Friday, November 17, 2023

Thúy

… xem dung nhan đó bây giờ ra sao/ em có còn đôi má đào như ngày nào…














Chuyện đời chuyện nghề ở hè phố Sài Gòn


Theo lời kể thì người thợ này vào nghề từ lúc bước vào thanh xuân ở tuổi 18 nơi hè phố Sài Gòn.

“Cô Tuyết ở dưới Bà Rịa lên thì cô cũng có một mình, cho nên bảo là cho cô Tuyết ngồi cùng với mình ở đây, thì chị em, hai chị em là ở với nhau cũng lâu rồi, thì cô Tuyết hiền lành, dễ thương mà cô ấy làm rất là tốt, vì cô ấy đã có ngành nghề may sẵn, may tốt từ trước tới giờ rồi cho nên là cô ấy làm rất là tỉ mỉ”.

Bước vào nghề may sửa đồ trên hè phố Sài Gòn từ lúc còn thiếu nữ, nên với hàng chục năm ấy trong môi trường cạnh tranh của đô thị sầm uất bậc nhất này đã giúp người thợ này có thể đáp ứng hầu như mọi yêu cầu, từ sửa chữa đến thiết kế may mới theo ý thích của khách hàng.

“Nói chung là lỗi nhỏ, lỗi lớn gì mình cũng làm hết. Rồi, cần người ta có nhu cầu thay đổi thì mình cũng thay luôn. Khách nước ngoài nhiều lắm, đây quận Nhứt mà. Khách nước ngoài người ta cần sửa bất cứ là cắt, thay quần jean, rồi giỏ xách, ba lô hư giữa đường, đổi va ly gì người ta cũng đến đây hết”.

Không từ chối yêu cầu gì của khách hàng trong may sửa nên người thợ hè phố Sài Gòn này luôn có mối ruột.


Nên công khai tài sản của chính khách đương nhiệm

Các chính khách đương nhiệm như Vương Đình Huệ, Tô Lâm…, họ thu nhập hàng tháng bao nhiêu tiền mà có thể chu cấp cho con cái học du học ở tận trời Tây?

Ở Việt Nam chỉ khi chính khách nào đó ‘ngã ngựa’ như cựu đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng thì báo chí mới được phép đưa tin về các bất động sản, về ‘của nổi – của chìm’ trong một ‘tần số’ có chủ đích nào đó được gọi là ‘phục vụ yêu cầu điều tra’.

Giới báo chí gọi đây là “đá gà… chết”. Tin tức sẽ hấp dẫn hơn, có giá trị về phòng – chống tham nhũng tốt hơn hẳn nếu như khi đương quyền cao, chức trọng, chính khách ấy được báo chí ‘săn tìm’ về các tài sản – bất động sản, kiểu như nội thất gỗ của tư dinh cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh hay Lê Khả Phiêu chẳng hạn.

Thực tế thì đến nay không người dân nào biết được gia đình của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh sống trong cơ ngơi ra sao; bởi vậy nên liêm chính ở đây khó thuyết phục khi bản kê khai tài sản của chính khách luôn được “mật” đến mức không ai dám đề cập đến, dù “xa” hay “gần”.

Có lập luận vầy: Nếu đang sống trong một quốc gia có nền pháp chế chặt chẽ, thì ông Tô Lâm, ông Vương Đình Huệ đã có thể nghĩ đến việc tiến hành khởi kiện một số cá nhân đưa tin trên mạng xã hội về những nghi vấn liên quan đến tài chính gia đình họ, vì đã “vi phạm bí mật đời tư”.

Việt Nam, tiếc thay, chưa có luật bảo vệ đời tư, nhưng, ngay cả khi đã có luật này, thì với tư cách một chính khách, chuyện tài sản liên quan đến gia đình các ông bà này được công chúng quan tâm cũng là điều dễ hiểu.

Không có gì khó hiểu khi ông Tô Lâm, ông Vương Đình Huệ hay ông Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính… nhận được sự quan tâm của công luận. Là đại biểu Quốc hội, các ông này đang là đại diện cho cử tri tại Quốc hội; trong khi về mặt Đảng, các ông là Ủy viên Trung ương, với điều lệ Đảng xác định rõ việc “tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân”.

Trên thế giới, không thiếu những tỷ phú trở thành quan chức. Thị trưởng New York trước đây, ông Michael Bloomberg, là một đơn cử. Nhưng không ai thắc mắc về tài sản của Michael Bloomberg, khi ông là nhà sáng lập kiêm cổ đông chính của hãng tin tài chính khổng lồ Bloomberg. Trước khi bước vào chính trường, ông đã là tỷ phú và với chức danh thị trưởng, ông chỉ nhận mức lương tượng trưng 1 USD/năm.

