Friday, November 13, 2015

Hôm nay, Ông đã về...


Vào khoảng 9:00 tối ngày 13/11/2015 (giờ Cali), nhạc sĩ Anh Bằng đã thanh thản ra đi về nước Chúa, trước sự tiễn đưa đầy thương tiếc của gia đình, con cháu tại tự gia thành phố Orange Nam California, hưởng thọ 89 tuổi.

Nhớ Ông...

Một chia sẻ của Hoàng:

Mặc dù Anh Bằng phổ nhạc bài Khúc Thụy Du dựa theo bài thơ cùng tên của tác giả Du Tử Lê nhưng có thể nhận thấy rằng chủ điểm của bài hát Khúc Thụy Du và bài thơ Khúc Thụy Du là hoàn toàn khác nhau. 

Có nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề này, nhưng ở đây Hoàng muốn đề cập đến một khía cạnh khác : Khúc Thụy Du của Anh Bằng (Hoàng tạm gọi như thế) thật day dứt mà nhẹ nhàng trong khi Khúc Thụy Du của Du Tử Lê lại là một trong những tiếng thét gào đau thương thời loạn. 

Và như vậy, bài hát Khúc Thụy Du và bài thơ Khúc Thụy Du tuy hai mà một, tuy một mà hai...
* * *

Còn đây là lời trần tình của Du Tử Lê về tác phẩm Khúc Thụy Du.

Khi biến cố Tết Mậu Thân, 1968 xẩy ra, đó cũng là lúc cuộc tình của tôi và một nữ sinh viên trường Dược, ở Saigòn cũng khởi đầu.

Đầu tháng 3-1968, tôi bị chỉ định đi làm phóng sự một tiểu đoàn TQLC đang giải toả khu Ngã tư Bảy Hiền.

Lúc đó, cả thành phố Saigòn vẫn còn giới nghiêm. Trên đường đi, từ cục TLC ở đầu đường Hồng Thập Tự, gần cầu Thị Nghè tới khu Ngã tư Bảy Hiền, đường xá vắng tanh. Khi gần tới ngã tư Bảy Hiền, ngoại ô Saigòn, tôi thấy trên đường đi còn khá nhiều xác chết. Đó là những xác chết không toàn thây, bị cháy nám; rất khó nhận biết những xác chết là dân chúng, binh sĩ hay bộ đội CS.

Khi tới gần khu ngã tư Bảy Hiền, dù không muốn nhìn, tôi vẫn thấy rất nhiều mảnh thịt người vương vãi hai bên đường. Có cả những cánh tay văng, vướng trên giây điện…Rất nhiều căn nhà trúng bị bom, đạn. Đổ nát. Tôi cũng thấy những con chó vô chủ gậm chân, tay xương người bên lề đường… Tất cả những hình ảnh ghê rợn này đập vào mắt tôi, cùng mùi hôi thối tẩm, loang trong không khí.

Khi tới vùng giao tranh, tôi gặp người trách nhiệm cuộc hành quân giải toả khu chợ Bảy Hiền. Đó là thiếu tá Nguyễn Kim Tiền. Anh vốn là một bạn học thời trung học của tôi. Tiền cho biết, đơn vị của anh đang ở giai đoạn cực kỳ nguy hiểm. hai bên rình rập nhau, như trò cút bắt, để tranh giành từng gian hàng, từng ngôi nhà… Anh nói tôi phải rời khỏi khu chợ, lập tức. Vì anh không thể bảo đảm sinh mạng cho tôi, dù là bạn cũ….

Trên đường về, cái khung cảnh hoang tàn, đổ nát với xương thịt người vung vãi khắp nơi, cùng với mùi người chết sình thối…khiến tôi muốn nôn oẹ, một lần nữa lại gây chấn động dữ dội trong tôi…

Giữa tháng 3 – 1968, nhà văn Trần Phong Giao, Thư ký toà soạn Tạp chí Văn, gọi điện thoại vào phòng Báo Chí, cục TLC, hỏi tôi có thể viết cái gì đó, cho Văn số tục bản.

