Wednesday, July 6, 2016

Một số vấn đề pháp lý về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường qua “vụ việc Formosa Hà Tĩnh”

Có gì giống nhau giữa vụ việc Formosa Hà Tĩnh với vụ Vedan Đồng Nai? Xin cùng nhìn lại các vấn đề pháp lý về bồi thường này. Lưu ý, vụ Vedan Đồng Nai bị phát hiện vào tháng 9-2008 và kéo dằn dai cho đến năm 2013 vẫn chưa xong. Đến nay, khu vực sông Thị Vải nơi mà Vedan đã “đầu độc” vẫn không có cá tôm. Người ta đã chuyển đổi nơi này thành khu công nghiệp cảng biển.
Nhà nước có quyền đòi nửa tỷ USD, và người dân cũng được quyền đòi đền bù riêng
Các phân tích tiếp theo đây dựa trên các quy định của pháp luật hiện hành, và từ vụ việc Vedan Đồng Nai xảy ra vào năm 2008.
Chủ thể có quyền đòi bồi thường, chủ thể phải bồi thường và vấn đề đại diện
Về bản chất, tranh chấp về bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường là tranh chấp ngoài hợp đồng, là tranh chấp giữa chủ thể có hành vi gây tổn hại tới môi trường, gây ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe, tài sản của chủ thể khác. Chủ thể có quyền đòi bồi thường thiệt hại là chủ thể bị xâm hại lợi ích hợp pháp.
Thời điểm xảy ra vụ Vedan Đồng Nai, các căn cứ pháp lý như sau: Theo quy định của Điều 130 Luật bảo vệ môi trường 2005, các loại thiệt hại bao gồm: Suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường và thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và lợi ích hợp pháp khác. Theo quy định tại Điều 17 Hiến pháp 1992, Điều 200 Bộ luật dân sự 2005, các thành phần môi trường chủ yếu, trong đó có nguồn nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu và chức năng, tính hữu ích của môi trường là một lợi ích công cộng mà người đảm bảo cho lợi ích này cũng là Nhà nước. Như vậy, chủ thể có quyền đòi bồi thường trong trường hợp này là Nhà nước.
Đối với những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản và lợi ích hợp pháp thì chủ thể có có quyền đòi bồi thường là tổ chức, cá nhân bị thiệt hại.
Theo quy định tại các Điều 93, 127 Luật Bảo vệ môi trường 2005, Điều 624 Bộ luật dân sự 2005 và Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8-7-2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì chủ thể phải bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường khi thỏa mãn các yếu tố sau: i) có hành vi trái pháp luật; ii) có thiệt hại xảy ra và iii) có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp pháp luật. Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật dân sự, chủ thể gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại kể cả trong trường hợp không có lỗi.  
Với việc Vedan bị lập biên bản vi phạm vào ngày 13-9-2008, hành vi trái pháp luật đã được chúng minh. Các thiệt hại về tài sản của người dân và sự suy giảm chức năng, tính hữu ích của dòng sông Thị Vải và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra cũng đã được cơ quan khoa học chứng minh thông qua kết quả giám định của Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Như vậy, trong vụ việc này, chủ thể có quyền đòi bồi thường thiệt hại là Nhà nước và tổ chức, cá nhân bị thiệt hại về tài sản, sức khỏe do công ty TNHH Vedan có hành vi làm ô nhiễm dòng sông Thị Vải gây ra.
Đối với quyền đòi bồi thường thiệt hại của Nhà nước, theo quy định tại Điều 56 khoản 2 Bộ luật tố tụng dân sự, cơ quan, tổ chức do Bộ luật này quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Toà án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Theo đó, cơ quan được giao quản lý nhà nước về môi trường theo quy định tại Điều 121, 122 Luật bảo vệ môi trường sẽ đại diện cho Nhà nước đòi bồi thường thiệt hại về môi trường.
Đối với các hộ gia đình và cá nhân bị thiệt hại, theo quy định tại Điều 107 Bộ luật dân sự 2005, chủ hộ là người đại diện của hộ gia đình trong các giao dịch dân sự vì lợi ích chung của hộ (bao gồm cả trường hợp đòi bồi thường thiệt hại). Các chủ thể này có thể ủy quyền cho người khác đại diện thực hiện việc đòi bồi thường theo quy định tại Điều 139, 142, 143, 144, 145, 146, 147 Bộ luật dân sự 2005. Theo đó, chỉ những người được các chủ hộ bị thiệt hại ủy quyền đại diện thực hiện việc đòi bồi thường thiệt hại mới có tư cách pháp lý tham gia vào việc giải quyết tranh chấp và những người được ủy quyền đại diện này phải thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi được ủy quyền đại diện theo hợp đồng giữa các bên. 
Với vụ việc đang diễn ra tại Formosa Hà Tĩnh, các lập luận pháp lý cũng tương tự: từ điều 159 đến điều 165 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 (hiệu lực từ 1-1-2015), cùng các điều khoản liên quan của Hiến pháp 2013, Bộ Luật dân sự 2015, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 8-7-2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
Như vậy, số tiền 500 triệu USD là thỏa thuận giữa chủ thể Nhà nước với Formosa Hà Tĩnh. Đối với các hộ gia đình và cá nhân bị thiệt hại từ việc Formosa Hà Tĩnh xả thải, thì chưa có thỏa thuận nào về vấn đề này. Do đó cần thiết nhanh chóng thực hiện các bước khởi kiện dân sự để yêu cầu Formosa Hà Tĩnh phải đền bù thỏa đáng cho người dân.

