Friday, October 31, 2014

Thềm hoang - Kỳ 14

Ích cầm lấy tiền rồi trở ra giếng nước. Đến gần trưa, nó tót sang tìm bác Tốn. Lúc này bác đang ngồi tần mần bứt những cọng rơm ở dưới chiếu. Thấy tiếng động bác ngẩng lên nhìn về phía cửa, hai hàm răng của bác nhe ra trắng nhởn:
"Ai đấy?"
Ích đáp:
"Ích đây!"
"À! Đi đâu thế mày?"
"Bác không đi đánh cờ à?"
"Cờ quạt gì! Đau lưng bỏ bố đi..."
"Hút thuốc lào thì có khỏi không?"
Bác Tốn ngồi xích vào trong, nhường chỗ cho nó:
"Sao lại hút thuốc lào?"
"Thế mới bí mật quân sự chứ! Mất gì đây nói cho mà nghe!"
"Nghe cái gì?"
"Thì mất gì cho đây cái đã.”
"Thôi đi, xin ông! Hôm qua ông đã xơi của nhà con hai đồng bánh mì giò rồi! Lần này đếch chơi dại nữa.”
Ích đáp:
"Ờ! Được rồi nhé! Rồi đừng có mà hỏi nữa. Đây có chuyện cô Huệ hay bỏ xừ đi.”
Mặt bác Tốn nghếch lên:
"Chuyện gì của cô Huệ?"
Ích nháy:
"Thì bỏ gì ra đây đã nào!"
Bác Tốn nhe răng ra cười, cái cổ đưa hẳn về phía trước:
"Thôi! Năm cắc bò khô đấy!"
"Năm cắc chả bõ dính răng.”
Bác giẫy nẩy lên:
"Biết thế chó nào là dính được răng. Cái mồm nhà ông thì dễ phải hàng kí lô mới bõ chắc!"
Ích đáp:
"Chả cần kí lô thì cũng phải hai tì!"
"Thôi một tì đi! Một tì thì đã mất bố nó với nhà ông gói thuốc lào rồi.”
"Ôi, cần gì! Cô Huệ còn định cho nhà bác cả phong kia mà!"
Bác Tốn kêu lên:
"Ái chà! Sang nhỉ! Nhưng sao lại thế?"
"Thì đã bảo có khô bò đã mà!"
Bác Tốn đáp:
"Thôi đếch cần cậu nữa. Cậu phun bố nó ra cho tớ biết rồi. Cô Huệ trả nợ cái khoản hộp bánh hôm nọ bằng phong thuốc lào chớ gì! Cái nhà cô ấy hay thật! Chỉ vẽ chuyện.”
Ích túm lấy áo bác Tốn lắc mạnh:
"Còn nữa! Chưa hết đâu! Chuyện này còn hay hơn!"
"Bịa!"
"Đây thèm vào bịa! Rõ ràng buổi sáng nay mà.”
Bác Tốn gật gù:
"Ừ, thế thì được! Bằng lòng hai tì. Hai tì là kể hai chuyện đấy nhé!"
"Chuyện trước bác biết bố nó rồi còn gì!"
"Thế cô ấy bảo sao?"
"Bảo lần trước cô ấy ốm, bác tử tế mang cho bánh thì bây giờ mua thuốc lào biếu bác.”
Bác Tốn hỏi:
"Có thế thôi à?"
Ích đáp:
"Thế thôi chứù còn cái đếch gì nữa.”
Bác Tốn cười hề hề. Vớ lấy cái điếu cầy treo ở bên cạnh, bác hỏi tiếp:
"Thế còn chuyện thứ hai?"
"À, chuyện thứ hai là chuyện cô Huệ lấy Tây!"
Bác Tốn khựng hẳn người lại. Vẻ mặt bác hơi tái đi, nhưng chợt nghĩ ngay ra là thằng Ích hay đùa nên bác nhoẻn một nụ cười:
"Ấm ớ chưa! Tây đếch ở đâu ra mà lấy.”
Ích gân cổ cãi lại:
"Thật mà! Thì chính cô ấy nói ra mà!"