Gọi là “tục bản” bởi vì sau số Xuân, khi biến cố mồng 1 Tết xẩy ra, báo Văn ngưng xuất bản. Lý do, các nhà phát hành không hoạt động. Đường về miền tây cũng như đường ra miền Trung bị gián đoạn. Saigòn giới nghiêm. Tuy nhiên, ông nói, hy vọng ít ngày nữa, giao thông sẽ trở lại - - Thêm nữa, không thể để Văn đình bản quá lâu.

Sau khi nhận lời đưa bài cho Trần Phong Giao, tôi mới giật mình, hốt hoảng.

Tôi nghĩ, giữa tình cảnh ấy, tôi không thể đưa ông một bài thơ tình, hay một chuyện tình. Mặc dù thơ tình hay chuyện tình là lãnh vực của tôi thuở ấy. Nhưng, tôi thấy, nếu tiếp tục con đường quen thuộc kia, tôi sẽ không chỉ không phải với người đọc mà, tôi còn không phải với hàng ngàn, hàng vạn linh hồn đồng bào, những người chết tức tưởi, oan khiên vì chiến tranh nữa…

Cuối cùng, gần hạn kỳ phải đưa bài, nhớ lại những giờ phút ở ngã tư Bảy Hiền, tôi ngồi xuống viết bài thơ ghi lại những gì mục kích trên đường đi.

Viết xong, tôi không tìm được một nhan đề gần, sát với nội dung!

Bài thơ dài trên 100 câu. Nhưng khi Văn đem đi kiểm duyệt, bộ Thông Tin đục bỏ của tôi gần 1/ 3 nửa bài thơ.

Thời đó, tôi viết tay, không có bản phụ, nên, sau này khi gom lại để in thành sách, tôi không có một bản nào khác, ngoài bản in trên báo Văn (đã kiểm duyệt.)

Tuy còn mấy chục câu thôi, nhưng nội dung bài thơ, từ đầu đến cuối, vẫn là một bài thơ nói về thảm cảnh chiến tranh. Người phụ trách phần kiểm duyệt vẫn để lại cho bài thở của tôi những câu cực kỳ “phản chiến” như: “…Ngước lên nhìn huyệt lộ - bày quả rỉa xác người - (của tươi đời nhượng lại) - bữa ăn nào ngon hơn – làm sao tôi nói được…” Hoặc: “…Trên xác người chưa rữa – trên thịt người chưa tan – trên cánh tay chó gậm – trên chiếc đầu lợn tha…” vân vân… 

Nói cách khác, tình yêu chỉ là phần phụ; với những câu hỏi được đặt ra cho những người yêu nhau, giữa khung cảnh chết chóc kia, là gì? Nếu không phải là những tuyệt vọng cùng, tất cả sự vô nghĩa chói gắt của kiếp người?

Như đã nói, thời gian ra đời của bài thơ cũng là khởi đầu của cuộc tình giữa tôi và một sinh viên đại học Dược…Tôi lấy một chữ lót trong tên gọi của người con gái này, cộng với chữ đầu, bút hiệu của tôi, làm thành nhan đề bài thơ. Nó như một cộng nghiệp hay chung một tai hoạ, một tuyệt lộ.

Bài thơ ấy, sau đó tôi cho in trong tuyển tập “Thơ Du Tử Lê (1967-1972).

Cuối năm, tập thơ được trao giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc, bộ môn thi ca, 973.

Năm 1983, tôi cho tái bản cuốn thơ này sau khi được một độc giả du học tại Mỹ trước năm 1975, cho lại. Cô nói, tôi phải hứa in lại và dành bản đầu tiên cho cô…

Sau đấy, một buổi tối, nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm tôi ở quán Café Tay Trái (toạ lạc ngay ngã tư đường Trask và Fairview.) Ông nói, ông mới phổ nhạc bài “Khúc Thuỵ Du.” Ông cho tôi quyền chọn người hát. Ông nhấn mạnh:

“Tôi có thể chỉ cho người đó hát…”

Thời gian đó, trong số bằng hữu giúp tôi điều hành Café Tay Trái, có nhạc sĩ Việt Dzũng. Lúc nhạc sĩ Anh Bằng đến tìm tôi, cũng là lúc Việt Dzũng có mặt; đang chuẩn bị cho chương trình ca nhạc buổi tối. Tôi giới thiệu hai người với nhau.