Tương tự như Bloomberg, nhiều quan chức - tỷ phú bắt đầu hành trình chính khách của họ khi đã là… tỷ phú. Sự giàu có của họ đã được xây dựng từ sự nghiệp kinh doanh hoặc thừa kế và phần nào đó, chính những thành công trong kinh doanh đã tạo ra uy tín chính trị cho họ.

Hành trình ngược lại, từ quan chức trở thành tỷ phú, là một câu chuyện khác hẳn.

Đơn giản là, khi trở thành quan chức, mọi thay đổi về tài sản liên quan đến quan chức sẽ được dân chúng giám sát một cách chặt chẽ; và với riêng cá nhân họ, ngay cả khi nhận mức lương đặc biệt, tài khoản của các quan chức dẫu là cấp cao cũng không thể nào gia tăng một cách nhanh chóng.

Với bất kỳ quan chức nào, nếu không có “lịch sử” là một doanh nhân hay có nguồn gốc thừa kế đặc biệt nào đó, việc chứng minh tính hợp pháp của một khối tài sản có giá trị lớn là khó khả thi.

Ở Hàn Quốc, biên bản kê khai tài sản của các quan chức cấp cao và cấp trung được chính phủ nước này công bố trên công báo quốc gia và người dân có thể tìm hiểu, truy cập thông tin này thông qua hệ thống thư viện công cộng. Báo chí cũng công khai đưa tin về nội dung những biên bản kê khai tài sản này.

Nếu điều này được áp dụng tại Việt Nam, nếu chứng minh được nguồn gốc hợp pháp của bạc tiền, thì gia đình ông Tô Lâm, ông Vương Đình Huệ hay Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính… sẽ chẳng có gì phải phiền lòng trước các ngờ vực của công luận.

Tuesday, April 26, 2022

Thuở hoa niên

 We heard that old photos are trending, so we thought we would share some of ours.



Cô bé bán don

Đến định cư tại miền Bắc California Hoa Kỳ hơn nửa năm, bỗng một hôm, tôi nhân được cú điện thoại của Thung từ Texas gọi qua. Thung vừa là bạn học cũng vừa là chiến hữu ngày xưa. Hắn đề nghị gởi vé máy bay mời tôi qua Houston chơi. Nhân tiện tham quan khu vực dễ làm ăn và giá nhà cửa cũng dễ thở hơn nhiều so với San Jose. Tôi đồng ý. Một tuần lễ sau , một vé máy bay và một cái check 500 USD trong bì thư gởi đến. Đây là một món quà quá lớn ở đất lạ quê người.

Nhận được tiền nhưng lòng tôi lại ngại ngùng, bởi biết bao giờ mình trả lại cái nợ này đây. Ba ngày sau, tôi lên máy bay của hãng Continental Airlines đi Texas. Bốn tiếng đồng hồ sau, máy bay đáp xuống phi trường Houston. Thung đón tôi tại lối ra của khu hành khách.

Nước da trắng hồng đỏ au, cái bụng căng tròn, dáng người bệ vệ “rất ông chủ”. Mà chủ thực. Thung làm chủ cái chợ bán toàn đồ biển. Vợ và con hắn quản lý còn Thung lo chạy vòng ngoài. Ngày hôm sau Thung đưa tôi đến thăm cơ sở làm ăn của gia đình. Nào phòng mạch nha sĩ của đứa con trai đầu lòng, phòng dịch vụ về Bảo lãnh Di trú của đứa con gái. Sau đó Thung mời tôi đi ăn trưa.

Nhà hàng đồ biển có tên Cổ Lũy Restaurant tọa lạc tại khu sầm uất nhất của người Việt và Hoa tại thành phố Houston. Vào giờ xế trưa, nhà hàng hơi vắng khách nên chúng tôi chọn chiếc bàn đặt gần quày thu tiền. Người bồi bàn trao cho chúng tôi bản thực đơn.

Cái tên Cổ Lũy nghe quen thân quá. Tôi nghĩ, có lẽ chủ nhà hàng là người Quảng Ngãi. Bởi Cổ Lũy là tên một cửa biển thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Nơi đây thuyền bè tấp nập ra vào bến tàu Phú Thọ. Trong tờ thực đơn có món “Hến xúc bánh tráng”.

