Tuesday, August 23, 2011

Còn đầy khoảng trống về Cách mạng tháng Tám

Nhìn lại chặng đường nghiên cứu đã qua cũng như những thành tựu đã đạt được trong việc nghiên cứu Lịch sử cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng còn có nhiều vấn đề lớn đang đặt ra cho giới làm sử.


Thiếu vắng gương mặt nhân dân

Nếu tính từ cuốn sách đầu tiên của Trường Chinh viết năm 1946 đến nay, chúng ta phải thành thật nhận rằng trong những năm qua, những thành tựu đã đạt được trong việc nghiên cứu lịch sử cuộc Cách mạng Tháng Tám là quá khiêm tốn nếu không phải là nhỏ bé so với tầm vóc to lớn của sự kiện.

Và ngay những thành tựu đã đạt được trong việc nghiên cứu lịch sử cuộc Cách mạng Tháng Tám cũng chỉ mới tập trung giải quyết chủ yếu ở góc độ Lịch sử Đảng. Phần lớn các công trình nằm trong khuôn khổ nghiên cứu và công bố của giới lịch sử Đảng thì chủ đề chính là nhằm chứng minh một luận điểm lịch sử rất đặc sắc của cuộc cách mạng này là: “lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhân sỹ, tri thức
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhân sỹ, trí thức trong Quốc hội khóa I 1946

Nói như vậy, chúng ta hoàn toàn không có quan niệm tách lịch sử Đảng khỏi lịch sử dân tộc. Ở đây, chúng ta cũng phải giải quyết một vấn đề có tính cách phương pháp luận của  khoa học lịch sử, đặc biệt là lịch sử Việt Nam trong vòng hơn nửa thế kỷ vừa qua kể từ khi Đảng của giai cấp vô sản Việt Nam ra đời và giữ vai trò độc quyền lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Những gì mà giới sử học chúng ta, đặc biệt là giới nghiên cứu lịch sử Đảng đã làm được nhằm khẳng định một cách tuyệt đối sự thực lịch sử là chính những người  cộng sản Việt Nam với chính đảng của mình và lãnh tụ Hồ Chí Minh là người lãnh đạo duy nhất đưa cuộc cách mạng Tháng Tám đến thành công. Đó là một kết luận khẳng định nhằm chống lại mọi sự nghi hoặc, thậm chí những quan điểm hết sức sai lầm và phản động của một số người cố tình chứng minh rằng “Cộng sản và Việt Minh, đã cướp công những người quốc gia trong sự kiện lịch sử này”.

Nhưng nếu lịch sử Cách mạng Tháng Tám chỉ dừng lại ở đó thì chắc chắn là chưa đủ và trong chừng mực nào đó nó làm nghèo đi sự nhận thức lịch sử của nhân dân. Hơn bao giờ hết, chính thời kỳ Cách mạng Tháng Tám 1945 là bằng chứng lịch sử về một thành công to lớn mà những người cộng sản Việt Nam, dưới sự lãnh đạo tài giỏi và uy tín tuyệt đối của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã biến Cương lĩnh, mục tiêu chính trị của một đảng kiểu mới, chỉ có khoảng 5.000 đảng viên, vừa chịu đựng những tổn thất lớn lao (sau thất bại khởi nghĩa Nam Kỳ và sự khủng bố thời chiến của đế quốc Pháp-Nhật) thành ý chí và hành động của toàn thể dân tộc.

Mặt trận Việt Minh là một đỉnh cao của thành công đó. Trong cuộc cách mạng này, bên cạnh hình ảnh những chiến sĩ cộng sản, còn biết bao tầng lớp xã hội, tổ chức yêu nước, biết bao khuôn mặt và hành vi cách mạng rất cụ thể đã tạo nên tính chất “nhân dân”, tính chất “quần chúng” của cuộc cách mạng mà chúng ta luôn khẳng định và nhấn mạnh, nhưng lại ít quan tâm nghiên cứu nhất.