Khi ca khúc “Khúc Thuỵ Du” ra đời dạng casette, với tiếng hát của Việt Dzũng, tôi mới biết, nhạc sĩ Anh Bằng chỉ lọc, lựa một số câu thơ liên quan tới tình yêu mà, không lấy một câu thơ nào nói một cách cụ thể về chiến tranh, chết chóc… Chết chóc hay chiến tranh được hiểu ngầm, như một thứ background mờ nhạt.

Từ đó đến nay, thỉnh thoảng vẫn còn có người lên tiếng phản đối sự giản lược nội dung bài thơ của tôi vào một khía cạnh rất phụ: Khía cạnh tình yêu trong ca khúc “Khúc Thuỵ Du”…

Nhưng, hôm nay, sau mấy chục năm nhìn lại, tôi thấy, ông cũng có cái lý của ông… 

KHÚC THỤY DU

1.
Như con chim bói cá
Trên cọc nhọn trăm năm
Tôi tìm đời đánh mất
Trong vũng nước cuộc đời

Như con chim bói cá
Tôi thường ngừng cánh bay
Ngước nhìn lên huyệt lộ
Bầy quạ rỉa xác người
(Của tươi đời nhượng lại)
Bữa ăn nào ngon hơn
Làm sao tôi nói được

Như con chim bói cá
Tôi lặn sâu trong bùn
Hoài công tìm ý nghĩa
Cho cảnh tình hôm nay

Trên xác người chưa rữa
Trên thịt người chưa tan
Trên cánh tay chó gậm
Trên chiếc đầu lợn tha

Tôi sống như người mù
Tôi sống như người điên
Tôi làm chim bói cá
Lặn tìm vuông đời mình

Trên mặt đất nhiên lặng
Không tăm nào sủi lên
Đời sống như thân nấm
Mỗi ngày một lùn đi
Tâm hồn ta cọc lại
Ai làm người như tôi?

2.
Mịn màng như nỗi chết
Hoang đường như tuổi thơ
Chưa một lần hé mở
Trên ngọn cờ không bay

Đôi mắt nàng không khép
Bàn tay nàng không thưa
Lọn tóc nàng đêm tối
Khư khư ôm tình dài

Ngực tôi đầy nắng lửa
Hãy nói về cuộc đời
Tôi còn gì để sống
Hãy nói về cuộc đời
Khi tôi không còn nữa
Sẽ mang được những gì
Về bên kia thế giới
Thụy ơi và Thụy ơi

Tôi làm ma không đầu
Tôi làm ma không bụng
Tôi chỉ còn đôi chân
Hay chỉ còn đôi tay
Sờ soạng tìm thi thể
Quờ quạng tìm trái tim
Lẫn tan cùng vỏ đạn
Dính văng cùng mảnh bom
Thụy ơi và Thụy ơi

Đừng bao giờ em hỏi
Vì sao mình yêu nhau
Vì sao môi anh nóng
Vì sao tay anh lạnh
Vì sao thân anh run
Vì sao chân không vững
Vì sao anh van em
Hãy cho anh được thở
Bằng ngực em rũ buồn
Hãy cho anh được ôm
Em, ngang bằng sự chết
Tình yêu như ngọn dao
Anh đâm mình, lút cán
Thụy ơi và Thụy ơi
Không còn gì có nghĩa
Ngoài tình em tình em
Đã ướt đầm thân thể

Anh ru anh ngủ mùi
Đợi một giờ linh hiển.

(03-68)

No comments:

Post a Comment