Nhìn thấy hến mình lại nhớ đến món don. Chẳng cần xem tiếp tờ thực đơn, tôi gọi ngay cho mình một tô don. Cô bồi bàn giọng miền Nam nhìn tôi ngạc nhiên hỏi: “Món don là món gì vậy ông? Thực đơn nhà hàng nầy không có món đó” - “Cái món Hến xúc bánh tráng trong thực đơn có ghi, thì tại sao lại không có món don?”. Tôi vừa cự nự vừa chỉ cho cô chạy bàn cái món ruột hến, rồi tiếp: “Nếu không có don thì cho tôi món số 15 này”.

Cô gái bồi bàn đi vào bếp. Ngay sau đó, một phụ nữ đứng tuổi ăn mặc sang trọng từ quày thu tiền đi thẳng đến bàn chúng tôi. Bà có mái tóc ngắn làm nổi bật khuôn mặt trái soan đầy đặn với làn da mịn màng. Thung khều chân tôi nói nhỏ “Bà chủ”.

“Chào hai anh”. Người đàn bà nở nụ cười thân thiện. “Chào bà chủ”, Thung đáp lễ. “Vị nào thích món don?”, bà chủ tươi cười hỏi. “Thưa bà, tôi ạ” - “Xin lỗi, anh là người quê Quảng Ngãi?” - “Tại sao bà biết?” - “Tôi chỉ đoán thôi, bởi vì chỉ có dân sống tại Quảng Ngãi mới thấy thích thú món don” - “Thế bà cũng là người Quảng Ngãi, đúng không?” - “Anh nghĩ sao mà đoán ra thế?” - “Chỉ nhìn cái tên hiệu Cổ Lũy của nhà hàng là biết ngay” - “Này ông anh, trước kia ở Quảng Ngãi, anh sống ở huyện nào vậy?”. “Tôi ở thị xã, trên đường Quang Trung”…

Người đàn bà nhìn tôi một chặp lâu rồi quay vào bên trong nhà hàng. Lát sau, món ăn được bưng ra. Một tô bún chả cá cho Thung và một dĩa ruột hến xúc bánh tráng cho tôi.

Lâu lắm rồi tôi mới nghe lại mùi hến. Hến ở quê nhà ruột nhỏ, dai và thơm. Còn hến đóng hộp nhập cảng con lớn, mềm lại mất hết mùi vị. Ngày xưa, mỗi lần đi Huế, tôi nhất định phải ăn cho được một lần cơm hến. Đi đâu xa trở về Quảng Ngãi, tôi không thể nào quên ăn một bữa don cho đã cơn ghiền.

Cô bồi bàn bưng hai ly nước cam vắt đến bàn chúng tôi nói của bà chủ mời, có kèm theo một tấm danh thiếp trao cho tôi. Mặt sau danh thiếp là chữ viết của bà chủ nhà hàng mời riêng tôi đến nhà vào chiều thứ Bảy. Đặc biệt, bà khoản đãi món don do bà nấu. Phần dưới là số phone và địa chỉ nhà.

Trên đường về, tôi hỏi Thung: “Cậu nghĩ sao cái trường hợp lạ lùng này?” – “Ở quê người, nhớ cố hương, gặp người Việt đã mừng rồi huống chi lại là đồng hương Quảng Ngãi. Bà ấy mời cậu đến nhà có lẽ để hỏi thăm tin tức bà con ở quê nhà. Cứ nhìn dáng dấp bà ấy với cái cơ ngơi này là cậu hiểu ngay bà ta là dân trụ ở đây khá lâu. Biết đâu cơ may đem đến cho cậu công ăn việc làm ở thành phố này”. Bạn tôi suy luận như thế. Riêng tôi, vì lạ đất lạ người nên có phần bồn chồn, áy náy.

 

Hương vị của món don - hến xúc bánh tráng - làm tôi nhớ thời mới lớn ở Quảng Ngãi. Tôi từ trên quê xuống tỉnh học, ở trọ nhà người chị thứ Tư trên đường Quang Trung thị xã Quảng Ngãi. Anh chị dành cho tôi căn phòng trên căn gác lửng. Có ban công nhô ra làm mái hiên cho tầng dưới. Thông thường mỗi sáng, tôi thức dậy học bài rất sớm. Đường phố vẫn còn sương mù vướng mắc đó đây. Hàng cây bên đường trĩu nặng những hạt sương khuya, dấu kín bóng đêm trong vòm lá sum sê.