Nên ra tòa hay thương lượng?
Vụ việc Vedan Đồng Nai kéo dài, và số tiền đền bù như thỏa thuận sau đó đã không đến tay người dân đầy đủ. Đây là những việc rất cần có những đánh giá minh bạch để cân nhắc lựa chọn việc khởi kiện Formosa Hà Tĩnh ra tòa, hay chấp nhận thương lượng “song phương” ngoài tòa.
Vì sao nên chọn tòa án?
Nghị quyết 04/2012/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 3-2-2012 hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự về chứng minh, chứng cứ thì các bên phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình. Chứng minh và đưa ra chứng cứ là quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia tranh chấp. Do đó, các bên đều có quyền đưa ra những mức thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại khác nhau, phụ thuộc vào ý chí và các chứng cứ thu thập được. Một bên có thể chấp nhận hoặc không chấp nhận mức độ thiệt hại do bên kia đưa ra. Trong trường hợp các bên không thống nhất được thì phải trưng cầu giám định.
Trong trường hợp phải trưng cầu giám định thì việc lựa chọn cơ quan giám định phải được sự đồng thuận của của bên đòi bồi thường và bên phải bồi thường. Trường hợp không thống nhất được thì việc chọn tổ chức giám định thiệt hại do cơ quan được giao trách nhiệm giải quyết việc bồi thường thiệt hại quyết định.
Theo những quy định này thì việc trưng cầu giám định thiệt hại trong “vụ việc Formosa Hà Tĩnh” cần có sự đồng thuận của bên bị thiệt hại (cơ quan nhà nước đại diện cho lợi ích về môi trường, các hộ gia đình bị thiệt hại hoặc người đại điện theo ủy quyền của các hộ gia đình bị thiệt hại) và chủ thể gây hại - Công ty Hưng Thịnh Formosa. Trong trường hợp không thống nhất được thì cơ quan trưng cầu giám định thiệt hại là tòa án nhân dân thụ lý, giải quyết tranh chấp này. Những giám định thiệt hại không tuân thủ quy định này không trở thành chứng cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp nhưng có thể là căn cứ tham khảo khi các bên tự thương lượng.
Như vậy, chọn tòa án là nơi giải quyết tranh chấp, người dân sẽ có lợi là đội ngũ luật sư sẽ đại diện để thực hiện tất cả các bước quy trình tố tụng; đồng thời cũng giúp minh bạch tất cả các khoản thiệt hại và đền bù hơn rất nhiều so chuyện ngồi thương lượng.
 Đối với thiệt hại về suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường, điều 181 Bộ Luật tố tụng dân sự quy định không được hòa giải trong trường hợp yêu cầu đòi bồi thường gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước. Theo tinh thần của quy định này thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng không được thỏa thuận về mức bồi thường với Công ty Hưng Thịnh Formosa mà phải khởi kiện tại tòa án. 
Một vài vấn đề đặt ra từ “vụ việc Vedan”
Công luận đang đặt câu hỏi là căn cứ vào đâu để chính phủ Việt Nam chấp nhận số tiền đền bù là 500 triệu USD từ Công ty Hưng Thịnh Formosa? Liệu có một thỏa thuận nào khác không được công bố trong vụ việc? Băn khoăn này nhất thiết phải được đặt ra như điều kiện tiên quyết.
Như đã trình bày ở trên, đối với những tranh chấp bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực môi trường, người bị hại là người dân thường có vị thế yếu thế hơn so với người gây hại. Do đó, cần có sự hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan nghiên cứu. Tuy nhiên, sự hỗ trợ này phải dựa trên lợi ích của người dân và không thể xâm phạm tới quyền tự định đoạt của các đương sự trong mối quan hệ dân sự.
Ở vụ việc Vedan Đồng Nai, người ta nhận ra rằng các cơ quan quan lý nhà nước cũng như của Hội nông dân đã can thiệp quá sâu vào quyền định đoạt của các bên tranh chấp. Tranh chấp về bồi thường thiệt hại giữa những người dân bị thiệt hại với Công ty Vedan hôm qua, và Formosa Hà Tĩnh hiện tại là tranh chấp dân sự. Các ý kiến, kể cả bằng hình thức văn bản, của cơ quan hành chính nhà nước được nhìn nhận là những gợi ý, những ý kiến của người thứ ba trong quan hệ tranh chấp nhằm tìm ra những phương án giải quyết chứ không phải là những quyết định mang tính chất quyền lực buộc các bên tuân thủ.
Hội nông dân được hiểu là tổ chức đại diện cho lợi ích của người nông dân. Khi lợi ích của người nông dân bị xâm hại thì tổ chức này có trách nhiệm, trong chức năng quyền hạn của mình, giúp hội viên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên, diễn biến vụ việc Vedan trong quá khứ, và Formosa Hà Tĩnh hiện tại cho thấy tiếp tục tình trạng Hội nông dân “chờ đợi ý kiến chỉ đạo” của cơ quan hành chính nhà nước và do đó có thể chưa thực hiện đúng, đủ và hết chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ theo Điều lệ Hội nông dân.
Việc hình thành những liên minh các văn phòng luật sư để cùng giúp người dân kiện Formosa Hà Tĩnh ra tòa, được đánh giá là một giải pháp phù hợp và đã được khởi động tại Hà Nội và Sài Gòn.

No comments:

Post a Comment