Đáng tiếc là những công trình nghiên cứu về cuộc cách mạng này chỉ được trình bày một ách nghèo nàn, ít thuyết phục và theo công thức có sẵn: từ nghị quyết này tới nghị quyết khác…rồi cách mạng tiến tới thành công. Hãy quan tâm hơn nữa việc nghiên cứu cuộc cách mạng ở góc độ xã hội học của sự kiện liên quan tới số phận của mọi tầng lớp, thành viên của xã hội.
Ngày thành lập Hội Truyền bá quốc ngữ năm 1938 tại sân Vận động CSA Hà Nội: Nhà thơ Hằng Phương đang đọc diễn văn kêu gọi phụ nữ Việt Nam học chữ quốc ngữ. Trên hàng ghế gần diễn giả từ trái sang phải là các ông: Phan Thanh, Nguyễn Văn Tố, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên... Ảnh tư liệu
Ngày thành lập Hội Truyền bá quốc ngữ năm 1938 tại sân Vận động CSA Hà Nội: Nhà thơ Hằng Phương đang đọc diễn văn kêu gọi phụ nữ Việt Nam học chữ quốc ngữ. Trên hàng ghế gần diễn giả từ trái sang phải là các ông: Phan Thanh, Nguyễn Văn Tố, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên... Ảnh tư liệu.


Thực tiễn sinh động của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 cho thấy việc nghiên cứu một cách nghiêm túc và khách quan thái độ của mọi tầng lớp xã hội, tổ chức chính trị, kể cả những lực lượng đứng bên ngoài hàng ngũ những người cách mạng thực sự cuộc cách mạng này: Đảng Cộng sản và Mặt trận Việt Minh.
   
Thí dụ: Tổng hội Sinh viên chủ yếu ở phía bắc và Thanh niên Tiền phong ở phía nam là hai tổ chức tập hợp những lực lượng năng động và đông đảo tham gia vào những diễn biến của cuộc cách mạng, đặc biệt ở các đô thị, cho đến nay chưa được nghiên cứu một cách cụ thể, trừ một vài hồi ký rất tản mạn.

Hội Truyền bá quốc ngữ được thành lập từ năm 1938 do sáng kiến của những người cộng sản cho đến thời điểm cách mạng bùng nổ vẫn là một phong trào xã hội hoạt động công khai và phát triển sâu rộng, đã đóng vai trò to lớn vào thời điểm quyết định của cuộc cách mạng. Nó thực sự là một thành công trong đường lối vận động cách mạng của Đảng, nhưng đến nay việc nghiên cứu nó chỉ dừng lại ở một cuốn sách mang tính chất truyền thống của những thành viên cũ của phong trào biên soạn vào dịp kỷ niệm 50 năm, còn trong lịch sử, kể cả lịch sử Cách mạng Tháng Tám, Hội chỉ được kể đến rất mờ nhạt.

Hội hướng đạo sinh Việt Nam cũng không được nghiên cứu và luôn bị ấn tượng là một tổ chức xã hội gắn liền với chế độ thuộc địa. Nhưng chính những thành viên của tổ chức này lại góp mặt rất đông đảo và đóng góp có hiệu quả vào công cuộc giành chính quyền và xây dựng, bảo vệ chính quyền cách mạng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cao…

Ngay cả một số tổ chức quần chúng cách mạng được đánh giá cao trong lịch sử, nhưng hầu như cũng chưa được nghiên cứu đầy đủ như các tổ chức “cứu quốc” trong công nhân, nông dân…trong giai đoạn này.

Nếu cách mạng là biểu hiện tập trung nhất của sự đấu tranh giữa các lực lượng, các giai cấp xã hội, thì trong nghiên cứu Cách mạng Tháng Tám, chúng ta còn quá nhiều khoảng trống đối với việc nghiên cứu các đối tượng của cuộc cách mạng. Cho đến nay vẫn chưa có một công trình nghiên cứu nghiêm túc nào về các tổ chức, các lực lượng phản cách mạng khi đó: Quốc dân Đảng, Việt Quốc, Việt Cách, Đại Việt..v..v hay như tìm hiểu bản chất của Nội các Trần Trọng Kim, các tổ chức xã hội và chính trị đương thời: Tân Việt Nam, Tổng hội Viên Chức, v.v..Và bối cảnh kinh tế, xã hội của Việt Nam và giai đoạn này càng ít được quan tâm, v.v..