Khi chân trời vừa rựng đỏ khuất sau hàng tre hướng đông, là tiếng rao hàng ăn buổi sáng bắt đầu râm ran trước đường nhựa. Nào xôi, bánh bột lọc, cháo gà, bánh canh, bánh mì... đủ các loại hàng ăn vặt, và cũng đủ các loại âm thanh. Tiếng trầm, tiếng bổng, tiếng hơi khàn, giọng Huế, giọng Bắc, giọng Nam... Duy có tiếng rao: “Ai ăn don ho..o..o.. ông” khiến tôi để ý. Tiếng “ho..o..o..ông” sau cùng kéo dài không đủ hơi chứng tỏ người rao hàng không phải giọng của người đứng tuổi. Tiếng rao nghe lánh lót như chim non mới tập hót, âm điệu ngây thơ rời rạc.

Tôi ngồi học mà vẫn để ý đến tiếng rao bán don vang lên trước nhà. Tiếng rao như bị sương lạnh buổi sáng sớm làm quánh lại không thoát ra được, nó nhỏ dần, nhỏ dần rồi hút mất ngoài xa. Một hôm, tôi đang đứng tập mấy động tác hít thở trên ban công, chợt tiếng rao “Ai ăn don ho..o..ông” quen thuộc vang lên phía dưới đường. Tôi vạch bức mành nhìn xuống thấy một người con gái mặc chiếc áo bà ba trắng thân hình mỏng mảnh với gánh don trên vai.

“Ê don”, tôi gọi cô nàng đứng lại rồi vội vàng xuống thang gác. Gánh don đã được đặt trước hiên nhà, nàng đứng đó chờ tôi mở cửa. “Anh ăn don?”. Nàng hỏi khi tôi nhẹ nhàng lách mình qua cánh cửa sắt. Đó là một cô bé ước chừng mười ba mười bốn. Mái tóc vừa chấm vai che một bên khuôn mặt trái soan còn măng tơ. Tôi nhìn vào ngực cô bé, đôi nhũ hoa hồng hồng như hai núm quả cau nhú bên trong làn vải mỏng không áo lót, khiến cô bé cúi mặt thẹn thùng. Bạn học của tôi, những cô nữ sinh cùng cỡ tuổi đã bắt đầu chưng diện se sua, áo ngoài áo trong, phần trên phần dưới đủ cả, không khác chi người lớn. Còn cô bé, với chiếc quần đen, áo bà ba trắng mộc mạc nổi bật nét đẹp của người con gái chân quê.

“Anh ăn don?”. Cô bé nhắc lại lần nữa, tôi sực tỉnh trả lời: “Không ăn don, kêu cô lại làm gì?”. Cô bé chợt hiểu nở miệng cười chữa thẹn khoe hàm răng trắng đều như những hạt ngô. Nụ cười hồn nhiên khiến người đối diện cũng thấy lòng dạt dào, xao xuyến. Cô bé, hai tay thoăn thoắt múc don. Mùi don thơm nồng pha chút hương biển từ ui don bay lên ngào ngạt.

Cô bé trao cho tôi tô don còn bốc hơi cùng với chiếc bánh tráng nướng và hai trái ớt xiêm tươi xanh. Ăn don đâu cần phải bàn ghế. Tôi đặt bát don xuống nền xi măng, bẻ bánh tráng bỏ vào tô giằm luôn hai trái ớt. Nước don ngọt và béo. Cái ngọt độc đáo không phải vị ngọt của thịt, cá mà vị ngọt rất đậm đà hương vị quê hương. Lại thêm vị nồng cay của ớt, mùi thơm của bánh tráng nướng nó quyện vào lưỡi, ngấm vào chân răng, kích thích tận cùng tế bào vị giác. Nước don nuốt tới đâu ấm tới đó. Trời lạnh mà ta ăn don vào buổi sáng thì mới thưởng thức được hết cái thú ăn don ở quê nhà.

Miếng don cuối cùng để lại trong miệng, trong cổ của ta vị ngọt ngọt, cay cay, nồng nồng, thơm thơm quyến rũ lạ kỳ. Nó khiến người ăn don không muốn dừng ở tô thứ nhất.

Tôi ăn ngon lành. Miệng hít hà vì ớt cay. Cái lưỡi tê tê, mắt mũi xông lên mùi cay nồng của loại ớt xiêm vô cùng hấp dẫn làm cho nước mắt nước mũi tuôn ra. Nhìn cách ăn rất thật tình của tôi, cô bé cứ che miệng cười. Một tô, hai tô rồi ba tô. Cô bé trợn trừng đôi mắt, đôi mắt bồ câu đen lay láy. Cô kêu lên: “Coi chừng bể bụng đó, anh Hai!”. Ô, lần đầu tiên tôi được một người con gái gọi bằng anh. Anh Hai.

