Thursday, January 15, 2015

Một nền giáo dục bắt nạt

Hôm nay, trên trang http://www.voatiengviet.com/content/vietnam-can-xay-dung-mot-nen-giao-duc-khong-bat-nat/2597862.html, có rút tít bài “Việt Nam cần xây dựng một nền giáo dục không bắt nạt”.
Có quá nhiều sự giả vờ
Tít bài này nằm trong câu trả lời phỏng vấn của nhà giáo Phạm Toàn, người lập ra nhóm làm sách Cánh Buồm, tác giả của nhiều sách giáo khoa thực nghiệm hệ thống phương pháp mới, phân tích căn nguyên và giải pháp cho những nhức nhối trong nền giáo dục Việt Nam hiện nay.
Trước sự việc em Lê Thị Phước Hải có bệnh sử động kinh, học lớp 6/7 trường trung học cơ sở Phan Bội Châu, quận Tân Phú, TP.HCM, qua đời sau khi bị cô Thảo Vy phụ trách môn Công Nghệ cặp nhiều chiếc thước kẻ đánh vào mông hôm 6-1, nhà giáo Phạm Toàn, nói: “Tôi ước mơ xây dựng một nền giáo dục không bắt nạt trẻ em. Sinh viên ngành sư phạm của ta không hề được học để biết những vấn đề về sinh lý, tâm lý trẻ em một cách cặn kẽ.
Các nhà sư phạm của ta được đào tạo ở Liên Xô và Trung Quốc về cũng không biết những vấn đề như thế và cũng không bao giờ tìm những giải pháp cho giáo viên cả. Vụ việc của em Hải vừa rồi thật đau lòng, nhưng nhìn toàn cục mà nói, nó không khiến mình ngạc nhiên vì nền giáo dục đào tạo giáo viên như hiện nay gây cái chết cho học sinh cả tâm trí lẫn thể xác”.
Nhà giáo Phạm Toàn cũng thẳng thắn phê phán: “Có quy định không được đánh, không được hành hạ hay làm ảnh hưởng đến cơ thể trẻ em. Nhưng người ta vẫn không thực hiện.
Công an cũng được quy định không đánh dân. Cụ Hồ nói công an là bạn dân mà. Thế nhưng họ cứ đánh, làm gì họ. Không ai kiểm tra cả. Đến lúc thanh tra ra thì lại che dấu. Ở Việt Nam có đầy đủ luật lệ cấm hành hạ về cơ thể nhưng người ta cứ vi phạm, chịu bó tay”.
Theo bài phỏng vấn trên VOA, nhà giáo Phạm Toàn bức xúc khi viện dẫn trường hợp của luật sư Võ An Đôn đứng ra bênh vực người nghèo tìm cách truy tố những kẻ có tội, để bây giờ đang là mục tiêu của các cơ quan cấp tỉnh hùa vào định tiêu diệt ông Đôn.
“Anh Đôn là một người hùng, người của dân, của một nền pháp trị mới hoàn toàn. Anh muốn làm việc tốt đẹp dựa vào luật pháp, thế mà giờ anh ấy bị thế đấy. Việt Nam bây giờ đang là sự vật lộn giữa luật có thật và luật giả vờ, giữa đạo đức có thật và đạo đức giả vờ, giữa một nền pháp trị có thật và một nền pháp trị giả vờ, giữa những chuẩn mực có thật và những chuẩn mực giả vờ. Việt Nam đang vật lộn để trở thành một đất nước ngay thật thoát ra khỏi sự giả vờ”.
Phóng viên Trà My của VOA hỏi: “Có luật mà mọi người không chấp hành phải chăng thiếu biện pháp xử pháp nghiêm minh, một yếu tố đi kèm rất quan trọng?”.
Nhà giáo Phạm Toàn: “Không, không. Vì có những kẻ đứng trên luật, nhân danh sự lãnh đạo để thực hiện cái gọi là luật ấy. Và có những kẻ đứng trên luật để xử. Ai đứng trên luật, mọi người đều biết cả rồi”.
Ai bất hạnh?
Cũng liên quan đến câu chuyện của “một nền giáo dục bắt nạt”, trên trang blog của ông Nguyễn Hưng Quốc, chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc, trong bài “Ai bất hạnh hơn ai?”, có đoạn viết:
“Nếu giới hạn trong quãng thời gian từ 1954 đến 1975, quả thực văn học miền Bắc, cũng như mọi nền văn học hiện thực xã hội khác dưới các chế độ cộng sản nói chung, bất hạnh hơn hẳn văn học miền Nam. Ở miền Nam, không có ai, chỉ vì một truyện ngắn vu vơ viết cho trẻ con như của Hoàng Cát, một bài thơ ngắn nêu những nghĩ ngợi bâng quơ về khói bom như của Phạm Tiến Duật, một cuốn tiểu thuyết vô thưởng vô phạm như “Vào đời” của Hà Minh Tuân… mà tác giả bị lên án kịch liệt; có người bị cấm xuất bản đến cả mấy chục năm.
Ở miền Nam cũng không hề có vụ án văn học nào như vụ Nhân Văn Giai Phẩm, ở đó, nhiều văn nghệ sĩ được xem là có tài nhất trong thế hệ của họ bị đẩy đi lao động cải tạo trong nhiều năm và cuối cùng, bị cấm xuất bản trong suốt 30 năm. Ở miền Nam, giới văn nghệ chưa bao giờ bị chính quyền khinh rẻ, coi như là “con nít” cần cầm tay chỉ đường như lời than thở của Nguyễn Đăng Mạnh ở miền Bắc. Ở miền Nam cũng không có nhà văn hay nhà thơ nào ở tình cảnh vừa viết được một câu trung lại phải vội vã viết một câu nịnh để tự thâm tâm lúc nào cũng thấy nhục nhã là mình “hèn” như lời kể của Nguyễn Minh Châu ở miền Bắc”.
Có lẽ “bất hạnh” như lời của ông Nguyễn Hưng Quốc muốn chia sẻ với ông Vương Trí Nhàn trong bài viết, cũng có gốc nguồn nguyên do từ “một nền giáo dục bắt nạt”.

No comments:

Post a Comment