"Vậy thì cô ấy phịa chuyện với nhà ông rồi! Tây Tầu nào quen cô Huệ. Mà cô ấy mù tịt có biết chữ nghĩa nói năng gì đâu mà đòi lấy nhau.”
"Ấy thế mà lại cứ lấy đấy. Không lấy thì làm sao có cả ảnh con người ta nằm trong túi!"
"Ảnh của ai?"
"Bác rõ vớ vẩn, của Tây chứ của ai.”
"Tây thật không? Thôi! Khéo bố mày lại trông nhầm nhà ông nào rồi!"
"Vô lý! Cháu tinh mắt thế này mà lại bảo trông nhầm. Rõ ràng như ảnh tài tử trong ci nê ma, thì sao lại không Tây được.”
Mặt bác Tốm hơi sạm lại. Bác nuốt một cục nước miếng đang nghẹn trong cổ họng và cất giọng hỏi một cách khó khăn:
"Thật à? Tây trắng hay Tây đen?"
"Trắng!"
"Già hay trẻ?"
"Trẻ măng!"
Giọng bác bắt đầu chua chát hơn:
"Sướng nhỉ! Béo hay gầy?"
"Béo!"
"Tóc xoăn không?"
"Bác nói như bố chó xồm ấy. Tóc Tây mà không xoăn!"
"Vậy đích thị là Tây rồi! Giầu phải biết đấy nhé!"
Ích đáp:
"Đứt đuôi đi rồi. Chả thế mà tự dưng cô ấy lại gọi cho hẳn cháu hai đồng, lại cho bác cả một phong thuốc lào nữa.”
Bác Tốn nói như muốn khóc:
"Tao đếch thèm lấy!"
Ích ngạc nhiên:
"Ô hay! Sao lại dại thế?"
"Thì đã bảo không là không mà! Cần đếch gì dại với khôn.”
"Thì cứ lấy đi rồi cho cháu!"
"Gớm! Mày nói như bố chó xồm ấy! Tao mà lại đi lấy của Tây.”
"Thôi! Thế là nhà bác nổi cơn ghen rồi.”
Bác Tốn phát bẳn lên:
"Ghen đếch tao đây này! Mấy lại tao có mê đâu cơ chứ.”
"Không mê mà dạo trước lại bảo mê đứt đuôi đi rồi!"
Bác Tốn cười hềnh hệch:
"Nói thì nói thế chứ. Chả có bao giờ tao thèm mê ai đứt đuôi đi được.Thôi mày lấy cái đàn ra đây, tao hát cung văn cho mà nghe.”
Ích vỗ tay:
"Phải đấy! Bác hát cung văn thì phải biết.”
Trong khi Ích bắc ghế trèo lên vách lấy cây đàn thì bác Tốn châm lửa, hút thuốc lào sòng sọc. Hai bên má bác hóp lại, đôi lông mày díu vào nhau. Vầng trán cao và rộng của bác nổi rõ lên những đường gân xanh nhằng nhịt. Lúc bác rời cái điếu ra thì mặt bác ngây đi, cặp mắt nhắm nghiền lại, những sợi khói xanh lơ quyện lấy khuôn mặt khắc khổ, phong trần, rồi bay toả lên cao. Lúc ấy Ích đã ôm cây đàn lại gần. Nó dùng ngón tay bật lên mấy sợi dây. Âm thanh rung trong bầu gỗ làm bác Tốn quay lại mỉm cười. Hai hàm răng trắng nhởn nhe ra như răng ngựa. Bác đưa cổ ra đằng trước, lắc mấy cái cho bắp thịt dưới hàm giãn ra rồi bác đón lấy cây đàn, thử dây và bắt đầu cất giọng:
"Tình tang ơi!
Cổ tay em trắng, trắng mà lại tròn
Em để cho ai gối... ấy mà... mòn... mà mòn một bên...
Ới tình tang ơi..."
Ích kêu lên:
"Không! Không chơi hát nhảm. Bác hát những bài lên đồng nghe khoái hơn.