Mười sáu tuổi, học lớp đệ Tứ rồi đấy nhé. Thế mà cha mẹ, anh chị cứ gọi tôi là Út Đẹt. Mẹ tôi thường nhắc chuyện hồi tôi còn nhỏ. Đã bốn, năm tuổi rồi mà vẫn còn bú và ăn cháo. Các bà chị tôi chế nhạo hoài mỗi lần tôi ôm vú mẹ. Chị Hai tôi hay trách mẹ tôi nhiều nhất: “Mẹ ơi, mẹ cưng chiều nó quá làm sao nó thành người lớn?” . Mẹ tôi cười, nhỏ nhẹ bảo: “Các chị lớn cả rồi còn em nó út ít mà”. Chị tôi bực mình bảo: “Chừng đó tuổi mà chưa chịu dứt sữa. Chẳng lẽ đến khi đi học, mẹ phải mang vú đến trường cho Út sao?”. Chị Hai nói xong bỏ đi. Mẹ vò đầu tôi, tóc còn ướt nhẹp mồ hôi, âu yếm: “Giàu út ăn, khó út chịu. Mẹ có sữa con nhờ”…

“Này cô bé, sao không múc tiếp một tô nữa?” – “Anh à, em chưa hề thấy người nào ăn đến ba tô don mà còn kêu thêm nữa, ăn no quá mất ngon, thôi để ngày mai nghe anh”. Tiếng “nghe anh” của cô bé sao mà êm đềm quá, ngọt ngào quá. Bỗng nhiên tim tôi đập rộn ràng. Tôi muốn hỏi tên cô bé nhưng cứ ngại ngùng, đành phải móc tiền ra trả.

Cô bé đi rồi, tiếng rao “Ai ăn don ho..o..ông” đã văng vẳng ngoài xa mà tôi vẫn còn đứng nhìn theo thẫn thờ. Sáng hôm sau, cô bé cất tiếng rao hàng rồi đặt gánh don trước hiên nhà chờ đợi. Tôi lại vội vàng mở cửa: “Này, đằng ấy tên gì vậy?” – “Em tên Thuyền”, cô bé trả lời, rồi dạn dĩ nhìn tôi hỏi: “Thế còn tên anh?” – “Hạo” – “Hạo, cái tên lạ quá!”. Cô bé nhắc lại tên tôi rồi cười bẽn lẽn. Đôi tay Thuyền múc don lẹ làng, vén khéo không hề rơi rớt. Tôi để ý lần này, cô bé đem theo một cái tô cỡ lớn hơn, khác hẳn với những cái tô khác chồng trên miệng ui. Cô tự ý bẻ bánh tráng cho vào tô trước khi đổ don vào. Vừa làm cô bé vừa giải thích: Làm thế này don còn giữ được độ nóng, và hương don không bị loãng.

Cô bé trao tô don cho tôi, vô tình tôi đặt bàn tay chạm phải tay nàng. Cúi mặt thẹn thùng khiến hai tai nàng rựng đỏ, Thuyền bảo: “Mỗi sáng anh ăn hai tô này là đủ rồi!”.

Từ đó, sáng nào tôi cũng ăn don của cô bé Thuyền. Thỉnh thoảng chị tôi mua ốc don tươi về nấu. Thông thường chị thêm vào nồi don cả thịt bằm, xác mỡ, nhưng tôi ăn một cách lơ là chẳng thấy hấp dẫn tý nào. Chị tôi chế giễu: “Thằng Út nó đâu có mê don chỉ mê con nhỏ bán don”.

Có lần tôi cố tình giữ bàn tay Thuyền bên dưới tô don, cô bé cứ để nguyên nhìn tôi với ánh mắt long lanh tình tứ. Chặp lâu sau, nàng rút tay về hối thúc: “Người ta thấy kìa, ăn đi kẻo nguội”. Thế là suốt mùa don , cô bé Thuyền ít có buổi sáng nào vắng mặt. Ăn hoài tôi đâm ghiền. Ngày nào Thuyền không đến là suốt ngày đó tôi thấy trống vắng lạ thường. Tôi nhớ hương vị của don, tôi nhớ khuôn mặt của Thuyền. Suốt ba tháng hè tôi không về quê lấy cớ học bài thi.

