóc bỏ về. Trên nóc Dinh Độc Lập, quốc kỳ đã bị hạ. Môt thứ cờ quái đản thay thế. Cờ trên xanh, dưới đỏ, giữa sao vàng ! Lịch sử dân tộc biến đổi từ giây phút ấy. Và cũng từ giây phút ấy, Dzũng Đakao, Chương còm, Hưng mập, Bồn lừa, Tiến gầy, Ngân quắn, những đứa trẻ không muôn lớn, đã lớn, đã phải lớn. Bằng nước mắt từng ngày.
Bốn đứa trẻ uể oải bước. Mầu chiều xám xịt. Trên hè phố, bất cứ phố nào, đầy súng đạn, quân trang. Ai muôn bắn, cứ việc lượm M16 mà bắn. Bắn từng viên hay cả tràng, tùy ý. Nhắm giây điện thoại mà bắn. Nhắm bóng đèn mà bắn. Thành phố đốt pháo bằng đạn… chiến bại. Nhiều khuôn mặt lăng xăng, hớn hở. Nhiều khuôn mặt ủ ê, lo lắng. Cách mạng thành công lớn. Mỹ cút, Ngụy nhào. Đấy, mũ sắt, giầy đinh, giây lưng nhãn hiệu USA chất đống vỉa hè, miệng cống. Ngã tư, ngã sáu, đèn đỏ đèn xanh tự do chớp nháy. Cảnh sát được. . . giải phóng rồi. Cảnh tượng hổn loạn, buồn tênh. Đầu đường, góc phố, lổn nhổn bọ gậy, tay đeo băng đỏ, miệng líu lo ngôn từ mới.
Bồn lừa và Hưng mập chia tay Dzũng Đakao và Chương còm ở cuối đường Duy Tân. Đã bắt đầu là lạ. Chương còm mơ hồ cảm giác một phân cách gần kề. Trước đây đâu có đứa nào buồn. Sau mỗi cuộc chơi là mỗi bão cười, giông nghịch. Bây giờ, đứa nào cũng dễ khóc, mà lại khóc những chuyện của người lớn.
Ngày mai nước mắt cho chuyện gì ?
– Chương ơi, niên học tới mày còn đến trường không ?
– Chưa biết, Dzũng ạ !
– Bạn bè mình di tản nhiều lắm.
– Ừ.
– Nhập học mình mới biết thằng nào đi thằng nào ở lại. Rồi chúng mình ra sao ?
– Tao nghĩ là chúng mình sẽ hết trò chơi.
– Đừng lo. Chúng mình sẽ bày trò chơi mới.
– Sân chơi không còn của chúng mình nữa đâu. Mày thấy đó, mầy thằng lõi đeo băng đỏ đã dọa đưa mình vào… đoàn thể! Mấy mệt không ?
– Không .
– Dám di chơi suốt đêm với tao chứ ?
– Sợ gì !
– Tao muốn trở lại vườn sao xem chúng nó đưa xác chú đại úy đi đâu.
– Phải kiếm cục phấn.
– Làm gì ?
– Viết tên đường Mũ Đỏ.
– Máu các chú ấy đã viết rồi. Ít nữa, mình chỉ việc dựng biển.
Hai đứa vào Hiền Vương ăn phở gà. Đài phát thanh loan báo lệnh giới nghiêm. Vậy là hết lên vườn sao. Sáng mai có mít-tinh tuần hành kỷ niệm 1-5. Dzũng Đakao đành tạm biệt Chương còm, hẹn gặp lại dịp khác.
Một mình Chương lầm lũi đi trên vỉa hè giải phóng. Chương còm muốn đi mãì, đi mãi. Nó không thích về nhà, lúc này. Nhà nó bị phong toả đầy phiền muộn. Ông ngoại nó sợ giải phóng truy lùng, không dám về Long Xuyên, trốn ở nhà nó. Mẹ nó sợ giải phóng đem bố nó ra xử tử. Bố nó thì cứ tỉnh khô, ngồi uống rượu, hút thuốc và ngâm thơ. Và lè nhè: sống chết có số!
Dù không thích về nhà, Chương còm cũng phải về. Khi cánh cổng hé mở, Chương còm thấy cái sân nhà mình rộng mênh mông. Nó giật mình. Bên ngoài, người ta đang hát bài ca chống Mỹ cứu nước!