Sunday, August 16, 2015

Công an sợ cái gì của người đàn bà nhất?


Cho đến nay, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định rằng “văng tục – chửi bậy” trong trạng thái say xỉn là hành vi “cản trở người thi hành công vụ”. Tuy nhiên trong tương lai, khả năng “văng tục – chửi bậy” khi say xỉn sẽ bị bắt bỏ tù về tội hình sự.
Thế nào là chống người thi hành công vụ?
Bộ luật hình sự (BLHS), “Điều 257. Tội chống người thi hành công vụ: 1. Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc  họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm: a) Có tổ chức; b) Phạm tội nhiều lần; c) Xúi giục, lôi kéo, kích động  người khác phạm tội; d) Gây hậu quả nghiêm trọng; đ) Tái phạm nguy hiểm”.
Theo cáo trạng, đêm 26-2-2015, khi người mẫu tự do, diễn viên Trang Trần cùng một người bạn đi taxi từ phố Ngô Văn Sở về khách sạn ở phố Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), đến phố Đào Duy Từ, tài xế đi vào đường ngược chiều nên đã bị lực lượng Công an phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) yêu cầu dừng xe, kiểm tra giấy tờ. Tuy nhiên, Trang Trần đã có những hành vi phản ứng, thái độ bất hợp tác. Một số bạn bè, người dân can ngăn song cô vẫn xông vào lăng mạ, phải 2-3 người giữ mới đưa được Trang Trần về trụ sở Công an phường Hàng Buồm. Đến ngày 27-2, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Hoàn Kiếm - Công an TP Hà Nội đã ra quyết định bắt khẩn cấp Trần Thị Trang.
Tại cơ quan công an, Trần Thị Trang đã thừa nhận sai phạm, cho rằng bản thân mất kiểm soát bởi khi đó đã uống quá nhiều rượu. Ngày 1-3, tại Công an quận Hoàn Kiếm, Trang Trần đã viết bản kiểm điểm xin lỗi lực lượng chức năng, người hâm mộ.
VKSND quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) đã hoàn tất cáo trạng vụ án và truy tố Trần Thị Trang (30 tuổi, nghệ danh Trang Trần, trú tại Hà Nội) về tội Chống người thi hành công vụ, theo khoản 1, điều 257 BLHS.

Khi nào thì phạm tội?
Để cấu thành nên “Tội chống người thi hành công vụ” thì người phạm tội phải thực hiện một trong các hành vi sau:
Trước tiên, hành vi dùng vũ lực là hành vi dùng sức mạnh vật chất tấn công có thể làm cho người thi hành công vụ bị thương, bị tổn hại đến sức khỏe hoặc chưa gây ra thương tích đáng kể (không có tỉ lệ thương tật qua giám định), nhằm mục đích cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ, hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, như: đấm, đá, dùng cây đánh, dùng đất, đá ném,...
Ở đây, qua các clip được đăng tải công khai trên mạng, Trang Trần chỉ chửi bới, văng tục – hành vi của “xúc phạm danh dự và nhân phẩm người khác” theo Ðiều 37 Bộ luật dân sự, hoặc nghiêm trọng hơn là “tội làm nhục người khác” quy định tại Điều 121 BLHS.
Tiếp theo, hành vi đe dọa dùng vũ lực đó là hành vi dùng lời nói hoặc hành động để uy hiếp tinh thần người thi hành công vụ, làm cho họ sợ rằng việc dùng vũ lực sẽ xảy ra ngay tức khắc, nhằm mục đích cản trở làm những người thi hành công vụ không thực hiện được, hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
Ở đây, Trang Trần dùng ngôn từ chỉ bộ phận sinh dục nữ để so sánh với các cán bộ công an phường Hàng Buồm, không thể là “hành vi đe dọa” vì chắc rằng không có ai sợ “bộ phận sinh dục” của Trang Trần.
Còn hành vi dùng thủ đoạn khác, theo quy định của pháp luật hiện hành thì chưa có văn bản nào hướng dẫn, hoặc quy định về các hành vi dùng thủ đoạn khác bao gồm các hành vi nào. Vì vậy trên thực tế cơ quan công an sẽ xem xét các hành vi không thuộc 2 trường hợp trên, nhưng có mục đích cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ của họ, hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật.
Để cấu thành nên tội phạm này, ngoài các hành vi trên, người phạm tội phải biết và nhận thức rõ được hành vi của mình là nhằm mục đích cản trở người thi hành công vụ, hoặc cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật. Nếu một người khi thực hiện hành vi mà không biết là đang cản trở người thi hành công vụ, hoặc cưỡng ép người thi hành công vụ làm trái pháp luật, có cơ sở chính đáng thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng.
Ở đây, theo xác nhận của công an phường Hàng Buồm, Trang Trần có hành vi trong tình trạng say xỉn, mất kiểm soát.

Hình sự hóa một quan hệ hành chính
Nghị định số 167/2013/NĐ-CP, Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, “Điều 20. Hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ hoặc đưa hối lộ người thi hành công vụ: 1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi môi giới, tiếp tay, chỉ dẫn cho cá nhân, tổ chức vi phạm trốn tránh việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ. 2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ; b) Có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; c) Xúi giục, lôi kéo hoặc kích động người khác không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ.
3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ; b) Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ; c) Đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người thi hành công vụ để trốn tránh việc xử lý vi phạm hành chính. 4. Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu số tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác đối với hành vi quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều này”.
Như vậy có thể thấy hành vi chống người thi hành công vụ ở mức độ nào đó, sẽ bị xử lý hành chính, ở mức độ cao hơn sẽ bị xử lý hình sự. Tuy nhiên việc nhìn nhận tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi chống người thi hành công vụ ở mức cao (để xử lý hình sự), hay mức độ thấp (để xử lý hành chính) thì không có bất cứ văn bản nào quy định cụ thể. Điều này dẫn đến việc tùy tiện của cơ quan chức năng khi xử lý hành vi chống người thi hành công vụ.
Theo như thống kê của Bộ công an trong tờ trình Dự thảo Nghị định Các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ, cho thấy thống kê từ năm 2002 – 2012, “cả nước đã xảy ra 8.513 vụ, với 13.706 đối tượng vi phạm, trong đó, số vụ việc xử lý hình sự là 6.882 với 11.131 đối tượng; số vụ việc xử lý hành chính là 1.594 với 2.811 đối tượng”. Tỷ lệ xử lý hình sự cao gấp khoảng 4,5 lần xử lý hành chính, trong khi thông thường một hành vi nếu có cả chế tài hình sự, cả chế tài hành chính thì tỷ lệ xử lý hành chính sẽ nhiều hơn xử lý hình sự. Việc xử lý hình sự nhiều có thể một phần đến từ việc các hành vi này có đối tượng tác động chủ yếu là cơ quan công an, mà vụ việc cô diễn viên Trang Trần sắp tới đây là một ví dụ.
Minh Tâm

No comments:

Post a Comment