Có lẽ nhờ ăn don mà thân thể tôi đẫy đà. Da dẻ tôi thêm hồng hào trắng mịn. Bà chị tôi phát hiện sự “thay da đổi thịt” của thằng em út. Chị chế nhạo: “Nghèo nghèo, nợ nợ kiếm cô vợ bán don. Mai sau có chết cũng còn cặp ui”.

Năm đó tôi đậu bằng Trung Hoc Đệ Nhất Cấp, cha mẹ tôi cho tôi theo người anh họ vào Sài Gòn tiếp tục học. Tôi từ biệt Quảng Ngãi mà nghe lòng mình buồn tê tái. Tôi ra đi lúc trời chớm thu, những cơn mưa đầu mùa đã làm cho nước sông dâng cao. Tôi còn nhớ lời Thuyền dặn: “Khi nào nước sông dâng cao thì don không còn nữa. Chừng ấy em sẽ không còn dịp gặp anh, chỉ còn biết hẹn anh vào mùa don tới đầu tháng Hai âm lịch”. Biết như thế nhưng sáng nào tôi cũng trông tiếng rao của Thuyền. Tôi mong gặp nàng để nói lời từ biệt. Giờ phút chót ngồi trên xe đò mà tôi vẫn dõi mắt đợi chờ, hy vọng Thuyền xuất hiện. Khi xe chuyển bánh, mẹ và chị tôi mắt rưng lệ, nắm tay tôi từ giã. Tôi không cầm được xúc động đã òa khóc.

Lần đầu tiên tôi xa mẹ, xa gia đình cách hàng mấy trăm cây số. Tôi cảm thấy nỗi cô đơn như đè nặng lên lồng ngực mình. Tôi thương mẹ thương chị. Nhưng tình của tôi đối với Thuyền vừa nồng nàn vừa xót xa. Tôi thương Thuyền cuộc sống quá lam lũ. Mới chừng ấy tuổi đã phải vất vả thay mẹ nghề bán don. Tuổi vừa lên ba, cha Thuyền đã tử nạn theo tàu đánh cá ngoài khơi khi bị cơn bão bất ngờ ập tới. Mồ côi cha, mẹ ở vậy nuôi Thuyền ăn học hết bậc tiểu học. Mới chừng ấy tuổi mà phải từ giã ghế nhà trường, lăn lộn vào trường đời. Mẹ nấu don, Thuyền gánh đi bán dạo hàng ngày đi về trên mười cây số.

Những đêm đầu tiên ở Sài Gòn, tôi nhớ day dứt nụ cười rạng rỡ của Thuyền. Nhớ đôi bàn tay nhỏ nhắn của nàng run run trong bàn tay tôi. Nhớ đến hương vị thơm lừng của tô don với chất béo của ruột don trộn mùi cay nồng của ớt, mùi bánh tráng nướng, mùi hành ngò. Nó tổng hợp thành hương vị không có món ăn nào so sánh được. Don Quảng Ngãi chiếm lĩnh cương vị độc tôn đối với người dân Quảng Ngãi bởi nó là món ăn quê hương. Và đối với riêng tôi có pha cả mùi hương con gái của Thuyền.

Vào những ngày sắp nghỉ Hè, tôi nhận được thư của chị tôi: “...Đầu mùa don năm này, con bé bán don trở lại. Sáng nào nó cũng đặt gánh don trước cửa nhà chị, lâu lâu nó rao lên “Ai ăn don hông” rồi đứng đó đợi chờ. Người ta không biết nó đợi chờ ai, nhưng chị, thì chị đoán biết. Thời gian kéo dài cả tháng trời, chị thấy tội nghiệp nên thỉnh thoảng kêu don của nó cho cả nhà ăn buổi sáng. Đôi mắt nó thật buồn, cứ lén nhìn sâu vào trong nhà mà không dám hỏi. Một hôm, cầm lòng không được, chị cho nó biết là em vào Sài Gòn học đã gần một năm. Sau đó chị không còn thấy con bé bán don trên con đường này nữa...”.

Đêm đó tôi nằm mơ nghe thấy tiếng rao: “Ai ăn don ho..o..ông” như tiếng chim cuốc lẻ đôi khắc khoải gào khan suốt mùa Hè thương nhớ rồi cuối cùng chết khô theo con trống, chung tình. Thuyền ơi, hãy tha thứ cho tôi. Những rạo rực tình yêu đầu đời đã làm cho con tim em phải se thắt vì phân ly.