Bác Tốn hướng mặt về phía nó mỉm cười. Bác có cảm giác như lòng bỗng nhẹ vơi đi khi có âm thanh của tiếng đàn. Tay bác búng rất ròn một nốt thật cao. Rồi bác gẩy tiếp theo và cất giọng lên đồng:
"Ới a...ới a...
Cô Bé về đồng..
Cô Bé về đồng...
Cô bận áo lục
Cô chít... chít... à... chít chứ cái khăn hồng.
Cô cài trâm bạc ấy chứ... trâm bạc... cho bồng mấy sợi tóc mai.
Ý... y
Lủng lẳng trên vai...
Ý y... lủng lẳng trên vai
Giỏ hoa cô xếp thật tài
Cưỡi mây... mà đạp gió... ý y...
Cưỡi mây mà đạp gió... ý y...
Cô đi đôi hài xanh xảnh xành xanh.”
Thằng Ích giúi cái cọng rơm vào tay bác:
"Đây nè! Cô thưởng cho đây nè!"
Bác Tốn khoái chí, rung đùi hát to hơn:
"Đệ tử vui mừng...
Ý a... mà đệ tử vui mừng
Nghe cô chẳng quản... nghe cô chẳng quản ý a...
mưa gió bão bùng... mà... cô tới đây Rượu đây, cô uống... mời cô uống cho say...
Mà... sa lông cô ngự... ý y... báo này để cô xem.
Sắp hàng là đệ tử hai bên
Sắp hàng là đệ tử hai bên,
Nghe cô kể truyện ý ý... kể chuyện săn trên... trên miệt rừng...
Súng tây cô bắn đùng đùng...
Ới a... súng tây cô bắn đùng đùng...
Cô gầm... cô rít... oai hùng... oai thật là oai...“
Bác Tốn ngâm dứt giọng thì hạ cây đàn xuống, vớ lấy bát nước chiêu một ngụm. Ích vỗ tay:
"Hay nhỉ! Ai dạy mà bác biết những điệu hát lạ thế?“
Bác Tốn cười hề hề:
"Thì nghề chính cống bà lang trọc mà lị. Ngày xưa tao mê một cô gõ phách. Cô ấy còn hát hay bằng mười tao kia. Lại đẹp không chê được.
"Bây giờ cô ấy đâu rồi?“
"Tây nó bắn chết rồi.”
Ích xuýt xoa:
"Ui chao. Lại thế nữa?“
"Hồi ấy đi hát ở đền nào cô ấy cũng rủ tao đi. Tiền thu vào vô khối, lại no nê, nhưng tao thì chỉ mê có mỗi hai con mắt của cô ta thôi.”
Ích hỏi:
"Mắt cô ấy làm sao?“
"Mắt tình bỏ bố đi!“
Ích tủm tỉm cười:
"Hay nhỉ! Mắt tình khác mắt thường thế nào hả bác?“
Bác Tốn bật cái đóm trên mấy đầu ngón tay:
"Đếch ai mà nói được. Tình là tình chứ biết tả làm sao.”
"Thế rồi hai người có... gì nhau không?“
"Gì gì?“
"Gì ấy!"
Bàn tay của bác dúi khẽ vào bụng thằng Ích:
"Bằng từng đây mà gớm nhỉ! Nhà ông thì biết cái chó gì mà nói!“
Ích cãi:
"Biết chứ sao lại không!“
Bác Tốn cười rinh rích:
"Ái chà hăng nhỉ! Ngữ này về sau dê phải biết.”
"Bác nhảm nhí bỏ bố đi. Cháu thì còn xơi!“
"Thật không?“
"Thật!“
"Năm nay mày lên mấy?“
"Cháu mười hai!“
"Úi! Mười hai tốt rồi. Ngày xưa ở làng tao khối người lên tám đã có vợ rồi.”
Ích kêu lên:
"Bác nói phét!“
"Kìa! Thật mà! Đây mà lại có thèm nói phét với nhà ông nữa. Có vợ rồi mà còn đái dầm ra vợ nữa kìa.”
Ích trèo phắt ngay lên cổ bác Tốn, đè xuống:
"Bác nói như bố chó xồm ấy! Có mà vợ nó "phút" cho.”
