Tuesday, January 13, 2015

Tay đã nhúng chàm, không thể chống tham nhũng


“Bản thân mỗi đồng chí và cả gia đình, vợ, con, phải giữ gìn sự trong sạch, rồi mới chống tham nhũng được, nếu không nói chẳng ai nghe, tay đã nhúng chàm thì không thể làm gì khác được” - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại Ban Chỉ đạo Trung ương phòng, chống tham nhũng vào sáng ngày 4-2-2013, trong phiên họp lần thứ nhất khi chức danh Trưởng Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng được chuyển từ Thủ tướng sang Tổng Bí thư.
Trên cương vị mới, có lẽ quá bề bộn công việc nên trọng trách này được giao gần như toàn bộ cho ông Nguyễn Bá Thanh vị trí phó thường trực Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Nói như vậy để thấy rằng nếu căn cứ vào Luật phòng, chống tham nhũng, thì ghế Trưởng Ban Chỉ đạo của Tổng Bí thư hiện nay gần như “hữu danh vô thực”.
Xin được trao đổi.
Tố cáo tham nhũng là gây chia rẽ nội bộ?
Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương chiều 29-12-2014, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang khẳng định, “năm 2015 lực lượng công an sẽ quyết liệt tập trung ngăn chặn thế lực thù địch phát tán tài liệu xuyên tạc trên mạng internet nhằm bôi nhọ, đả kích các đồng chí lãnh đạo, gây chia rẽ nội bộ”.
Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh bày tỏ sự đồng tình với Bộ trưởng Công an và đề nghị Bộ Thông tin - Truyền thông, các bộ ngành chức năng cần quản lý tốt mạng internet.
“Vừa qua, trên mạng nói xấu cả Đảng, Nhà nước, Bộ Chính trị, cả lãnh tụ là rất căng, gây phân tâm. Trong Quân đội có giáo dục cán bộ chiến sĩ nhưng về nhà, hay ra quán đọc thì rất khó kiểm soát. Anh em bảo vệ biên giới, biển đảo mà đọc những điều này thì rất gay. Phải có biện pháp chứ không nên thả nổi”, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đề nghị.
Thế nào là “nói xấu” Đảng và Nhà nước?
“Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng Đặng Hoàng Đa có lịch sử chính trị gia đình nội, ngoại (cha đẻ, cha vợ) đã có thời gian theo địch thì không thể đứng trong hàng ngũ Công an nhân dân; có nhiều dấu hiệu sai phạm chưa được xử lí theo quy định của pháp luật”. Báo Người cao tuổi đã kết như vậy trong bài viết đặt nghi vấn “Cố tình che giấu lí lịch?” của đương kiêm Giám đốc Công an tỉnh Sóc Trăng Đặng Hoàng Đa.
Cũng trên báo Người cao tuổi còn có loạt bài về Thiếu tướng Giám đốc Công an tỉnh Bến Tre Hồ Quốc Việt.
“Thời gian qua, Báo Người cao tuổi đăng loạt bài phản ảnh nhiều tiêu cực xảy ra tại tỉnh Bến Tre nhưng chưa được xử lí như: “Vườn phố Thường vụ”, “Ban Thường vụ Tỉnh ủy bao che cho kẻ phá 25,8 ha rừng đặc dụng”, “Một đường dây làm hộ chiếu giả”, “Nhiều vụ án giết người không bị khởi tố hình sự”, v.v… liên quan đến ngành Công an Bến Tre vẫn đang bị bưng bít, ém nhẹm… Ai bảo kê cho các loại tội phạm trên? Báo Người cao tuổi tiếp tục đăng chân dung một vị tướng công an từng gây ra nhiều tai tiếng ở tỉnh này…”.
Báo Người cao tuổi hoạt động theo Giấy phép số: 256/GP-TTĐT do Cục Quản lý Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 03-12-2010. Tổng biên tập là ông Kim Quốc Hoa. Tòa soạn ở 12 Lê Hồng Phong - Ba Đình - Hà Nội.
Đây cũng là tờ báo đầu tiên đã có bài viết tố cáo những dấu hiệu sai phạm của ông Trần Văn Truyền, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Ban Cán sự Đảng, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ…
Trang blog “Chân dung quyền lực” với tiêu chí “Nhận diện các gương mặt trong Bộ Chính trị Khóa 11 và các gương mặt mới sẽ vào Bộ Chính trị Khóa 12: Những thông tin trung thực, khách quan để Nhân dân có thể đánh giá năng lực, nhân cách của những người sẽ quyết định vận mệnh của dân tộc”, đã lần lược tố cáo chi tiết, có địa chỉ từng hành vi tham nhũng của từng cá nhân cụ thể (trích):