Rồi thời gian trôi qua, ba năm miệt mài đèn sách đã giúp tôi quên hình ảnh cô gái bán don ngày nào. Sau khi lấy xong bằng Tú Tài toàn phần, tôi về thăm Quảng Ngãi. Vào buổị sáng, tôi dậy sớm cùng chị tôi chuẩn bị về quê thăm cha mẹ. Đang xếp áo quần vào va-li chợt tôi nghe tiếng rao “Ai ăn don ho..o..ông”.

Tôi vội vàng chạy ra ban công gọi: “Cô bán don”. Tôi nhanh chân xuống thang gác mở cửa. Cô bán don đứng đợi dưới mái hiên nhà. Thoáng nhìn, tôi tưởng một thiếu phụ nào khác không phải Thuyền. Nhưng không, làm sao tôi nhầm lẫn được. Âm thanh tiếng rao của Thuyền như mọc rễ trong ký ức của tôi. Cũng thân hình mảnh khảnh đó nhưng cao hơn và già dặn hơn. Chính là Thuyền của ba năm về trước. Tôi hỏi: “Thuyền phải không?”. Nàng nhìn tôi đăm đăm, rồi những giọt nước mắt lăn tròn trên má. Tôi thấy loáng thoáng trên ngực áo nàng vết ố của những giọt sữa đã khô. Đứng sát vào Thuyền, tôi đặt tay lên vai nàng bảo: “Em để gánh xuống đây, múc don cho anh ăn nhé” – “Không. Don em đã cuối mùa, gặp luồng nước bạc (nước lụt), em không bán cho anh đâu”. Nói xong, nàng đưa tay áo quệt nước mắt, trở gánh quay lại con đường cũ. Tôi đứng nhìn theo nàng mà nghe hồn trĩu nặng. Tôi cố lắng nghe tiếng rao “ai ăn don ho..o..ông” lần cuối cùng của Thuyền lẫn lộn với tiếng rao hàng khác, nhưng tuyệt nhiên im lặng, chỉ còn sót lại hương don thoảng bay trong gió…

 

Chiều thứ Bảy, Thung bỏ tôi trước căn nhà số 28... trên đường White Forge thành phố Sugarland. Căn nhà lầu ở khu mới xây khá đồ sộ. Vách tường áp gạch màu nâu đỏ trông thật mát mắt. Tôi đứng tần ngần một hồi lâu mới bấm chuông. Người phụ nữ ở quán Cổ Lũy hôm trước mở cửa, gật đầu chào rồi mời tôi vào khu phòng khách trang hoàng lộng lẫy. Bộ sô pha da màu vàng nhạt choán cả một góc phòng. Chiếc TV cỡ lớn cùng dàn hệ thống âm thanh karaoke chiếm trọn góc phòng đối diện.

Bà chủ rót trà: “Mời anh dùng nước”. Nàng trao tôi tách nước rồi tự giới thiệu: “Tôi tên là Marry, chồng tôi là người Mỹ đưa tôi sang đây từ năm 1972. Xa quê mình lâu quá, nay gặp người đồng hương tôi mừng lắm. Và đặc biệt là dân ở Quảng Ngãi mà lại thích ăn don như anh” – “Bà ở huyện nào?”, tôi tò mò hỏi – “Huyện Tư Nghĩa, xã Tư Nguyên”. Bà Marry nhìn tôi định hỏi tiếp điều gì, nhưng bà lại đổi thế ngồi, xoay người sang hướng khác bưng bình trà rót thêm nước vào tách cho tôi. Bà nói: “Thôi, để lát sau mình nói chuyện tiếp, giờ mời anh dùng món ăn quê nhà kẻo nguội mất”.

Tôi theo nàng đến phòng ăn. Mùi don từ trên bếp bốc hơi thơm lừng. Bà chủ nhà bưng hai tô don hơi lên nghi ngút đặt trên bàn có cả bánh tráng nướng, hành ngò và đĩa ớt xiêm. Tôi ăn ngon lành, ăn thật tình. Ớt cay, don nóng, tôi hít hà, nước mắt nước mũi chảy ra. Bà chủ nhà đưa khăn giấy cho tôi với ánh mắt đầy xúc động. Một tô rồi hai tô, bà ngồi nhìn tôi ăn và khuyến khích thêm tô nữa nhưng tôi vỗ bụng lắc đầu từ chối.