Bối cảnh quốc tế mờ nhạt

Cách mạng Tháng Tám 1945 là một bước phát triển trong tiến trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, nhưng đồng thời nó cũng là một bộ phận của lịch sử thế giới nói chung, của khu vực nói riêng trong bối cảnh của cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Những công trình nghiên cứu của chúng ta đã dành sự quan tâm nhất định đối với bối cảnh thế giới, song thường nhấn mạnh đến thắng lợi của lực lượng dân chủ đối với chủ nghĩa phát xít, trong đó nhấn mạnh đến tính chất quyết định những thắng lợi của lực lượng Hồng quân Liên Xô ở mặt trận phía Tây góp phần tiêu diệt chủ nghĩa phát xít Đức và trực tiếp hơn là chiến thắng của Liên Xô đối với đội quân Quang Đông của Nhật ở Mãn Châu.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nghiên cứu, phân tích sâu sắc hơn cả về hoạt động của Đồng minh ở những khu vực có ý nghĩa chiến lược và tác động của nó vào tình hình Đông Dương và Việt Nam. Một thời gian rất dài, chúng ta hoàn toàn không đề cập tới mối quan hệ giữa cách mạng Việt Nam, mà người đại diện trực tiếp là lãnh tụ Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt  Minh với các lực lượng Đồng minh, mà trực tiếp nhất là Mỹ.
Hồ Chí Minh và người Mỹ:
Hồ Chí Minh và người Mỹ: Chỉ huy Đội Nai, Allison Thomas, đứng giữa. Bên trái là Võ Nguyên Giáp và bên phải là Hồ Chí Minh. Đứng bên phải Hồ Chí Minh là Ren Défourneaux, thành viên duy nhất của đội có những lo lắng thật sự về mối quan hệ chính trị của Việt Minh. Ngồi trước Ren Défourneaux là nhiếp ảnh gia của đội, Alan Squires. Henrry Prunier đứng bên trái Võ Nguyên Giáp, và đứng xa nhất phía trái Võ Nguyên Giáp là Paul Hoagland, người đã cung cấp thuốc cho Hồ Chí Minh khi ông bị ốm.
(Ảnh tư liệu của Nguyễn Học)
Mối quan hệ này gần đây đã được giới sử học Việt Nam và nước ngoài quan tâm đến càng làm cho sự hiểu biết của chúng ta đối với thời kỳ lịch sử đó trở nên phong phú và biện chứng hơn; nó càng làm sáng tỏ tài năng và nghệ thuật chỉ đạo cách mạng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như thiện chí hòa bình và hữu nghị của những người cách mạng Việt Nam vào thời gian ấy đã tự xếp mình đứng trong hàng ngũ Đồng minh chống phát xít.

Ý nghĩa thắng lợi to lớn của Cách mạng Tháng Tám còn nổi rõ hơn, nếu chúng ta đặt nó trong hoàn cảnh quốc tế rất phức tạp lúc đó, khi mà trong lòng những thắng lợi của Đồng minh cũng đồng thời chứa đựng những mưu toan thực dân hoặc bành trướng của các thế lực đế quốc và quân phiệt trong nội bộ lực lượng ấy đối với các thuộc địa, đến các yếu tố quốc tế có tác động trực tiếp vào diễn tiến của tình hình Đông Dương lúc ấy.

Đó là các hoạt động quốc tế phản ánh chủ trương của Đồng minh đối với Việt Nam sau Chiến tranh thế giới thứ hai, là âm mưu trở lại Đông Dương của lực lượng Pháp Đờ Gôn, của đế quốc Anh, và đặc biệt là âm mưu “Hoa quân nhập Việt” của các thế lực quân phiệt Trung Hoa,v.v..

Dường như những vấn đề quốc tế liên quan đến sự kiện Cách mạng Tháng Tám 1945 chỉ được đề cập trong giới hạn phụ thuộc vào những quan hệ quốc tế hiện tại(?).

Một khía cạnh quan trọng nữa cũng ít được quan tâm tới là việc nghiên cứu cuộc Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam trong bối cảnh và mối tương quan với các nước trong khu vực. Sự đầu hàng của phát xít Nhật cũng như hoạt động của các lực lượng dân tộc vì mục tiêu độc lập của nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á tạo nên những tình thế cách mạng rất gần với tình hình ở Việt Nam. Vậy tại sao chỉ có ở Việt Nam mới tạo nên một cao trào cách mạng có tính chất bạo lực do những người cộng sản lãnh đạo thành công, và xây dựng nhà nước công nông đầu tiên và duy nhất ở Đông Nam Á? (…).

Dương Trung Quốc    

(Trích bài "Nghiên cứu Cách mạng tháng Tám từ hiện thực đến nhận thức", sách "Cách mạng  Tháng Tám – một sự kiện vĩ đại của thế kỷ XX" (60 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh mùng  2 tháng 9), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005).

No comments:

Post a Comment