Bác Tốn vừa gỡ Ích ra vừa cười:
"Phút" thật ấy chứ. Nó lôi cu cậu ra đầu hè, vừa xi nó vừa chửi.”
"Nhà bác này hôm nay nói phét không chê được. Đây đếch thèm nghe nữa đâu.”
Bác Tốn giả bộ giận dữ:
"Thì đấy mày về hỏi dượng mày xem. Có mà ối ra!“
"Thôi đi! Bác lại xui dại cháu. Hỏi ông ấy những chuyện ấy, ông ấy đánh vỡ đít.”
"Dượng mày vẫn ác thế đấy à?“
Ích gân cổ:
"Còn ngôn gì nữa. Dạo này ở nhà chán thấy mồ. Hơi một tí thì cái lão ấy rút guốc chực phang rồi.”
Bác Tốn chép miệng:
"Thế u mày không can được à?“
Ích thở dài:
"U cháu thì nói làm đếch gì. U cháu còn nhát hơn cả cháu nữa.”
"Chả phải nhát đâu. U mày nhường!“
Ích cãi:
"Nhường đếch gì! Tiền vốn, tiền lãi, lão ta moi móc đi đánh bài cả mà lại bảo nhường.”
"Chết! Đánh thế rồi lấy gì mà sống?"
"Thế đấy! U cháu thì suốt ngày than thở rằng sắp chết đói đến nơi.”
Bác Tốn không nói tiếp, ngồi im lặng trầm ngâm. Ích đang vui, nét mặt cũng trở nên buồn thỉu lại. Nó hình dung đến khuôn mặt xanh rờn và hốc hác của u Tám. Buổi chiều ở nhà, sau bữa cơm thật là buồn thảm. Dượng Tám đi chưa về, mâm cơm để phần nằm chỏng chơ trên phản gỗ. U Tám ngồi quạt muỗi âm thầm trong một góc tối. Ngọn đèn hoa kỳ leo lét trên bàn thờ soi sáng nửa mặt phía ngoài của u. Má u hóp lại. Hai mắt sâu, đen và thâm quầng. Mớ tóc quấn hờ hững ngang đầu lệch nghiêng đi, những sợi tóc xổ ra, rũ xuống cái cổ gầy vêu vao. Hôm nào u cũng ngồi yên ở chỗ đó, tay phe phẩy cái quạt hay bóp nắn những vết thâm tím mà dượng Tám đánh u như đòn thù. Ích cũng không biết u nghĩ gì về chúng nó, mà chúng nó cũng không muốn hỏi. Vì u đối với anh em Ích thật hờ hững và thản nhiên, ít khi u tỏ được một cử chỉ âu yếm hay săn sóc tới hai anh em nó. Cũng vì thế, Ích ít hay thăm hỏi đến u. Lúc bắt đầu đi hát thì nó chỉ nói gióng với cái Ngoan:
"Tao đi đây nhé!“
Ngoan đang ngồi ghếch cằm lên ngưỡng cửa. Nó cũng không đáp mà chỉ giương mắt nhìn Ích. Ích biết nó cũng chán ngán như mình. Những lúc như thế Ích thấy sự đi hát với bác Tốn thật là thần tiên. Nó quên hết những hình ảnh buồn nản ở nhà. Cảnh vật trên phố hôm nào cũng như hôm nào, nhưng đối với nó có một sức quyến rũ lạ lùng. Nhất là lại thêm bác Tốn để mà nói dóc thì vui phải biết. Nhiều hôm trời mưa vắng khách, Ích kéo bác Tốn ngồi dưới mái hiên nghe tiếng nước vỗ rào rào trên ống máng. Lòng Ích thấy thanh thản vô cùng. Nó không phải bận tâm điều gì về dượng Tám. Hình ảnh của u và em Ngoan không gợi cho nó sự hằn học, tức tủi. Lúc ấy Ích chỉ khoái chuyền nhau với bác Tốn điếu thuốc lá cháy đỏ trong bóng tối. Hai bác cháu cười rúc rích với nhau. Ích nói:
"Hút thuốc lá khoái thật!“

No comments:

Post a Comment