Bài viết có tựa “Ông Phùng Quang Thanh: ông có thể cho biết những điểm nào trong khối tài sản khổng lồ sau đây là xuyên tạc, bịa đặt?”, đã thống kê về tài sản của Đại tá Phùng Quang Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty 319, con trai Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh đang sở hữu 06 biệt thự, căn hộ hạng sang với tổng trị giá là 230,4 tỷ đồng.
“Đề nghị TW thanh tra khối tài sản hàng nghìn tỷ của Vũ Chí Hùng, con rể Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc”, là bài viết kèm chứng cứ bản scan kê khai tài sản của Vũ Chí Hùng, con rể Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được lập vào cuối năm 2013 khi chuẩn bị rời công ty PTSC về Hà Nội nhậm chức Phó Vụ trưởng, Vụ Quản lý Thuế doanh nghiệp lớn thuộc Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính.
“Gia đình Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận bao nhiêu Cổ phiếu, Cổ phần của đại gia Hoa kiều Đặng Văn Thành?” là bài viết kèm theo hình ảnh chứng cứ chụp lại hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần của ngân hàng này với ông Vũ Chí Hùng. Ngoài ra còn kèm cả sao chụp chứng cứ sổ đăng ký sở hữu cổ phần số VSDSCR200420074, đứng tên bà Trần Nguyệt Thu (vợ ông Phúc).
Theo thống kê vào tháng 3-2013, bà Thu đang giữ 1.578.170 cổ phần của Thành Thành Công, chiếm tỷ lệ 1,1% sở hữu. Xét về cổ đông cá nhân, tỷ lệ sở hữu tại Thành Thành Công của vợ chồng Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ thua một số người chủ chốt như Đặng Hồng Anh (9%), Triệu Phi Yến (4,61%), Đặng Nhãn Dung (4,23%), Văn Hồng My (3,04%), Nguyễn Ngọc Anh Thư (2,21%) và Chung Thị Mỹ Dung (1,65%).
Ông Nguyễn Xuân Phúc hiện còn giữ chức phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Tố cáo tham nhũng chứ không phải nói xấu Đảng
“Công dân có quyền phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng; có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phát hiện, xử lý người có hành vi tham nhũng”. (Điều 6. Quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng, Luật phòng, chống tham nhũng).
“Blog” là một thuật ngữ có nguồn gốc từ cặp từ “Web Log” hay “Weblog” dùng để chỉ một tập san cá nhân trực tuyến, một quyển nhật ký dựa trên nền web hay một bản tin trực tuyến nhằm thông báo những sự kiện xảy ra hàng ngày về một vấn đề gì đó.
Các chứng cứ được viện dẫn để tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của một cá nhân, quan chức nào đó trên trang “blog” là phù hợp với nội dung của Điều 6 nói trên.
Tại Điều 10 của luật này có quy định về việc cấm đe doạ, trả thù, trù dập người phát hiện, báo cáo, tố giác, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng; và cấm lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu cáo, vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác.
Như vậy một khi chưa tìm hiểu đúng sai về các nội dung tố cáo mà đã vội vã kết luận là “bôi nhọ, đả kích các đồng chí lãnh đạo, gây chia rẽ nội bộ”, cho thấy sự tắc trách của cơ quan công quyền. Đặc biệt là ở vị trí Trưởng Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, Tổng Bí thư đã không thực hiện đầy đủ các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng.
“Chúng ta phải cam kết với nhau, mỗi thành viên Ban Chỉ đạo phải là một tấm gương về liêm sáng, trung thực, công tâm, khách quan, nếu không dân không tin”, Tổng Bí thư nhấn mạnh như vậy tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tổ chức vào ngày 4-2-2013 tại Trụ sở Trung ương Đảng.

Liệu tay của những ai đã nhúng chàm?

No comments:

Post a Comment