Nàng bảo: “Anh sợ vỡ bụng đấy à?”. Câu nói của bà chủ khiến tôi sực nhớ đến Thuyền, cô gái bán don thời tôi còn trung học ở Quảng Ngãi. Cô bé đã từ chối bán cho tôi tô thứ tư với câu: “Coi chừng bể bụng”. Tôi ngước nhìn bà Marry, tâm sự: “Ăn don hôm nay khiến tôi nhớ đến kỷ niệm thời niên thiếu ở quê nhà. Tôi là khách ăn thường xuyên của cô gái bán don tên Thuyền. Tôi thương cô ấy và tội nghiệp hoàn cảnh cô ấy. Mới mười mấy tuổi đầu đã phải bỏ học thay Mẹ đi bán don dạo. Buổi sáng nào cô ấy cũng gánh don đến trước hiên nhà tôi trọ học và chăm sóc tô don cho tôi như người chị lo cho em. Sau này tôi vào Sài Gòn học đã quên lãng cô bé bán don. Ba năm sau trở về Quảng Ngãi, tôi tình cờ gặp lại nàng cũng với gánh don trên vai, nhưng cô bé đã trở thành thiếu phụ. Thuyền đã từ chối không bán don cho tôi còn bảo…” - Nói đến đây, chợt bà Marry cướp lời tôi, lên tiếng: “Em không bán cho anh đâu. Don em cuối mùa lại gặp luồng nước bạc!”. Bà chủ nhà đã nói lên nguyên văn câu nói của Thuyền ngày xưa, ẩn chứa sự trách móc giận hờn, khiến tôi giật mình sửng sốt.

Tôi nhìn vào mắt bà Marry, hình như long lanh ánh nước. Tôi kêu lên: “Thuyền phải không?”. Thuyền ngày xưa đã đưa tay quệt nước mắt, không trả lời câu hỏi của tôi.

Marry bây giờ với giọng ngậm ngùi: “Vâng, em là Thuyền của 37 năm về trước. Em đã nhận ra anh ngay khi anh cho biết chỗ ở trước kia là đường Quang Trung. Đó là con đường dạt dào hạnh phúc trên mỗi bước đi của em hồi đó, mà cũng là con đường mang đầy xót xa thương nhớ ngày anh rời xa”.

Thuyền đứng dậy đến ôm vai tôi: “Cảm ơn anh đã cho em một tình cảm trân quý, dù là đối với một cô gái bán don nghèo hèn. Suốt quảng đời đen tối về sau này, tình anh là ngọn đèn thắp sáng cho em trong những đêm mịt mù sương tuyết. Hạo ơi - cái tên nghe lạ quá - ngày đó em đã nói với anh như thế. Nhưng sau này mỗi khi gặp những đau khổ chất chồng, chính cái tên Hạo trở nên thân thương sưởi ấm lòng em…”.

Tôi nắm lấy tay nàng, nói như một triết gia: “Đời như một dòng sông, chuyển đổi không ngừng. Xưa kia Thuyền là cô gái bán don, ngày nay Marry là chủ một nhà hàng lớn nhất nhì ở đây. Chúc mừng em. Chúc mừng người đồng hương Quảng Ngãi đã nắm bắt được cơ hội vươn lên trên xứ người!”.

Sau buổi hàn huyên, Thuyền đích thân đưa tôi ra tận xe khi bạn tôi đến đón. Lên xe rồi, tôi thấy nàng còn quyến luyến nhìn theo, đưa mấy đầu ngón tay áp vào môi hôn. Tôi hít một hơi thật sâu vào lồng ngực, chợt nghe hương don còn nồng trong hơi thở…

 


Sunday, June 27, 2021

Đường xưa lối cũ

 


“…Hồ con rùa, nơi gần 30 năm trước, khi từ tỉnh nhỏ vào Sài Gòn hoa lệ học - tôi được cô bạn rủ ra ngồi ăn bò bía.

Đó là lần đầu tiên tôi nếm món ngon học trò Sì Gòn.

Giờ em đã đi rất xa; nhưng mỗi lần ngang qua, tôi vẫn tưởng như em còn ngồi đâu đó nghiêng nghiêng mái tóc dài.

Sáng 20- 6, thấy khu vực bị giăng dây, cô quạnh, thật buồn!

Tưởng chừng như trái tim mình cũng đang hắt hiu…” – họa sĩ Lê Sa Long, chia sẻ về cảm hứng sáng tác.

Thursday, August 30, 2018

Thách đấu


Dạo gần đây ở Sài Gòn xuất hiện nhóm thanh niên cao từ 1m7 trở lên đến nhiều sân tập võ để xin đấu giao lưu. Có nghi vấn liên quan đến chuyện tay chuẩn võ sư ở nước ngoài từng về Việt Nam để thách đấu...